Bài nổi bật

Men Lam

RadioVn.Com – Hiện tại và quá khứ, lịch sử và truyền thuyết, hiện thực và liêu trai, tất cả nhuyễn vào nhau đem đến cho “Men lam” vẻ đặc sắc riêng, vừa bâng khuâng tiếc nuối, vừa đượm buồn hư ảo như khói như sương, vừa tuyệt vọng vừa tràn đầy hy vọng…
====
Đêm càng khuya, dòng sông càng rực rỡ, trong vắt ánh trăng thanh. Anh không ngủ được, chẳng biết vì nhà lạ hay vì trăng. Anh lặng lẽ ra đứng trước lan can lầu ngóng xuống. Gió vuốt ve mặt nước, sóng lao xao lấp lánh như những lưỡi búa vàng…  Người ta bảo trăng hút nước biển tạo ra thủy triều và hút lòng người để tạo thành thơ nhạc, những Xô-nátÁnh trăngvà những Tỳ bà hành với Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt / Một vầng trăng trong vắt lòng sông…
Hành trình tìm lại bí ẩn men lam của dòng họ anh lúc đầu tưởng chừng như là chuyện mò kim đáy biển… Chỉ có mấy dòng ghi trong gia phả: cụ tổ là một nghệ nhân xuất sắc của làng gốm Bát Tràng, làm một đĩa cổ men lam lung linh phép lạ, nhưng không ai biết giá trị của nó, trừ chúa Nguyễn Hoàng…
Từ Pa-ri, anh về Hà Nội, sang thăm làng gốm… Làng đẹp, bán buôn tấp nập nhưng cũng khá xô bồ… Anh dò đường, tìm vào xưởng gốm của lão nghệ nhân nổi tiếng nhất vùng, chọn mua một số tranh gốm, tranh đĩa… Ông lão thấy anh thích chơi gốm nên mời sang ngôi biệt thự mới cất, khoe tượng, khoe tranh… Chuyên trò càng lúc càng tương thân, tương đắc, anh lân la dò hỏi đĩa cổ men lam… Ông lão vui miệng kể: “Tôi có nghe từ cụ tổ về chiếc đĩa men lam tuyệt kỹ ấy. Gọi là đĩa Trương Chi…  Truyền rằng khi tình cờ có được chiếc đĩa men lam lạ lùng đó, chúa ưu ái, đãi người tạo ra nó như bậc đệ nhất tài danh. Nhưng lúc bị nghi kỵ, mạng sống bị đe dọa, phải chạy vào Nam thì chúa mang theo chiếc đĩa cổ cùng người tạo ra nó… Qua gần nửa thiên niên kỷ lưu lạc, chiếc đĩa mất tăm và bí quyết men lam đĩa cổ cũng thất truyền…”
Anh nghiền ngẫm lời của lão nghệ nhân và quyết vào Nam, theo sự dẫn dắt của tiềm thức bãng lãng khói sương, cùng sự thôi thúc của dòng máu âm thầm chảy trong huyết quản… Anh chọn mua một suất du lịch Mekong Tour, vì anh thấy trong chương trình có mục “tham quan nhà cổ”, với hy vọng mơ hồ; hơn nữa, anh muốn đi chơi một mình cho thảnh thơi đầu óc.
Sau mấy giờ lênh đênh sóng nước, dọc những rặng bần trùng điệp xanh mướt ven bờ, thuyền ghé cho khách lên thăm một ngôi nhà cổ, rồi ăn chiều với tôm càng nướng, cá he vàng nấu mẵn và nghỉ lại một đêm… Giữa vùng xanh um cây trái miệt vườn mà người xưa cất một ngôi nhà lầu, dù sàn bằng gỗ, cũng là rất lý thú, để hôm nay, anh có dịp qua đêm tại đây. Chẳng phải chỉ có dòng sông và ánh trăng khiến anh không ngủ được. Mà tâm tư anh bị xáo trộn dữ dội từ khi bước vào phòng khách ngôi nhà… Bây giờ ra ngắm sông đêm, anh thấy lòng cũng lấp lánh những lưỡi búa vàng, xôn xao cùng gió…
Cô hướng dẫn tua xinh đẹp giới thiệu cùng khách:
– Ngôi nhà này xây từ lâu đời… Cây thủy tùng sau bàn thông thiên kia đứng ở đó đã ngót trăm năm… Lúc nó bằng cườm tay, có người đòi chặt đi làm cán siêu đao trong cuộc tranh quyền của các tín đồ giáo phái, nhưng ông chủ ngôi nhà khăng khăng giữ lại nên nó còn được sống tới hôm nay…
Anh ngắm những cành tùng xòe ra hình nón, lá kim nhỏ lăn tăn, bụng nghĩ chẳng biết ông chủ nhà này là ai, và hậu duệ của ông, cũng như mình, qua bao nhiêu năm biển dâu dời đổi, giờ ra sao…… Nhưng cô hướng dẫn đã mời khách theo những bậc thang xây hình trăng khuyết bên ngoài lên lầu…
Phòng khách sang trọng, với bộ xa-lông đóng theo kiểu Lu-i XVI bằng gỗ nu quí nhất trong các loại gỗ, thớ cây xoắn xuýt, lấy từ những u trong thân cổ thụ,. Hai bên là hai bộ bàn ăn mặt cẩm thạch, gỗ trắc, có bộ ấm trà để sẵn. Cô gái rót trà ướp sen trong chiếc ấm có quai trúc, đốt ngắn như đốt ngón tay, mà cô gọi là trúc quân tử, vào chén quả hồng mời khách. Anh đứng ngắm bức tranh thêu phủ kín một bên tường, hình chim công ngoái đầu nhìn bộ lông đuôi rực rỡ, trong khi du khách vuốt ve mặt gỗ cẩm lai của chiếc bàn thờ, khảm xà cừ óng ánh tích Lưu Bị cầu hôn Giang Tả trong tiếng trầm trồ… Cạnh đó là tủ chén với những muỗng “cổ lầu”, những đĩa “trúc lâm thất hiền” và những bát ăn mà cô hướng dẫn lưu ý khách là dưới trôn có chữ “nội phủ”… Anh tưởng tim mình ngưng đập khi thấy một chiếc đĩa đặt trên đế gỗ mun ba chân, màu men lam, vẽ cảnh người chèo thuyền giữa dòng sông có hàng liễu rũ bên bờ và ngôi lầu có cô gái ngồi bên cửa sổ chống tay lên cằm, mắt đăm đắm nhìn xuống nước; trên lầu, trăng bị mây che mờ và dưới sông lao xao sóng gợn… Mặt đĩa ghi hai câu thơ chữ Nôm. Cô hướng dẫn nói:
– Đây là một cổ vật rất quí vẽ tích Trương Chi – Mỵ Nương… Tương truyền nếu ai khóc đầy chiếc đĩa này thì sẽ thấy anh Trương Chi chèo thuyền động đậy trên dòng nước…
Du khách ồ lên, xúm xít lại xem chiếc đĩa… Có người hỏi:
– Vậy đã có ai khóc đủ để anh Trương Chi chèo thuyền động đậy chưa?
Cô gái nói:
– Thưa, chưa có ạ…
Mọi người cười xòa, ý rằng đây chỉ là một trò câu khách…
Còn anh, anh vẫn chưa hết xúc động: cái đĩa men lam Trương Chi mà cả dòng họ anh thì thầm truyền nhau suốt mấy trăm năm chẳng lẽ lại nằm ở đây? Anh hỏi cô gái với giọng run run:
– Cô ơi, cô có biết hai câu thơ này viết gì không?
– Thưa quí khách, đó là: Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan…
Khắp người anh nổi hết gai ốc… Một ý nghĩ lóe trong đầu như chớp: Mật mã chế tác và thưởng thức men lam giấu trong những câu thơ…?
Anh liếc nhanh về phía cô gái: gương mặt thanh tú, vóc dáng cân đối, đặc biệt là đôi mắt thăm thẳm như ẩn chứa những điều huyền diệu sâu xa… Cô gái cũng liếc nhìn anh… Hai ánh mắt giao nhau như hai ánh chớp và cả hai đều cảm thấy lòng mình xao động…
Anh không hỏi gì thêm, biết rằng mình đang mang một bí mật hệ trọng không thể khinh xuất mà hé lộ cho ai… Anh chỉ còn cách đi theo cô gái, lắng nghe lời cô và lặng lẽ ngắm cô…
Đêm nay, đứng nhìn dòng sông lao xao sóng bủa dưới trăng, anh tự hỏi: Cô gái là ai? Hình như mình đã gặp cô từ kiếp nào thưở trước… Có phải… Anh khe khẽ ngâm mấy câu thơ thuộc lõm bõm:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu mà hát thì thật hay
Và:
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê…
Đêm sâu lắng khiến câu thơ có sức âm vang lạ lùng. Ánh trăng giật mình run rẩy trên mặt sông… Tiếng sóng bủa lao xao hay tiếng thơ, tiếng nhạc…
Anh chợt nghe tiếng chân bước nhẹ sau lưng, và tiếng hỏi dịu dàng:
– Anh chưa ngủ ư?
Anh hồi hộp quay lại và nhận ra cô hướng dẫn viên quen thuộc trong bộ váy ngủ mong manh… Tim anh đập rộn:
– Vâng, tôi thấy khó ngủ…
– Vì sao vậy anh?
– Có lẽ vì sóng nước… Vì trăng… Còn cô?
– Em… cũng vậy…
Anh lúng túng giây phút, nhưng chợt nhớ ra:
– À này, hai câu trong đĩa cổ mà cô đọc lúc chiều có phải lấy ra từ bài thơ Trương Chi không?
– Phải đó anh.
Anh hồi hộp hỏi cô trong hơi thở gấp:
– Cô có thuộc cả bài đó không?
– Có anh ạ. Nghề của em mà. Em phải tìm học…
– Vậy cô có thể đọc cho tôi nghe được không?
– Được thôi. Nhưng khá dài. Cả một chuyện tình mà anh…
– Tôi có thời giờ… Tôi rất cần bài đó… Nhưng… có phiền cô không?
– Phiền gì đâu anh. Em cũng có thời giờ mà…
– Vậy cô đọc cho tôi chép lại nhé?
– Vâng… Như giữa những câu mà anh ngâm nga lúc nãy, có một đoạn anh nhảy cóc… Em biết anh không thuộc, và cũng biết anh đang tha thiết với bài này, nên em ra đây… phục vụ quí khách…
Cô nhoẻn cười. Anh cầm ngay tay cô:
– Ôi, cám ơn em nhiều lắm! Đoạn ấy ra sao, em đọc coi…
Cô ngập ngừng hỏi:
– Mà anh có cho là em… bạo dạn quá không…
– Ôi em! Anh hiểu mà! Nghề nghiệp mà! Sao dằn lòng được…
– Cảm ơn anh… Đoạn này ai cũng biết, nhưng thuộc lời thơ thì bập bõm… Như anh vậy… Đây: Ngày xưa có anh Trương Chi / Người thì thật xấu mà hát thì thật hay / Cô Mỵ Nương người ở lầu tây / Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung / Anh Trương Chi ở dưới dòng sông / Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu / Đêm thanh chàng hát một câu / Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương / Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương / Mà trông thấy mặt anh chàng lại chê…
Anh tràn xúc động, cầm tay cô lắc mạnh:
– Ôi, em đọc hay quá… Hình như bức tranh trong đĩa cổ là bức tranh mà người xưa đã vẽ bằng những câu thơ em vừa đọc…
– Vâng, em luôn nghĩ như vậy…
– Nhưng cô Mỵ Nương sao thương tiếng hát mà lại chê người có tiếng hát hay đến thế?
Cô gái cười:
– Em cũng thắc mắc. Nhưng em… đang làm một luận án… nên tìm hiểu và tự mình lý giải: trong cõi người ta, cái thanh cao và cái trần tục khéo là… chọi nhau… Khác với các nước có nền văn hóa ổn định, ở nước mình, văn hóa bị chiến tranh và nhất là bị thuyết “giai cấp” xáo trộn nên một thời kỳ dài cho tới tận bây giờ, người ta vẫn độc tôn thưởng thức cái nghèo đói, nhỏ mọn…, trong khi con người muôn thưở vẫn thiết tha hướng tới cái cao đẹp, tương tư một tiếng hát hay…
– Vậy em làm luận án gì?
– Rồi anh sẽ biết thôi mà… Để em đọc tiếp: Anh Trương Chi bèn trở ra về / Cắm thuyền cho chặt anh mới hát thề một câu / Kiếp này đành lỡ duyên nhau / Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành…
Anh bóp mạnh tay cô:
– Đúng rồi… Hình như kiếp trước anh đã gặp em…
Cô gái nhìn vào mắt anh, cười:
– Anh không lầm đấy chứ… Cứ nghe tiếp chuyện chê người nhưng tương tư tiếng hát hay: Cô Mỵ Nương tư lự thất tình / Kém nhan sắc trước, sút vỏ hình thuở xưa / Kém trang điểm, kém bữa cơm trưa / Kém ăn kém ngủ cô thẫn thờ chẳng yên / Thất tình bệnh phát liên miên / Ông bà thừa tướng lo đêm lo ngày…
– Ôi, đúng em rồi…
Anh ôm chầm lấy cô, vùi đầu vào khuôn ngực thơm mùi trinh nữ qua bộ váy ngủ mong manh, hững hờ… Cô đứng yên, người cô dường đang run rẩy Anh lần chạm đôi bầu ngực phập phồng… Cô chợt tỉnh, cầm tay anh, nhoẻn cười:
– Xin quí khách đừng sờ vào hiện vật…
Anh ngượng nghịu, cũng cười:
– Em… cứ méo mó nghề nghiệp…
Cô dí một ngón tay lên trán anh:
– Anh cũng méo mó nghề nghiệp: nghề nghiệp của bọn đàn ông tầm thường… Yên để em đọc anh nghe tiếp cách chữa bệnh tương tư tiếng hát:Truyền mời đến một ông thầy / Ông thầy bắt mạch đoán ngay sự tình / Bệnh này duyên nợ ba sinh / Tương tư ắt có cầu tình với ai / Bệnh này nếu muốn khỏi ngay / Truyền người xuống bến gọi ngay anh lái đò / Nhờ chàng sắc thuốc hộ cho / Chàng mà sắc thuốc tựa hồ thuốc tiên…
Anh kéo sát cô vào người mình, thầm thì:
– Ôi, sao em đáng yêu quá vậy!
Cô mỉm cười:
– Lại bệnh nghề nghiệp! Em tưởng bài thơ này đối với anh quan trọng hơn là chuyện tình cảm nên mới giúp anh…
Anh lúng túng:
– Ừ… đúng, đúng. Em đọc tiếp đi.
– Anh Trương Chi ở dưới đò lên / Quạt lò sắc thuốc anh ngồi bên cạnh lầu / Ngồi buồn anh hát một câu / Cô Mỵ Nương nghe tiếng giải cơn sầu như không / Mười phần bệnh đổ xuống sông / Lấy vàng ba lạng mà thưởng công cho ông thầy…
Anh cười:
– Trương Chi dùng tiếng hát giải sầu tương tư cho Mỵ Nương, nhưng người được thưởng vàng lại là ông thầy thuốc…
– Vì cái cao đẹp và cái trần tục luôn chọi nhau mà… Ở đời, chuyện này đầy dẫy…
– Em tuyệt lắm! Cho anh…cho anh… hôn em nhé…
– Vậy anh muốn nghe nữa hay muốn em bỏ về phòng…
Anh luống cuống:
– Không không, em đọc tiếp đi…
– Vậy anh phải ngoan nhé…Anh Trương Chi trở xuống đò ngay / Cắm sào cho chặt anh nhảy rày xuống sông / Xác thời trôi ở giữa dòng / Hồn thời mới nhập vào trong cây bạch đàn / Đến khi thừa tướng thăng quan / Mua được cây gỗ bạch đàn quí thay / Gỗ thời để đã lâu ngày / Truyền gọi thợ khéo tiện ngay bộ chén chè / Xong rồi quạt nước màn the / Cha con mang bộ chén chè uống chơi / Không cầm đến chén thì thôi / Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan / Cô Mỵ Nương đau đớn can tràng / Hạt châu rơi xuống mới vỡ tan khối tình…
Cô gái ngừng đọc, trầm ngâm nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh trăng… Anh cũng sững sờ, đứng yên lặng ngắt…
Bỗng cô hỏi:
– Ngoài Bắc gọi trà là chè phải không anh?
– Ừ, đúng rồi. Nhưng mà… đây là cái đĩa… sao lại viết hai câu thơ về cái chén…?
– Em không biết. Nhưng đó là hai câu hay nhất bài thơ… Đúng không anh?
– Đúng. Và nó là … mật mã… Đúng, trước hết phải là trà… Chén trà…
Anh hấp tấp kéo tay cô:
– Đi, em vào phòng khách với anh… Và… đun nước pha trà…
Cô gái bị anh lôi đi, lúng túng chẳng biết làm gì hơn là theo những yêu cầu… vô hại của anh để tìm tòi giải mã nỗi niềm tương tư một tiếng hát hay…
Khi nước sôi được đưa tới, anh súc ấm để sẵn trên bàn, pha trà mới, rồi hãm kỹ trong chiếc bình quai trúc lâu ngày lên nước bóng. Anh khẩn khoản nhờ cô lấy chiếc đĩa cổ trong tủ kính. Cô dứt khoát:
– Miễn sờ vào hiện vật!
Nhưng anh vặt đầu vặt tai, hứa hẹn sẽ có phép màu xảy ra nên cô gái cũng tò mò, và xiêu lòng, đi thuyết phục người trông coi ngôi nhà dậy…  Dưới sự giám sát chặt của người quản lý, cô thận trọng hai tay nâng chiếc đĩa đặt lên bàn…
Anh cẩn thận rót một chén trà, nâng ngang mày, thành kính khấn tổ tiên từ ngàn xưa về mở trí khai tâm cho cháu con thoát vòng mê muội… Rồi anh trân trọng cầm chén từ từ rót trà vào lòng đĩa… Anh nhìn trân trối vào nét vẽ men lam, vào đôi tay anh lái đò Trương Chi, vào cặp mắt cô Mỵ Nương ngồi trên lầu cao tít… Không một dấu hiệu gì. Cô bạn gái đứng sau anh chắc cũng hồi hộp không kém. Anh cảm nhận được hơi thở cô thơm ấm, phả hương vào má anh… Anh lại thành kính rót chén thứ hai, rồi thứ ba… Khi chiếc đĩa gần đầy nước, trà bốc hương, cả gian phòng mùi nhụy sen dâng thoang thoảng… Trong khói trà bãng lãng và trong hơi gió lạnh từ dòng sông thổi lên về sáng, anh thấy người lái đò trong đĩa sống lại, cử động tay chân, như đang chèo thuyền qua dòng sông ký ức… Sóng trên mặt nước lảo đảo vì tiếng hò khoan! Cô bạn gái cũng bíu chặt tay anh: “Kìa, Mỵ Nương đưa ống tay áo dài lau nước mắt!”
Mọi người sững sờ, nhìn chiếc đĩa không chớp mắt…
Cô gái bám chặt cánh tay anh, lệ rơi từng giọt ngắn dài. Nước mắt anh cũng rơi lã chã… Mật mã thưởng thức men lam đã được giải rồi…
Người quản lý vội vã đổ nước trà vào ống tống, lau khô đĩa, toan đem cất đi… Cô gái giằng ngay chiếc đĩa lại:
– Ông cứ để đây. Đã có ai lấy mất đâu… Để đây cho mọi người chiêm ngưỡng báu vật nhà cổ này…
Nước mắt cô như những hạt châu nối nhau rơi đầy trên đĩa. Và kỳ lạ thay: nước mắt người con gái rơi tới đâu thì màu men lam vẽ hình anh lái đò cứ mờ dần tới đó…
Anh cũng quàng chặt vai cô, nhìn sững vào lòng đĩa, nước mắt tuôn trào. Khi hai dòng nước mắt hòa quyện cùng nhau thì dòng thơ men lam trên đĩa cổ lại hiện lên y nguyên như cũ…
Không cầm đến chén thì thôi
Hễ cầm đến chén lại thấy người hò khoan
***
Ba năm sau…
Anh thu xếp gấp công việc từ Pa-ri trở lại Sài Gòn, sau khi cật lực làm việc để gom một số tiền mua chiếc đĩa cổ, nếu cần…
Việc đầu tiên anh làm là đến ngay hãng du lịch Mekong Tour. Anh xin gặp cô. Người lễ tân nhìn anh với đôi mắt hơi ngơ ngác… Anh chìa tấm danh thiếp cô đưa cho anh khi hai người chia tay nhau ở gốc thủy tùng của ngôi nhà cổ, trong buổi sáng xúc động nghẹn ngào…
Người lễ tân như chợt hiểu ra, nhấc máy gọi. Chốc lát, một cô gái trong bộ đồng phục của hãng hiện ra. Cô cầm danh thiếp lên xem:
LƯU HƯƠNG
Tour-guide
Email:[email protected]
Mobile:0986037290
 
Cô liền nở cười:
– Anh tìm chị Hương?
Anh mừng rỡ:
– Vâng, đúng rồi…
– Chị Hương có lời nhờ cậy em tiếp anh, nếu anh quay trở lại…
Anh mừng quá:
– Vậy Hương đâu cô? Cho tôi gặp đi…
– Rất tiếc, chị ấy đã sang Pa-ri…
– Thế ư! Sang làm gì, hở cô?
Cô gái nhìn kỹ gương mặt khách, rồi cười tủm tỉm:
– Sang bảo vệ luận án tiến sĩ…
– Ô thế a! Cô có biết địa chỉ của Hương ở Pa-ri?
Cô gái hơi lúng túng:
– Chị Hương có ghi cho em, hình như chị ở Val-de-Marne… nhưng em để đâu không nhớ nữa…
Anh thở dài:
– Cô cố tìm giúp và báo ngay cho tôi nhé…
– Vâng…
Chợt nghĩ ra, anh chỉ vào tấm danh thiếp:
– Có đúng địa chỉ email của Hương ghi trong này không? Tôi gửi không biết bao nhiêu lần mà thư cứ bị trả lại… Cả số điện thoại cũng vậy… “Tạm thời không liên lạc đươc”…
Cô gái nhìn danh thiếp, lại cười tủm tỉm:
– Chị Hương có hẹn anh là phải… “ngoan”, đúng không?
Anh thở dài: Ôi trời, lại có thứ khách “ngoan” và khách “không ngoan” nữa chứ, hãng này muốn sập tiệm chăng? Nhưng sập tiệm đâu chưa thấy, chỉ thấy anh nôn nao trở lại đây rồi… Và chắc chắn còn trở lại nhiều lần nữa… Cô gái có vẻ ái ngại:
– Mà anh tìm chị Hương có việc chi gấp?
– Tôi… muốn thăm lại ngôi nhà cổ…
Cô gái sáng mắt lên:
– Vậy quí khách sẽ được phục vụ ngay, với giá giảm trừ, vì có tấm danh thiếp này…
Sáng hôm sau, anh lênh đênh trên sông nước Mekong có cô hướng dẫn viên trẻ bên cạnh… Chiếc tàu du lịch ghé bến cho anh lên một vàm sông rộng. Cô gái trẻ đưa anh đi xem ngôi đình làng ẩn dưới tán hai cây còng xòe ra mênh mông… Cô dẫn giải:
– Khi ông cha ta mở cõi vào tới Mekong thì đặt hành dinh đầu tiên tại nơi này. Bằng chứng là ngôi đình làng xây xong vào năm 1832 như con số tạc trên cổng. Nghĩa là trước khi người Pháp xâm lược Việt Nam… Thành hoàng làng này là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có công lớn khai phá miền đất mới… Đình này có trước khi các đô thị lớn ở miền Tây mọc lên… Mời quí khách vào tham quan bên trong…
Cô gái liếc nhìn anh. Anh tỏ vẻ thờ ơ, ngán ngẩm… Cô gái đến bên thì thầm vào tai anh:
– Anh đừng buồn. Nhìn ngôi đình, anh sẽ hiểu thêm vì sao chị Hương đưa anh tới ngôi nhà năm trước… Chúng ta cũng sẽ đến ngôi nhà cổ ngay giờ đây…
Nhưng thật lạ lùng, ngôi nhà cổ này không có gì giống như ngôi nhà trước: chỉ là một biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, nhưng không có lầu. Vẫn có bộ xa-lông cổ nhưng không phải bằng gỗ nu đóng theo kiểu Lu-i XVI. Vẫn có tủ chén với muỗng “cổ lầu” và bát ăn có ghi “nội phủ”, nhưng không có đĩa men lam Trương Chi… Chỉ có thêm cái nhà gỗ rộng vừa cất phía sau vườn, và mấy bộ bàn ghế mới đóng để khách du lịch… ngồi ăn dưa hấu…
Anh lộ rõ vẻ thất vọng. Cô gái đến bên anh thủ thỉ:
– Anh muốn xem lại cái nhà của… chị Hương chứ gì?
– Đúng thế…
– Vậy chút nữa em đưa anh tới đó…
Khi phần đông du khách còn thưởng thức bữa ăn trưa có canh chua cá lóc và cá rô kho tộ, cô gái kéo tay anh:
– Ta đi anh nhỉ…
Hai người lặng lẽ ra ngoài. Cô gái vẫy hai chiếc xe ôm…
Xe chạy một đỗi, đến con rạch nhỏ có cây cầu bằng mấy tấm bê-tông đúc thả qua, cô hỏi lái xe:
– Đây là rạch gì, hở bác tài?
–  Rạch Dầu.
Cô cuống quýt bảo xe dừng ngay… Rồi cô dắt anh đi bộ qua cầu ngược trở lại. Được vài trăm thước, cô hỏi:
– Anh đã nhận ra gì chưa?
Mải mê tránh những vũng nước mưa, bây giờ anh mới ngước nhìn phía trước. Ôi cây tùng! Cây thủy tùng! Nó đột khởi vươn cao trong khung cảnh miệt vườn xanh um cây trái… Nó đây rồi, cây thủy tùng của anh và Hương. Nó đứng làm chứng trong đêm hôm đó, khi anh và cô còn tràn đầy xúc động, rời phòng khách ra trước hiên lầu ngắm lại sông trăng… Anh ôm ghì Lưu Hương và nói: “Anh yêu em thật lòng… Anh sẽ trở lại ngay và xin cưới em…” Anh hôn cô. Cô run rẩy và hình như cô ghì cổ anh thật chặt… Người cô đầy và mát, khiến anh tưởng mình đang ôm sóng, ôm trăng… Phút run rẩy kỳ lạ đó chỉ có hai người, anh và cô, biết mà thôi… Và cây thủy tùng, người làm chứng không lời nhưng mãi mãi xanh tươi…
Nhưng sao… Nhưng sao… ngôi nhà cổ tràn đầy kỷ niệm cách đây vài năm, bây giờ biến đi đâu mất? Trước mắt anh, chỉ có một dải đất hoang cây cỏ um tùm và những mái tranh nghèo xơ xác… Anh dụi mắt… Ngôi nhà cổ? Nó đâu rồi?
Anh bật khóc… Nước mắt anh chảy đầm, không sao ngăn được… Cô gái trẻ rút khăn đưa cho anh. Đôi mắt cô cũng đỏ hoe…
Cô sụt sùi:
– Anh à, trong bài kệ của một giáo phái quê em, có câu: Mới thấy đó bỗng liền mất đó… Chị Hương đã nói cho anh biết khúc đầu của chuyện cây tùng. Nhưng còn khúc sau, lúc ấy chị chưa tiện nói. Vì sau đó, có người đi báo với Tây rằng chủ nhân ngôi nhà có cây tùng này theo Việt Minh! Tây đến san nhà thành bình địa, đá ngọc đều tan, chiếc đĩa cổ men lam chẳng biết giờ lưu lạc tới phương nào…Chị Lưu Hương mới nghĩ ra một đề án: Du lịch VỀ MIỀN KÝ ỨC… Và anh là người đầu tiên chị thử nghiệm thành công… Chị Hương bảo em: chị với anh có cùng “tần số tâm linh”… Anh biết không: chị Hương là cháu ba đời của ông chủ ngôi nhà xưa mà anh cùng chị đã sống qua một đêm tuyệt diệu…
Anh giật mình, sửng sốt, đứng lặng như trời trồng…
Cô gái nói:
– Chị Lưu Hương bảo: Luận án Du lịch về miền ký ức của chị dựa trên cơ sở cùng “tần số tâm linh”, đưa con người về miền ký ức hoặc hướng tới tương lai… Nó là ảo nhưng sẽ hóa thật nếu biết lấy cái cao đẹp kết nối trái tim con người, làm hiện lên ánh vàng lấp lánh như dòng sông trong vắt đêm trăng…
***
Chiếc thuyền du lịch chở khách ra về khi gió đêm vừa lên và trăng vừa tỏa sáng, làm cho dòng sông xôn xao những lưỡi búa vàng… Mật mã thưởng thức men lam đã được giải. Nhưng còn công thức chế tác loại men độc đáo ấy, ai sẽ giải đây…? Ai sẽ giải cái ảo cái thật của kiếp người, hay rốt cuộc cái hiển nhiên trước mắt rồi cũng là một giấc chiêm bao…
Anh trầm ngâm, nhìn ánh trăng bủa giăng mặt nước, nhớ đêm trăng kỳ ảo năm nào, với hương thơm còn lưu mùi trinh nữ, trong chiếc váy ngủ mong manh…
Bên tai anh, cô gái trẻ vẫn thì thầm về chiếc đĩa cổ men lam và những truyện đã trở thành tình sử:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan…
Tác giả: Trần Thanh Giao – Thực hiện: Hải Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *