NGANG QUA CUỘC ĐỜI – Truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ
Nhà chồng tôi không xa bao nhiêu nhưng vẫn không được về nhà bố đẻ nhiều. Tôi không muốn ở đây thì cái gì cũng chướng mắt. Thế mà đã mấy năm vẫn phải ở thế này. Nhưng biết làm thế nào, phải làm con ma nhà họ Tráng rồi, đi đâu nó cũng biết chỉ đ¬ường cho họ đến bắt về thôi. Như chị Pháy đây, ở hơn mười năm mà vẫn sống. Chị căm thù cái nhà này, nhưng đi đâu cũng không được, thành ra cứ làm hòn đá kê chân cột thôi, làm con trâu, con ngựa, không được nói, chỉ phải làm.
Tôi là con nhà bình thường, bố bảo vào nhà ấy sẽ có địa vị, dù chồng hơn gần 20 tuổi. Bố biết tôi cũng như mẹ, hông to, vú nở, sẽ đẻ cho nhà ấy con trai, vì thế được hưởng phúc. Tôi là đứa con gái hay nghĩ ngợi, lúc nào cũng thấy thương chị Pháy. Dù là vợ cả, vợ hai nhưng không ghét nhau bởi biết nhà này sống chỉ vì con trai. Chị Pháy không đẻ được con, dù là đứa con gái thì chỉ có vì chồng, vì nhà chồng.
Ngày còn bé tí tôi đã nghe những chuyện được gọi là to lớn của nhà thống lý, tức bố đẻ chị Pháy. Mỗi khi nhắc đến chuyện ấy là chị buồn, buồn vì cái gì không biết. Chị bảo nó qua rồi, giờ là con dâu nhà này thì chỉ biết có thế thôi. Thế nhưng tôi lại là đứa đàn bà không biết yên phận, hễ có ai biết biết một tí về cái ngày trước thì lại giương mắt lên hóng chuyện. Hỏi xong thì cũng không biết để làm gì, nhưng thoả mãn là thấy lòng yên hơn. Chị Pháy chưa một lần hé miệng với ai. Đó là nỗi đau của chị. Mỗi lần không phải điều gì bà mẹ chồng lại rít lên những việc ngày trước phải làm để đón được chị về làm dâu. Mẹ chồng già quá rồi, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện ngày xưa, ngày mà bà có thằng con trai duy nhất đến tuổi lấy vợ. Ngày xưa bà về làm dâu họ Tráng cũng không được linh đình như đón rước chị Pháy. Mà bà cũng là con nhà có thế chứ đâu phải dân thường. Những việc chị Pháy làm cho nhà này không bao giờ đủ để trả những gì nhà bà đã phải bỏ ra để đền công sinh thành. Nhưng nếu đẻ thằng con trai thì coi như đã đền bù được. Thế là tôi được lấy ra làm bức tường to cho chị nhìn vào, bởi chỉ sau một năm tôi đã sinh thằng con trai bụ bẫm cho nhà họ Tráng. Chị Pháy chỉ lẩm bẩm trong miệng: “Chả ra sao, ví ngược như thế thì ví làm gì”. Nhưng biết làm thế nào, mẹ chồng xót của, chả khi nào lại không kể bao nhiêu bò, bao nhiêu rượu, thịt mang sang nhà chị. Bây giờ làm bò, làm dê mấy kiếp cũng không đủ. Đợi đến mấy kiếp thì mẹ chồng có còn là cái gì mà nhìn thấy những thứ chị trả cho chứ.
– Chị Pháy, sao chị không cãi lại?
– Cãi cái gì?
– Cãi chuyện đẻ con chị không làm nên tội, tại trời không cho thì biết thế nào.
– Thôi, đừng nói nữa. Nhà này không được nói. Một câu thôi là ngày mai không có chỗ mà đi.
Cũng chả nói được gì nữa, ngày nào chị cũng lủi thủi như con ngựa, thương thì nói thế thôi, chứ vẫn biết là nói cũng chả làm được gì. Cứ xui thế có khi lại làm chị khổ. Thằng Pó không bao giờ được trao vào tay, mẹ chồng sợ chị không làm mẹ không biết bế. Bà bế từ sáng tới tối. Tôi muốn bế con mà nhiều lúc không dám. Nhìn mẹ chồng cứ sợ sợ, nếu tôi cũng không đẻ được thì đúng là phải cùng chị Pháy tìm chỗ khác mà ở. Bà bảo đứa con dâu thứ hai không phải làm nhiều như đứa thứ nhất, làm ít còn để sức đẻ thêm thằng con trai nữa. Tôi không muốn trở thành cái máy đẻ. Đẻ ra mà không được tự tay chăm con thì thà như chị Pháy còn tốt hơn. Nghĩ thế thôi, chứ nếu thế thật thì không những tôi mà cả bên bố mẹ cũng không thể sống với nhà chồng. Dù sao nhà chị Pháy bây giờ vẫn còn được coi là có tiếng nói, chứ cứ thường như nhà tôi thì bị trả lại từ lâu rồi. Đúng là nhà chị có mồ mả làm quan thật, cho đến bây giờ vẫn giữ được bề thế và tiếng tăm. Dòng dõi nhà thống lý không phải là vừa, tổ tiên phải tốt lắm mới phù hộ cho như thế. Chỉ tiếc chị Pháy là con gái, phải đi làm dâu, làm ma nhà người khác nên tổ tiên không theo. Đã là ma nhà này rồi thì phải ở đây, không cầu cứu chỗ khác được.
Nhưng tôi vẫn thấy lạ là chị Pháy không buồn lắm, cứ sống nhẫn nại như thế, không kêu gì cả. Không nói, không cãi, không trốn đi nơi khác thì sức chịu đựng của chị thật lớn. Có người bảo chị sống để chờ anh Sùng. Cũng không ai nói anh như thế nào mà để đến nỗi chị phải mất cả cuộc đời để chờ đợi. Nếu giờ anh về thì sẽ thế nào, anh có đưa chị đi khỏi nhà này không, có giải thoát chị khỏi kiếp trâu, kiếp ngựa này không. Anh có phải là một người giỏi giang đủ để chống lại nhà chồng tôi không. Tôi hỏi nhưng cũng không nhận được câu trả lời. Cái câm lặng của chị làm tôi càng tin điều mọi người vẫn thì thầm là đúng. Nếu như thế thì chị là người không bình thường.
– Chị Pháy à, có phải chị đang chờ anh Sùng không ?
– Ới giời, đừng có mà nói thế nữa nhé! Không chờ ai hết cả. Làm việc đi.
– Em không nói với ai đâu, chị cho em biết với.
– Thế thì ai nói với ai nào, không có chuyện ấy thì nói gì được!
Thế là tôi sợ, sợ chị cáu, sợ bị mắng, sợ động đến nỗi đau của chị. Thế nhưng tôi vẫn nghe được chị đang chờ anh ấy về thật. Nhưng từ khi lớn đến nay đã gần hai mươi mùa ngô rồi không thấy ai về. Đã hết một đời làm dâu mà có ai xuất hiện để chị hết buồn đâu. Mỗi ngày chỉ thấy chị già hơn, yếu hơn, còn cái chứng tích làm chị đau khổ thì vẫn sừng sững. Trên đỉnh Sủng Phìn, nó đứng nghênh ngang, giương đôi tai thủng ra trêu ngươi mọi người. Tôi mang thai, mẹ chồng canh từng tí một không cho đến gần Sủng Phìn. Ở đó có ma, đàn bà chửa cấm lai vãng đến mà nó lấy mất con. Nhiều lúc còn thấy mẹ chồng lẩm bẩm: “Nhà này có nợ với cái cột đá giết người ấy. Hồn con Pháy ở trên đó rồi, con nó cũng ở trên đó, không về đây sống được nên mới thế”. Nhưng nếu là con thì là của nhà họ Tráng này, chứ có phải của nhà anh Sùng đâu mà theo lên đó ở được. Anh ấy có ở đó mãi đâu mà bắt con cháu họ Tráng đi theo. Bây giờ đã đầu thai thành cái gì rồi cũng nên, chả còn quanh quất ở thế giới người nữa. Mà cũng chả biết, những người chết oan và kỳ quặc như thế thì có thành ma tốt mà đầu thai không. Nếu thế thì anh ấy vẫn ở quanh chị Pháy, không cho chị có con với người khác. Chị Pháy có nghĩ thế không, ngày trước có yêu nhiều không mà cứ lặng lẽ sống chờ. Chờ anh ấy về đón hay chờ đến lúc chị chết.
Cũng không biết anh còn sống hay đã chết mà đoán định được. Người bản vẫn rầm rì rằng anh chưa chết, bị hành hình mấy ngày liền chim lợn, cú, quạ kêu rầm trời. Ngày cũng như đêm chúng bay đen cả khoảng trời trên đầu cây cột đá. Chị cũng chỉ được nghe kể lại thôi, vì những ngày ấy bị thống lý Giàng Súng nhốt chặt trong buồng, có người canh mấy vòng. Là con nhà thống lý nhưng cũng chỉ là con gái, sống như người làm thôi, lớn lên đi làm dâu nhà khác, không mang họ, làm ma nhà thống lý được nên chỉ sống đợi đến ngày lớn lớn một tí là có người rước đi. Quan trọng là nhà đẻ được mấy đồng bạc, mấy con bò và mấy trăm rượu. Ấy vậy mà chị đã làm cái việc ô uế để giá trị con gái mất thì bị nhốt là phải. Nhưng rồi mấy năm sau thống lý vẫn lấp liếm được chuyện đó, gả chị cho nhà họ Tráng vẫn lấy được bao nhiêu của cải để đền ơn cha mẹ.
Chính cái ngày anh Sùng bị bắt quả tang đang nắm tay chị ở hốc núi lúc chăn bò rồi bị hành hình thì thân hình mới gầy gò, ốm yếu, thế mới không sinh được đứa con nào. Ngày chị được thả ra đã chạy lên đỉnh Sủng Phìn vồ lấy cột đá lạnh như băng chỉ còn thấy trống trơn toàn đá, tìm mãi không thấy gì là của anh để lại. Người ta bảo anh chết rồi, quạ, cú đã ăn hết anh rồi. Mấy ngày ấy, trời đen kịt, khí trời oi bức, trâu bò lồng lộn, cả đến lợn gà cũng không biết lối đi cho đúng đường về chuồng nữa. Người khác lại bảo vẫn thấy hình anh ôm cột đá, quạ, cú vẫn bay và kêu ầm ầm, thế mà chớp mắt một cái đã chỉ thấy cột đá trơ chọi. Anh đã biến mất, đàn quỷ đói trên đầu cũng biến mất. Thể nào cũng có ngày thống lý bị đòi nợ, nợ cả tình lẫn mạng. Thống lý sợ nhưng vẫn cứng rắn, quanh nhà lúc nào cũng có lính canh, chó dữ nuôi hàng đàn, mùi người lạ từ núi bên kia chúng đã ngửi thấy thì làm sao anh có thể đến gần mà đòi nợ được. Mãi rồi cũng quên dần đi, anh Sùng không thấy về, thống lý chết rồi, quân lính cũng tan rã, chị Pháy về nhà họ Tráng làm dâu và lặng lẽ.
Một ngày bất thường. Cột đá giết người của thống lý được xẻ chân và đem về Bảo tàng. Chị không biết mang đến chỗ ấy để làm gì. Chị buồn, ngày đầu tiên không dậy làm việc nhà. Thân nẫu ra, đuội đi. Chị nằm bất động, mắt nhắm và không thở. Miền ký ức của chị bị xâm chiếm, phá tan và mang đi mất.
Lâu rồi không ai để ý đến cây cột đá hình trụ và hai tai như -bành voi. Nó đã bị quên lãng, bởi ai cũng muốn quên. Bao nhiêu người đã ở trên đó chứ không riêng anh Sùng. Chẳng ai muốn nhìn đến nó sợ gợi lại nỗi đau trong lòng.
Chỉ riêng chị Pháy mỗi năm một lần trốn lên đỉnh Sủng Phìn và áp thân mình vào thân đá lạnh ngắt rồi đưa hai tay vào hai lỗ đá như ngày nào anh Sùng đứng. Ngày trước anh đứng bên này thì chị đứng bên kia. Chị lại ôm anh qua cây cột đá, nắm lấy tay anh qua hai lỗ đá. Mỗi năm một ngày, một phút để thêm nghị lực sống và chờ đợi. Vậy thì trong chị anh Sùng đã chết hay còn sống cũng không biết nữa.
Nhưng hôm nay người ta đến để mang cột đá ấy đi. Chị mất tất cả. Ngày này năm sau chị biết làm thế nào. Tại sao lại đúng vào ngày này. Bây giờ chị đã không muốn hay không thể cất mình để lên đỉnh Sủng Phìn ôm lấy cây cột đá để nhớ về anh.
Chị đang thế nào không ai để ý. Cả nhà, cả bản đang kéo nhau lên đỉnh Sủng Phìn xem sự kiện lạ. Mỗi người mỗi vẻ hả hê. Từ hôm nay không phải nhìn cái chứng tích đau buồn của nhà thống lý ngày xưa nữa. Thế có nghĩa là uy lực ma mãnh của nó từ trước tới giờ chỉ là doạ nhau. Bây giờ người ta đến mang nó đi, những hình ảnh, những ấn tượng cũng sẽ phai dần. Chỉ duy nhất chị Pháy không bao giờ quên.
Chồng tôi thì vẫn yêu chị Pháy lắm, bởi tình yêu Dia dành cho chị trước cả anh Sùng. Chỉ vì chị yêu anh Sùng nên Dia mới mất đi cơ hội. Khi lấy được chị, Dia thấy hả lòng hả dạ, chả gì thì cũng là nhà có thế lực hơn. Nhà anh Sùng thì chả có gì, lại dám yêu chị Pháy con nhà thống lý thì thật là một điều ngược đời ở cái vùng này, xưa nay chưa ai gan to đến thế. Chính Dia ngày ấy đã báo cho thống lý biết lúc hai người tâm tình, chính Dia cũng nói thẳng cho chị biết anh đã mách thống lý. Nhưng điều đó thì có sao, làm như thế mới có được chị.
Khi sự mất giá của chị xảy ra thì nhà họ Tráng không chấp nhận chị làm dâu. Nhưng Dia là con một, là người nối họ thì có cấm cũng không được mãi. Không cho lấy chị Pháy thì Dia không lấy ai, như thế sẽ không có con nối nghiệp. Mấy năm liền Dia theo chị, đi nương, chăn bò, lấy củi. Chị cúi gằm, không hé răng lấy một lần. Dia đi theo là để ngăn chị ăn lá ngón mà theo anh Sùng. Thống lý bảo: “Muốn được nó thì cứ đi mà canh, nó sống thì anh được, nó chết thì anh mất. Làm thế nào thì anh phải biết làm thế.” Bao nhiêu cây lá độc anh đều phát hết, cây ít độc, nhiều độc bị đào tận rễ. Mùa lá ngón nảy nở rồi lên như ngô vùng cao được nước thì thật khổ, phát bao nhiêu cũng không xuể với chúng. Mà ở cái vùng này toàn lá ngón cực độc, lá xanh mướt, láng bóng, chứ không phải lá ngón vàng như vùng khác. Chị vứt tiền vào gốc cây ngón để mua cái chết, nhưng Dia ngăn được. Chỉ bứt một lá ngón được mua thế cũng đủ theo anh Sùng đi. Mấy năm liền vùng này hết lá ngón, không còn mầm nào nên chị bỏ ý định tự tử. Ngày nào cũng vậy, ra khỏi nhà là có Dia đi kèm, về là có người nhà canh. Mấy năm như thế, Dia cũng lấy được chị về làm dâu. Bao nhiêu lần Dia không chịu nổi muốn cướp chị về nhốt buồng, mời thầy đến mà quăng con gà trống qua đầu để xong cái việc ma nhà nhận mặt. Rồi ba ngày sau đến báo cho thống lý. Nhưng nếu cướp chị, nhà thống lý bắt đền, đòi nhiều bò, nhiều lợn, nhiều rượu mở cỗ mời anh em. Nhà Dia giàu thì giàu thật nhưng so với nhà thống lý vẫn không bằng cây cột nhà, nên Dia sợ. Họ mời anh em đến thì chục năm sau vẫn không trả hết nợ, bố mẹ Dia chết mất. Thế là cái giá ấy được trả bằng mấy năm canh chị từng tí một. Rồi sự
hạ giá của một đứa con gái nhà thống lý cũng vào tay Dia. Dia mừng bao nhiêu thì bố mẹ tủi nhục bấy nhiêu. Tiếng xấu của chị Pháy vẫn bay vào từng ngách núi để mọi người thì thầm. Cái giá ấy được nhà thống lý hạ xuống để Dia đón chị về. Tiếng là hạ xuống nhưng so với nhà khác thì vẫn là đáng giá lắm, chỉ là so với nhà thống lý thì mời anh em đến ăn cưới còn không đủ chia mỗi người một dẻ sườn mang về cho trẻ con.
Tôi làm dâu chỉ là để có đứa con trai chứ thực tình Dia vẫn thuộc về chị Pháy. Đêm nào Dia cũng ngủ bên buồng chị. Hôm nào bị bố mẹ nói nhiều quá mới sang buồng tôi ngủ. Cái nghĩa vụ tôi và Dia phải làm cho nhà họ Tráng này đã xong một phần. Thằng con trai đầu lòng là cái giá, cái danh mà tôi có trong nhà này. Nếu muốn cái đó tăng thêm thì mấy đứa con trai nữa sẽ nâng được lên. Thế mà bao nhiêu bò, lợn, rượu sang nhà tôi vẫn chỉ bằng một phần sang nhà chị Pháy. Mẹ chồng của hai đứa con dâu tiếc của, đay nghiến đứa này bao nhiêu thì chăm sóc cái bụng của đứa kia bấy nhiêu.
Chị Pháy bảo cố mà đẻ, đẻ càng nhiều càng tốt. Số tôi tốt, ma nhà này thích nên cố sống với mẹ chồng càng dài càng tốt. Thế nên nhiều đêm chị cũng đuổi Dia sang buồng tôi. Cái sự yêu đương của tôi và Dia chỉ là sự thay thế. Dia cứ nghĩ tôi là chị Pháy, nằm đấy mà nghĩ đến bên kia, miệng vẫn lẩm bẩm tên chị chứ có coi tôi là gì đâu. Tôi chỉ là cái bóng của chị trong tim Dia.
Hôm qua, mẹ chồng lại giục tôi đẻ. Bà than phiền sao vẫn chưa thấy cái bụng tôi phồng lên, thằng Pó đã một tuổi rồi.
– Chị Pháy này, em không thích đẻ nữa, đẻ nữa khổ lắm.
– Không đẻ nữa à?
– Em không muốn.
Chị móc trong cạp váy ra một dúm lá héo dúi vào tay tôi.
-Thế thì hàng tháng, ngày đầu tiên bẩn người ăn cái lá này vào sẽ không đẻ nữa.
– Hả?!….
Tôi nhìn chị kinh ngạc. Chúng tôi, mỗi người đã sống và bấu víu vào một điều khác nhau, vì dù sao thì vẫn phải sống mà.
C.T.M.H