Bài nổi bật

Mai Hương Và Lê Phong – Thế Lữ

Thế Lữ nổi tiếng với bài thơ Nhớ rừng. Học sinh nào cũng được học. Khi học tiểu sử của ông thì được biết là Vàng và máu nổi tiếng lắm. Nhưng sách giáo khoa lại chẳng đem những tác phẩm văn xuôi của Thế Lữ vào dạy. Có lẽ vì hai dòng truyện trinh thám và huyền bí không thích hợp để quảng bá với học sinh.
Thế Lữ viết truyện trinh thám với nhân vật Lê Phong từ năm 1937 và tới nay nước nhà vẫn chưa có tác phẩm nào, hoặc giả là mình chưa nghe tới tác phẩm nào, nổi tiếng hơn. Đáng nói hơn nữa là dòng văn trinh thám không thịnh hành ở Việt Nam. Thật là đáng tiếc thời kỳ 1930 – 1945 rực rỡ huy hoàng của nền văn học nước nhà.
Truyện trinh thám của Thế Lữ học tập từ Conan Doyle và Sherlock Homles của ông ấy. Đây chính là học tập thật sự chứ không phải chép. Đọc Lê Phong mình hình dung ra được hoàn cảnh đất nước vào thời kỳ đó, chứ không phải là Baker Street của Sherlock Homles. Lê Phong của Thế Lữ có phần đơn giản so với truyện trinh thám hiện tại, nhưng không thua kém Conan Doyle trong những phần truyện đầu về Sherlock Homles.
Thật là đáng tiếc, sau Gói thuốc lá, Thế Lữ không viết trinh thám nữa. Thế Lữ còn sống rất lâu sau truyện Gói thuốc lá, nhưng lại không viết tiếp. Nếu tiếp tục viết không biết chừng đã có vài kiệt tác.
Vàng và máu của Thế Lữ là truyện huyền bí hay nhất của Việt Nam mình từng đọc. Mình cảm thấy Vàng và máu không thua gì với Ma thổi đèn, hệ liệt được nhà xuất bản ở Việt Nam quảng bá là kỳ thư về trộm mộ (mình đã đọc hết phần 1). Lại lần nữa mình cảm thấy tiếc khi mà Thê Lữ viết ngắn quá, và sau đó không viết truyện nữa.
Vũ Trọng Phụng lại là một kiệt tác gia khác vào thời kỳ đó. Số đỏ của ông thật sự là danh bất hư truyền. Vâng, Số đỏ được đưa vào sách giáo khoa, ở chính đoạn cao trào nhất của truyện. Nhưng ngày xưa mình không hiểu gì, cao trào gì chứ, bởi vì có biết gì về những chi tiết dẫn đến cao trào đó đâu. Mình cảm thấy trích đoạn như thế trong sách giáo khoa là một sự thất bại.
Đọc Lục xì của Vũ Trọng Phụng mình buồn lắm. Đây là phóng sự nói về phòng khám – hay là trại giam – gái mãi dâm ở Hà Nội vào thời Pháp thuộc. Những lính, những quan, những bác sĩ là người Pháp, họ khinh miệt người Việt làm nghề mãi dâm. Họ nói đó là sự suy đồi của nước Nam này. Vâng, nước Nam suy đồi quá, còn tại Paris hoa lệ, cái nơi có gấp mười lần gái mãi dâm thì thanh bạch lắm.
Ngay từ phần mở đầu, Vũ Trọng Phụng đã tự giễu với sự so sánh Hà Nội và Paris. Mình thì có chút lấn cấn với đoạn này của ông. Paris không to. Năm 1930, Paris càng không to. Paris có to thì chỉ to hơn Hà Nội một tí. Hà Nội thật sự có thể to hơn một phần mười của Paris đấy. Như thế thì Hà Nội có năm ngàn gái mãi dâm, là một phần mười so với Paris, thì có gì là suy đồi, là “tiến hóa” nhanh chóng. Chỉ có thể nói là cùng suy đồi như nhau mà thôi. Cái dân tộc đi khai sáng cho nước Nam cũng suy đồi như thế mà thôi.
Trích từ Lục xì:
“Năm nghìn! Vâng, độ năm nghìn, bẩm chính thế đấy ạ. Cái đó không đáng ngờ gì nữa, vì rằng Sở Liêm Phóng, trong khi tuyên bố con số năm nghìn, lại không quên phân bua với ngạch cai trị rằng: ấy là chưa kể đến bọn ả đào và gái nhảy các vùng ngoại ô!
Nào! Chúng ta thử làm một cái tính chơi, số dân Hà thành là mười tám vạn, vậy mà có đến năm nghìn người làm đĩ, thế nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống bằng sự gieo rắc vi trùng hoa liễu. Tại Paris, số gái mại dâm do Sở Cảnh sát xướng kỹ (Police des Moeurs) [4] ước lượng là sáu vạn. Hà Nội, kể về đủ mọi phương diện, liệu có “to” bằng một phần mười của Paris không? Nếu ta chưa biết rõ thì ta cũng vẫn có thể tin chắc chắn rằng không thể nào Paris lại chỉ to gấp mười Hà Nội. Thế nhưng mà kể đến cái dâm dục, cái số người làm đĩ, thì đối với Paris Hà Nội gần được một phần mười.
Những con số ấy thừa cái hùng hồn để ta biết rằng chúng ta “tiến hóa” nhanh chóng lắm vậy ôi!”

Xem thêm đề xuất

Mật Mã Tây Tạng – Quyển 3

RadioVn.Com – Giáo sư Phương Tân hét lên mấy tiếng vào miệng hố, không nghe thấy …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *