Ngày cuối cùng của một tử tù, tựa sách đã hé lộ phần nào nội dung tác phẩm: đây là câu chuyện kể về ngày cuối cùng trước khi bị mang lên máy chém của một phạm nhân khoảng bốn mươi tuổi. Trong thời gian đầu, người tử tù bị giam ở nhà ngục Bicetre. Tại đây, ông đã ghi lại tất cả những gì diễn ra trong hơn năm tuần ông bị giam giữ. Sau đó, ông được chuyển đến nhà ngục la Conciergerie và cuối cùng là từ nhà ngục Conciergerie trước khi tới đoạn đầu đài.
Cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 100 trang với nội dung gói gọn trọn một ngày nhưng đã chất chứa sức nặng vô hình trong giá trị nội dung lẫn giá trị tư tưởng mà Victor Hugo gửi gắm vào từng câu, từng chữ.
Trước hết, đây là sáng tác mang mô típ thường thấy ở nhiều tác phẩm khác của Victor Hugo: motif về người tử tù. “Tôi”, cũng như Giăng–van–giăng trong Những người khốn khổ, đều là những kiếp phận bé mọn phải gánh chịu bản án tử hình. Nhưng bởi không được đồ sộ về mặt dung lượng như Những người khốn khổ, không gian lẫn thời gian đều thu hẹp đến mức tối đa: không gian trong ngục tù, thời gian chỉ là 24 tiếng trước giờ hành quyết mà tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù mang một cốt truyện với những tình tiết phát triển nhanh, song hành cùng những dòng nội tâm, tâm trạng đầy day dứt, khắc khoải của một người đàn ông mà thời gian để sống, chỉ còn được tính bằng giờ, bằng phút.
Chính Tiến sĩ Trần Hinh, người hiệu đính và cũng là người viết lời đề từ cho bản tiếng Việt tiểu thuyết Ngày cuối cùng của một tử tù đã phát hiện: “Ngày cuối cùng của một tử tù được kể trong ba mạch truyện chính: mạch thứ nhất từ đầu đến chương 21, được viết ở nhà ngục Bicetre vào đếm trước gần rạng sáng ngày bị kết án; mạch giữa từ chương 22 đến chương 47 viết ở nhà ngục Conciergerie, và mạch thứ ba từ chương 48 đến kết thúc tác phẩm bao gồm các sự kiện cuối cùng”.
Với cốt truyện như vậy và để khắc sâu thêm dòng ý thức của người tử tù trong ngày cuối cùng còn được sống, tác giả Victor Hugo đã sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, điểm nhìn trần thuật được đặt trùng với nhân vật tự sự. “Tôi” ở đây vừa là nhân vật chính, vừa là người kể chuyện nói, viết về chính cuộc đời anh ta. Bởi thế mà, nỗi đau, niềm ham sống tưởng chừng như “hèn mọn” của nhân vật tử tù lại càng trở nên chân thực, sống động.
Và con người đó thật sự là kiểu nhân vật điển hình trong sáng tác của Victor Hugo: mẫu hình nhân vật khốn khổ. Đấy là sự khốn khổ của người tử tù, một kẻ mang thân phận ở tận cùng xã hội; một kẻ đã mất đi nhân quyền, nhân dạng, đến cả tên gọi của ông ta cũng đã bị xóa bỏ. Còn những người xung quanh khi đối diện trước kẻ tử tù chỉ còn 24 giờ để sống thì hoặc thương hại, hoặc sợ hãi, hoặc đề phòng hoặc thậm chí là vui sướng trên nỗi đau của anh ta. Kẻ khốn khổ ấy, đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, vẫn không được đối xử như một con người trọn vẹn.
Và nhân vật đó, con người đã mất đi nhân tính, nhân dạng đó không chỉ đủ tầm để đại diện cho thế giới nhân vật trong văn nghiệp Victor Hugo mà còn mang đầy đủ phẩm chất những người khốn khổ của nước Pháp thế kỉ XIX. Anh ta chính là nhân vật điển hình trong một hoàn cảnh điển hình: người tử tù chỉ còn 24h để sống.
Trong hoàn cảnh đấy, sự phát triển tâm lí nhân vật đi từ việc sẵn sàng chấp nhận cái chết, thà chết chứ không chịu trở thành tù khổ sai đến việc tìm cách vượt ngục để tìm sự sống và cuối cùng gần như là cầu xin sự sống. Không chỉ vậy, với tâm lí càng gần với cái chết, con người càng có xu hướng nhớ lại quá khứ đã qua mà từng mảng kí ức trở về với “tôi”. Dòng nội tâm, ý thức phát triển hợp lý và đó cũng là tâm lý chung của con người đứng trước đoạn đầu đài, khao khát muốn níu giữ lấy sự sống.
Từ khóacái chết Hùng Sơn tử tù Victor Hugo
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …