Nhà văn Thái Bá Lợi viết tiểu thuyết Minh sư trong năm năm (2004-2009). Khác với những tác phẩm trước đây của ông, thường được viết theo lối kể truyền thống, Minh sư chăm chút hơn về kỹ thuật viết. Nhưng đó chỉ là phương tiện, cái mới chính là ở nội dung.
* Thưa nhà văn, Minh sư là câu chuyện của Nguyễn Hoàng thời mở cõi, nhưng minh sư ở đây hẳn nhiên không phải là Nguyễn Hoàng. Điều băn khoăn nhất đối với người đọc tiểu thuyết này là không rõ minh sư là ai?
– Từ “minh sư” là nhận biết của tôi khi đọc kinh Phật. Trong đường đời tôi từng gặp những người thầy, những bậc cha chú anh chị, những người bạn, những người đáng tuổi em út cháu chắt mình mà ở họ tôi học được nhiều điều thì tôi coi đó là minh sư.
Sự nhận biết ấy theo tôi cho đến khi tôi bắt tay viết cuốn sách về Nguyễn Hoàng – người để dấu ấn mạnh mẽ trong suy tư của tôi.
Từ “minh sư” chỉ xuất hiện ở cuối sách, khi Nguyễn Hoàng nghe được câu chuyện của hai người lính trong một đêm lạnh trên đèo Hải Vân. Một người lính hết lời ca ngợi chủ tướng, còn người kia thì cho rằng Nguyễn Hoàng do sợ Trịnh Kiểm sát hại mà tìm đường trốn vào Thuận Hóa.
Nguyễn Hoàng đã nói với họ: “Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này… Các anh đã nhắc ta một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta, mà ngay cả người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”…
Như vậy đối với tôi, từ “minh sư” vừa là một thực thể vừa là sự nhận biết.
* Thưa ông, kết cấu của tiểu thuyết đan cài giữa quá khứ và hiện tại, hay nói đúng hơn là mượn nhân vật người nghiên cứu lịch sử Đoàn Minh Thành để giãi bày tâm sự người thời nay, tại sao?
– Đó là mong mỏi của tôi khi viết về Nguyễn Hoàng. Hai dòng chảy xưa và nay song song trong một cuốn sách sẽ giúp tác giả dễ dàng hơn trong việc trình bày các sự kiện và suy tưởng cũng thoải mái hơn.
Song song với hành trình mở cõi gian truân của Nguyễn Hoàng, hành trình tìm về sự hòa hợp ngay trong gia đình của chị Tư Trà – người phụ nữ có chồng là bộ đội tập kết ra Bắc – cũng gian truân không kém.
Để đưa Nguyễn Hoàng trở lại thời chúng ta đang sống, tôi “chế’’ ra một nhà nghiên cứu lịch sử để giãi bày tâm sự với người thời nay. Nhà nghiên cứu lịch sử hiểu được rằng Nguyễn Hoàng không nặng lòng với những công tích mà ông đạt được.
Việc của ông là tạo cho những người quanh ông, những người nối nghiệp ông có được trí sáng suốt trong xử thế, lòng hòa hợp khi đối xử với nhau và bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác.
Tôi muốn xây dựng ông như một người bình thường, có yêu ghét, có tính toán, có thành tựu, có sai sót… Nhưng trên hết tôi muốn ông là con người đức độ, tài trí để hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử đã trao. Nếu hình tượng ông mà không gần gũi được với người đọc là do sức sáng tạo của tôi có hạn.