Bài nổi bật

Một Phiên Tòa – Huy Phạm

Với nhan đề “Một phiên tòa”, người đọc tưởng rằng tác giả Huy Phạm sẽ đi thẳng vào câu chuyện hôn nhân tan vỡ, mỗi người mỗi ngả, sau đó mới thuật lại nguồn cơn. Tuy nhiên, người viết lại chậm rãi kể lại từ đầu, tua lại những thước phim quay chậm về những ngày tháng êm đềm của anh Hai và chị Tiên. Một cuộc hôn nhân bình thường. Vợ chồng buôn bán qua ngày. Con cái không có. Cứ quanh quẩn sống với nhau hết năm này qua năm khác. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi anh Hai mê cờ tướng đến độ quên giờ ra chợ phụ vợ bán buôn… Xét về cốt truyện, “Một phiên tòa” không có gì đáng chú ý. Nhưng về kĩ thuật viết, chính sự chậm rãi, từ tốn của tác giả lại khiến người đọc thấy hấp dẫn ở một câu chuyện không có quá nhiều kịch tính. Các chi tiết được cài cắm một cách khéo léo, đặc biệt là những chi tiết liên quan tới phiên tòa. Những giận dỗi chồng vợ cũng được thuật lại một cách chân thực, thậm chí có nhiều nét dễ thương bởi lẽ giận đấy mà vẫn còn thương lắm, yêu lắm, tha thiết lắm. “Một phiên tòa” khép lại bằng một cái kết có hậu, duyên dáng như chính câu chuyện ra tòa mà lại chẳng ly hôn được của hai nhân vật trong truyện ngắn này (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Lúc này đã quá trưa, gần tàn phiên chợ, mặt trời lên cao khỏi đỉnh đầu. Chị Tiên ngồi giữa sạp gỗ nâu, cầm cái nón lá quạt nhẹ nhàng, mắt nhìn xa xăm ra ngoài. Bà bạn hàng kế bên quay sang hỏi chị có chuyện gì buồn, chị Tiên giải thích chị không buồn, chỉ muốn đi Đà Lạt. Bà bạn nói lại:
“Đà Lạt năm nào mày không đi?”
Chị Tiên vẫn nhìn đâu đâu đáp khẽ:
“Đà Lạt thông reo mỗi năm mỗi khác…”
Mấy người buôn bán xung quanh mở to mắt, hoảng hốt nhìn nhau rồi bụm miệng cười. Chị Tiên không để ý, mải gom hết những ngọn rau héo úa còn sót lại bỏ vào rổ ôm trong lòng. Đó là câu chuyện bình thường mỗi ngày ở chợ Kiến Thiết…
Cư xá Kiến Thiết gồm ba con đường chính song song, sau đó là những đoạn cắt ngang ô cờ. Chợ của cư xá nhỏ bằng bàn tay, nằm lọt thỏm ngay giữa, chỉ dành cho người quanh đây. Chợ Kiến Thiết được biết là khu chợ nhà giàu, không chỉ vì giá cả khá đắt mà còn bởi dân Kiến Thiết đa phần trí thức, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Gọi là chợ, nhưng người bán người mua trao đổi nhã nhặn, không quá ồn ào, chẳng thấy to tiếng với nhau bao giờ. Ở đây cũng không chấp nhận trả giá, bởi vì mọi người đã quá biết nhau.
Mấy năm gần đây, đầu cư xá lại xuất hiện một siêu thị rất to, cách chợ mươi phút đi bộ, hàng hóa đa dạng, giá cả mềm mỏng, tưởng rằng chợ Kiến Thiết chắc sẽ biến mất. Nhưng không, chợ vẫn còn, lại bành trướng thêm chút. Dân ở những vùng lân cận kéo đến siêu thị nườm nượp, mặc kệ, dân Kiến Thiết vẫn ra chợ Kiến Thiết. Trong siêu thị, không gian mát lạnh, hàng hóa ngăn nắp thẳng tắp, giá cả ghi sẵn, đủ kiểu đủ loại… thuận tiện như thế hóa ra hơi buồn. Chợ Kiến Thiết sinh động, hấp dẫn hơn, lại thanh lịch nhã nhặn. Và như một biểu tượng, ngay trung tâm chợ là gian hàng của người con gái xinh đẹp nhất: chị Tiên. Chị Tiên bán rau, hàng rau xanh um, lướt thướt xòe ra xung quanh bao bọc lấy chị ngồi chính giữa như những cánh hoa ôm khư khư lấy nhụy của chúng. Chị Tiên ngoài ba mươi một chút, người mảnh khảnh, dáng dong dỏng cao, tóc cắt ngắn, gợn sóng phủ xung quanh khuôn mặt thon thả và trắng trẻo. Trên gương mặt thanh tú ưa nhìn đó, long lanh đôi mắt nâu nhạt, ẩm ướt trong veo nhưng lại chứa đựng tia sáng sắc lẹm, đầy quyết đoán uy quyền khiến người ta không thể và cũng không dám nhìn lâu. Ở chợ Kiến Thiết, mọi người được gọi tên kèm theo thứ mà họ bán, giống như chị Hà bán vịt được gọi là Hà vịt, cô Nhung gạo, thím Lan chạp phô hay là bà Hoàng mắm… Chỉ riêng chị Tiên là Tiên, ngắn gọn, đủ đẹp.
Chị Tiên ít nói, lạnh lùng, nên không ai hiểu chị đang nghĩ gì hoặc tâm trạng thế nào. Người hiểu chị nhiều nhất chỉ có thể là anh Hai, chồng chị. Nếu như chị Tiên là biểu tượng của chợ Kiến Thiết trong một dáng vẻ xinh xắn, kiêu sa và khó đoán, thì anh Hai là biểu tượng của chợ đầu mối. Một người đàn ông vui vẻ, hoạt bát, dễ gần nhưng xấu xí một cách kì lạ. Anh Hai tầm bốn mươi, người thấp, các bó cơ bó khít ôm chặt lấy xương làm cho cơ thể trở nên nhỏ thó. Mặt mũi anh xấu, đúng như người ta vẫn nói: xấu không thể tả, nên đành bỏ qua phần tả mặt ở đây. Bù lại, anh đến với mọi người bằng tiếng cười, sự sảng khoái và một tâm hồn trong trẻo. Hai người không có con, chỉ sống quanh quẩn với nhau. Ở chợ, mọi người vẫn so sánh anh Hai và chị Tiên như một cặp Trương Chi, Mỵ Nương. Nói thế không có nghĩa là anh Hai hát hay. Có những lần anh giúp chị bày hàng trong tiếng hát rống khàn đục yêu đời vào buổi tinh mơ. Chị chau mày khó chịu, cầm một cành rau thơm phóng véo thẳng vào người làm anh đột ngột im bặt, bỏ các nốt nhả trầm dang dở. Cứ thế, ngày nào anh Hai cũng thu xếp mọi việc cho chị Tiên, những việc bình thường cũng như nặng nhọc, tỉ mỉ sắp đặt từng cánh hoa xanh mướt, xòe đều…
*
*         *
Đầu cư xá, ngay trên con đường song song thứ nhất, có một quán cà phê rộng rãi mang tên 301. Chủ quán, một anh chàng kì quái đã tích hợp nhiều thể loại âm nhạc, vui chơi giải trí trên đời vào một không gian gần như không trang trí gì đặc biệt, nhưng lại hài hoà dễ chịu cho tất cả mọi người. Những người già, trung niên có thể đến quán vào buổi sáng để nghe các thể loại Làng Văn, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn… Buổi tối và cuối tuần là của bọn thanh niên, với giai điệu rock mạnh mẽ, lê thê của progressive, thrash, black… Anh Hai là khách của 301 vào buổi trưa, không phải vì anh mê nhạc mà chỉ vì năm ngoái, trong quán xuất hiện hội cờ tướng. Sự có mặt của hội cờ thu hút biết bao kì thủ nghiệp dư cũng như tạo nên một cơn đau đầu dai dẳng cho các kì thủ phu nhân ở nhà.
Ban đầu hội cờ chỉ là một bàn nhỏ của vài người đàn ông lặng lẽ cho đến lúc bành trướng lên đến bốn năm bàn chơi cùng lúc. Tiếng hò hét cổ vũ cùng tiếng chan chát của các quân cờ gõ vào nhau náo động một góc cư xá. Đầu tiên, người thua cuộc sẽ phải trả tiền cà phê cho người thắng. Số ván cờ cứ nhân lên dẫn đến nhiều trường hợp uống bốn li cà phê trong một buổi sáng, lừ đừ bải hoải luôn cho đến tận chiều. Sau này, các kì thủ không cược bằng cà phê hay thuốc lá nữa, cũng không cược tiền, họ dùng một thứ còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần, đó là danh dự. Người thua sẽ phải bê bàn cờ, dọn dẹp, thậm chí sủa “gâu gâu”, làm những việc điên rồ khó hiểu trong sự sỉ nhục thê thảm và tiếng cười khả ố tàn ác.
Anh Hai say mê bầu không khí tưng bừng đó, và trên hết là cờ tướng. Có thể anh không đẹp, không hát hay, nhưng nước cờ của anh đầy mê hoặc, sáng tạo, làm khiếp sợ hội cờ cư xá. Anh chuyên đánh pháo, với kiểu tấn công ào ạt, dữ dội, cùng một phong cách phòng thủ cực kì hớ hênh cẩu thả. Tuy nhiên để thắng được anh không dễ, vì khi cả hai cùng đôi công, anh luôn về đích với những nước táo bạo, trực diện và đơn giản kì lạ. Đối thủ xứng tầm của anh là thầy hiệu trưởng đã về hưu, người chuyên sử dụng cặp mã đầy khó chịu, rối rắm. Trong những cuộc đối đầu duyên nợ đó, phần thắng nghiêng về anh Hai nhiều hơn. Tuy nhiên, cặp đấu này sẽ giữ bàn cờ khá lâu trong lúc ba bốn kì thủ làng nhàng khác luân phiên bị loại, bị sỉ nhục, ngồi bên ngoài chõ vào say sưa tư vấn. Cuộc đối đầu của anh Hai và thầy hiệu trưởng thường mang đến những căng thẳng hấp dẫn kéo dài, những nước đi cực kì thận trọng trong nguy hiểm rình rập đầy toan tính. Song song với đó là lời đe dọa qua lại có lúc vượt quá giới hạn của một ván cờ. Trong thời gian này, những cánh hoa ở chợ Kiến Thiết thưa dần rồi tan hẳn. Nhụy hoa ngồi mỏi mòn giữa những luộm thuộm ngổn ngang của một phiên chợ tàn, chờ anh Hai về dọn dẹp trong sự kiên nhẫn cạn dần.
Ban đầu, anh Hai về trễ năm, mười phút, về sau lên đến mười lăm rồi hai mươi, ba mươi phút. Chị Tiên không quen nói nhiều, khi anh tất tả chạy đến, chị tóm gọn mọi nguồn cơn trong vài từ: “Có biết từ sáng giờ xảy ra bao nhiêu chuyện không?” Tất nhiên là anh không biết. Mà cho dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không phải chuyện lớn, bằng chứng là chị Tiên vẫn ngồi đây và mọi thứ vẫn ổn. Đối với anh Hai, chỉ cần thế là đủ. Nhưng cơn nóng giận của chị làm anh bối rối. Mặc dù việc trễ nải này chỉ vì mải mê với những ván cờ vô bổ, nhưng vẻ mặt nhăn nhó sợ hãi, thái độ ăn năn cùng dáng vẻ tất bật thoăn thoắt của anh luôn nhận được sự cảm thông của tất cả các bà, các cô trong chợ, trừ chị Tiên. Trong nháy mắt, sự sạch sẽ ngăn nắp được lặp lại, chính xác từng chi tiết. Những thứ này cũng không lọt vào mắt chị. Xong việc, anh chở chị về bằng chiếc xe máy cũ kĩ, tiếng động cơ ồn ào làm anh nhẹ nhõm. Đến nhà thì anh hoàn toàn quên cơn giận dữ vừa rồi. Trong đầu anh chỉ lảng vảng cố gắng sửa chữa những nước cờ đã diễn ra từ trưa. Cho đến tận khi đi ngủ, tiếng lách cách và ô cờ ngang dọc vẫn là hình ảnh sau cùng của một ngày đọng lại trong tâm trí…
Mọi việc cứ thế, cho đến ngày anh Hai trở về khi mặt trời quá chán chường việc ở tít trên cao đã trườn nhẹ về phía tây một chút. Chợ vắng ngắt. Ở ngay chính giữa hàng rau được quét dọn sạch sẽ ngăn nắp, một cô gái trắng trẻo đang ngồi lặng im, trên những lọn tóc xoăn rối bù còn vương vài chiếc lá răm. Đôi mắt nâu uy quyền của chị nhìn trừng vào anh và sau đó là cuộc cãi vã ỏm tỏi mà người ta chỉ nghe được giọng nữ. Anh Hai không nói một tiếng nào. Người anh nhỏ nay co rúm lại, lom khom như đang đi trong cơn bão dữ.
Anh Hai vắng mặt luôn ở 301 mấy tuần liền. Nhưng hội cờ không vì thế mà tan rã, chỉ có thầy hiệu trưởng về hưu buồn. Thầy không còn thấy hứng thú đánh cờ như trước. Việc ngồi quá lâu để loại hết đối thủ này đến đối thủ khác làm thầy ngại ngùng, sau cùng đành đi vài nước ngớ ngẩn để ra ngoài ngồi nhìn bâng quơ hơn là chú tâm vào thế trận tầm thường bày ra trước mắt. Rồi dần dần, chính sự xuất hiện của thầy cũng thưa thớt, thầy đến quán đơn thuần chỉ để uống cà phê. Hội cờ tướng không thấy anh Hai nhưng chẳng bận tâm, bởi cư xá nhỏ xíu và mọi người vẫn thấy người đàn ông tất bật quanh chợ mỗi sáng. Những điều này giống với sự bình yên cũ, như chưa từng có bàn cờ và cơn giận dữ ồn ào hôm nào khi anh Hai về muộn.
Mùa khô trong cư xá chấm dứt bằng cơn mưa dai dẳng từ khi trời vẫn tối đến lúc sáng bạch. Chợ Kiến Thiết rơi vào trạng thái ế ẩm lười biếng. Anh Hai quanh quẩn cạnh chị Tiên như chú ong thợ lượn lờ bên những cánh hoa do chính tay anh bày biện. Anh không biết phải làm gì. Việc ngồi nghe nỗi niềm lê thê của chị bán cá khiến anh chán chường mệt mỏi. Ngay cả chị Tiên và câu chuyện Đà Lạt cũng làm anh hoang mang khó hiểu. Đối với anh Hai, năm nào thông reo cũng vậy, như nhau. Làm gì có chuyện thông reo năm nay khác năm sau, chị Tiên thật khéo tưởng tượng. Anh đi qua đi lại, vài bước xa hơn gian hàng, vài bước nữa, rồi bước nữa… ra đến ngoài đường. Thật sảng khoái. Bất chợt, một ý tưởng le lói và chỉ trong tích tắc sau cả tháng trời cai nghiện, chú ong thợ bay vù đến 301, nhanh như một cơn gió.
Hội cờ vừa trông thấy anh Hai đã ồ lên mừng rỡ mời mọc, nhưng anh không đánh cờ, chỉ ngồi lắng nghe vị đắng của cà phê tan dần trên đầu lưỡi, nghe không khí sôi nổi quen thuộc, tiếng chan chát của quân cờ gõ vào nhau kèm theo lời thách thức đe doạ được phóng đại quá mức tưởng tượng. Tất cả sự sống động này mới có thể làm thức dậy một buổi sáng ẩm ướt chứ không phải chợ Kiến Thiết tẻ nhạt chán chường. Giá mà trong chợ cũng có hội cờ, các bà các cô mỗi người mỗi li cà phê, vừa bán hàng vừa gạt pháo, sang xe, lầm bầm nguyền rủa đối phương, có khi cao hứng mời khách vào làm vài ván, tranh thủ sỉ nhục nhau chút rồi vui vẻ cả làng, rồi mua cá, mua thịt, mua rau… cũng còn kịp. Vậy mà tất cả những điều tốt đẹp ấy đều không diễn ra. Vài con gió mát thổi qua cây ổi xào xạc, lá rơi xuống bàn. Lâu lắm anh Hai mới ngồi trong khung cảnh này, ổi reo hay hơn thông, mỗi ngày mỗi khác. Anh ngồi vui vẻ cười nói chẳng cần phải suy nghĩ gì. Buổi sáng đã qua gần hết, hội cờ bị anh từ chối mãi cũng chán. Sau ván cuối mọi người dẹp bàn, ngả dài ra ghế nghỉ ngơi tán gẫu.
Trên đời này, chuyện sẽ đến phải đến, nên đúng lúc anh Hai chuẩn bị ra về thì thầy hiệu trưởng đến. Hai đối thủ truyền kiếp gặp nhau mừng rỡ, quấn quít hỏi han nồng ấm hơn cả tình nhân. Tất nhiên câu hỏi sau cùng của thầy hiệu trưởng vẫn là: “Làm một ván hả Hai?” Anh cười lắc đầu nhẹ nhẹ. Thầy giáo im lặng lộ vẻ buồn rầu ra mặt. Thầy nhìn lên trời thở dài, đoạn sau đó là những lầu bầu thở than nho nhỏ như tự nói với chính mình: “Thằng Hai nó sợ tao rồi, nó ngán tao quá mà. Nó lên đây định đánh cờ mà thấy tao nó không đánh nữa. Lần trước thua là nó bỏ quán đi tu luyện cả tháng trời giờ gặp lại vẫn không dám đánh. Biết vậy thả nó ăn vài ván… Chứ vầy thì tội nghiệp nó quá…” Những đoạn khích bác tăng dần. Các kì thủ lắng nghe cười khúc khích. Lâu lâu thầy hiệu trưởng dừng lại nhìn vào mắt anh Hai chờ đợi. Anh mím môi không nói tiếng nào, được lúc, đứng dậy dứt khoát:
“Mang bàn cờ ra đây!”
Hội cờ vỡ òa sung sướng. Thầy hiệu trưởng tự tay xếp cờ cho anh Hai, vì sự tôn trọng đã cầm quân màu xanh và nhường anh phần đỏ. Anh rung đùi cười, chính anh cũng thấy nhẹ nhõm trong lòng, biết vậy đánh từ sớm. Giờ trời gần trưa, anh nhìn thầy hiệu trưởng, đưa một ngón tay trỏ cong cong lên, nói giọng nghiêm trang:
“Chỉ một ván thôi nhe thầy. Ai thua ván này là thua cả đời.”
Thầy giáo đồng ý móc ngoéo giao kèo. Hội cờ chụm đầu lại xem. Cả đời người thắng thua chỉ nằm trong một bàn cờ, mọi thứ vì thế nghiêm trọng hơn bình thường.
Những nước đi đầu tiên của anh Hai và thầy giáo trông có vẻ vô hại nhưng mang đầy sát thương tiềm ẩn mà một người bình thường không thể thấy hết. Họ từng bước tìm cách ép đối phương về phần sân nhà, cố gắng mở mặt trận tấn công, chờ cơ hội. Tuy nhiên cả hai đều thận trọng kín kẽ, vì vậy thế trận trở nên chật chội, bí bách. Người quan sát bên ngoài không dám thở mạnh. Trong khi thầy hiệu trưởng khoan thai điềm đạm, di chuyển khôn ngoan, thì anh Hai lộ vẻ nôn nóng. Lúc này mặt trời đã lên đỉnh đầu, sự hấp tấp ngắn ngủi đó làm anh lép vế sau hơn chục nước đầu. Anh cảm thấy căng thẳng, trán nhăn liên tục, mồ hôi ròng ròng, gương mặt méo mó. Thầy hiệu trưởng bắt đầu dồn, hai con mã nối chân nhau nhảy múa bên phần sân của anh Hai một cách ảo diệu. Anh rơi vào thế chống đỡ vất vã, các quân cờ đỏ rút hết về sân nhà. Giờ thì ưu thế nghiêng hẳn về thầy giáo rõ ràng, thầy tự tin nở nụ cười gian ác và mãn nguyện, lẩm bẩm liên tục:
“Ván này ăn. Ván này ăn thằng Hai rồi. Ăn thằng Hai cả đời rồi…”
Anh Hai nóng mặt vì những câu khích bác của thầy giáo nhưng cố gắng giữ bình tĩnh. Bàn tay phải của anh lúc nào cũng nằm trên trán, suy nghĩ rất lâu rồi tiếp theo là hai nước đi liên tục. Nước đầu tiên vừa buông quân cờ đã bị thầy hiệu trưởng ăn mất, nước thứ hai chung số phận. Thầy giáo giơ cao tay gõ mạnh xuống, âm thanh chát chúa vang lên. Bất chợt anh Hai ngước lên cười tinh quái rồi đẩy pháo xuống hết biên, gằn từng tiếng:
“Em đâu phải cứt mà thầy muốn ăn giờ nào thầy ăn!”
Khán giả bên ngoài sau khi choáng váng vì câu nói cục sục đã ồ lên thán phục trước nước đi kì dị phá vỡ hoàn toàn thế bế tắc. Thầy hiệu trưởng hốt hoảng ngửa người ra sau thốt lên: “Chết tui rồi!” Cờ tướng là vậy, vừa có cơ hội thắng cả đời nay nguy cơ thua cả đời trước một thằng Hai ngược ngạo thô lỗ. Lúc thầy ngồi thẳng lại, nhìn về trước đã không thấy đối thủ của mình đâu nữa. Thầy đưa mắt nhìn xa hơn, thấy chị Tiên đứng sừng sững ngay cửa quán, bên cạnh bà bạn hàng. Anh Hai tung bàn cờ chạy ào đi từ lúc nào. Giờ anh ngồi trên xe, hai chân chèo lui trở ra, đạp máy, đầu rúc vào vai phải. Chị Tiên đánh liên tục vào đầu anh trong tiếng gằn: “Cờ tướng! Cờ tướng…” Cứ mỗi chữ cờ tướng là một cái tát tai đều đều cho đến khi anh chạy vù mất dạng sau làn khói mỏng…
*
*         *
Cả tuần sau cơn địa chấn hội cờ mới rụt rè nhóm họp trở lại. Họ chơi với nhau lặng lẽ như đang trong cơn mặc cảm ghê gớm và chưa thể hiểu nổi vì sao cờ tướng lại xấu xa đến thế. Thầy hiệu trưởng vẫn đến quán thường xuyên nhưng từ chối đánh cờ, còn anh Hai không quay trở lại nữa. Anh cũng vắng mặt ở chợ Kiến Thiết mấy hôm liền, chị Tiên vì vậy đã mở cửa hàng trong ngổn ngang bề bộn. Những bó rau dưới tay chị chất đống đè lên nhau dập nát, rơi rụng tơi tả, không chút nâng niu, chăm chút. Phải mấy ngày sau, người ta mới thấy anh Hai đến phụ giúp, uể oải chậm chạp như không còn chút sức lực. Anh ít cười nói, đùa giỡn như trước. Ai cũng biết sau những ngày khói lửa anh thuê nhà trọ ở một mình, giờ anh là người làm công của chị.
Những ngày buồn tẻ lạnh nhạt nối tiếp nhau dài đằng đẵng. Anh Hai quyết định quay lại quán cà phê vào một buổi trưa muộn hơn thường lệ, muộn hơn cả cái hôm ván cờ quyết định thắng thua của đời người diễn ra. Quán vắng ngắt, một mình thầy hiệu trưởng ngồi trầm ngâm dưới gốc cây ổi trong góc vườn. Hai người bạn già trẻ gặp nhau lặng lẽ đầy cảm thông. Họ không đánh cờ, giờ thì việc thắng hay thua cũng không còn quan trọng. Thầy hiệu trưởng thông thái ngồi nghe những nỗi niềm của anh Hai trong tinh tường kiên nhẫn. Thầy kết luận rằng một người đàn ông không rượu chè, không mèo mỡ, chỉ có cờ tướng mà lại còn cờ tướng giỏi như anh Hai xứng đáng được dựng tượng ở cổng chính chợ Kiến Thiết, chứ không phải bị bợp tai ngay trước đám đông khách khứa như thế. Nhưng thầy cũng hiểu đàn ông đàn bà, sao Hỏa sao Kim, có nói cũng không thể nào hiểu được. Sau cùng, bằng một giọng ấm áp và truyển cảm, thầy hiệu trưởng kể cho anh nghe câu chuyện:
“Có hai vợ chồng người da đỏ sống trên thảo nguyên. Một hôm anh da đỏ ra khỏi nhà rồi đi mất hút. Chị da đỏ đi tìm mãi, cuối cùng bắt gặp anh trên một thảo nguyên xa xôi khác. Chị hỏi: Sao anh lại đi như thế, sao anh không về với em? Anh da đỏ chỉ lên trời và nói: Vì con chim đại bàng, nó vẫn còn bay. Hiểu không Hai?”
Anh Hai giật mình gật đầu mấy cái liền, sau đó hỏi lại:
“Sao nó vẫn bay thầy?”
Thầy hiệu trưởng im lặng một chút rồi khoát tay cho qua. Thầy ngồi trầm ngâm lúc lâu, cho đến khi anh Hai nói rằng đang làm thủ tục li dị thì thầy ngồi phắt dậy, trợn tròn mắt với những câu hỏi dồn dập mà đa phần đều nhận được câu trả lời đại loại không biết, hoặc chưa biết. Họ ngồi với nhau cho đến khi cảm nhận được sự lạnh lẽo của những cơn gió chiều. Anh ra về kèm theo lời căn dặn: “Chuyện li dị thầy đừng nói với ai.” Thầy hiểu trưởng gật đầu chắc chắn: “Yên tâm!”
Tất nhiên, sáng hôm sau cả quán cà phê đều biết anh Hai và chị Tiên sắp li dị. Tin tức về vụ li dị lan nhanh từ quán 301, chợ Kiến Thiết đến hết hang cùng ngõ hẻm trong cư xá, ở đâu mọi người cũng râm ran bàn tán. Trong lúc này, anh Hai đánh cờ trở lại, không hò hét, không phấn khích, đến đúng giờ và về đúng giờ. Ai cũng thấy anh thay đổi nhiều, ít nói, gầy hẳn đi, nước cờ cũng không còn sắc bén như trước. Chỉ có thầy hiệu trưởng nhìn ra ánh sáng cuối đường hầm. Mỗi khi anh về khuất hẳn sau cánh cổng, thầy dõi theo rồi quay lại hội cờ phán: “Giờ ngày nào cũng được đánh cờ. Thấy chưa, làm công sướng hơn làm chồng.”
Một ngày trước phiên toà, cả hội cờ bốn năm người túm tụm lại với anh Hai, nhiệt tình khuyên nhủ, bàn tán xôn xao giống như tư vấn một ván cờ quan trọng vậy. Một nước đi có thể dẫn đến bao nhiêu khả năng, quan tòa sẽ hỏi gì, chị Tiên sẽ nói gì, anh Hai phải trả lời thế nào… Mặc dù những người có mặt ở đây chưa bao giờ li dị, tất cả chỉ là phỏng đoán, không ai biết nước chiếu bí sẽ nằm đâu. Điều này chẳng những không thể yên lòng anh Hai hơn mà càng chất thêm hoang mang rối rắm. Tối hôm đó anh ngồi lại rất khuya, thay vì quay về nhà trọ lại đi vào cư xá vắng vẻ, ngang chợ Kiến Thiết tối đen mù mịt. Anh cố nhìn sâu vào trong nhưng không thể thấy hàng rau quen thuộc. Chưa bao giờ anh đến chợ Kiến Thiết lúc khuya khoắt như thế này, bình thường chỉ ở đó vào buổi sáng và rời đi khi mặt trời lên cao. Một màn đêm lạ lẫm bao trùm mọi hướng. Anh Hai biết rằng sau ngày mai mọi thứ sẽ rất khác. Sau ngày mai anh chưa biết phải làm gì khi không có hàng rau và chị Tiên nữa. Sau ngày mai có thể những điều bình thường mà anh nghĩ rằng theo anh suốt đời sẽ trôi tuột đi mãi mãi. Dường như việc phải nuối tiếc những thứ chưa kịp xảy ra ngay lúc này làm nỗi buồn của anh thêm nặng trĩu, mỗi hơi thở dài bằng cả một cuộc đời tẻ nhạt. Anh chạy thêm một vòng, rồi vòng nữa…
Anh Hai và chị Tiên vắng mặt suốt hôm sau. Chợ Kiến Thiết khuyết chính giữa, trống vắng hàng rau xanh thẫm quen thuộc. Cuối phiên chợ, những bà bạn hàng xung quanh nhìn vào khoảng trống đó chép miệng, nghĩ ngợi xa xăm. Sau này Đà Lạt thông reo mỗi năm có còn khác… Phía bên kia, hội cờ tướng cũng dừng lại, ngồi im trên ghế trong những suy nghĩ không đầu không cuối, cố tưởng tượng những biến cố đang xảy ra giữa phiên tòa nghiêm nghị và hai con người nhỏ bé bên trong…
Sáng hôm sau nữa, thầy hiệu trưởng đến quán cà phê sớm hơn thường lệ. Trong ánh mắt ngạc nhiên của thầy, anh Hai đang ngồi đánh cờ với chủ quán. Mặc dù là người thành lập hội cờ tướng nhưng anh chủ cũng là người chơi tệ nhất, việc đối đầu này chưa từng diễn ra. Anh Hai trông tươi tắn, khe khẽ hát vài câu theo nhạc. Thầy hiệu trưởng nhìn anh liên tưởng ngay đến lão ngư trong truyện Ông già và biển cả, có lẽ lần ra biển sau cùng vừa kết thúc.
Mặc dù rất tò mò về phiên tòa hôm qua nhưng không ai dám mở lời. Phải chờ đến trưa, khi mặt trời lên cao ở ngọn ổi, khi khách trong quán thưa thớt, bốn năm người thân thiết nhất mới quây lại rụt rè hỏi chuyện. Bởi vì cho dù vụ việc li dị này là bí mật cả cư xá đều biết nhưng hội cờ vẫn đang cố gắng giữ gìn. Anh Hai thông báo kết quả nhanh gọn: “Toà không cho li dị.” Hội cờ ồ lên một tiếng đầy kinh ngạc, có người buột miệng: “Sao tòa gì mà ác dữ?” Anh giải thích dài dòng đứt quãng, các trình tự chồng chéo hết cả vào nhau. Nhưng mọi người vẫn có thể hiểu rằng sáng hôm đó, khi anh chuẩn bị dắt xe ra cổng thì chị Tiên lù lù xuất hiện. Đơn giản là cư xá cách tòa án chục cây số và chị Tiên không biết đi xe máy, bà bạn hàng thân thiết nhất không thể hi sinh một ngày buôn bán chở đến tòa nên chị đành quá bộ sang nhờ anh. Phiên tòa diễn ra như bình thường với tất cả các câu hỏi từ công việc, mâu thuẫn, tình huống cho đến thói quen sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng, toà án quyết định dựa vào bằng chứng tức thời của buổi sáng rằng hai người đã vui vẻ chở nhau đến đây nên hai người có thể vui lòng chở nhau ra về hòa giải, khi nào không thể hòa giải được nữa thì lại có thể chở nhau đến đây để hòa giải thêm lần nữa và cứ thế…
Trong lúc anh Hai kể chuyện, hội cờ tròn mắt trước phiên tòa gay cấn và phán quyết kì lạ của pháp luật, chỉ có thầy hiệu trưởng thỉnh thoảng lại cười rú lên từng tràng sằng sặc. Những thành viên còn lại sau khi nghe xong đều lặng im hụt hẫng. Tất cả tính toán thông thái vạch ra rõ ràng trước kia nay sai bét. Pháp luật khác xa với những nước cờ. Cuối buổi trưa trước khi ra về thầy hiệu trưởng hỏi anh: “Giờ tính sao?” Anh cương quyết: “Thì phải chờ li dị.”
*
*         *
Nhiều năm trôi qua, thầy hiệu trưởng và anh Hai vẫn bất phân thắng bại. Không có ván cờ nào của cả đời người diễn ra nữa. Họ cứ để tình trạng nhập nhèm này kéo dài cho đến tận bây giờ. Nhưng lâu lâu sau những nước đi căng thẳng, thầy hiệu trưởng lại cố làm anh Hai phân tâm bằng cách lặp lại câu hỏi cũ. Anh lơ đãng đáp rằng đang chờ tòa án. Trong lúc chờ đợi, anh chăm chỉ xếp những cánh hoa lướt thướt xanh trở lại, chừa một lối nhỏ để chị Tiên đi vào, vẩy lên những giọt sương của buổi ban mai rộn rã. Cùng lúc đó bầy chim sẻ giật mình sợ hãi tiếng đập chát chúa của hội cờ đã bay tít lên cao, quay về ríu rít trên nóc chợ…
H.P

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *