Nghe đọc truyện đêm khuya – Máy bay giảm dần độ cao để đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Ông Giôn Ha-min-tơn thấy lòng bồn chồn, ngổn ngang nhiều cảm xúc khi nhìn những đám mây ngoài cửa sổ đang lướt ngược chiều trắng phau, cuồn cuộn, rối bời. Hơn một phần tư thế kỷ trước đây, cũng vào một buổi sáng trời nắng đẹp, cái nắng cuối xuân nhiệt đới, ông đã rời xứ sở này trên một chuyến bay. Kể ra trong mấy trăm ngàn quân viễn chinh của nước Mỹ, ông là một trong ít số người may mắn thoát khỏi cuộc chiến lành lặn trở về, mà lại trở về đàng hoàng, có người đưa kẻ đón, trên một chiếc máy bay! Nói cho đúng thì rất đàng hoàng trong tư thế của. người thua cuộc! Ông nhớ lại cảnh sân bay hôm đó, sân bay Gia Lâm, không phải sân bay này. Một sân bay dã chiến quá đỗi thô sơ, do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ, vậy mà vẫn còn dùng được. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là ông đã nhìn thấy chiếc Hercules lực sĩ, sơn màu rêu quen thuộc, đang nằm trên đường băng sửa soạn đón ông và các bạn ông, khi ông từ trên xe bước xuống. Cuộc trao trả diễn ra ngoài trời, giữa nắng vàng hanh và gió xuân ấm áp, rất đơn giản, nhưng với ông, rất xúc động và ông nhớ suốt đời. Những sĩ quan Việt Nam, đồng phục rêu đất, băng đỏ sao vàng trên cánh tay, mũ lưỡi trai đội đầu, thong thả đọc tên từng người một. Ông nhích dần lên, sau những người bạn phi công của mình, ai cũng bảnh trai trong bộ đồng phục quần xanh dương, áo chẽn ngang lưng trắng lốp, mới may và là lượt thẳng băng. Mỗi người xách một cái túi giả da đen nhánh, trong đựng vài bộ quần áo, tư trang và mấy thứ đồ lưu niệm xinh xinh. Có một anh bạn đi trước ông phải chống nạng vì khi nhảy dù xuống đất, anh ta bị gãy chân. Những sĩ quan Mỹ vừa nhận người thương binh thì lập tức hai người da đen mặc áo bay liền quần xam xám bước tới dìu anh ra hướng máy bay, nơi đó, Giôn Ha-min-tơn ngóng nhìn đã thấy thấp thoáng bóng một cô gái mắt xanh, tóc vàng ân cần tiếp đón. Ông nở cười trước hình ảnh thân thương ấy và liền bước lên khi nghe gọi đến tên mình. Với nụ cười đó trên môi, ông quay sang bên cạnh, bắt gặp một người Việt Nam mặc thường phục, tay cầm bút và sổ, vai đeo máy ảnh cũng đang dừng tay ghi chép, nhìn ông mỉm cười đáp lại. Ông buột miệng thốt lên: “See you again!” Và người ấy cũng đáp: “See you again!” Ông ngạc nhiên, dừng bước trong khoảnh khắc. Nhưng tên người phía sau đã được xướng lên. Ông phải tiếp tục bước tới, song vẫn ngoái đầu nhìn lại người Việt Nam và giữ mãi nụ cười. Cái khoảnh khắc ấy còn đọng lại trong trí ông đến ngày hôm nay. Vậy là hơn một phần tư thế kỷ sau, ông đã giữ đúng lời hẹn gặp nhau với đất nước này, có điều ông không hi vọng gặp lại những con người mà ông chỉ đối mặt trong khoảnh khắc nhưng vẫn nhớ suốt đời, nhất là con người vô danh giữa Hàm Rồng năm xưa, con người quyết định số phận của ông.Suốt chuyến đi du lịch vịnh Hạ Long, ông Giôn Ha-min-tơn cứ bồn chồn không yên. Quả thật mấy nghìn hòn đảo này không hổ danh là một kỳ quan của thế giới, mặc dù ông đã không ít lần nhìn thấy chúng từ trên cao. Cũng có một phần ông vốn yêu sự hùng vĩ mà thiên nhiên tạo dựng nên. Cũng có một phần ông muốn đến tận nơi người phi công Mỹ đầu tiên bị bắn hạ tại Việt Nam ? ông An-va-rét, ông bạn có “thâm niên” cao nhất tại “khách sạn Hin-tơn” của các ông ở Hà Nội. Cũng có một phần ông muốn nhìn tận mắt cái cửa biển nổi tiếng dẫn vào đất liền của xứ sở này, cái cửa biển mà trong khi đi tìm nguyên nhân về sự thất bại của nước mình, ông được biết nó đã từng đón tiếp và tiễn đưa các đội quân xâm lược Nam Hán, rồi đế quốc Nguyên Mông hồi đầu, và đế quốc Pháp, rồi đến các ông, hồi cuối thiên niên kỷ này như thế nào. Nhưng cái phần sâu kín nhất là ông muốn dùng năm ngày chờ đợi vừa qua cho có ích. Ông chờ, và hy vọng, với năm ngày đó, người ta sẽ tìm ra cho ông con người mà ông đã buột mồm hẹn gặp lại hơn hăm lăm năm trước. Linh tính mách bảo ông rằng chính người đó sẽ giúp ông giải tỏa ẩn ức về cái khoảng khắc định mệnh mà ông canh cánh bên lòng suốt một phần tư thế kỷ qua. Vì vậy, trong mấy ngày thăm vịnh Hạ Long, ông vẫn thui thủi một mình, trầm ngâm, lặng lẽ. Ông chỉ tủm tỉm cười khi tự phong cho mình danh hiệu “người Mỹ trầm lặng”.
Về đến khách sạn tại Hà Nội, câu đầu tiên ông hỏi khi nhận thìa khóa phòng:
– Có ai nhắn gì tôi không?
Cô tiếp tân trong bộ áo dài màu xanh hy vọng nhìn ông, mỉm cười nói:
– Có người hẹn gặp ông vào 8 giờ tối nay.
Ông sáng mắt lên:
– Một người Việt Nam?
– Vâng, một người Việt Nam.
– Một người già?
– Có thể là như vậy. Nhưng. ông sẽ sớm biết thôi.
Ông về phòng, tắm rửa vội vàng, dùng bữa tối đơn giản, và xuống phòng khách ngồi đợi.
Đúng 8 giờ. Một người đàn ông Việt Nam có tuổi bước vào, đi thẳng tới quầy tiếp tân và hỏi tên ông. Ông đứng bật dậy, thốt lên: “Tôi đây!” và chìa tay ra:
– Rất hân hạnh! Xin cho biết quí danh.
– Cứ gọi tôi là Nam. Tôi cũng rất hân hạnh được gặp ông.
Ông siết chặt bàn tay nhỏ nhắn của ông Nam, rồi dang rộng cả hai cánh tay, cười lớn, tiếng cười sảng khoái đầu tiên kể từ khi ông đặt chân trở lại đất nước này:
– Ông Nam! Ông thấy không, tôi đã giữ đúng lời hứa!
Ông Nam từ tốn nói:
– Nhưng ông trở lại khí hơi muộn. Vả lại các ông, những người lái máy bay, mà trở lại chậm hơn những người lính bộ binh!
– Ha, ha! Mời ông ngồi xuống đây. Ông dí dỏm lắm. Bộ binh, người ta có thể băng rừng. Còn phi công, phải chờ có sân bay chứ!
– ở Hàm Rồng đâu có sân bay mà năm ấy ông cũng nhanh chóng về tới được Hà Nội!
Ông Giôn tròn mắt:
– Ông cũng biết chuyện đó nữa à?
– Vâng. Mấy hôm nghe nói ông muốn tìm tôi, nhân lúc ông đi Hạ Long, tôi đã đi tìm ông trong. hồ sơ lưu trữ.
– à, tôi đoán không sai, có phải không? Ông là nhà báo?
– Vâng. Ông đã đoán đúng. Và ông đã tìm được tôi.
– Vậy là chúng ta đã hiểu về nhau. Lạy Chúa tôi. Cầu Chúa ban phúc cho ông.
– Những người lính bộ binh, họ đã trở lại khá nhiều, còn các ông, ít quá.
Ông Giôn nhoẻn cười:
– Chúng tôi ít, nhưng. Như vị đại sứ của chúng tôi bây giờ đó. Một thôi, nhưng mà rất quan trọng, phải không nào?
– Vậy ông sang để sắp làm một điều gì rất quan trọng nữa phải không?
Ông Giôn cười ha ha:
– Có thể là như vậy. Nhưng với một điều kiện.
– Tôi đang nghe ông.
– . Là ông phải giúp tôi.
– Tất nhiên là tôi sẵn sàng giúp ông. Nhưng tôi có thể giúp ông việc gì?
– Tôi muốn trở lại Hàm Rồng.
Đến lượt ông Nam nhoẻn cười:
– Mấy mươi năm qua, chúng tôi đã ra sức hàn gắn những gì mà các ông đã tàn phá. Và cũng đã xây dựng nhiều cái mới nữa, để. không trở lại “thời kỳ đồ đá”! Chẳng lẽ lần này sang, ông muốn làm một điều rất quan trọng là. xây lại cho chúng tôi cầu Hàm Rồng?
– Ha ha, ông dí dỏm quá! Chuyện đó là chuyện của các chính phủ. Còn tôi, tôi muốn nhờ ông giúp tôi tìm lại một người.
Ông Giôn lúng túng, dừng lại để tìm cách diễn đạt điều mình sắp nói. Thấy vậy, ông Nam tủm tỉm cười:
– . Đã bắn rớt máy bay của ông?
– A, nếu được thì rất tốt.
– Nhưng tôi e đó không phải chỉ là một người.
– Càng tốt thôi.
– Nhưng ông bảo cần tìm một người.
– Vâng, một người. Tôi biết giải thích thế nào để ông có thể hiểu tôi nhỉ.?
Ông Nam lại cười:
– Hay ông đã. phải lòng cô gái của chúng tôi! Người nữ dân quân đã áp giải ông về xã đội trước mũi súng của cô ta?
– Ha ha, thế thì tại sao không nhỉ? Ông biết đùa lắm. Tôi cũng thích như vậy. Nhưng tôi e người tôi định tìm không còn ở Hàm Rồng nữa. Dù sao thì tôi cũng phải tới đó. Để được một lần đứng ở giữa cầu. Ông giúp tôi chứ?
– Vâng. Ông yên tâm. Tôi sẽ cố hết sức mình. Nhưng xin ông cho tôi ít ngày chuẩn bị để chuyến đi của chúng ta đạt kết quả tốt.
– Vâng, vâng. Xin tùy ông. Tôi sẽ thu xếp chương trình tham quan Hà Nội trong ít ngày, sau đó sẽ hoàn toàn tuân theo sự hướng dẫn của ông.
Mấy hôm sau, vào một buổi trưa nắng chói, hai ông dừng xe ở con dốc dẫn lên cầu Hàm Rồng. Ông Giôn không vội vã gì, thong dong đứng trước mũi xe ngắm nhìn phong cảnh, chiếc kính mát màu đen, gọng nhựa, cắn hờ bên mép. Sau ông, hai bên đường, lúa đang lên mướt xanh. Xa xa, một cái ao rộng, lá sen hình tán dù và hoa sen màu hồng phơn phớt tím nở đầy mặt nước. Ông Giôn chỉ tay về phía ao sen:
– Loài hoa rất đặc trưng của á đông.
– Vâng, đó là một giống hoa cao quí, nhị hoa ướp trà thơm lắm.
– Vâng. Tôi biết. Mấy hôm ở Hà Nội tôi toàn uống trà sen. Và khi về, tôi sẽ mua trà sen làm quà.
Ông Nam nhoẻn cười:
– Nhưng có điều này chắc ông chưa biết: Cái ao sen ấy, trước đây là một hố bom.
– Ô! Thật vậy sao?
– Vâng, chuyện này thì tôi không đùa.
Ông Giôn lại trầm ngâm, đứng nhìn phong cảnh. Lạ thật, cái đất nước này lạ thật! Chợt ông quay phắt lại:
– Ông Nam! Ông có nghĩ rằng cái ao sen kia do tôi tạo nên không?
– Có thể lắm chứ! Ai mà biết được.
– Ước gì tôi có một cái hoa sen từ hố bom kia. Khi tặng trà sen, tôi sẽ đưa cho các bạn tôi xem cái hoa ấy.
– Nếu vậy, tôi sẽ cố gắng xem sao.
– Ô, cảm ơn ông!
– Ông Giôn này, tôi có hai thông tin mới cho ông.
– Thế à! Chắc là những tin vui chứ?
– Không hẳn vậy. Một vui và một chưa được vui.
– Ông nói tin chưa vui trước đi.
– Tôi chưa tìm ra tên những người đã bắn rớt máy bay ông. Người ta bảo rằng lúc đó chỉ xác định được là máy bay ông rơi do dính đạn của súng bộ binh.
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Vì khi ấy tôi có cảm giác mình vấp phải một cái gì rất nhẹ. Vả lại tôi bay thấp lắm mà, cao xạ không bắn được đâu. Tôi đoan chắc với ông như thế!
– Súng bộ binh trong tầm bắn hôm đó chỉ có trận địa 12 ly 7 của lực lượng vũ trang chốt ở núi Đầu Rồng bên kia sông và súng trường của dân quân hai bờ Nam Bắc sông Mã.
Ông Giôn trầm ngâm suy nghĩ:
– Cái trận địa 12 ly 7 đó tôi có biết và có tính tới. Nhưng chẳng lẽ nó nhanh đến như vậy? Hay là. (ông lẩm bẩm như nói riêng với mình) vì cái khoảnh khắc tôi sững người ra mà không bấm cò và không vọt lên ngay như đã dự tính?
Ông Nam chợt hỏi:
– Khoảnh khắc nào, ông Giôn?
– Hừm. Biết nói thế nào để ông tin đây. Mà này, còn cái khoản súng trường của dân quân thì. quả là chúng tôi không tính nổi. Các ông chắc cũng vậy. Không tìm ra, hay chưa tìm ra thì cũng phải thôi. Rất tiếc là tôi không có hân hạnh bắt tay người anh hùng đã hạ được tôi, một phi công không thuộc loại xoàng, không xoàng chút nào đâu ông Nam ạ.
– Vâng, điều này thì tôi hiểu.
– Còn cái tin vui?
– à vâng. Đây là tin vui: Tôi đã tìm ra tên và địa chỉ của cô gái Việt Nam mà ông. đã “phải lòng”.
– Vậy sao! Hoan hô ông Nam! Đi, ta tới chỗ đó đi.
– Nhưng. đáng tiếc là cô ấy đã lấy chồng từ lâu.
– ồ! Đâu có sao! Ông tưởng tôi muốn tới đấu súng với chồng cô ta sao?
– Không phải vậy. Mà vì cô ấy đã theo chồng đi xa khỏi vùng này rồi.
– Ôi, thật đáng tiếc! Vậy ông có thể cho tôi xin tên và địa chỉ của cô ấy chứ? Tôi muốn gửi một chút quà.
– Vâng, chuyện này thì được thôi. Vì con gái cô ấy đang học đại học ở Hà Nội, tôi sẽ thu xếp để con gái cô ấy chuyển hộ món quà của ông, nếu ông muốn.
– ồ, thế thì tốt quá. Mà này, cô ấy, cái người mà tôi “phải lòng” ấy mà, đã thực sự làm tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiếp xúc: cô ấy nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, ông ạ.
– Thật ư? Cô ấy đã nói gì với ông?
– Hands up và Go on! Ha. ha.
Ông Giôn thong thả bước lên dốc cầu. Cảnh vật đối với ông hình như không lạ lắm. Đây là trái núi bờ Bắc, bên kia, trái núi bờ Nam. Xa hơn, về phía Tây-Bắc là dãy.
– Ông Nam ơi, Việt Nam gọi dãy núi kia là gì?
– Dãy Đông sơn. Trái núi trước mặt ta là núi Ngọc, còn bên kia sông, núi Rồng, hay còn gọi là núi Đầu Rồng, trên có một hang gọi là hang Mắt Rồng.
Ông Nam dịch nghĩa những tên núi ra tiếng Anh. Và thêm: Con Rồng Đông sơn uốn lượn đuổi Ngọc, đến đây bắt kịp, vừa há miệng ra định đớp ngọc thì bị con sông Mã lồng lên, phi tới dùng đuôi quất sả xuống, tạo khoảng sông giữa hai núi mà chúng tôi gọi là Hàm Rồng, nơi cái hàm con rồng bị quất cho rơi xuống.
– Tên núi, tên sông của các ông đẹp quá và. oai hùng quá. Phải chi tôi biết được điều này mấy mươi năm trước.
Hồi đó, ông Giôn chưa có sự hiểu biết về Việt Nam như bây giờ. Ông chỉ biết được vùng này trên bản đồ và trên tầm cao nhìn xuống. Ông lái chiếc máy bay có cái tên hì hợm là Thần Sấm. Suốt trong mấy năm liền, từ những ngày đầu mới ném bom miền Bắc Việt Nam đến khi chấm dứt ném bom sau cú choáng váng Tết Mậu Thân, các bạn của ông và ông đều rất cay cú chiếc cầu này: Nó bị thương nát cả thân mình nhưng vẫn không chịu sụp đổ. Trong khi đó, hàng mấy chục máy bay đã bị bắn hạ tại đây. Càng cay cú hơn khi các đài truyền hình, phát thanh và báo chí lúc đó cứ ra rả đưa tin về những trận ném bom xuống cầu, gây cho dân chúng phương Tây một sự chú ý đặc biệt, tạo nên một thách thức đối với Không lực Hoa Kỳ. Hôm thì la lên cầu đã bị hạ gục, hôm thì kêu ầm là nó vẫn còn đứng đó và xe vận tải với xe lửa chở súng đạn, hàng hóa cho miền Nam vẫn rầm rập qua cầu. Mà quả thật, mỗi lần ông bay ngang đây, ông cứ luôn thấy nó, khi rách nát, khi lại cong queo xiêu vẹo, nhưng điều quái quỉ là nó không chịu đổ! Lạ lùng thật! Cứ bằng vào những tấm ảnh chụp rất chi tiết của máy bay trinh sát, chỉ cần một quả tên lửa bắn vào chỗ cầu bị thương đang trở nên mong manh nhất là đủ để nó sụp nhào. Ông và các bạn ông, kể cả những người thông minh và giàu kinh nghiệm nhất, lập ra những phương án tác chiến, từng tốp bay lên và. đánh, đánh tới tấp. Mấy hôm sau, các tấm ảnh trinh sát cho thấy: cầu vẫn chưa đổ. Quỉ tha ma bắt nó đi! Soi kỹ, phóng to chỗ cầu bị thương hôm trước thì thấy: có những thanh sắt lớn đã được gắn lên, hàn lại, gia cố chỗ bị thương. Ma quỉ nào dám làm việc này giữa chốn đạn bom suốt ngày sôi sùng sục? Mà làm có kỹ thuật lắm chứ không làm ẩu, các kỹ sư công binh nói vậy! Nhiều bạn ông cay cú tới mức liều lĩnh, và hai anh nữa đã bị bắn rụng, trong khi cái cầu vẫn đứng đó, thách thức và trêu gan! Trong một thời gian dài, việc chiếc cầu chết tiệt biết tự băng bó vết thương là một điều khiến ông và các bạn ông phải điên đầu. Điên đầu nhưng không được liều lĩnh, pháo phòng không của quân đội Bắc Việt cứ thỉnh thoảng nhắc nhở bằng những loạt đạn khiến nhiều bạn ông ra đi mà chẳng có về. Những hôm ấy thật là buồn, cả đoàn bay cứ lặng đi. Và mấy hôm sau, lại quay sang đánh vào các trận địa pháo. Đánh nhau với pháo dù sao thì cũng anh hùng, bên súng bên bom, ai giỏi ai gan thì thắng. Còn đánh nhau với cái cầu, đập cho nó nát tan thì. với một anh phi công như ông, ông thấy nó hèn hèn thế nào ấy. Tuy nhiên, việc bạn mình bị bắn rụng nhắc ông không được phép khinh xuất.
Ông giải thích chiến thuật của mình cho ông Nam nghe một cách thật đơn giản, sao cho ông Nam dễ hiểu: tập kích theo hướng Bắc-Nam hay ngược lại thì khả năng bom rơi trúng cầu nhiều hơn. Nhưng theo hướng này, cầu bị hai quả núi che khuất, muốn nhìn rõ phải bay cao và trắc thủ cao xạ dưới đất cũng nhìn rõ ông. Còn muốn bay thấp, tạo thế bất ngờ thì.
– Ông Nam này, ông có thấy không: Từ đám mây trên cao, tôi lao xuống và uốn lượn giấu mình sau những ngọn núi của dãy Đông sơn xa xa kia, hướng về phía Hàm Rồng.
Ông Nam tủm tỉm:
– Như con Rồng đang đuổi ngọc.
– à à. Vâng. Nhưng tôi không phóng ra vồ ngọc ngay như con Rồng mà vút ra sông và nương theo mặt sông. Gần đến nơi, tôi vọt lên và liền bắt được chiếc cầu trong máy ngắm. Tóm lại là tôi đã tính toán rất kỹ và hành động rất đúng.
– . Nhưng vẫn bị bắn hạ?
– Biết nói thế nào với ông đây.
Lúc ấy, hai ông đã lên tới mố cầu. Con sông Mã hiện ra, quanh co lấp lóa. Ông Giôn dừng bước, mắt ngóng nhìn phía thượng lưu:
– Kia, có lẽ từ chỗ kia tôi đã vọt lên và bắt được chiếc cầu trong máy ngắm. Ngón tay tôi đặt trên nút bấm sắp ấn xuống cho hai quả tên lửa lao đi. Thì đúng lúc đó, tôi nhìn thấy trên mạ thượng của chiếc cầu một con người, một con người ông à! Người ấy mặc bộ quần áo xanh thợ, tôi nhớ rõ, không phải màu xanh rêu của người lính, mà màu xanh của người thợ. Một người thợ hàn! Vì một tay anh ta cầm cái mỏ hàn, còn tay kia thì đẩy mặt nạ hàn lên khỏi trán để ngước đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. Vâng, tôi đã nói với ông là lúc đó tôi bay thấp lắm, thấp đến mức hai ánh mắt chúng tôi có thể nhìn thẳng vào nhau! Thật kinh khủng quá, tôi chưa từng tưởng tượng ra cảnh này bao giờ. ánh mắt của người thợ cầm mỏ hàn, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi. Không một chút sợ sệt. Không một chút van xin. Chỉ nhìn thôi. Và cả hai cùng kinh ngạc như nhau. Ôi lạy Chúa! Vâng, đúng cái khoảnh khắc định mệnh đó, tôi đã không ấn cò. Và sau đó ít giây, máy bay của tôi rung nhẹ, rồi lửa bốc lên. Tôi chỉ còn kịp nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy. Suốt mấy chục năm qua, hình ảnh người thợ ấy cứ ám ảnh tôi. Thú thật tôi đã không tính tới chuyện có một người thợ đang làm việc trên cầu trong cảnh đạn bom và tên lửa suốt ngày tới tấp bắn phá. Vì trong khi nghiền ngẫm tìm cách đánh, tôi nghĩ lần này mình sẽ quất sập cầu và sẽ trở thành anh hùng trong mắt các bạn tôi. Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, thay vì ấn cò tôi lại cứ trố mắt ra. Như một thằng ngố. Lắm lúc tôi tự dày vò mình: nếu lúc đó tôi đánh sập được cầu và trở về căn cứ an toàn thì tôi có phải là người anh hùng thật sự không? Mà trong hoàn cảnh ấy, ai mới thật là anh hùng chứ? Tôi, người bắn hạ được tôi, hay anh thợ hàn kia? Tôi là người tốt hay tôi là thằng ngốc?. Nhiều lúc đang đêm, những câu hỏi như vậy chợt đến và làm tôi thức mãi không sao ngủ được suốt hơn hai chục năm nay. Cuối cùng, có một điều tôi mong ông hiểu cho: tôi bị bắt làm tù binh của các ông không phải vì tôi là một người lính tồi.
Ông Giôn chợt ngưng bặt, quay lại nhìn thẳng vào mắt ông Nam. Ông Nam chẳng nói một lời, lặng lẽ đưa bàn tay nhỏ và ấm ra nắm chặt tay ông. Trong đáy mắt ông Nam, ông thấy ánh lên một tia đồng cảm.
Giữa nắng trưa trên cầu Hàm Rồng lộng gió, hai người đàn ông đứng nắm tay nhau. Ông Giôn ngước mắt nhìn lên cao:
– Kia, người ấy đã nhìn tôi từ nơi đó, với chiếc mỏ hàn trong tay. Và tôi đã sững sờ, quên bắn. Ông có tin tôi không?
– Vâng, tôi tin. Tôi tin vào những khoảnh khắc bừng sáng trong tâm thức con người.
Hơn nửa tháng sau, ông Giôn thu xếp hành lý, ra sân bay trở về nước. Ông thấy trong người nhẹ nhõm như đã cất bớt được một phần gánh nặng. Vui nhất là ông đã gặp được người năm xưa, “cố nhân” của ông. Người thợ hàn trên cầu hồi đó nay đã luống tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Điều đáng quí là ông ta vẫn theo nghề cũ, đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân hàn khung cửa, sườn nhà. ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông và ông Nam đến thăm ông ta vào một lúc bất ngờ, không báo trước. Trong khung cảnh ánh lửa hàn nhoi nhói, tiếng máy sè sè, hai người đã gặp nhau, lần này thì cả hai cùng “đứng trên mặt đất”, ông Giôn vừa cười vừa nói như vậy trong niềm vui và nỗi xúc động mà ông không giấu giếm. Sau đó, ông chủ xưởng hàn đã lôi khách vào một quán cà phê bên cạnh để “dễ bề tâm sự”, với sự trợ giúp của ông Nam. Ông Giôn hỏi:
– Lúc đó ông nghĩ gì?
– Tôi chẳng nghĩ gì cả. Nghe tiếng máy bay rít, tôi đẩy mặt nạ hàn lên và liền nhìn thấy ông. Tôi hết sức ngạc nhiên và thấy ông nhìn tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Rồi sau đó, tôi thấy máy bay ông cháy, ông nhảy dù ra. Tôi lẩm bẩm: “Sống rồi!” Và tôi kéo mặt nạ hàn xuống, tiếp tục công việc.
– Thú thật là tôi chưa hiểu nổi.
– Vâng, tôi cũng vậy. Sau này, trong nhiều năm, tôi vẫn tự hỏi là tại sao lúc đó mình lại làm được như vậy. Ông tin tôi chứ?
Ông Giôn nhìn sang ông Nam:
– Vâng tôi tin. ở người này là khoảnh khắc, còn ở người khác là cả một đoạn đời. Tùy theo tâm hồn họ được nuôi dưỡng bằng thứ sữa nào để có lúc bừng lên, tỏa sáng.
Chiếc tắc-xi đã nhẹ nhàng đỗ lại trước ga đi của sân bay quốc tế Nội Bài. Ông Nam giúp ông Giôn mang hành lý vào phòng làm thủ tục xuất cảnh. Mọi việc đã xong nhưng hai ông còn bịn rịn, chưa muốn chia tay. Tiếng cô hướng dẫn viên ân cần mà thúc giục. Đúng lúc đó, một cô gái trẻ, xinh đẹp, từ ngoài chạy ào vào, mắt nhớn nhác, tìm kiếm. Cô xô tới chỗ ông Nam và ông Giôn, vừa thở vừa nói:
– May quá! Các bác vẫn còn đây. Cháu đến khách sạn trễ. Người ta bảo các bác đi rồi. Thế là cháu nhảy lên xe ôm, phi vút tới đây.
Ông Nam vui vẻ giới thiệu với ông Giôn cô con gái của cái người mà ông đã “phải lòng”. Ông Giôn chỉ còn biết tròn mắt và luôn miệng kêu lên:
– Thật hạnh phúc cho tôi, thật hạnh phúc.
Cô gái giấu cái gì phía sau lưng, cúi chào ông Giôn và nói với ông bằng tiếng Anh:
– Mẹ cháu đã nhận được quà của ông và gửi lời cảm ơn ông.
– Lời như thế nào? Không phải là Hands up chứ?
– Dạ không ạ. Đó là khi ông mang súng đến. Còn bây giờ, mẹ cháu nói See you again.
– Ha ha, cô dí dỏm lắm. Nhất định tôi sẽ trở lại. Và không mang súng!
– Còn đây là quà của cháu tặng ông.
Cô đưa ra một gói giấy kính bọc mấy bông sen.
– Ôi đẹp quá! Thơm quá! Rất cảm ơn cô! Mà này, những đóa hoa này hái ở hố bom gần cầu Hàm Rồng chứ?
– Dạ không. Trên đất nước chúng tôi, chỗ nào cũng có hoa sen, ông ạ.
Tiếng cô hướng dẫn viên ân cần giục giã. Đã đến lúc phải chia tay. Ông Giôn ôm chặt ông Nam, áp má ba lần. Còn với cô gái, ông nói:
– Ta sẽ trở lại, con gái ạ. Cầu Chúa cho bố mẹ con luôn hạnh phúc!
Tác giả: Trần Thanh Giao – Thực hiện: Hải Yến
Từ khóaHải Yến Trần Thanh Giao truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …