Bài nổi bật

Một Chuyện Bất Ngờ – Hoàng Bình Trọng

Truyện đêm khuya – Cặp con đò nhỏ vào chỗ có cây sung cổ thụ thân vỏ xù xì đổ oam oam ra ngoài sông, ông Tín cắm sào định nghỉ ngơi tí chút rồi mới tiếp tục bủa lưới, đánh mẻ cá cuối cùng trong ngày. Nhưng ông chưa hút xong điếu thuốc, thì đã thấy thằng Hiếu đầu trần chân đất, quần cộc xệ rốn, áo cánh hở bụng từ trong ruộng dâu trên bờ nhào ra, vừa nói vừa khóc tức tưởi:
Bác ơi! Bác qua xóm… Bùi cứu mẹ… cháu với. Ông Ngạnh đánh… đánh mẹ cháu đau… đau lắm.
– Thím Tần ơi là thím Tần! Lấy ai không lấy lại đi lấy cái thằng một phần người mười phần chó  ấy! – Ông Tín thít tha như người đau răng, rồi đánh chiếc cằm đầy râu màu muối tiêu sang thằng Hiếu – Sao cháu biết lão Ngạnh mới đánh mẹ cháu?
– Dạ… trên đường đi… học về, cháu nghe mấy người đi chợ Mới… kháo nhau: “Chị Tần… bị lão Ngạnh đánh cho thừa… sống thiếu… chết”. Tức thì… cháu chạy qua… xóm Bùi…
– Sự việc thế nào?
– Dạ – thằng Hiếu cố nuốt tiếng nấc vào bụng – Cháu đến nơi thì… ông Ngạnh đã… lôi mẹ cháu vào nhà, khóa trái… cửa lại. Rồi ông đấm, ông đá, ông thụi, ông tát làm mẹ cháu không còn khóc được nữa…!
– Trời ơi! Thế hàng xóm láng giềng ở đó không ai can ngăn gì cả sao?
– Dạ, trước đây thì có… nhưng mỗi lần ai đến can ngăn, đều bị ông Ngạnh… chửi tục, nên dần dần đâm ngán, không muốn dây vào ông ấy để khỏi… bẩn mồm – thằng Hiếu lại cố nuốt tiếng nấc vào bụng – Nào, đi bác. Bác qua ngay bên ấy cứu… mẹ cháu với… không thì… không thì… mẹ cháu… chết mất. Cháu đã mồ côi cha rồi, giờ mất thêm… mẹ nữa thì cháu… sống sao nổi, bác ơi!
– Thế này nhé – ông Tín nói – bác qua xóm Bùi ngay bây giờ về chuyện mẹ cháu. Còn cháu có phận sự chèo đò về xóm Trại, vớt cá dưới khoang đem vào nhà cho bác gái đi chợ. Trong thời gian bác gái đi chợ thì cháu ngồi học bài. Tối nay bác kiểm tra mà cháu chưa thuộc bài thì liệu hồn, nghe chưa?
Dạ…
Ông Tín thay bộ quần áo làng chài bằng áo quần lính giải phóng đã cũ  và ụp chiếc mũ cối bạc phếch lên đầu nom hùng dũng oai phong như một anh lính trẻ trong đội ngũ duyệt binh.
Ông Tín, tên đầy đủ: Phan Trung Tín, là bác ruột thằng Hiếu, từng có trên dưới ba chục năm trong quân ngũ. Vợ ông cũng có trên dưới ba chục năm là thanh niên xung phong. Họ thành lập gia đình quá muộn, khi cả hai đều đã ngoài tuổi năm mươi. Có lẽ vì thế mà họ không có con.
Bố đẻ thằng Hiếu là một anh lính trấn giữ đảo xa, đã hy sinh trong một trận đánh không cân sức với bọn hải tặc nước ngoài xâm phạm trái phép vùng lãnh thổ nước ta và giở trò cướp bóc đối với bà con trên đảo. Hết tang mãn chế chồng, chị Tần – mẹ thằng Hiếu đã đi bước nữa với Lê Văn Ngạnh, một gã đàn ông lêu têu không làm được một việc gì cho ra hồn, nhưng cứ đòi ăn ngon, mặc đẹp, nghiện ngập đủ thứ: nghiện trà, nghiện cà phê, nghiện bia rượu, nghiện cờ bạc… Ngược lại, chị Tần là người nhanh nhẹn, tháo vát, chịu thương chịu khó. Ngoài việc lăn lộn từ cày bừa, cuốc, xới cho đến gặt hái gần mẫu ruộng, chị còn sớm hôm đầu chợ mom sông buôn từng con cá, bó rau, từng lít nước mắm. Học tính mẹ, ngay từ hồi mới lên sáu, lên bảy, thằng Hiếu đã biết xách giỏ ra đồng bắt con cua, con ốc cho mẹ đem ra chợ bán. Hai mẹ con làm lụng quần quật như thế nhưng đâu có được ăn no, mặc ấm, chỉ vì bao nhiêu thành quả lao động của họ chủ yếu là để cung phụng cho lão Ngạnh ăn chơi xả láng. Cung phụng không đủ, thì lão ấy đánh chửi. Đánh mẹ chưa đã thì lão ấy đánh con. Chửi người sống chưa sướng miệng, lão chửi cả người chết, nghĩa là lão réo tên liệt sĩ Phan Trung Nhân – bố đẻ thằng Hiếu mà chửi. Cứ mỗi lần hàm răng chín sáu ba không của lão Ngạnh nghiến trèo trẹo, khuôn mặt lưỡi cày của lão bầm tím như mào gà dịch, cặp mắt ốc nhồi của lão long lên như mắt chó điên là mẹ con thằng Hiếu phải hứng chịu bao nhiêu cú đấm, cú đá đến nhừ tử. Những trận đòn kiểu đó xảy ra như cơm bữa, trên thân thể hai mẹ con chẳng mấy khi hết những vết tím bầm. Phải nói rằng, ngay từ tuổi ấu thơ, thằng Hiếu đã xem lão Ngạnh như một thứ hung thần, căm thù lão đến tận xương tuỷ…
Cách đây sáu năm, ông Tín mới được giải ngũ về quê. Thấy hoàn cảnh thằng Hiếu quá tội nghiệp, ông bàn với vợ đem cháu về nuôi. Từ bấy, đường đời của đứa bé côi cút này đã có bước ngoặt đáng kể. Nó chẳng những chấm dứt cảnh thường trực bị đòn roi, bị đói cơm rách áo, mà còn được chăm sóc tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ, được vuốt ve chiều chuộng trong tình ruột thịt yêu thương. Nhờ thế, mới từ một đứa bé mặt xanh nanh vàng gầy nhỏm, gầy nhom năm trước, năm sau, nó đã phổng phao, da dẻ hồng hào, mặt mày khôi ngô tuấn tú, ai nhìn cũng thích. Hồi còn ở với bố dượng, mang tiếng một học sinh lớp ba, nhưng thằng Hiếu vừa đọc vừa đánh vần, vậy mà sau này, nhờ bác thường xuyên nhắc nhở. Từ chỗ “đội sổ thiên hạ”, đến chỗ lần tổng kết học kỳ nào, nó cũng có giấy khen học sinh tiên tiến về khoe với hai bác…
Mải suy nghĩ miên man, ông Tín đã băng qua cánh đồng rộng thênh thang của xóm Nam lúc nào không biết.
Ông đi qua chiếc cầu máng mới xây độ hai trăm mét. Ông nhác thấy một người đàn bà nhỏ nhắn, bước đi ì ạch với một gánh rau muống lặc lè trên vai “Ồ, ai như thím Tần vậy nhỉ?”.
– Thím Tần! Đúng là thím Tần đây rồi.
– Kìa bác Tín. Bác mới qua à? – Người đàn bà dừng lại, trật nón ra khỏi đầu – Ấy chết! Có việc gì mà nom bác ngơ ngác vậy nhỉ?
– Không có gì đâu… Tôi chỉ hỏi thím tí việc – ông Tín bối rối
– Vậy xin bác hỏi đi.
– Tôi hỏi, nhưng thím phải nói cho thật. Sáng nay… gia đình thím… lại có chuyện lộn xộn phải không?
– Đâu có. Sao lại có lời đồn bậy bạ vậy nhỉ? Sáng nay, ông Ngạnh suốt buổi đi cày, còn em suốt buổi ngồi ngoài chợ. Về nhà ăn uống nghỉ ngơi được một lát, thì ông ấy vác bừa ra đồng, còn em vào xóm mua rau muống, còn thì giờ đâu nữa mà đánh nhau.
– Hỏng rồi, hỏng rồi Hiếu ơi! Điều bác mong mỏi tha thiết nhất ở cháu là lớn lên cháu sẽ trở thành một trí thức tài năng trung thực. Trung thực đâu chưa thấy, bác chỉ thấy ở cháu rất có tài năng diễn kịch. Cháu đã hư cấu ra cả một câu chuyện có đầu có đuôi, có xuôi có ngược về mẹ cháu, để đánh lừa bác. Đến nước này thì hết thuốc chữa rồi Hiếu ơi!
Ông Tín thở dài thườn thượt. Ông Tín nuốt nước bọt ừng ực. Ông Tín quay tới quay lui. Ông Tín mặt mày đỏ gay đỏ gắt. Ông Tín đùng đùng bỏ ra về, mà không thèm chào từ biệt đứa em dâu lấy một câu.
Nhưng Ông Tín vừa đi đến chiếc cầu máng mới xây thì đã nghe tiếng gọi léo nhéo và tiếng chân chạy lẹt xẹt của chị Tần đuổi theo sau lưng.
– Bác ơi! Ông chưa kịp dừng chân, thì đứa em dâu đã bổ nhào vào ông với đầu tóc rũ rượi và khuôn mặt đầm đìa nước mắt – xin bác tha thứ cho em… những lời thằng Hiếu nói với bác về em lúc nãy là thật đó. Người nói dối là em…
– Thế có nghĩa là sớm nay thằng cha Ngạnh đã hành hạ thím? – Ông Tín trợn mắt – đúng không? Đúng hả? Vậy sao vừa rồi thím lại chối đây đẩy vậy?
– Dạ, bác thông cảm… chuyện trong nhà… nên đóng cửa bảo nhau… nói ra… xấu chàng hổ thiếp… Nhưng vừa rồi, em thấy bác có vẻ giận thằng Hiếu quá, em sợ nó bị đòn oan, nên chi…
– Xấu chàng hổ thiếp! – Ông Tín gần như đay nghiến và nhìn đứa em dâu với ánh mắt vừa thương vừa giận – Sáng nay vì lý do gì mà hắn đánh thím?
Chị Tần kéo vạt áo lau nước mắt:
– Dạ, hôm qua đi đánh bạc bị thua to, sáng nay ông ấy định bắt con lợn nái trong chuồng đi bán, em không cho, nên chi… ông ấy đánh. Đất chẳng chịu trời thì trời đành chịu đất, bác ơi, giờ ông ấy lại đi đánh bạc rồi.
– Thế bao giờ hắn về nhà? Tối nay hay sáng mai?
– Cái đó tùy thuộc vào số tiền ông ấy mang theo nướng hết vào bạc nhanh hay chậm.
– Nướng hết thì sẽ về nhà tra khảo đánh đập vợ để vòi tiền! – Ông Tín lắc đầu ngao ngán – đã bảo với thím rồi, vứt cha cái của nợ ấy đi, rồi qua xóm Trại, tôi làm nhà cho hai mẹ con ở với nhau. Thím biết đó, cả nhánh họ Phan Trung đến nay chỉ còn mỗi chồi non là thằng Hiếu, thử hỏi vợ chồng tôi không vun vén cho nó thì còn vun vén cho ai? Mà vun vén cho thằng Hiếu là vun vén cho thím. Mười năm nữa, vợ chồng chúng tôi dắt nhau về với ông bà thì cả cơ ngơi bề thế của chúng tôi sẽ là của mẹ con thím. Đấy, đường quang không đi, lại chui quàng bụi rậm, rõ thật là…
– Em cũng biết hai bác rất thương mẹ con em – chị Tần thỏ thẻ lựa lời – Nhưng… nghĩ đi rồi còn nghĩ lại. Chưa bao nhiêu tuổi mà em đã trải hai đời chồng. Đời trước đã vậy, sang đời sau mà em lại chủ động làm đứt quang gãy gánh, thì tránh sao khỏi miệng đời giễu là “quân trốn chúa lộn chồng”.
– Trời! Thím nói như một bà cụ tuổi tám mươi vậy! Tôi nhầm! Tôi nhầm! Hoá ra bệnh của thím cũng trầm kha lắm rồi, không chữa nổi đâu. Từ nay tôi sẽ không quay lại đề tài này nữa kẻo mang tiếng “chia uyên rẽ thúy” người ta.
– Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, xin bác thông cảm.
Phận em như thế đã đành. Em chỉ xin bác thương cháu, nuôi dạy cháu nên người.
– Cái đó thím khỏi lo. Tôi sẽ thay mặt cả chi nhánh họ Phan Trung mà dạy cho thằng Hiếu thành người trung thực, cho nó học hành đến nơi đến chốn. Ra đời, ít ra nó cũng nhận được tấm bằng kỹ sư để chúng ta được mở mày mở mặt với thiên hạ. Thôi, tôi về đây. Còn thín thì quảy gánh ra chợ đi kẻo muộn.
Hai anh em chia tay nhau, mỗi người đều mang theo bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang.
*
*   *
Sau sáu năm…
Đi qua một quãng thời gian không dài không ngắn đó, với lão Ngạnh, chị Tần, ông Tín kể ra chẳng có gì đổi thay cơ bản. Tuy nhiên, với tuổi trẻ của thằng Hiếu, sau sáu năm phải nói là nó đã có những thay đổi lớn. Từ một học sinh bậc tiểu học cơ sở, thằng Hiếu lặng lẽ băng qua bậc trung học phổ thông, tiến thẳng vào trường Đại học. Nó chẳng những không chỉ tiến thẳng vào một trường Đại học bình thường mà vào hẳn Đại học Bách khoa Hà Nội. Hơn thế, nó còn thi đỗ hạng ưu, có bốn môn thi thì nó chiếm ba điểm mười, một điểm chín.
Cái tin thằng Hiếu thi đỗ Đại học đến với chị Tần trong lúc chị đang ngồi giữa chợ, khiến chị mừng đến phát điên. Chẳng thiết gì chuyện bán mua, vứt cả gánh hàng lại chợ, rồi đầu trần chân đất, chị chạy một mạch về nhà. Việc đầu tiên chị phải làm ngay là cầm nén hương ra nghĩa trang liệt sĩ đến thắp trước mộ Phan Trung Nhân, báo cho chồng biết tin vui: “Con trai chúng ta sắp trở thành một kỹ sư tài cao đức trọng”. Xong, chị hớt hải chạy về nhà, tranh thủ lúc ông Ngạnh đi vắng, chị vào buồng lục tìm trong một chiếc hòm gỗ cũ mèm, lôi toàn bộ những cuốn sổ tiết kiệm có kỳ hạn ra giường, ngồi tỷ mẩn tính toán. Chẳng là, thằng Hiếu thuộc diện con liệt sĩ, hàng tháng được hưởng một số tiền trợ cấp đáng kể. Số tiền đó chị Tần đã định bàn giao cho ông Tín, kể từ khi ông Tín nhận thằng Hiếu về nuôi; nhưng do ông Tín gạt phắt: “Thím giữ nó lại để tiêu pha, vợ chồng tôi đủ sức nuôi cháu ăn học, đừng lo”. Chị Tần không dùng số tiền đó để tiêu pha mà đem xuống ngân hàng huyện gửi tiết kiệm với tâm nguyện thay mặt người chồng quá cố giữ vốn lại cho con. Hơn chục năm tích cốc phòng cơ, lãi mẹ đẻ lãi con, chị Tần đã có một số tiền lớn không ngờ, thừa sức chu cấp cho thằng Hiếu ăn học suốt mấy năm vào Đại học. Chị quyết định trao tất cho nó.
Hôm sau chị xuôi về huyện rút tiền tiết kiệm, đồng thời chị nhờ một người bà con tín cẩn báo cho thằng Hiếu biết ngày nọ giờ kia mẹ con sẽ gặp nhau ở bến đò Cây Sung “vì một việc rất quan trọng”.
Hôm đó chị dậy sớm, giả bộ soạn sửa hàng hoá đi chợ phiên, nhưng cái chính là chị tuồn toàn bộ số tiền nói trên vào một chiếc ruột tượng buộc quanh bụng, phủ áo ấm ra ngoài. Đúng năm giờ sáng chị lên đường với một gánh nặng lặc lè. Trời mưa rả rích. Gió bấc rít từng cơn: Rải rác trên các bờ ruộng những con cò, con diệc đứng co ro vì lạnh. Nhưng chị Tần không thấy lạnh, vì lòng đang tràn ngập niềm vui. Độ nửa tiếng nữa thôi chị sẽ được xoa vai hót cổ thằng con trai, sẽ được ngắm vuốt đầu tóc rễ tre, vầng trán dô bướng bỉnh, cặp lông mày lưỡi mác giống bố như lột của nó. Chị còn được nó gọi hai tiếng thiết tha “mẹ ơi!”, và nghe hơi thở dồn dập của nó khi nó áp khuôn mặt nóng hổi vào khuông ngực gầy gò của chị.
Bến đò Cây Sung kia rồi. Một màn sương bàng bạc bay vật vờ xóa nhoà ranh giới giữa bờ lau lách lưa thưa với mặt nước sống phẳng lặng.
– Mẹ, mẹ ơi ! Có phải mẹ đó không?
– Mẹ đây! Mẹ đây! – Nhận ra tiếng thằng Hiếu, chị Tần mừng cuống quít. Hoá ra thằng con trai chị đã cặp thuyền vào đấy từ lâu – Con đi một mình thôi à?
– Con đi với bác Tín. Bác kêu thèm thuốc lá chạy lên quán mua, bảo đi độ mươi phút, sao mãi đến giờ chưa về không biết.
Chị Tần sững người khi bất chợt nhìn thấy lão Ngạnh đang tiến đến chỗ hai mẹ con.
– Đi chợ phiên sao lại ra bến đò Cây Sung hả? – Lão hỏi giọng rít qua kẽ răng, và nhìn chị Tần với ánh mắt của con hổ đói – Mẹ con chúng mày phen này thông đồng với nhau để định phá nát cơ nghiệp nhà tao, đúng không?
Chị Tần cố gắng lấy lại bình tĩnh:
– Trời còn sớm… tôi ra đây thăm con trai tôi chút rồi… ra chợ cũng kịp.
– Chỉ thăm không thôi ư? Hay mày còn định trút hết gia tài của tao sang cho nó.
– Gia tài nào thế? Với lại, tôi ở đây thì làm sao mà trút hết gia tài của ông cho thằng Hiếu được?
– Lý sự gớm nhỉ? – Lão Ngạnh hoác cái miệng loe có hàm rằng chín sáu ba không ra to hết cỡ, trong lúc cái khuôn mặt ngắn tun ngủn kia thì xuất hiện nhiều mảng tím tái rất khó coi – Mày hỏi gia tài nào hả? Có người báo cho tao biết, cách đây vài hôm, mày xuống ngân hàng rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm chục năm nay đem về đúng không?
Đã đến lúc này chị Tần thấy mình cần đánh bài ngửa với lão Ngạnh:
– Đúng đó! – Chị nói dõng      dạc – Những một trăm năm chục triệu cơ. Nhưng đó là tiền vong linh cha thằng Hiếu để lại cho nó, thì ông có quyền gì mà hạch sách?
– Cha thằng Hiếu là tao đây, chứ nó còn cha nào nữa mà bảo để tiền lại cho nó? Hay mày định nói cái anh lính Phan Trung Nhân chồng cũ của mày ấy. Trời hả? Nó đã chết thối thây mười lăm năm trời rồi thì còn làm chi có tiền mà để lại cho con.
Chị Tần rơm rớm nước mắt:
– Tôi đã van xin ông rồi. Ông muốn đánh tôi bao nhiêu thì đánh, muốn chửi tôi bao nhiêu thì chửi, chứ đừng réo tên cha thằng Hiếu để xỉ vả kẻo tội, vậy mà ông cứ…
– Tội cái gì. Nó là cha thằng Hiếu chứ có là cha đức chúa Trời mà thích tao vẫn cứ chửi cho sướng miệng, ha ha… – Lão Ngạnh cười ngất – Một trăm rưỡi triệu. Rõ rồi nhé… đúng là số tiền tao đang cần. Thôi bây giờ muốn tốt thì đưa số tiền đó cho tao. Đừng theo kiểu giống lừa ưa nặng rồi tiền mất tật mang đó. Nào, đưa ngay đi! Đưa ngay đi! Đưa ngay đi!
– Không được! Không được! Không được!
Cứ mỗi lần “đưa ngay đi” lão Ngạnh dấn lên một bước, và mỗi lần “không được chị Tần lại lùi một bước. Chu kỳ ấy lặp lại đến lần thứ năm thì chị Tần vướng phải đôi quang gánh, bị trượt chân. Chớp thời cơ, lão Ngạnh lao đến đè lên người chị, thọc tay vào bụng tìm cái ruột tượng đựng tiền. Bí thế, chị Tần ngoạm vào bả vai lão nghiến răng nghiến lợi cắn, quyết liều mạng với người chồng vũ phu để giữ bằng được số tiền lớn này cho con ăn học. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời lão Ngạnh bị bà vợ “gọi dạ bảo vâng” này dám chống trả lại lão, chẳng những chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả vũ lực. Đối với lão, đây là một sự kiện bất ngờ chẳng khác gì nhìn thấy con cá thu cá ngừ bay lên trời, chim sáo chim diều lặn xuống nước. Cơn giận của lão sôi lên. Lão nghiến răng. Lão trợn mắt. Lão vít đầu người vợ tội nghiệp đập vào cái cọc chèo đốp đốp! Đốp đốp! Đốp đốp…
Nãy giờ thằng Hiếu ngồi đằng mũi theo dõi cuộc đôi co giữa mẹ nó với lão Ngạnh. Phải nói rằng, nó đã cắn răng chịu đựng lắm mới khỏi lao đến tống cho lão Ngạnh mấy quả vào mặt những khi nghe lão xúc phạm đến mẹ, cha mình. Nhưng kiên nhẫn chịu đựng mấy rồi cũng có giới hạn. Đến lúc lão Ngạnh đập đầu chị Tần đốp đốp vào cọc chèo, thì thằng Hiếu không tự làm chủ được nữa. Nó đứng vụt lên lao tới lão Ngạnh như một viên đạn bê bốn mươi ra khỏi nòng súng.
– Súc vật này! Súc vật này! Súc vật này!
Cứ mỗi bận “súc vật này”, thằng Hiếu lại cho một quả tống đầy uy lực vào quai hàm, vào mạng sườn lão Ngạnh, khiến lão bật ngửa người ra.
– A thằng Hiếu? Mày dám đánh cả cha mày hả? Thằng con mất dạy! – Vừa nói, lão giơ tay về phía cây dao rựa trong sạp thuyền, nhưng liền bị thằng Hiếu giẫm lên tay.
– Câm mồm ! Tôi mà lại là con của loài súc vật như ông à?
Thằng Hiếu kéo cổ lão Ngạnh dựng lão đứng dậy, rồi cho lão một cú đá mạnh đến nỗi khiến lão bật ra khỏi thuyền, đổ nhào xuống nước.
– Đánh hay lắm! Nòi nhà lính có khác. Đánh hay lắm!
Người vừa nói câu đó là ông Tín. Ông chỉ vào quán mua một bao thuốc lá thôi nhưng mất cả tiếng đồng hồ, vì gặp bạn thân nên ngồi tán gẫu.
– Thôi cháu! Đừng đánh loại ấy nữa cho bẩn tay.
Đối với thằng Hiếu, lời của ông Tín là “quân lệnh như sơn”. Nó nuốt nước bọt ừng ực như cố nuốt cục tức vào bụng, rồi đứng thở dốc.
– Tên côn đồ kia! – Ông Tín chỉ vào mặt lão Ngạnh – Mày có hiểu vì sao thằng Hiếu đánh mày hôm nay không hả?
Lão Ngạnh hai tay bám chặt vào mạn thuyền, giọng lập cập:
– Thưa bác… vì nó sợ em lấy số tiền mẹ nó cất trong người.
– Đó chỉ là chuyện phụ. Thế nó đánh mày có đau không?
– Dạ, đau lắm ạ. Nó… nó đánh em vãi cả máu mũi ra đây này.
– Thế trước đây, phải kể là nó đã hàng trăm lần, mày đánh em dâu tao đến hộc cả máu mồm máu mũi, mày đánh cháu tao lằn ngang lằn dọc đầy người, thì mày nghĩ họ có đau không? Có đau không?
– Dạ… dạ… chắc là… chắc là đau ạ.
– Đau chứ chắc cái gì nữa hả? Xương thịt con người ai chẳng giống ai. Trước đây nhiều phen tao đã cảnh báo: nếu mày còn đối xử với mẹ con thằng Hiếu theo lối côn đồ như thế, thì sau này lớn lên thằng Hiếu sẽ cho mày biết tay. Bây giờ thì lời cảnh báo ấy đã bắt đầu ứng nghiệm rồi đó  – Nó đánh mày là để trả cho những năm tháng tuổi thơ của nó bị mày nhẫn tâm biến thành trâu ngựa. Nó còn đánh mày là để trả thù cho hương hồn người cha liệt sĩ của nó đã nằm yên dưới mộ mười mấy năm trời vẫn bị gọi đúng tên kêu đúng họ chửi bới hàng ngày. Với bao nhiêu nhiêu hận thù chất chứa đầy lòng của nó như thế nhưng hôm nay nó chỉ mới cho mày mấy miếng võ, mà tao đã can ngăn, mày có biết vì sao không?
– Dạ, vì bác còn thương em.
– Tao mà lại đi thương một kẻ một phần người mười phần thú như mày à? -Ông Tín bật cười – Căng tai ra mà nghe này. Vì hai ý do: thứ nhất tao không muốn cháu tao làm điều ác. Thứ hai, thằng Hiếu vừa đỗ đại học, tao không muốn nó có chuyện quá lôi thôi lúc này để khỏi ảnh hưởng xấu đến con đường đi đến tương lai tươi sáng của nó.
– Dạ, vậy bây giờ thì bác tha cho em chứ?
Ông Tín lại bật cười:
Tha thì tha, nhưng phải có điều kiện.
Lão Ngạnh mừng cuống quít. Vốn  là đứa lâu nay cứ tưởng mình lúc nào cũng thét ra lửa, vậy mà bây giờ lão Ngạnh như một xác chết trôi mới được dựng lên, mặt mày nhợt nhạt, thân thể co ro cúm rúm. Lão hỏi ấp úng:
– Dạ, vừa rồi bác bảo muốn được tha, phải có… điều kiện. Vậy… vậy đó là điều… kiện gì ạ?
– Điều kiện đơn giản thế này thôi. Mày phải quỳ xuống cáo lỗi với thím Tần với thằng Hiếu về những tội ác của mày đối với họ lâu nay. Đặc biệt, mày phải hứa với thím Tần từ nay về sau này không giở trò vũ phu đối với thím ấy nữa?
– Ông Ngạnh chẳng phải hứa hẹn gì với em nữa đâu ạ – Nãy giờ chị Tần ngồi im nghe cuộc trao đổi giữa ông Tín với lão Ngạnh, lúc này mới lên tiếng – Kể từ hôm nay em chấm dứt quan hệ vợ chồng với ông Ngạnh. Em sẽ qua xóm Trại ở với hai bác, xin hai bác cho một xẻo đất sau vườn để làm nhà cho hai mẹ con em ở với nhau.
– Nếu thím nghĩ được vậy thì phúc đức cho chi họ Phan Trung nhà ta lắm rồi. Thế nào Hiếu, cháu có tin những lời mẹ cháu nói là thật lòng không?
– Tin, bác ạ! – Thằng Hiếu đáp – Mẹ cháu đã bàn với cháu chuyện này trước ngày cháu đỗ Đại học gần hai tháng cơ.
– Thế thì tốt quá rồi – ông Tín quay sang lão Ngạnh – Nếu em dâu tao quyết đoạn tuyệt với cái mặt quỷ của mày, thì tao cũng chẳng bắt mày làm một việc vô ích là cáo lỗi và hứa hẹn với mẹ con thím ấy làm gì nữa. Giờ thì mày hoàn toàn được tha rồi đó. Cút đi!
Mừng như được tháo cũi sổ lồng, lão Ngạnh bước nhanh về phía gốc sung già. Đúng vào lúc đó thì tình cờ thằng Hiếu nhặt cây sào đi từ đằng mũi đến đằng lái để seo con thuyền ra khỏi bãi đá vì bị mắc cạn. Nhưng lão Ngạnh thần hồn nát thần tính, tưởng đâu thằng Hiếu định vác sào đuổi đánh lão, nên lão vừa chạy vừa kêu cứu làm ông Tín được một trận cười vỡ bụng.
 
Tác giả bài viết: H.B.T

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *