RadioVn.Com – Thấy tôi tái xanh tái xám, mồ hôi mồ kê bước vào nằm chuồi ra giường, con Thuý ngừng đọc báo :
– Mất dạy hả ?
– Ừ. Thằng quỷ bảo hôm nay em trúng gió, cô cạo gió giùm em. Rồi hắn cởi áo… Tao dằn lòng lắm mới không cho nó cái tát. Đạp xe đi về gần 15 cây số tốn hao bao ca lo mà chẳng được gì. Chỗ gặp học trò trời sợ. Chỗ thì phụ huynh cứ giả vờ quên ngày trả tiền, chỉ tặng đồ quá đát…
– Có cái này dành cho mi đây ! Coi gặm được không ? – Con Thuý chìa tờ báo. Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ :
“Cần một giúp việc nữ dưới 25, lí lịch rõ ràng, ngoại hình khá, dễ mến, trình độ phổ thông trung học, có khả năng chăm sóc người bệnh nằm một chỗ. 50.000đ/2 giờ. Thử việc 3 buổi…”.
– Dạy kèm không ra gì, tiếp thị bia không xong thì giúp việc nhà thời công nghiệp vậy. Tính ra tháng bằng 4 chỗ dạy kèm ! ăn học thoải mái.
– Tiền nào mệt nấy !
– Đồng tiền lương thiện bao giờ cũng nhọc nhằn. Lấy xe máy tao đi !
– Đi giờ ?
– Chụp giật liền. Lương cao khối đứa nhào vô. – Con Thuý giục.
– Giúp việc nhà mà làm như tranh suất học bổng đi nước ngoài ! Lại còn ngoại hình khá !
Tôi càu nhàu nhưng vẫn nghe lời con Thuý, đứng dậy. Hắn đáng nể. Tiếp thị bia để ăn học mà tâm hồn, thể xác 2 năm rồi còn nguyên xi. Hắn tránh né những thói sàm sỡ bằng thứ dịu dàng bọc thép, còn tôi mới làm chưa được một tuần đã tung chưởng bốp vào má một sếp tuồn tay vào váy và lập tức bị nghỉ việc. Tôi thay cái quần jeans cũ rồi nhìn mình trong gương. Đứa con gái trong đó nhìn lại tôi. Tóc ngang vai, không trang điểm, không “dễ mến”. Gai nhọn trong ánh nhìn. Môi khép hờ như nụ hồng nhưng mở ra có thể là 2 lưỡi dao bén. Tôi nhớ những từ người ta quẳng vào mình : Con mọi cứng đầu. Thứ không mẹ không cha. Nghèo mà chảnh !..
Tôi đến địa chỉ trong báo. Đúng là giàu. Biệt thự mặt tiền. Xe hơi phủ vải ở ga-ra. Béc-giê xổ một tràng tiếng cẩu. Một người đàn bà khoảng dưới 40 nhìn tôi qua cửa sắt. Tôi chìa tờ báo có mẩu tìm người. Bà ta gật đầu rồi mở cửa. Cuộc phỏng vấn tiến hành chớp nhoáng :
– Hãy giới thiệu ngắn gọn về mình.
– Tên Phượng, 21 tuổi, sinh viên.
Nghe đến đó, bà ta chìa tay. Tôi hiểu ý rút ví lấy thẻ sinh viên. Bà ta nhìn ảnh rồi nhìn tôi săm soi từ đầu đến chân.
– Cô biết đùa, hát karaoke, nói chuyện phiếm giải buồn không ?
– Biết.
– Kiên nhẫn chịu khó không ?
– Tôi dễ thương tổn nhưng lì lợm, không dễ đầu hàng.
– Mấy người trước dội ra đều bảo họ thừa dịu dàng kiên nhẫn. Tôi thấy cô thẳng thắn, cứng cáp. Nếu cô trụ được, cô có thể được 2 triệu 1 tháng để ăn học. Còn không, 200.000đ cho 3 buổi rồi đi. Mai cô bắt đầu. Từ 3 đến 5 giờ chiều. Để lại địa chỉ, thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư.
– Công việc cụ thể của tôi là gì ?
– Trò chuyện, chịu đựng người bệnh, giảm áp lực buồn chán vì nằm một chỗ.
Trên đường về, con Hai Triệu tung tăng chạy trước ngoắc ngoắc tôi. Vì nó, tôi sẵn sàng gồng mình chịu đựng 2 giờ cho 22 giờ còn lại, cho cuộc đời tôi tự chọn và đi bằng đôi chân mình. Đêm ấy con Hai Triệu và một người không hình dáng chập chờn quấy nhiễu giấc ngủ tôi. Nam hay nữ, già hay trẻ, người hay quỷ ?
Buổi đầu…
Bà quản gia dẫn tôi đến phòng bệnh nhân. Bà thì thào : “Cậu chủ ngủ. Ngồi đợi”.
Phòng rộng, thoáng nhưng bề bộn đồ đạc. Trên giường cũng bề bộn một hình hài. Tóc nhuộm hai màu chọi nhau. Chăn mỏng đắp hờ ngang bụng. Hai tay giăng ngang như bị đóng đinh. Lũ gối lớn nhỏ vây quanh cả chục cái. Tôi ngạc nhiên nhìn gương mặt trẻ măng đang ngủ mà mày nhíu lại như vật lộn với nan giải.
– Khi cậu chủ dậy, cô giới thiệu cô là người thứ mười ba.
Bà ta đi ra. Tôi cúi nhặt mấy tờ báo trên nền bỗng bị một cái gối ném trúng. Ngẩng lên, tôi chạm phải đôi mắt đầy hận thù trên gương mặt khoảng chừng đôi mươi.
– Mày là con đĩ nào ?
Tôi đã hình dung nhiều tình huống nhưng vẫn không phải tình huống này. Máu dồn lên mặt nhưng con Hai Triệu vuốt giận tôi.
– Người thứ mười ba. – Tôi đáp.
– Đứng dậy !
ánh mắt thằng nhãi lướt trên tôi rồi cắm vào đôi chân lành lặn của tôi với vẻ ganh tị :
– Mày có cặp giò mặc váy chắc đẹp. Tao… – Hắn bỏ dở câu nói rồi ném vào chân tôi cái gối. Tôi đón lấy. Cái nữa… Cái nữa…
Tôi cáu :
– Tôi sẽ quẳng lại nếu cậu tiếp tục.
Gối cứ tỉnh bơ nhắm tôi bay tới. Tôi gạt phăng con Hai Triệu qua bên, chụp lấy ném trở lại vào mặt thằng chủ. Thấy tôi ném hăng quá, thằng nhãi nhà giàu ngạc nhiên :
– Không sợ mất việc hả ?
– Mày tưởng có tiền rồi làm cha thiên hạ chắc ? – Tôi chống nạnh trừng mắt.
Thằng nhãi trố mắt nhìn tôi, rồi bật cười :
– Trông mày cũng hay hay. Đỡ buồn ! – Nó chống tay ngồi dậy nhưng không được.
– Giỏi ném nữa đi !
– Đỡ tao ngồi dậy ! Tao thuê mày để làm việc đó.
– Nhưng nếu tao không cần làm thuê nữa thì mày gọi đứa thứ mười bốn tới mà đỡ ! Tao đi đây ! – Tôi quay lưng.
– Này… ! – Thằng chủ gọi giật.
Tôi dừng. Đời tôi, tôi chưa đầu hàng cái gì trong vòng 15 phút.
– Tôi cần tiền. Cậu cần người giúp đỡ. Có tôn trọng nhau thì hợp tác. Không thì thôi. Không có màn sỉ nhục. – Tôi đứng ở cửa ra điều kiện.
– Tên gì ?
– Phượng.
– Sinh viên hả ?
– ừ.
– Lại đây đỡ tao !
Tôi đến gần… Con Hai Triệu động viên : “Hắn không đứng dậy được. Đừng sợ !”.
– Bế tao ra xe lăn ! – Thằng chủ chỉ tay về phía cửa sổ.
Tôi định lật mền nhưng hắn thì thào : “Để thế !”.
Tôi luồn tay qua cổ hắn và cảm nhận cái mềm mỏng rủ xuống ở tay kia. Hắn quàng tay qua tôi, mắt lấp lánh ánh tinh quái. Tôi đe :
– Chớ dại ! Nếu không sẽ bị quẳng ngay xuống đất.
Thằng nhóc lè lưỡi nép vào tôi. Lần đầu tiên tôi chạm vào một người đàn ông, dù hắn ta dường như chỉ còn một nửa !
Buổi thứ hai…
Vừa dựng xe đạp tôi đã nghe tiếng gào, tiếng khóc, tiếng chửi rủa sa sả. Một quý bà sực nức son phấn và nước hoa từ phòng cậu chủ đi ra, vừa đi vừa lau nước mắt. Thấy tôi, bà dừng lại :
– Nghe nói cô đã qua buổi đầu tiên êm thấm với nó. Nếu cô làm dịu những cơn khủng hoảng thần kinh của con tôi, cô sẽ được trả gấp đôi.
– Tôi có thể biết nguyên nhân và tình trạng của cậu ấy được không ?
– Đua xe. Bạn gái chết, còn nó phải cắt cụt đôi chân vì xe tải nghiến nát. Đã 2 tháng nay tôi sống trong địa ngục, sợ những cơn cuồng nộ của nó đến không dám ở nhà…
Tôi vào phòng, đến bên hình hài tàn phế đang nằm thở dốc và khóc.
– Thứ mười ba đến rồi. – Tôi báo.
– Trả chân cho tao ! – Gã gào lên.
– Tôi không lấy chân của cậu. Có chân không đi, trời lấy lại.
Gã há miệng như nghẹt thở rồi cầm “con dế” bên gối định ném tôi. Nghĩ sao, gã lại vứt nó qua cửa sổ.
– Ông không còn chân, gọi thằng nào cũng không đến !
– Đúng là ném tiền qua cửa sổ !
– 7 triệu đấy, nhưng tiền để làm gì ? – Gã tì tay xuống gối lấy gì đó ném vào tôi. Gã luôn ném để khẳng định mình còn đôi tay quyền lực.
Tôi nhặt lên, ngỡ ngàng nhìn tờ trăm đô xếp thành hình con hạc giấy. Cảm nhận được sức nặng của con hạc trong tay nhưng tôi vẫn ném trả. Gã lại ném qua… Cả bầy hạc giấy dưới chân tôi…
– Nằm một chỗ, bà già vẫn phát lương. Còn mua sẵn chiếc xe hơi an ủi. Nhưng giờ tôi chỉ muốn chết. Hãy chỉ cho tôi cách chết ít đau đớn nhất. Tôi sẽ trả công cho cô.
Tôi nhặt hết 5 con hạc giấy đặt xuống gối gã.
– Cho đấy !
– Tôi làm công nhận lương, không nhận tiền cho không.
– Nghèo mà chảnh nhỉ ! – Gã ngạc nhiên.
– Hôm nay có mấy kiểu chết trên báo, cậu chọn kiểu nào ? Nhảy từ cà phê 33 tầng vào sinh nhật thứ 21. Hỗn chiến tại quán bia, bị đâm. Một nữ sinh 17 tuổi dắt xe đạp băng qua đường sắt bị tàu đụng. Một thanh niên đi xe máy sụp ổ gà bị xe rác cán chết.
– Toàn ghê rợn ! – Gã nhăn mặt.
– Làm gì có cái chết dịu dàng ! Để tới cái chết phải băng qua đau đớn.
Và bỗng nhiên hình ảnh mẹ tôi nằm chết trên mặt đường hiện ra trong vũng nắng.
– Cô sao thế ?
Tôi lau vội giọt nước mắt ứa ra, lắc đầu…
– Cậu chọn cái chết thì cũng chẳng cần người giúp việc nữa ! Tôi về đây. Mất thì giờ !
– Đừng để tôi một mình. – Gã kéo tay tôi – ở thêm với tôi, tôi trả cô một con hạc. Đây là tiền công chứ không phải tiền cho không.
– Được. Dại gì không lấy. Giờ cậu muốn tôi làm gì ?
– Cô sẽ làm gì nếu mai cô chết ? – Gã hỏi lại.
– Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để mai tôi vẫn sống. Một ngày là một cuộc chiến.
– Giá nghèo như cô, tôi sẽ không bất hạnh thế này. Không có xe để đua, không có tiền để đốt đời mình…
– Tại cậu chưa nếm mùi nghèo khổ đó thôi ! Tàn bạo, khốc liệt lắm, cuốn trôi bao ước mơ, đè bẹp bao số phận. Nhưng khi thừa mứa quá, nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói. Một nhà văn đã nói thế.
– Cô nói đúng. Tôi thừa tiền mà đầy trống vắng. Nhà tôi ai cũng sống giả dối, mọi thứ dùng tiền mua. Mà này, cô e bằng tuổi tôi sao “già” thế ?
– Một chiếc xe chở ba người đã cướp mất tuổi thơ của tôi khi tôi lên 6, bởi vậy tôi ghét những đứa giết người rồi bị người giết như cậu… Tôi văng khỏi chiếc xe đạp khóc ré lên còn mẹ tôi nằm trên đường trưa im lặng… Tôi không có cha. Người đàn ông nào đó đã bỏ mẹ tôi khi tôi tượng hình. Ông cậu đem tôi về, lấy hết tiền người ta bồi thường, cho đi học một nửa buổi còn nửa buổi sai vặt, bưng bê trong quán cà phê của họ… 14 tuổi, tôi bị bà mợ ép bán trinh cho một doanh nhân. Tôi cầm chai rượu quật vào ông ta…
– Rồi sao ?
– Ông ta bưng đầu chạy. Còn tôi từ đó không nhà, lang thang vất vưởng rồi nương thân trong một mái ấm toàn những đứa trẻ không có tuổi thơ như mình. Tôi tự kiếm sống bằng mọi cách, giương vuốt bảo vệ mình và cố đổi thay số phận.
– Đời cô buồn nhỉ !
– Bởi vậy mỗi ngày của tôi là một cuộc chiến, chiến đấu để tồn tại, để biến đời buồn thành vui…
Buổi thứ ba…
Ngày thứ ba gã không la hét cũng không ném thứ gì. Gã nói chuyện, cùng tôi thi hát karaoke. Bà quản gia dường như không tin tiếng hát vọng ra từ phòng gã, sững sờ đứng chôn chân ở cửa. Gã thắng tôi dễ dàng.
– Tôi thích sự thách thức. Chính vì vậy mà tôi lao vào cuộc đua. – Gã thở dài.
– Giờ cậu dám đua nữa không ?
– Đua với ai khi thế này… ?
– Với tôi. Chúng ta đua ngoi lên dưới ánh mặt trời. Thời hạn 5 năm.
Gã không trả lời tôi, tư lự. Khi tôi bế gã từ xe lăn trở lại giường, gã nhìn vào mắt tôi :
– Cô có đôi mắt rất đẹp. Thăm thẳm nỗi buồn nhưng ánh nhìn quyết liệt. Đôi mắt ấy…
– “Khóc người một con”… (Bùi Giáng) – Tôi nhìn gã đáp.
Tôi qua trót lọt 3 buổi thử việc nhưng không “có duyên” với con Hai Triệu. Ngày hôm sau, một người đến tận chỗ tôi trọ gửi tiền công 3 buổi và một gói quà. Mở ra tôi thấy một bầy hạc châu đầu vào một đoá hồng. Đoá hồng là một cái thư, còn bầy hạc mười con xếp bằng tiền đôla thật. Tôi và con Thuý đọc :
“Cô không cần đến buổi thứ tư. Tôi vốn là một đứa sáng dạ, chỉ cần ba buổi là ngộ… Tôi nhận lời “đua” với cô, đua ngoi lên dưới ánh mặt trời để “còn hai con mắt khóc người một con”. Mười con hạc giấy này tôi tặng cô. Nó chỉ bằng chai rượu tôi uống trong những đêm đốt đời mình. Trước khi bay, người ta cũng cần đôi cánh. Đừng chảnh, hãy nhận nó vì tấm lòng thành của tôi. Hẹn gặp lại cuối đường đua”.
– Thằng này chưa phải là đồ bỏ. Hoặc điên, hoặc rất lãng mạn. – Con Thuý bảo.
– Không ai là đồ bỏ cả. Đi mua máy tính với tao. Tao khởi đầu cuộc đua đây ! Mau lên ! – Tôi giục con Thuý.
Tác giả: Quế Hương – Thực hiện: Kim Cúc
Từ khóaKim Cúc một cuộc đua quê hương truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …