Bài nổi bật

Mưa Chảy Tràn Qua Mặt – Thanh Vĩnh

Truyện đêm khuya – Thu xếp xong đám đồ đạc thì đã trưa, Ràng ngồi ngẩn người nhìn ra trời. Cơn mưa kéo đến đen kịt. Chiều nay chị được bác sĩ cho ra viện. Cái lưng đau mãn tính của chị đã tạm ổn. Vả lại, đi xa nhà chục ngày, chị nhớ nhà cồn gan ruột, dù ở nhà, chỉ có hai mẹ con lầm lủi ra vào. Mấy đứa em gái chị đã lấy chồng, đều đầu tắt mặt tối với việc nhà chồng, chị em năm thì mười hoạ dịp giỗ chạp mới đụng mặt. Ngay cả việc chị ốm nằm viện, chúng biết mà cũng có đến với chị được đâu. Đứa em gái út mãi hôm qua, nhân vào phố lấy hàng, nó mới tranh thủ tạt qua viện. Chị em ngồi với nhau chừng giập bã giầu. Nó dúi vào tay chị 50 ngàn đồng, ngượng nghịu: Bá mua gì ăn hộ em. Chồng nó, loay hoay moi từ túi ra một miếng cao nhỏ màu đen sẫm dúi vào tay chị gái vợ: Chị ngâm rượu mà uống. Cao này bổ thần kinh lắm. Ràng ứa nước mắt trước sự bày tỏ tình cảm vụng về của hai vợ chồng đứa em. Chúng vẫn thế, vẫn thương chị mà không thể làm gì giúp chị. Cũng như chị, dù không muốn thì vẫn phải tự mà gắng sống nốt cuộc sống của mình. Một cuộc sống chan đầy nỗi buồn, nỗi đắng cay, mà chẳng có mấy niềm vui, niềm hạnh phúc. Bây giờ ngồi đây một mình, khi các bệnh nhân khác trong phòng, người đang mơ màng ngủ, người chuyện vãn ở phòng bên cạnh, người bệnh nặng nhất – bị tai biến liệt nửa người đang chạy lade… Ràng xa xót ngẫm lại đời mình. Nỗi cay đắng, tủi thân cứ dâng lên, khiến nước mắt chị ứa ra, lặng lẽ chảy.
Cha mẹ Ràng sinh được năm người con thì cả năm đều là gái. Ràng là con cả. Cảnh nhà vốn đã chẳng lấy gì làm sung túc lại ngày càng lụn bại dần kể từ khi mẹ Ràng sau những bận sinh nở, dường như kiệt lực mà mắc chứng hậu sản mòn rồi chết. Cha Ràng gà trống nuôi con thêm được hơn năm trời, thì mắc phải một căn bệnh lạ: người cứ teo lại, bé dần đi trong những cơn đau đớn… Người ta bảo ông bị mắc bệnh mất xương. Vật vã đau đớn như thế được hơn năm trời thì cha đi theo mẹ. Thế là trong vòng chưa đầy ba năm, chị em Ràng đã mồ côi mẹ rồi lại chịu cảnh mất bố. Năm chị em trứng gà trứng vịt. Ràng 15, đứa em bé nhất chưa đầy 4 tuổi càm cắp nhau. Ràng vừa làm cha lại vừa làm mẹ lũ em mình. Họ hàng thưa thớt, vả lại ai cũng phận mỏng chả ai giúp được gì. Được cái, lũ em Ràng đều dễ bảo. Phận con nhà khó nên rau cháo no bụng là được. Nửa ngày ba đứa choai choai đến lớp, nửa ngày theo chị làm đồng mò cua bắt ốc kiếm củi nhặt rau. Con bé út, Ràng gửi nhờ nhà hàng xóm nhìn hộ, nó lê la chơi đất chơi cát, ăn mũi ăn dãi chờ chị về. Tối chị em quây tụm bên nhau. Ràng như con gà hốc, chưa đủ lông cánh che cho mình, đã phải xòe ra che cho 4 đứa em dại. Nhiều hôm, con út nhớ mẹ, khóc nhanh nhách. Hết dỗ lại dọa, nó vẫn ỉ eo. Ràng ôm em vào lòng, khóc theo, khiến ba đứa kia cũng rấm rứt. Khóc chán, năm chị em dúi vào nhau ngủ thiếp đi. Không biết đã có bao đêm như thế, nước mắt đọng thành vệt trên những gương mặt thơ dại, non nớt, đọng trong giấc ngủ mệt của năm chị em Ràng. Ngày nối ngày trong nỗi lam lũ của chị em Ràng mà trôi đi. Cảnh nhà khi còn cả cha mẹ là 7 khẩu ăn được xã chia 7 sào ruộng. Cha mẹ Ràng mất rồi, cám cảnh chị em Ràng nheo nhóc, nên xã vẫn để cho mấy chị em làm cả bảy sào ruộng mà không thu lại 2 sào như quy định. Thế nhưng, làm ruộng, giỏi lắm thì đủ gạo ăn, trăm thứ chi phí từ phân gio, nước nôi, hột giống, rồi công cày bừa, công gieo cấy, làm cỏ bỏ phân… khiến đến khi lúa chín nhẩm đi nhẩm lại, đã chi mất quá nửa. Mỗi sào may còn, dư vài chục cân thóc. Thế nhưng không thể bỏ ruộng, vì bỏ ruộng lấy đâu gạo ăn. ở cái xứ quê Ràng, người đông đất chật, ruộng ít, nên ai cũng tìm cách xoay xỏa. Hơn chục năm lại đây, không biết ai là người khơi mào, mà cả làng biết kéo nhau đi đồng nát. Một cái xe đạp cũ, miễn là khung vành săm lốp chắc chắn, một cái cân, mấy cái bao tải tàu tàu. Trăm ngàn bạc giắt làm vốn… Lang thang đạp xe khắp đầu phố cuối phố Vĩnh Yên, một ngày cũng nhặt nhạnh được chục ngàn tiền lãi. Vất vả, lại bị người ta nhìn bằng nửa con mắt, bị gọi là con đồng nát, nhưng mà lúc nông nhàn, cái nghề không giống ai này đã giúp người dân quê Ràng thêm đồng rau muối. Mà không chỉ rau muối đâu, có nhiều hộ sau mươi năm theo nghề, gây được vốn, dựng đại lý thu mua, phất lên trông thấy. Từ chỗ chỉ gom đồ cũ là chai lọ, mớ dây sắt, dây điện gỉ, nắm báo cũ, bây giờ người quê Ràng còn gom cả những cái ô tô to đùng về tháo dỡ thứ nào ra thứ ấy, bán thu tiền ròng luôn. Con đường liên huyện chạy qua quê Ràng, bỗng chốc lên phố: Nhà cao tầng sơn vẽ ngất ngưởng, xưởng thu phế liệu ngam nghê đủ loại, từ mớ báo cũ đến cả cái ô tô. Có người gọi đùa quê Ràng là nghĩa địa ô tô. Có người vui chuyện dám cá rằng, muốn tìm các loại ô tô cứ về quê Ràng, trừ xe tăng và xe bọc thép ra còn thì cần gì có nấy… Ràng, lên 18, theo mấy bà hàng xóm, cũng đi đồng nát là vì thế. Dãi nắng dầm mưa chày chày, hôm may kiếm thêm chục ngàn, chả may đạp xe rời chân lại về không, ngày nào không may nữa, nổ lốp thủng săm phải thay cái mới coi như hết lãi. Mà có muốn không đi không được, mấy đứa em lớn hơn, chi tiêu cũng lớn theo, ruộng vẫn bấy nhiêu sào, may đủ gạo ăn, còn đồng dưa mắm trông vào đâu. Chưa kể manh quần tấm áo cho chúng. Con gái 18, ăn chưa no lo chưa tới, người xưa vẫn bảo thế, vậy mà Ràng đã ra dáng tảo tần, tháo vát đủ đường. Dù lam lũ, thức khuya dậy sớm, ăn uống qua loa, nhưng đang thì con gái, nên tuy không xinh đẹp, Ràng cũng là người ưa nhìn. Gương mặt tròn dịu, làn da nâu, con mắt nâu, vầng ngực nở, bờ eo thon gọn. Lại chịu thương chịu khó, nên trong làng ngoài xã, đã có đám ngấp nghé. Trong số trai làng Ràng vẫn gặp đi làm đồng hằng ngày, Ràng cũng thầm ưa một người. Đó là Tuấn, nhà ở xóm trên. Tuấn cũng mến Ràng lắm. Việc đồng áng cày bừa nặng nhọc, anh vẫn thường giúp chị em Ràng. Lời chưa ngỏ, mà lòng như đã… Thế nhưng, chưa..ai kịp nói với ai cái điều trong tim luôn mơ ước, khao khát thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Tuấn nhập ngũ và hy sinh trong một trận đánh khi tuổi đời chớm 19. Ràng nuốt nước mắt thương bạn thương mình, lại như thấy rõ thêm nỗi nghiệt ngã của số phận. Vả lại, nếu Tuấn có trở về mà hỏi cưới thì chắc gì Ràng đã dám đồng ý. Bởi còn bốn đứa em, Ràng để chúng cho ai mà đi lấy chồng đây? Thế là, 18 tuổi đời, dù Tuấn không còn, dù luôn có người ướm hỏi, Ràng đã tự khép cửa trái tim, nguyện chăm lo cho các em khôn lớn. Lại ngày nối ngày lặng lẽ trôi. Lần lượt, Luyến rồi Xuyến và Phú lớn lên, lấy chồng, ra riêng. May mấy đứa lấy chồng cũng quanh quanh trong làng nên chị em vẫn thường xuyên nhìn thấy nhau. Con bé út Phượng hay khóc ngày nào, giờ cũng đã phổng phao ra dáng thiều nữ. Theo Ràng chợ búa vài năm, hai mươi tuổi, Phượng yêu và cưới anh chồng người xã bên. Phải nói là các em Ràng đều xinh xẻo, lại được cái nết chịu thương chịu khó, nên xem ra đắt chồng. Cứ 17, 18 đã có người dạm ngõ, dùi dắng tìm hiểu yêu đương qua lại hơn năm là xin cưới. Ràng, thay cha mẹ lần lượt gả chồng cho các em. Mấy đứa em Ràng đều học hành dở dang vì cảnh nhà túng thiếu, nhưng bù lại, chúng đều xinh ngoan. Mà có ai đã nói rất đúng rằng: những đứa con có hoàn cảnh không may mắn đều sớm khôn, sớm biết lo liệu hơn những đứa cùng trang lứa mà đủ đầy. Phải chăng mấy đứa em Ràng, biết thương cha mẹ sớm bạc phận, thương chị gái cầm lòng đứng vậy nuôi mình nên nhanh nên người. Mà cũng như là ông Giời bù trì, hay là cha mẹ Ràng linh thiêng phù hộ, khiến đứa nào cũng lấy được chồng tử tế. Ngày tiễn em gái út về nhà chồng, cũng là khi Ràng thở phào nhẹ nhõm vì đã lo cho các em trọn vẹn. Nhưng khi đám cưới xong xuôi, mọi người về hết, đêm về, cảnh vật lắng xuống, một mình đối diện bàn thờ cha mẹ đang rưng rưng hương khói, Ràng mới thấu nhận nỗi vắng vẻ, cô đơn. Và lúc ấy, Ràng như mới nhớ ra mình đã hơn ba mươi tuổi. Các em đều theo chồng, ai đã có phận nấy. Chỉ còn có Ràng là ở lại một mình. Đã 16 năm kể từ ngày cha mẹ Ràng về đất, khi ấy Ràng mới là con bé 15 tuổi, túm tóc vàng hoe sau gáy. Giờ Ràng đã là cô gái già mất rồi, dù má vẫn ửng, mình vẫn son, nhưng ở quê, thế đã là quá thì nhỡ lứa từ lâu. Những người ngày xưa nhắm nhe muốn có Ràng làm vợ, bị Ràng chối từ vì nặng lòng với Tuấn là một nhẽ, nhẽ sống còn hơn là Ràng còn phải chăm lo cho các em, giờ đã đề huề gia thất. Ngoảnh lên ngoảnh xuống, gái ba mươi tuổi đã toan về già, các cụ bảo vậy mà đúng vậy. Các em gái thương chị, nhưng còn gia đình chồng con chúng. Thi thoảng, đứa này đẻ, Ràng chạy đến chăm em mươi bữa, thi thoảng con đứa kia đau, Ràng lại tất bật thăm hỏi thuốc men. Ràng vẫn vậy, vẫn là con gà hốc, lúc nào cũng cố xòe đôi cánh nhỏ nhoi của mình bao bọc che đỡ cho người thân. Ăn uống tạm bợ qua bữa, ngày ngày ngoài việc đồng áng, Ràng vẫn theo hàng xóm đi thêm đồng nát, co cóp nhặt nhạnh, một mình tiêu chả bao nhiêu, vả tính Ràng đã quen tằn tiện xẻn xo rồi, tiền kiếm được không phải nuôi em nữa, Ràng đem gửi tiết kiệm. Nhấp nhoáng thế, mà con số đã lên đến đôi chục triệu.
Có lẽ Ràng cứ sống như thế, sống với những ký ức dù ít ỏi mà rất êm đềm về Tuấn, sống với bổn phận một người chị hy sinh hết mình vì đàn em, rồi Ràng sẽ già, sẽ đi quy như bao người đàn bà ở quê, sẽ lụm cụm một mình cho tới khi tắt hơi nhắm mắt. Phải, Ràng đã dự tính cho đời mình như thế, nếu không có con người ấy xuất hiện, nhờ họ hàng mai mối, giới thiệu, đặt vấn đề cưới Ràng làm lẽ lúc Ràng đã 36 tuổi tròn…
Người ấy đã gần 60, to cao lực lưỡng. Cũng là người cùng xã nhưng khác làng. Lúc về quê hỏi cưới Ràng, người ấy đã đeo lon đại tá, và mới nghỉ hưu. ấy là Ràng nghe người làng kháo thế, chứ lon với ve, sao với gạch Ràng có biết đằng nào. Mà biết cũng chả để làm gì, Ràng nghĩ thế. Bởi thực ra, Ràng cũng là người đơn giản. Lúc hỏi Ràng làm lẽ, người ấy vẫn đang có vợ. Bà vợ hơn chồng 6 tuổi. Người nhà quê lam lũ vốn đã mau già, lại lớn tuổi hơn chồng, lại trót đẻ một đàn 4 cô con gái. Biết mình yếm thế đủ đường nên bà cay nghiệt đến ghê gớm. Bà làm mọi cách để giữ chồng. Bất cứ người đàn bà nào đến gần ông mà chẳng may bị bà nhìn thấy, bà đều chửi là đồ nọ loại kia với đủ mọi lời lẽ thô tục. Nồng nàn, chanh chua là thế, nhưng trước mặt chồng, bà lại là con người khác hẳn. Xấu người, nhưng bà rất thích chải chuốt chưng diện, lại hay đong đưa làm duyên. Cái người đẹp mà làm duyên làm nũng nó hút hồn người ta bao nhiêu thì cái người vừa cũ vừa xấu lại cố tỏ ra nũng nịu làm duyên nó mới kỳ khôi bấy nhiêu. Bà ra sức chăm bẵm chiều chuộng ông. Bữa cơm nào ông ở nhà, dù có cả đàn con gái, bà vẫn giành ngồi đầu nồi tự tay lựa chỗ cơm ngon nhất, đơm cho chồng. Trên mâm có thức gì ngon bà chất vào bát chồng tú hụ. Ăn cá, bà tỉ mỉ ngồi gỡ từng vụn xương dăm rồi mới khẽ khàng đặt vào bát chồng kèm ánh mắt tình tứ. Bà chăm ông như chăm em út nên nhiều người trong họ tộc gặp cảnh ấy, chướng mắt, thường lấy làm chuyện châm chích ông mãi. Không ít lần, ông phát cáu vì sự chăm bẵm thái quá đến dở hơi cùng cái vẻ ỏn ẻn làm duyên rất lố của bà. Nhưng bà lại ỏn thót: thì là em thương mình vất vả, em bù cho mình mà… Những chuyện đại loại như thế, là sau này, khi về làm lẽ rồi Ràng mới biết. Chứ khi ấy, nghĩ cảnh sống một mình, các em có phận của chúng cả, lại thấy mọi người ra sức vun vào, Ràng cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều. Ràng đồng ý. Về phía nhà ông đại tá, cũng là khát người nối dõi, mà các vị trưởng lão nhà ông can thiệp mạnh khiến bà vợ già của ông phải xuống nước. Chứ khi biết mọi người trong nhà chồng quyết đi tìm vợ thêm cho ông bà ta lồng lộn làm mình làm mẩy ghê lắm. Bên cạnh chuyện ghen tuông thường tình, bà còn lo, ông lấy người khác về, đẻ con sẽ chia bơi cái suất lương cùng bổng lộc đại tá của ông với bà. Bà sống dựa vào ông quen thói rồi. Dù sao, đám cưới của Ràng vẫn được tổ chức. Tuy không có đăng ký kết hôn. Nhưng hơn hai chục mâm cỗ thịnh soạn bày ra. Đủ mặt các vị cao niên và anh em hai họ đến ăn uống vui vẻ làm chứng cho chuyện Ràng về làm lẽ ông đại tá. Bốn đứa em gái Ràng mừng vì dù sao chị cũng lấy chồng, khiến họ đỡ áy náy rằng chị đã vì họ mà hy sinh hạnh phúc riêng tư. Vả lại, làm vợ lẽ đại tá chả hơn khối người làm vợ cả bố cu bố đĩ ư? Ai ai cũng bảo Ràng mà như là tự bảo mình thế… Lúc ăn cỗ chả thấy mặt bà vợ cả, ai hỏi, ông bảo bà mệt nằm trong buồng. Mấy đứa con gái của ông đã lấy chồng cũng đến ra vào dọn dẹp. Ràng, được các em gái chải đầu tô son, lại mặc chiếc áo dài màu hoàng yến – quà cưới của ông đại tá, thì trông trẻ hẳn ra, nhìn vẫn giòn giã lắm. Chị e thẹn theo ông ra chào hai họ. Mặt ông đại tá cừ roi rói.
Tàn cỗ cưới, đã hơn hai giờ chiều, Ràng cùng chồng tiễn chân khách rồi theo ông vào buồng chào bà cả. Bà nằm ườn trên giường uể oải ừ hữ đáp lời. Coi như xong phận sự, ông đại tá kéo Ràng về căn buồng đã được sắp sẵn cho ông và Ràng. Nhà ở đây thường làm kiểu 3 gian hai chái buồng, một chái buồng là của ông và bà cả. Có thêm Ràng, thì ông đại tá cho lập luôn buồng còn lại làm phòng ngủ. Kể cũng tiện…Vừa vào buồng, không kịp để Ràng ngồi xuống, ông đã ôm chồm lấy chị ghì riết. Vừa hoảng vừa thẹn, nhưng bất ngờ nên Ràng cũng chả kịp giãy cựa. Loáng cái, ông đã đẩy Ràng ngã ngửa ra giường. Ông rên lên, đổ ập lên người chị. Tấm áo dài giờ thành của nợ, cứ vướng víu mãi. ông túm lấy vạt, giật tung hàng cúc bấm. Nửa người trên của Ràng hiện ra lồ lộ vun đầy trong ánh chiều mờ ảo. Ràng còn đang rúm người vì ngượng, thì đã thấy tay ông thọc vào háng mình, quờ quạng. Mồm ông nghiến ngấu chụp vào môi má, vào cổ, xuống bụng chị. Đúng lúc mặt ông đang áp miết vào giữa hai đùi Ràng thì cửa buồng bật tung, bà vợ cả sừng sững hiện ra. ..
– Các người hay nhỉ? Làm, trò mèo chuột giữa ban ngày ban mặt thế hả?
Ràng cuống cuồng vì thẹn và sợ. Cố hết sức đẩy chồng ra, chị vùng dậy, vừa kéo mảnh áo che thân, vừa rúm người lùi vào góc giường. Bà cả tiến đến, tóm lấy vai ông đại tá, kéo giật ra, cú kéo cho thấy bà chẳng có vẻ gì là ươn người ốm mệt. Bà rít giọng:
– Ông già rồi mà còn vục đầu vục mặt thế, không sợ chết có ngày à?
Tưởng bị phá đám, ông sẽ phát khùng, nhưng không, như người chợt tỉnh cơn mê, đang bừng bừng là thế, ông bỗng nhũn người như chuột bị mắt rắn chiếu tướng. Ông lồm cồm đứng dậy, rúm ró cười nịnh:
– Thì bà mày đồng ý cho tôi với dì nó còn gì?
– Đã đành, nhưng lúc nào phải do tôi sắp xếp. Ông già rồi. Còn dì – Bà quay sang Ràng đang ngồi chết ngắc sượng sùng nơi góc giường – Đừng lôi kéo ông ấy. Giọng bà đang đanh đách bỗng mềm oặt, ngọt ngào mà ráo hoảnh – Dì còn trẻ, chị em mình phải bảo nhau chăm nom cho ông ấy nhá. Có thế thì cả tôi và dì mới cùng được hưởng phúc lâu dài mà…
Sau câu nói ấy, bà nắm tay ông kéo ra ngoài. Ràng ngồi lặng người bẽ bàng. Xẩm chiều, bà cả nằm trong buồng, chân quặp ngang người chồng, dõng dạc phán ra cho Ràng phải nấu gì, ăn gì. Lạ nhà, lạ cảnh, nhưng vốn tháo vát, nên Ràng cũng nhanh chóng làm xong bữa tối. Một ít đồ ăn cỗ cưới trưa còn thừa, cộng mấy con cá đã làm sẵn và mớ rau hái ở bờ rào, Ràng nấu nướng sắp xếp thành mâm cơm tươm tất. Chị còn vặt vội nắm lá bưởi trong vườn, bẻ thêm vài quả bồ kết nướng đun một nồi to nước mời hai ông bà tắm rồi ăn cơm. Thu xếp xong xuôi, chị xin phép về lại bên nhà. Ông  còn sững người vì bất ngờ, thì bà đã bẻo lẻo:
– ờ phải đấy, dì về xem nhà cửa thế nào, kẻo đêm hôm, vắng chủ…
Không nhìn lại chồng, Ràng cúi mặt bước nhanh ra cửa. Vừa đi vừa chạy. Đến nhà, không cả bật đèn, chị đổ xuống giường. Cảm giác tủi hổ chua xót dâng lên. Biết thế này, thà ở vậy… Nước mắt chan chứa chảy. Khóc chán, chị ngồi dậy ngó ra ngoài trời, đêm hình như đã khuya lắm. Màn trời trống trênh. Ràng lại nằm vật xuống, rồi xoay người nằm ngửa… Bỗng nhiên, cái cảm giác bị ông đại tá xô ngửa ra giường lúc chiều chợt ùa đến, dằn vào từng thớ thịt, khiến chị nhột nhạt. Một nỗi thèm muốn mơ hồ dâng lên, từ từ nhấn chìm chị xuống. Ba sáu tuổi đầu, ngay cả sau ngày cưới, chị vẫn là gái đồng trinh. Quãng đời thanh xuân mải miết làm lụng chăm lo cho các em, gương mặt lúc nào cũng bưng kín bằng tấm khăn choàng chống nắng. Với Tuấn ngày xưa cũng chỉ là ánh mắt thầm lén gửi trao. Cả những đụng chạm với người khác giới chị cũng chưa từng. Thế nên, cái thô bạo của ông đại tá chiều nay làm chị sợ và ngợp, giờ đây như con thú nấp trong bóng tối bỗng xổ ra khiến bản năng đàn bà trong Ràng như được đánh thức. Không định, mà bất chợt chị oằn người, rên lên… Run rẩy, khao khát…
Ràng tỉnh giấc rất sớm, trời còn tối mờ mờ. Người ê ẩm, ngột ngạt. Theo thói quen, chị vùng dậy vơ cái lược giắt đầu giường chải qua mớ tóc. Bật đèn bước ra gian ngoài, chữ song hỷ dán ngay bức vách đập vào mắt đã nhắc Ràng nhớ ra, chị đã là gái có chồng, chị đã đi lấy chồng… Và ngay lập tức, nỗi tủi thân cay đắng hôm qua lại ùa đến làm chị ngạt thở. Thôi thì, đã đâm lao… chỉ tự nhủ… Súc miệng, rửa quàng cái mặt, khoác thêm cái áo dài tay, chị bước thấp bước cao ra ngõ, trở lại nhà chồng… Len lén đi trên đường, Ràng rất sợ có ai nhìn thấy chị lúc này. Chắc người ta sẽ hỏi tại sao cô dâu mới lại từ nhà mình đi ra vào lúc ấy. Bởi đúng ra, lúc đó, chị phải ở nhà chồng, trong một vai trò khác chứ, thế thì chị biết trả lời sao… May quãng đường hơn hai cây số, trời lại còn sớm, nên điều chị lo đã không xảy ra. Chị đẩy cổng bước vào nhà chồng, lòng châng hẫng không cảm xúc. Gọi mấy câu trong nhà vẫn im ắng, chị đành kê dép, ngồi xuống bậc thềm… Vợ chồng đại tá vẫn ngủ chăng? Mà cũng lạ, đêm qua, không thấy chị trở lại, ông đại tá cũng không hó hé gì là sao? Có người đàn bà nào có đêm tân hôn như chị không? Gục đầu lên hai cánh tay, Ràng lan man với những ý nghĩ không đầu không cuối… Và rồi, chị giật nảy người khi nghe tiếng nói sắc mỏng đầy uy quyền, cất lên ngay bên cạnh:
– Dì đã lại đến đấy hử?
Ràng vội đứng bật dậy?
– Em chào chị..
Bà cả liếc xéo Ràng, ngáp một cái, rồi:
– Dì xuống bếp xem thổi nấu bữa sáng nhả…
Giao việc xong bà lững thững ra giếng, cái quần lụa nhàu nhàu, cái áo cánh phin nõn mỏng hằn dây yếm thít chặt ngang người. Bà thõng thẹo bước. Ràng vội vào bếp, nhóm lửa, kiểm đồ ăn thức đựng nấu bữa sáng… Lúc chị bưng mâm ra, ông đại tá cũng đã dậy. Nhìn quanh, không thấy bà cả, ông vội đến cạnh chị. Rất nhanh, tay ông luồn vào sườn chị véo nhẹ, mồm thì thào:
– Tôi nhớ dì quá. Tối nay dì đừng về nhà nữa nhá, tôi có cách rồi…
Rồi cũng rất nhanh, ông rút tay ra khỏi người Ràng, bước ra ngoài, gọi:
– Bà về ăn đi chứ.
Mãi sau này Ràng mới biết cái cách mà ông đại tá làm để ông và chị có đêm tân hôn bù mà không bị bà quấy. Sau bữa tối, ông lén pha hai viên thuốc ngủ vào cốc nước đường, bê tận mồm mời bà. Bà sướng mê vì được chồng cung cúc, liền ngửa cổ làm một hơi, sai Ràng cất cốc. Nằm vắt vảnh cạnh ông một lát, bà đã ngáy kho kho. Ngay lập tức, ông sang buồng Ràng. Chị đang nôn nao vì hồi hộp và nhớ lại cái lúc bị ông đè ngửa chiều hôm trước thì ông lách cửa lẻn vào. Lại cuống quít, lại nắn bóp vồ vập… ông hăm hở lột trần Ràng ra… Nỗi khao khát hôm qua lập tức ùa đến trong chị. Và như nước tràn bờ ngày lũ, cả hai thân thể lập tức xoắn chặt lấy nhau, gồng lên từng nhịp, dồn dập, dữ dội, cho đến khi cùng nằm lịm, kiệt sức trong sự thoả mãn. Mãi lâu, ông nhỏm dậy, gối đầu lên bụng Ràng, rên rỉ:
– Em hay lắm… Số tôi khổ phải ở cùng người vợ chả ra gì. Mụ ấy ép tôi đủ đường. Em thương tôi, đừng về bên nhà nữa nhé. Rồi tôi sẽ liệu cho êm, em cố đẻ cho tôi thằng cu. Tôi không để em thiệt đâu. Mụ ấy mà làm quá, tôi đưa em vào Cần Thơ sống. Trong ấy, tôi được đơn vị cũ tạo cho một cơ ngơi cũng khá để về nghỉ dưỡng già. Em cứ yên tâm.
Ràng nằm lặng, không biết phải đáp lời ra sao. Xưa nay, Ràng quen với sự hy sinh, nhường nhịn, lo lắng cho người khác. Ràng đâu đã quen với việc có ai sẽ là chỗ dựa cho mình như thế. Cảm động, vui hay buồn, trong Ràng lúc ấy không hiểu sao trống rỗng mọi ý nghĩ, xúc cảm. Nhưng Ràng không kịp cảm thấy gì nữa, bởi vừa lúc ấy, bàn tay ông đã lại rờ rẫm lùa lên người Ràng…
*
Thế nhưng, cái cách để hai vợ chồng gần nhau kiểu ấy không tồn tại được mấy ngày. Bà cả đã kịp nhận ra điều không bình thường trong mỗi cốc nước ông mời bà sau bữa tối. Có một lần bà vờ làm như đã uống rồi lén nhổ đi. Và kết cục là đêm đó, khi ông vừa trườn lên người Ràng, thì đèn bật sáng choé. Bà đã đứng sừng sững ngay cạnh đầu giường hai người. Con dao nhọn lăm lăm trong tay. Bà kề vào cổ mình, giọng lạnh tanh:
– Ông lừa tôi. Cả dì mà cứ lôi kéo ông ấy như thế nữa tôi đâm cổ tôi chết ngay cho hai người xem.
Mồm nói, tay bà dấn sâu con dao, mắt bà mở trừng trừng bất chấp. ông hoảng hồn vục dậy, xỏ vội quần áo, kéo bà về buồng, bỏ Ràng lại trong nỗi sượng sùng tủi hổ.
Thời gian như kéo lê trên nỗi cay đắng của Ràng, bởi những ngày tiếp đó, Ràng như một ôsin chính hiệu. Ngoài lúc đi làm đồng, về nhà, Ràng lủi thủi ra vào căn buồng và cái bếp nhà chồng. Có hôm, Ràng lại bỏ về nhà mình nằm khóc. Khóc chán, sáng ra lại lủi thủi về bên chồng. Mà cái chuyện ấy nữa, giá không biết thì thôi một nhẽ, đằng này, ông đại tá đã ít nhiều đánh thức bản năng trong Ràng. Thế nên, nước mắt Ràng cay đắng chảy vì số phận một phần, phần nữa, là vì nỗi thèm muốn, khao khát những ân ái vợ chồng. Ràng nghe người ta kể, những đàn bà vắng chồng, đêm đêm thèm quá liền cứ trần ra mà xay lúa giã gạo, có người còn ra vườn cuốc đất đến vã mồ hôi rồi ra giếng dội nước lạnh cho nguôi vơi thèm khát, ấy là ngày trước chưa có máy xay xát lại còn có vườn mà cuốc. Chứ bây giờ… mà chồng Ràng có vắng khuất gì cho cam. Nhìn thấy nhau đấy, ăn cùng mâm đấy mà phải làm như xa lạ, như không thấy nhau… Dù đã gần sáu mươi tuổi đầu, ông vẫn tỏ ra khoẻ mạnh và ham muốn, vẫn khiến Ràng được thoả mãn và thèm khát. Nhưng những khi không có Ràng ở bên, hẳn ông vẫn có bà vợ già, còn Ràng đâu có ai để ôm ấp yêu thương. Càng nghĩ ngợi, càng tủi thân, nỗi khát khao càng trào dâng, xoáy vào lòng Ràng như cuộn nước ngày lũ cường. Vật vã, oằn oại Ràng lại khóc. Nước mắt tuôn như không thể nào cầm nén… ông đại tá cũng nhấp nhổm, nhưng không dám qua mặt vợ già. Cái thân thể săn chắc đầy đặn ấm nóng của Ràng đă khiến ông luôn khao khát. Đó là điều mà thời trai trẻ ông không cảm thấy khi ở cùng người vợ đầu. Ngày xưa cưới vợ là do cha mẹ ông đi bộ đội, về nhà mươi ngày là có vợ. Dù vợ già hơn, dù không được kén chọn yêu đương thì ông cũng phải làm cái việc chồng vợ với người được cha mẹ cưới cho như lẽ đương nhiên. Càng về già, bà lại càng hay ghen bóng gió. Ông đã phải nhờ đến họ tộc đe loi bà vài lần. Và ông chặc lưỡi chịu đựng với ý nghĩ: thôi cũng là số kiếp. Sẽ mãi là như thế nếu ông không là trưởng tộc, phải có trách nhiệm đẻ cho được thằng cu nối dõi. Cũng không phải bây giờ chuyện này mới được ráo riết thực hiện. Ngày trước, họ hàng nhắc nhở ông nhiều phen. Nhưng vừa là bà vợ làm dữ, vừa là ông sợ ảnh hưởng đến công danh uy tín. Đường đường cấp tá trong quân đội, một đời vào nam ra bắc, làng đã có mấy ai thành đạt như ông. Thế nên ông đành ngơ đi. Nhưng bây giờ, nghỉ hưu rồi. Thì cái việc này lại được họ mạc đặt lên hàng đầu, mà người thực thi không ai khác phải là ông. Là vương tướng ở đâu, thì trong họ tộc, anh cũng phải phục tùng theo khuôn phép. Thế là ông rời ngôi nhà ở Cần Thơ đầy đủ tiện nghi về quê. Thế là có đám cưới với Ràng. Nhưng việc có thằng cu sẽ không thành nếu cứ bị bà cả quái ác chặn giữa. Vả nữa, ông cũng thích Ràng, thích cái vẻ vụng về xấu hổ của Ràng mỗi khi được ông yêu. Thế thì làm sao đây? Ông nghĩ, nghĩ mãi. Và nảy ra một kế. Nhân lúc bà cả ngủ trưa, ông lén sang buồng Ràng thì thào, dặn dò…
Ngay buổi chiều đó, Ràng lần lượt qua nhà bốn cô em gái. Biết nỗi khổ của chị gái từ lâu, nay nghe chị rân rấn nước mắt ngượng ngùng bày tỏ. Cả bốn cô em gật đầu tắp lự. Xẩm tối, Ràng đã có trong tay bốn chiếc chìa khoá nhà các em… Đêm đó, Ràng không tài nào chợp mắt, mong cho trời mau sáng.. .
Sáng hôm sau, mau mau chóng chóng nấu bữa sáng xong, Ràng lùa qua mấy miếng cơm, rồi miệng vừa bảo bà cả: Em đi làm… tay đã quơ quang gánh. Chùm bốn chìa khoá nằm im trong túi mà tim Ràng cừ đập như thúc trống. Ràng có cảm giác bà cả đang nhìn chằm chặp vào chị, rồi tóm lấy tay chị mà đoạt mất chùm chìa khoá. Nhưng không, bà vẫn mải và cơm sáng, cũng chả buồn ngẩng đầu lên nhìn chị lấy một cái. Ra đến cánh ruộng, Ràng vơ cắt nhoáng nhoàng đám cỏ bờ, rồi rửa liềm, xếp gánh. Chị quẩy đôi quang bồng bênh vài đụm cỏ chạy một mạch đến nhà Luyến. Đã hẹn trước, nên cả nhà Luyến đi vắng. Khi Ràng tới, thì ông đại tá cũng vừa sang. ông chụp lấy chùm chìa khoá trong tay Ràng, vội vàng mở cửa: Tay ông run bắn, nhầm hết chìa nọ đến chìa kia. Mồ hôi toát ra trên trán ông… Cánh cửa vừa bật ra, ông đã kéo Ràng vào. Ngoắt người chốt cửa. Ông bế thốc Ràng loạng choạng đưa đến cái phản kê ngay gian cạnh. Mặc đôi chân Ràng vẫn bám vệt bèo tấm chưa kịp rửa lại, ông dằn ngửa chị ra phản. Nỗi khát thèm bị dồn nén bao ngày cũng khiến Ràng cuống quít. Như quên hết mọi nỗi niềm, cả sự e thẹn vốn dĩ, Ràng đu vào cổ ông oằn người đón nhận…
Cừ như thế, vài ba ngày, Ràng lại gồng đôi quang ra đồng. Và ông, sau khi báo bà vợ mấy câu cũng đi. Rẽ chơi chỗ ấy chỗ nọ lấy lệ, áng chừng non buổi, là ông rảo chân tới chỗ hẹn với Ràng. Lần lượt chìa khoá bốn căn nhà của bốn cô em gái Ràng được sử dụng. Hôm nay là nhà Luyến thì lần tới là nhà Xuyến, rồi Phú, rồi Phượng… Dù vụng trộm, nhưng hai con người khốn khổ cũng đã có được những thời khắc nồng nàn bên nhau… Nhưng dù cho bà cả chưa kịp phát hiện ra việc này, thì đã có một việc khác xảy đến. Bởi mượn nhà các dì như thế được hơn ba tháng thì vào một buổi, trong khi đang mân mê bầu vú Ràng, ông đại tá giật thụt: bầu vú vẫn mịn căng, nhưng cái núm vú thì thâm xịt, vểnh lên. Ràng chửa rồi? Ông tự hỏi. Lén nhìn Ràng, trong ông dâng lên một cảm giác khó tả. Nếu Ràng chửa, thì có được thằng cu? Mà ông sẽ giải thích với bà cả chuyện này thế nào? Vì rõ ràng ông đang bị bà canh giữ. Bà chưa hề “sắp xếp” cho ông gần Ràng như bà đã nói hôm cưới. Thế mà giờ nếu Ràng chửa thì phải nói sao? Đúng là mạ già ruộng ngấu, thậm thụt thế mà đã chửa ngay được. Ông thầm cười Ràng, lại phải tính kế cho êm thôi. Ông nghĩ…
Không biết ông đại tá dỗ dành thế nào, mà mấy tối sau, bà vợ nhả cho ông sang với Ràng mỗi đêm một tiếng. Đến đêm thứ tư, thấy quá chín giờ chưa thấy ông về, bà lại xống xộc đạp cửa buồng Ràng… Lúc ấy, ông cũng vừa hỏi Ràng xem cô thấy người khác gì không. Ràng thẹn, đỏ mặt, lúng búng:
– Hai tháng nay, em không thấy cái ấy nữa?
Đích là Ràng đã chửa, mà đã chửa hai tháng là ít. Ông bảo:
– Em chửa rồi đấy. Ràng tròn mắt.
– Thế a? Em sắp có con?
Ông bảo:
– Em không biết em đã chửa à? Tôi thấy từ mấy hôm trước, nên phải dỗ ngọt bà cả để có cớ công khai gần em, sau này em đẻ, khỏi lo bà ấy chận chộ con ai, đủ tháng với thiếu tháng, rách chuyện. Thôi để vài tuần nữa, tôi sẽ nói với bà ấy là em đã chửa. Chắc là ổn.
Ràng ngẩn người trước sự chu đáo của ông. Mất mẹ sớm quá, Ràng có được ai bảo cho biết đàn bà sau khi ngủ với đàn ông, mà tháng không thấy có cái của ấy ra nữa thì nghĩa là đã chửa. Nhưng niềm vui sắp có con lại là báo hiệu nỗi buồn tiếp theo của đời Ràng. Bởi sau khi ông đại tá thông báo chuyện Ràng đã chửa, bà cả cũng vặn vẹo mãi. Rồi chẳng có bằng cớ nào, bà ta đành chấp thuận, dù lúc ấy, bụng Ràng đã nổi to chẳng giống người mới có mang. Lấy cớ người chửa phải kiêng giữ. Bà cả càng giữ rịt chồng hơn trước. Hơn chồng 6 tuổi, bà cũng hết ham hố chuyện ấy từ bao giở bao giờ. Nhưng không ăn được thì bà xô đổ nhé. Ràng đừng có hòng cậy trẻ hơn, mỡ màng hơn mà muốn sao được vậy với bà.
Lần này, sự thai nghén và niềm vui sắp có con khiến Ràng nguôi vơi khao khát, nhưng ông đại tá thì không. Cái bụng Ràng càng mẩy ra, thì ông càng thêm muốn được thọc tay vào áo Ràng như mọi bận…Và không kìm được lòng, ông lại tìm cách… Lúc ấy Ràng đã mang bụng được tám tháng.
– Giời ơi, đồ mặt dày. Đã già mà còn sấp mặt vào… nó. Không chán à? Cả mày nữa, mày đong đưa dụ dỗ chồng tao vừa thôi. Không tao xé mặt mày ra đấy…
Bà cả vừa nhảy chồm chồm, vừa rít như rắn hổ lên cơn xỉa xói vào hai con người đang cuống quít mặc lại quần áo trên giường… Ràng, bụng to kệnh, nghẹn ngào không nói nổi một lời. Còn ông, xỏ xong cái quần, cùn cụt bỏ ra nhà ngoài. Ngay đêm đó, không biết có phải vì Ràng và ông đại tá làm chuyện ấy, hay vì những lời rỉa rói thô tục dai nhách của bà cả, Ràng trở dạ…
Vật vã, gần như phát cuồng vì đau, rồi cuối cùng, Ràng phải mổ đẻ vì tuổi cao, lại sinh con so… Tỉnh dậy sau một ngày mê man, Ràng được biết đã sinh con gái. Bà cả không đoái qua một lần. Vài tuần đầu, các em Ràng thay nhau lên giặt giũ cho chị. ở nhà ông đại tá đầy tháng, chịu không nổi sự đay đả ngấm nguýt của bà cả, lấy cớ đưa con về thăm ngoại, Ràng xin ông bà cho về nhà mình. Ông đại tá, lại như mọi lần, không ừ không được. Thêm nữa, Ràng lại đẻ con gái. Bà cả hơn hớn ra mặt. Còn ông âm thầm thất vọng. Số kiếp rồi… ông thở dài, nhìn theo Ràng bế con đi.
Qua lại được vài lần thăm mẹ con Ràng, bị bà cả ghen đem dao ra đe sẽ tự cắt cổ tay chết nếu ông còn đến nhà Ràng. Ông đại tá bỏ đi Cần Thơ. Hơn năm sau, phần muốn trốn nợ sản hơn tấn thóc của hợp tác xã, phần sợ ông đại tá trong Nam “theo con khác”, bà cả lẳng lặng sai con mua vé cho bà đi Cần Thơ.
Thấm thoắt đã mười lăm năm kể từ ngày ấy. Con bé Hồng đã vào lớp 10. Thế nhưng, chưa một lần thấy mặt cha, cũng chưa một lần, ông đại tá nhắn tìm mẹ con Ràng. Ràng nuốt nỗi cay đắng vào lòng, lại lầm lũi làm lụng nuôi con. Con bé mới mười bốn mà đã cao lớn hơn bạn cùng trà. Nó giống ông đại tá cái phom người. Và xinh xẻo hơn mẹ. Thế là giời cũng thương Ràng rồi. Hơn một năm mang tiếng có chồng, được ở cùng chồng tính đi tính lại chưa đầy dăm tháng trong nỗi vụng trộm khốn khổ, giờ mái tóc Ràng đã xơ xác, sợi đen lẫn sợi bạc. Những năm tháng dầm mưa dãi nắng kiếm sống, những đêm nuốt tủi hờn cho duyên phận đã khiến Ràng xuống sức trông thấy. Gần đây, những cơn đau nhức vai gáy dữ dội khiến Ràng không thể cố gượng. Nhờ các em thi thoảng đảo qua nhà nhắc con bé ăn học. Ràng xếp nồi niêu gạo củi quần áo chăn màn lên cái xe chị vẫn đi đồng nát, một mình đạp vào bệnh viện tỉnh xin nội trú chữa bệnh. Được nghỉ ngơi, lại thêm thuốc men điều trị, sau mươi ngày, bệnh của Ràng đỡ trông thấy. Người nhẹ nhõm thơ thới hơn. Ràng xin ra viện. Ngày mai, Ràng lại về với cuộc sống lam lũ tất bật hằng ngày. Không hiểu sao, trong lúc này, những ký ức của đời Ràng lại cuộn xô về, khiến Ràng bỗng nhớ lại tất cả mọi nỗi niềm đã trải. Có ai bảo rằng: chỉ người già mới hay lẩn thẩn ôn lại quá khừ. Thế thì Ràng đã già rồi chăng? Hơn 50 tuổi đầu, Ràng đã già mất rồi. Nếu không, sao lại ngồi đây mà ứa nước mắt nhớ về quá khứ nhiều thế.
Sẽ chẳng biết Ràng cứ ngồi thế đến khi nào, nếu vị y tá trưởng không đột ngột xuất hiện, lanh lảnh nhắc Ràng ra làm thủ tục thanh toán để ra viện. Như sực tỉnh khỏi cơn mơ. Ràng vội đứng lên. Mấy bệnh nhân trong phòng cũng lần lượt thức giấc. Mây đen vẫn vần vũ đầy trời. Không khéo lúc về gặp mưa mất. Lại còn nhà cửa vườn tược, đi vắng chục ngày chả biết con bé Hồng có biết thu quén… Phải nhanh nhanh mới được. Ràng tự nhắc mình.
Trên đường đi thanh toán viện phí về, nắn lại cái túi vải khâu lận vào cạp quần đựng tiền, Ràng không hỏi lo lắng. Hết hơn triệu bạc, thế nghĩa là cuốn sổ tiết kiệm của Ràng lại mỏng đi ít nhiều. Thời buổi trượt giá, đồng tiền sôi mồ hôi nước mắt mới kiếm được mà tiêu vèo vèo chả có nghĩa gì. Con bé Hồng lên cấp 3, đóng góp nhiều hơn, mà việc kiếm tiền thì ngày càng khó. Ràng không lo sao được. Nhưng thôi, việc ấy tính sau. Ràng phải chào các bệnh nhân cùng phòng và nhanh nhanh thu xếp để về đã.
Nhưng đúng lúc Ràng đang nhờ một chị người nhà bệnh nhân cùng phòng khiêng bao tải đồ ra bãi gửi xe để lấy xe đạp ra về thì Phượng, đứa em gái út xuất hiện khiến Ràng ngỡ ngàng. Mấy người bệnh cùng phòng nhao nhao:
– May quá. Có em gái đón rồi, kẻo một mình vừa ốm dậy phải đèo cả tải đồ thô ngược gió hơn chục cây số thì ốm lại mất.
Phượng cười chào mọi người rồi vừa như thanh minh vừa giục chị:
– Em lên phố đòi ít tiền hàng, tranh thủ rẽ qua đèo hộ bá em ít đồ. Nhanh lên bá, kẻo mưa đến nơi rồi.
Hai chị em chất tải đồ của Ràng lên xe máy cho Phượng đèo. Trước khi nổ máy đi, Phượng nhìn chị, xa xót:
– Thôi chị chịu khó đạp xe đi dần. Em phóng về trước cất đồ rồi quay lại đón nhé. Mà em bảo này: Vừa có tin về bố con Hồng đấy.
Nghe ba từ “bố con Hồng” tim Ràng chợt như thắt nhói lên một cái. Nhưng rồi, Ràng chỉ hỏi lại một câu rất nhẹ, như hơi thở: thế à? Mặt cui cúi, Ràng lên xe đạp đi, không nghe thấy Phượng đang nói thêm điều gì đô. Bỗng, một ánh chớp nhằng lên kèm tiếng sấm vang rền. Một cơn gió lạnh dữ dằn thốc ngược, rồi như có ai đó bỗng úp sấp miệng vò nước, mưa xối xả trút xuống. Mọi người xô nhau tìm chỗ trú. Ai cũng vội vã lao đi, không ai kịp nhìn thấy trên đường lúc đó, có một người đàn bà bé nhỏ đang gò lưng trên chiếc xe đạp. Những hạt mưa quất ràn rạt trên vành nón mỏng manh của chị. Trên gương mặt buồn lặng ấy… những dòng nước mưa hay nước mắt đang chan chứa chảy, ràn rụa tràn xuống…
Tác giả: Thanh Vĩnh – Thực hiện: Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *