Bài nổi bật

Mẹ con người ăn mày

 
Trong bữa tối, con bé út sáu tuổi nhà tôi cứ ngồi bằm bằm cái thìa vào bát cơm đến vữa nát, thỉnh thoảng mới đưa lên miệng nhai uể oải. Tôi gắp  thức ăn cho nó, nó ngúng nguẩy bỏ trả lại. Bực quá tôi quát, rồi lại giật mình lo lắng sờ trán con, vẫn mát nguyên, chứng tỏ vẫn khoẻ mạnh bình thường. Sao nó lại ăn uống uể oải thế nhỉ?. Tôi gặng hỏi, nó bảo: con không thích ăn cơm, con thích ăn bánh cơm cơ”. “Sao lại bánh cơm? Chắc là bánh tẻ phải không, bánh đó chỉ để ăn quà thôi, chứ đến bữa vẫn phải ăn cơm”, “Không, bánh cơm ngon lắm, cắt bằng chỉ, từng miếng thế này này, chấm với muối vừng”, “À, đó là cơm nắm, con ăn ở đâu mà biết là ngon”, “Con ăn ở nhà cô ăn mày, cô ấy cho con ăn lúc chiều”. Tôi buông đũa, thở hắt, vỡ nhẽ, trong lòng thấy tức dồn. “ Cô ăn mày ở đâu?”, “ Ở cửa hàng nhà bác Trâm”.
Tôi đi làm cả ngày, tối đến bận túi bụi công việc nội trợ, xong việc cũng đã tám, chín giờ tối, nên chẳng để ý gì đến chuyện trong nhà ngoài phố. Chiều hôm sau, tôi cố gắng về sớm và rắp tâm để ý đến người “ăn mày” mà con tôi đã nói, cũng là để yên lòng về miếng cơm con tôi đã ăn có đảm bảo vệ sinh không. Tôi sang cửa hàng đồ gỗ nhà chị Trâm, đó là gian hàng chỉ để cho thuê mà không có người ở. Không thấy cô ăn mày nào cả, nhưng trong một góc khuất của cửa hàng, tôi thấy có một vài bọc nilông xếp gọn như đồ đạc của ai gửi. Tôi hỏi, chị Trâm bảo: Đó là đồ của mẹ con nhà chị làm thuê, chị Trâm chép miệng :“Hôm đó buổi sáng tôi đến sớm vì có khách lấy hàng, thì thấy ở hè có một người đàn bà đang ngồi với vẻ mặt bồn chồn nhìn đống chăn vẫn chưa kịp dọn, chị ta thấy tôi vội vã đứng lên, khúm núm xin lỗi. Tôi đang vội nên không có thì giờ căn vặn chỉ khoát tay “Mau dọn nhanh để tôi còn mở cửa hàng”. Chị ta cuống cuồng lay lay đống chăn, một đứa bé còn đang ngái ngủ phụng phịu ngồi dậy. Chưa đến giờ nhân viên đến làm việc, nên thấy tôi vất vả, chị phụ nữ đã ra tay giúp đỡ. Xong xuôi, tôi quay ra vẫn thấy mẹ con người phụ nữ ôm đống quần áo tần ngần nhìn ra đường. Tôi hỏi: “Thế mẹ con định đi đâu”, “Dạ chúng cháu chẳng biết đi đâu, quê cháu vừa bị bão lụt trôi hết nhà cửa, bố mẹ anh em cũng bị lũ cuốn, chẳng biết ai còn ai mất, may hôm đó hai mẹ con cháu đi chơi bên làng khác nên mới sống sót.”. Dào nghe cái luận điệu ấy phát nhàm rồi, bây giờ, cái gì mà người ta chẳng đổ cho bão lụt. Nhưng thôi, nếu chưa có chỗ ở thì tôi cho ngủ tạm ở hè này, (cái hè cửa hàng có mái hiên che khá rộng), sáng sáng giúp tôi dọn hàng ra, chiều dọn vào, tôi trả tiền công cho, thế là chị ta mừng quýnh”.

Người đàn bà cùng đứa con gái sau khi cửa hàng đóng cửa là lại lúm xúm thổi lửa nấu cơm, ăn đâu, còn đâu nắm lại dành cho cả ngày hôm sau. Ra thế nên mới có cơm nắm. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là không phải đồ cơm thừa canh cặn nhặt nhạnh tứ xứ. Mà con tôi thích cũng phải, nó chưa bao giờ được ăn cái món quen thuộc của những người nghèo.
Mải chuyện, tôi chợt thấy một phụ nữ với đứa con gái khoảng 5, 6 tuổi bước vào đến sân. Người đàn bà chỉ khoảng trên dưới 30, nhưng trông bầm dập, nhàu nhĩ. “Đúng là mẹ cú đẻ con tiên”. Tôi bỗng sực nhớ câu nói lúc nãy của một người hàng xóm đứng hóng chuyện. Nhìn kỹ đứa bé, tôi thấy quả nó xinh thật. Chị phụ nữ dắt con vào đến sân thì đẩy nó ra, con bé ý tứ lui về một góc hè, nhẫn nại ngồi đợi mẹ dọn dẹp hàng cho chủ. Con bé trông thật đáng yêu khiến tôi muốn bắt chuyện. “Cháu mấy tuổi rồi”, “Dạ năm tuổi ạ”, “Cháu đã đi học chưa?”, nó im lặng một lúc rồi lúc lắc cái đầu, đôi mắt trong veo nhưng  buồn xa xăm. Tôi không dám hỏi thêm. “Nhà cô ở gần đây, lúc nào cháu sang chơi với con gái cô nhé”. Con bé bỗng ngước đôi mắt nhìn tôi rất lạ.
Rồi tôi cũng lãng quên chuyện mẹ con nhà chị làm thuê. Nhưng con gái tôi thì đã trở thành bạn thân của cô bé ấy từ lúc nào, mỗi khi tôi về nhà, bao giờ cũng nhận ra hình như có ai đó vừa đi khỏi. Tôi hỏi con gái: “Con đưa bạn về nhà chơi à, ai thế”, “Bạn Thương, con cô ăn mày”, “Thế sao không bảo bạn ở lại chơi nữa”, “Bạn ấy sợ mẹ mắng”, “Mẹ không mắng đâu, à với lại mẹ bạn ấy không phải người ăn mày”. “Mẹ ơi bạn ấy bảo bạn ấy không có bố, chỉ có mẹ thôi, sao lại không có bố hả mẹ”, “Ừ thì cũng có bố nhưng có lẽ bố bạn ấy ở xa mà bạn ấy không biết”. “Đêm bạn ấy phải ngủ dưới đất, lạnh lắm mẹ ạ. Con cho bạn ấy ngủ nhà mình được không mẹ”, “Cũng được, nhưng liệu bạn ấy có đồng ý không, vì dù sao ngủ với mẹ cũng thích hơn”, “Thì cho cả mẹ bạn ấy ngủ nữa”. Tôi đành ậm ừ, không biết trả lời ra sao.
Người đàn bà ấy vẫn sáng sáng dọn dẹp cho chị chủ đồ gỗ, rồi dắt theo con đi làm thuê cho những nhà cần giúp việc theo kiểu gặp gì làm nấy. Tối lại dắt con về vỉa hè để qua đêm. Dần dà cũng thành người quen của phố, gặp nhà ai có đám, chị ta đến giúp, công xá không quản, ai đưa bao nhiêu cũng được, có nhà chỉ gói cho vài đồ thừa của bữa tiệc vừa tan, chị ta cũng cám ơn. Hình như miếng ăn cái mặc cũng đã tạm ổn, nên nom chị ta cũng sáng ra đôi chút. Các nét đẹp tiềm ẩn được đánh thức, khiến không ít cặp mắt đàn ông đánh chéo mỗi khi đi qua. Đứa con gái không phải hàng ngày lẽo đẽo theo mẹ đi làm nữa mà nó đã tự nhiên chơi với bọn trẻ trong phố. Tôi thuê gia sư về dạy con để cháu chuẩn bị  vào lớp Một, bé Thương cũng được học ké. Tối tối mẹ nó vẫn đón về ngủ nơi góc nhà trong cửa hàng đồ gỗ. Hai mẹ con đã được chủ cửa hàng cho ngủ trong nhà. Một hôm tôi hỏi: “Sao cô không kiếm lấy một người chồng để có nơi nương tựa, cô còn trẻ mà. Nếu cô muốn tôi sẽ giúp cho”. Tôi nói vậy cũng không phải vô tình, vì ông chú họ tôi đang nhờ tôi làm mối cho một người đàn bà để chăm lo cho tuổi già. Ông đã trên 60 tuổi, vợ bị ung thư chết đã mãn tang, con cái ở riêng cả. Một mình ông ở trong căn nhà rộng rinh 3 tầng. Tôi vô tình kể chuyện mẹ con chị làm thuê ở phố, ông ưng lắm, bởi nghe tôi bảo rất siêng năng, chịu khó lại rất biết điều, cả phố ai cũng quý. Thế là ông chú cứ nài nỉ tôi làm mối. Tiền của thì ông ta không thiếu, chỉ mong người đàn bà ấy đem lại cho ông hạnh phúc. Sau khi nghe tôi ướm vậy, chị phụ nữ không tỏ ra vồ vập, mà lại buồn bã thở dài “Dạ, cháu mạt phúc chẳng dám làm phiền ai đâu, cháu sống thế này để nuôi con là tốt lắm rồi ạ”. Tôi cũng chỉ hơn chị ta có vài tuổi nhưng chị cứ xưng cháu với tôi, nhiều khi cũng phát ngượng, nhưng sau rồi cũng thành quen. Tôi nghĩ chắc chị ta tự ti nên cứ kiên trì thuyết phục. Chứ như hoàn cảnh chị kiếm đâu được một ông chồng còn khoẻ mạnh lại có một gia tài đáng giá như vâỵ, khối gái tân còn mê nữa là… nhưng chị ta vẫn chối, chính thế tôi càng tin tưởng ở phẩm chất của người đàn bà này nên kiên trì để gắn kết cho ông chú họ tôi, khỏi rơi vào tay một kẻ đào mỏ nào đó. Thuyết phục bằng viễn cảnh sung sướng không ăn thua, tôi chuyển sang vì đứa con để đánh vào điểm yếu của chị ta. Nào là, nó sẽ có cha có mẹ, có nhà cửa đàng hoàng, còn học hành tương lai nữa chứ. Mỗi lần nghe thế, chị  lại ngồi ngẩn ra, im lặng. Thế là tôi thông báo cho ông chú họ. Được cái ông chú tôi cũng là tay tinh tế trong tình trường. Nên một thời gian ngắn, đã thấy chị ta đi lại nhà ông chú, bảo là để dọn dẹp, rồi mẹ con đã nhiều lần ở lại ăn cơm với ông chú. Cuối năm ấy cũng vào mùa cưới như bao đôi trẻ, người đàn bà vô gia cư ở phố tôi lên xe hoa về nhà chú tôi làm vợ. Tôi mừng cho cả hai người. Dẫu sao cả hai đều được toại nguyện. Chỉ con bé Thương là buồn, vì chắc nó phải xa bạn thân.
Nhưng rồi một hôm, ông chú tìm gặp tôi phàn nàn “Cô ta còn trẻ mà  chẳng mặn mà với chuyện giường chiếu, lại cứ nhất mực đòi dùng bao cao su”. Tôi an ủi ông chú “Chắc cô ấy đã một lần dại dột phải nuôi con một mình nên bây giờ sợ, vả lại chú cần con cái làm gì, trai gái đầy đủ cả rồi. “Ờ thì là tôi nghĩ cho cô ấy thôi, có một đứa con chung vẫn tốt hơn”. Tôi đem điều này ra khuyên giải chị ta “nên có một đứa con chung cho nó gắn bó, nhà cửa, tiền nong thì ổn cả rồi, mà ông chú tôi còn khoẻ lắm”. Chị ta nghe vậy không nói gì chỉ im lặng, tôi nghĩ chị ta chắc ưng rồi, nên không bàn gì thêm. Bẵng đi một thời gian tôi bận không có thời gian đến thăm ông chú, tôi nghĩ chắc mọi chuyện đã tốt đẹp. Chủ nhật, tôi đưa con bé nhà tôi đến thăm bạn. Vừa vào nhà tôi đã thấy một không khí khác hẳn. Mở cửa cho tôi là một bà già giúp việc chứ không phải chị ta. Bà không trả lời câu hỏi của tôi về vợ ông chú. Chú tôi đang tỉa cây trong vườn nhưng không chào hỏi tôi đon đả như mọi lần mà chỉ gật đầu, rồi lặng lẽ đi vào nhà. Tôi giật mình, biết có chuyện, nên bước hấp tấp. Mãi một lúc lâu chú tôi mới thủng thẳng: “Cô ấy bỏ đi rồi…thật không ngờ. Mẹ kiếp, đúng là phường đứng đường.”. “Chú đừng nói vậy, chú chưa biết rõ thực hư thế nào thì đừng đổ oan cho người ta”, “Chứ không à, chỉ có loại gái ấy mới dám bỏ con bỏ chồng mà đi theo giai”, “Thế con bé đâu ạ”, “Tôi cho thằng cả nuôi rồi, lớn tý nữa là có thể trông em đỡ đần cho vợ chồng nó, đỡ phải mướn ôsin”, “Không được, nó không phải người ở”, “Thế cháu bảo chú phải làm gì, nuôi báo cô cho con mẹ nó à. Vả lại từ hôm mẹ nó đi, nó khóc cả ngày, không chịu ăn, ai mà dỗ được. Nuôi cho là tốt lắm rồi, mất tiền mua mâm mà có được đâm thủng đâu”.Tôi giận tím mặt, không ngờ chú tôi lại thô bỉ đến thế. “Chú mua mẹ nó chứ không mua nó, mà thực ra…Thôi chú phải trả lại con bé cho cháu”, tôi vùng vằng bỏ về. Trên đường nung nấu ý nghĩ phải cứu con bé. Tôi giả vờ đến nhà chú em họ bảo đưa con bé đến nhà tôi chơi rồi giữ rịt luôn không trả về cho ông chú nữa, vả lại khi chú tôi đến, con bé cứ túm chặt lấy tôi không chịu rời, đôi mắt nó vừa sợ hãi vừa căm hờn. Tôi được bé Thương kể. Đêm nào nó cũng nghe tiếng chửi bới đánh đập của ông bố dượng, và thường là bắt gặp mẹ nó ngủ co quắp trên xa lông phòng khách mỗi buổi sáng. Tôi nghĩ chắc người đàn bà đó bỏ đi vì lý do đó, nhưng vẫn không hiểu nổi sao chị ta lại có thể bỏ mặc con lại một mình. Trong lòng tôi cũng dấy lên nỗi uất ức vì thất vọng. Tôi chặc lưỡi, trời cho tôi con bé vừa xinh lại ngoan, tôi sẽ nuôi nó như con gái, nếu một ngày kia mẹ nó quay lại tìm thì tôi sẽ trả  cũng như làm một việc phúc đức thôi. Bé Thương đã bước vào lớp Một, tôi lên phường làm thủ tục nhận con nuôi và giấy khai sinh cho cháu lấy họ của chồng tôi.
Một hôm, tôi nhận được bức thư không có tên người gửi, dấu bưu điện ở một tỉnh xa lắc. Tôi bóc thư và biết được đó là thư của mẹ cái Thương. Trong thư chị ta nói rõ đang ở đâu, nhưng không nói nguyên nhân ra đi và đang làm gì, nhưng có một yêu cầu mà chị ta nhắc đi nhắc lại là giữ kín điều bí mật này với tất cả mọi người kể cả con gái chị ta. Cuối thư chị ta có một yêu cầu khẩn thiết là mong gặp tôi, chị ta sẽ nói rõ tất cả mọi chuyện. Tôi cũng tò mò muốn biết sự thật nên hăm hở lên đường tìm đến cái địa chỉ mà người đàn bà đã dặn trong thư.
Đó là một ngôi chùa, nhưng lại rất đông trẻ con, chúng đang chơi đùa trong sân rất tự nhiên nhưng vẻ mặt đứa nào cũng buồn buồn. Té ra khi hỏi tôi mới được biết, đây chỉ là những đứa trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chẳng lẽ chị ta lại ở đây để chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh này mà bỏ lại đứa con đáng thương của mình?. Gặp lại người đàn bà đó, lòng tôi vẫn trào lên nỗi tức giận. Nhưng chị ta thì không giấu nổi vẻ vui sướng. Chị nói chị đã được biết tôi đang nuôi con gái chị nên rất cảm động, chính vì thế, nên gặp được tôi chị có cảm giác như được gặp lại con gái mình. Và rồi qua một đêm tâm sự với người đàn bà đó, tôi đã được biết rõ chị là ai. Tâm- tên người đàn bà đó, thuở thiếu thời là một cô gái chân quê nhan sắc. Cô đã bị một chàng sinh viên thực tập tại làng quê cô cướp đi cái trinh tiết bằng một tình yêu đầu đời đầy đam mê say đắm. Cô đã ngây thơ đi tìm chàng sinh viên nơi chốn phồn hoa đô hội và hành trang chỉ vịn vào có mỗi lời hứa quá  ngọt ngào. Thế rồi cái gì đến phải đến với một cô gái quê non nớt nơi giăng đầy cạm bẫy. Cô biết mình có thai với chàng sinh viên đó nhưng không muốn bỏ đi mà quyết tâm giữ lại. Cuộc đời cô sang trang từ đó. Bơ vơ nơi chốn thị thành, cô đã phải làm tất cả mọi việc để sinh nhai và lo cho đứa con sắp ra đời. Khi sinh con được thời gian, cô phải gửi con và bước vào đời làm gái. Lần đó cô làm gái bao cho một người Nhật. Cô được nuôi con trong nhà của hắn, được ăn ngon mặc đẹp, tiện nghi đầy đủ, chỉ phải phục vụ ông ta mỗi đêm và lo những bữa ăn tối theo yêu cầu thực đơn của ông. Tâm cảm thấy như vậy cũng ổn, cho đến khi một buổi ông ta tuyên bố chấm dứt hợp đồng để về nước trước dự định. Tâm không bị bất ngờ cho lắm vì điều này cô đã xác định từ trước, nhưng điều bất ngờ nhất, một bất ngờ choáng váng là một người bạn Việt của ông ta đã báo cho cô biết hắn vừa đi khám bệnh và nhận được xét nghiệm HIV dương tính. Tâm bỏ chốn phồn hoa đô hội dắt díu con đi khắp các tỉnh lẻ để làm thuê và dạt đến cái phố nhỏ của tôi. Cô ấy kể rằng không muốn lấy chồng vì không muốn đổ bệnh cho ai, nhưng vì hám một tương lai ổn định cho con gái nên đã đồng ý về ở với ông chú tôi. Đêm tân hôn hôm đó thật bão táp vì cô đã kiên quyết bắt ông phải dùng bao cao su, ông không chịu và đã đánh cô ngay đêm đầu tiên, rồi nhiều đêm sau nữa, cũng chỉ vì điều đó. Nhưng thực ra cô bỏ đi cũng hoàn toàn không phải vì điều đó, có điều cô đã nhầm khi hy vọng ông sẽ thương con cô, thật không ngờ. Tâm ngậm ngùi nói trong nước mắt “Bây giờ, chị là ân nhân của em, rồi ở thế giới bên kia em sẽ phù hộ cho chị. Em sẽ được chôn cất ở đây, sẽ được chăm sóc và hương khói. Em chỉ mong một điều con em sẽ quên em và nó sẽ không bao giờ được biết về quá khứ của mẹ nó, nó sẽ không bao giờ được biết nó là con của một cô gái mãi dâm và bị nhiễm HIV. Chị sẽ gột sạch gốc tích của con em. Chị nhé!”.
Con bé Thương bây giờ đã 18 tuổi, nó hầu như đã quên hẳn người mẹ đẻ của nó mà nó vẫn âm ỉ oán giận. Nó yêu thương tôi như mẹ đẻ cũng như tôi đã yêu thương nó thật lòng. Sắp tới nó đang chuẩn bị đi dự thi hoa hậu của tỉnh và theo như nhiều người tiên đoán, con bé còn đi xa nữa, vì một vẻ đẹp hút hồn đến ma mị. Tôi canh chừng con bé Thương như báu vật, bởi tôi sợ một phiên bản có thể xảy ra. Nhưng trước khi con nuôi tôi bước vào cuộc thi hoa hậu tôi đã phải nhiều đêm không ngủ, không phải vì lo cho con không được giải mà vì, tôi nghĩ đến một ngôi mộ nằm khô lạnh trên một quả đồi nơi miền xa thẳm ấy.
Sáng nay, mẹ con tôi đã lên đường. Thương không hiểu được vì sao tôi lại rủ nó đi thăm một người bạn của tôi ở một tỉnh xa tít như thế. Nhưng nó không căn vặn vì nó vẫn thường nghe lời. Qua cửa sổ con tàu, phóng tầm mắt về phía những dãy núi xa mờ, tôi thì thầm. Tâm ơi, tha lỗi cho tôi, tôi phải đưa con gái chị đi gặp mẹ đẻ của nó để nó phải biết được nó có một người mẹ đẹp đến nhường nào.
Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *