Nghe đọc truyện đêm khuya 2018 – Truyện ngắn “không có tên” của tác giả Nguyễn Thu Hằng. Với truyện ngắn này, Nguyễn Thu Hằng chỉ đơn giản là kể rành rọt câu chuyện về linh hồn một cậu bé theo chân các bậc cao niên, những người họ hàng đánh đường về dương gian để dự phần giỗ họ. Thế nhưng phải qua mấy trang văn, người đọc, người nghe mới dần dần nhận ra điều đó. Chuyện người trần và người âm lấp loá vào nhau. Những ngày dương gian thỉnh về giỗ họ, những đứa trẻ vô thừa nhận mãi không được thừa nhận, mãi không được dung thân khi không có tên trong văn khấn. Thật tủi lòng! Nhưng may mắn thay và cũng diệu kỳ thay, chúng còn có một nơi chốn chở che dịu dàng và bao dung vĩnh viễn, đó là lòng mẹ
Mẹ đang ngồi mổ gà ở cầu ao. Quần áo mưa lùng nhùng, khuôn mặt mẹ được bịt kín bởi chiếc khăn bông, chỉ lộ đôi mắt u hoài. Có tới chục con gà đã được làm sạch để trong cái rổ sề, vẫn còn hai con nữa đang quang quác đòi mẹ cắt tiết.
Tôi đứng lặng lẽ bên gốc cây hồng, mắt dõi về phía mẹ, cố đợi mẹ xong việc, mẹ rửa chân tay sạch sẽ, là sẽ lao đến ôm lấy mẹ cho bõ nhớ.
Không có tên – Nguyễn Thu Hằng
Con gà trống quá to so với hai cánh tay nhỏ bé của mẹ, nó giẫy đạp liên hồi, dù tiết đã chảy sắp đầy bát mà nó vẫn chưa chịu hồn lìa khỏi xác. Mẹ bỏ nó xuống nền gạch, nó vẫn ngóc đầu lên, hai cánh đập đập, chân giẫy giẫy, nước bắn tung tóe, mắt nó màu hổ phách đánh ra tận gốc cây hồng nhìn tôi đầy vẻ kiêu ngạo, hờn trách, thách thức. Tôi bồn chồn nhắm mắt lại, khi mở mắt ra thấy đôi mắt màu hổ phách đã khép lại thanh thản, hình như nó vừa biến thành chim vỗ cánh bay lên trời.
Điện thoại chợt đổ chuông. Mẹ bật máy nghe, rồi vội vã vâng dạ, ra lồng gà bắt thêm hai con nữa. Vừa bắt gà mẹ vừa lầm bầm, giỗ họ gì mà gần ba mươi mâm. Con dao lại được liếc xoèn xoẹt. Một chân mẹ giữ cánh, một chân mẹ đè chân gà, còn tay trái cầm cổ gà, tay phải cầm dao cắt tiết. Con dao sắc lóe sáng như ánh chớp vừa lướt qua, dòng máu phọt ra, mắt gà trợn ngược nhìn trân trân đầy oán trách. Không dám nhìn nữa, tôi quay mặt đi.
Con bướm vàng từ đám hoa mướp bay sang chấp chới, đã kéo tôi chạy theo. Vừa chạy ra ngõ, chỗ đầu hàng rào râm bụt thì đụng vào cụ Phạm Tiên và cụ Phạm Văn. Hai cụ về ăn giỗ nên trông diện lắm, khăn xếp, áo dài nhiễu, che ô đen. Nhận ra tôi, cụ Phạm Tiên chửi yêu, thì ra là thằng Cu Đỏ suốt ngày thích chạy nhảy loăng quăng, đã về đến đây rồi đấy. Quay sang cụ Phạm Văn, cụ kể tội tôi, năm ngoái, nó còn khóc sa sả, cứ quấn lấy chân cụ, đòi cụ cõng đi chơi khắp làng, làm cụ đau hết cả lưng, giờ thì đã tự đi một mình rồi đấy. Cụ Phạm Văn cười khà khà vuốt tóc tôi nói, trẻ con mà, đứa nào chẳng thích được cõng đi chơi.
Rồi cụ Phạm Tiên rủ, Cu Đỏ về ăn giỗ họ với bọn ta nhé. Hôm nay, họ Phạm làm giỗ to lắm, ba năm mới có một lần như vậy, đã là người họ Phạm thì ai cũng được mời. Thì ra là vậy. Mẹ mổ gà thuê cho đám giỗ này. Mẹ vốn là người thật thà, chậm chạp nên trong làng ai thuê gì làm đấy, nhổ cỏ, dọn chuồng phân, cắt lúa, mổ gà, rửa bát… Đám giỗ họ Phạm lại thuê mổ gà, mẹ đã không từ chối. Dầu sao thì mổ xong mẹ cũng giắt lưng được ít tiền để chi tiêu, để mua hoa quả, sữa và quần áo cho tôi vào dịp tháng bảy này. Thế thì chẳng lẽ chốc nữa mẹ cũng tới nhà thờ họ Phạm để rửa bát, dọn dẹp? Mẹ vẫn vậy. Đã mổ gà thuê rồi thì có lẽ mẹ sẽ chẳng từ chối việc nào nữa, dù là giỗ họ Phạm. Nghĩ vậy nên tôi đi theo chân hai cụ.
Đến gốc đa trước ngõ thấy cảnh làng xóm đẹp như trong tranh, hai cụ hạ bộ cờ tướng ra ngồi đánh cờ trên tảng đá xanh. Cụ Phạm Tiên nói, cứ thư thả đánh cờ, có vào nhà bây giờ con cháu cũng còn phải lăn ra làm cỗ bàn, chẳng đứa nào nhớ tới hai cụ mà đón rước được. Cụ quay sang bảo tôi thích xem đánh cờ thì ngồi vào đây không thì cứ đi chơi, chốc các cụ cho vào ăn cỗ. Tôi hào hứng lắm, vì sẽ được ăn cỗ, lâu lắm rồi tôi không được ăn cỗ, bởi mẹ đã ốm hai tháng liền chẳng làm thuê được cho ai mà đòi có tiền mua quà cho tôi ăn chứ đừng nói gì tới cỗ, và còn vì sẽ được gặp gỡ tất cả mọi người, được xem mọi người làm việc, trò chuyện, được nghe kệ, nghe kinh, cứ là vui như hội ấy.
Hai cụ đánh được một ván cờ, tôi chán chân bèn chạy lung tung ra chỗ các bà, các cô nấu cỗ. Nhà thờ họ Phạm nằm ngay cạnh cái giếng làng trước kia, nhưng nay giếng làng đã lấp, do dòng họ Phạm mua để làm sân vườn cho khuôn viên nhà thờ được đẹp, có điều vì lấp giếng làng nên mưa rào chiều qua nước trong xóm chẳng thể chảy đi đâu đã đọng lại đầy trên sân vườn của dòng họ Phạm. Các bà, các cô phải khiêng thuyền, nồi, niêu, xoong, chảo, bát đũa, cả thực phẩm ra hẳn ngoài ngõ, trên đường bê tông để làm công tác hậu cần.
Tôi nhận ra thím Sính, dâu thứ nhà ông Phạm Ký đang đồ xôi, mặt mũi thím đỏ phừng phừng như chõ xôi gấc đang đồ, vừa làm thím vừa làu bàu với mấy bà chị em dâu khác: “Hôm nay em phải nghỉ, mất toi ngày công ở công ty, kiểu gì cuối tháng cũng bị trừ lương, cuối năm mất danh hiệu chuyên cần”. Một thím khác, thím này trông gầy tong, răng vổ, má cao, tôi không nhớ tên là gì thì thở dài: “Ai chẳng thế, đến cái máy gạch ngoài đồng Gai của tôi, xin nghỉ chủ còn mắng cho như tát nước vào mặt”. Thím Sính lại tiếp: “Hai mươi nhăm mâm, chẳng biết các cụ có về ăn được không hay lại toàn con cháu đánh chén tĩ tã. Rồi cờ bạc, tổ tôm, rồi say xỉn, nôn mửa lại cãi nhau tanh bành như lần trước thì chỉ tổ mệt chị em mình hầu”. Thím gày tong nói: “Tôi nhắc lão nhà tôi rồi đấy, lần này mà còn nôn mửa ra thì tự đi mà dọn. Mà đóng mỗi suất bao nhiêu?”. “Bảy mươi nghìn đồng, trẻ em đang học mẫu giáo thì được miễn phí, nghe đâu nhà Quyện tài trợ bia nước ngọt, còn tặng cho Quỹ khuyến học của họ hai triệu đồng”. “Nhà nó giàu thế nhỉ? Chốc nữa đến giờ cúng tế mới ưỡn ẹo về lại được đón rước như vua cho mà xem. Cái bọn cứ có nhiều tiền thì giỗ họ chẳng cần làm đầu tắt mặt tối như chị em ta mà vẫn được trọng vọng”. “Cô vợ nhà đó làm gì bảo hái ra tiền. Nghe đâu hôm nay cho thằng con trai mới sinh về dâng lễ nhà thờ họ, ra mắt các cụ để xin ghi tên vào gia phả đấy”. “Cái ngữ này ươm giống cực nhanh chắc? Cả họ vừa ăn cỗ còn chưa dáo mồm. Tôi là tôi nghi lắm. Thấy bảo hồi ấy, nhà Du dắt mối, thế là Quyện đá con Miền ngay”.
Ba cái đầu chúm vào nhau khẽ khàng, rất khẽ, chẳng ai nghe thấy nhưng tôi vẫn nghe thấy: “Chốc nữa phải nhìn mặt thằng bé xem sao, con vợ giàu có, làm giám đốc, không đâu tự dưng đi lấy thằng dân cày ít học…”
Những lời tiếp theo càng bé dần, tôi không muốn nghe trộm nữa, quay ra ngồi thu lu lại dưới bụi tre.
Cái bụi tre này mẹ từng dẫn tôi đến, hai lần. Lần nào mẹ cũng khóc tức tưởi, khiến tôi cũng cứ tức tưởi theo. Mẹ gần như đã quỳ sụp xuống dưới đất, cố kìm cơn khóc mà van xin: “Anh Quyện đừng bỏ rơi mẹ con em!” Nhưng mặc, người ấy vẫn không nhận tôi là con và dứt khoát không cưới mẹ, người ấy bỏ đi. Mặc mẹ và tôi cứ nức lên từng chập.
Lúc ấy, tôi còn bé quá chưa hiểu tại sao người ấy lại quan trọng với tôi và mẹ đến như thế. Về, mẹ bỏ ăn khiến tôi đói lả, thỉnh thoảng đưa tay lên miệng mút mà chẳng thấy có vị gì, thỉnh thoảng khỏe hơn thì tôi đạp vào bụng mẹ vài cái liên hồi, mẹ vẫn không thèm phản ứng, cứ nằm bày bạy ra.
Cho tới lúc tôi nghe rõ có tiếng bá Lúa mở cửa, bá bê cho mẹ bát cháo, bắt mẹ ăn. Mẹ bảo mẹ khổ quá, chỉ muốn đâm đầu xuống sông cho chết. Bá Lúa bảo, chết mà sung sướng hơn thì trên đời này sẽ chẳng còn người sống nữa. Mẹ khóc.
Cuối cùng thì mẹ cũng ăn, đợi mẹ ăn xong, bá nói một hồi, đàn ông bạc tình như nó thì thôi quên đi. Chết làm gì cho phí đời, sống cho tốt để cho con nó sống. Chị em mình là đàn bà cốt nhất là đứa con. Dù nó là đứa con hoang thì nó vẫn là con của mình, là máu mủ của mình, chỉ duy nhất của một mình mình.
Mẹ lại nấc lên. Nhưng tôi không muốn khóc theo mẹ nữa, tôi đói lả đi từ mấy hôm nay rồi, tôi chỉ muốn được mẹ cho ăn thôi. Tôi đạp mạnh để đánh động, mẹ ôm bụng, nhăn mặt. Bá Lúa lại bảo, đứa bé đòi ăn đấy. Múc thêm cho mẹ thức ăn, bá Lúa xoa bụng mẹ để nói chuyện với tôi, giọng bá êm như ru, bé ngoan nào, đừng đạp nhiều để mẹ khỏe, mẹ đi làm nuôi bé nhé. Tôi nằm co mình lại nghe những lời thủ thỉ đó và ăn. Ăn bù mấy hôm tôi bị bỏ đói.
Từ hôm sau, mẹ nhóc nhách dậy đi làm. Có hôm mẹ đi vạc bờ thuê cho người ta, cứ cố cuốc cật lực, khuỷu tay thúc vào bụng khiến tôi khó chịu lắm nhưng vẫn cứ phải nằm im, không dám ngó ngoáy gì, vì tôi sợ mẹ bị đau.
Phía gốc đa, hai cụ vẫn đánh cờ. Cụ Phạm Tiên vốn là thầy đồ dạy học, vừa đánh cờ vừa ngâm mấy câu thơ chữ Hán cổ mà tôi không hiểu là gì. Thằng Nhất, thằng Bé, cái Hĩn, cái út Đỏ cũng đã về, cả bọn đang chơi con quay, chơi chóng chóng bên hàng rào, chúng gọi tôi lại chơi nhưng tự dưng tôi không muốn chơi cái trò trẻ con ấy. Kể từ lúc mấy thím nói chuyện, tôi thẫn thờ như người mất hồn.
Chợt thoáng bóng mẹ te tái chở gà tới, giao cho thím Sính. Thím Sính vẫy tay ra chồng bát đĩa vẫn còn chưa rửa, mặc cả với mẹ số tiền thuê, mẹ đã gật đầu đồng ý. Mẹ chạy ra, chạy vào, bê bê, rửa rửa luôn chân, luôn tay. Ngay dưới bụi tre, mẹ như đã quên những lần từng đứng khóc ở đó. Tay mẹ dấp dính đầy dầu mỡ, mùi tanh hôi, da đã bợt bạt, nhăn nhúm lại.
Tôi ngồi rút cồng cộng tre làm thành chuỗi vòng. Cái út Đỏ đang chơi chong chóng thấy chuỗi vòng đẹp đòi tôi cho để đeo cổ. Được vòng, nó chạy đi khoe với lũ trẻ rằng anh Cu Đỏ cho đấy. Cái Hĩn cũng muốn xin, cứ chạy vòng vòng quang tôi mà năn nỉ, tôi đành gật đầu bừa hẹn nó chốc quay lại, để cho nó đi ra chỗ khác chơi. Lúc này, tôi chỉ muốn nhìn thấy mẹ, mà mẹ thì cứ cúi xuống rửa ráy như một cái bóng, mặt mẹ cũng không nhìn rõ vì mẹ đã quấn thêm cái khăn bông nữa, đội cái nón sùm sụp trên đầu, mẹ như muốn che kín không cho ai nhận ra mình.
Một cái nia được đặt đến phạch trước mặt tôi làm tôi giật mình đánh rơi vòng cồng cộng tre. Bác Khung bê thêm thớt dao để thái nào giò, chả, lòng lợn, thịt quay, thịt luộc. Chú Tùy bê ra một chồng đĩa vừa được lau khô để bày. Mặt chú Tùy nhăn nhở cười, bốc một miếng giò rìa ăn thử. Chú Tùy kêu: “Giò ngon thế nhỉ?”. Bác Khung vụt một cái vào tay chú Tùy, mắng: “Dám ăn trước các cụ, đến lũ trẻ con còn chưa được ăn!”. “Nhưng đây là miếng thẹo miếng thừa anh vứt đi, có cúng cụ đâu mà lo”. “Không cúng cũng không được ăn thế, phải tội chết”. “Thế em hỏi anh, anh đi mua vài lạng giò ở quán về thắp hương, những người trước đã mua, đã ăn, không ăn trước là gì?”. Bác Khung sầm mặt: “Tôi không tranh luận với chú. Chú đi ra mộ mà đánh ráp, rồi vôi ve với bọn thằng Đũn, thằng Hối đi cho tôi nhờ! Việc của chú là ở mộ!”. “Sắp xong hết rồi, em được cử về đây phụ anh một tay cho nhanh kẻo đến trưa không được đánh nhắm. Ông Bản cúng thì đã dài sẵn”. “Cúng là phải có bài bản sao lại kêu dài. Thế ngoài đó, sơn, gạch có đủ không?”. “Phải mua thêm, âm đâu khoảng hai triệu chín trăm. Bổ đầu mỗi đầu đinh đóng thêm khoảng trăm mốt”. “Lo gì cái đó, cứ làm cho đẹp vào. Biết đâu chốc lại có đại gia nào về tài trợ thì sao? Khi công việc xây quy hoạch khu lăng mộ dòng họ xong là chúng ta nhẹ người, có thể rủ nhau đi làm ăn xa được rồi”. Chú Tùy cười khinh khích, kể: “Thằng Chạnh đi qua khu mộ nhà mình vừa xây quây xong, nói tục rằng, họ Phạm nhà chúng mày khôn hơn rí, bảo nhau xí phần đất đẹp nhất nghĩa trang, chứ cái họ Ngô nhà tao thật thà, các cụ bảo, cứ lo sống đã, chết đâu rồi có đấy, xí đất làm đếch gì cho mệt, kể cả chết thiêu ném tro xuống sông cho đỡ tốn đất đai của con cháu cũng xong”. “Kệ họ nhà chúng nó”.
Chú Tùy nhìn trước nhìn sau, lại đút một miếng chả thẹo vào mồm nhồm nhoàm nhai. Bác Khung định mắng thì chú lại cười: “Có ai nhìn đâu mà biết”. “Các cụ biết đấy, chú đừng có tưởng!”.
Cụ Phạm Tiên vừa đi nước cờ quyết định, thắng cờ, cụ chỉ tay vào chú Tùy mà nói với cụ Phạm Văn rằng: “Cái thằng chỉ được cái mồm ăn, tay làm là không ai bằng. Các cụ nào trách con cháu ăn miếng thừa miếng thẹo chứ, cứ ăn đi không rồi chốc nữa chúng mày vứt những miếng ấy đi thì cũng phí phạm lắm”. Cụ Phạm Văn gật đầu: “Miễn là chúng đừng có nói xằng bậy, say xỉn”.
Mùi thức ăn bốc lên thơm ngậy. Mẹ đã rửa xong bát đĩa, còn lau chùi sạch sẽ. Khi mà các thím xúm vào bày mâm thì thím Sính lại chỉ cho mẹ rửa nốt cái thuyền và khơi đám rác đang tắc lại nơi cống thoát nước, sẽ trả thêm tiền. Mẹ không nói gì, nhận việc rồi tiếp tục lúi cúi làm.
Ngoài cổng, một đoàn gồm các con cháu ông Phảng, là chi hai họ Phạm đội mâm lễ vào nhà thờ họ để làm lễ. Nhưng ông Bản, ông Hỏa và bác Khung đã chặn họ lại trước cửa không cho vào. Hai cụ họ Phạm bỏ cả ván cờ rủ nhau vào xem có chuyện gì, tôi cũng chạy theo sau.
Giọng ông Bản sang sảng nhưng đầy uất ức: “Đã có họ thì phải có hàng. Các con cháu ông Phảng đúng là chi hai của họ Phạm, song các anh chị đã không tuân thủ theo hàng lối mà xưng sằng hô bậy, không theo gia phả, khác nào họ nhà tôm cứt lộn lên đầu. Lại còn tự ý không công nhận một cụ ở ngành hai để mình đôn lên một hàng. Đáng lẽ là con cháu giờ đòi lên ngang hàng ông bà, hỏi có được không? Vì vậy cách đây một tháng, trong buổi họp trù bị chuẩn bị cho giỗ họ, dòng họ Phạm đã mời chi đó sang họp để nói cho rõ ngọn ngành, nhưng chi ấy không nghe, nên cả dòng họ đã quyết định công bố loại chi hai ra khỏi dòng họ Phạm này rồi!”. “Gia phả nào chứ? Cái gia phả gốc hồi lụt bị cuốn ra sông Thái Bình rồi. Giờ các ông tự tiện viết lại, bị nhầm nhọt, tòi đâu ra một cụ tên là Sân ở chi chúng tôi nên chúng tôi mới ở vế thấp hơn các ông. Có ai đời bằng tuổi nhau mà chúng tôi làm con, làm cháu các ông mà coi được à?”. Ông Phảng phản pháo lại. Những người khác cùng nhao nhao lên theo: “Ngày trước, các cụ viết lại là dựa theo lời kể của cụ Phạm Văn, với lại cũng có chứng cứ khắp làng. Người trong họ Ngô kể lại chuyện hai cô cháu ruột họ Ngô lấy hai anh em họ Phạm, người cô lấy người em tên là Phạm Sân, còn người cháu lại lấy người anh trong họ là Phạm Tín. Vậy là chi hai có cụ Sân, còn cụ Phạm Tín ở chi một. Giờ con cháu hỗn láo bảo không có cụ Phạm Sân là có tội với tổ tiên, với vong linh cụ. Thứ nữa đã là trong họ thì phải gọi theo hàng lối nên dù có tám chục tuổi vẫn phải gọi thằng nên ba bằng ông là chuyện thường sao lại lý lẽ như nhà anh được?”. “Lý lẽ gì, các ông đừng cậy đông mà bắt nạt chi tôi. Cha tôi trước khi chết đã trăng trối lại vì ông nội tôi là con một lại không được khôn ngoan, còn nghèo, còn hèn nên bị các ông ăn hiếp, cứ phải âm thầm chịu lép vế. Đời chúng tôi khác rồi. Đợi chúng tôi sẽ tìm thêm chứng cứ để cho các ông biết, các ông cũng chỉ bằng vai tôi thôi, đừng có mà lên mặt sớm”. “Tôi không nói chuyện với các anh nữa. Mời đi cho. Không biết phải trái trên dưới thì vào lễ nhà thờ họ làm gì”. Người đội lễ, chửi tục một câu, rồi vênh mặt lên: “Cái nhà thờ họ này cũng có công lao tiền của đóng góp của chúng ông đấy. Ông thách thằng nào dám cản chúng ông vào đấy thắp hương?”.
Mặt ông Bản biến sắc. Mấy người đàn ông đứng cạnh ông cũng bất ngờ, Người chi hai nói đúng quá. Năm huy động xây nhà thờ họ, việc vai vế còn lùng nhùng chưa rõ ràng nên họ chưa làm găng, nên riêng chi hai đóng góp tới tám mươi triệu bằng số tiền của cả dòng họ còn lại. Đúng là nhận hay không nhận là việc của người sống còn việc vào thắp hương trong nhà thờ cho người chết là quyền của chi hai, vì rõ ràng chi hai vẫn là người trong dòng họ Phạm. Ông Bản tưởng muốn gục xuống sân nếu không có bác Khung và chú Tùy đỡ dìu vào bàn.
Người chi hai cứ xông thẳng vào gian giữa làm lễ, lễ xong thì xin phép hạ lễ về nhà cho con cháu trong chi thụ lộc, rồi họ sẽ tổ chức làm giỗ họ ở nhà anh trưởng chi một cách bình thường.
Cụ Phạm Văn cứ đứng dựa vào gốc cau mà lau mồ hôi. Còn cụ Phạm Tiên thì ỉu xìu như bánh đa gặp nước, cụ bảo: “Biết thế ta chẳng về, theo cụ Sân đi lễ chùa Hương cho thanh thản”. Cụ Phạm Văn sau một hồi bất ngờ trước sự việc con cháu cãi nhau như hàng tôm hàng cá ngoài chợ về hàng thứ thì cũng thở dài: “Cũng tại chúng ta cả, gia phả ghi chép cẩu thả, sơ sài, còn để thất lạc nên mới ra nông nỗi này. Ngày giỗ họ đã về là phải vào, còn các cụ khác, cả các con cháu đứng đầy ngoài kia không vào coi sao được. Con cháu còn nhiều lầm lỗi, đầu óc u âm, tối như đêm dày như đất thì chỉ bảo dần dần cho chúng nó sáng ra, cụ ạ”.
Cụ Phạm Tiên lấy khăn lau những giọt mồ hôi đã chảy đầy trên mặt.
Sắp đến giờ cúng giỗ. Theo sự chỉ đạo của cụ Phạm Văn, lũ trẻ con xếp thành hàng sau các cụ để chuẩn bị đi vào ăn giỗ họ. Cái Hĩn cứ kéo tôi lên trên vì tôi thấp nhất, nhưng tôi chẳng muốn, tôi đứng cuối hàng để còn được trông thấy bóng mẹ đang lúi húi quét dọn đoạn đường xóm, nhặt rác và khơi cống rãnh.
Còn nhớ, cũng vào một lần, mẹ đi rửa bát dọn dẹp thuê cho một đám cưới, vì cố quá sức nên mẹ rất yếu, khụy xuống. Tôi đang bơi lội trong bụng mẹ, tay mút miệng thì bỗng thấy ngột ngạt, hình như có tiếng nước ào ra khỏi cơ thể mẹ, tôi như cá nhỏ bị hút mất nước, nên hụt hẫng, khó thở. Tiếng một bà kêu lên, đưa cái Miền đi bệnh viện, nước ối ra hết rồi. Mọi người cùng nhốn nháo. Lại có tiếng, vào nhờ thằng Quyện, cô người yêu về ăn đám cưới có ô tô riêng đấy. Tiếng chân chạy vào trong. Lúc sau, tiếng chân vội vã chạy ra, giọng hổn hển bảo, cô người yêu Quyện bảo xe làm ăn, không chở gái đẻ, làm ăn sẽ đen như chó thui, nó cho tiền gọi tắc xi đây, còn thằng Quyện nghe tin đã lỉnh đi đâu mất rồi.
Người ta chở mẹ và tôi bằng xe máy ra tới đường tàu thì gặp tắc xi đã gọi. Đến bệnh viện, mẹ được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Tôi khó thở lắm, chân tay như bã ra nhưng tai vẫn còn nghe tiếng bác sĩ bảo, sao đưa đến muộn thế này, lên phòng mổ. Tiếng dao kéo lanh canh. Tôi thấy có ai đang bóp chặt lấy cổ, như cả một vầng đen đang đổ ụp xuống đầu mình thì bỗng được bế bổng lên ra khỏi quầng đen, một cái dây rốn kéo dài loẵng ngoẵng theo. Tôi loáng thoáng nhìn thấy mẹ đang nằm trên bàn phủ khăn choàng trắng. Mẹ nhìn thấy tôi, mẹ yếu lắm nhưng cũng cố mỉm cười, hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống. Tôi muốn được ôm ngay lấy mẹ để ngậm vào bầu vú thơm tho mà ti như tôi đã từng bao tháng nay nằm mút ngón tay trong bụng mẹ. Chợt tôi thấy một vòng tròn ngũ sắc đang lấp lánh trên đỉnh đầu, vòng tròn cứ xoáy tít, cái vòng đen lan rộng nhất, cuốn dần lấy tôi lên, tôi chỉ kịp dồn sức gọi mẹ bằng một tiếng khóc eo eo thì đã bị cuốn vào vòng xoáy ngũ sắc ấy, bay lên, bay mãi.
Tiếng ô tô về đầu ngõ, người ta ra đón và bê vào nào bia, nước ngọt, đá, cả rượu ngoại. Đám trẻ con chúng tôi đang xếp hàng vào phải dạt ra để chú Quyện và vợ con đi vào trước. Các cô, thím xúm vào xem mặt thằng bé con đang bế trong tay hôm nay về để được viết tên vào gia phả. Ai cũng khen, thằng bé dễ thương, người thì béo má, người thì cầm tay. Mẹ thằng bé đi giày cao trẹo chân, thím Sính giằng bế hộ con để cho mẹ bé buộc lại quay giày. Thím vạch vội cái quần và bỉm ra xem chim thằng bé rồi lại trao trả mẹ nó ngay. Lúc sau, quay sang thím gày kia thì thụt nói, có khi là chú Quyện bị đổ vỏ ốc thật rồi, thằng bé mắt một mí đếch giống Quyện, cu nó cũng chẳng vẹo như cánh trẻ con họ Phạm. Thím kia xuỵt xuỵt ra hiệu nói bé kẻo sợ mọi người nghe thấy.
Các ông, các bà tíu tít chạy ra đón gia đình chú Quyện từ thành phố trở về ăn giỗ họ. Đầu tiên là dâng lễ, rồi đến nghi lễ ghi tên thằng bé con chú Quyện vào trong gia phả. Bác Khung nói qua chuyện xây mộ cho chú Quyện nghe. Vợ chú Quyện bảo, thiếu tiền, vợ chú sẽ tài trợ nốt, không phải bổ đầu làm gì cho mệt. Màn đón tiếp xong xuôi thì ba cụ lớn tuổi nhất họ vào gian thờ giữa ngồi xếp chân vòng tròn chuẩn bị đọc bài khấn mời toàn thể các cụ tổ tiên, con cháu đã mất trong họ về ăn giỗ. Ông Thổ công đứng canh cửa cứ cúi chào đáp lễ các cụ liên tục. Cụ Phạm Tiên vào trước rồi đến các cụ tiếp theo, sau đó mới tới cánh con cháu rồi cuối cùng là cánh trẻ con ủn tiểu chúng tôi. Cụ Phạm Văn vẫn còn phải đứng chỉ đạo cho đám trẻ đỡ nhốn nháo nên chưa vào ngay. Tới lượt tôi. Tôi vừa tới cửa thì ông Thổ công giữ lại không cho vào. Cụ Phạm Văn vội ra can thiệp: “Nó là Cu Đỏ, con rơi của thằng Quyện với cái Miền.”
Ông Thổ công lắc đầu: “Tôi cũng biết điều đó. Nhưng lúc nó còn trong bụng mẹ, thì thằng Quyện đã không nhận, giờ chủ xướng đọc lại không có tên nó. Tôi làm sao mà cho vào được?”. “Tên nó là Cu Đỏ!”. “Đứa trẻ nào chết yếu chẳng mang tên Đỏ, con trai thì Cu Đỏ, con gái thì Bé Đỏ. Còn bao nhiêu Đỏ có cả họ đầy đủ còn xếp hàng đằng sau chờ tới lượt kìa cụ!”
Cụ Phạm Văn còn nói gì đó để xin cho tôi, nhưng tôi đã không muốn vào nữa… Tôi không có tên ở đây. Đến họ còn không được mang, tim còn đập trong bụng mẹ mà bố chẳng thèm nhận nữa là ngày giỗ họ thế này. Mắt ừng ựng nước, tôi cúi mặt bỏ chạy ra ngoài cổng. Mẹ tôi vừa dọn dẹp xong, đang dắt xe ra đầu ngõ. Tôi nhảy tót lên sau xe để mẹ lai về. Cú nhảy quá mạnh khiến tay lái của mẹ khẽ chao đảo. Rồi mẹ lấy lại thăng bằng, gồng mình lên đạp xe. Tôi rúc đầu vào lưng mẹ để lau nước mắt. Một cánh cò bay ngang qua đầu hai mẹ con, qua lũy tre, mẹ nheo mắt nhìn lên, chợt cất giọng ngân nga một điệu hát ru khe khẽ như hồi tôi còn trong bụng mẹ “Con cò bay lả bay la”…
Tác giả: Nguyễn Thu Hằng – Giọng đọc: NSUT. Việt Hùng