Bài nổi bật

Mùa trâu ăn sương

Hăm ba tháng Chạp.
Bỗng nhiên trời hửng. Gió hơi se se lạnh. Nắng mới rọi trên mái nhà phố cũ. Những ngày mùa đông ảm đạm, bầu trời xám xịt, lạnh lẽo dường như tạm lánh, biến mất. Bọn sinh viên đã lác đác rời ký túc xá, nhà trọ về quê. Quất cảnh, hoa tươi từ ngoại ô theo xe thồ, gồng gánh vào phố cũ. Lá dong, đào rừng Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La,… cũng theo người xuống núi về Thủ đô. Không khí sắm Tết đã tràn ngập đường phố. Người ta đang vội vã, hối hả trở về quê sum họp, sau một năm đi xa nhọc nhằn, vất vả. Còn tôi vẫn phải đi mổ trâu.
Tôi bảo, cho tôi về quê thôi đừng bắt tôi cắm mặt ở cái lò mổ này nữa. Tết nhất đến nơi rồi, nhà quê bao nhiêu việc. Áo mới cho con chưa mua. Ao cá chưa tát. Thịt lợn chưa biết đụng với nhà ai. Lá dong, gạo nếp, dưa hành,… chẳng biết vợ lo đến đâu. Nóng ruột lắm.
Nàng bảo, đang là mùa trâu ăn sương. Về thế nào được.
Nàng bảo, kéo giúp cái khóa móc xanh tuya sau lưng lên giúp nàng.
Nàng bảo, chuyện vặt, điện thoại về nhà bảo con vợ ra chợ là có hết.
Nàng bảo, trưa ba mươi Tết ăn tất niên xong, về cũng kịp chán. Một trăm cây số đáng là bao, nàng cho xe ô tô chở về đến tận nhà.
 
Thợ mổ trâu còn gọi là đồ tể. Đồ tể chẳng dính dáng chi với cái luận văn cao học tôi sắp bảo vệ. Mổ trâu là nghề cực nhọc, sát sinh man rợ. Làm thạc sĩ văn chương là cái cần câu cơm ốm đói mà lãng mạn. Dao búa, máu me ghê răng và có tiền, so với thanh sạch trữ tình, là hai phạm trù đạo đức đối lập, phủ định nhau. Miếng cơm manh áo và sĩ diện, chọn một hay hai?
Mùa đông năm trước, tôi liều đưa chân nhắm mắt, chọn bừa cả thạc sĩ văn chương và mổ trâu.
 
2.
Tôi nhớ như in cái ngày đầu học việc.
Nửa đêm về sáng. Đường phố không bóng người, tôi lọ mọ đến lò mổ. Tiếng mài dao quẹt… quẹt miết xuống đá ráp nghe rợn gáy. Trâu thức giấc đánh sừng cộc… cộc. Vài cái ngáp ngủ uể oải, khê nồng.
 
Chị chủ lò mổ bảo:
“Người ta bảo giáo viên tay trắng trói gà không chặt, chỉ quen cầm nổi viên phấn”.
“Ngày xưa, tôi đã đánh trâu đực cày vỡ đất lật cỏ ba sào một ngày. Tôi đánh trâu cày được thì cũng mổ trâu được”.
Chị chủ cười, cái cách cười của kẻ lõi đời và thương hại thằng đàn ông vụng dại.
“Xuất phát vào đời thầy cũng ngang tôi. Thầy đi cày, tôi là con ở làm thuê. Thời gian nó làm cho người ta khôn lên. Thầy giáo ngây thơ bỏ bà. Cày trâu là làm đất màu mỡ, cho mầm xanh chồi non nẩy nở khai sinh phát triển. Mổ trâu là diệt sinh, khai tử. Chả lẽ thầy giáo đứng cả về phe phát triển lẫn phe hủy diệt?”.
 
Sinh với chả diệt, chết với chả sống! Tôi bất ngờ quá. Hóa ra, đi cày với mổ trâu có liên quan đến nhau thật. Triết lý trụ sinh văng ra từ mồm chị chủ ít học, lại còn lớn tiếng dạy đời.
“Tôi sẽ cố gắng. Còn khi làm không được, tự tôi sẽ ra đi chứ không để bà chủ đuổi việc”.
“Gọi tôi là Mộng Hoa. Gọi là chị, là bà. Tủi lắm”.
Tủi lắm! Sao người đàn bà sắt đá này lại có phút mềm lòng, tủi thân?
Kỳ lạ! Ăn nói chao chát. Đưa đẩy, ngoa ngoắt. Chị chủ thuộc loại đàn bà rách trời rơi xuống, có cái tên mỹ miều chẳng hợp với nghề băm chặt. Mộng Hoa lấy làm bút danh văn chương hơn là tên người đàn bà đồ tể.
 
Bất chợt, tiếng xe lăn ken két trong đêm đến mỗi lúc một gần. Nghe rợn tóc gáy. Chị chủ cũng nháo nhác nhìn quanh. Tôi quay lại, bắt gặp một ông già tóc bạc trắng. Đôi chân liệt, buông thõng, tong teo. Hai bắp tay to chắc như đô vật. Mặt choắt như mặt chuột. Mắt lóe sáng như mắt mèo. Câm lặng. Chập chờn như bóng ma.
“Sao lại để ông ra đây lúc đêm hôm thế này?”.
Chị chủ rít gằn giọng. Một anh đồ tể dạ ran, chạy đi làm phận sự. Ông già và anh đồ tể mất hút vào màn đêm. Tôi hoang mang quá. Chẳng hiểu ra làm sao, cứ như vừa mê man vào giấc mơ quái dị.
 
Chị trở lại câu chuyện, bình thản, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Chị chủ vẫn bình thản, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giọng nhiệt tình, chèo kéo:
“Tôi có bài thơ mới làm, đọc cho thầy giáo nghe nhá”.
Lại còn thế nữa! Tôi đến lò mổ là để làm thuê kiếm tiền chứ đâu phải nghe đọc thơ. Sự đời cứ tréo ngoe. Thôi thì cố chịu đựng.
 
 “Con trâu có một hàm răng
 Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao
 Hồi sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày
 Thịt mày tao nấu linh đình
 Da mày bịt trống tùng dinh sân đình
 Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa…”
 
Một bài thơ về trâu dậy mùi ẩm thực và tiện ích thực dụng. Nhưng, nó là vè chứ đâu phải thơ. Nhầm to, nhầm to rồi! Sao chị chủ lại nhận thơ mình sáng tác? Tôi buột miệng bảo:
“Nói chị chủ đừng giận. Đây là ca dao. Nó trong giáo trình Văn học dân gian thầy giáo dạy tôi từ năm thứ nhất đại học”.
“Ủa, thế là tôi nhận vơ à? Mà tôi chép trong đầu ra đấy chứ. Chả lẽ…”.
 
Tôi nhận ra cái hồn nhiên bản năng đáng yêu của chị. Có lẽ chị đọc ở đâu đó rồi thuộc, nó cứ ám ảnh trong đầu trở thành máu thịt. Có dịp cảm xúc thăng hoa, nó tuôn ra như đê vỡ, chị cứ nghĩ mình sáng tác.
“Chết thật! Không có thầy giáo thì tôi thành con đạo văn”.
 
Giá như người khác thì ngượng, xấu hổ, nhưng chị lại hồn nhiên như chẳng có chuyện gì phải bận lòng. Chị bảo, bây giờ đang là mùa trâu ăn sương. Trâu càng ăn nhiều sương, thịt càng chắc, thơm. Tôi chẳng lạ gì. Ở quê tôi, đêm trước giết trâu bao giờ người ta cũng đóng cọc buộc ra ngoài bãi cỏ. Đêm trâu hít thở sinh khí đất trời, tinh tú. Khoan khoái ngẩng đầu há miệng đưa dài lưỡi đón những giọt sương bay, hoặc cúi đầu nhấm nháp các giọt sương đậu long lanh trên lá cỏ. Con trâu thanh sạch, thu nhận tinh khí vũ trụ, lắng đọng trong da thịt huyết… Thịt ngon quý hiếm là mùa trâu ăn sương.
Chị bảo, chị có bài thơ Mùa trâu ăn sương, tôi đọc thầy giáo nghe nhé:
 
…Mùa trâu ăn sương
Hai mươi ba tháng Chạp gió lùa se lạnh
Trai thanh gái tú bỏ phố về quê
Lệ làng mổ trâu làm cỗ chia phần
Cái ách vai trôi dạt đến nhà nào?
Tế Thánh thần,
đầu trâu đầm đìa máu
Sừng cánh ná
chống trời, ngang ngạnh.
Thao láo mở mắt trâu
gương cầu đựng cặp vú nạ dòng, con gái
soi mặt đàn ông, con trai
và in hình non sông đất nước.
 
Đọc xong, niềm hãnh diện sung sướng ngời ngời trên gương mặt chưa kịp son phấn, chị bảo:
“Câu lạc bộ thơ Hoa Sữa, ai cũng khen bài này. Còn thầy giáo?”.
“Thơ lạ. Hình ảnh lấp lánh, lại mới mẻ nữa”.
“Thảo nào cậu em tôi biểu, thầy giáo bình thơ hay lắm; lúc nào rỗi xướng họa với tôi nhá”.
 
Thơ như là thứ hương quế, là rượu trưng cất thanh khiết, cao sang. Không phải ai cũng chạm đến cõi thơ bí ẩn kỳ vĩ được. Người ta yêu thơ mà làm thơ. Chẳng làm được việc gì mới đi làm thơ. Tiến thân bằng thơ. Mua danh bằng thơ. Sợ mang tiếng trưởng giả cũng làm thơ… Đủ cả. Lúc rỗi rãi hoặc cảm hứng bất chợt tôi cũng sáng tác.
“Tôi có làm thơ, in ở Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Nhưng, xướng họa thì chưa”.
Bà chủ có vẻ nể thằng đầy tớ làm thuê. Tôi nhận ra ánh mắt chị đằm thắm hơn. Thế mới biết sức mạnh của thơ phú đến nhường nào.
 
Đàn bà rất lạ! Phàm khi được chia sẻ, đồng cảm, người ta dốc bầu tâm sự, lòng rộng mở, buôn chuyện quên cả việc chính. Chị chủ Mộng Hoa khoe: ông nhà thơ tóc dài búi tó, chân đi guốc mộc đưa chị vào cõi thơ. Chị cảm phục, chị coi ông là người thầy thơ đầu tiên. Ông cho chị biết cái chân giá trị: bà chủ lò mổ trâu Mộng Hoa giàu có thật, nhưng không bằng cái móng tay nữ thi sĩ Mộng Hoa. Bà chủ lò mổ trâu chỉ mấy anh đồ tể, cùng lắm là ông phòng thuế biết; nữ thi sĩ thì cả nước biết, thơ truyền đời… Rồi chị phàn nàn, chì chiết cái bọn ghen ăn tức ở biểu chị háo danh, làm thơ con cóc. Thơ con cóc mà lại được mấy anh nhà thơ ở Hội văn nghệ thành phố khen?
 
Tội nghiệp chị. Xưa nay, mấy ông thi sĩ vẫn thường khen vống lên. Khen đã chết ai đâu. Khen thơ mình, khen thơ bạn bè. Người đẹp làm thơ càng được khen. Nghe các ông nhà thơ thì thân tàn ma dại.
 
3.
Tôi theo người đàn bà vào lò mổ.
Điện sáng trắng. Chị chủ khoảng bốn mươi tuổi, rất gợi cảm và môi mỏng như thằng lớp phó bạn tôi. Đúng là chị sao em vậy, cùng nòi giống. Cấm cãi.
 
Bốn con trâu đã ăn sương, vừa hạ thủ một con. Đầu trâu cắt rời ra, mõm chổng lên trời, hai mắt mở thao láo đầy uất ức. Đám đồ tể đang phanh da róc thịt. Chậu tiết luộc nóng hổi bốc khói nghi ngút. Món lót dạ bồi dưỡng lúc đêm hôm khuya khoắt quá hấp dẫn. Đổ tể vừa làm vừa dừng tay dao quay ra bốc một cục tiết luộc bỏ vào miệng.
 
Mấy anh đồ tể dừng tay dao, chờ hạ thủ con tiếp. Mặt anh nào cũng lạnh, lì và u ám. Một anh cầm dao bầu mũi nhọn hoắt. Một anh dắt con trâu sừng cánh ná ra. Một anh bưng chậu hứng tiết. Một anh cầm cái búa quả nhót đưa cho chị. Bỗng dưng, tôi dúm người, sởn gai ốc. Không khí như đặc sánh lại.
 
Con trâu dái sừng cánh ná rất dữ, đã từng húc chết người. Vía nó rất mạnh, mạnh đến nỗi vía trâu át vía người. Cứ cầm búa lại gần là nó trợn ngược mắt trắng dã nhìn giận dữ, khiến các đồ tể lỏng tay không hành sự nổi. Họ cúi đầu lép vế, phải cậy nhờ đến vía và sức mạnh của chị chủ.
Người ta bảo, đàn bà là giống cái yếu đuối, không bao giờ dám cầm dao cắt tiết nổi một con gà. Đàn bà nhìn con chuột mới đẻ đỏ hỏn liền run rẩy, nhìn cắt tiết chó là người nhũn ra, ngất xỉu. Nhưng, một khi đã biết cầm dao và cầm chắc chuôi dao thì chỉ có vung tay, đâm trúng tình địch là tình địch chết ngay, còn đâm chệch vào người tình sẽ không rút dao ra được. Chị chủ lò mổ trâu là loại đàn bà nào? Lúc nãy, chị là nữ thi sỹ đọc thơ du dương, trẩm bổng, có vẻ rất thơ mộng lãng mạn. Bây giờ, chị là bà chủ lò sát sinh. Tay trái kéo mũi con trâu ngang tầm thắt lưng. Tay phải cầm cái búa hình quả nhót. Con trâu dái mặt nổi gân, khô như mặt ngựa. Mắt đỏ. Chân cứng đanh. Rất ngoan ngoãn, thậm chí nó ngu đần trước chị. Khổ thân, con trâu dái không lường nổi cái chết được báo trước bởi bàn tay người đàn bà đẹp.
“Các anh phải biết rằng: Con trâu ít khi giữ đầu một tư thế, thường ngẩng lên cúi xuống – Chị chủ Mộng Hoa vẫn bình thản cắt nghĩa – Người giỏi ra đòn là khi trâu cúi xuống, bất ngờ đập búa dứt khoát, đập chắc, nhanh trúng huyệt gáy…”.
 
Độp. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng đập lạnh, khô khốc thì con trâu dái đã ngã qụy, miệng kêu ồ… ồ rồi lịm hẳn, mắt trợn ngược, trắng dã. Tôi bàng hoàng, cứ như bị đánh mạnh một cú vào gáy. Mấy gã đồ tể suýt xoa khen nịnh lấy lòng bà chủ. Một gã cao hứng, gân cổ gào lên ư ử một câu vọng cổ: “Trời ơi! Thế là xong một đời lam lũ, một kiếp trâu lấm láp kéo… cày”. Cả bọn cười nói xôn xao. Không khí đêm khuya loãng dần. Tội nghiệp! Kiếm được miếng rất nhọc nhằn.
 
Chị chỉ ngón tay chỏ vào gáy trâu, giảng giải cho tôi nhận biết vị trí và hình ảnh mơ hồ của yếu huyệt. Rất khó hình dung. Đã từng có người yếu bóng vía hoặc vụng, đập búa không trúng huyệt. Trâu bị đau quá, hung dữ lồng lên húc tung cả người lẫn búa, có người bị sừng trâu vặc gẫy chân, có người bị đá thọt dái. Nghề này bạc lắm, không dành cho người bản lĩnh yếu, run rẩy, hồi hộp.
Đúng là nhất nghệ tinh, mỗi người một nghề. Người đàn bà này thoáng qua là biết huyệt gáy trâu; cũng như tôi giảng văn mùi mẫn quyến rũ bao nhiêu đứa con gái cấp ba trường huyện, nức nở khóc cùng anh Pha, chị Dậu, hoặc run rẩy với thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh; xao xuyến với các bài thơ áo trắng rung cảm đầu đời của tôi.
 
Công việc còn lại không xa lạ gì với đám đồ tể. Tôi mới đến chưa quen máu. Làm việc vặt: múc nước, làm lòng, quét lông, rửa phản.
 
Đám đồ tể rất thạo việc. Lại một anh phụ bưng chậu bố chuẩn bị hứng. Một anh kéo sừng cho cổ trâu căng ngẳng ra. Một anh đồ tể đưa lưỡi dao bầu ngang cổ trâu. Máu đỏ xối ộc ộc…
Mặt mũi tối tăm, tôi toát hết mồ hôi hột.
 
4.
Trời rạng sáng.
Tôi vội vã đạp xe về lớp học. Chưa vào học đã buồn ngủ gà gật. Tôi gục đầu xuống bàn. Cái bàn học thời nào cũng thế, lớp vỡ lòng hay lớp sau đại học cũng chỉ là nơi học trò mài cùi chỏ và đỡ cái mặt ngủ gật úp xuống. Lò mổ chập chờn hiện ra: Những con trâu mắt thao láo mở nhìn xương đồng loại chất thành đống. Mấy gã đồ tể vô học, thô tục. Bộ mặt lạnh của nàng Mộng Hoa…
“Ông thạc sĩ tương lai, ở lò mổ ổn chứ?”.
Thằng bạn lớp phó vỗ vai tôi, hỏi. Giật mình nhỏm dậy, tôi ngơ ngác. Thằng này cười nhăn nhở, ghé sát miệng thì thào, hơi kẹo cao su phả vào lỗ tai tôi:
“Chị Mộng Hoa gọi điện bảo tao: Cậu có anh bạn thật thà lắm, lại biết làm thơ nữa, trông ngồ ngộ mà đáng yêu ra phết. Bỏ mẹ, chị ấy mà yêu mày thì chết tao”.
“Hừ…ừm. Để tao chợp mắt”.
 
Tôi lại gục đầu xuống tránh cái nhìn bạn bè xói vào đôi mắt tôi đỏ đọc  ngái ngủ vì thức khuya. Hình ảnh thằng bạn lớp phó chuyên lo tài chính, tổ chức liên hoan, du lịch, đối ngoại lại đuổi theo vào đầu. Thằng này đô con, đẹp giai, sát gái. Chỉ phải cái khốn nạn là môi mỏng và học dốt. Nhập học được hai tháng, thằng này dẫn tôi về quán Cầy Tơ của vợ nó bên Hồ Tây, đãi một trận thịt chó mắm tôm nhớ đời. Cô vợ béo ị, được cái nước da trắng kéo lại và nhiều tiền, hiếu khách. Hai thằng ngồi phòng VIP, so đũa, gật gù cụng chén. Nầm, chả, lòng rồi,… và lá mơ, mắm tôm, riềng,… toàn gia vị gắt cứ trôi vèo vèo vào cái bụng đói khát của tôi.
 
Rượu ngà ngà, thằng bạn lớp phó thật thà dặn: “Tao đi học lấy cái bằng thạc sĩ để làm sang cho con vợ bán thịt chó mắm tôm thôi. Chứ danh giá chó gì”. Tôi bảo: “Đã là lao động thì nghề đếch nào chẳng vinh quang, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Con vợ tao ở nhà đi cấy, mò cua bắt ốc thì sao nào?” Thằng ấy thở dài: “Đành rằng thế, nhưng cái dân mình sĩ diện hão, cứ nghĩ bằng cấp mới là trí thức, mới là sang. Chẳng qua con vợ tao nó cú với thân phận bán thịt chó mắm tôm. Muốn làm sang với mấy con bạn cùng lớp 12, giờ đang dạy mầm non. Dạy mầm già hay mầm non thì vẫn cứ là giáo viên danh giá. Con vợ tao nằm mơ cũng chẳng bao giờ có được. Khổ thế! Đời cứ tréo ngoe, mày ạ…”.
 
Những hình ảnh chập chờn đứt đoạn qua nhanh. Tôi chìm vào giấc ngủ sâu rồi ngáy. Tiếng ngáy to, tiết tấu khoan nhặt, có nhịp điệp bổng trầm. Tiếng ngáy đạt đến nghệ thuật hò khoan, tựa như chiến sỹ thi đua ngành lâm nghiệp kéo gỗ. Cả lớp cười rộ mà tôi chẳng biết. Cái Lan có đôi má bánh đúc ngồi bên, khó xử quá. “Má bánh đúc” liền nhổ một sợi tóc mai, nhằm lỗ mũi tôi… ngoáy. Tôi giật mình, tỉnh ngủ. “Má bánh đúc” thì thào vào tai tôi vừa đủ nghe:
“Đêm qua, anh đi đâu khai mau?”.
“Học…, anh học suốt đêm… hỏi làm gì?”.
“Người anh toàn máu. Đi giết người à? Khiếp!”.
 
Bàn tay có những ngón búp măng xinh xinh, móng hồng giơ gương trang điểm ra trước mặt tôi. Cái vai áo, cái cổ,… dính máu khô. Tôi chợt nhớ ra là máu… trâu. Mấy gã đồ tề cắt tiết trâu, máu bắn phọt vào người lúc nào chẳng biết. Đỏ mặt. Miệng ngậm hột thị. Ấp úng:
“… Anh đi làm thêm ở… lò mổ..”.
Tình cảnh dở khóc dở cười của tôi, “má bánh đúc” hiểu nay, nàng ái ngại thật sự. Nàng tỏ ra thương hại và thông cảm, nhét vào tay tôi cái khăn mùi soa. Tôi phi tang thật nhanh các vết máu khô đã đông cứng đanh. Mùi máu trâu tanh tanh, hương thơm nước hoa con gái phảng phất, mùi hồ khăn mùi soa mới, hình như cả mùi nước đái trâu khai mù nữa… quyện lẫn. Mặc cảm. Ngượng ngùng. Ê chề. Chỉ muốn biến thành con kiến chui xuống lỗ nẻ. Nhưng, lại có cảm giác mơ hồ, thinh thích sự âu yếm, dịu dàng, quan tâm khác giới.
 
Có ai hiểu nỗi lòng của tôi không?
 
5.
Chị chủ lò mổ có đứa con gái gần hai mươi tuổi đang du học ở Mỹ. Mấy anh đồ tể buôn chuyện bảo: Mười lăm tuổi chị trôi dạt vào cái lò mổ này. Lúc đầu cũng chỉ là con ở làm nhân công sai vặt, quét dọn, tuồn lòng, gánh nước, rửa phản,… Sau, càng lớn càng mẩy, phổng phao, tươi tắn. Rồi thành vợ ông chủ. Đôi uyên ương ấy cách nhau hơn hai mươi tuổi.
 
Câu chuyện chỉ đến đó, cạy răng họ cũng không kể nữa, cũng có thể họ chẳng biết gì hơn.
Chị chủ có sở thích đi vũ trường, và dự các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thơ phường. Chị bảo tôi:
“Tối nay đưa tôi đi có việc, được không?”.
Ngày trước, tôi học Sư phạm Vinh; giờ mới ra Hà Nội; phố phường Thủ đô lạ hoắc. Tôi lơ ngơ lắm. Xe cộ, người ngợm chi chít như đàn kiến trôi trên đường. Mải miết. Hối hả. Nhìn phát sợ. Chẳng biết người ta đi đâu lắm thế!? Tôi bảo:
“Đêm hôm, đi xe máy tôi sợ lắm”.
“Ai biểu thầy giáo nhà thơ cầm tay lái Honda mà sợ. Đi ô tô của tôi”.
 
Đi thì đi. Tôi không quá ngạc nhiên. Chị chủ lò mổ có ôtô riêng, có tài xế riêng chẳng có gì lạ.
Con xe Camry 3.5 màu đen bóng loáng, hàng hiệu từ Hoa Kỳ, hơn tỷ đồng, sang quá. Người đàn bà và tôi cùng ngồi ghế đằng sau. Nước hoa madam phun quá tay thơm ngát mũi. Lúc này, tôi thực sự cận kề bà chủ Mộng Hoa. Phồn thực quá. Thân hình phốp pháp, ngực vú vồng to ninh ních dưới làn áo thun màu mỡ gà. Váy đỏ ngắn nửa đùi. Giầy cao gót màu trắng. Cổ tay đeo đồng hồ vàng Omega lấp lánh. Bàn tay dầy, ngón to và ngắn như quả chuối mắn. Đúng là trời chẳng cho không ai cái gì. Bàn tay chị thô ráp, dường như nó được sinh ra chỉ để cầm búa đập huyệt gáy trâu và lách dao bầu lột da xẻ thịt. Và lấp lánh chiếc nhẫn mặt đá hồng ngọc ở ngón áp út. Một vẻ xấu – đẹp lẫn lộn, cái cao sang đi cùng cái kệch cỡm.
 
Tài xế lạng xe lách người. Chúng tôi nghiêng sang phải, dạt sang trái, khi phanh gấp người dúi lên phía trước. Chị chủ sợ, cứ ôm níu lấy vai tôi. Tim chị đập thình thịch. Tim tôi đập liên hồi. Xe bon bon, bằng lặng, chị chủ vẫn nắm tay tôi, vô tình đặt lên đùi. Đùi chị nóng hôi hổi.
Chật vật mãi, cuối cùng chúng cũng đến nơi cần đến. Người đàn bà xuống xe. Ngực hơi ưỡn về phía trước theo thế “vú tấn công mông phòng thủ”. Chị khoác tay tôi như cặp tình nhân bước vào sảnh vũ trường.
 
Chốn này không dành cho bọn choai choai híp hốp giật đùng đùng. Toàn nạ dòng và đám đàn ông hói trán nghỉ hưu đến tập nhảy.
Công thành danh toại, nhiều tiền, nhưng cuộc sống tẻ nhạt quá: tập nhảy.
Nuối tiếc một thời hoài phí tuổi xuân ở chiến trường: tập nhảy.
Mất đứt quãng đời nhọc nhằn mưu sinh lo miếng sống miếng chín chưa kịp ăn chơi, nay “trả thù” đời thua thiệt: tập nhảy.
Kẻ chết chồng, người chết vợ; quý bà, quý ông đi tìm bạn tri âm: tập nhảy.
Có người mong nâng cao sức khỏe và thu nạp thêm một nét văn hóa hiện đại cũng: tập nhảy.
 
Nhạc êm dịu. Điệu valse nhẹ nhàng. Vụng về và thành thạo. Uyển chuyển và lóng ngóng. Vô cảm và đắm say… Cái gì cũng lạ: Đèn màu lung linh. Rượu ngoại. Nước hoa phụ nữ. Mùi dầu gội đầu X.men. Vai trần. Đùi hở. Bắp chân trần. Tôi ngơ ngác. Ngượng.
 
Nàng giới thiệu tôi với các bạn tập nhảy. Nàng kéo tôi vào sàn khiêu vũ. Nàng sung sướng sát cánh kề vai với thằng đàn ông trẻ hơn chục tuổi. Đắm say. Ngất ngây. Dịu dàng. Bà chủ lò mổ với những ngón tay thô, ngắn hình quả chuối mắn như lột xác thành tiên.
 
Nàng hướng dẫn tôi. Chân bước chuyển. Tay ôm eo. Mặt hơi vênh… Ôi trời. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi nào đã gặp nông nỗi này. Mặt tôi thộn ra. Lóng ngóng. Giầy Adidat giẵm lên guốc cao gót của nàng.
 
Tôi bỏ ra ghế ngồi. Mặt nóng bừng bừng. Âm thầm nghĩ đến cô vợ ở nhà. Nàng thật thà như hạt lúa củ khoai. Nàng lam lũ. Nàng nhọc nhằn, lấm láp. Nàng đang rửa đít cho con? Nàng đang lặng lẽ ngồi trong bếp dạ đun cám lợn?
 
6.
Công việc ở lò mổ toàn lúc nửa đêm về sáng.
Lâu dần, tôi đã biết cắt tiết trâu thành thạo và máu không dây ra áo và người nữa. Đánh búa quả nhót vào huyệt gáy trâu cũng khá. Mất ngủ. Ban ngày đi học mệt quá, tôi toàn gà gật. Mỗi lần gà gật rồi kéo gỗ lại mất một cái tóc mai của cái Lan má bánh đúc. Cứ đà này không khéo tóc mai “má bánh đúc” sẽ trụi thùi lụi như người Mán sơn đầu. Bỏ việc thì tiếc tiền, không dám. Thạc sĩ và thợ mổ trâu, cái nào cũng quan trọng.
 
Có hôm tôi vẫn đến lò mổ, nhưng lại ở nhà trên và chẳng để làm gì, sẵn sàng làm một thằng sai vặt. “Thầy giáo lấy giúp tôi đôi giầy đỏ”. “Thầy giáo lấy giúp cái nịt vú trong tủ mang vào nhà tắm cho em với”. “Thầy giáo ngâm chân nước gừng nóng cùng không?”… Nhưng, việc chính là biên tập, chỉnh sửa thơ cho bà chủ. Đại khái, bài vè tôi nắn nót lại cho bớt vè hơn. Bài thơ kể lể, tôi ngắt vụn câu ra thành nhịp điệu nhanh chậm. Bài dở dang, tôi làm nốt đoạn thơ kết. Có bài hay đáo để, cứ như của ai đó làm hộ, chứ không phải đứa con tinh thần của chị.
 
Tôi luôn luôn bị ám ảnh có hình bóng nào đó thấp thoáng trong nhà đang âm thầm theo dõi. Cứ như mọi hành động của mình không qua mắt cái bóng mơ hồ ấy. Mọi suy nghĩ, tâm trạng của mình dường như bị bóc trần ra.
 
Chị chủ đang ở phòng tắm, tôi đi tìm sự bí ẩn với sự tò mò không kìm nén được. Tôi bắt gặp chiếc xe lăn có ghế nệm ở gầm cầu thang. Y như chiếc xe lăn ông già mắt mèo đã đi đêm nào. Tôi nhìn ngược lên giếng trời. Tayvịn cầu thang và những con tiện nâu bóng. Một gương mặt choắt đang cúi xuống nhìn vội thụt lại. Như vậy là đã rõ, rất có thể ông già đang ở tầng trên và hàng ngày ông chiếu đôi mắt mèo kiểm soát sự có mặt của những thằng đàn ông lạ.
Ngao ngán quá. Sao tôi lại rơi vào tình cảnh vụng trộm, trớ trêu này?
 
7.
Câu lạc bộ thơ Hoa Sữa tổ chức ra mắt tập thơ đầu tay của nữ thi sĩ Mộng Hoa. Con mắt đầy hãnh diện tự hào như muốn nói: Hội thảo thơ tôi đấy. Bao giờ thơ của thầy giáo được hâm mộ thế này? Tôi liên tiếp bị bất ngờ, ngạc nhiên. Mọi người đến khá đông, gần kín hội trường phường. Mộng Hoa rối rít xin lỗi đến muộn vì tắc đường. Mọi người đều thông cảm thể tất, bởi lẽ bây giờ đến đúng giờ, không tắc đường mới là sự lạ. Với lại, bà chủ lò mổ Mộng Hoa đã tài trợ tài chính cho Câu lạc bộ hoạt động đều đặn ba năm nay, công lớn lắm, ai nỡ trách.
 
Thằng lớp phó và Lan má bánh đúc đã ngồi ngay bàn đầu. Tập thơ Mùa trâu ăn sương chất cao ngang cằm “má bánh đúc”. Hai đứa nhìn thấy tôi cùng cười te tởn.
 
Ông nhà thơ tóc dài muối tiêu, búi tó củ hành điều hành hội thảo. Chân đi guốc mộc. Hai túi áo thổ cẩm lèn chặt các tập thơ nặng trĩu vạt. Thi nhân đi dọc theo khoảng trống giữa hội trường, đảo mắt như rang lạc liếc gái, chẳng nể gì các cụ ông cụ bà. Cứ người đẹp nào cổ hở, ngực to mông nẩy là ông dán mắt vào. Cứ như đi tìm cảm hứng nghề nghiệp. Cứ như không có gái thì thơ bay biến mất, buổi hội thảo bất thành.
 
Thơ là thứ cao sang thanh sạch sao lại gắn bó suốt đời với người đàn ông già dị mọ này?
 
 
 
Ông nhà thơ giới thiệu tập thơ Mùa trâu ăn sương. Hội trường phường có nhiều tiếng xì xào. Dân gian đã có bao nhiêu thành ngữ, ca dao hay về trâu rồi, nay lại thêm một thi phẩm độc đáo toàn viết về trâu.
 
Gân cổ. Nghiêng tai. Lim dim mắt. Tay chém gió. Như lên đồng. Càng nói, nhà thơ tóc búi tó càng hưng phấn, cảm xúc dào dạt. Giọng rất hách và quyền uy phát lộ. Thi sĩ đúng là vua không ngai, nàng thơ là hoàng hậu. Khối kẻ phát thèm. Và ghen tị.
 
Ông ta giới thiệu Lan má bánh đúc đọc minh họa một bài thơ của nữ thi sĩ Mộng Hoa. “Má bánh đúc” vốn yêu thơ đến độ mê tín. Nàng ngửa mặt lên trần nhà, mắt nhắm nghiền, miệng tròn chữ O, môi uốn chữ Z đọc thơ như lên đồng:
 
Mùa trâu ăn sương
Cánh đồng trơ cuống dạ
Đi từ đêm sang ban mai,
bước chân trâu đóng dấu hoa đất                     
móng guốc in hình sẹo đất.
Vũng sương chân trâu đọng vành trăng cuối tháng                         
Tôi vục mặt uống như húp vũng mồ hôi
Mồ hôi trâu lẫn mồ hôi người trộn mồ hôi đất
Giọt mồ hôi nào hơn giọt mồ hôi nao?

Lại bài thơ Mùa trâu ăn sương tôi đã nghe chị chủ đọc. Nhọc nhằn quá. Ai đã thấy trâu đổ mồ hôi chưa nhỉ?
Nhà thơ đi guốc mộc bảo:
“Giọng em rất truyền cảm. Nóng bỏng. Đam mê.”.
Ông ta đi vài bước, nói tiếp.
“Anh nào vớ được cô gái này yêu, sướng một đời”.
Cái ông này vô duyên. Đang thơ thẩn lại ngoằng một cái sang tình ái. Tôi đưa nhìn thằng bạn lớp phó, cảnh báo. Thằng này cười tủm. Cái cười rất gian manh, báo hiệu một cái gì đấy nhập nhằng.
 
Ra mắt thơ Mộng Hoa, mà nhà thơ đi guốc mộc lại mang thơ mình ra tặng. Loáng cái, hai túi thổ cẩm lèn chặt thơ hết sạch. Cái vạt áo lại nhẹ tênh.
Nhà thơ dừng lại bên “má bánh đúc” hơi lâu. Cái con bé này vô ý, cổ áo mở phanh ra từ lúc nào chẳng biết; hay nhà thơ nhìn sắc quá, tia bật cúc áo nó ra để lộ cả khe vú?
“Lúc nãy, em đọc thơ diễn cảm lắm. Đọc diễn cảm đắm say thì cũng có thể làm được thơ hay. Sao em không làm thơ nhỉ?”.
“Má bánh đúc” đỏ bừng mặt.
Thằng lớp phó bạn tôi cau mày.
Nữ thi sỹ Mộng Hoa vẫn cắm cúi nhiệt tình ký tặng tập thơ đầu tay.
 
8.
Càng gần Tết, mùa trâu ăn sương càng nhộn nhịp. Trâu mạn Sơn La, Yên Bái về càng nhiều. Ô tô chở trâu về ban đêm, lùa vào chuồng đóng gióng. Con nào sắp thịt, đồ tể buộc ra ngoài trời cho ăn sương.
 
Nửa đêm về sáng, các hàng thợ xẻ đi xe đạp, xe máy, gồng gánh đổ về lò mổ lấy thịt, lòng trâu kìn kìn. Những cái đầu trâu máu me tiếp tục bị quẳng sàn, mõm chổng lên trời, mắt thao láo mở uất ức. Cánh đồ tể đánh búa vào huyệt trâu, lột da, xẻ thịt nhiều cũng mệt. Gã nào mặt cũng u ám, xơ xác tóc.
Tôi cũng bị cuốn vào công việc lò mổ đến mộng mị.
 
Rồi tôi bị trâu húc.
Con trâu điên bất chợt. Vừa tháo dóng dắt ra khỏi chuồng nó đã hục hặc, đánh sừng lung tung. Anh đồ tể nào cũng run tay cầm búa không vững. Tôi bảo: “Để tôi”. Cái số không may, lúc đó tôi có uống chút rượu vào, không biết sợ là gì. Chỉ muốn vung búa lên chứng tỏ mình không phải thầy giáo tay trắng chỉ cầm nổi viên phấn. Búa quả nhót giáng xuống đầu trâu, rồi trượt xuống trán. Con trâu điên phản ứng tự vệ tức thì. Vặc đầu húc. Cái sừng đánh đúng vào bụng dưới và hạ bộ. Tôi ngã lăn bất tỉnh. Con trâu phóng vọt ra khỏi lò mổ, lao vun vút trong đêm tối. Nó chỉ dừng lại và đổ uỵch xuống thành đống thịt da khi húc phải bức tường rào đá có chân móng dầy gần một mét…
Tôi mơ màng thấy ông già thò cái đầu tóc bạc lòa xòa nhìn tôi. Ông vắt hai chân liệt lên cổ. Ông nắm thành cầu thang tụt xuống vèo vèo. Ông đắp cho tôi một tấm chăn mỏng. Ông nhìn tôi bằng con mắt buồn bã, thương hại. Và ông thở dài.
 
Tôi chợt tỉnh dậy.
Ông già vội vã chống tay lết đi ngay. Lết đi vì ông không muốn cho tôi nhận ra con người tàn tật sống trong bóng tối. Ông bám thành cầu thang nhoăn nhoắt leo lên tầng. Thoắt hiện. Thoắt ẩn.
 
Tôi nhận ra mình nằm trơ trên tấm phản làm lòng trâu. Anh em đồ tể khiêng đặt tôi nghỉ tạm ở phòng khách bà chủ, lúc nào chẳng biết. Tôi ngây ngấy sốt. Tấm chăn mỏng làm tôi đỡ rét run. Giếng trời một vuông sáng trắng. Vẫn cái đầu tóc bạc lòa xòa và đôi mắt mèo ẩn hiện, lấm lét nhìn trộm.
 
Đau quá! Bụng dưới căng tức. Tôi sờ xuống hạ bộ. Hai hòn dái sưng to như vốc tay. Nóng hổi. Nhức buốt.
 
Một anh đồ tể sao lá ngải nóng đắp cho tôi. Cái đau dịu dần. Tôi hất đầu lên nhìn cái người tàn tật đang câm lặng đang thập thò đầu phía trên giếng trời. Anh đồ tể nhóng mắt nhìn theo, bảo:
“Chồng bà chủ đấy. Ông ấy bị nặng hơn anh”.
“Sao thế?”
“Trâu đá vào dái; chưa đã nó còn bổ móng lên sống lưng. Liệt. Cấm khẩu. Cái nghề này bạc lắm”.
Khốn nạn. Ê chề quá!
Tôi không khóc mà nước mắt cứ trào ra.
 
9. Đoạn kết
Tôi lặng lẽ về quê.
Thằng bạn lớp phó và “má bánh đúc” đánh xe ô tô đuổi theo.
“Chị Mộng Hoa nhà tao đang vừa khóc vừa làm thơ về mày. Cũng là lỗi tại tao”.
Tôi lặng im. Thằng bạn tôi đâu có lỗi gì. Nó muốn tôi có tiền ăn học, giúp gia đình. Nó muốn chị nó khuây khỏa nỗi buồn thân phận.
“Thôi, cũng may. Mày về đi. Từ giờ đến Tết kiêng nhá, giao thừa xong hãy ngủ với vợ. Năm mới mày sẽ đẻ một trăm con trâu. À quên, đẻ một trăm con trai”.
Tôi vẫn lặng im, chỉ gật đầu.
“Má bánh đúc” cứ nhìn tôi cười nhặt nghẽo. Tôi ngượng ngùng quá.
 
Chiều ba mươi Tết.
Xe ô tô Camry 3.5 màu đen bóng dừng ở cổng làng, rồi quay bánh.
Tôi đi dọc bên đường làng. Bước chân lâng châng. Một nỗi niềm khó tả. Nhiều nhà đã gói bánh chưng. Khói xanh mơ màng bay trên mái bếp. Có bố con nhà nào đang hò nhau dựng cây nêu. Người làng đi xa vẫn đang lục tục trở về.
 
Nhà tôi đang đánh cá ao. Lưới thả xuống chọp chọp. Nơm úp xuồm xuồm. Cá tươi quẳng lên bờ giãy đành đạch. Bọn con cháu, em ún kéo nhau đến giúp, ngếch mặt lên chào tôi, cười tí tởn. Hai hàm răng đánh lập cập. Đầm dưới nước lạnh thế này thì cả lũ rét thâm dái.
 
Hai đứa con gái mong bố về, chạy ào đến mừng rỡ. Đứa ôm chân. Đứa xách túi. Chúng kéo bố về nhà khoe với mẹ. Vợ tôi đang ngồi trong chuồng trâu đốt lửa sưởi cho con nghé mới đẻ. Lại nghé với trâu! Lại mùa trâu ăn sương. Tôi giật mình. Sờ xuống hạ bộ. Chim cò thụt lại như quả ớt chỉ thiên.
 
Vợ tôi quay ra. Mừng quá! Đôi vai nhỏ nhắn rung lên. Nàng cười, như khóc. Hai má hồng rực vì lửa ấm. Con nghé đứng dậy chệnh choạng bước. Nó nghiêng đầu dúi cái mõm xinh xinh cọ vào háng tôi.
Người tôi cũng nóng bừng, rạo rực.
 
Cuối năm 2008.
Tác giả: Sương Nguyệt Minh – Giọng đọc: Kim Cúc

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *