Bài nổi bật

Lá Bùa Đỏ – Bùi Thị Như Lan

RadioVn.Com – Hắn đi mà như chạy, cái chân bỗng giống như cánh chim được sổ lồng. Đúng rồi, ba năm trong trại giam đủ để hắn thấy cuộc sống ngoài đời quí giá đến nhường nào. Rõ ràng là hắn đã được tự do mà sao hắn chưa dám tin. Đây là thực hay mơ? Bốp… đốp… Úi da! Đau quá đi. Cái tay hắn tự vả vào mặt mình đau điếng như thế thì rõ là hắn được tự do thật rồi.
Hắn cải tạo tốt vì thế được ra trước thời hạn một năm. Hắn tự thưởng cho mình một nụ cười thoải mái, dù sao thì cái tết này hắn cũng được gói bánh, đón xuân cùng pá rồi. Nghĩ thế hắn lại càng cười to hơn, cười đến nỗi trào ra nước mắt mằn mặn… Mà không hiểu hắn cười hay hắn khóc nữa. Hắn thấy như có hàng trăm, hàng ngàn con chim đang cất tiếng hót trong bụng. Hắn muốn hét to lên và nhảy tưng tưng vì vui quá đi, thế nhưng đang ở giữa phố lạ, hắn phải bấm bụng lại mà cười cho sướng.
Từ Trại giam Phú Sơn đi ra, hắn cúi gằm mặt quày quả ngược núi. Hắn cố đi thật nhanh để về nhà trước khi trời tối. Sau lưng hắn, dòng người, xe cộ ken dày, hối hả ngược xuôi trên đường. Trước mặt hắn là những chiếc ôtô, xe máy chở đầy lá dong cùng những cây đào trổ hoa hồng rực lao vun vút xuống núi.
Khi hắn trôi trong làn sương mù dày đặc, lạnh buốt, cũng là lúc người hắn lọt thỏm giữa ba bề, bốn bên màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Chỉ còn chưa đầy nhịp thở nữa hắn sẽ về đến nhà. Nhà hắn ở đầu bản Cuổn. Sau lưng nhà là vạt rừng già leo ngược lên đỉnh núi Phia Khau, quanh năm, suốt tháng giấu mình trong chiếc màn mây màu trắng khổng lồ.
Lội qua khúc quanh của con suối Nậm Rẻng, đi vài chục bước chân trên mặt đường gồ ghề đá là hắn về đến nhà. Nếp nhà sàn rộng thênh với những cây cột bóng láng đây rồi, nhưng sao vắng vẻ thế? Hắn mệt mỏi, tựa lưng vào gốc cây mận giữa sân mà thở. Bỗng nhiên, từ đâu đó sau nhà, tiếng vó ngựa vang dồn, rồi tiếng hí rộn ràng ngân lên. Con ngựa nâu già ngửi thấy hơi của hắn nên chạy về đón hắn đấy. Nó đến bên hắn, ngúc ngoắc cái đầu, giương đôi mắt to tròn, ấm áp nhìn hắn, rồi như bỗng nhớ ra thói quen ngày trước, nó nhẩn nha dí cái mũi đen vào bàn tay hắn cọ đi, cọ lại, ươn ướt, buồn buồn.
Hắn vuốt cái bờm dựng ngược của con ngựa, nhìn lưng gầy nhẳng, giơ xương của nó hỏi: “Mày chờ tao về đấy à? Sao mày gầy thế hả nâu? Mày có biết pá tao đi đâu không?”.
Con ngựa gõ móng lộp cộp xuống sân, nó nhìn ra ngoài ngõ, ngoảnh đầu về phía con đường, cất lên tiếng hí dài.
Thinh không tràn ngập hương thơm nồng nàn của xôi nếp và tiếng chày giã bánh dày thậm thịch. Hôm nay là ngày hai mươi chín tết, trong bản các nhà giã bánh dày đón xuân mới. Không biết pá hắn có sang nhà ông bác Diếp cùng làm bánh không? Hay là pá giờ này vẫn còn mê mải đi quanh rừng?
Hắn chậm chạp leo cầu thang đi lên. Cái bếp vuông giữa nhà có gộc củi to tướng âm ỉ cháy, nhả ra những viên than hồng rực. Trên bếp, chiếc nồi đồng đỏ au, cũ kỹ đang sôi sùng sục, phả hơi ấm sực. Hắn chợt nhớ lời pá dạy, trong nhà lửa bếp lúc nào cũng phải đỏ để giữ sự ấm áp. Hừ! Lửa nhà hắn lúc nào cũng đỏ thế nhưng có thấy ấm đâu? Lạnh từ trong bụng lạnh ra, thì dù có đốt lửa cả ngày vẫn không ấm lên.
Hắn ngó quanh quất rồi lững thững xuống đầu nhà, nơi khối đá hình con rắn lớn được rễ cây nghiến to bằng mấy vòng tay người ôm quấn chặt. Hắn rất thích mỏm đá này, bởi đây là nơi giữ kín những điều bí mật của hắn từ thủa ấu thơ đến giờ. Không cần phải nhìn thì hắn cũng biết rằng, dưới bụng con rắn, ngay trong hốc cây là quả bầu “thiêng” nhỏ nhắn, tròn trĩnh, vàng óng ả. Hắn nhẹ nhàng lùa tay xuống bụng rắn đá, lôi quả bầu ra. Bao mùa mưa, nắng qua đi mà quả bầu vẫn không phai màu. Hắn vân vê quả bầu trong đôi bàn tay chai sần, mê mải nghĩ…
Hồi hắn cắp sách đi học chữ, pá bảo, quả bầu này đựng hồn vía của hắn. Trong quả bầu, trên là lá bùa đỏ của thầy tào ghi ngày tháng chào đời, dưới là nhúm rau, cuống rốn. Hắn sinh năm con rắn, vì thế nơi giấu hồn vía của hắn ở trong bụng rắn đá là tốt nhiều rồi. Pá hắn dặn đi dặn lại, không bao giờ được nghịch ngợm mà mở nút ra, đây là điều cấm kỵ từ thời ông bà tổ tiên. Nếu mở sẽ có chuyện không lành xảy ra. Từ lâu rồi, hắn không tin điều nhảm nhí ấy, làm gì có chuyện xảy ra cơ chứ? Chẳng qua đấy là tục lệ của bản, của dòng họ thôi.
Đôi tay đang mải mê ve vuốt quả bầu, đầu hắn mải nghĩ về những chuyện đã qua rồi chợt thở dài. Tiếng thở của thằng trai vừa ở trại giam ra có cả vị chan chát, cay cay và đắng ngắt.
*
Lúc hắn lũn cũn theo pá đi tuần khắp các nẻo rừng thì trong nhà đã không có mé. Hắn nhiều lần muốn hỏi pá rằng mé đi đâu, sao không ở nhà, nhưng nhìn nét mặt khắc khổ, buồn bã của pá, hắn nín thít. Hắn sợ pá buồn.
Hắn nhớ lắm, cái ngày mé đi không về.
Sáng sớm. Gió rừng dắt tụi mây bay quanh bản, rồi nhởn nhơ sà vào trong nhà mang theo hơi sương ươn ướt. Pá đeo nắp dao, với tay lấy khẩu súng treo trên cây cột giữa nhà, quàng lên vai rồi tất tả đi tuần quanh rừng.
Ngoài bờ suối Nậm Rẻng có tiếng ngựa hí vang. Con ngựa này tiếng nó giục giã, gấp gáp như gọi ai đó. Mé hắn xõa mớ tóc dài như mây giữa sàn nước tràn nắng chải chuốt mãi, mặc quần áo mới, đeo chiếc vòng bạc to vào cổ, khoác tay nải vải chàm, dắt hết bốn con ngựa trong chuồng ra.
Mé vuốt mái tóc đỏ quạch của hắn, thảng thốt, ngậm ngùi nói:
– Mé đi xuống chợ bán ngựa, lúc nào đói thì ăn cơm trong nồi.
Hắn ngước đôi mắt lên, khẩn khoản:
– Mé à, đi mua cho con cái hộp bút có màu xanh đỏ giống của anh Dân con bác Diếp nha.
Mé khẽ gật đầu, giọng mé lạc đi:
– Ờ…ờ… rồi mé mua.
Nói xong, mé quày quả, hấp tấp dắt theo lũ ngựa xuống dốc.
Chiều, cái nắng theo mặt trời chạy trốn xuống dưới núi. Hắn hơ hoảng, nước mắt lưng tròng, chạy ra chỗ con rắn đá, ngửa mặt nhìn lá cây nghiến đung đưa, rồi lại chạy vào chân cầu thang ngóng pá, mé.
Ngóng mãi, chờ mãi, đến lúc bóng tối bưng tràn mắt thì pá hối hả về nhà. Pá nhấc bổng hắn lên vai, cung kiêng hắn leo cầu thang đi lên. Nhà hắn tối om, bếp nguội ngắt. Pá thắp đèn lên rồi vội vàng nhóm lửa nấu cơm. Bữa cơm hôm ấy lần đầu trong nhà hắn vắng mé. Cái chỗ mé hay ngồi xới cơm trống trải. Pá vừa ăn vừa nhìn mãi ra ngoài bậc cửa.
Từ hôm ấy, mé đi không về .
Sau đó là những ngày tháng không ra vui, cũng không ra buồn. Pá ngày càng lầm lì, ít nói hẳn đi. Hắn nghe thấy tiếng thở dài của pá nhiều hơn tiếng nói.
Bẵng đi nhiều cái tết, mé vẫn không về. Cho đến một buổi chiều cuối đông gió lạnh hun hút, lúc ấy hắn đang học lớp tám. Hắn mang khúc tầm gửi nghiến sang nhà bác Diếp để bác làm thuốc chữa bệnh. Bác Diếp gái mặc chiếc áo chàm mới vào người hắn, chép miệng:
– Cái con mẹ mày đốn mạt quá!
Hắn mở tròn cặp mắt trong veo hỏi khẽ:
– Bác gái à, bác biết mé cháu ở đâu không?
Bác mím môi, chì chiết:
– Mày hỏi nó làm gì, pá mày đau trong bụng nhiều đấy! – Sau hơi thở hắt ra, bác róng riết – Con đàn bà tồi tệ, khi kiệt sức trong rừng, thằng con đỏ hon hỏn thì năn nỉ người tốt cưu mang, lúc đỏ da thắm thịt thì theo thằng trai nhiều tiền!
Hắn im thin thít, chẳng biết vì sao bác Diếp gái nói thế.
Dường như chợt nhớ ra, bác cầm tay hắn vuốt nhè nhẹ:
– Cố mà học cho tốt, cho giỏi, sau này pá mày với hai bác còn nhờ, nghe không?
Hắn lẳng lặng gật đầu. Cái tết năm ấy, hắn buồn nhiều, không theo lũ trẻ trong bản đi chơi hội xuân nữa, hắn ở nhà với pá đến ngày đi học.
*
Cách đây hơn ba mùa cây nghiến đổi lá, vào lúc mặt trời bị dãy núi Phja Khau ngoạm mất một nửa, những vạt nắng cuối ngày nhợt nhạt đổ nghiêng rừng, hắn hí ha, hí hửng nhảy chân sáo về nhà. Mấy năm trong Trường đại học Nông – Lâm sao mà dài thế không biết. Giờ học xong hắn về quê núi, giúp pá cùng các chú trạm kiểm lâm trông nom, nhân rộng rừng nghiến. Hắn nghe pá bảo, lực lượng gác rừng mỏng lắm, đếm đi, đếm lại trong trạm kiểm lâm mới đủ bàn tay năm ngón. Nếu năm người thay nhau đi vòng quanh rừng theo một vòng khép kín thì không biết phải mất bao nhiêu tháng. Thế nhưng vẫn phải làm thôi. Bây giờ tụi lâm tặc chặt trộm gỗ nghiến trên núi này nhiều lắm. Khổ một nỗi, người giữ rừng thì thưa mà kẻ trộm thì nhiều.
Hắn ngó quanh, ngó quất rồi nhìn lên cây cột giữa nhà, chỗ pá hay treo khẩu súng trống hơ, trống hoải. Bỗng tiếng nổ “đoàng… đoàng… đoàng” làm hắn giật nảy người. Tiếng nổ ấy ở gần đây thôi, mùi thuốc súng khen khét loang ra, theo gió bám quanh quất vào người hắn.
Khi chân hắn quýnh quáng vượt qua những cây gỗ nghiến nằm chỏng chơ trên mặt đất, hắn chợt sững lại. Pá đang được chú Són trong trạm kiểm lâm đeo hai khẩu súng dìu đi, chân pá bê bết máu, hắn quì xuống, nước mắt lưng tròng kêu thét: “P..á…à…”.
Pá ngước đôi mắt mệt mỏi xen lẫn đau đớn, hỏi mà như rên:
– Lình à, mày về rồi hả con? Pá không sao đâu, sẽ… qua mau thôi.
Chú Són đưa tay chỉ xuống con đường mòn đủ người với ngựa đi, ngậm ngùi:
– Tụi nó đông thế kia, may mà chú đến kịp, không thì…
Hắn làu bàu:
– Mình có súng mà, cháu nghe tiếng nổ, sao để chúng đi?
Chú Són lắc đầu:
– Bắn chỉ thiên cho chúng sợ để đuổi chúng thôi, bắn vào người thì không được, làm như thế thì mình lại có tội lớn mà. Khó lắm!
Người hắn bỗng nóng bừng bừng như có bó đuốc lớn đang cháy. Dưới con đường, tụi trộm gỗ nhởn nhơ, hì hụi khiêng, vác những khúc nghiến vừa to, vừa dài. Không hiểu sao, mặt hắn nóng ran, đầu ù ù, mắt nảy lửa. Hắn lao như gió xuống phía dưới, mặc pá với ông chú kêu thét lên, gọi ời ời. Hắn chạy đến lưng chừng khe núi, lấy tay vần những hòn đá mồ côi lăn ầm ầm xuống. Lúc này tụi khiêng gỗ cách vài chục nhịp chân đang ở phía dưới. Dường như trong tiếng gió, có tiếng kêu thất thanh. Hắn như người chợt tỉnh cơn say, quày quả chạy ngược lên con đường. Pá hắn ngồi mà như nằm vắt ngang lưng con ngựa nâu, chú Són thấp thênh đi sau trong bóng chiều chạng vạng.
Đêm. Gió thở ào ạt. Pá cắn răng chịu đau. Khắp người pá chằng chịt vết tím bầm, sưng vù lên, nhức nhối.
Bác sĩ trẻ ở trạm xá xã xem những vết bầm tím nói:
– Phải xuống bệnh viện huyện chiếu chụp, như thế này nguy hiểm nhiều đấy. Xương sườn của bác bị tổn thương rồi, có thể bị gãy!
Pá xua tay, mắt nhíu lại:
– Đi xuống xã tôi cũng không đi hết con đường này, làm sao ra ngoài huyện?
Bác Diếp làm nghề bốc thuốc, có kinh nghiệm, bảo:
– Gãy xương sườn thì bệnh viện không nẹp được? Tôi mang lá thuốc cùng rượu xoa bóp sang đây rồi, để tôi đắp chỗ đau cho mau lành.
Chú Són vừa xoa tay pá, vừa thở hơi như hắt ra, bực bội:
– Cái lũ lâm tặc khốn kiếp đông quá đi, chẳng mấy chốc mà hết rừng nghiến. Cuộc họp nào cũng đề nghị tăng người mà không được để mắt đến.
Than thở một lúc, chú Són quay sang hắn:
– Cháu về đây thì tốt rồi, rừng lại có thêm người bảo vệ.
Hắn bây giờ không có tâm trí nào mà nghĩ đến rừng nữa, hắn lo sức khỏe của pá thôi.
*
Sáng. Mặt trời chưa thức dậy, sương vẫn ngồi trên ngọn cỏ, lá cây, hắn đã đứng tần ngần dưới gốc nghiến già mà ve vuốt rắn đá, nhìn thật lâu vào hốc đá, nơi có quả bầu. Ôi chao! Hắn muốn biết trong quả bầu có gì bí mật. Dù sao bây giờ thì hắn cũng trở thành thằng trai khỏe mạnh rồi, chỉ nhìn thôi mà, có sao đâu? Nghĩ thế, hắn từ từ mở nút. Mắt hắn vấp phải màu đỏ của lá bùa. Hắn chợt run bắn người lên như bị lạnh, vội vàng đậy nắp lại, khe khẽ thở dài…
Cái lá bùa này màu đỏ của nó giống lá bùa dán ở cửa nhà quá, có gì khác nhau đâu mà pá hắn dặn đi dặn lại không được mở. Pá mà biết hắn không nghe lời thì cái đau trong người đau hơn cái đau bị bọn trộm gỗ hành hung. Hắn biết thế nhưng vẫn mở ra.
Có điều gì đó như xui như khiến hắn. Đã mở ra chỉ nhìn thôi thì phí quá đi. Đằng nào thì cũng mở ra rồi, xem bên dưới lá bùa cái núm nhau, cuống rốn nó như thế nào đã chứ. Hắn nhẹ nhàng rút lá bùa ra, thế nhưng… phía dưới rỗng trơn, có thấy núm nhau, cuống rốn của hắn đâu. Sao lại thế nhỉ? Chẳng lẽ pá hắn nói dối hắn ư? Nói dối để làm gì chứ?
Giá như lúc này, pá không bị đau trong người thì tốt biết mấy. Hắn sẽ thú tội với pá đã mở nắp quả bầu ra rồi, hắn sẽ hỏi pá vì sao không thấy núm nhau, cuống rốn của hắn.
Mới nghĩ đến đấy thôi thì nhà hắn có khách. Mà cũng không phải khách, đây là mấy người Công an xã và dân quân. Họ sầm sập lên cầu thang làm cho sàn nhà kêu ken két. Hắn vội vàng chạy lên. Pá hắn đang nằm nghiêng để bác Diếp thay lá thuốc vào chỗ đau.
– Ai là người chiều qua lăn đá xuống đường mòn trong rừng? – Trưởng Công an xã đứng giữa nhà, thấy hắn hất hàm hỏi.
Hắn đủng đỉnh nói:
– Tôi lăn đá đấy, có việc gì không?
Dường như việc hắn nhận lăn đá quá đơn giản, khiến cho họ giương tròn mắt lên nhìn hắn đăm đắm.
– Anh lăn đá làm hai người bị thương nặng, một người chấn thương sọ não đang hôn mê không biết có qua khỏi không, một bị gãy hai chân. Cả hai đi cấp cứu  bệnh viện tỉnh.
Hắn buột miệng:
– Như thế nhớ đời không dám đi trộm gỗ nữa.
– Anh bị bắt tạm giam vì tội cố tình hành hung người khác.
– Thế bọn họ ăn trộm chống người thi hành công vụ thì sao? Có hai tên bị thương còn những tên khác có bị bắt không? – Hắn càu cạu giậm chân, hét toáng lên.
Mấy người hậm hực muốn xông vào trói hắn. Mắt họ như có lửa cháy.
Pá hắn đang nằm, cố gượng dậy:
– Lình à, cứ đi theo họ. Pá tin tội ai nấy chịu…
Bác Diếp gái nước mắt lưng tròng:
– Cháu không lo, cứ đi đi, không đi là người ta khép tội nặng hơn đấy. Việc nhà đã có hai bác rồi.
Hắn cúi đầu lạy pá:
– Con là đứa không ra gì, lúc pá đau thì con gây chuyện, pá tha cho con.
Pá buồn rầu, đôi mắt bỗng tối lại. Những vết cứa sâu hoắm của thời gian chằng chịt trên gương mặt đầy ưu phiền. Nước mắt hắn dâng lên ầng ậng, hắn quay gót đi như chạy ra ngõ, hắn phải đi nhanh vì nếu hắn chần chừ thì sẽ không đi nổi.
*
Giờ thì hắn cố cải tạo tốt để trở về trên núi. Giám thị trại giam thấy hắn chăm chỉ, có học, nên cho hắn làm ở vườn ươm cây giống. Thế là đúng nghề của hắn rồi.
Nhiều lúc nằm nghĩ, hắn thấy hận những kẻ “lâm tặc”. Nếu không có chúng thì đâu đến nỗi hắn liên lụy phải vào tù. Ừ thì cũng tại hắn nóng nảy, nhưng nhìn thấy pá như thế, thử hỏi hắn làm sao đứng yên?
Hắn giận mình, giận đời, giận luôn cả người hắn gọi là mé.
Cái ngày người ta xử hắn phải vào tù thì bà lù lù xuất hiện. Có lẽ cả đời này, kiếp này, hắn không tha thứ cho bà.
Nghe người phố huyện hởi hả chào hắn mới biết, ông buôn gỗ to béo có xưởng mộc ở phố huyện kia là chồng bà. Từ phố huyện lên bản Cuổn non nửa ngày đường thôi, bao năm qua mà sao hắn không gặp bà nhỉ? Giờ bà cùng ông chồng đến bênh vực cho tụi trộm gỗ, bị hắn lăn đá gây thương tích đấy.
Bà không nhận ra, hay cố tình quên hắn?
Khi hắn đứng trước vành móng ngựa, tòa tuyên án hắn đi tù bốn năm, hắn nhận thấy có nhiều ánh mắt thương cảm, tiếc cho hắn, nhưng chồng bà nói hằn học:
– Quá nhẹ, đáng lý phải cho nó mục xương trong tù, em trai tôi vẫn đang nằm bất động trong bệnh viện.
Lúc ấy, hắn nghĩ, có lẽ bà không phải là mé hắn.
Bây giờ, sau bao nhiêu ngày ngẫm nghĩ, hắn cũng không biết có nên giận bà nữa hay không. Dù sao thì mấy lần bà cũng đến thăm hắn, nhưng hắn cố tình không gặp bà.
Mới cách đây một tuần, Giám thị trại giam bảo hắn ra có người gặp. Khi nhìn thấy bà, hắn quay gót đi. Bà tức tưởi bật khóc. Tiếng khóc của bà như có sự đau khổ, dồn nén… Hắn nhìn chòng chọc từ đầu xuống chân bà mà không thấy cảm giác gì. Tại vì hắn xa bà đã lâu rồi. Tại vì bà không nghĩ cái nếp nghĩ của người bản Cuổn, của pá và cả của hắn nữa.
Hắn để cho bà khóc chán, đến lúc không khóc nữa thì hắn đi vào trong trại. Bà lạc giọng, gọi thất thanh:
– Lình! Mé đã sai rồi, con à…
Mặc bà với cái xe ôtô bóng loáng đang đỗ trước cổng trại, hắn không quay đầu lại. Bất chợt trái tim hắn như có ai bóp chặt, dội lên cơn đau quặn thắt.
*
Hơi thở phì phì cùng tiếng vó ngựa lộp cộp đưa hắn trở về thực tại, dứt hắn ra khỏi rắn đá dưới gốc nghiến già, thẫn thờ đứng giữa sân trong bóng chiều nhập nhoạng. Hắn kệ cho gió lạnh thổi thông thốc như muốn tóm chặt hắn, lôi đi. Ba năm rồi hắn chưa được tắm trong những cơn gió lạnh hoang dã như thế. Ba năm rồi, hắn không nghe tiếng rì rầm của suối, lao xao của lá rừng, không được hít hà vị ngai ngái của hương thơm tinh khiết tỏa ra từ những cây nghiến già trên núi mà cả đời pá hắn đam mê. Ba năm qua đi, hắn không được đằm người trong hương rượu ngô men lá ngòn ngọn, say nồng cùng lá bánh chưng tỏa ra từ những chiếc bếp vuông ngày tết. Thế đấy, ba năm rồi… hắn thèm khát hương vị của núi rừng quê hương.
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, thân quen quá đi. Ây da! Con ngựa nâu cùng ai về thế kia? Nó hí lên mừng rỡ. Kìa! Hắn mở tràn căng đôi mắt. Đúng rồi, pá hắn nhảy từ trên lưng ngựa xuống, bước những bước thập thững về phía hắn. Hắn lao đến ôm chầm lấy pá, nước mắt giàn giụa…Thì ra, bấy lâu nay, từ sau cái lần bị bọn lâm tặc ấy hành hung, chân pá không còn săn chắc nữa, hắn nghẹn ngào:
– Pá… con về rồi.
Pá cười hiền từ:
– Mày đã về thật rồi a Lình? Thôi, con đường phía trước còn dài mà. Vấp ngã rồi đứng dậy sẽ tốt nhiều thôi!
Như sực nhớ ra, pá thắp nhang trên ban thờ, lầm rầm khấn rất lâu.
Pá nâng lá bùa đỏ trên ban thờ xuống, bảo:
– Lình à, còn nhớ dán bùa không?
Hắn ấp úng:
– Con sao quên được?
– Thế thì mang lá bùa đi dán vào cửa, để năm mới có nhiều cái may mắn đến nhà.
Bàn tay hắn ve vuốt mãi nơi dán lá bùa. Chỗ này, theo năm tháng dày mãi lên.
Đêm. Sương rơi lộp bộp từ trên mái ngói xuống sân. Không gian tràn ngập hương vị nồng nàn ngày tết. Hắn ôm pá thủ thỉ. Hắn hỏi về lá bùa đỏ, về núm nhau, cuống rốn trong quả bầu “vía” của hắn. Pá hắn cười, cười rất to làm sàn nhà rung bần bật. Sau tiếng cười ấm nồng ấy, pá ôm chặt lấy hắn, thật bất ngờ, pá bảo:
– Mày là con của pá, của núi rừng! Mày sinh ra chỗ rắn đá đấy Lình à!
Hắn thiêm thiếp trôi vào giấc ngủ say nồng. Trong mơ, hắn vẫn nghe tiếng cười sảng khoái giòn tan của pá lan xa, vấn vít đất trời…
Tác giả: B.T.N.L – Thực hiện: Hùng Sơn
Sản Xuất: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *