Bài nổi bật

Mế! Mother! – Lê Toán

RadioVn.Com – Mã Canh gạt mồ hôi trên mặt, thở hổn hển:
– Mế à! Chân con mỏi quá rồi. Nghỉ giải lao thôi!
Mế người Tày đưa tay áo chàm lau mồ hôi trên trán, âu yếm nói với con trai:
– Ừ, mế con mình ngồi đây nghỉ giải lao…
Mã Canh chọn tảng đá cao ngồi đón gió mát. Gió giữa trưa hè hiếm hoi. Vài ngọn gió lạc đến không đủ xua hết mồ hôi cho người. Mã Canh phóng tầm mắt theo vòng cung Bắc Sơn trập trùng núi đá vôi. Ngọn núi cao hơn nhiều đám mây. Cây cối trên núi quanh năm xanh rì. Gần mười năm nay, Mã Canh theo mế leo núi hái thuốc nam. Cây thuốc nam nhiều tên không nhớ hết. Dân bản không biết là cây thuốc nên phạt cành, đào gốc đi trồng na lấy quả, trồng cây tai tượng lấy gỗ. Cây thuốc nam phải dạt lên đỉnh núi hoặc phải chạy xuống dưới vực sâu hun hút để sinh sống.
Mế kể lại ngày còn bé chạy ra bờ rào quanh nhà cũng hái được biết bao vị thuốc nam quý. Bây giờ leo núi rạc cẳng mới mót được vài ba nắm lá thuốc. Mế động viên con trai:
– Dù sao, mế con ta vẫn phải cố gắng đi tìm cây thuốc quý để chữa bệnh cho bà con trong bản.
– Vâng! Mã Canh trả lời. Ngồi trên đỉnh tảng đá cao, Mã Canh nao nao tự hào những bài thuốc gia truyền. Mế theo bài thuốc gia truyền mà chữa khỏi cho nhiều người bị tai nạn gẫy xương. Có người ngã núi đá, xương chân gẫy rời nhiều đoạn. Vậy mà qua hai tuần trăng, người ấy đã xỏ giầy đi rừng chặt củi.
Mỗi lần theo mế đi rừng hái thuốc, mế lại truyền dạy cho Mã Canh thêm một bài thuốc lạ. Mã Canh nhỏ tuổi, vẫn mải chơi, không nhớ hết bài thuốc. Chữa gẫy xương tay cho một ông già, Mã Canh không biết xương người già xốp như ruột cây vông. Đắp thuốc vào tay người già lại lầm với thuốc bó tay cho người trẻ. Sau khi khỏi vết thương, tay bị gẫy xách bổng bó củi nhưng tay không bị gẫy thì chỉ xách nổi siêu nước chè vối.
Sau lần ấy, mế dạy:
– Chữa bệnh là chữa mệnh con người. Con không được sơ sài. Phải cảm cái đau đớn của người khác như mình đang đau đớn.
Chữa gẫy xương cho người bị tai nạn khó quá. Mã Canh không biết cắt nghĩa cho người khác hiểu lá cây rừng lại làm cho xương gẫy trong người gắn liền lại với nhau. Mã Canh mường tượng bộ xương người như bộ khung gỗ tứ thiết cứng cáp, lại dẻo dai. Mộc mẹo phải gắn với nhau mới dựng lên ngôi nhà sàn vững chãi trăm năm. Đã mấy lần Mã Canh định bỏ nghề làm thuốc gia truyền, xin tham gia đội văn nghệ của xã. Chữa cho người bị gẫy xương thì gặp toàn sự đau đớn, rên rỉ. Vào đội văn nghệ thì luôn luôn được cầm tay gái đẹp hát hay, đánh đàn tính giỏi.
– Mế không đồng ý cho Mã Canh thôi làm người thừa kế gia truyền thuốc nam chữa gẫy xương cho người đời gặp nạn.
Sau khi nghỉ ráo mồ hôi, Mã Canh lại theo mế leo lên ngọn núi đá vôi đầu vòng cung Bắc Sơn. Trên ngọn núi thật nhiều cây thuốc. Mế cho biết những bạt cây thuốc dùng chữa liền cho xương chân bị gẫy. Bạt cây phía nam ngọn núi là nguồn thuốc chữa  xương chậu người già chẳng may bị vỡ. Những cây thuốc lá nhỏ li ti chữa liền xương sọ bị nứt… Nhìn những bạt  cây thuốc nam quý giá, Mã Canh tưởng các thầy thuốc từ thời thiên cổ đã trồng thành vườn trên đỉnh núi để dành cho con cháu bây giờ.
Mế chữa gẫy xương cho nhiều người rồi nhưng mế bảo nghiệp thầy lang nặng nề. Chữa xương gẫy cho liền lại với nhau, thậm chí bền hơn trước là dễ dàng quá. Chữa cho mạch máu đứt trở lại thông suốt, dây thần kinh bị giập lành lại như cũ, tủy sống tổn thương khỏe lại như thường mới coi là chữa khỏi bệnh. Các bài thuốc gia truyền của tổ tiên truyền lại cho mế nhiều lắm. Đó là những tài sản. Mã Canh còn ít tuổi nhưng đang nhận lấy tài sản của tổ tiên.
– Vâng ạ! Mã Canh ghi nhớ lời của mế vào lòng.
Có lần chữa cho ông cụ suống dưới chân núi Bàn Cờ, Mã Canh chữa cho cụ liền xương chân bị gẫy và xương sống bị rạn. Xương chữa lành mà ông cụ vẫn liệt hai chân. Hôm nay nghe mế nói về  chữa lành tủy sống, Mã Canh liền hỏi về chân liệt của ông cụ. Mế chăm chú nghe, rồi bảo rằng:
– Trường hợp của ông cụ là vì con không cứu được tủy sống đó mà!
– Vì con không biết thuốc để cứu!
Mế đứng trên tảng đá phẳng phiu, giơ tay chỉ xuống phía vực sâu phía dưới vách núi đá vôi, nói:
– Hiện giờ, vòng cung Bắc Sơn chỉ có dưới vực sâu kia là còn cây thuốc nam chữa lành tủy sống và dây thần kinh bị thương, con ạ!
Trở về nhà, Mã Canh chăm sóc sức khỏe cho mế nhiều ngày. Sức khỏe hai mế con bảo đảm cho đợt đi hái thuốc mới. Mã Canh cho vào ba – lô gói cơm muối vừng, nhiều gói mì ăn liền, túi gạo nếp nương, muối. Sau ba – lô buộc lủng lẳng cái xoong nhôm.  Hai mế con thòng dây, lần xuống vực. Không hề có lối sẵn để xuống vực. Mã Canh tụt xuống trước. Chân vừa dò từng bậc, vừa xem chừng đỡ mế. Nhìn xuống thấy vực sâu hun hút. Nhìn lên thấy vách đá vôi dựng đứng. Đã có lúc Mã Canh định bỏ cuộc nhưng hai mế con đã tụt xuống vực nhiều rồi. Tới khi nhìn lên thấy tia nắng chiếu thẳng xuống( có lẽ mặt trời đang đứng trên đỉnh đầu) thì bàn chân mới chạm tới đáy vực. Giữa mùa hè nhưng dưới vực vẫn mát rượi như thời tiết mùa xuân.
Đáy vực có thế giới tự nhiên riêng. Nước đọng thành hồ.  Những đàn cá màu xanh, vàng, đỏ bơi lững lờ trong hồ nước. Tầng tầng cây cối xanh rì. Dây leo chằng chịt. Dây leo lớn hơn bắp chân trườn qua những vách đá để nối vực sâu tới đỉnh núi khuất trong mây mù. Mế chỉ cho Mã Canh biết từng loại cây thuốc dạng dây leo, giảng giải về công dụng chữa bệnh. Mế cầm dây leo vỏ màu hồng, mừng rỡ, gọi Mã Canh tới, bảo:
– Đây là vị thuốc chữa tủy sống bị thương. Cụ nội cho biết cây thuốc này từ khi mế mới học nghề. Đây là lần thứ hai mế thấy cây thuốc quý nên cho con biết ngay.
Mã Canh lấy dao cắt một đoạn cây thuốc quý. Vỏ cây nổi  màu hồng li ti tựa mạch máu của người. Bên trong ruột trắng nuột hệt tủy sống động vật. Dưới vực còn chằng chịt biết bao vị thuốc quý chữa thương. Mã Canh đinh ninh đây là vườn thuốc nam của Trời dành để cứu người.
Mã Canh mời mế đến bên hồ nước ăn cơm nắm. Cơm nắm chấm muối vừng, uống nước trong ruột cây leo mới ngon lành làm sao. Đương ăn, chợt tai Mã Canh nghe thấy có tiếng người hay tiếng con nai rên đau ở đâu đây. Miệng ngừng nhai cơm. Tai nghiêng bốn phía nghe ngóng. Mã Canh thầm thì:
– Mế à, con loáng thoáng thấy tiếng của người hay của con nai rên đau vọng đến tai.
Mế cũng ngừng nhai cơm, giữ im lặng, lắng nghe. Mế có nhiều kinh nghiệm đi rừng sâu. Mế từng chữa thương cho nhiều
người và những con thú nhỏ sa chân xuống vách núi đá vôi. Sau khi lắng nghe hồi lâu, mế chậm rãi bảo:
– Đó là tiếng rên đau của một người sảy chân ngã xuống vực. Con mau mau lần tìm người bị nạn…
Mã Canh bỏ dở bữa cơm. Tay cầm con dao quắm. Cạp quần giắt vải cứu thương. Chân bước về phía vách núi dốc thẳng đứng. Chân trèo qua những tảng đá mấp mô. Dây rừng chằng chịt cản bước đi. Tiếng rên đau đang yếu dần. Trèo qua tảng đá lớn, Mã Canh phát hiện một người nước ngoài tóc nâu bù xù nằm sóng xoài trên đám rêu. Quần thấm đẫm máu. Mã Canh vội đưa tay sờ mạch máu ở cổ. Mạch máu yếu ớt như nước giọt gianh sau cơn mưa đã tạnh từ lâu. Tay sờ lên ngực thấy nhịp tim thoi thóp. Tay cầm cánh tay nạn nhân, cảm giác xương tay gẫy nhiều đoạn. Nắn chân nạn nhân, Mã Canh run lên thấy xương hai chân nhiều chỗ bị dập…
Mã Canh đưa tay lên miệng làm loa, hú tiếng dài. Lát sau, mế vội vã đến bên. Mế thận trọng xem xét, rồi cho biết tính mạng của nạn nhân rất nguy kịch.
Mế hướng dẫn Mã Canh cắt một đoạn cây dây leo lấy nước nhỏ vào miệng nạn nhân. Nước của cây vừa chống mất máu, vừa giảm đau, vừa tăng chất kháng sinh cho cơ thể. Sau khi tiếp nhận nước của hai đoạn cây leo, nạn nhân thôi không rên đau nữa.
Mế lại hướng dẫn Mã Canh hái nhiều lá cây thuốc lót xuống làm lớp đệm dầy cho nạn nhân nằm. Lá thuốc bên dưới thấm ngược lên, thấm dần từ da vào xương giúp cơ thể hồi sinh. Xung quanh chỗ nằm được rải hoa dại làm vành đai ngăn chặn rắn, rết độc.
Mế cặm cụi vò đống lá thuốc. Lá thuốc vò đem trộn với xôi nếp nương, đắp bên ngoài chỗ xương gẫy. Lát sau, thuốc đã bó cứng hai chân, hai tay. Nạn nhân nằm bất động. Khuôn mặt tái xám dần dần ửng hồng. Nạn nhân thiêm thiếp ngủ…
Mế xem thật kỹ mức tổn thương của nạn nhân, rồi bảo:
– Người này được chữa chạy, phải nằm bất động tại đây một tháng. Ngày nào cũng phải thay lá cây làm đệm. Hai ngày bó thuốc một lần… Nếu bỏ lại đây một mình thì đêm nay nạn nhân tắt thở.
Mã Canh lo lắng:
– Người này to béo, nặng lắm. Hai mế con ta chẳng thể khiêng lên khỏi vực. Hay là…hai mế con ta ở lại đây cứu anh ta?
Lòng nhân hậu trong lòng mế dâng trào. Mế gạt nước mắt, bảo:
– Cứu người là trọng. Mế con nhà ta đếu là thầy lang. Ở lại đây vài tuần trăng cũng chẳng sao đâu, con à!
Vâng theo lời mế, Mã Canh hí húi đẵn cây, lợp lá rừng dựng lều che cho người bị nạn, cũng làm chỗ tá túc cho hai mế con. Mế già nên chăm sóc cho nạn nhân ban ngày. Mã Canh thức  thâu đêm, ngồi bên cạnh trông nom người, đồng thời đề phòng bất trắc của thú rừng. Thể trạng người bị nạn rất yếu, chưa thể ăn được nước cháo. Mế tìm dây leo, cắt ngang, rỏ từng giọt nước vào miệng nạn nhân. Mế lặn lội tìm đủ loại dây leo lấy nước, cũng là những loại thuốc thảo dược. Có thảo dược kháng sinh. Có thảo dược thông kinh mạch. Có thảo dược bổ máu. Có thảo dược phục hồi trí nhớ. Có thảo dược tìm lại tiếng nói. Có thảo dược chống tê phù do nằm lâu ngày… Mã Canh vừa phụ mế chữa thương cho nạn nhân, vừa cố ghi nhớ công hiệu từng loài thảo dược.
Qua mỗi ngày, thể trạng nạn nhân tươi tỉnh trở lại. Từng động tác nâng đỡ nạn nhân của hai mế con rất nhẹ nhàng, thận trọng. Lúc thay lá cây làm đệm, hai mế con phải nâng khẽ từng cánh tay, dịch khẽ từng cái chân. Khó khăn nhắt là nâng tấm lưng to lớn, nặng nề của nạn nhân. Đệm lá dưới lưng có chất hồi sinh nên lưng nằm lâu ngày vẫn không bị mụn lở.
Mã Canh ngại nhất là phải làm vệ sinh cho nạn nhân sau khi đái, ỉa.  Mế chẳng nề hà công việc bẩn thỉu. Mế kể lại, đã nhiều lần chăm sóc những người bị tai nạn rất nặng, ỉa đái tại chỗ hàng tháng trời…                                           Thâu đêm phải xoa bóp, nắn chân, nắn tay nạn nhân cho máu lưu thông, đánh thức dây thần kinh. Qua một tuần trăng,  nạn nhân đã từ từ tự co duỗi cánh tay. Đôi mắt mầu nâu sâu trũng chớp chớp bày tỏ lời cám ơn. Miệng mấp máy như đòi nước cháo. Mã Canh xem trong ba – lô, gạo nếp nương làm hồ bó vế thương  đã hết từ lâu. Bản thân hai mế con mấy ngày qua không có chất bột vào bụng. Mã Canh bèn vót khúc cây nhọn, đi đào củ mài. May thay, mế tìm thấy bụi dong riềng bên hồ nước. Mế cặm cụi lọc bột dong, lấy nước trong ruột một loài dây leo. Nước cây ngọt như đường. Mế nấu chè bột dong. Từ đấy, ba người ăn chè bột dong hằng ngày. Ăn chè ngọt mãi cũng não ruột. Mã Canh bắt cá trong hồ, hoặc bắt ếch núi nấu nhừ với bột củ mài làm món súp.
Được sự trợ giúp của Mã Canh, nạn nhân từ từ biết co, duỗi chân. Thấy sức khỏe của nạn nhân tiến triển, mế rất mừng.
Người bị nạn đã tỉnh táo hơn. Đôi mắt hấp háy nhìn tia nắng lọt qua kẽ lá rỏ ánh sáng xuống vực. Trong mắt vẫn còn lộ vẻ thất thần, sợ hãi. Có lẽ trong vẻ thất thần ấy đang cố hồi tưởng lại lúc gặp tai nạn và cố hình dung thực tế hiện nay. Mấy ngày sa, nạn nhân tỏ vẻ ngượng ngùng khi nhận thức được những người lạ giúp mình vệ sinh trong việc ỉa đái.
Mế theo dõi diễn biến từ đôi mắt đến nét mặt người bị nạn. Sau thời gian sống ngẩn ngơ như cây rừng bị đổ, nay người bị nạn đã biết xấu hổ về bản thân mình. Đó là dấu hiệu thần kinh đang phục hồi tốt. Nét mặt mế gột đi sự âu lo, đổi sang vui mừng. Người bị nạn chăm chăm nhìn khuôn mặt mế, đón nhận sự bao dung của người mẹ. Từ trong đôi mắt màu nâu lăn dài hai dòng nước mắt như hai giọt sương sớm lăn trên lá cây rừng.
Mế thấy thể trạng người bị nạn có nhiều biến chuyển. Mế nói với Mã Canh:
– Cháu Tây (mế gọi người châu Âu bị nạn là cháu, như gọi con cháu trong gia tộc vậy!) tới hết tuần trăng thứ hai này có thể đi theo ta về bản. Nhưng thần kinh, trí nhớ thì phục hồi dần dần do bị tổn thương quá nặng.
Mã Canh vui mừng:
– Hôm đầu nhìn cơ thể nạn nhân bẹp dúm trên đám rêu, con tưởng là cái xác bỏ đi rồi. Mế à, thế bao giờ thì nó nói lại được tiếng người?
Mế vạch  mí mắt cháu Tây xem xét hồi lâu, rồi chậm rãi cho biết:
– Bị ngã từ vách núi đá cao xuống vực nặng quá nên tiếng nói hoảng sợ bỏ chạy đi xa lắm. Phải vài tuần trăng nữa tiếng nói mới tìm thấy đường trở về.
Mã Canh hân hoan:
– Vậy là cháu Tây của mế được thần linh núi rừng quê ta phù hộ rồi! Mế trông chừng, con đi bắt cá về nướng à…
Cháu Tây của mế có vẻ thích thú được ăn cá nướng. Nhưng mế không cho ăn nhiều, bởi nội tạng vẫn còn tổn thương. Sau bữa ăn, mế bó một ôm lá thuốc làm cái gối cho cháu Tây tựa lưng. Thuốc lá từ gối thấm vào từng đốt xương sống. Cháu Tây được đỡ dậy, ngồi tựa lưng đủ bẩy ngày. Đàn ông có bẩy vía. Qua bẩy ngày đủ bẩy vía tìm về. Mế ra hiệu cho cháu Tây tự mình ngồi dậy, tự mình tập ngọ ngoạy chân tay…
Mế bảo Mã Canh làm cho Cháu Tây đôi nạng bằng cây rừng. Sờ tay vào cây nạng thấy mềm. Nhưng khi chống xuống đất thì cây rắn như lõi gỗ lim. Cây làm nạng cũng là cây thuốc nam. Nạng chống xuống đất thì nối dòng âm dương của thân thể người với đất mẹ. Sinh khí bất tử của đất mẹ truyền vào người. Sau mấy ngày được Mã Canh đỡ tập đứng dậy, cháu Tây tự chống nạng tập đi. Tấm thân nặng nề dịch chuyển từng li trên mặt đất. Mế chăm chú theo dõi từng li dịch chuyển của bàn chân vụng về, khó khăn hơn trẻ con tập đi bước đầu tiên.
Mỗi bước đi là mỗi cố gắng gần như vượt sức mình. Mỗi bước đi là  thêm mỗi khoảng cách xa rời cái chết. Mỗi bước đi là về gần nhà mình. Hình như cháu Tây hiểu điều đó nên cắn chặt môi, không rên đau sau mỗi cái nhích bàn chân.
Cháu Tây của mế dần dần nhận biết thêm sau mỗi buổi tập đi. Đôi môi mím chặt chưa thể bật ra được tiếng nói. Cháu Tây muốn kể lại giấc mơ trong giấc ngủ tối qua. Giấc mơ hiện về thành phố biển Chelsea, thành phố có đội bóng đá nổi tiếng của nước Anh. Thành phố tổ chức ngày hội bóng đá. Mọi người dân thành phố hân hoan đến sân vận động. Nhưng sao đôi chân mình nằng nề? Mỗi bước đi đau buốt khắp cơ thể. Cố dấn bước lên mà tấm thân trai trẻ đổ sập xuống mặt đường. Chính lúc ấy, người mẹ giơ hai tay đỡ lấy con trai mình. Choàng tỉnh giấc mơ, cháu Tây mở mắt, không phải người mẹ tóc vàng trước mắt mà là bà mẹ mặc áo chàm đang cúi khuôn mặt phúc hậu bên cạnh.
Cháu Tây của mế chưa biết nói lại tiếng người. Mọi điều đều phải lấy tay ra hiệu. Ngón tay dài khẳng chỉ cho Mã Canh lấy giúp vật gì đó trong túi áo ngực. Thì ra, đó là cuốn sổ nhỏ bọc bìa nhựa. Bên trong cuốn sổ đóng nhiều con dấu. Mã Canh đã một lần nhìn thấy cuốn sổ giống như thế của nghệ nhân đàn tính trong bản. Nghệ nhân khoe: đi đến sân bay nước bạn, phải đưa cuốn sổ này cho đóng một cái dấu thì mới được bước chân vào nước bạn. Mãi sau này, có dịp đi ra nước ngoài chữa bệnh cho trẻ em bằng thuốc nam, Mã Canh mới biết đó là cuốn sổ hộ chiếu.
Qua tuần trăng thứ hai, cháu Tây bỏ nạng để tập đi.
Những bước chân ngập ngừng đang bỏ xa cái chết.
Cháu Tây đã tự mình xuống hồ nước tắm gội. Tự giặt quần áo mắc lên cây rừng phơi phóng. Mỗi lần tắm xong, cháu Tây đều lấy năm đầu ngón tay làm lược chải tóc. Khuôn mặt rạng rỡ, đẹp đẽ hẳn lên.
Mế và Mã Canh rất mừng thấy cháu Tây đang hồi phục sức khỏe nhanh. Nhưng cháu Tây đang xao động nỗi niềm trong trái tim mình. Cháu Tây nhìn thấy đôi mắt Mã Canh thâm quầng, trũng sâu sau nhiều đêm mất ngủ; mặt xanh tái vì thiếu ăn, thiếu muối. Cháu Tây cố giấu vào lòng mình cảm xúc bùi ngùi thấy lưng người mẹ  áo chàm còng thêm.
Mã Canh xin phép mế về nhà lấy gạo và muối, tiện thể báo tin cho cán bộ xã.
Ở lại dưới vực, mế dạy cháu Tây cách chữa chạy gẫy xương bằng thuốc nam. Sau khi học được mỗi bài thuốc, cháu Tây lại ngồi im lặng trên tảng đá, mắt nhắm nghiền để nhập tâm nhớ bài thuốc. Thực ra, trong điều kiện không có giấy bút thì học nhập tâm sẽ nhớ lâu. Đây cũng là cách truyền nghề thuốc nam qua bao đời của người Việt Nam.
Hai ngày sau, cán bộ xã mới đến được vực núi để gặp mế và người Tây. Cán bộ xã thưa với mế:
– Hơn hai tháng nay, cả tỉnh, cả huyện, tất cả người dân trong xã vô cùng lo lắng nhận được tin một công dân nước Anh bị mất tích. Bước đầu xác định địa bàn mất tích trong khu vực vòng cung Bắc Sơn. Liền ngay đó, cả xã lại cuống lên khi mế và em Mã Canh không thấy trong bản. Xã cử thanh niên khỏe trèo khắp núi gần, núi xa tìm kiếm mà chẳng thấy đâu. Em Mã Canh trở về gặp cán bộ xã báo tin, kể lại mọi sự việ trong hơn hai tháng. Mế cùng em Mã Canh cứu sống người dưới vực sâu. Cả xã, ai cũng mừng!
Người cán bộ xã xem cuốn hộ chiếu của người Tây, vui mừng nói:
– Đúng người Tây mất tích đây rồi! Anh ta tên là Churchill, công dân nước Anh. May quá, nhờ mế cùng em Mã Canh mà xã ta, huyện ta, tỉnh ta hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm người Tây mất tích.
Qúa trưa nên bụng người nào cũng đói. Người cán bộ xã hăng hái cùng Mã Canh ra hồ bắt cá. Churchill cũng hăng hái xin đi theo. Mế nấu liền hai niêu cơm, xới ra tầu lá chuối. Mế lại luộc rổ rau rừng là một vị thuốc nam giúp nhanh tìm thấy tiếng nói bị mất.   Mọi người quây quần dùng tay bốc cơm ăn…
Phút chia tay, rời vực sâu. Mế thu dọn, cất ba đầu rau bắc nồi bên hồ nước. Mã Canh dỡ lán, xếp lại gọn gàng. Churchill bước từng bước chậm chạp tới thảm lá cây đã nằm hơn hai tháng nay. Churchill nằm xuống úp mặt xuống thảm lá. Hai tay vốc lá  phủ lên đầu mình. Mọi người đứng im, dành cho Churchill phút riêng tư. Mỗi người trong đời đều có những phút lặng riêng tư. Phút lặng rời khỏi tay tử thần trở về với cuộc sống nghẹn ngào không nói nên lời. Churchill chưa hồi phục được tiếng nói nên trước khi rời vực sâu, càng nghẹn lòng. Churchill ngồi dậy, lá cây vương trên mái tóc nâu rối bù. Hai mắt đỏ hoe nhìn những ân nhân của mình trong nước mắt. Bỗng nhiên, Churchill chạy tới, quỳ xuống, ôm lấy hai chân người mẹ áo chàm khóc rống lên. Cùng trong tiếng khóc, bật ra tiếng nói đầu tiên:
–  Mế! Mother!
Kỳ diệu thay tiếng nói đã trở về. Cùng một lúc, trong trái tim của Churchill đón hai người mẹ. Một người mẹ tựa cửa ngóng con từng ngày bên nước Anh, một người mẹ áo chàm đang  đứng bên cạnh gạt nước mắt!
Tác giả: Lê Toán – Thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *