Bài nổi bật

Mùa Hoa Lam Hà – Nguyễn Thế Hùng

Đọc truyện đêm khuya – Chẳng hẹn mà thành lệ, cứ mỗi độ trời vào đông rét ngọt, nhìn ra tỉnh lộ, thấy ngất ngưởng trên những chiếc xe thổ mộ những cuộn lá dong, những ống giang, ống nứa kèm theo mấy cành đào núi nở sớm đang nối nhau về xuôi là Chung lại sắm sửa máy ảnh, vật dụng cho một chuyến ngược lên Chính Mần.
Sở dĩ Chung lên Chính Mần vào độ ấy cũng là nhờ một cơ duyên, đó là lần đầu tiên Chung gặp hoa lam hà, anh đã sửng sốt đến ngạc nhiên. Trong cái lạnh dưới độ âm vậy mà những cánh hoa mong manh trắng mướt mát vẫn cứ ru trong gió, và cái nhị mới đáng yêu làm sao, nó tròn xanh lơ đãng như mắt trẻ thơ. Lần đầu tiên thấy loài hoa đó, ngắm nó trong những khoảnh khắc trời sáng tối của chiều cuối đông khi trên cao có một vài tia nắng hình rẻ quạt chiếu xuống thung lũng, và bên kia sườn đồi mấy con trâu già đang gắng trườn mình mau xuống dốc để trở về chuồng tránh rét, tiếng mõ trâu nghe cũng trầm đục hơn trong cái lạnh thành băng.
Trước cảnh ấy, Chung cảm được da mặt mình tê tê và hai mắt muối mặn môi. Có một sự dâng trào trong cơ thể, hơi thở gấp gáp hơn và tai hình như không còn nghe được mọi động tĩnh của rừng. Chỉ có đôi mắt và tay, máy ảnh và những cánh hoa lam hà đang vẫy gọi. Đó là trạng thái rất ít khi gặp trong cuộc đời cầm máy của Chung. Và rồi mặc cho cái lạnh và mưa bụi bắt đầu lay lắt, quên đi tất cả xung quanh, Chung bấm máy không biết mệt, anh muốn thu trọn vào ống kính cái mỏng mảnh trong suốt như pha lê mà lại lay động, lung linh trong gió rét, cái mỏng mảnh đó như là hơi thở nhẹ của một nàng tiểu thư quyền quý nhưng lạc lối đến chốn núi rừng và ở lại với núi rừng, để tạo sự khác biệt của loài hoa đài các, hoa chỉ nở vào đúng một ngày lạnh nhất của tiết cuối đông, ngày mà muôn hoa trong vùng đều rũ cánh, rầu rĩ cúi đầu khuất phục trước sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.
*
Sau cái cơ duyên ban đầu ấy, Chung lại về xuôi và tiếp tục đi học. Nhưng trường lớp buổi áp tết chẳng khác gì cảnh chợ chiều, học trò chộn rộn để về quê và thầy cô giáo thì cũng mong cho mau hết tiết để về nhà còn sắm cho gia đình một cái tết thật tươm tất. Vất vả chắt bóp quanh năm rồi, tết nhất nó phải thoải mái, hoành tráng. Ai cũng nghĩ vậy thành ra ai cũng bận rộn với những ngày áp tết. Thấy học trò không muốn học, thầy cô cũng không muốn dạy. Chung đưa máy điện thoại ra, mở tệp ảnh ra ngắm những tấm ảnh mới nhất vừa chụp được ở đỉnh Chính Mần, đang xem thì Chung nghe bên tai có luồng hơi ấm phả vào, giật mình vội quay sang, môi gần môi, mắt sắp chạm mắt.
Bị bắt quả tang đang nhìn trộm ảnh, mặt Kim ửng đỏ, miệng thì thào: “Hoa gì lạ thế anh, chưa thấy bao giờ”. “Lam hà!”. “Hoa gì, lan hài à? Em thấy hoa lan hài khác cơ, nó giống như chiếc hài công chúa, màu vàng, nhỏ xíu”. “Hoa lam hà Chính Mần, anh mới chộp được ngày hôm qua, đây cũng là lần đầu tiên anh thấy loài hoa này, chỉ tiếc em không thấy nó khi đang ở núi, và mưa, và gió rét…”.
Kim mượn Chung chiếc điện thoại và lật từng trang ảnh để xem. Một lúc sau, Chung nhìn sang, thấy mắt Kim hoe đỏ. Kim khóc. Hay cảm giác của Kim lúc này cũng giống Chung hôm qua khi lần đầu tiên gặp hoa, không phải khóc mà cứ thế nước mắt thấm xuống mặn môi. Trước cái đẹp, con người thường im lặng, trầm ngâm ngắm nhìn, thậm chí còn khóc mà không cười, không vui, lạ thế?! Hay tại vì cái đẹp vốn thường mong manh, dễ vỡ, như là tình yêu, hạnh phúc, khó kiếm tìm, nhưng dễ đánh mất trong cõi vô thường này.
*
Đêm đầu tiên ngủ một mình trong căn phòng nơi đầu chái của lớp học, nghe con chim tìm chồng khảm khắc từng tiếng như nạo vào đêm, tiếng nai toác và hình như có tiếng gió như vuốt mèo hoang cứ cào sồn sột vào vách liếp làm cho Kim không sao chợp mắt được. Quờ tay ôm chặt lấy tấm áo của chồng, đưa lên mặt để chặn dòng nước mắt, Kim hít hà mùi chồng khao khát trong đêm, ngực căng tức nhìn bốn phía vẫn đêm, một mình đếm tiếng tắc kè chẵn lẻ, con chim tìm chồng cũng đã bay gần giáp một vòng núi. Chim bay giáp vòng núi là trời sẽ sáng. Chập chờn trước mắt Kim khi là khuôn mặt sạm nắng gió có phần se sắt đi của chồng và đôi môi dầy với cặp mắt chim ưng có cái nhìn thẳng, quyết đoán và có lúc lại là cái bản mặt in ỉn thịt, trắng nhệu nhạo với đôi môi thâm như có ai vừa cắt hai miếng thịt trâu già dán vào của tay trưởng phòng.
Ngày theo chồng ngược về đây, Kim có quyết định điều động lên Chính Mần nhưng khốn nỗi chồng của cô lại công tác bên Chính Phu Sử. Kim nhờ người quen đánh tiếng muốn được gặp trưởng phòng để xin về một trường nào đó gần nơi chồng công tác. Trưởng phòng cho Kim một cái hẹn ở quán cà phê được bao bọc bởi tầng tầng lớp lớp cây mần tang và tắc tẻ nơi đầu con dốc vào thị xã. Trời mưa, quán vắng, ắng lặng tiếng người. Hai người vừa ngồi xuống bàn nước, trưởng phòng đã đưa đôi mắt trắng dã như mắt lợn luộc với cái nhìn quy hoạch trên từng xăng ti mét vuông cơ thể Kim, dừng lại rất lâu nơi dưới cái cần cổ ba ngấn, và rãnh thấp núi đồi bờ khe. Trưởng phòng nói:
– Chồng là công an à? Công an – giáo viên. Bộ đội – giáo viên. Chả hiểu sao đây như là một cái công thức chuẩn ấy nhỉ. Bao nhiêu cặp, bao nhiêu đôi lên đây đều thế. Vợ công an và bộ đội thì rất đáng được chiếu cố rồi.
– Dạ em cảm ơn thầy.
– Nhưng… khốn nỗi cái nơi đèo heo hút gió này, nơi biên cương xa xôi này thì cũng chỉ có công an và quân đội trấn giữ thôi, chiếu cố thì ai nên ai đừng…
– Em chỉ muốn được phân về bên Chính Phu Sử, nghe nói bên đó còn khó khăn hơn bên này, nhưng chồng em đang công tác bên đó, nếu có thể được thì…
– Lại một nguyện vọng vô cùng chính đáng, chính đáng đến không thể từ chối được.
– Dạ em cảm ơn…. anh.
– … nhưng…
Đến “nhưng” thứ hai này thì ánh mắt quy hoạch của tay trưởng phòng đã len vào giữa hai khe ngực Kim và ánh mắt ấy như hai mũi dùi nóng đỏ cứ đứng nguyên một chỗ ở đó rất lâu. Đến khi không còn chịu được, Kim với tay định lấy cốc nước cam để phân tán ánh mắt của đối phương nhưng khi Kim vừa đưa tay ra chưa kịp cầm lấy cốc nước thì liền bị trưởng phòng chộp lấy tay, ông ta nói trong tiếng thở gấp:
– Nhiều nhưng vẫn có cách, nguyện vọng của em sẽ thành hiện thực, ngay chiều nay em sẽ có quyết định, ngay tối mai em sẽ được ở với chồng… nhưng… nhưng… nhưng… giờ thì… giờ thì…
Minh họa: Lê Tâm.
Kim không bất ngờ nhưng bỗng dưng buồn nôn, rút vội tay về và vội vã chạy ra khỏi quán. Như hổ đói mất mồi, trưởng phòng lao theo, nhưng rồi gã vội sững lại vì chợt “nghĩ mình phương diện quốc gia” đành tiếc nuối đứng nhìn theo. Khi lưng Kim với mái tóc dài buông lơi đã khuất hẳn sau ngút ngàn cây bần tang núi, trưởng phòng uống cạn ly nước của mình, đang tính đứng dậy ra về thì mắt hắn bắt gặp ly nước của Kim vẫn còn nguyên để trên bàn. Với tay đưa li nước lên chạm đôi môi thâm thịt trâu, hắn uống cạn nốt rồi nghiến hai hàm răng lại nói như nhai:
– “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu” mà lo. Cứ ngủ ở Chính Mần vài đêm đếm tiếng tắc kè rơi mà thèm chồng rồi sẽ biết thân biết phận em ạ. Người gì cứ như miếng mít mật lại còn trường mi, trường túc, hồng diện, chiết yêu nữa mới chết chứ. Em là cái máy nghiền đàn ông, vắng đàn ông làm sao em chịu nổi. Khi đó quay về đây gặp anh cũng chưa muộn, eo đó, lưng đó, ngực đó và đôi môi đó… anh còn để ngỏ cho em một cơ hội quay về. Ban đầu anh phải điều em đến chỗ bất hợp lý, có như thế thì em mới tìm để anh làm cho hợp lý chứ.
*
Cho thêm củi vào bếp, ngọn lửa leo lét liếm vào cái lạnh của sương muối nổ lép bép. Bếp đượm than, Chung ngồi như muốn ôm lấy cái bếp hồng vào giữa, thế mà sau lưng vẫn nghe như có một mảng thạch đang đè lên. Thấy Chung run vì lạnh, Kim nói:
– Anh cứ cho củi nhiều vào, ở đây thiếu nhiều thứ nhưng không thiếu củi đâu.
– Thế cô giáo lại phá rừng à?
– Có diệt có sinh mà. Em đùa vậy thôi, chúng ta đang ngồi dưới chân dốc, trên kia là các làng bản. Học sinh của em muốn xuống học chúng nó phải chặt một cành cây có nhiều lá để buộc vào sau xe đạp làm phanh, đây là nguồn… hơi ấm của em mỗi đêm về.
Kim nói đến hơi ấm với giọng nói nghèn nghẹn, tay như thừa thãi vội cầm lấy cái que cời than cời vào lòng bếp cho ngọn lửa đang leo lét cháy vội bùng lên. Chung hiểu câu nói của Kim, nó chỉ như một lời thổ lộ và muốn được chia sẻ chứ không hề trách móc gì. Biết thế nhưng Chung làm như chỉ quan tâm đến thông điệp thứ nhất nên hỏi:
– Ra thế… nhưng chặt mãi cũng hết rừng chứ.
– Không, chúng nó chỉ được phép chặt cây tạp, cây gai thôi, vừa dọn sạch rừng để mùa khô khỏi cháy, vừa làm cỏ cho những cây quý mọc lên. Hàng tháng nhà trường lại phát động trồng cây, cứ trồng hai cây sống thì được chặt một cây tạp. Anh thấy đó, có đâu như ở nơi đây, rừng vẫn xanh ngằn ngặt.
Chung nhìn Kim qua bếp lửa, than nóng hắt lên làm cho má Kim đỏ hồng và đôi môi thiếu chồng đang mọng lên như trái nhót được mùa. Khi còn ở cùng nhau dưới ký túc xá, đã không ít lần cùng ngồi ngắm sao khuya trên sân thượng trong tiếng réo rắt kèn lá của một bạn sinh viên miền núi si tình nào đó ở ký túc xá trường bên vọng sang, Chung ước mình và Kim môi mắt được gần nhau, nhưng cứ ước rồi lại không dám.
Kim quá đẹp, cái đẹp như chỉ để ngắm. Chung nhà đã nghèo lại còn có máu lãng tử nên luôn nghĩ mình sẽ không hợp với cuộc sống gia đình. Chung sợ nếu mình tiến xa hơn, mình làm một điều gì đó thì mọi thứ sẽ đổ vỡ, tình cảm đẹp giữa hai người sẽ vụt biến mất. Thôi thà rằng cứ mãi thế này, mãi thế này để còn có Kim kề bên. Lần lữa mãi, cuối cùng đến khi ra trường, giữa hai người cũng chỉ là những kỷ niệm đẹp của một tình bạn đẹp, chỉ duy nhất đến phút chia tay, Kim mới ôm thật chặt Chung và nói trong nước mắt: “Đến bây giờ thì em tin, em tin có tình bạn trong sáng giữa hai người khác giới. Em cảm ơn Chung, em sẽ nhớ về anh như nhớ về những điều tốt đẹp nhất”.
Giờ Kim đang ngồi đó trong cái rét của đêm cuối nằm bên bếp lửa hồng. Gái đã có chồng cơ thể như bông hoa đẹp đã bung nở hết cánh nhưng đôi mắt ấy vẫn trong xanh ngây thơ ngác ngơ lơ đãng như nhị hoa lam hà, như những ngày còn mộng còn mơ thơ phú ở trường đại học. Mắt đó, môi đó và ánh lửa hồng, và đêm cuối đông, xuân lại đang chớm về gợi cho người ta thèm đến một tổ ấm, một mái nhà, một chồng, một vợ và những đứa con, làm cho Chung cũng mong dừng bước lãng du.
Kim ngước mắt nhìn Chung, thấy trong ánh mắt anh hai ngọn lửa nhỏ đang bùng cháy. Kim nhìn vòng ngực cong cánh ná, nhìn đôi vai rộng, nhìn mặt, nhìn môi, nhìn… và không dám nhìn lâu thêm nữa. Kim cúi xuống nhìn ngọn lửa trong bếp. Bếp lửa vẫn hồng mà sao Kim vẫn khát khao một hơi ấm, ấm hơn lửa nhưng không làm bỏng rát. Kim kìm một tiếng thở dài rồi lại thở gấp gáp, má ửng đỏ, mồ hôi hình như đang rịn ra hai bên chân tóc mai, toàn thân bỗng dâng nóng bừng, người như muốn nở bung ra, ngực cứ muốn ưỡn về phía ngọn lửa, để lửa thiêu đốt, lửa mơn man. Không còn kìm giữ mình được nữa rồi, Kim ném que cời lửa vào bếp rồi vùng dậy, chạy như có ai đuổi lên ngược con dốc sau trường.
Đêm vội khép màn, Chung chỉ còn nghe tiếng gót chân trần của Kim đang nện thậm thịch xuống nền đường đất, rồi xa dần, xa dần về phía đỉnh dốc. Chung vẫn ngồi đấy, im lìm như pho tượng cổ. Chung hiểu vì sao Kim lại chạy ngược dốc, Chung thấy cổ họng mình nghèn nghẹn và thấy thương những kiếp người trần gian, thương mẹ, thương Kim, thương mình.
Ngày xưa khi bố anh còn ở chiến trường, hằng đêm mẹ cũng đổ lúa ra giã, có đêm cũng tiết trời rét căm căm mà mẹ lại ra giếng dội nước ào ào rồi cứ để áo quần ướt như thế vào giường nằm. Chung không thể đuổi theo Kim, dù đã không ít lần sau ngày ra trường, trong những lần dừng bước lãng du vì mỏi gối chồn chân, Chung đã khát khao được gặp lại Kim, Chung sẽ nói, nói hết thật lòng mình, nhưng khi tỉnh trí lại, những ý nghĩ trong Chung về Kim vẫn như ngày xưa, dù giờ đây Kim đã khác, đã có chồng và những đam mê mới. Mỗi người đều tự đan cho chính mình một cái lồng đạo đức để tự chung thân ngồi vào. Nhiều cái lồng như thế sẽ thành một cái lồng to cho chung cả mọi người. Dù tự nguyện nhưng mấy ai thấy thoải mái khi ngồi trong lồng, nhưng mấy ai dám phá bỏ nó!?
Cái đẹp mãi còn là cái đẹp khi ta chưa hiểu hết và sở hữu nó!? Chung nghĩ thế và muốn mãi là thế.
*
Khi đã trút được tràn lực xuống con dốc dài, Kim như người lính vừa trải qua cuộc chiến chinh dài thất thểu thả từng bức chân trở về. Đến cuối dốc, Kim tiện tay kéo thêm mấy nhánh củi khô để về duy trì hơi ấm của bếp lửa. Ngày mai, hoa lam hà sẽ nở, trời rồi còn rét lắm đây. Nhớ cái mùa rét đầu tiên khi mới lên Chính Mần, sau bao đêm một mình thức nằm nghe tiếng tắc kè núi búng lưỡi vào đêm, tiếng con chim tìm chồng cứ khảm khắc vào trong lòng núi và tiếng gió hú rợn gióng tre già thì Kim nhận được tin là tuần tới chồng sẽ được về mấy ngày. Chỉ nghĩ giây phút chồng vợ thôi mà người Kim đã hâm hấp như sắp lên cơn sốt, nhìn đâu cũng nhớ, nhìn đâu cũng nghĩ tới chuyện vợ, chuyện chồng, chuyện gối, chuyện chăn. Ngày hôm ấy sao mà dài, bóng núi sao quá thấp để không che nổi mặt trời?
Đợi mãi, đợi mãi đến khi không còn chịu nổi nữa rồi. Chưa đến cuối chiều Kim đã vội vã ra đứng cuối con dốc dài ngóng đợi. Đợi mãi, đợi dài cuối cùng rồi người cũng đến, nhưng anh không về một mình, không ở lại được một đêm, sạp nứa và chiếu chăn đêm đó không được kêu rên lên bài ca hạnh phúc. Anh qua rồi anh đi, không cả kịp ôm nhau được một lần cho thỏa. Số là trên đường về với Kim, anh đi qua bản Thẩm nằm sát ngay đường biên, ở đó dân vừa bắt được một đối tượng buôn người qua biên giới, chẳng cần phải hỏi nhiều, cũng không cần biết anh làm việc ở địa bàn nào, biết anh là công an, họ liền giao ngay đối tượng cho anh. Không còn cách nào khác, anh phải dẫn giải đối tượng đến công an xã và cùng họ giải xuống huyện. Mất toi cả hai ngày tranh thủ.
Đêm đó, trăng lại sáng quá, sáng đến rợn người, Kim nhìn đâu cũng thấy cảnh ái ân, đôi lứa. Này là hai hòn đá cuội đang đứng chụm đầu vào nhau, này là hai cây cọ núi một thấp một cao đang in bóng mình xuống dòng suối đêm, và từng đôi, từng đôi và nhiều vô kể những đôi lanh canh núi đang cõng nhau ì oạp, ì oạp… Tiếng con chim tìm chồng thì vẫn cứ khảm khắc vào đêm trăng suông như rỏ máu. Kim vùng dậy, chạy ngược dốc đồi. Kim chạy mãi, chạy mãi cho đến khi không còn thở được nữa mới chịu dừng lại, đó là lần đầu tiên Kim dùng phương pháp đó để trả về đất những dục năng. Khi người đã nguội bớt, Kim lặng lẽ ra đầu con suối ngồi và nhớ. Nghe tiếng suối chảy róc rách, róc rách, róc rách… như đang an ủi mình: “Không trách, không trách, không trách…”. Kim nào đâu dám trách anh, đã yêu, hiểu anh và công việc của anh và đã chấp nhận lấy anh thì Kim đã phần nào tiên lượng được cuộc sống sau này của mình, nhưng thực lòng mà nói Kim cũng không nghĩ là nó sẽ nghiệt ngã như những ngày chờ chồng đã qua, đang qua và sẽ tới.
*
Kim đến sẽ sàng ngồi xuống bên bếp lửa đối diện với Chung. Không ngửng lên nhìn Kim, Chung hỏi:
– Thường thì tháng gặp nhau được mấy lần?
– Cũng tùy anh ạ, mạn bên đó gần đường biên, phức tạp, quân lại mỏng nên anh ấy đi ở thất thường lắm.
– Ừ, có phải người thường thổi kèn lá những đêm trăng?
– Đúng thế! Ngày đó nhà em xuống trường học văn bằng hai vì yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Em gặp anh ấy trong đợt đi hiến máu nhân đạo, khi đó mới biết là mình bị công an “theo dõi” đã lâu. Tiếng kèn lá đó anh em mình chỉ nghe thấy du dương, thấy hay mà không “đọc” được những gì anh ấy muốn gửi gắm.
– Giờ thì đọc thuộc rồi chứ?
– Chưa thuộc hết đâu, tiếng là lấy nhau đã lâu nhưng có mấy khi được gần nhau đâu anh. Trên này tội phạm đa dạng và phức tạp, từ trộm vặt đến công nghệ cao, buôn người, buôn ma túy đều có cả. Dân và cả em trước đây cũng thường nghĩ, công an chỉ ở thành phố, thị xã, thị trấn, sáng đi làm, chiều về sum vầy vợ con, có lên đây và làm vợ công an mới hiểu hết anh ạ. Năm có được mấy lần vợ chồng nổi lửa nấu cơm chung đâu.
– Hiểu rồi thấy có hối hận không?
Hỏi xong câu đó, Chung biết mình đã lỡ lời vội lảng sang chuyện khác.
– Lạnh thế này, chắc chắn ngày mai hoa lam hà sẽ nở. Từ chiều anh đã thấy mấy nụ chúm chím. Ngày mai Kim có lên đỉnh Chính Mần với anh không?
– Có, cho em theo với.
– Cũng lạ thật, năm nào anh cũng lên đây, vậy mà năm nay chúng mình mới gặp nhau.
– Từ ngày lên đây em ít về phố, bạn bè cũng tứ tán. Mấy năm trước ở đây mọi thứ đều không, không điện, không sóng điện thoại, không mạng máy tính… nên chúng mình… lạc nhau là đúng thôi. Em thấy đời mình thật giống kiếp hoa lam hà, năm chỉ nở có một lần vào ngày lạnh nhất để rồi cả một năm lại mỏi mòn chờ những ngày lạnh để mơ đến hơi ấm.
– Anh nghĩ hạnh phúc không tính theo số lượng ít hay nhiều lần. Hạnh phúc cũng như cái đẹp, mà cái đẹp thì cũng đâu có nhiều.
– Anh già quá rồi đấy, lấy vợ đi thôi.
– Sao Kim lại nói vậy?
– Thì chỉ có người già mới hay triết lý, hay nói đúng hơn kinh nghiệm chỉ đến khi đã trải nghiệm. Người trẻ là hành động, là trải nghiệm cuộc sống để rồi rút ra những kinh nghiệm sống.
– Có lẽ Kim nói đúng, người trẻ chỉ nên hành động, không phải là hành động không suy nghĩ mà là có những sự quyết đoán trong hành động, vì tuổi trẻ còn có cơ hội để làm lại nếu lỡ không may hành động đó sai.
*
Họ ngồi vớ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *