RadioVn.Com – Cuối cùng thì vợ chồng lão An cũng ra phố. Khác với số đông người làng Phương Tân ra thủ đô để “phát triển kinh tế mới” – khẩu ngữ mà người làng vẫn gọi những nông dân nghèo, lam lũ rời làng trong tiết nông nhàn làm phu hồ, làm “công ty” mua bán phế liệu di động hay buôn thúng bán mẹt, bưng bê cơm phở… ông bà lão An ra Hà Nội là để ở với vợ chồng người con trai cả, tên Bình.
Rõ ràng, cuộc di cư này có tâm thế khác, nó có tầm vóc của thời “công nghiệp hoá”, thời “hội nhập”; toàn những từ rất kêu mà dân xính chữ, ưa hóng hớt làng Phương Tân hay dùng, mặc dù chẳng hiểu công nghiệp hoá với hội nhập là cái quái gì; chỉ nghe lỏm trên báo, trên đài rồi ví von cho ra vẻ thời thượng. Mà hay ví von nhất là cái anh “a lô” đài xã. Tinh mơ đã “a lô”. Đêm, sau buổi cày mệt lử, vừa leo lên giường lại nghe “a lô”, ví ví von von trên bờ dưới ruộng. Cái loa rọt rẹt treo ở cột bê tông đầu ngõ xóm khoan vào nhĩ tai ngày nọ tháng kia. Mấy người có chứng đau đầu, “tăng xông” cứ phải nhăn mặt, trông như mớ giẻ nhàu. Tức chết! Thế giới đang đi vào vi mô, loa đài xã, loa đài mậu dịch cứ thích tiến lên vĩ mô.
Bởi vậy, bữa cơm hôm chia tay lão An với họ hàng, chòm xóm khá to. Nghe đâu, Bình thuê người làm cỗ chuyên nghiệp từ Hà thành về “cắm” từ hôm trước. Cỗ tới năm chục mâm. Rất nhiều món đặc sản lần đầu các cụ ở làng mới được thụ ẩm. Cụ nào cũng gật gù, nhỏm nhẻm hương vị. Chẳng hiểu lạ miệng lạ bụng hay sao mà các cụ cứ thay nhau rắm đánh bum bủm. Mỗi cụ đều tự nguyện bớt một phần cỗ của mình đặng có tí quà để con cháu biết thế nào là mùi mẽ kinh thành. Cũng phải thôi, chòm xóm với nhau đời này đời nọ, tình cảm thôn quê cực thâm hậu. Với lại, “cu” Bình, thằng bé nghịch ngợm nhất nhì làng ngày xưa, mỗi lần choảng nhau với trẻ xóm, hoặc trộm chanh, trộm ổi, người ta lại rống lên rủa “lớn lên đi làm cướp”, nay đã là ông giám đốc một bệnh viện to. Người ta kháo về tận làng rằng ngày Tết, nhân viên bệnh viện và bệnh nhân cứ là chen chân đến nhà “sếp”. Lời chúc cũng vô cùng hóm mà thực dụng đáo để, đại loại như “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”… Bổng lộc rủng rỉnh, làm vài chục mâm cỗ có là gì. Đẹp tình làng, đẹp mặt các cụ cũng là việc nên vậy.
Thực ra, trong đời lão An có tới vài cơ hội có thể xuất ngoại khỏi cái làng nghèo. Thời Tây thuộc, lão cùng mấy trai làng buôn chè, buôn muối khắp miền Phú Thọ, Sơn Tây, Hoà Bình, tiền đúc đầy mấy cái tất chân mua ở chợ Sơn Tây. Chỉ tiếc, tiền dấu ở mái lá trong buồng, Tây càn đốt nhà cháy sạch. Giá hồi đó mua vàng chôn xuống đất, có phải giờ con cháu có của gia truyền không. Sau chống Tây, lão đã từng buôn bè về tận bến Chèm. Các bậc tiên chỉ bảo “phi thương bất phú”. Một chuyến đi bè gỗ từ sông Đà xuôi Hà Nội cũng bộn tiền. Nhưng thời đó người ta cứ móc máy gọi những người buôn bán là “con buôn”, “con phe”, là tư doanh tư lợi, nghe lải nhải đến phát kinh. Lão khí khái, ngứa lỗ tai, ngao ngán thương trường, đái một bãi xuống sông và bỏ đường sinh cơ ở Hà Nội. Mà làm gì có thương trường, ấy là mượn lời thời nay. Chỉ có đến thương nghiệp mậu dịch quốc doanh độc quyền. Những cô nàng thôn quê nơi lão vốn kiệm chữ nghĩa, nhưng mông mẩy, đùi to, mặc quần phíp gió thổi ngược trông nần nẫn, đưa nhau vào mậu dịch bán thực phẩm. Không ngờ nhân viên bách hoá mậu dịch, cửa hàng thực phẩm thời đói kém bỗng có giá, đỏng đảnh giắt nhau lên đời. Thường chỉ thấy cậu công an hoặc con cháu mấy ông thân thế cấp huyện trở lên mới lấy được vợ mậu dịch quốc doanh. Thế là khi có phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp, lão bỏ buôn bè. Lại người cần mẫn, nói là làm, lão được bầu vào Ban chủ nhiệm. Suốt ngày, quần xắn móng lợn chạy từ làng trên xuống xóm dưới, đồng cạn tới đồng sâu, mùa sương giá nẻ toác máu chân, mùa hè nắng liếm cháy mặt. Giấy khen lão đỏ rực nhà nhưng làng vẫn đói nghèo, nhà lão vẫn “mướp” lắm. Hợp tác xã thời bao cấp là một thứ đại lãn công, một kiểu cha chung không ai khóc, lão biết. Rồi phong trào “Làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa” phá sản. Khi có cuộc vận động “xây dựng kinh tế mới” lão đã tính bốc cả nhà đi Tây Nguyên. Nhưng lão bỗng đổ bệnh, lỡ đợt. Thằng bố cả sau khi đi bộ đội về lại may mắn trúng tuyển đại học y, lão mừng quá, “hoãn” cho đến tận giờ.
Ngày Phố – Trần Quang Quý
Chuyện này nhắc lại, thỉnh thoảng thằng cả Bình vẫn tỉ lão: “Rừng vàng” nước ta về cơ bản đã “vặt lông” sạch rồi, may mà bố không tham gia vào đội quân kinh tế mới phá rừng vĩ đại nhất trong lịch sử. Cái thằng tầm bậy, phá rừng thì cả nước cùng phá, ngành ngành đều phá chứ đâu riêng mấy ông “kinh tế mới”. Chẳng gì thì thằng bố nó đây cũng có tiếng là hoạt ở làng, có tí chức sắc hẳn hoi; chức bầu chứ không phải “mua” như bây giờ người ta hay nói. Bây giờ ấy hả, mỗi lần chuẩn bị đại hội đại hè, bầu bán gì đó là chó làng sủa nhặng xị cả đêm. Có chuyện gì mà lạ vậy? Các quan thậm thụt đi đêm, đi “chạy” phiếu đấy, qua mặt làm sao được lão. Cái quán thịt chó của nhà Hùng béo đầu làng là chỗ mấy ông xã hay chén chú chén anh. Có lúc miệng làng nói dữ quá, họ kéo lên tận phố huyện bù khú để tránh người ta xoi mói. Đến quan xã bây giờ cũng phe nọ cánh kia cả, đâu như thời lão.
Tới khi nhà Bình có con nhỏ, vợ chồng lão cũng đã nhiều lần thay phiên nhau đi Hà Nội trông cháu nhưng nhất định không ở lâu. Phần vì chúng nhốt vợ chồng lão trong nhà suốt ngày như chó nhốt cũi. Cũng tại đói kém, trộm cắp nhiều quá cơ. Đến đôi dép rách bọn trộm còn dùng móc sắt lôi đi. Có lần lão bắt quả tang một con ranh, dân Trại Nhãn móc quần áo con dâu lão, lão quát, nó dơ móc sắt nhọn hoắt còn lủng lẳng cái “quang treo” dứ vào mặt lão: “Lão già, muốn toi không?” Đời dạy lão im lặng là vàng. Hy sinh vì cái quần nhíp thì đau lắm! Bọn ở phố bây giờ hỗn thế. Tứ chiến giang hồ quần tụ. Ra đường, chúng đi tạt ngang đầu xe mình, quát chúng, chúng quay lại vằng mắt hạ các bậc cha chú làm “thằng” hết… Thương con thương cháu thật, nhưng tủi lắm. Không chạnh lòng sao được, ngay cả việc chăn nuôi, vợ thằng Bình, dâu cả của lão, nó chăm lợn còn hơn chăm bố mẹ chồng.
Lão ngợp trước những chung cư xây từ những năm sáu mươi, chật chội, bức bối. Nhà nhà cơi nới lấy chỗ ở, chỗ nuôi lợn, khá giả hơn thì nuôi chó cảnh, nuôi mèo “mặt tịt”, giống lấy tận bên Tây, mỗi con giống đến vài triệu bạc, đâu có ít. Hà Nội thực ra là cái làng góp. Người ta bảo thế. Lão cũng thấy thế. Chó, lợn đua nhau lên nhà tầng. Mùi phân lợn nồng nặc. Ruồi nhặng đua nhau từ làng ra phố như về hội. Thôi thì, ngửi mãi thành quen. Thối thắm cũng không trốn được, nông thôn nào chả lợn gà, bò bê. Sống chung thân với cái mùi ấy rồi. Nhưng cái cách chúng nó gọi lợn là “thủ trưởng”, lợn hơi biếng ăn là tiêm kháng sinh, bồi thuốc bổ thì cả ông lẫn bà đều dấm dứt. Thời gian đầu, đêm thao thức không ngủ được. Nhưng nghĩ cho cùng, bọn con lão không cưng chiều “thủ trưởng” thì lấy gì mà cải thiện bữa ăn. Con dâu lão ngày ấy sinh con so mà mướt như lá hẹ. Đi khám chế độ PAM để xin cấp sữa bột tài trợ, cán bộ y tế vẫn nghi ngờ bắt vén áo lột ngực, bóp sưng vều cả vú mà chả phọt ra tí sữa nào. Bởi thế, có một cuộc phân công lao động nội gia rất tự nhiên; ông bố chăm cháu, nàng dâu ngoài nghĩa vụ công chức nhà nước thì chăm “thủ trưởng” lợn, thủ trưởng mà ốm là mất ăn mất ngủ. Bố cả Bình đi dạy thêm ở trường cán bộ y tế. Nhờ có nhiều học sinh là Cửa hàng trưởng Hiệu thuốc nhân dân nên cách “tăng gia” hữu dụng nhất là xin học trò bán cho một vài thùng vitamin, thuốc kháng sinh giá phân phối mậu dịch, “đá” ra chợ đen rồi cũng tậu được “con” xe đạp lfa, “quả” đài cắt-xét.
Nói cho cùng, lão thích đếch gì ra phố. Hà Nội trong mắt lão láo nháo, bụi bậm, dây dợ, điện đóm chạy lằng nhằng như mạng nhện, trông khiếp! Ở đây lắm bọn du thủ du thực, trộm cắp, tranh ăn tranh ở… Chao ôi là cái tệ nạn! Bao cao su, ống kim tiêm vứt la liệt quanh gốc cây xà cừ bên ngoài tường rào nhà con trai lão mỗi đêm. Đứng trên ban công, thấy bọn choai tóc nhuộm râu ngô, mặt như mặt ma, dặt dẹo gốc cây vén quần bơm kim tiêm vào háng giữa ban ngày, trông buồn oẹ. Lão từng biết nhiều gia cảnh tang thương vì có người nghiện hút, từng xem tivi chiếu cảnh chợ hêrôin Thanh Nhàn mà sởn hết người, mồ hôi vã ra như đái dầm. Cạnh nhà cả Bình, lão tận mắt chứng kiến con trai độc đinh của một tay vụ trưởng, giám đốc dự án vốn vay quốc tế gì đó mấy ngàn tỉ, chết đứ trong nhà tắm vì sốc hêrôin. Người ta đồn ông này tậu biệt thự, trang trại hàng héc ta. Ông ta còn tồn tại bởi khéo chùi mép, khéo bo cấp trên; và đặc biệt, nói như ngôn ngữ bọn trẻ là đông tiền, đông đạn, bắn đâu chẳng chết. Tiền lắm mà làm gì. Vênh vang tinh tướng với ai? Lão không thể hiểu được. Càng không thể hiểu người nhà nước sao mà lắm tiền thế. Trẻ con ở phố thỉnh thoảng chõ mồm vào nhà ông vụ trưởng hét: “trẻ em hôm nay, con nợ ngày mai…” Thế còn ra cái ngữ gì? Phúc mới quý! Có phúc là có tất cả, các cụ tổ dạy lão thế. Làng lão dù đã nhiều thói xấu nhập cư nhưng còn trong lành chán. Lão sống ở làng có bạn bè, chòm xóm, luống rau, con gà làm vui. Trưa nào cũng cả gần chục ông bạn già ngồi kín chiếu tổ tôm; vỗ đùi cười ha hả; thuốc lào, trà đặc vui thú điền viên. Nhưng cả Bình nhà lão lên giám đốc; lên giám đốc thì lôi được cả lũ em về Hà Nội. Đó là lí do mà vợ chồng lão sau nhiều đên cân nhắc đành phải dứt áo theo con theo cháu, mà lần này thì theo lâu dài đây. Trẻ cậy cha, già cậy con. Lại nhớ các cháu nữa. Cầm lòng sao được. Cả Bình bảo, đây là lúc chúng con báo hiếu với cha mẹ. Nghe cũng nở mặt. Không chỉ báo hiếu, còn là cái tiếng với làng, với thiên hạ. Lão ít nhiều hiểu được là phải dữ danh cho con. Lên được cái chức ấy đâu phải dễ. Giữa chốn quần ngư tranh thực, mình lại là người quê, không thần thế. Chả hay con lão có phải khổ sở chạy chức hay không, thiên hạ cứ thì thào rằng ở đâu bây giờ cũng phải “chạy” hết. Mà không chỉ chạy vài “vé” đâu nhá. Nhiều chục ngàn đô cơ đấy. Chức càng to, càng ở chỗ nhiều bổng lộc, nhiều quyền lực thì “măn ni” càng phải dồi dào. Bỗ cái thằng cháu đích tôn, nó lại nói với ông nội nó bằng tiếng Tây. Ra là nó cậy nó đang học đại học đây. Nó còn bảo nước ta có thể xuất khẩu vận động viên “chạy chức”. Bọn trẻ bây giờ láu thế. Chả bù cho đời lão, loong toong mãi cũng chỉ ruộng đồng, ngô khoai không dám bứt ra khỏi làng. Cổ lỗ quá thể.
Ngày Phố – Trần Quang Quý
“Nào các cụ, cãc cụ cứ xơi thực lòng nhé. Biết khi nào mới được ngồi với nhau, nhớ lắm!” Hình như mắt lão hơi ướt. Lão hô các nàng dâu, lũ con cháu tiếp rượu, tiếp món râm ran. Lão bà hôm nay trông mới nhuận sắc, cười tươi đáo để. Mấy vãi cứ quấn quýt bên mẹt trầu, môi đỏ choét. Chả biết chuyện những gì mà cứ xầm xào như phiên chợ Bơ thế kia. Cả Bình bận bịu khách Hà Nội lên, khách ở huyện xuống. Đấy là việc bang giao của các anh. Việc làng mới là việc lão cần phải chu đáo. Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp. Đời lão là đời làng. Làng là đời này đời nọ, ông bà tổ tiên ở đây cả, phố là đếch gì. Mấy cha kẻ chợ cũng là làng đẻ ra cả, đừng có mà vênh vang.
Lâu lắm lão mới có đại hỉ, mới líu lưỡi như vậy. Bà lão thỉnh thoảng lại liếc chồng, xì xào với mấy bà láng giềng tâm phúc: “Trông lão nhà tôi hay chưa kìa, cứ như trẻ ranh ấy!”, “mặc kệ ông anh, trẻ được thế là mừng, ngày vui mà, bà chị”… Ừ, ngày vui. Từ phố về đây cũng chỉ vài giờ tàu xe, xa cách đâu lắm mà bà con, dân xóm đến tiễn vợ chồng lão như tiễn người đi sứ, đi xuất ngoại. Tình làng nó quý thế, đâu phải vì cỗ to.
*
Hai ông bà nhà lão được con trai cả dành cho một tầng làm nơi nghỉ ngơi sinh hoạt. Con cháu ở các tầng trên của ngôi nhà năm tầng bề thế khu trung tâm thành phố. Con trai lão còn có một biệt thự cho Tây thuê ở Hồ Tây, mỗi tháng bỏ ống được vài ngàn đô; nghe bảo còn đôi miếng đất ở khu đô thị mới, coi như của để dành. Gia đạo như vậy là hưng thịnh, ít người sánh kịp. Ở quê đời đời kiếp kiếp chả kiếm được thế. Lão cũng nhiều lần lo lắng nói xa nói gần với vợ chồng con trưởng, tiền bạc không là gì, miễn sao giữ cho gia đình yên ấm, bình an. Bố mẹ lại càng không cần đến những thứ đó. Bài học đau đớn vì tiền nhiều rồi. Ngay cạnh nhà đây chứ đâu xa. Con trai lão cười hề, bảo lão đừng quá lo mà tâm rối. Nhiệm vụ của các cụ là ăn nghỉ, vui chơi với con cháu dưỡng già, không phải làm bất cứ việc gì. Mọi việc vặt, cơm nước đã có ô-sin, có máy móc nó làm. Căn cơ, làm lụng cả đời rồi. Thời công nghiệp rồi. “Các cụ bây giờ là người thành thị đấy nhá. Không thoát ly khoai sắn thì bao giờ mới sướng được”. Con trai lão nửa đùa nửa thật nói như vậy. Và để thể hiện cái sự máy móc công nghiệp, phòng ở của lão ông, lão bà có tivi siêu mỏng siêu phẳng, có loa đài hiện đại thích mở lúc nào thì mở, bếp núc có máy rửa bát, máy sấy, máy giặt; nhà vệ sinh mà cháu nội lão vẫn gọi tiếng Tây là toa-lét, cái bồn ị Nhật Bản có nút bấm tự rửa…, lại có mùi nước hoa nữa chứ. Lão không thể hình dung được sao bây giờ cuộc sống nó lại tối tân thế, người ta vẽ ra nhiều thứ xa hoa thế. Vua chúa ngày xưa sao sánh bằng. Nhưng thú thực, lão không quen, loay hoay vẫn lộn nút nọ nút kia hoài dù con cháu nhiều lần hướng dẫn. Còn bà lão thì đến khổ, cứ ngửi thấy cái mùi nước hoa, nước xịt phòng là buồn nôn. Cuộc sống lúa ngô khoai sắn giản đơn nó là máu thịt mất rồi. Đồng quê chỉ có hoa hoang cỏ dại, sực nức rơm rạ mùa màng. Lão thấy đi ị mà tiến lên công nghiệp chùi giấy đã là tân kỳ rồi. Ngày xưa làng lão chỉ dùng lá chuối khô hoặc que nứa “khoắng” cái là xong.
Thời gian đầu, để ông bà lão đỡ ngán, ngoài chiếc điếu cày làm bạn tri âm, rồi tivi, loa đài… cứ dịp cuối tuần là con cháu lại tụ tập về nhà anh cả để làm vui cho ông bà nội. Nhân viên trong cơ quan cũng năng lui tới nhà sếp bang giao hiếu hỉ ngày tuần, ngày giỗ chạp, tranh thủ thể hiện lòng “tri ân” đặng tính nghiệp bền rễ, khoẻ gốc. Quả cũng vui cửa vui nhà, tuần tuần đình đám hội hè. Chuyện thời thế, chuyện cơ quan này nọ cũng vì thế mà lão biết thêm nhiều điều. Lão coi đó là món quà tích cóp để mỗi lần có dịp về thăm quê có cái mà gẫu với cố tri. Nhưng hội hè gì thì cũng đến cuộc tàn. Lão biết con cháu lão cố làm mọi cách để lão “tiến lên” đô thị, để “hội nhập” như mấy ông “a lô” làng lão dạo này vẫn hay bảo thế. Cái mà lão cảm thấy bồn chồn, chân tay như thừa ra là không có việc gì để làm, không có bạn hữu. Lão đã quá biết cảnh sống trong những bức tường bê tông lúc nào cũng im ỉm khoá để chống trộm. Lão quá biết cuộc sống ở phố ồn ào, bức bối là thế nào. Nhưng lao động là bản tính của người ta. Cộng đồng cũng là cuộc sống của người ta. Lão lại vốn là người làm lụng. Khi mấy luống rau, khi tỉa cành đánh gốc, khi đan cái dần cái sàng, khi mấy ổ gà… Nhịn làm sao được. Lại nhớ những ngày ở quê, trưa nào mà chẳng có ít nhất dăm người bạn bên bàn tổ tôm, bên nồi nước trà xanh, một gói thuốc lào ngon bạn bè cùng hỉ hả. Tuổi cao như thế đối với lão đã là thiên đường rồi.
Giờ cứ ngồi nhìn ra ô cửa và cái góc phố cố định làm mòn con mắt, làm nhão cả người. Hai vợ chồng già và một cô “ô-sin” ngồi buôn cũng cạn chuyện. Bà lão buồn chân buồn tay, suốt ngày hí húi quét cửa lau nhà, tranh cả việc của người làm. Ô-sin phát hoảng: “Cháu van bà! Bà thương cháu với, bà mà làm thế là cháu bị cô chú Bình đuổi việc”. Bà lão cự: “Rõ hay, lão muốn cho nó khoẻ chân khoẻ tay. Đứa nào dám đuổi cô! Cứ nằm, ngồi, đến bữa sẵn ăn, khác nào con ỉn”. Cô ô-sin sợ, lão cũng phải thêm lời dỗ dành mới bớt tái mặt. Câu nói của lão bà vô tình thêm một lần khía vào lòng lão. Con ỉn? Bà ấy còn có cái để đụng chân đụng tay, lão có cái gì nhỉ? Lão không thể ngồi im như thằng tù trong xà lim phố thị. Lão không là ỉn. Lão không tự mình khám phá phố phường khi giục vợ cả Bình đánh thêm cho lão bộ chìa khoá nữa. Nàng dâu sắm thêm cho bố chồng một dây xích đeo chìa sáng choé, cứ dặn đi dặn lại bố phải treo móc ra làm sao kẻo dẻ gian xoáy mất. Nàng viện dẫn, nhiều cụ ở quê ra, mất cảnh giác, để kẻ gian vào nhà bốc của, không chừng còn bị “khò” cho một cái, thiệt mạng. Mấy đứa cháu nội thấy vậy cũng chọc lão: “Ông nội đeo dây chìa khoá hách thật, trông như ông chủ mới nổi”. Cả nhà cười bò. Ông bảo: “Tao mà thích có khi giờ làm to. Khối thằng chân đất mắt toét, ngày xưa còn ngu hơn mình, mà sau cũng thành ông huyện, ông tỉnh cả”.
Quán nước trà đầu ngõ của cô Thu béo nhanh chóng trở thành “bến đỗ” của lão mỗi khi ra phố. Cô Thu béo mà bọn trẻ ở ở phố gọi là đội trưởng đội “gầm thấp”. Người thấp mũm mĩm nhưng có duyên. Bán hàng lởi xởi, lại cũng người quê “nhảy dù” ra phố nên gặp lão vừa có chuyện để hầu, lại vừa cảm thông. Đặc biệt, rượu nếp của cô Thu được lão cho là đằm. Mới chỉ vài chầu “rượu Thu” – lão gọi thế – mà lão chê ỏng chê eo rượu Tây của cả Bình là nhạt toẹt, là xa xỉ. Ngày nào đi ngang qua lão cũng rẽ vào quán cô Thu nhâm nhi một chén rượu đầy, làm vài cốc trà, “bắn” một hơi thuốc lào, thấy sảng khoái, tinh thần vượng. Ôi thôi, quán nước là cả một kho đủ thứ chuyện trên trời dưới bể của thiên hạ. Ai qua đây cũng góp một vài chuyện từ tai nạn giao thông, hút hít, trộm cướp, mánh mung, bầu bán, đến chạy chức, buôn quan, làm ăn, thương trường, quốc tế… Người duyên, chuyện hấp dẫn hơn cả nhà đài, nhà ti vi mậu dịch quốc doanh. Các cụ về hưu lại rảnh thời gian ngồi dài dài, toàn chuyện quốc sự cả. Mà lạ, dân ta hay quốc sự. Lúc trai trẻ khoẻ mạnh, lúc đương chức chả thấy các cụ đụng chạm, thể hiện gì, khi “hạ cánh an toàn” thì chửi tuốt tuột đám hậu sinh là dở, là tham, là đánh quả dự án, là đục khoét vốn vay, là chậm tiến… Quả thực, ở phố mới hiểu thú ngồi quán cóc vỉa hè, bình dân phố thị. Cô Thu hiến kế, “Sao anh không mua chậu mà trồng hoa, cây cảnh trên sân thượng? Sân thượng nhà anh rộng thế, không chừng đổ đất làm vườn trồng rau được”. Ừ nhỉ, vậy mà lão không nghĩ ra. Việc ở đấy chứ đâu xa. Quả không hổ kiến nông của người đồng gốc gác dân thôn. Vài chục năm trước ban công nhà phố đã từng thành chuồng lợn chuồng gà. Nay lại cái mẹo sân thượng thành vườn rau thì chỉ người quê chúng mình mới kiệm đất, khéo lo việc đến thế.
Chiến lược “nông nghiệp hóa thành thị” bắt đầu. Tuy nhiên, “dự án” trồng rau sân thượng mà lão bảo vệ thì cả Bình không mấy thuận. Nhưng làm gì để các cụ vui sống là điều mà chính Bình cũng không thể hình dung ra. Cuộc đời có nhiều cái lý giản dị, rất giản dị mà không hề đơn giản. Các cụ là đời quê, là vườn tược. Không thể suốt ngày ngồi xem ti vi hay lân la tán gẫu ngoài quán cóc, nhếch nhác lắm, thiên hạ lại dễ đồn thổi chuyện này chuyện nọ.
Một ngày chủ nhật, đất phù sa từ bãi sông Hồng đã lên sân thượng nhà Bình. Bọn trẻ đồng thanh bảo “bầu” ông nội lên chức Chủ nhiệm “hợp tác xã” sân thượng, bầu bà nội là Phó chủ nhiệm. Lão bà lườm: “Bầu ông nội tụi bay là chủ hàng rượu ngoài kia kìa”. Thằng con lớn đang là sinh viên nhà Bình chêm vào: “Cháu ủng hộ bà, hồi này ông chỉ sai mua rượu cô Thu thôi. Rượu Tây của bố cháu là nước lã”. Vợ Bình nháy mắt, ý bảo con trai đừng có “mua chuyện”. Các nàng dâu, các cô em Bình về tụ tập bù khú ngày cuối tuần cũng quay mặt thót cười. Lão thủng thẳng: “Tao chỉ… Uống rượu nếp… Nó quen rồi. Bà mày nấu được rượu thì tiện quá, việc gì phải ra quán”. Lão bà vén cái miệng đỏ trầu: “Bây giờ vẽ vời lắm rồi”. Lão biết thừa rằng lão bà chỉ muốn châm chọc lão cái sự hồi này chăm ngồi quán hơn ở nhà chứ lên lão rồi, như cành cây khô làm gì còn nhựa mà tình với ý, có mà rồ. Cả Bình bảo: “Mẹ là Phó chủ nhiệm, cứ lên lịch trồng rau kín vào là bố hết ra phố”. Bà bảo: “Là nói vậy thôi, ai giữ được bố mày. Ngày còn trẻ đi buôn bè vắng cả tháng trời nữa là”.
*
Lão đã có chuyện để góp vui vào cái quán cóc nhà cô Thu. Lão còn thỉnh thoảng gói ghém cho cô Thu một mớ rau thơm, vài nhánh hành tươi để trả cái nghĩa nhiều khi cô không lấy tiền rượu. Cây nhà lá vườn trồng được, miễn là vui tình làng nghĩa phố. Mà ở quán, lão thấy vẻ vang ghê. Nhiều người cũng muốn làm thân với lão bởi cái chân chất, thẳng thắn của người nhà quê, nó là lạ; cũng phòng khi người nhà đau ốm nữa. Con lão là Giám đốc bệnh viện to cơ mà. Cái quán cóc đầu ngõ chẳng khác gì sân đình xưa ở quê lão. Sân đình là nơi quần tụ xóm thôn, nơi việc làng. Có một tí danh, tí hãnh diện giữa đình làng là oai lắm. Từ nay, ngoài việc nội gia, lão đã có cái “sân đình” quán cóc, lão thường nói với lão bà như vậy. Việc ngồi quán còn là việc nghe ngóng, kiểm nghiệm đường danh của con mình chứ đâu phải chuyện chơi. Quán cóc cũng là nơi học lỏm kinh nghiệm phố xá, chuyện đời này nọ của thiên hạ nhanh nhất mà chẳng tốn tí giấy bút nào. Vợ chồng lão ra phố thị cơ mà, ai bảo không phải học?
Sân thượng quả không chỉ là niềm vui làm lụng của lão mà còn của cả lão bà. Lão thầm cảm ơn sự mách nước của cô Thu “gầm thấp”. Ngày, lão lên sân thượng hai buổi, lúc sáng sớm và cuối chiều. Tưới tưới vun vun, uốn cành cây cảnh. Phân bón lấy ở đâu? Lão ghét dùng phân hoá học, nó bạc đất. Kinh nghiệm bao năm canh nông và cái chứng chỉ lớp bồi dưỡng sơ cấp nông nghiệp huyện nhà mách bảo như vậy. Ở phố làm gì có phân lợn phân bò. Nhà quê, ngoài lợn gà, lão cứ đặt một nồi đình rõ to ở gốc chuối xó vườn, cả nhà xả vào. Đó là nguồn đạm tự nhiên dồi dào cho mấy luống rau xanh. Lão quan sát thấy dân ở phố sáng bia, trưa bia, tối bia hơi Hà Nội, toàn những bụng phệ thế kia, nguồn đạm ra dồi dào phải biết, cơ mà lãng phí quá Không biết bao nhiêu tấn đạm u – rê xuống cống xuống rãnh hàng ngày. Xót của. Đất nước còn nghèo mà phí phạm. Nông nghiệp biết tận dụng hết chất thải, biết cải tiến thì còn vượng to, còn xuất khẩu nhiều nông sản. Là lão cứ nhẩm tính sơ sơ như thế, cần cóc gì kỹ sư, tiến sĩ mới nhìn ra.
Nhưng đây là phố, không thể đặt cái nồi đình lù lù trong toa-lét. Cái toa-lét hiện đại, bộn tiền. Lão cũng tự thấy là chướng. Nhà lại nhiều khách lui tới, toàn những bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, bất tiện. Bỗng một hôm ngồi ở quán cô Thu, lão thấy cô hàng hoa bán rong dùng chai nhựa cô-ca khoan lỗ ở nắp để xịt cho hoa tươi. Lão mừng thầm trong bụng như được mùa lúa bội thu. Lão hì hục khoét nắp chai cho kế hoạch canh nông, tăng sản. Lão rỉ tai với lão bà và cô giúp việc về việc “tích đạm” của riêng ba người. Những “chai đạm” được dấu ở một góc kín trên sân thượng. Dĩ nhiên, hàng ngày họ phải lọ mọ lên tầng để “sản xuất” nguồn phân bón. Lão thì dễ rồi, “sản xuất” vào chai lại thấy tiện, sao nó vừa vặn thế, y như thằng Tây làm cổ chai là để cho riêng lão bắc “vòi rồng”. Lão xin cô Thu quán cóc một cái can nhựa hỏng, cưa ngang để lão bà và cô giúp việc tiện lợi. Các bà cứ … xong vào đây cho lão. Lão kiếm thêm một cái phễu để rót pha vào chai là tha hồ xịt gốc, tưới tắm cho cây. Lão lại bỗng nhớ làng quê khôn xiết. Nhớ cái nồi đình xả hết cỡ nơi góc chuối cuối vườn. Nhớ những ông bạn già không bao giờ ngủ trưa bởi chiếu tổ tôm, bàn cờ tướng lúc nào cũng ầm ĩ. Lão lên kế hoạch với lão bà là cứ ba tháng lại về quê vài ngày cho thoả tình làng, không sao nhãng việc họ. Những cái thiết thực cho vui cửa vui nhà lúc này là mấy luống rau, hơn chục chậu cây cảnh có giá mà cả Bình kỳ công tìm kiếm mang về. Mấy đứa cháu nội, ngoại lại hứa sẽ mua cho ông vài chú chim cảnh quý nữa. Thế cũng thành một trang trại mi ni – lời bọn trẻ – cho các cụ thoả chí điền viên rồi.
Việc canh nông đang cơn vui. Bọn trẻ thi nhau khen rau của ông bà ngọt, có chất hơn rau chợ. Nhìn chúng xì xụp húp canh mà ông cũng mát dạ. Mọi việc sẽ không có gì quan ngại nếu không có một buổi chiều, cái buổi chiều dở hơi… Bỗng đâu mấy nhà hàng xóm cũng “bắc loa” xì xèo rằng mùi nước tiểu nồng nặc từ sân thượng nhà bác sĩ Bình cứ thốc vào mâm cơm họ. Sao đóc đáy thế! Lời ác nghe lòng xoáy đau. Ông tổ trưởng tổ dân phố cũng gặp riêng Bình nói lại ý kiến bà con quanh ngõ về cái mùi lạ từ bản gia. Lúc đó vợ chồng Bình mới vỡ lẽ bí quyết của những nồi canh ngọt từ sàng kiến “sản xuất” đạm truyền thống của lão. Vẫn là thứ công nghệ nồi đình biến tấu ở quê. Bình ý tứ: “Là tại con vô tâm. Lẽ ra con mua vài túi phân vi sinh thì bố không phải… vất vả thế”. Nàng dâu vừa buồn cười vừa lườm chồng, nàng lôi chồng vào phòng riêng: “Anh phải khéo nhắc ông. Em mà nói lại mang tiếng con dâu đáo để. Ngày xưa mình nghèo còn chẳng có điều tiếng gì, nay có của ăn của để không khéo tiếng xấu lại đồn về tận quê rằng chúng nó coi tiền hơn cả cái đức thì biết nhìn mặt ai. Mà anh thấy đấy, đâu chỉ có việc này, cây suốt kéo rèm thì ông cắt xuống làm cán chổi, giường người ta đóng theo mô-đen thì ông nhặt bốn viên gạch ngoài đường kê lên cho “thoáng”, ông cưa cả chân ghế cho “vừa” ngồi, cứ thế… làm sao chịu được”. Sinh hoạt đảo lộn rồi cũng quen, vì đó là bố mẹ mình. Nhưng tập quán và cách làm cứ nguyên bản nếp quê quả không thể không ức chế.
Bình chẳng có điều gì phàn nàn về vợ, chỉ bảo nhau vợ chồng chịu khó nín cho các cụ khỏi chạnh lòng. Nàng dâu sang hàng xóm tỉ tê để mọi người lối phố cảm thông. Còn lão, lão thấy dân phố sao mà rắc rối, đời phố sao mà hẹp hòi. Nhà cửa đóng im ỉm, chẳng ai biết ai, thế mà có một tí… mùi đã ầm cả lên. Nông thôn mà không có… mùi thì các người lấy gì mà đút vào mồm. Các người tưởng mồm các người thơm lắm đấy. Mấy năm trước không có mấy ông nông dân xe thồ ra lấy phân ở phố cổ thì các ông bà tha hồ mà ngập ngụa. Người ta phải cắm mặt múc phân, phải gò lưng đạp xe thồ mang cái mùi phố ấy về tận quê mới có rau xanh, hành tỏi. Phố ăn của ngon vật lạ, còn hậu của ngon vật lạ lại đùn về ao vườn.
Lão buồn mấy ngày. Buồn vì không khéo chỉ một việc nhỏ nhặt nào đó mà mang tiếng con mình giữa người hàng phố. Cứ buồn lão lại chăm ra quán cóc cô Thu. Rượu cô Thu quả rất đằm. Cô Thu dường như là người duy nhất biết tâm giao cùng lão qua men rượu xủi tăm, đục nhờ, thơm ngất. Thế mà đêm lão vẫn không ngủ được. Bà lão biết sự cớ trằn trọc của lão nên lẳng lặng sang phòng ngủ với đứa cháu gái để lão rộng chỗ cựa. Mọi ngày, thế nào bà cũng vày vò đôi câu về chuyện rượu. “Hôm nay bà ngoan nhỉ” – con gái Bình bảo thế. Bà lão phát nhẹ vào mông cháu.
Đã khuya. Lão mở cửa bước ra sân thượng. Lão cảm giác mới nhãng mấy ngày chăm bón mà những luốn rau héo hắt. Thương chưa! Mắt lão ngước lên vầng trăng nhạt nhoà như cái bánh đa chấm sữa phía trời xa. Kể từ ngày ra phố, hôm nay lão mới lãi thấy ánh trăng rõ nhất khi mà đèn đêm chỉ còn thoi thóp thưa. Làm người phố kể cũng khổ nhỉ, làm gì có trăng, có cái bát ngát hương đồng gió nội.
Rưng rức nỗi quê. Hình như quê ở phía vầng trăng xa kia. Hồi chiều lão vừa bảo với lão bà cuối tuần cùng về quê mấy ngày cho thư thái, nhân có việc họ. Bà lão còn hăng hơn. Bà cũng sốt ruột vì hẹn mấy chị em về đi lễ chùa, lại chép được bài kinh hay lắm. Lão cứ đứng ngẩn ngơ mà hình dung những gương mặt bạn bè. Ánh trăng như có sức ám kỳ lạ gợi những tầng ký ức thăm thẳm. Ánh trăng cũng thường làm lão phát lộ minh kiến. Tại sao không tưới rau giờ này nhỉ? Giờ mà cả thành phố chết lịm trong giấc ngủ để không còn kêu mùi này mùi nọ thốc vào mâm cơm nữa. Những chai đạm có thể pha loãng cho bớt nồng, bớt khẳm. Tiết kiệm là quốc sách. Vẽ vời phân vi sinh vi khuẩn làm gì, tiền mua phân ở phố còn đắt hơn tiền mua rau không chừng. Lão lọ mọ quay xuống phòng làm một hơi thuốc lào cho đã để lại lọ mọ trèo lên sân thượng thực hiện ý nghĩ vừa phát lộ. Trong cảm giác phiêu diêu khói thuốc lào và không gian huyền ảo bước thấp bước cao, lão đạp ngay vào chai nước tiểu. Cái chai lăn làm lão trệu chân ngã huỵch. Tiếng ngã đêm vắng nghe kinh động. Nước tiểu văng toé loe. Mùi khẳm vườn khuya. Ánh trăng chết chìm trong xú uế. Tiếng người nhà chạy rầm rầm lên cầu thang.
Cả nhà nháo nhác đưa lão vào viện. Lão bà ứa nước mắt, lầm rầm tự trách mình giá đừng sang phòng cháu gái ngủ thì chắc lão ông không gặp nạn thế. Vợ chồng cả Bình dặn anh em, con cháu không được nhì nhèo điều gì tới tai ông trong lúc này. Cũng may là đầu lão không đập vào tường gạch, nhưng phải bó ống chân xương rạn gãy. Thế là phúc lắm rồi!
Cô Thu béo vào viện thăm lỉnh kỉnh những đường sữa. Cô bảo: “Tại em, tại em cả anh ơi. Anh ra phố mà em lại xúi anh làm vườn như ở quê. Cứ nghĩ là để anh vui, ai ngờ…”. Ông cười gượng gạo vì vết thương còn đau nhức. Ông bỗng nhớ câu mà thằng cháu sinh viên hay tranh luận với ông bố Viện trưởng của nó, “làm việc gì mà chả có học phí”. Ông bảo: “Học phí mà cô Thu. Vài hôm nữa tôi lại về quán rượu của cô thôi. Ai cũng có phúc có phận, buồn gì. Nhớ phần rượu ngon nhá, kẻo mấy tay hưu rỗi chuyện lại chỉm hết”.
Lão chợt nghe văng vẳng đâu đó, lại vẫn tiếng mấy ông “a lô” đài xã. Tiếng đài xã vang lên những từ rất kêu, rất quen. Tiếng đài không hiểu sao lại làm lão ông không kìm được cười, lão bật cười khanh khách. Cả mấy đứa con, mấy đứa cháu nội ngoại, cả cô Thu ngớ ra không hiểu chuyện gì, hay có điềm gở gì?
Nhưng không. Lão ngưng cười rồi. Giọng lão vẫn tỉnh. Lão chỉ dặn nhỏ các con các cháu rằng, không đứa nào được phép báo về làng cái tin lão ngã. Ngã vì một “chai đạm” thì… làng cười bỏ mẹ!
Tác giả: Trần Quang Quý – Thực hiện: Minh Nguyệt
Từ khóađọc truyện đêm khuya Minh Nguyệt ngày phố Nghe đọc truyện
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …