Bài nổi bật

Khi thị trường nóng lạnh, sổ mũi

RadioVn.Com – Chỉ trong một vài tháng mà giá vàng đột biến tăng tới ba hai phần trăm; thậm chí, chỉ hai tuần giá vàng trong nước tăng mười phần trăm, qua mặt giá vàng thế giới. Các nhà dự đoán kinh tế còn cho rằng, với đà này, kỷ lục một ngàn đô la trên một ao-xơ là không mấy khó khăn. Giá dầu đang ở mức một trăm đô la trên một thùng nhưng người ta đã kẻ cho nó vạch đích hai trăm! Đồng đô la Mỹ tụt giá nhanh, có lúc còn thấp hơn đồng Canada; kinh tế tăng trưởng chậm tỷ lệ nghịch với lạm phát ở nhiều quốc gia… Tất cả những biến động về giá cả này đã làm chao đảo nhiều dự đoán, lật ngược nhiều thế cờ, các nhà kinh tế cũng dè dặt hơn khi đưa ra các nhận định. Khi thế giới đã phẳng rồi, bất kỳ một diễn biến ở nơi nào (nhất là các khu vực nhạy cảm) cũng ảnh hưởng đến mặt bằng chung toàn trái đất, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến… khủng bố. Đang là mùa bầu cử ở các nước có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu; và, chẳng ai có thể ngờ được một người phụ nữ xinh đẹp từng làm thủ tướng của một nước Hồi giáo lại chết thảm chỉ chưa đầy năm phút sau nụ cười tươi cùng cái vẫy tay chào thần dân của mình.
Khi thị trường nóng lạnh, sổ mũi! – Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

Tất cả những chuyện nghe vĩ mô này tưởng đâu chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của gia đình chị Bảy, thu nhập ngoài lương công nhân của chồng còn từ hàng rau một buổi chợ. Ấy vậy mà có đấy! Không nói chuyện giá cả tăng vọt tỷ như thịt heo đã lên đến năm mươi ngàn đồng một ký chân giò hay ba chỉ lên sáu chục; và, cũng không phải ảnh hưởng giá cả leo thang từ một nải chuối ba ngàn nay chị Bảy phải xin thêm của khách hai ngàn nữa; bó mồng tơi từ một ngàn lên ngàn rưỡi; cải non, xà lách, hành ngò… thứ gì cũng lên; đến như củ sắn hay rau tập tàng luôn bình chân như vại trước cơn bão giá mà giờ cũng tăng gấp đôi. Người có trăm triệu mơ ước lên ba trăm bỏ ngân hàng lấy tiền lời nuôi con ăn học, vậy mà khi có ba trăm rồi lại thấy chẳng “xi-nhê”. Kẻ không có tiền đã đành mà người giàu cũng khóc! Ông A mua miếng đất hai mươi cây vàng, lúc đó vàng chỉ có mười hai, chưa kịp làm xong cái sổ đỏ vàng vọt lên mười bảy hơn, có nguy cơ mười tám! Mua miếng đất dù sao cũng còn mấy chục mét vuông, còn có chỗ đi lại thăm nom, coi ngó. Thời cơ chờ đợi còn thấy đèn xanh trước mặt. Ông B mới là kẹt đèn đỏ, bán nhà một trăm cây vàng, giá vàng lúc đó mười ba. Tính toán đã đời lao vào cổ phiếu, đổi hơn tỉ bạc lấy miếng giấy làm bằng. Cuối cùng nhìn giá vàng vò đầu bứt tai, giá mà có con mắt sau lưng, ngồi không ba tháng cũng lãi ròng bốn trăm triệu. Chưa kể cổ phiếu khi trồi khi sụt. Nói chung, đồng tiền xoay đến chóng mặt làm tiêu tan mọi tính toán, phá sản mọi kế hoạch từ ngắn hạn cho đến trung hạn, dài hạn.
Chuyện ảnh hưởng đến gia đình chị Bảy là như vầy.
Bảy năm trước, cơ quan anh Bảy cổ phần hóa. Là người có mặt ở công ty ngay từ ngày đầu khai thiên lập địa, chỉ có cái nhà tôn, chỏng chơ cái máy tiện cùng cái máy khoan nên anh Bảy được cổ phần ưu đãi hơi nhiều. Xoay ngang, xoay dọc, trăn trở, tính toán ngược xuôi, vét sạch vốn liếng trong nhà, anh Bảy cũng chỉ mua thêm được một ít gọi là cho có với người ta. Không lý đem bán hết cổ phần ưu đãi lấy tiền? Mà có nhiêu đâu? Công việc dài lâu chớ tiền ăn cũng hết, miệng ăn núi còn lở nữa là mấy đồng bạc không bằng người ta làm ráng! Vợ chồng tính toán thiệt hơn, thêm vài đứa đàn em thân tín quân sư quạt mo:
– Công ty này không ai tay nghề qua anh Bảy. Anh lại có thâm niên. Anh chị mua thêm ít cổ phần để có chức vụ với người ta. Kỳ đại hội cổ đông bọn em nhất định ủng hộ anh Bảy.
Miếng vải có nhiêu, cân đối ngang dọc, khéo lắm cũng chỉ cắt được cái áo ngắn tay là may lắm rồi. Cắt vụng không chừng thành sát cánh hay tay lỡ! Chị Bảy chạy vạy khắp nơi, vay nóng, vay nguội, huy động hết trong anh em thân thuộc cũng chỉ đến đó. Quân sư quạt mo lại xuất hiện:
– Nhiêu đó làm sao mà mơ đặt được một chân vào hội đồng quản trị. Ít nhất phải dính cái ủy viên mới nói chuyện. Công ty mình ở vị trí đắc địa, sau này cổ phần chắc chắn lên giá, nội lợi thế đất đai cũng vàng ròng rồi!
Chị Bảy mệt mỏi vì phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, mỏi miệng, mòn lưỡi mới xoay được tiền, xua tay gạt phắt:
– Thôi, ít ăn ít, vay nhiêu đó mà chưa nghĩ ra cách trả nợ nói chi vay thêm. Sau này cổ phần có lên cũng không tiếc vì sức mình chỉ tới đó.
Giữa lúc định an phận với chức vụ binh nhì suốt đời thì cứu tinh xuất hiện. Một người bạn nhậu tri kỷ với anh Bảy (tạm gọi là C) không hiểu vì tình thương mến thương, muốn anh Bảy mở mày mở mặt trong công ty hay vì biết nhìn xa trông rộng, muốn đầu tư làm ăn lâu dài, ứng ra phụ thêm cho anh Bảy một số tiền còn hơn tiền của anh Bảy vay mượn cộng với cổ phần ưu đãi. Là anh em chiến hữu tiền bạc càng phải phân minh. Anh Bảy đứng tên giữ tờ giấy chứng nhận cổ đông, anh C cầm cái giấy tay, trong đó anh Bảy bao nhiêu, anh C bao nhiêu. Có người làm chứng, ký tá ba bên. Êm đẹp cả đôi đường. Tổng cộng số cổ phần của anh Bảy tuy không nhiều lắm như các nhân vật có máu mặt ở công ty, nhưng cũng không đến nỗi.
Đúng như dự đoán của đám quân sư quạt mo. Kỳ đại hội cổ đông anh Bảy được anh em bầu vào ban kiểm tra (tất nhiên với trình độ và với số cổ phần khiêm tốn đó, anh Bảy có được vị trí như thế là oách rồi!). Về mặt chính quyền, anh Bảy còn được cất nhắc lên chức quản đốc phân xưởng, các khoản phụ cấp ăn theo lương được nâng lên một cách đáng kể.
Của đáng tội, tánh anh Bảy nóng lại có thêm chút anh hùng hảo hớn “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Cái quyết định quản đốc phân xưởng chưa kịp ráo mực thì anh Bảy đụng chuyện to với một thằng cha căng chú kiết mới vào công ty nhưng có số cổ phần ngất ngưởng. Bạo vì tiền, gió chiều nào theo chiều ấy, anh Bảy chẳng qua cũng chỉ là một anh công nhân, nói năng thẳng tuột, chẳng khéo léo, chẳng biết nịnh bợ ai, chiến hữu của anh làm sao nhiều bằng chiến hữu của người lắm tiền? Thật ra, chuyện chẳng liên can gì tới anh Bảy, một đứa công nhân ở phân xưởng anh Bảy bị ăn hiếp vì ba cái chuyện chẳng đâu vào đâu. Bữa đó, sẵn ngà ngà, nghe thằng lính kể chuyện người ta ức hiếp, còn dọa trù úm, anh Bảy nóng máu lên tìm thằng cha căng chú kiết tính sổ. Và thế là, cái ly nước trà trúng phóc vào mặt thằng kia khi nó chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo tại sao anh Bảy sừng sộ với mình.
Hội đồng quản trị họp ngay hôm sau, đưa ra quyết định hạ bậc anh Bảy. Mèo lại hoàn mèo, cóc chết ba năm quay đầu về núi, vợ ta cũng về ta. Anh Bảy cầm tờ quyết định bãi miễn chức quản đốc phân xưởng mà ngâm nga ư ử mấy câu trên với ly rượu trắng trên tay. Nghĩ thương chị Bảy, bàn tay cầm đồng lương của chồng hơi nặng một chút chưa được mấy lần thì lại nhẹ tênh như cũ. Năm đó, con gái đầu của chị thi đậu đại học, niềm vui chưa trọn thì thực tế phũ phàng! Tiền đâu lo cho con ăn học bốn năm ở đất Sài Gòn? Tiền học, tiền nhà, tiền ăn… nghe qua muốn lùng bùng lỗ tai, nổ đom đóm con mắt. Thôi thì, có đói cũng phải cho con đi học, đủ vợ đủ chồng, mạnh khỏe mà để con mất tương lai sao? Trời thương con nhà nghèo học giỏi. Ráng còng lưng thêm chút nữa, chị Bảy tính, mỗi ngày chở thêm ít nải chuối, mua thêm ít rau sắn, kiếm ít nữa cho con mình được đi học. Ông bà nội hai đứa nhỏ còn để lại cho vợ chồng chị ngôi nhà từ đường, đến đời chị chẳng có gì để lại cho con ngoài ba cái chữ mà chính bản thân con cái nỗ lực lắm mới có được. Trách nhiệm của chị bây giờ là phải giúp nó chèo thuyền vượt vũ môn.
Qua lần đó, anh Bảy vừa tức, buồn, rồi nản chí, ngày ngày đến công ty như cái xác không hồn, phát ngôn ngang ngang, ai nói gì cũng không nghe. Cho đến một ngày, buồn tình, anh làm đơn xin nghỉ việc cái rụp, về nhà tuyên bố với chị Bảy một câu nghe lạnh:
– Tao thà ở nhà rửa chén cho vợ còn hơn đi làm với tụi nó!
Mà có rửa chén được đâu! Nhàn cư vi bất thiện, ngày nào anh Bảy cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về, không say thì cũng ngà ngà, như đứa con nít đi nhà trẻ, quần áo bảnh bao lúc sáng, chiều về nhúm nhó, nhăn nheo, lấm lem, hôi rình. Chị Bảy thở dài. Thôi còn con, còn cái ráng mà sống, mà cày, mà nhịn, mà chiều, cho yên nhà yên cửa. Con gái học giỏi, con trai sau còn học giỏi gấp bội phần. Con nhà nghèo chẳng có tiền học thêm, học bớt mà vẫn giỏi. Lại ngoan nữa. Học buổi chiều thì sáng dậy sớm phụ cột giỏ hàng cho mẹ ra chợ, rồi học bài. Trưa nấu cơm tự ăn đi học, chẳng ai nhắc nhở chuyện học hành ăn uống vậy mà vẫn phổng phao, trắng trẻo, đẹp trai. Bạn hàng cùng chợ với chị Bảy vẫn khen thằng con trai chị như thế.
Nước mắt chảy xuống nhưng thìa phải đưa lên. Bám vào những lời khen về con cái, ngày ngày chị Bảy vuốt thẳng từng đồng bạc lẻ, mười xu đổi lấy một hào, đồng trên đằng đồng dưới, ăn mắm mút giòi, tích cóp tháng tháng gởi vào cho con gái. Anh Bảy sau một năm “lang thang cơ nhỡ” rồi cũng xin được việc làm khác. Tuy lương không nhiều nhưng cũng đủ tiền gạo, phụ thêm tiền chợ. Bánh tét lột lần vậy mà con gái lớn của anh chị cũng xong bốn năm. Trời thương người nghèo có chí, ra trường con bé có ngay việc làm lương hậu. Lãnh tháng lương đầu tiên, con bé nhín lại gửi về cho mẹ bảy trăm ngàn gọi là tặng mẹ muốn tiêu gì thì tiêu. Cầm tiền của con, chị Bảy rưng rưng, muốn khóc mà không khóc được, cần cổ như có cục nghẹn, nuốt không xuống, bật thành tiếng không xong. Bao năm nuôi con ăn học đâu mong có ngày này. Anh Bảy thấy chị nhận tiền của con, nghĩ tánh đàn bà tham tiền bắt con gởi về, nói to:
– Cha mẹ mà đi lấy tiền của con. Mai gởi trả để nó chi tiêu. Con gái biết bao thứ cần phải sắm sanh, đi làm chỗ ngon lành thì bộ vó càng phải chỉn chu. Mai mẹ mày gởi trả. Trả…
Chị Bảy nhìn chồng:
– Có ai biểu nó gởi về đâu. Con nó nghĩ cha mẹ cực khổ, gởi làm quà gọi là tháng lương đầu tiên.
Anh Bảy lúc này đã có chút sương sương, to giọng:
– Đã nói trả là trả!
– Ừ, mai tui gởi trả cho nó.
Chị Bảy nói lẫy rồi đi vào giường nằm. Anh Bảy còn nói thêm mấy câu nữa mới phủi chân đi nằm theo. Thằng cu không ngờ chiến tranh chấm dứt sớm như vậy, thở phào, bật ngọn đèn nhỏ học bài tiếp. Tiếng ễnh ương ộp oạp ngoài sân vang trong đêm vắng. Gian nhà từ đường như rộng ra hơn. Không gian tĩnh lặng như thế này giúp nó giải được một lô bài tập trong cuốn sách toán mới mua ban chiều.
Sáng hôm sau, chị Bảy gọi điện thoại cho con gái kể chuyện hồi hôm ba mày bảo má gởi trả tiền. Đầu dây bên kia giọng đứa con gái như sũng nước:
– Là tấm lòng của con. Có nhiêu đâu, má cứ tiêu đi, muốn ăn gì thì ăn, sắm gì thì sắm còn không cho em nộp tiền học, mua sách. Tháng sau con lại gởi nữa. Má cực khổ nhiều rồi!
Không nói với chồng, chị Bảy lẳng lặng ra chi nhánh ngân hàng gần chợ mở cuốn sổ tiết kiệm. Cơm không ăn gạo còn đó. Sau này biết bao thứ để lo. Tiền có bao giờ ế?
Được một năm, chị Bảy lãnh đúng mười hai tháng lương của con gái gởi về thì nó báo sẽ học tiếp hai năm nữa lấy bằng thạc sĩ, chắc khó có dư để gởi về cho mẹ, mai mốt học xong nó sẽ bù lại gấp đôi. Chị Bảy nói gấp gáp:
– Con cứ lo chuyện của con đi, đừng lo gì cho má. Má còn sức khỏe, còn ra chợ là không sợ đói.
Nghe đứa con gái nói mà chị Bảy thấy lòng dạ bồi hồi:
– Má ơi, ráng chờ con nghe má. Con quyết học tốt, kiếm được việc làm ngon lành đỡ đần cho má, nuôi em.
Hai năm lững thững vậy mà qua nhanh. Giật gấu vá vai rồi cũng qua ngày. Giờ đây tất cả mọi việc đều ổn. Một tháng, ngoài xấp lương mỏng teng anh Bảy đem về, cộng thêm tiền bán rau, chi tiêu gia đình bắt đầu dễ thở. Tiền con gái gởi về chị Bảy cho hết vào sổ tiết kiệm. Thằng nhỏ chưa vào đại học, biết bao nhiêu thứ sẽ phải chi. Ai chê tiền chớ chị Bảy buôn bán lời lãi ngày bao nhiêu mà dám chê?
Cuộc sống bình thường của gia đình chị Bảy, chồng ngày ngày đến cơ quan, vợ sáng sớm ra chợ, con đi đến lớp hoàn toàn chẳng bị luồng gió kinh tế toàn cầu thổi vào nếu không có sự hiện diện của tay cựu chủ tịch công đoàn cơ quan cũ của anh Bảy một hôm đến nhà chơi. Nói nào ngay, đây là một trong những người đồng nghiệp cũ đếm trên đầu ngón tay mà anh Bảy nể nang. Với tánh người coi trời bằng vung, mấy ai hân hạnh được anh coi là thần tượng?
Giữa những chén rượu nâng lên hạ xuống chị Bảy ngồi ngoài hè nghe lỏm câu được câu chăng. Ghép nối những câu khi to, khi nhỏ tùy theo mức độ hưng phấn của hai người đàn ông, chị lờ mờ hiểu rằng, cổ phần của anh Bảy ở cơ quan cũ giờ lên giá rất cao, nếu anh Bảy có định bán thì báo cho biết, thời cơ khó đến hai lần.
Khách ra về, dù bụng như kiến cắn bởi cơn tò mò nhưng biết tánh chồng chị Bảy làm bộ lơ, lui cui dọn dẹp. Lúc này chị mà mở miệng ra hỏi thế nào cũng bị nghe mấy câu nghịch nhĩ, khó chịu, tỷ như: đàn bà biết gì, việc đàn ông mà cứ chõ mỏ vào. Một phần tư thế kỷ, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, chị Bảy thuộc lòng chữ nhẫn. Và, chị cũng biết tánh chồng chẳng có gì giữ trong bụng được lâu.
Thành ra chuyện là thế này, tất nhiên, qua lời kể của anh Bảy và qua trí nhớ có chút rượu câu chuyện đã giản lược đi rất nhiều. Công ty cũ của anh Bảy đang có tranh chấp quyền lực bởi những mâu thuẫn phát sinh trong cách làm ăn. Người nắm đa số cổ phần thì bảo thủ, khư khư với cách làm ăn hiện tại. Người muốn thay đổi, cách tân thì không đủ cổ phần để nắm chức chủ tịch hội đồng quản trị. Vậy là có cuộc chạy đua. Người muốn cách tân được hậu thuẫn của một đại gia nào đó, vận động mua lại cổ phần của anh em với giá tăng gấp sáu. Thời cơ chỉ đến lần này, nếu lúc này anh Bảy không bán, người ta mua đủ số cổ phần để nắm công ty thì cổ phần của anh Bảy vẫn như cũ không chừng kẹt số, đứng bánh. Chị Bảy làm nhanh con tính và phép so sánh. Hai mươi mốt triệu đồng cổ phần giờ thành một trăm hai mươi sáu triệu. Hồi đó vàng bảy trăm. Tưởng không có gì lời bằng vàng, hóa ra cổ phần còn lời hơn. Mở cờ trong bụng, nhưng chị Bảy đưa đẩy giọng điệu làm như ta đây vô tư: “Tùy ông, muốn bán thì bán”.
Trong cuộc đời cả chục năm ra chợ bán rau, chị Bảy chưa thấy bán gì nhanh như bán cổ phần. Chỉ trong một ngày mà mọi thủ tục xong xuôi. Anh Bảy mới làm cái giấy tay đồng ý sang nhượng buổi sáng, buổi chiều vợ tay chủ tịch công đoàn tên là Châu mang đến nhà giao chị Bảy một trăm hai mươi sáu triệu, toàn giấy năm trăm ngàn mới cứng, thơm phức. Đồng tiền cầm trên tay còn nóng hổi, chị Bảy chưa kịp tính toán phải làm gì thì một biến động tiếp theo làm chị giật mình, hoang mang, không biết sự thể như thế nào nữa.
Mờ sáng hôm sau, chưa tỏ mặt người đã thấy tay cựu chủ tịch công đoàn đến nhà kêu anh Bảy viết thêm tờ giấy gì nữa. Chuyện của hai người đàn ông chị Bảy không để ý. Đến chiều, chị đang dọn dẹp nhà cửa thì anh Bảy gọi điện về:
– Mẹ mày nè, có ai đến nhà hỏi chuyện mua bán cổ phần mẹ mày nói không biết nghen. Hiện ở công ty có tranh chấp dữ lắm, tụi nó tung hỏa mù cổ phần lên gấp chín. Sáng nay, nó đến nhà đưa anh thêm hai mốt triệu, nói là cổ phần lên gấp bảy. Mình đã ký giấy bán rồi thì không bàn tới, bàn lui nữa.
Chị Bảy nghe như ong ong bên tai, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, hỏi:
– Vậy là sao, rồi tiền ông để đâu?
Giọng anh Bảy đầu dây bên kia có vẻ có chút hơi men, nói thật to:
– Tiền để ở nhà chớ để đâu. Biết vậy thôi, nhớ lời ta dặn đó, đàn bà là lôi thôi lắm!
Chị Bảy ráng níu thêm câu nữa:
– Hèn gì, hôm qua con Châu đến nhà giao tiền tui thấy bộ tịch nó dấm dúi thế nào. Để tui hỏi thẳng, nó kiếm lời bao nhiêu qua cái vụ này!
Đầu bên kia anh Bảy quát:
– Tiền của ta chớ tiền gì của mẹ mày mà hỏi lung tung. Chuyện mình mình biết, đã ký bán rồi là không nói đi nói lại. Nghe chưa?
Tiếng máy cộp mạnh một phát làm chị Bảy giật mình. Ngẩn ngơ, chị còn cầm cái máy điện thoại, nghe tiếng tút tút hồi lâu mới đặt xuống.
Theo suy đoán của chị Bảy, sự việc có thể như vầy. Như đã nói ở trên, cổ phần của anh Bảy hồi đó có phần hùn của anh C. Khi anh Bảy đặt bút ký bán, anh chỉ bán phần mình, vì gọi mãi cho anh C chỉ nghe báo ở ngoài vùng phủ sóng, không liên lạc được. Vậy mà, tin tức không hiểu qua kênh nào, sáng sớm hôm đó, anh C tức tốc đến nhà anh Bảy nhờ anh ký bán luôn phần của mình. Theo ý chị Bảy, tay C này cũng là một tay hảo hán coi trời bằng vung, đừng hòng qua mặt hắn dù chỉ một xu. Có thể, C biết cổ phần hiện đã lên gấp bảy, tám hay thậm chí gấp chín. Tay chủ tịch công đoàn không thể qua mặt C mua gấp sáu lần như đã mua cổ phần của anh Bảy được. Ăn gian không được thì bỏ kẻo cây kim trong bọc có ngày lòi ra. Ai đảm bảo trong cuộc rượu nào đó C sẽ không nói với anh Bảy mình bán được bao nhiêu? Lúc đó, sẵn ngà ngà, ai đảm bảo anh Bảy không tìm tay cựu chủ tịch công đoàn mà tính sổ?
Đồng tiền quả là chao đảo!
Đ.T.T.T

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *