Bài nổi bật

Khoảng Sân Hoa Nắng – Nguyễn Lệ Ba

Truyện đêm khuya – Tôi cài lại Windows rồi. Diệu Hạnh không nên save ở Documents để khỏi mất dữ liệu khi máy gặp sự cố.
Hạnh “dạ” như chỉ để cho mình nghe. Tuấn bước qua khoảng sân rộng đầy bóng mát, rồi bước lên thảm cỏ xanh mượt như nhung, lốm đốm những hoa nắng vàng lấp lánh như những hạt kim cương dưới chân. Qua thêm một khoảng đất trống, Tuấn ra khỏi khuôn viên nhà chùa.
Hạnh đứng tần ngần nhìn theo dáng Tuấn, tự hỏi “Sao mình không cảm ơn nhỉ?” Bên nầy là khuôn viên chùa, bên kia là khu vườn trồng cây ăn trái với một căn nhà nhỏ và một thanh niên ở trọ học. Cách nhau một khoảng sân nắng, đạo và đời chia hai ngả, Hạnh mỉm cười nghĩ thế! Một ngày đẹp trời. Nắng trưa lao xao trên những tán lá, nắng nhảy múa cùng tiếng chim ríu rít trong vườn chùa. Lòng Hạnh cũng lao xao những ý nghĩ…
Trở vào phòng, Hạnh mở máy tính tìm lại những số liệu mình đã nhập hôm qua. Mất cả rồi! Chẳng biết sư thầy có quở trách mình không? Từ ngày theo sư thầy đến giờ, đã bao nhiêu lần Hạnh lầm lỗi, chỉ thấy sư thầy thoáng nét không vui trong mắt, chỉ vậy thôi. Với Hạnh, thầy là biểu tượng của từ bi, độ lượng, là tất cả những gì tốt đẹp nhất của thế gian này gom lại. Và dù thầy không có một lời phiền trách nào sau gần bốn năm vào ở chùa, Hạnh vẫn thấy lòng day dức vì những lỗi lầm mình gây ra, dù rất nhỏ.
Hôm qua, sư thầy Diệu Liên đưa Hạnh một quyển sổ ghi chi chít những con số, những bảng biểu. Lần đầu, Hạnh thấy những con số lớn, không phải là tiền cúng dường của Phật tử, không phải là tiền chi xuất các khoản nhang đèn và ăn uống của các ni sư…Hạnh hỏi với vẻ ngây thơ: “Thưa Thầy, chùa nầy…”. Có lẽ hiểu được ý nghĩ của Hạnh, sư thầy ôn tồn giải thích: “Có những khoản tiền lớn hàng trăm triệu, là tài sản cố định của nhà chùa, thêm tiền duy tu, sửa chữa…Khi Thầy chuyển về làm trụ trì chùa này, còn những khoản mà thầy phải chi thêm, đó là giá trị tài sản của sư thầy Minh Giác để lại, đây chỉ là chuyện cá nhân giữa các thầy thôi”. Suýt nữa Hạnh đã lỡ lời. Trong thâm tâm Hạnh đã nghĩ, tại sao trong tu hành cũng có việc luân chuyển sư trị trì, có chuyện chuyển những khoản tiền lớn khi đi và đến một ngôi chùa mới? Hạnh sẽ không thắc mắc nữa. Lớn lên, Hạnh sẽ hiểu. Bây giờ thì phải cố gắng học thật giỏi, phải tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi sư thầy sẽ cho Hạnh ra Bắc học ở Học viện Phật Giáo. Đó là mơ ước lớn nhất của Hạnh, và bằng mọi giá, Hạnh phải cố gắng tu tập để thực hiện nó.

Mười hai tuổi, Hạnh rời mái ấm tình thương ở thành phố. Buổi sáng hôm ấy, Hạnh lưu luyến chia tay trong nước mắt với các bạn trai gái, theo sư thầy Diệu Liên về ở chùa. Hạnh khóc đỏ cả mắt dù biết rằng quãng đời còn lại chắc sẽ tươi sáng hơn khi được nhà chùa nhận về nuôi nấng và cho ăn học. Chỉ có hai trong số vài chục bạn nhỏ mồ côi có được cái may mắn như Hạnh. Gần bốn năm sống ở thành phố, Hạnh được nuôi nấng, học hành, vui chơi như bao trẻ em khác. Đời Hạnh chỉ thật sự thay đổi khi Hạnh được nhà chùa chấp nhận cho xuống tóc qui y vào năm 16 tuổi. Cái tên Trần Thị Hạnh do các mẹ ở mái ấm tình thương đặt cho chỉ còn trong giấy khai sinh; từ đó, Hạnh có pháp danh là Diệu Hạnh. Nhiều đêm, Hạnh vẫn hoảng hốt với những giấc mơ kỳ lạ, trong đó, Hạnh mặc áo lam, trùm khăn kín đầu, chạy đuổi theo cái bóng của mình giữa cánh đồng mông quạnh. Ban ngày ra đường, Hạnh thùng thình trong chiếc áo lam buồn bã, khép kín và chiếc khăn cùng màu che khuất cả cổ, rủ xuống ngực…
Rồi đột ngột, sư thầy chuyển xuống làm trụ trì một ngôi chùa ở xa thành phố. Hạnh theo thầy, chuyển về học ở một trường trung học cơ sở gần chùa. Những ngày đầu nơi ngôi trường mới, Hạnh thật sự thấy ngỡ ngàng. Cả trường, nữ sinh mặc áo dài trắng, chỉ có mình Hạnh là mặc áo lam. Nhiều đôi mắt tò mò nhìn người bạn mới. Hạnh chỉ cười, cái cười thân thiện và độ lượng. Giờ học, thầy gọi: Trần Thị Hạnh, cô bạn ngồi cạnh thúc nhẹ vào tay: “Thầy gọi bạn kìa!” Hạnh luống cuống đứng dậy: “Mô Phật!” Nhiều bạn trong lớp không nén nổi tiếng cười. Thầy đỡ lời: “Em lên văn phòng bổ sung hồ sơ nhập học”. Chỉ có chuyện tên thật và pháp danh cũng nhiều phen làm Hạnh lúng túng. Nhưng chẳng bao lâu, Hạnh cũng quen với bạn mới, trường mới. Vài người bạn tinh nghịch cứ theo Hạnh trêu chọc mỗi khi Hạnh có gì đó không hòa nhập được với tập thể. Chúng bạn luôn miệng bảo: “Đạo đời hai ngả”. Hạnh không cãi nhưng lại nghĩ: Chẳng lẽ đạo và đời là hai đường thẳng song song, không có điểm gặp? Hạnh nói suy nghĩ đó với anh trưởng lớp, bạn ấy bảo: “Đúng rồi! Làm sao song song. Cuối cùng thì cũng gặp nhau ở đâu đó, ở ngoài đồng chẳng hạn, bởi vì tu cũng chết, không tu cũng chết!” Hạnh không giận bạn, vẫn cười, nụ cười khoan dung, độ lượng. Lời thầy Diệu Liên dạy lúc nào cũng văng vẳng bên tai Hạnh – phải biết hòa đồng, biết tha thứ…
Hạnh không còn khóc như ngày mới vào ở chùa, không khóc ngay cả ngày xuống tóc qui y. Thầy bảo: “Cái khổ của con đã thấm vào đâu so với cái khổ của chúng sinh trong cõi trầm luân nầy”. Từ ngày vào học lớp 9, Hạnh dần dần hòa nhập hơn với cuộc sống ngoài đời. Ngay cả trong lớp, nơi bạn bè nhỏ hơn Hạnh đến hai ba tuổi, nhưng Hạnh vẫn cố gắng sống gần gũi và yêu thương mọi người. Trường ở quê, bạn bè phần lớn đều nghèo. Điều đó làm Hạnh cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều bạn cùng lớp. Nhà chùa dành cho Hạnh một căn phòng riêng, dùng làm nơi sinh hoạt và học tập. Đó là một căn phòng thoáng mát, đủ tối nên rất yên tĩnh để nghỉ ngơi và học hành. Một góc phòng là giường ngủ có chăn nệm, gối thêu hoa và một con gấu bông của sư thầy mua cho Hạnh ngày mới về chùa. Ở góc đối diện là chiếc bàn học xinh xắn, một kệ sách, một máy vi tính nối mạng. Hạnh thích nhất là khung cửa sổ gần lối ra vào, khung cửa đủ thấp để Hạnh có thể chống hai tay lên bậu, nhìn ra mảnh sân rộng bên ngoài với những khoảng bóng râm mát lạnh và thảm cỏ xanh rờn rợn, lao xao hoa nắng. Lần nào cũng vậy, cứ nhìn những hoa nắng lao xao nhảy múa trên nền cỏ xanh, lòng Hạnh cũng rộn ràng những cảm giác kỳ lạ khó tả…

Đầu năm học, thầy Anh văn trả bài kiểm tra 15 phút trong lớp. Hạnh nhìn những nét bút bi màu đỏ viết chi chít trên bài làm của mình mà cảm thấy thất vọng vô cùng. Nếu sư thầy biết được Hạnh chỉ được điểm 4 ở bài kiểm tra, chắc sẽ buồn hơn cả Hạnh. Mấy đứa bạn thân mách: “Bạn nên mua thêm băng đĩa để tập nghe nói, đồng thời củng cố thêm văn phạm, từ vựng. Hay là bạn xin sư thầy cho đi học thêm ban đêm với tụi mình”. Hạnh phân vân suy nghĩ: Không thể đi học ban đêm được, chỉ còn cách xin sư thầy mua băng dạy tiếng Anh. Hạnh trình bày ý muốn đó với sư thầy và được đồng ý ngay. Một Phật tử biết chuyện góp ý: “Nhà chùa nên kết nối Internet để Diệu Hạnh học thêm rất tốt, không chỉ học Anh văn mà còn học thêm được nhiều điều bổ ích khác”. Tưởng nói rồi thôi, ít hôm sau, có thợ đến kéo cáp, kết nối Internet cho Hạnh để lên mạng học tập. Rồi sư thầy nhờ một tín nữ chở Hạnh về thành phố mua thêm một số sách học, sách tham khảo, băng đĩa… Có thêm nhiều phương tiện học tập làm Hạnh rất vui, nhưng một áp lực khác nặng nề hơn lại đè lên người Hạnh. Nếu không tiến bộ trong học tập thì Hạnh không biết nói sao với sư thầy.
Đêm ở chùa thật yên tĩnh. Từ phòng học, Hạnh chỉ nghe tiếng mõ nho nhỏ vọng ra từ chính điện. Lâu lâu, đệm vào âm thanh buồn buồn ấy là một tiếng chuông, khẽ khàng như tiếng tụng kinh của sư thầy. Hạnh không còn lên chính điện cúng lễ từ ngày vào học năm lớp 9. Sư thầy bảo: Phải chuyên tâm học tập, tu hành là chuyện cả đời; người không học thì cứ chìm đắm trong cõi vô minh, khó mà ngộ ra lẽ Đạo.

Ngày đầu làm quen với mạng, Hạnh lúng túng như trẻ con tập đánh vần. Hỏi bạn bè cùng lớp, có đứa biết, đứa không. Đám con trai nghiện Game thì có vẻ rành lắm, nhưng chúng nói chuyện trên trời dưới đất khiến Hạnh không hiểu được. Lại có người tư vấn cho sư thầy: “Nhà chùa nên nhờ cậu Tuấn ở cạnh chùa sang giúp cho Diệu Hạnh học. Sinh viên Công nghệ Thông tin đó”. Sư thầy bận nên bảo Hạnh sang bên ấy nhờ giúp đỡ. Nếu là chuyện của nhà chùa, chắc Hạnh vui vẻ đi ngay không chút chần chừ. Đàng nầy, sang nhờ một người lạ dạy cho mình học, Hạnh thấy vừa ngại ngùng, vừa khó nói. Rồi cũng phải đi – Hạnh tự nhủ – Chuyện nhỏ như thế mà làm không được, mong gì chuyện lớn. Lòng đã dặn lòng, nhưng khi đi qua khỏi khoảng sân bóng mát, Hạnh lại chần chừ dừng bước… “Không có gì ngại cả. Nhà chùa nhờ chứ nào Hạnh có nhờ!” Hạnh bước thêm vài chục bước nữa…Đây là ranh đất, không một đánh dấu, nhưng bên này là đạo, bên kia là đời…
Tuấn đang lui cui thổi lửa nấu cơm, nhìn thấy Hạnh, không giấu vẻ ngạc nhiên: “Xin chào! Diệu Hạnh sang chơi à ?”. “Không, nhà chùa nhờ Hạnh sang nói với anh là…” Hạnh cảm thấy lúng túng, hụt hơi. Tuấn đỡ lời: “Máy tính có sự cố nữa, phải không?”. “Dạ”. Hạnh nghe nhẹ cả nhẹ người. “Được rồi, lát nữa tôi sang”. Hạnh cảm ơn rồi bước đi như bị ai đuổi. Qua khỏi khoảng sân đầy nắng, Hạnh thở hắt ra như trút được gánh nặng.
Chỉ vài phút sau, Tuấn đã đứng trước cửa phòng. “Sao, chuyện gì vậy, Diệu Hạnh?”- “Không, máy vẫn bình thường, sư thầy chỉ nhờ anh sang chỉ giùm cách lên mạng để học Anh văn thôi”. Hạnh nhường Tuấn chiếc ghế đang ngồi, lặng lẽ đứng bên quan sát. Tuấn vừa nói, vừa ghi lên giấy, vừa thao tác trên máy làm Hạnh chóng cả mặt. Cuối cùng, Tuấn nói: “Bước đầu làm quen có vẻ hơi rối, chẳng bao lâu sẽ quen thôi. Tôi ghi cả lại đây, thao tác theo từng bước là được. Nếu lỡ gặp tiếng nước ngoài không hiểu, Diệu Hạnh copy, chọn ngôn ngữ, “quăng” nó vô Google để dịch ra tiếng Việt”. Tuấn cười vui: “Dịch kiểu nầy chỉ để tham khảo thôi, máy nó dịch… tào lao lắm!” Tuấn nói một thôi, một hồi, trong khi Hạnh bặm môi đứng nghe. Nhiều thứ quá, làm sao nhớ nổi! Hạnh thấy vui vui với cách nói chuyện có vẻ trần tục của Tuấn. Trước khi rời khỏi phòng, Tuấn nói thêm: “Có gặp khó khăn gì thì Hạnh cứ qua gọi tôi. À quên, có bất cứ thắc mắc nào, Hạnh có thể gõ từ khóa vào phần tìm kiếm của Google hay Yahoo, Hạnh sẽ tìm được cái mình muốn biết.” Hạnh lí nhí cảm ơn và tiễn khách ra khỏi cửa. Tuấn bước nhanh qua khoảng sân ngập trong nắng trưa. Hạnh nhìn theo, lòng cũng lao xao như nghìn hoa nắng đang nhảy múa ngoài sân.

Chiếc xe du lịch dừng lại trước cổng chùa. Khách là một người đàn ông tuổi hơn 40. Trông khách có vẻ là một thương gia, một chính khách thành đạt nào đó. Khách quen, Hạnh nhớ như vậy. Dáng đi chậm rãi, sang trọng, cái nhìn đầm ấm nhưng đượm chút buồn khổ. Hạnh không thể nhầm lẫn khách với bao nhiêu người khác đến viếng chùa nầy. Mỗi tháng một lần, hình như vào một ngày cố định, có lẽ 14 âm lịch, khách lại đến chùa. Cả cái áo khách mặc, đôi giày khách mang, cứ như là một kiểu, một màu trong bao nhiêu lần Hạnh nhìn thấy. Khách quen với sư thầy nên cứ đi thẳng vào hậu điện. Ban đầu, Hạnh không mấy chú ý đến người khách có vẻ đặc biệt nầy, nhưng nhiều lần sau đó, có những điều Hạnh phải tự hỏi. “Sao sư thầy không tiếp khách trong hậu điện mà lại ngồi nói chuyện với khách ngoài sân chùa? Sao chỉ thấy khách nói, còn sư thầy chỉ im lặng ngồi nghe hàng giờ, hàng giờ như thế?” “Sao khách không vào cúng Phật mà lại đi thơ thẩn trong sân chùa, có khi hết cả buổi chiều, đợi đến hoàng hôn buông xuống mới lên xe về thành phố?” Hạnh cảm thấy mình có lỗi với khách, càng có lỗi với sư thầy vì những câu hỏi vớ vẩn đó. Tội lỗi! Tội lỗi! Cứ mỗi lần ý nghĩ đó đến trong đầu, Hạnh lại muốn chạy đến quỳ dưới chân Đức Phật để sám hối…
Trưa nay, khách lại đến.
Hạnh vẫn đứng lặng lẽ bên cửa sổ nhìn khách đi qua. Tóc khách đã bạc hơn nhiều, dáng đi như đã nặng dấu thời gian và chiếc lưng cũng cúi thấp hơn với những gánh đời…Hạnh cảm thấy như thế khi khách đi vào hậu điện. Hình như sư thầy đang tưới hoa trên lối vào chùa. Sao sư thầy không lên tiếng chào khách nhỉ? Tội lỗi! Hạnh lắc đầu để xua đi những ý nghĩ của mình. Cuối cùng, khách đi ra khỏi hậu điện, bước chầm chậm trên cái lối cỏ xanh mượt của Hạnh. “Đừng bước thêm!”- Hạnh van khách trong ý nghĩ. Hạnh cứ sợ khách bước chân qua khỏi khoảng cỏ xanh ấy, bởi vì bên kia là vườn của Tuấn, là đời; còn bên nầy là cỏ hoa bóng mát của Hạnh, là đạo.
Hạnh quay lại bàn, mở sách ra học. Những con chữ cứ nhảy múa lao xao như những hoa nắng ngoài sân. Hạnh lại mở băng cassette nghe giáo lý…Những lời nói trong băng cũng chập chờn, được mất như những hình ảnh trước mắt mà Hạnh cố xua đi. Hạnh nằm xuống, nhắm mắt lại để nghe thật kỹ tiếng vị hòa thượng đang nói. Hình như chuyện đã kể: “Đức Lục Tổ một hôm đi qua chùa Ấn Tông, thấy hai vị Sa di đang đứng nhìn tấm phướn bay phất phơ trong sân chùa. Một vị hỏi: Đố huynh gió động hay phướn động? Vị kia trả lời: Phướn động – Không phải, gió động! Không có gió làm sao phướn động? – Không có phướn làm sao thấy gió động? – Gió động – Phướn động…Đức Lục Tổ nghe hai vị cãi nhau, không ai chịu ai, bèn xin được góp lời: “Phướn không động, gió không động mà tâm nhân giả động”.
Hòa thượng muốn dạy phải biết nhìn sự việc từ nhiều mặt, nhiều hướng qua câu chuyện nầy. Thế nhưng Hạnh có cảm tưởng người đang nhìn thấu suốt được trái tim đang xao động của mình. Thì ra, một cái tâm an lạc Hạnh vẫn chưa có được.
Khách ngồi lặng lẽ một mình tới chiều. Hạnh loay hoay tưới hoa trước cổng chùa mà đầu óc cứ quẩn quanh niềm thương cảm khi nghĩ về người khách lạ. Lúc nắng chiều sắp tắt, khách và sư thầy bước chầm chậm trên lối đi nhỏ rải sỏi từ sân chùa ra cổng. Hạnh ngồi khuất dưới những lùm hoa trắng. Chợt khách dừng lại gần chỗ Hạnh đang ngồi, nói với sư thầy bằng một giọng buồn rười rượi:
– Anh chờ em hơn mười năm rồi. Đày đọa anh đến bao giờ nữa đây?
Hạnh không thể tin ở tai mình, vội ngồi thụp xuống sợ mọi người nhìn thấy. Hạnh không hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa sư thầy và khách… Không nghe tiếng trả lời của sư thầy, chỉ có tiếng gió lướt đìu hiu trong không gian tĩnh lặng, cuối cùng là tiếng giầy khua nhẹ trên nền sỏi nhỏ, xa dần, xa dần…

Hạnh bước chầm chậm qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang sông. Gió chiều lồng lộng thổi. Hạnh ném lá thư xé vụn đang cầm trong tay. Những mẩu giấy nhỏ bay lả tả, lượn vòng như đàn bướm rồi lần lượt đáp xuống mặt sông. Đó là lá thư của anh trưởng lớp, nhét vội trong quyển từ điển tiếng Anh. Lá thư chỉ vỏn vẹn có hai câu: ” Mắt Hạnh đẹp quá! Mình thích Hạnh”. Không trách cũng không buồn bạn nhưng lòng Hạnh thấy bất an. Làm sao tới nhà bạn ấy học thêm mà không thấy áy náy đây?
Về đến chùa, Hạnh không ăn cơm mà lấy tập ra học bài. Không thể để điểm Anh văn tháng nầy kém được. Hạnh giận mình khi nhìn vào gương. Mặt mũi sáng sủa thế nầy mà sao học dốt đến vậy! Phải bình tâm mới có thể tìm ra được lối đi, sư thầy vẫn nhắc thế. Hạnh ngồi vào bàn, lấy tập sách ra, cắm cúi làm bài. Những con chữ lại nhảy múa trước mắt, nhập nhòe làm Hạnh thêm rối trí…. Hạnh đi vòng qua sân, ra sau chùa ăn cơm chiều. Bên kia sân, Hạnh thấy anh Tuấn đang nằm đong đưa trên chiếc võng, chăm chú đọc sách, bên cạnh là chai nước lọc và một con chó nhỏ. “Sao mình không nhờ anh Tuấn nhỉ?” Hạnh nghĩ đến rồi lại thấy ngại khi phải bước sang bên ấy. Chỉ một khoảng sân thôi mà sao xa cách đến vậy. Hạnh đứng tần ngần suy nghĩ trước khi đi vào nhà bếp –Thôi, không nhờ, đạo đời hai ngả! Hạnh lại nhớ đến sư thầy, nhớ đến người khách lạ. Với Hạnh, lúc nào cũng có một câu hỏi trong đầu “sao lại thế” mà chẳng bao giờ có câu trả lời. Tình yêu là gì nhỉ? Đến cả sư thầy, tưởng đã thoát khỏi lục dục, thất tình, sao lại còn vương vấn? Hay sư thầy muốn thoát ra, mà người đời thì lại níu kéo?
Cơm nước xong, Hạnh quay về phòng, định học tiếp. Tuấn không còn nằm trên chiếc võng, chỉ còn con chó nhỏ nằm im như ngủ. Hạnh vào phòng mở máy tính, chờ đợi. Lại nhớ câu nói của Tuấn, cái gì trên mạng cũng có. Hạnh tò mò vào Google, gõ thử từ “yêu” rồi click vội vào mục Video adults ở trên đầu trang, trong tiếng gọi giục của sư thầy ngoài sân. Một lúc sau quay trở lại, Hạnh choáng váng khi nhìn thấy những gì đang hiện ra trên màn hình. Hạnh không tin ở mắt mình, luýnh quýnh tìm chuột để tắt máy. Hai má Hạnh đỏ bừng, hơi thở hổn hển. Hạnh mở cửa, bước như chạy ra khỏi phòng. “Sao lại thế nầy? Yêu là làm như thế sao?” Tội lỗi! Tội lỗi! Hạnh bỗng thấy căm giận anh Tuấn bởi đã xui dại mình. Hạnh tự trách mình bởi cái tâm còn vọng động…Hạnh vào nhà tắm, xối nước ào ào lên cả chiếc áo lam đang mặc như muốn gột rửa những hình ảnh vừa nhìn thấy. Hạnh nhắm mắt để khỏi nhìn thấy ngực mình khi cởi những chiếc cúc vải trên chiếc áo lam. Tội lỗi! Cái thân tứ đại nầy sao có thể làm những chuyện như thế? Hạnh nhìn đôi tay trắng hồng của mình đang ngâm trong nước lạnh. Bàn tay nầy do đất, nước, gió, lửa tạo nên, sao lại …có thể làm như vậy được???
Hai ba hôm sau, Hạnh vẫn không dám đụng vào chiếc máy vi tính. Hạnh cứ sợ khi mở máy lên, những hình ảnh đáng sợ hôm trước lại hiện ra trước mắt mà không thể nào tắt máy được. Có khi nửa đêm, Hạnh mơ thấy chiếc máy vi tính tự động bật lên, Hạnh trùm chăn kín cả đầu, quay mặt vô tường để khỏi nghe thấy…
Buổi sáng vào lớp, cô giáo đang giảng bài chợt dừng lại, hỏi Hạnh: “Em sao vậy, bệnh hả?” Hạnh ấp úm: “Thưa cô…”. “Không hiểu bài, phải không? Được rồi, cô giảng lại đoạn nầy!” Hạnh thấy ân hận vì đã làm cô bận lòng. Đâu phải Hạnh không hiểu bài, Cái Hạnh không hiểu là nhiều chuyện khác mà không biết hỏi ai và chia sẻ cùng ai. “Đạo đời hai ngả, phải thế không? Là con của Phật, trong sạch như nước Cam lồ, sao lại phải làm thế khi yêu?”

– Thầy định thuê người cuốc khoảng sân nầy lên để trồng rau cải, làm thêm cái hàng rào bên kia để lũ trẻ không qua bứt phá cây cỏ. Con thấy thế nào?
– Thưa thầy…con thấy… nên để thế nầy cho đẹp. Phía sau chùa còn một khoảng đất trống chưa trồng gì, lại thoáng nắng. Trồng rau ở đó chắc sẽ tốt hơn – Hạnh nói mà nghe có gì đó đổ vỡ trong lòng.
Sư thầy gật đầu:
– Con nói đúng, thầy giao cho con lo chuyện này.
– Mô Phật.
Hạnh cúi đầu vâng lời thầy mà tưởng như đang cúi đầu tạ lỗi. Hạnh nói đúng mà cứ như đang lừa dối sư thầy. Phải, Hạnh không muốn mất khoảng sân đầy cỏ xanh với những hoa nắng lao xao mỗi trưa. Hạnh không muốn có cái hàng rào ở nơi kia, chắn ngang vườn chùa và nhà anh Tuấn. Hạnh muốn thấy con chó nhỏ lông trắng như bông, chạy loăng quăng đuổi theo chiếc lá bồ đề bay trên thảm cỏ. Hạnh muốn nghe tiếng sủa “gâu gâu” và cái bóng quay tròn của nó khi tìm cách cắn cái đuôi của chính mình. Và hơn hết, Hạnh muốn thấy anh Tuấn thỉnh thoảng bước qua bên nầy sân, nhóng tìm, rồi hỏi vu vơ: “Diệu Hạnh ơi! Có gặp khó khăn gì không?” Câu hỏi lửng lơ, vô tình như của một người không quen, gặp nhau bất chợt, rảnh rỗi, hỏi cho có…
Một khoảng cỏ xanh mất đi, một hàng rào dựng lên…sẽ là nghìn trùng xa cách. Dẫu đạo và đời có hai ngả, thì Hạnh vẫn muốn đứng bên nầy chùa, sau ô cửa sổ quen thuộc, nhìn thấy bên kia khoảng cỏ xanh, vì đó là cuộc đời…
Nhiều lần, trong cái thâm u tĩnh mịch của sân chùa, trong hương khói mông lung và tiếng chuông chiều trầm mặc, Hạnh đếm từng bước, từng bước mình in nhẹ trên thảm cỏ mượt như nhung, rồi thấy lòng nhẹ tênh, thanh thản như thoát tục. Có phải khi người ta rũ bỏ hết duyên trần thì thế gian nầy bỗng chốc trở thành cực lạc? Niết bàn ở một cõi nào đó xa xôi, đức Thế Tôn vẫn không nhìn thấy được, có phải con người khi từ bỏ lục căn, ngũ uẩn là đã đạt thành chính quả?… Hạnh dần dần ngộ ra những lời thầy dạy. Hạnh tưởng mình đã có được huệ nhãn, có đủ huệ căn để có thể nhìn thấu suốt cái cõi vô minh ở lòng mình.

Sáng chủ nhật, Hạnh chuẩn bị đi học thêm, nhân tiện ghé thuê người cuốc đất, làm rào cho chùa. Bên nhà anh Tuấn bỗng ồn ào hơn mọi ngày. Năm bảy chiếc xe gắn máy đậu trước sân. Gần chục thanh niên nam nữ ăn mặc hợp thời trang tụ tập sau vườn nhà anh Tuấn. Có lẽ họ tổ chức picnic. Họ nấu nướng, ăn uống, cười nói, chạy đuổi làm ồn ào cả xóm. Hạnh dắt xe ra cổng, tự dưng lòng thấy khó chịu. Học hai giờ Anh văn mà tâm trí Hạnh cứ để tận nơi đâu. Ghé chỗ thợ làm hàng rào, lại đi vắng. Hạnh lững thững dắt bộ xe trở về chùa.
Việc đầu tiên của Hạnh là quan sát xem đám bạn anh Tuấn còn ở đó không. May quá, họ về cả rồi! Ghé qua phòng sư thầy để thưa chuyện thuê thợ chưa được, xong Hạnh về phòng mình. Hạnh ngạc nhiên khi thấy một khối bông trắng nõn nằm trước cửa phòng. – Con chó nhỏ của anh Tuấn! Có lẽ bên ấy ồn ào quá nên nó trốn sang đây. Hạnh xoa cái đầu bù xù lông trắng và nghe được cái cảm giác ấm áp lạ lùng truyền sang từ con chó. Bên kia, nhà anh Tuấn đã trở lại cái yên ắng thường ngày. Có lẽ anh ấy vẫn còn ở nhà, cánh cổng rào vẫn mở. Tự dưng, Hạnh muốn sang bên ấy, mượn cái gì đó, nói điều gì đó…Mượn gì, nói gì…Hạnh cũng không biết, chỉ biết là muốn sang bên đó, vậy thôi! Hạnh nhìn con chó và một ý nghĩ chợt đến – Mang trả con chó cho chủ nó! Hạnh luồn tay dưới bụng, nâng con chó lên và ôm nó vào ngực. Hạnh bước chầm chậm, rón rén như sợ có ai nghe được tiếng chân mình.
Qua hết khoảng sân cỏ mịn, một khoảng đất trống…Qua chiếc võng treo hờ hững trên cành cây, chiếc bàn nhỏ…Hạnh bước gần đến cửa sau, định gọi…Con chó nhỏ vẫn nằm ấm áp trên ngực Hạnh, rất ngoan ngoãn. Hạnh vuốt ve nó như muốn tìm thêm sức mạnh, thêm can đảm…Chẳng lẽ anh Tuấn ra khỏi nhà mà quên đóng cửa rào? Hạnh nhón chân nhìn vào gian bếp…Anh Tuấn đang bị một cô gái đứng dạng hai chân, đè cả người vào vách; hai tay anh buông thõng, đầu nghiêng một bên, như tránh né…Hạnh chỉ có thể nhìn được đến thế rồi vùng bỏ chạy! Con chó nhỏ phóng nhanh xuống đất, hoảng hốt chạy đuổi theo Hạnh, sủa gâu gâu cho đến lúc Hạnh lao vào phòng, đóng sầm cửa lại…

– Thưa thầy, con muốn xây cái hàng rào ở chỗ kia, trồng rau ở khoảng sân nầy. Đất ở đây tốt hơn đất ở sau hè chùa.
Sư thầy đứng lặng im…
Đây là lần đầu tiên trong đời, Hạnh nói dối Phật Trời, nói dối sư thầy và dối chính lòng mình…
Tác giả: Nguyễn Lệ Ba – Thực hiện: NSUT. Kim Cúc

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *