Radio Online – Những bước đi như chạy, thật dài. Những bước đi đểnh đoảng như bơi trong không gian, như mười năm nay mới lại được đi. Hành lang nhà tù đầy ắp tiếng kêu gọi, tiếng cười, tiếng khóc, mừng tủi. Cửa khám mở tung, các buồng giam mở tung, xiềng xích đã bị phá tung.
Tự do rồi. Tự do đến thật rồi. Xung quanh chỉ toàn đồng chí, những khuôn mặt thân yêu võ vàng mờ tỏ, những đôi vai so gầy ốm yếu, những đôi mắt thâm quầng chứa chan hy vọng. Đồng chí, đồng chí, các đồng chí chúng ta ơi, tôi ơi, tất cả ơi.
Khoảng trời mùa hạ xanh vời vợi, xanh tới vô cùng. Đất đảo nóng ran như vừa được hun thêm lửa. Rặng bàng bên đường xòe tán rộng, đàn vạc vỗ cánh rào rào trong lùm lá.
Bao nhiêu lần chúng đã giải anh đi con đường này, bao nhiêu lần bàn chân rớm máu của anh cảm thấy mặt đất nguội lạnh như đá. Chỉ có trái tim anh là nóng. Những ngày ấy chỉ có trái tim là vẫn sống nguyên vẹn, nó đập, nó thở và nó nâng bước cho anh.
Biển xanh đến nhức mắt. Những đợt sóng trào lên bờ đá, tung bọt. Bao nhiêu đêm anh đã lắng nghe tiếng sóng vỗ ngoài này, trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Muỗi như trăm ngàn mũi kim độc ác châm khắp người, xà lim buốt thấu xương, bốn bức tường vắng lặng. Tiếng giày đinh của tên lính gác gõ lộp cộp bên cửa sổ hẹp. Tiếng sóng, tiếng sóng ào ào dội tới anh, vuốt ve anh, mài sắc ý chí anh.
Không phải một mình anh, các đồng chí của anh cũng đang đi ra bờ biển. Mặt người đều sáng hồng lên, ngời ngời.
* * *
Anh đi thông thả, về phía ngôi nhà tầng có giàn hoa tím leo trước vòm cửa cuốn tò vò, mảnh sân rải sỏi trắng xếp kín những chậu hồng bạch. Đi qua đó, nhìn vào, không dừng lại. Xa đằng kia, sau hàng dương cao là một con thuyền có một người, một cậu bé. Chiếc thuyền áp sát kè đá, cậu bé buộc dây neo thuyền vào gốc dương, nó lúng túng với tấm lưới màu nâu và những con cá. Anh vẫn cứ đi nữa, con đường trải nhựa lượn cong cong theo mép vịnh tuyệt mỹ. Đường chỗ này thực vắng, chỉ có cậu bé đang đứng cạnh con thuyền kia và anh. Anh biết nó, biết từ khi mới đẻ. Dạo đẻ nó anh đã phải tới nhà nó, đi sau một mũi súng M16. Tên lính ôm khẩu súng ngồi hút thuốc lá Ru-bi trên bậc thềm còn anh thì nai lưng ra để bổ củi. Anh bổ củi rất thạo, nhát rìu bập nhanh xuống, bửa đôi khúc gỗ tròn. Bổ củi xong thì gánh nước, gánh nước cũng rất giỏi, loáng cái đã đầy thùng phuy kê ở góc bếp. Ngang trưa, lúc sắp về trại thì đã giặt quần áo cho cả nhà cai ngục, nghĩa là quần áo của ông, của bà và của cậu con trai mới sinh. Ngày nào anh cũng tới ngôi nhà đó làm lao công, kể cả những ngày ốm, chỉ trừ những lúc mắc lên phòng tra.
Có lẽ cậu bé cũng đã kịp nhận ra anh, và nó sợ. Chỉ có mỗi một con đường trở về nhà, nó không muốn giáp mặt anh, do đó nó đứng lại với con thuyền, ngoảnh nhìn ra biển.
Anh quay lại với nó:
– Sao chưa về, cháu?
– Thưa chú…
– Lại đây ngồi với nhau một lát, ồ những con nục mùa này sắp đẻ trứng rồi đó nhỉ?
– Cháu cũng không rõ đâu, thưa… cháu tìm củi khô nhóm lửa nướng con mực chú cháu mình nhậu chơi? Được chứ chú?
– Hay lắm, để chú cùng đi kiếm cành cây với cháu. Chú còn nhớ có lần cháu lén đưa cho chú một trái ổi lòng đào thật ngọt, hình như mẹ cháu đã nhìn thấy và đã gọi cháu vào nhà trong.
– Dạ, cậu bé bỗng đỏ dừ hai mang tai, lần ấy mẹ cháu đã cho cháu ăn hai cái bạt tai đó chú. Bữa đó cháu không khóc nhưng cháu trong rõ chú khóc, khóc chảy nước mắt hẳn hoi, chú kỳ thật đó.
Anh đi ở phía sau cậu bé, dưới hàng dương, cúi nhặt những cành khô rơi trên đường. Một thoáng đã đầy ôm tay. Hai chú cháu quay về chỗ cũ, chất củi lên làm một cái bếp giữa trời. Cậu bé đứng dậy móc từ túi quần ra một chiếc bật lửa hình vuông, nắp vẽ một người lính ngụy ôm súng, với dòng chữ “Quân lực Việt Nam cộng hòa”. Anh nhìn chiếc bật lửa trong tay nó, im lặng. Ngọn lửa đã bén vào củi, bốc rừng rực.
– Cháu cho cá vào bếp nghe chú?
– Rồi, nướng một con thôi, chú cháu mình nhậu chơi thì một con cũng đủ lắm đa. Cháu ưa nướng cá lắm sao mà lúc nào cũng sẵn bật lửa trong túi vậy?
– Cháu mới nhặt được nó trong một cái túi ni lông dạt vào đảo, chỗ mũi cá mập đó chú à. Chắc là của những người bỏ chạy, tàu bị đắm. Cháu còn thấy một chiếc giày nhỏ tí xíu, xinh hết sảy, nhưng chẳng để làm chi nên cháu chỉ nhặt chiếc bật lửa ni thôi. Hôm rồi nhà cháu cũng muốn chạy, nhưng xà lan chật quá, ra xa nữa gặp sóng lo đắm nên tất cả phải quay về. Bố cháu lo các chú lôi ra bắn, mẹ cháu thì ngồi khóc suốt, nhà cháu bây giờ buồn thiệt. Hiện các chú giải phóng nói bố cháu cứ ở tại nhà, chưa được đi đâu hết, nghe đâu để đợi lệnh trên, có lẽ rồi người ta sẽ đưa bố cháu đi cải tạo.
Anh cười, đã toan nói lảng sang chuyện khác, nhưng rồi nhìn thẳng vào cậu bé, nói một cách chậm rãi:
– Bố cháu là một kẻ độc ác. Nhà cháu, theo chú biết thì chỉ có cháu là còn trong sạch, cháu là một đứa bé thảo lòng. Đưa cái que chú lật con cá kẻo cháy. Lửa to dữ hè, rút bớt mấy cành ra ông nội!
Con cá oằn mình trên ngọn lửa, thoạt đầu bụng nó trương lên, rồi mỡ chảy ra, cháy xèo xèo. Lửa càng bùng cao hơn, nổ tí tách tí tách. Mặt hai chú cháu bị lửa táp vào, nóng bừng bừng. Gió thổi xòa những sợi tóc mây đen nhánh của cậu bé, đôi mắt nó cũng đen, long lanh như mắt chim, một con chim biển. Phải, nó sẽ là một chú chim biển, mãi mãi ở nó cái gì cũng khoáng đạt, trong trẻo. Anh mong cho nó được như thế, bởi anh nhìn nó với một tấm lòng cũng trong trẻo, khoáng đạt. Chính anh cũng là một con chim biển, một con chim biển đã vượt trùng khơi, đã bay qua bão táp, đã bay qua đêm tối.
* * *
Anh không còn trẻ nữa, năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Trong chuyện gia cảnh, bây giờ anh là một người đang còn cô đơn, rất cô đơn.
Bằng tuổi thằng bé ngồi với anh đây, anh đã mồ côi mẹ. Cha mất từ ngày anh còn nhỏ hơn nữa, lên ba. Anh sống giữa mọi người, trong suốt tuổi trẻ con, giống như một cơn gióthoảng. Rất ít người đã nhớ tới sự có mặt của anh bên cạnh họ, đi không ai hay, tới không ai biết, đó là anh. Anh chỉ còn nhớ một cách mơ hồ hình như quê mình, gốc gác mình ở miền Trung, một tỉnh nằm dài bên biển, một huyện bãi cát nhiều hơn ruộng, bữa ăn nhiều mì hơn gạo, một cái làng nào đó quanh năm phải lo hạn và lo lụt. Khi cha mất rồi, mẹ mang anh vào Sài Gòn kiếm ăn, cho tới tận hôm nay, chưa một lần anh trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Khi mẹ còn, một nửa ngày anh được đi học, còn nửa ngày đi bán kem và đánh giày. Mời những người khách đánh giày ăn kem trong lúc chờ đợi và xin những người khách ăn kem cho mình được đánh giày luôn. Những ngày ấy nghe vậy mà vẫn chưa đến nỗi nào, phải đợi đến khi mẹ mất rồi, một mình bơ vơ giữa cái thành phố quay cuồng và đảo điên như một tổ quỷ kia, thân phận anh mới thật khốn khổ. Điều cay đắng nhất là bị thất học vào lúc chỉ vừa mới biết đọc biết viết, uất trào nước mắt khi nhìn thấy những đứa bạn cắp sách lơ đãng bước qua mặt mình. Anh bỗng thấy căm thù tất cả, kể cả sự thất học, kể cả sự mồ côi, căm thù không cần hiểu nguyên do. Và anh muốn đập bể, đập bể tất cả.
Phải đợi đến những năm hai mươi tuổi, khi anh đã đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ giải phóng đất nước, anh mới hiểu ra một điều, không thể biết tấn công nếu như không biết giữ gìn và yêu mến. Anh bỗng nhìn thấy bao nhiêu điều tốt đẹp, thiêng liêng trong cuộc đời muôn vàn cay đắng. Anh sống và chiến đấu bằng một chất men thần diệu, lòng yêu nhân dân, yêu xứ sở, nâng niu từng chút tâm hồn. Và căm giận mọi tội ác, căm giận từ trong máu những gì chà đạp lên nhân phẩm, bóp chết tình cảm của con người. Anh không thể nhìn nổi sự tàn bạo ấy và anh chọn con đường cầm súng. Hình như con đường đó đã chờ anh từ lâu, từ những năm côi cút lang thang trong cái thành phố ồn ào kia.
Các đồng chí anh, người đã ngã xuống ngoài mặt trận, người lên máy chém, nhiều người ra Côn Đảo trước anh hoặc sau anh, không ít người đã giơ tay vĩnh biệt anh để ra hàng dương phía sau núi nhận một viên đạn bất lực của kẻ thù. Những ngày vừa qua là những ngày anh cũng đang chờ đợi đến lượt mình đi hàng dương.
Gần bốn chục tuổi đời, anh cũng đã một lần yêu. Một cô gái kém anh tới mười tuổi nhưng có lẽ tháo vát và khôn ngoan hơn anh nhiều. Cô làm liên lạc cho một đường dây hoạt động bí mật. Anh chỉ gặp cô vào những dịp sắp hành động, bởi vì cô là người trực tiếp mang mệnh lệnh của cấp trên xuống cho anh. Mỗi lần gặp nhau cũng là một lần tạm biệt vội vàng, nhiều khi phải nghĩ, nếu như đó là nhiệm vụ quá nguy hiểm, thôi như thế là vĩnh biệt. Đôi mắt cô gái thật sáng, cô nói nhiều nhất với anh bằng đôi mắt ấy. Những năm sau, trong lúc anh bị đòn tra máu me đầy mặt, tỉnh cũng như mê, đôi mắt ấy vẫn hiện lên trò chuyện cùng anh. Cô có còn nữa đâu, cô mất cùng với lần anh bị giặc bắt. Đó là dịp hai người được sống gần nhau nhiều hơn cả. Tháng hai, cô ngã trên cánh đồng dưa hấu ngoại ô thành phố. Mùa dưa năm ấy được, những trái dưa mọng nước, ngọt và mát, vỏ ngoài óng ả như quang dầu. Khi những bước chân chúng nó đã tới sát sau lưng và cô thì ở vào lúc hấp hối, anh quyết định không mang cô đi nữa, anh và cô sẽ chờ chúng nó. Anh quỳ trên luống đất tơi nỏ, thu đám lá dưa làm một tấm thảm, đặt cô nằm lên, rồi anh nắm chặt lấy bàn tay cô đang nguội dần. Anh đứng bật dậy khi chúng no hò nhau chạy tới. Anh chỉ quỳ bên cạnh cô, một mình anh với cô mà thôi, với chúng nó thì khác, anh phải đứng, bao giờ cũng đứng. Bình minh, chúng mang anh trở lại thành phố, anh im lặng ngồi trong một chiếc xe bịt bùng, nghĩ tới những dây dưa xanh rờn kia, những trái dưa bóng láng kia. Ngày mai người ta sẽ mang bổ nó ra thành từng miếng ngon lành, đặt trong những chiếc lồng thủy tinh thật đẹp của các tiệm giải khát. Lòng anh đau đớn quá mà trở nên thản nhiên, thôi thế là vĩnh biệt, từ nay anh hoàn toàn yên tâm bước vào một cuộc chiến đấu mới, một cuộc chiến đấu không cân sức, chúng nó có tất cả, còn anh chỉ có một quả tim mà thôi.
Đã nhiều lần từ phòng hỏi cung trở về, tên cai ngục cáu kỉnh:
– Sao anh không nói lấy một câu, một câu thôi, mà có thiếu gì cách để nói, anh im lặng vậy để làm gì chứ? Đêm nay chúng tôi được lệnh lại phải nói chuyện với anh đây! Cả ngày anh làm việc bên nhà tôi, công việc cũng vất vả, thế mà tối đến anh vẫn cứ chịu nhận thêm đòn, anh không biết khổ sao, thật là đồ con bò!
– Anh mỉm cười. Vẫn cứ im lặng như thường. Ừ thì tao là một con bò, được thôi, dù sao con bò cũng không phải là con sói. Tao không bao giờ chịu để chúng mày biến thành loài sói.
Những đàn bò vàng ươm trong nắng mai, những luống cày trên đồng, những luống cày chạy dài tít tắp tới chân trời, và những hạt dưa bắt đầu nảy mầm từ trong lòng đất… cái cánh đồng của anh, những đàn bò của anh, những mùa dưa hấu của anh, chúng nó làm sao hiểu được. Mùa dưa ấy đang làm mát mẻ lòng anh, đôi mắt ấy của người con gái đang mở to trước anh.
Đống khói vẫn bốc cao bên bờ vịnh. Hai chú cháu nhẩn nha ngồi ăn những miếng cá nướng thơm lừng.
– Mai mốt chú sẽ trở về đất liền chứ?
– Tất nhiên, nhưng bây giờ thì chưa đâu, chú thuộc vào số những người về sau cùng.
– Chú được cử ở lại à, làm gì vậy chú?
– Chú làm ở ủy bản quân quản, việc đầu tiên của chú trong những ngày này là ổn định trật tự và đời sống trên đảo, nhà cháu chiều nay cũng sẽ được phát gạo và cá khô, tạm thời chúng ta sẽ phải ăn cá khô, cháu thấy sao?
– Cảm ơn chú chứ còn sao nữa.
– Một tuần lễ nữa các cháu sẽ đi học lại, hôm qua chú đã cho triệu tập một cuộc họp gồm tất cả các thầy cô trong nhà trường.
Thằng bé choáng váng như không dám tin vào những lời anh vừa nói ra.
Nó khóc, những giọt nước mắt chân thực. Nó đứng dậy xách cá, lễ phép xin anh cho về nhà. Anh cũng đứng dậy, đưa tay ra với nó:
– Nào bắt tay.
Anh đứng nhìn theo thằng bé, nó đi như chạy bên bờ biển.
Sóng vỗ dập dìu, hết đợt này đến đợt khác, những con sóng chồm lên mạnh mẽ, nhưng vẫn không sao đưa nước tới được chỗ anh đang đứng.
Ngọn lửa lụi dần, nhưng từ đó, từ trong lửa, tỏa lên một cột khói, nom dễ chịu biết bao. Khói lành. Anh hít mãi mùi khói cho đến lúc thấy cay cả sống mũi….
Tác giả: Đỗ Chu -Thực hiện: NSUT. Hà Phương
Từ khóaĐỗ Chu Hà Phương ngọn lửa
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …