Nghe đọc truyện đêm khuya – Cô gái yểu điệu, yếu đuối, mong manh dễ vỡ cần được một người đàn ông yêu thương chở che. Người đàn ông ấy đã xuất hiện – dẫu chỉ là một người lao động bình thường đang mong có việc làm. Thực ra, anh chỉ là người đóng thế. Khoác lên mình cái vỏ “thi sĩ”, người đàn ông làm nghề thợ mộc quyết tâm chinh phục người đẹp. Thế là xảy ra bao chuyện dở khóc dở cười….
Tôi là gã thợ mộc trứ danh, bốn mươi tám tuổi. Đã hai lần tôi gây gột duyên tình nhưng chả đận nào đậu. Người thứ nhất bỏ tôi đi lấy chồng Đài Loan với hy vọng chồng ngoại giá trị hơn chồng nội. Người thứ hai vẫn ở trong thành phố này, chê tôi không có chức tước, không danh phận nên cũng đã lấy chồng tàu viễn dương. Dăm chuyện vương vít sau nữa càng không đáng kể. Tôi không oán trách ai, cố gắng coi như những trò vui có thưởng. Các cụ bảo số những người Nhâm Dần đường phu thê vất vả tựa đá đeo, càng muộn càng tốt. Đã vậy cứ cho muộn hẳn đi.
Nhưng ngôi sao số phận đỏng đảnh không buông tha tôi.
Thoạt đầu thằng bạn Nguyễn Tâm của tôi, nguyên phó giám đốc nhà máy khóa, một con người sớm thành đạt và cũng sớm bất hạnh, góa vợ ba bốn năm nay, Tâm tới nhà tôi nài nỉ giúp hắn làm chất “xúc tác’’ trong công cuộc chinh phục một người đẹp khó tính.
Hừ, sao có sự nhờ cậy oái oăm thế không biết. Thân tôi còn vô duyên ế chảy nước ra, nói chi giúp ai. Hay bạn tôi chỉ định lấy tôi để làm cái nền cho hắn được nổi bật? Thế cũng được thôi. Đã gọi nối khố của nhau thì nhiệm vụ nào chả phải nhận, khó khăn nào chả phải hoàn thành. Chưa kể chúng tôi đã có một thời từng chung nhau nửa khúc sắn nướng trên những thửa ruộng cằn ở quê nhà.
Hôm ấy, một sớm chủ nhật trời hiu hiu vào thu, Tâm tròng lên cổ tôi cái cravat mang đủ màu sắc xanh đỏ cơ bản của vẹt Hồng Kông, nhãn USA.
– Chúng mình phải làm cho người đẹp thật ấn tượng mới được. Cậu nên nhớ trên vòng đua vừa xuất hiện thêm một đối thủ rất nặng ký, hẳn một vị ở Ban Văn hóa Trung ương, theo tin tức tớ được thông báo chiều hôm qua.
Tôi cứ phải chịu đứ đừ. Chả biết cái cravat gây ra ấn tượng gì nhưng của thổ tả ấy hệt như dây thòng lọng, rất vướng víu.
– Cố gắng một chút, đẹp lắm. Trông nghệ sỹ đặc. Ngoại hình thế là ổn. Cộng với tài ăn nói của cậu, những lời cậu tế nhị giới thiệu về tớ sẽ rất thuyết phục. Cần thì cứ thả một vài tứ thơ cũng không sao. Tớ biết nàng rất thích văn chương, đặc biệt thứ văn chương dịu dàng như bài thơ tình cậu mới làm đây này.
Hẳn Tâm nghĩ những vần thơ tâm huyết của tôi chỉ đáng thả ra tán gái. Thật ngậm ngùi hết chỗ nói.
Nhà nàng trong một cái ngõ, có cổng và hàng rào sắt khá đẹp. Giàn cây cát đằng thả từng chuỗi dài những dây hoa tím biếc như một bức rèm đung đưa. Nó khiến tôi hơi rùng mình khi bóng dáng yêu kiều của người đẹp lách qua cái rèm hoa ấy ra mở cổng. Ôi thơ mộng làm sao! Ôi thần tiên làm sao, Liêu Trai làm sao!
Cánh cửa khẽ két một tiếng. Tôi hồi hộp nghĩ ngay tới việc cần nghiêng mình chào người đẹp thật duyên dáng, không để cái thòng lọng đung đưa quá đáng. Liệu đầu tóc tôi có rối tung lên sau khi bỏ “nồi cơm điện’’ xuống không? Tôi kín đáo lùa mấy ngón tay kiểm tra thật nhanh. Có vẻ ổn cả… Tôi nghe tiếng chào nhẹ của Tâm.
– Em…
Nhưng tôi bỗng giật nảy bởi tiếng quát cắt ngang đáp lại của nàng:
– Vào! Muốn sống vào ngay!
Ôi chao, trong giây bất ngờ tôi hốt hoảng đưa mắt cho Tâm. Thế là thế nào?
Không, đó là người đẹp quát con chó trắng như cục bông nhỏ xíu định luồn qua cánh cổng mở ngỏ chạy ra ngoài.
Khi hiểu rõ sự tình, tôi thở phào, không ngăn được mình ngoác miệng cười không thành tiếng:
– Gớm, đồng chí làm tôi hãi quá!
Nàng nhận ra sự việc vừa gây hiểu lầm, cũng bật lên tiếng cười giòn hồn nhiên:
– Em xin lỗi. Chả vì cứ mở cổng, con quỷ con này lại lẻn đi, phóng mất tăm ngay… Mời hai anh vào ạ.
Nàng bế con chó cưng lên tay. Tôi mát lòng mát ruột vì nhờ con quỷ con tôi đã vượt qua giây phút đầu tiên lúng túng. Lại yêu quá mất khi nàng mỉm cười, nói riêng với tôi như giãi bày:
– Chả vì em chưa đóng được cho nó cái chuồng vừa ý anh ạ.
Chút nữa tôi buột miệng bảo chuyện đó nhỏ như con thỏ! Đúng sở trường của tôi. Tôi sẽ đóng tặng con quỷ con này một lâu đài chứ đừng nói gì chuồng. Thề đấy. Nhưng phải giữ giá, đợi lúc nào Tâm giới thiệu nghề nghiệp của tôi sẽ hay.
Khổ thân tôi, Tâm lại giới thiệu tôi là nhà thơ tình nổi tiếng trên thi đàn mới chết chứ! Lần này hắn thật sự giết tôi. Nếu hắn chịu giới thiệu tôi chính xác là anh thợ mộc trứ danh chắc chắn tôi sẽ được nhận khâu cửa nẻo ngôi nhà ba tầng mà mẹ nàng xây dựng ở mảnh đất bên cạnh, như nàng đang kể.
Ngôi Sao Đỏng Đảnh – Đoàn Lê
-… Nhà đã làm xong phần móng, nhưng mẹ em hiện vẫn chưa tìm được thợ ưng ý để thuê phần mộc các anh ạ.
Tôi ngồi chết lặng, ruột xót như bị xát muối. Mất đứt một công trình chứ đùa. Nhất là từ đầu năm đến giờ tôi ăn không ngồi rồi, mông đã mọc rễ. Sờ hết các túi chỉ rặt những thơ, mùi mẫm nhưng không xào nấu được! Thế nên tôi tuyệt vọng thở hắt ra, nghe Tâm vênh vang nhấn mạnh về tôi.
– Thơ anh ấy hay kinh khủng, nhất là mảng thơ tình. Đây, anh xin tặng để giới thiệu với em tờ Văn Nghệ có in bài thơ mới nhất của anh ấy đây.
Điên không chịu được, tôi chỉ muốn nhảy dựng lên cải chính rằng mình đích thực là thằng thợ mộc có cỡ. Nhưng bài thơ in chềnh ềnh trên tờ báo Tâm mở ra khoe đã như một bàn tay bịt chặt miệng tôi lại. Nói ra ai tin tôi dám coi văn thơ cao quý là nghề tay trái? Vả lại thơ vốn dĩ ít đi đôi với dùi đục, sợ người đẹp lại cho mình lên mặt kiêu ngầm. Bố ai dám giao công trình mộc cho một thi sỹ chuyên mảng thơ tình!
Trên đường về tôi giận dữ trút mọi oán giận lên Tâm. Hắn ngơ ngác.
– Ơ hay, tớ giới thiệu cậu là thi sỹ chả oai bằng vạn anh thợ mộc hay sao? Phát rồ à?
– Oai con khỉ! Nếu nhận được mấy bộ cửa, mấy bộ cầu thang cuốn của bà cụ, tôi cầm chắc có lương ăn tới tận cuối năm. Lúc này tôi cần đếch gì thơ với phú.
Tâm hiểu ra, có vẻ áy náy. Tôi chưa hả, lại bồi tiếp phát nữa.
– Trước nhất, tôi định làm tặng người đẹp của ông một cái chuồng tuyệt mỹ cho con quỷ con, để nàng khỏi quát khách mỗi khi mở cổng… Nhưng bây giờ ông tính sao? Một thi sỹ cỡ thiên tài ở ẩn như lời ông giới thiệu, tôi mặt mũi nào đi đóng chuồng chó cho nàng!
Tâm ân hận thật sự. Suốt một tuần, cái đầu óc đần độn của hắn trăn trở nghĩ cách gỡ hộ tôi. Hắn bàn:
– Vẫn có thể cứu vãn tình thế. Chủ nhật này chúng mình hãy tự động mang gỗ xuống nhà nàng, đóng cái thứ tuyệt mỹ như cậu nói ấy. Thứ nhất, chúng mình có cớ ở lại nhà nàng cả ngày. Thứ hai, nàng sẽ rất cảm kích khi một anh phó giám đốc với một thi sỹ thứ thiệt, nhiệt tình phục vụ chú quỷ con yêu quý. Thứ ba, không nói ra miệng nhưng người ta khắc nhận rõ tay nghề của cậu, bà cụ khắc tin tưởng ấn hợp đồng công trình vào tận tay cậu ấy chứ.
Tôi hỏi mỉa:
– Nhưng có phải đeo cái cravat thi sỹ không?
– Đừng cáu. Tớ biết rồi. Lần này không ca vát ca viếc gì sất. Tớ sẽ mượn bọn bạn truyền hình hai cái áo đặc chủng, toàn những túi, mặc vào “nghệ’’ không chịu được. Tay cưa, tay bào, oai phong lẫm liệt phải biết.
Nghe ra kế hoạch cũng không tồi. Tôi có dịp trổ tay nghề để lân la giới thiệu mình, hy vọng không để trượt hợp đồng công trình mộc ngôi nhà ba tầng vào tay người khác.
Ngay lập tức tôi lẳng lặng dành ra hai buổi chọn gỗ, pha sẵn theo mẫu một tòa lâu đài cổ ở Italia, quyết định đánh một trận rực rỡ. Tâm khích lệ tôi bằng cách mua hẳn hai tút ba số, đặt lên đống vỏ bào.
– Ông thoải mái hút đi, thở khói cả bằng tai cũng xong. Nhưng phải nhớ hôm nay thứ năm rồi.
Thứ mấy cũng mặc kệ. Tôi cưa cắt gỗ trong sự say mê đặc biệt, đồng thời lâng lâng vui sướng. Trong lúc ngồi cắm cúi giữa đống phoi bào, suốt cả tuần nay hình ảnh người đẹp luôn hiển hiện truớc mắt tôi cùng với chú cún trắng trên tay. Sao có con người dịu dàng đến thế. Dịu dàng và mỏng manh làm sao! Tôi ngờ chính tôi đang phải lòng nàng, chính tôi si mê cuồng nhiệt chứ không phải thằng bạn nối khố. Bằng chứng là hai bài thơ tình thật nồng nàn đã bật ra, dù tôi không chủ định.
Đêm thứ bảy tôi thức trắng, bồn chồn không ngủ được. Gần sáng tôi bỗng thiếp đi với một giấc mơ lạ lùng. Tôi thấy mình đang bế nàng trên tay, ôm ấp giữa sườn đồi cỏ quê nhà. Trong lòng tôi không mảy may thèm khát nàng, chỉ trào dâng một nỗi yêu thương xót xa. Hình như nếu tôi không che chở, không giữ lấy nàng, chắc nàng sẽ tan biến theo làn sương trắng mỏng tang quấn quýt chung quanh chúng tôi. Nàng choàng đôi cánh tay mảnh dẻ lên cổ tôi, riết chặt, run rẩy, tựa hồ cầu cứu. Tôi nghe làn da ấm nóng của nàng truyền sang tôi từng đợt, từng đợt nồng nàn.
Tôi sợ hãi choàng tỉnh trong mặc cảm tội lỗi hổ ngươi. Ơ hay, tôi đã có hành động gì thế này? Tôi dám tự nhiên như ruồi ôm ấp người đẹp mà bạn tôi đang theo đuổi sao? Ai đã nói giấc mơ chính là sự buông thả những con quỷ dữ vốn bị kìm kẹp trong ngục tối lương tri chúng ta? Ai nhỉ?
Sáng hôm sau, tôi thậm chí không dám đưa mắt nhìn Tâm. Chúng tôi soạn gỗ, đồ nghề, đóng gói chở đến nhà người đẹp. Trong lúc làm, thỉnh thoảng tôi hay phiền muộn đưa mắt nhìn trộm anh Nhà máy khóa. Nhỡ tình thế xoay chuyển sẽ ăn nói với hắn thế nào?
Lạ nhỉ, đến tận lúc này tôi mới phát hiện ra thằng bạn tôi sao lắm nhược điểm thế? Mũi hắn hơi hếch, nói cười không ai nhìn thấy hàm răng trên, tướng những người lý tài chỉ thích ăn người. Đôi mắt hắn lại ngơ ngác như mắt lợn giấy, không một tý sâu lắng. Cái đầu húi cua đặc biệt không hợp chút nào với gương mặt hình trái lê… Ôi chao, nếu cứ nhìn mãi tôi e sẽ phát hiện hàng chục điểm bất lợi nữa cho hắn. Có điều diện mạo thế, hắn cố gắng leo được lên chức phó giám đốc chắc phải lao tâm khổ tứ lắm. Trong lòng tôi dào dạt cảm thương bạn.
Dù sao với cái áo nghệ sĩ truyền hình, có số túi lạm phát đủ làm lác mắt những cô gái yếu bóng vía, chúng tôi nghênh ngang lên đường. Lúc này tự nhiên tôi chết thèm muốn được nghe những “Chả vì…’’ trên đôi môi nhỏ mọng rất duyên của nàng mới lạ!
Nhưng nàng cũng như con quỷ con không ra đón bọn tôi. Bà mẹ trạc ngoài năm mươi mở cổng đưa khách vào.
– Em nó đi bệnh viện khám bệnh các anh ạ. Vừa gọi điện báo cho nhà biết, cũng sắp về.
Chúng tôi sửng sốt nghe bà mẹ kể rằng mới ba hôm trước nàng tự nhiên bị choáng ngất, rồi váng vất sốt không rõ duyên cớ. Tôi giật mình liên tưởng tới giấc mơ đêm qua. Liệu có chuyện gì xảy đến với nàng không đây?
Việc đóng cũi chó tạm gác lại. Phí mất một dịp mặc áo nghệ sỹ.
Người ta không tìm ra căn bệnh quái ác nào trong cơ thể nàng. Chỉ thấy nàng gầy rộc đi từng ngày, nước da xanh mướt. Sau một tháng nàng gần như nằm liệt giường.
Tâm thở ngắn than dài với tôi:
– Liệu chừng không ổn rồi cậu ạ. Tớ cần người vợ khỏe mạnh để trông nom hai đứa trẻ với bà mẹ già. Giờ tính sao đây?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt lợn giấy của hắn:
– Điều đó chính xác. Giờ tính thế này: cô ấy sẽ thuộc về tớ. Từ ngày mai cậu có thể không cần tới thăm nom cô ấy thường nhật nữa.
Hắn tần ngần nhưng không nói gì.
Và hắn tự động bỏ đường đua. Tôi mừng đến thổn thức. Thật may mắn quá.
Tôi trang điểm cái cũi chó xinh như một món đồ chơi. Cả nhà nàng nhìn tôi bằng ánh mắt khác hẳn, gần gũi, quý mến. Tôi chính thức đóng vai si tình. Điều ấy khiến tôi không dám nhắc đến những bộ cửa và thật sự hài lòng thấy người trong nhà gọi tôi bằng cái tên: “Anh thi sỹ’’. Bộ cửa không là cái đinh gì nữa.
Tôi để ý những đối tượng khác gần đây cũng dần dần bỏ cuộc như Tâm, kể cả anh chàng Ban Văn hóa. Rút cục tôi chiếm địa vị độc tôn, người theo đuổi duy nhất kiên trì. Hay lắm, nếu vì trận ốm người ta có thể thử thách sự quyết tâm chân thành của từng ứng cử viên thì xin nàng hãy ốm vài dịp nữa hộ tôi!
Một hôm mẹ nàng hỏi han cặn kẽ gia cảnh nhà tôi, thái độ ân cần đặc biệt.
– Ô thế ra cậu người gốc ở Tân Sơn ư? Hồi Mỹ leo thang, gia đình tôi cũng sơ tán về đấy. Em nó một lần tý chết đuối lúc mới lên bảy.
Rồi bà kể cho tôi nghe chuyện nàng bị suối lũ ập về cuốn trôi đi cùng với hai cô bạn. Hai cô bé mãi sau mới tìm thấy xác. Riêng nàng nhờ một cậu thiếu niên đi kiếm củi vớt được, cứu sống…
Tôi như người sống trong chiêm bao. Cậu bé kiếm củi ấy chính là tôi chứ ai đâu. Tôi nhớ rõ mồm một cái đầu tóc bé bỏng nhấp nhô theo cuộn nước, thỉnh thoảng chiếc cặp tóc loé sáng. Tôi lao vội xuống dòng suối, quờ quạng túm lấy con bé lôi lên. Hai đứa kia mất tăm trong nháy mắt.
Chung quanh chẳng có bóng người nào. Tôi thấy con bé còn thở, vội xốc ngược nó lên, vừa chạy vừa lấy hết sức đập vào lưng nó như người lớn đã dạy. Thân hình nó nhũn tựa tàu khoai, nhẹ tênh và bé bỏng tội nghiệp. Chạy được một vòng, nước ồ ồ từ miệng con bé thốc tháo xuống lưng tôi. Khi thấy nó đã cựa quậy tôi mới dừng chạy, đặt nằm trên bãi cỏ và ngồi phệt bên cạnh thở dốc.
Con bé mở mắt kinh hoảng ngồi bật dậy, ôm choàng lấy tôi khóc nức lên. Hai cánh tay khẳng khiu bấu vào cổ tôi đến tức thở, cả người run rẩy từng cơn, không sao giữ yên. Tôi phải ôm nó vào lòng, vỗ về nhè nhẹ như ru một em bé. Tôi thấy khuôn ngực ốm nhom của nó phập phồng thở dữ dội, áp chặt ngực tôi và một luồng hơi nóng tỏa sang tôi ngột ngạt.
Cứ ngồi như thế cho tới lúc tôi đủ sức la toáng lên. Có mấy người lâm tràng nghe tiếng chạy tới. Tôi hét bảo họ:
– Còn hai đứa nữa dưới suối, các bác ơi!
Họ hô hoán nhau nhào ra phía tôi chỉ.
– Em mày đấy à?
Ai đó hỏi tôi. Câu hỏi khiến tôi lắc đầu ngượng nghịu đẩy con bé ra, đứng dậy.
– Chắc con cái mấy nhà sơ tán.
Con bé đưa tay quệt nước mắt ngước nhìn tôi van vỉ cầu cứu:
– Cho em về nhà cơ.
Nhưng lúc ấy tôi không thể nấn ná đứng đó với bộ quần áo cũn cỡn ướt bó sát da thịt, với cái của nợ ngấm nước săn tít ngỏng dậy. Tôi quay nghiêng người tránh tầm mắt con bé rồi chạy vụt đi…
Vâng, người ta vẫn nói quả đất tròn cơ mà. Có điều tôi không dám tin nó tròn đến thế. Và tôi cũng không dám nhận công trạng, sợ gia đình nàng hoài nghi, chỉ ngấm ngầm sung sướng. Tôi ngờ có sự đưa đẩy kỳ diệu của số phận, chứ chẳng không. Nhiều lần nhìn đôi mắt nàng, bây giờ tôi hay thấy hiển hiện đôi mắt con bé ngước nhìn tôi dạo ấy. Giấc mơ có lẽ cũng là tiềm thức nhắc nhở tôi đã từng một lần ôm ấp cái thân thể nàng trong vòng tay mình.
Một hôm nàng có vẻ tỉnh táo, tôi ngồi bóc cam cho nàng ăn, không đừng được tôi dè dặt gợi chuyện cũ.
– Em có nhớ lần ngã suối hồi sơ tán không?
Nàng ngạc nhiên gật đầu. Tôi lại gặng:
– Em có nhớ câu đầu tiên em bảo cậu bé vớt em dưới suối lên thế nào không?
– Hình như… Ô, em không nhớ.
– Em bảo đưa em về nhà.
– Em không nhớ… Có thể như vậy. Nhưng sao hả anh? Sao anh biết?
Tôi không thể nói gì thêm, chỉ buồn tiếc ngày ấy những lần thoáng gặp con bé trên đường làng, tôi thường lảng tránh thật xa.
Ngôi Sao Đỏng Đảnh – Đoàn Lê
Trong những ngày được phép tới tận giường chăm nom người bệnh, tôi phát hiện ra điều bí mật mà nàng ngỡ không ai biết. Có một tấm áo may ô đàn ông luôn được nàng đặt trên mặt gối. Hễ có người đến bên giường, nàng thường gối đầu che nó đi. Một lần tôi rón rén vào phòng nàng, vặn bớt cái quạt máy vì sợ nàng ngấm lạnh trong lúc ngủ, tôi bắt gặp nàng lấy cái may ô ấy che nửa mặt.
Trời đất ơi, khi biết đích xác nó là cái may ô, tôi nhớ đã đau nhói trong ngực. Kỷ vật của một mối tình sâu đậm đã qua chăng? Hay như người xưa xếp tàn y lại để dành hơi… đây. Ai có hạnh phúc nhường ấy nhỉ? Tôi nhận thấy mình đang cố giấu chút ghen bâng quơ.
Mấy hôm rồi nàng bỗng trở bệnh, không chịu ăn. ép nàng uống một ly sữa xong, tôi cầm tay nàng thở dài bảo:
– Cứ nằm thế này không chịu đi bệnh viện, anh sợ em đuối sức mất.
Nàng đăm đăm nhìn tôi, gượng mỉm cười, ra hiệu tôi ghé gần lại bên giường. Tiếng nàng thì thào như gió thoảng:
– Nếu em có mệnh hệ nào, xin anh giúp một việc. Anh hãy đừng cho ai biết, gói cái áo này đặt dưới đầu em. Thế thôi.
Chao, lãng mạn đến thế là cùng! Tôi gật đầu để nàng yên tâm. Nàng cố nắm chặt tay tôi, tỏ ý biết ơn. Lòng tôi rưng rưng. Giả dụ tôi đã là chồng nàng, tôi cũng sẽ làm đúng lời dặn dò tội nghiệp ấy, bất biết kỷ vật kia của kẻ tình địch nào. Những giọt nước khiến mắt tôi nhòe đi.
– Em đừng vội bi quan. Anh không để em phải mệnh hệ gì đâu. Tin anh đi, anh thề đấy. Nói thật nhé, anh là cậu bé kiếm củi ngày xưa đã cứu em, hãy nhìn kỹ anh mà xem. Đúng không nào? Giờ anh cũng nhất định không chịu để bệnh tật cướp mất em như dạo đó.
Nàng mở to mắt nhìn tôi chằm chặp, miệng hé mở tựa hồ muốn kêu lên điều gì. Rồi nàng nói khẽ khàng rành rọt:
– Đúng rồi… Anh à, em còn biết anh yêu em bao nhiêu…
Nói xong nàng nhắm mắt ngoảnh vào tường.
Sáng sớm hôm sau, tôi điên cuồng phóng xe về tận Bắc Giang tìm mời bằng được ông lang nổi tiếng mà có người vừa mách. Phúc đức làm sao ông thầy đồng ý ngồi lên sau xe tôi về Hà Nội. Thăm khám xong, ông thầy chỉ phán gọn lỏn hai tiếng:
– Chữa được!
Ngay hôm ấy, đích tay tôi sắc thuốc cho nàng. Bây giờ mọi người trong gia đình nghiễm nhiên coi tôi là vị hôn phu trong tương lai, cư xử không chút khách khí. Kể cả con quỷ con từ ngày tọa hưởng cái lâu đài kiểu Italia cũng quấn quýt tôi vô chừng. Cậu em giai giáo viên văn học vui tính thì hay đùa: “Chàng Trương Chi sắc thuốc bên lầu cho Mỵ Nương’’. Tôi chỉ cười, thầm cầu nguyện Mỵ Nương của tôi cũng chóng khỏi bệnh như chuyện cổ tích, cho dù tôi có phải làm mấy kiếp chàng Trương cũng xong!
Quả nhiên qua hai tháng nàng khỏi bệnh một cách thần kỳ.
Và mãi sau này tôi mới biết phương thuốc màu nhiệm hơn tất cả những bát thuốc tôi hì hụi đun nấu, ấy là sự xuất hiện chủ nhân cái may ô bí mật. Một tay tiến sĩ hóa học, đi tu nghiệp ở nước ngoài vừa trở về, có đôi mắt rất đa tình, cung cách galăng thái quá, galăng đến mức khiến tôi ngờ vực.
Thôi còn nói gì nữa! Tôi không nhảy xuống dòng sông giống anh chàng Trương Chi dại dột, chỉ lặng lẽ biến khỏi vòng đua như một cuarơ đầy kiêu hãnh tuy bị chuột rút giữa đường!
Em ạ, tôi không hèn tới mức mong cho em bất hạnh, nhưng đôi mắt đa tình của “thằng cha may ô’’ không làm tôi yên tâm. Tôi đang chờ đây. Tôi quyết không để dòng đời đầy bất trắc nhấn chìm em, dù cả đời tôi phải lẽo đẽo dõi theo em như một cái bóng câm lặng.
Có thể giấc mơ của tôi tiên báo điều gì chúng ta còn chưa biết.
Có thể số phận tôi ứng với một ngôi sao vô cùng đỏng đảnh.
Tác giả: Đoàn Lê – Thực hiện: Hồng huệ