“Bạn có cảm thấy vô vàn sự liên kết với trái đất và những người đã đi qua, đang đi qua, hay ở xung quanh bạn không? Bạn có cảm thấy mình không chỉ thuộc về thế giới này, mà còn thuộc về khoảng không gian đa chiều bao la vô tận?”, đặt ra câu hỏi cũng là thể hiện triết lý, nhân sinh quan của chính mình, nhà văn nữ với bút lực dồi dào và cái nhìn thấu tận, nhẹ nhõm – bởi đã cảm mục được những tầng thẳm sâu của lòng người, mang đến cho bạn đọc câu trả lời chủ động: “Chọn góc nhìn toàn diện về cuộc sống sẽ giúp bạn cầm chịch mọi thứ”. Vì thế, những truyện ngắn của chị cũng là những giọt “lưu thủy linh” trong veo trên cánh hoàng mộc hương, mà người đọc, người nghe mong tìm để được sẻ chia, an ủi. Truyện ngắn “Lính cứu hỏa” mà chúng ta vừa nghe kể về một mối tình đẹp của người lính tên Quân và Miên, dẫu gặp nghịch cảnh éo le nhưng ở họ vẫn toát lên những tia hy vọng tốt đẹp. Người lính đã chấp nhận số phận khi bị thương nặng, anh quyết định xa rời người yêu bởi anh biết rằng, Miên sẽ đau khổ suốt đời. Và Miên, cô gái ấy đã phải chọn lựa, bên cạnh bố bị thương trong trận hỏa hoạn ấy hay bên cạnh người yêu? Cô đưa bố vào Sài Gòn chữa bệnh và tìm cách gặp người yêu, cô còn cẩn thận gửi lại một chiếc vali đầy những kỷ vật của hai người cho hàng xóm cũ, phòng khi Quân trở về tìm cô. Nghĩa là Miên chưa bao từ bỏ người cô yêu, chỉ là hoàn cảnh khiến cô phải tạm xa anh để chăm sóc bố. Tình cảm mãnh liệt, âm ỉ của Miên khiến chúng ta cảm động, trân trọng. Nghề lính cứu hỏa vốn gặp nhiều nguy hiểm, bất trắc và thiệt thòi trong chuyện tình cảm nhưng may mắn thay, Quân – người lính cứu hỏa đã gặp được người con gái có tình yêu sâu sắc. Một cô gái can đảm và mạnh mẽ, biết vượt qua những thử thách để chờ mong bến bờ yêu thương. Câu chuyện về Miên và Quân tiếp thêm cho chúng ta niềm tin yêu, hy vọng vào những điều tốt đẹp phía trước, dẫu cuộc đời có lúc thử thách, chông gai… (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Chuyến bay ra Hà Nội hôm đó bị chậm lại mất 4 tiếng, do thời tiết.
Sài Gòn yêu thương. Sài Gòn giờ đang chuyển gió, mưa mù giăng đầy trời thành phố. Khí hậu chuyển đổi. Lòng người tiếc thương những nỗi tiếc thương nặng trĩu…
Tôi kéo lê vali lang thang khắp các quầy hàng của sảnh chờ. Rồi vào quầy gọi ly cà phê.
Các chỗ ngồi đều chật. Đưa mắt nhìn lướt gian quầy, chỉ còn một ghế trống khả dĩ. Mà cái bàn đó lại đã có người. Một ông già đang ngồi, hai tay nắm nhau. Phải rồi, người già đâu có hai tay cầm smartphone như cánh trẻ, thậm chí kể cả trung niên. Khắp phòng ai cũng cầm một cái kho báu tinh thần của mình. Riêng ông già kia, dáng ngồi thật trẻ trung, mà từ ngoài cửa quầy, tôi chỉ nhìn thấy một con mắt sụp dính vào nhau, một cái cằm vẹo vọ, và dáng ngồi bất động.
Tôi tiến gần, lễ phép hỏi:
“Cháu có thể ngồi cùng bàn?”
Ông già ngẩng lên.
Một giọng nói trẻ trung ấm áp:
“Cô có thể ngồi bất cứ đâu mà”
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
“Bác… Anh… Tôi xin lỗi…”
Nửa gương mặt phía khuất lấp là một người đàn ông còn trẻ, chỉ khoảng ba sáu ba bảy là cùng.
Nửa gương mặt trẻ trung cùng giọng nói trẻ trung vừa mỉm cười, trả lời tôi:
“Không sao, tôi vẫn thường bị nhầm như vậy”
Chuyến bay hôm đó, tôi đổi chỗ để ngồi cạnh người đàn ông kia. Bởi chúng tôi còn đang tiếp tục câu chuyện mà anh kể cho tôi nghe.
*
Tôi là lính cứu hỏa.
Nói vậy chắc chị hình dung được rồi nhỉ.
Chị còn nhớ vụ cháy Công ty Nam Sơn cách đây 2 năm? Đúng là vụ ấy đấy. Sau vụ cháy khủng khiếp ấy, nhiều gia đình đã bán rẻ nhà để tìm nơi khác sinh sống. Thiệt hại lớn vô cùng. Nhưng, chị biết không, thiệt hại về vật chất còn có thể cứu vãn. Tôi không than van đâu nhé. Chỉ là tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta có rất nhiều những thử thách mà con người cần phải vượt qua.
Tôi còn nhớ rất rõ địa hình xung quanh công ty, và kho hàng lớn chứa rất nhiều linh kiện và các thùng hóa chất.
Khi vụ cháy xảy ra, tôi đang hướng dẫn cho khối học viên Trường đại học Phòng cháy Chữa cháy về thực địa tại quận. Tin báo về, tôi nhận lệnh Chỉ huy chữa cháy. Chúng tôi có hai xe chữa cháy, một xe cứu thương chở máy nạp khí thiết bị thở, một máy bơm chữa cháy. Sau đó thành phố điều thêm đến mười tám xe chữa cháy và một xe cứu thương về. Và điều đồng chí cấp trên về trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ huy chữa cháy. Do đám cháy phát sinh quá lớn. Mà địa điểm lại nằm trong khu vực đông dân, đường đi lối lại rất hẹp. Chỉ cần hai xe tránh nhau là có thể gây tắc đường. Lực lượng tập kết khá nhanh. Chúng tôi ngay lập tức tìm được các điểm chứa nước giếng ngầm và bể nước máy. Bằng nỗ lực và kinh nghiệm, đám cháy cũng được khống chế. Tuy nhiên, số hóa chất bên trong bùng nổ dữ dội. Tôi và một số anh em nhiều kinh nghiệm, đeo mặt nạ, leo theo các gờ tường lên cao để gỡ các tấm vật liệu ngăn trở đường đi của vòi nước.
Tôi mở được một lối lên tầng thượng, và rồi tôi nghe thấy tiếng kêu cứu. Ở tầng trên cùng tòa nhà, vẫn còn mấy người của công ty co cụm lại một góc, đang tìm cách nhảy xuống. Nổ vẫn phát ra dữ dội. Lửa cháy phụt lên khá cao và nóng khủng khiếp. Khói bốc cao ngùn ngụt. Chúng tôi ôm được lần lượt từng người để đưa ra theo lối cầu thang, lao qua đám cháy vẫn đang bùng lên. Đưa được người xuống, tôi lại lao lên. Hình như tôi đã cứu được ba người.
Khi tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Toàn thân bỏng. Gương mặt tôi bị băng kín. Mắt trái nhìn thấy mờ mờ. Còn mắt bên phải này thì gần như không thể biết đang trong tình trạng nào vì đau rát khủng khiếp. Sau đó thì tôi biết mình đã bị cháy một nửa bên phải mặt, cháy sâu, mắt phải gần như mù…
Tôi đã đuổi cô ấy. Tôi đuổi cô ấy rất phũ phàng. Khi soi vào gương, tôi không biết mình là ai nữa. Ngọn lửa ác quỷ đã cướp đi của tôi gương mặt điển trai, một gương mặt mà bạn bè cùng lứa vẫn nói nếu không làm lính cứu hỏa, sẽ có thể trở thành diễn viên điện ảnh.
Trong suốt những ngày tháng nằm bệnh viện, tôi hầu như không muốn gặp Miên nữa. Chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội. Tính thời gian kết bạn rồi hẹn gặp nhau, cho đến khi tôi bị nạn, là đã hai năm. Hai năm chúng tôi nói với nhau rất nhiều. Nhưng tôi vẫn đuổi cô ấy. Cũng do tính khí tôi khi ấy khá khắc nghiệt, tôi không cho cô ấy bước chân vào nơi tôi nằm. Tôi trải qua nhiều ca mổ. Được chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ cũng sợ tôi quá bức xúc mà không thể hợp tác tốt với họ, nên cũng khuyến cáo người nhà tôi, không để tôi có biểu hiện gì quá xúc động.
Sau mấy lần đến thăm không được vào, cô ấy cũng không tìm cách thăm tôi nữa. Bố mẹ tôi cũng không hỏi han gì mỗi khi cô ấy đến. Miên lặng lẽ đi khỏi đời tôi, để lại trong tôi một nỗi buồn vô hạn. Tôi đã quen nói chuyện với cô ấy. Chúng tôi khá là hợp nhau trong quan niệm sống. Cũng có tranh luận, phản biện. Nhưng rồi một trong hai người sẽ là nhường nhau, và gần như cố gắng hiểu nhau. Tôi quen cách chào của cô ấy, cách cười và những cách gieo những icon xinh xắn. Nếu chị là người thường xuyên giao tiếp ở mạng xã hội, chị sẽ hiểu, đó là thế giới phẳng, là những gì linh diệu mà ta chưa với tới được. Đâu phải là thế giới vô hình như nhiều người cho là vậy.
Đôi lúc tôi cảm thấy hận cô ấy, thậm chí tôi nghĩ rằng cô ấy đã chạy khỏi một kẻ tàn tật như tôi. Nếu như cô ấy yêu thương tôi, cho dù tôi có đuổi như thế nào đi nữa… Và rồi tôi lại gạt phắt đi. Tôi nghĩ, có lẽ tôi đã nhầm. Không có thế giới phẳng và thật. Chỉ có thế giới vô hình. Và những người trong cái thế giới vô hình ấy đến với ta trong nhu cầu tự thân, xoay quanh ta khi ta còn giá trị trong chừng mực nào đó. Một giá trị hiện hữu bằng khối vật chất hay thân thể đầy đủ, không cần hoàn mĩ, mà chỉ cần đầy đủ. Tôi hiểu gương mặt bên phải của mình đã coi là tàn tật, dù các bác sĩ đã rất cố gắng, thì cũng chỉ cứu được con mắt phải của tôi không bị mù. Con mắt này, như chị thấy đấy, bị kéo sập xuống. Nhưng tôi đã nhìn thấy ánh sáng linh diệu. Tôi đã chứng kiến đồng đội yêu thương mình, chứng kiến các bác sĩ y tá tận tình lo lắng cho tôi. Họ đã nối lại từng mạch máu bị lửa thiêu rụi. Gương mặt này là chiếc mặt nạ đem đến cho tôi tấm huy chương dũng cảm. Đồng đội của tôi cũng đã lao vào lửa, đã cứu được cả tốp người. Mà chỉ riêng tôi được tặng huy chương.
Ngọn lửa đã lấy đi của tôi một nửa gương mặt thật. Ngọn lửa u uẩn và vô cảm. Vào những thời khắc riêng biệt, tại nơi nào đó, chúng thiêu rụi mọi thứ, khiến con người dường như bất lực.
Ồ không, tôi không bi lụy nhé. Mấy hôm nữa tôi sẽ được đưa sang Mỹ. Các bác sĩ sẽ mổ lại và vá lại cho tôi với chuyên môn tốt nhất. Mặt trời vẫn luôn tỏa sáng, cho dù ta đi đến đâu hay làm những gì, thì nguồn năng lượng mạnh mẽ và chói lọi đó vẫn sẽ theo ta, đưa ta đến bến bờ hạnh phúc và niềm vui vô tận. Cuộc sống thật tươi đẹp, mặt trời chiếu rạng, và chúng ta đnag đi trên con đường chinh phục những mục tiêu cao cả của bản thân.
Thực ra thời gian chữa trị căng thẳng nhất, tôi vẫn có linh cảm rằng cô ấy luôn bên cạnh tôi, quan tâm theo dõi từng hơi thở của tôi. Tôi thường xuyên nhận được những loại thuốc mà bệnh viện không có, với những chỉ dẫn rất kĩ. Rồi những vật dụng giúp tôi rất nhiều khi phải phẫu thuật nhiều lần. Bác sĩ chăm sóc tôi nói, đó là do có những nhóm tổ chức họ tặng cho người đã dũng cảm cứu người cứu lửa. Tôi cũng ngại, nhưng tôi cần phải nỗ lực vượt lên.
Chị hỏi tôi đi Sài Gòn một mình trong tình trạng này là có việc gì phải không? Đúng, tôi phải đi một mình.
Là tôi đi tìm Miên. Tôi nhận thấy Miên vẫn đang chăm sóc tôi, cô luôn ở đâu đó quanh tôi. Và tôi đã gặp cô ấy. Vâng, tôi đã gặp rồi chị ạ.
Mà tôi chưa kịp kể cho chị nghe về sự kỳ lạ linh diệu của câu chuyện chúng tôi. Dịp khác mời chị đến đơn vị tôi vậy. Hình như máy bay sắp hạ cánh.
*
Tôi không kịp hỏi thêm gì về câu chuyện của người lính cứu hỏa với cô gái tên Miên. Vì máy bay đã hạ cánh và chúng tôi ai nấy đều vội vã để lấy hàng kí gửi và lên xe về. Khi nhớ ra người lính cứu hỏa, thì anh đã đi từ lúc nào.
Tôi dự định sẽ đến thăm anh vào một dịp nào đó, vì tôi biết rõ anh đang ở đơn vị Phòng cháy Chữa cháy của quận H.
Chợt nhớ đến trong câu chuyện anh kể, có chi tiết về những gia đình đã bán nhà để di dời sang nơi khác ở sau khi cháy kho hàng của công ty Nam Sơn. Tôi chạy xe đến để lấy thêm tư liệu cho bài viết của tôi.
Một bà bán hàng nước chỉ tay:
“Kia kìa, cả dãy nhà bị cháy sém tường chưa ai đập đi xây lại. Họ bán rẻ để đi rồi. Người về toàn dân nghèo tỉnh lên, mua cho con lên ăn học. Dân giàu ai người ta mua mấy cái nhà bị cháy nạn thế”
Một thanh niên đang xoãi chân hút sòng sọc điếu thuốc lào, giọng rề rà:
“Nói chuyện ngứa cả tai. Dân nghèo mà mua được nhà, dù là nhà nát. Chấp bà già nhà em làm gì. Chị định viết người tốt việc tốt thì cứ gặp em nhé. Em kể cho khối chuyện mà viết từ cái đám cháy ấy”
Tôi ngồi xuống hàng nước, ngắm nhìn cả loạt nhà cháy sém, cây xung quanh đã lên xanh che khuất khá nhiều những vết sẹo nham nhở. Mùa đông năm nay chưa lạnh. Không có lá rụng rơi vàng ngõ nhỏ. Mùi hương của hoa tuyết cầu nở sớm bay thoang thoảng. Mùi hương nhắc nhớ bóng dáng kinh thành trong màn sương mờ ảo thanh trong.
Tôi hỏi bâng quơ:
“Đúng là cháy thì khó thoát nhỉ”
Thanh niên lại châm điếu thuốc lào, ghé miệng hút, rồi từ từ nhả khói lên cao.
“Thoát thế nào được. Cháy hết. Đến lính cứu hỏa cũng bị cháy. May không chết”
“Bạn biết vụ ấy nhỉ”
“Chị hỏi lạ. Cháy ngay nách. May nhà này được cái ông già vốn lính cứu hỏa, ông ấy trữ trong nhà các loại bình cứu hỏa, bình to bình nhỏ. Ông ấy phun cho. Rồi ông ấy còn leo lên tầng thượng bắc thang đưa được khối người xuống trước khi xe cứu hỏa đến”
“Bạn đang kể về ông hàng xóm à? Ông ấy đâu?”
Thanh niên phảy phảy cái nõ điếu.
“Giờ này không biết chết chưa. Chiều phải gọi hỏi thăm xem thế nào. À, bu ơi, có nhớ ông Thành sinh năm nào không? Để chiều làm con đề”
Bà hàng nước lầu bàu:
“Cứ ăn nói với mẹ nó thế đấy. Nhưng thằng bé nhà bác nó tốt bụng cháu ạ. Hôm cháy, nó giúp cho bao người trong cái công ty đầu độc ấy. Họ bị khói hun đã lả đi chứ nói gì đến hóa chất. Nó pha nước cho bao người uống vì bị hút hết nước trong người. Nó chăm ông Thành cùng con bé Miên suốt mấy ngày ông ấy phải cấp cứu bệnh viện”
Tôi ngạc nhiên. Cái tên Miên hay cỡ nào mà mấy hôm nay tôi cứ nghe đến cái tên này.
Thanh niên làu bàu:
“Hỏi bu cái tuổi. Cứ dài dòng”
“Ông Thành hơn tao năm tuổi. Con Miên hơn mày bảy tuổi. Hiểu chưa”
Thanh niên chùi cái tay khẳng khiu lên gương mặt khá thanh tú.
“Đã hiểu. Chiều nay làm con sáu mốt, thêm con mốt sáu. Thêm vụ hiểu hơn bảy tuổi thì không được tán. Nhưng bu hơi bị nhầm đấy. Hơn bảy tuổi mới sướng”
Cậu ta cười hề hề, gương mặt ánh lên nét non tơ.
Tôi hỏi:
“Miên là ai?”
Thanh niên nhìn tôi như kiểu so sánh:
“Chị ấy là chị ấy, chứ còn là ai. Xóm này quý bà ấy phết. Xinh nhé. Dịu dàng thì thôi rồi. Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Chỉ muốn được làm giúp mọi việc. Mà chị ấy không khiến. Bà dở ấy đi thích một chàng lính cứu hỏa. Nghe đâu bác Thành không đồng ý hả bu?”
Bà già hơi nhíu mày:
“Thì ông ấy cũng bị tai nạn do cứu lửa trận nào hồi xưa ấy. Nên ông ấy đi thọt chân còn gì nữa. Ông ấy sợ con gái lấy chồng cứu hỏa rồi thì khổ”
Tôi ngạc nhiên:
“Có phải Miên yêu anh cứu hỏa ở quận H. không?”
Thanh niên quay phắt lại nhìn tôi thêm lần nữa:
“Sao chị biết rõ thế?”
Tôi nói thật:
“Tôi vừa gặp anh ấy trên chuyến bay cùng. Nên tôi mới đến đây. Định hỏi thêm vài chuyện nữa cho đủ tư liệu viết bài”
Bà già chêm vào:
“Ra vậy. Ông Thành hôm ấy cứu được bao người xung quanh xóm. Rồi ông ấy bị bỏng nặng. Mà cái anh lính cứu hỏa trên quận H. ấy cũng bị cháy nặng lắm. Con Miên chạy cả hai nơi. Rõ khổ con bé. Sau rồi thấy bảo có người nhà trong Sài Gòn là bác sĩ chữa bỏng giỏi, kết hợp cả đông y. Nên nó bán nhà, rồi đưa bố nó vào trong đấy chữa. Kể thì… con bé còn đâu sức lực mà chăm người dưng. Đành bỏ lại anh kia thôi. Bố bị nặng dọa đi mấy bận”
Thanh niên ngồi im không nói gì.
Đợi mẹ nói hết, bấy giờ mới thủng thẳng:
“Chị ấy không bỏ anh kia đâu. Trước khi vào Sài Gòn, chị ấy có gửi em một cái vali. Chị ấy bảo, trong vali có giữ những kỉ vật của hai người. Chị phải cứu bố bằng được. Còn anh Quân, đúng rồi, tên anh ta là Quân, thì đã có đơn vị lo. Bố chị đã hưu, tiêu chuẩn dù cũng có đủ, nhưng đã già, da khó phục hồi, vào trong kia chữa riêng, may ra”
Tôi không nói với hai mẹ con bà hàng nước, rằng tôi cũng biết thực ra Miên không hề bỏ Quân. Hai người ấy họ vẫn luôn vì nhau, theo cách riêng họ. Tôi không kể là Quân đã tìm được Miên, rằng anh đã vào Sài Gòn để gặp cha con cô trước khi sang Mỹ làm phẫu thuật.
Kể ra cuộc đời cũng có những trùng lặp khó lí giải. Ví như việc cô gái tên Miên con người lính cứu hỏa kia, lang thang trên mạng, lại quen và yêu một lính cứu hỏa như bố mình. Rồi cả hai người cô yêu thương đều cùng bị nạn từ lửa. Và cô đã lựa chọn cách sống của mình một cách dũng cảm.
Lửa luôn thiêu rụi mọi thứ.
Nhưng lửa cũng khiến cho vạn vật hồi sinh từ tro tàn.
Ban công nhà ai thoang thoảng mùi hương của loài hoa tuyết cầu mới nở sớm nay.
– 25.12.2019 –
Từ khóađọc truyện đêm khuya vov Hải Yến hỏa hoạn Lính cứu hỏa người lính người yêu nhà văn Võ Thị Xuân Hà tình yêu Võ Thị Xuân Hà
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …