Bài nổi bật

Người chưa kịp giải bài toán Galoa

Tôi đến cổng nghĩa trang Trường Sơn trời đã ngả về chiều. Chị quản trang có nét mặt buồn buồn, nước da sạm mầu nắng gió miền trung, tận tình chỉ dẫn tôi tới mộ Tĩnh. Tôi thắp nén nhang, châm một điếu thuốc cắm lên phần mộ. Gió Trường Sơn thổi về se lạnh, đốm nhang lập lòa quấn khói quanh tấm bia, nghĩa trang bao la yên lặng chỉ nghe tiếng lá rừng xao xác, tiếng rì rào mơ hồ như vọng về từ cõi hư vô. Tĩnh nằm đây, giữa mười nghìn đồng đội, phần mộ nằm giữa những hàng lối thẳng tắp, như quân cờ trên một bàn cờ. Tôi ngồi miên man chìm trong tột cùng nỗi nhớ, nỗi nhớ bạn bè, nhớ về một thời chinh chiến. Tĩnh nằm đây, mãi mãi tuổi 21, chưa một lần yêu, chưa kịp giải hết các bài toán của Galoa…
*  *
Năm học nào cũng bắt đầu bằng mùa thu. Mùa thu ở Thanh Sơn đẹp kỳ lạ. Con sông Bứa chạy sát trường, ôm gọn phố Vàng rồi xuôi đổ về sông Hồng. Nước sông mùa này cạn, trong vắt, nhìn thấy từng hạt cát vàng óng ánh lẫn trong sỏi cuội. Con sông miền núi nào đáy cũng thường đầy sỏi, sỏi hai ven bờ, sỏi tràn kín bãi giữa. Mùa thu là mùa gọi tình của muôn loài, nhất là loài chim. Rừng núi Thanh Sơn nhiều chim, nhất là chim gáy. Những con gáy đực cổ đeo cườm chiều chiều đối nhau gọi bạn, tiếng nghe êm đềm da diết gợi trong ta những hoài niệm xa vắng. Cho đến bây giờ dù đã qua thời trai trẻ nhưng mỗi khi nghe tiếng chim gáy trong tôi vẫn dâng dâng một nỗi nhớ mơ hồ…
Dạo ấy, tôi đang học lớp 8B trường Thanh Sơn. Trong tốp từ Yên Sơn về có đến mấy thằng ở Hà Nội lên sơ tán, đứa nào cũng sáng sủa, cao ráo, còn lại dăm đứa là người Hà Nam lên khai hoang. Mấy xã Yên Lương, Yên Sơn ở mút đầu của huyện giáp tỉnh Hòa Bình nên tất cả đều ở ký túc. Bọn nó gom thành một hội nghịch nhất lớp, rất hay gạ những nhóm khác đánh nhau, cứ ra chơi là kéo nhau sang lớp 8A trêu chọc bọn con gái. Trong bọn ấy có một đứa vẻ ngoài không có gì ấn tượng là Tĩnh. Mặt xương xương, tóc mỏng, người khô gầy như cây mới trồng thiếu nước. Nó luôn mặc bộ đồ đen, chiếc quần ta ống thùng thình, áo thì xẻ tà có hai túi vuông ở dưới, cái mầu đen từ thuốc nhuộm thủ công dùng lâu ngày nên đã phai bạc. Tính tôi vốn không thích nhộn nhạo, nên mỗi khi thấy nó a dua, a tòng cùng bọn kia trêu chòng, chọc ghẹo những đứa khác thì rất khó chịu. Phải thú thực là tôi không ưa nó.
Sau một thời gian học, chúng tôi đến kỳ kiểm tra các môn. Hôm ấy, cả lớp ngồi đợi trả bài kiểm tra một tiết môn địa. Thầy dạy địa lý là thầy Kiếm, cũng còn trẻ, người dong dỏng cao, trắng trẻo. Thầy đọc tên từng đứa cùng với số điểm được chấm. Đọc được già nửa lớp bỗng thầy ngừng lại nhìn chăm chăm vào một bài rồi đột ngột ngẩng đầu lên gọi:
– Cậu nào là Tĩnh, Nguyễn Đình Tĩnh, đứng lên!
Cả lớp quay xuống bàn cuối cùng nhìn đứa tên Tĩnh vừa bị thầy gọi. Nó đứng dậy, vừa cài khuy cổ vừa nháy mắt làm trò với mấy đứa ngồi cạnh. Thầy Kiếm chắp tay sau lưng, đi xuống giữa lớp rồi dừng lại giọng châm biếm:
– Bài của cậu đáng được điểm 5 (thang điểm Liên Xô), nhưng tôi “chiếu cố” cho cậu 1 điểm.
– Thưa thầy, tại sao ạ?
– Đấy là điểm tôi cho vì cái “công” của cậu đã chép được kín 4 trang giấy. Lần sau còn “quay” bài kiểu này thì không có điểm nào nữa đâu.
– Em không “quay” – Nó cãi – Bài do em tự làm.
Thầy nheo nheo mắt nhìn thằng học trò mới lớn:
– Cậu lên bảng, trình bày lại bài làm cho cả lớp nghe.
Đề kiểm tra hôm ấy hỏi về địa lý các nước Nam Mỹ, những điều kiện phát triển kinh tế từng nước. Nó lên bảng vẻ rất tự tin, tay cầm phấn, tay cầm khăn lau vừa nói vừa viết. Đến nước nào nó ghi tên lên bảng nước đó cùng tên thủ đô, dân số, diện tích lãnh thổ. Nó say sưa nói về dãy núi Andes, thao thao bất tuyệt về con sông Amazon, tại sao cấu tạo địa lý Trung Mỹ lại có nhiều mỏ dầu hơn Nam Mỹ… hình như trình bày miệng thế này nó còn được thể hiện kiến thức hơn cả làm bài trên giấy. Đến khi nó so sánh chiều dài bờ biển giữa Braxin và Achentina cùng sự khác biệt về động vật biển của hai nước thì thầy ra hiệu cho nó dừng lại. Cả lớp im phăng phắc nhìn lên bảng, dõi theo nó như đang xem một bộ phim trinh thám. Những con số, những nét chữ viết bằng phấn trên bảng trơn mà vẫn phóng khoáng thẳng băng như viết trên dòng kẻ. Thầy cho nó về chỗ rồi trầm ngâm ngồi giở lại bài kiểm tra vẫn để trên bàn. Không thể tin được, một đứa học trò miền núi trong điều kiện không có gì nhiều về sách báo, tài liệu mà nói về một châu lục xa lạ cứ vanh vách như tả cái xóm nó ở. Trong thầy nhiều cảm xúc đan xen, cái thông minh khác biệt cùng bộ dạng nhởn nhơ ngạo mạn ấy như dự báo điều gì trong linh cảm của thầy.
Một năm học mới lại đến, lớp tôi bây giờ là 9B, vẫn như thế, toàn con trai, toàn người Kinh, có khác là sau một năm đứa nào cũng phổng phao hơn đôi chút, nhiều đứa đã ăn diện, làm dáng nhưng phá phách nghịch ngợm thì còn tai quái hơn trước. Thầy Bùi Ngọc vẫn chủ nhiệm lớp tôi, khi chỉ định cán bộ lớp thầy có vẻ rất đắn đo. Thằng Tĩnh không làm lớp trưởng hay lớp phó mà làm trưởng ban cán sự toán. Ngoài ra ban Toán còn tôi và Nguyễn Thế.
Nguyễn Thế có bố là giám đốc một lâm trường của huyện. Nhà nó khá giả nên trông nó lúc nào cũng bảnh bao. So với bạn bè cùng lứa thì nó béo tốt, đẹp trai hơn cả. Nó cũng giỏi toán, đeo kính cận từ cấp 2; đứa nào cận cũng đều có dáng trí thức, nó cũng vậy, nhất là mùa rét nó quàng khăn phula xanh, áo bông cổ lông, đi học bằng xe Favorit, bọn con gái lớp A nhiều đứa mê mệt vì nó. Thằng Thế không hay đầu têu như thằng Tĩnh nhưng nghịch ngầm, nó giống những đứa nhanh lớn khác: khôn sớm, yêu sớm. Bên 9A có cái Nhung, quê Hà Đông, nhà bố mẹ làm nghề may nên quần áo lúc nào cũng xúng xính. Nó đẹp thuộc diện nhất trường, nhiều đứa lớp tôi sang mon men nhưng chỉ thằng Thế là thành công. Thằng Tĩnh không ưa thằng Thế, không hiểu sao hai thằng rất hay chạnh chọe.
Dạy toán cả hai lớp là thầy Hải. Thầy nhỏ người, còn trẻ, chưa vợ, rất hay làm dáng. Mỗi khi có giờ toán là bọn lớp A rất sợ, nhất là bọn con gái. Có lần thầy vào lớp A, đi lên, đi xuống, nhìn từng đứa rồi chỉ vào cái Nhung bắt lên bảng chữa bài tập về nhà. Nó loay hoay một hồi không làm được mặt cúi gằm, tay vân vê vạt áo. Thầy nheo nheo mắt nhìn nó rồi kéo dài giọng:
– Xin được hỏi “quý cô” quê ở đâu ta?
Cả lớp không đứa nào dám cười thành tiếng, chỉ lấy tay bụm miệng rúc rích.
– Xin mời “quý cô” về chỗ, 0 điểm.
Nhưng khi sang lớp chúng tôi thì khác hẳn. Thầy giảng rất say sưa, rất hay, kiến thức rộng và điều đặc biệt là thầy có niềm đam mê với toán học. Một hôm thầy giải một phương trình lượng giác. Đây là một bài ngoài giáo trình thầy cho chúng tôi làm thêm để khuyến khích ai yêu môn toán thì cùng làm. Thầy giải xong cách thứ nhất thì đóng khung nghiệm số trên bảng. Thầy giải sang cách thứ hai, cái hay của lượng giác là sự biến ảo, thầy chuyển từ tg sang cotg, từ sin sang cosin, đảo vế trái sang vế phải… chúng tôi chăm chú vừa nghe vừa chép liên tục, chỉ có tiếng thầy giảng và tiếng ngòi bút xoàn xoạt trên giấy. Sau một hồi biến đổi cái nghiệm số được đóng khung bên trên lại xuất hiện. Thầy vừa lau tay vừa đi xuống giữa lớp và hỏi:
– Qua hai cách giải của bài toán, em nào có ý kiến gì không?
Phần lớn cả lớp còn chép chưa xong, chưa kịp ngẩng đầu lên thì tiếng thằng Tĩnh oang oang:
– Em ạ.
– Mời cậu, thắc mắc ở điểm nào?
– Không ạ, nhưng em có cách giải khác.
Cả lớp im lặng, hồi hộp.
– Cậu định dùng phương pháp ngụy biện phải không?
– Không ạ.
– Xin mời lên bảng.
Nó lên bảng, thản nhiên xóa hết phần giải của thầy, chỉ để lại đề toán ban đầu. Thêm một đại lượng vào hai vế phương trình, triệt tiêu dần từng hàm số, phương trình được rút gọn, hóa giải. Chỉ sau ít phút cho ra nghiệm số đúng nghiệm số của thầy. Thầy vừa theo dõi, vừa thẩm định tính chính xác của bài giải. Khi thầy vừa gật gật vẻ tâm đắc vừa nhìn sang thì bắt gặp vẻ mặt nhâng nhâng tự phụ của nó, những cảm hứng đang dâng lên trong thầy chợt tan biến, nét mặt thầy đanh lại và nói với giọng lãnh đạm:
– Cậu về chỗ, có em nào còn cách giải khác nữa không.
Thầy đã công nhận nó như công nhận một tài năng đặc biệt nhưng thầy không vui. Không phải vì nó là trò mà có cách giải bài toán ngắn gọn, đơn giản hơn thầy mà từ những gì toát ra ở nó. Vẻ khinh bạc của đứa trẻ mới lớn, cái dáng ngạo nghễ nhưng cũng rất tội nghiệp. Toán học vốn gần gũi với triết học. Thầy kết thúc bài giảng bằng một câu bâng quơ mà lúc đó chúng tôi ít đứa hiểu: “Một phương trình toán học có thể tìm nghiệm số bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có những phương trình nếu ta không sớm tìm cách giải thì cả đời cũng không tìm ra nghiệm”.
Cuối năm ấy, cả trường có một phần thưởng đặc biệt của huyện dành cho học sinh xuất sắc nhất: được mua một chiếc xe đạp mifa thiếu niên, gióng ngang, giá ưu tiên. Chiếc xe đó thuộc về thằng Tĩnh.
Những ngày ấy, chúng tôi rất thích lội ra bãi sông Bứa hái quả doi, những bụi doi dại mọc từng khóm như những khóm trúc đào, quả ăn chua chua ngọt ngọt. Tôi đi đây đó cũng nhiều nhưng chưa thấy nơi nào có loại cây này như ở dòng sông Bứa. Tôi thích nhất những hôm trời quang, nắng nhẹ nằm phơi mình trên sỏi mát lạnh, nhìn về phía xa, dãy núi có độ cao 1.054m lượn vòng như lưỡi hái nên người nơi đây gọi là núi lưỡi hái. Mầu xanh thẫm của núi in trên nền xanh nhạt của trời thu thật kỳ vĩ. Bên kia bờ không xa là đồi Vân phủ kín cỏ gianh và những bụi cây lúp xúp. Gọi là đồi nhưng cao lắm, chân đồi tỏa vùng mấy xã, các cụ nói trong ấy nhiều cọp, rừng nào nhiều cỏ gianh thì thường nhiều cọp. Chúng tôi cũng chẳng sợ, đã có lần rủ nhau trèo đồi hái quả me rừng và dâu da đất. Quả me rừng tròn như bi ve, mầu xanh như ngọc, ăn hơi chan chát, hợp với bọn con gái.
Nhà tôi quê gốc Thái Bình nhưng bố mẹ tôi sống ở Hà Nội. Mẹ tôi có một quầy hàng tạp hóa trong chợ Đồng Xuân, các anh tôi đều học cả trên đó và đều ham đọc truyện. Nhà có một tủ sách rất lớn chia làm hai ngăn, sách truyện của anh cả tôi thường được đóng dấu trên góc: “Tủ sách gia đình – 22 Hoàng Hoa Thám – Hoàng Phương”. Con dấu anh tôi tự khắc bằng mắt cây gạo, rất đẹp. Khi lên Thanh Sơn khai hoang, tôi xin bố tôi mang theo rất nhiều truyện. Được thừa hưởng tính ham đọc từ các anh, tôi thường đọc mê mải, nhiều lần bị thầy bắt quả tang vừa học vừa đọc truyện trong lớp. Cũng như các bạn khác, tôi trọ học ở ký lúc xá, lán tự làm bằng tre, nứa, có hai đứa: tôi và Trọng. Nhà thằng Trọng ở 14 Hàng Thùng, nó hay khoe trên gác nhà nó là nhà nhạc sĩ Hoàng Vân, cô Oanh và chú Vân rất quý nó. Chỉ riêng thế đã làm tôi phục lăn, trong bọn Hà Nội học ở đây nó “oai” nhất. Tính nó tẩn mẩn, hay ghi chép, sưu tầm “lời hay, ý đẹp”. Cứ rỗi rãi là tôi với nó lại bàn luận về Tam Quốc, Thủy Hử.
Một tối, tôi đang ngồi học một mình ở lán, thằng Tĩnh đi đâu qua, rẽ vào nó hỏi:
– Có truyện gì mới không? Lâu quá không được đọc.
Tôi với trên giá nứa xuống quyển “Nhạc Phi diễn nghĩa” bản dịch theo âm giọng Sài Gòn. Sách đã cũ, giấy ngả mầu vàng ròn đến nỗi chỉ gập lại là gãy nhưng chữ in vẫn rất nét. Nó ngồi đối diện, ngọn đèn dầu le lói chia ánh sáng cho hai đứa. Trong quầng sáng đung đưa ấy tôi chợt nhận thấy một khuôn mặt mệt mỏi, già trước tuổi, không còn vẻ mặt bất cần đời, không còn chút gì vẻ kênh kiệu nghịch ngợm. Ngồi trước quyển truyện nó hoàn toàn thành con người khác, trong suốt và thánh thiện. Tôi buông sách vở, lấy trong túi đồ chiếc bánh mỳ anh tôi mới đem từ Hà Nội lên, bẻ đôi đưa nó một nửa. Nó nhìn tôi rồi nhìn cái bánh như nhìn một kỳ quan của thế giới. Vừa chậm rãi ăn, vừa đọc nhưng hình như tâm trí không còn tập trung nữa. Một lát sau nó gập sách trả tôi rồi đứng dậy, vừa vươn vai, vừa đi ngó quanh lán tôi ở nó buông một câu:
– Chúng mày sướng thật!
Dừng một lát nó nói tiếp bằng một giọng rất nhẹ:
– Nhưng mày thì khác, có điều lúc nào mày cũng nghiêm túc quá.
Tôi không hiểu nó nói tôi khác cái gì, chắc là không giống phần đông đám học trò Hà Nội lên đây thường hay phê phang. Thực ra trong tôi “phần” Thái Bình nhiều hơn là Hà Nội, hơn nữa tôi vốn sống nội tâm, không ưa ồn ào chứ chưa có ý thức gì về sự nghiêm túc.
Rất lâu sau này khi tôi có dịp về xã Yên Sơn, nghe kể về nó tôi mới biết nhà nó nghèo, rất nghèo. Nhà đông anh em, chỉ mình nó được theo học tới cấp 3 còn chỉ hết cấp 2 đã phải nghỉ ở nhà đi nương, đi ruộng. Chiếc xe đạp được ưu tiên giá rẻ như vậy mà phải vay mượn khắp xóm mới mua được. Đã nhiều lần tôi tự hỏi điều gì đã làm cho nó luôn luôn nghiệt ngã với mọi người? Một vùng vẫy kiểu con trẻ? Một khao khát bứt phá ra khỏi mặc cảm của cảnh nghèo túng? Nhưng có lẽ nó muốn khẳng định mình, muốn chứng minh một khả năng mà chỉ nó có.
Cả ba năm cấp 3 chúng tôi chỉ có một cô giáo duy nhất, cô Mỹ dạy sinh vật. Chồng cô là thầy Mai dạy vật lý, nhưng cô cũng chỉ dạy một năm lớp 8 rồi cả hai vợ chồng thầy, cô chuyển về Hà Nội. Còn lại toàn bộ giáo viên ở trường là các thầy. Trong các thầy thì thầy Đinh Quốc Chương dạy Trung văn là vui tính hơn cả. Thầy cao to, da ngăm đen trông dữ tướng nhưng thực ra lại rất vô tư và dễ tính. Thầy người Trong (ở Thanh Sơn đồng bào dân tộc Mường thường được gọi là người Trong), rất thích nói chuyện thời sự, chính trị trong nước, ngoài nước. Mỗi khi thầy vào lớp, cả lớp bao giờ cũng đứng lên đồng thanh chào:
– Lảo shư hảo.
Thầy đáp lại:
– Thủng xuế mãn hảo.
Khi giảng bài thầy thường có thói quen kéo dài câu cuối để cả lớp đế theo kiểu như: rất chính… chính xác, rất phong… phong phú. Có lần, vào giờ của thầy, thầy đã báo trước hôm nay sẽ gọi kiểm tra miệng bài tập cho về nhà. Bọn tôi sợ nhất lên bảng môn này vì hết đường “quay” cũng không thể “phím” cho nhau được. Sau khi đứng lên làm thủ tục chào thầy, cả lớp ngồi xuống hồi hộp. Biết chúng tôi sợ, thầy có vẻ “khoái” lắm, vừa mủm mỉm cười vừa lướt nhìn từng đứa. Bỗng nhiên thằng Tĩnh đứng lên, vẻ mặt rất “quan trọng”.
– Thưa thầy, chúng em vừa nghe tin phái đoàn Mỹ đã bỏ về, không họp hội nghị Paris nữa, tình hình có vẻ rất “căng thẳng”. Thầy có tin gì mới phổ biến cho chúng em với ạ.
Cả lớp liền nhao nhao:
– Đúng ạ, đúng ạ, đề nghị thầy nói chuyện hội nghị bàn tròn ạ, thầy kể chuyện về bác bộ trưởng không bộ ạ…
Thầy ra hiệu cả lớp trật tự rồi dõng dạc:
– Các em hoàn toàn yên tâm. Chính phủ ta đã cử một cố vấn đặc biệt sang mật đàm, dù phái đoàn Mỹ tuyên bố bỏ họp nhưng thực chất cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục.
Thầy say sưa phân tích những thế mạnh, thế yếu của Mỹ, những diễn biến trong chiến trường đang có lợi cho ta. Những cuộc đấu trí (được truyền khẩu) giữa Kitsingger và cố vấn Lê Đức Thọ… Khoảng 20 phút sau thầy chợt nhìn đồng hồ:
– Thôi, thôi! Hôm khác nói tiếp, còn nhiều vấn đề lắm, các em giở vở, hôm nay học bài mới.
Thầy dễ tính như vậy nên cả hai lớp đứa nào cũng quý thầy, chỉ có thằng Tĩnh là quá trớn. Hôm ấy, thầy giảng cách đặt câu khi có từ (Zài). Từ này đứng một mình trong câu sẽ là động từ, nếu đứng sau động từ trong câu sẽ là giới từ, cũng có khi nó lại là một tính từ. Kết thúc bài giảng thầy chốt.
– Ở mỗi trường hợp trong câu có từ “Zài” các em cần lưu ý vị trí của nó để câu được đúng nghĩa: Trong ngữ pháp Trung văn đây là một từ rất quan trọng…
Thầy ngắt ở đấy, chưa kịp nói nốt thì thằng Tĩnh giọng rất to đế theo:
– Quan… hệ.
Bàn con gái đỏ hết mặt, không dám cười còn tụi con trai quanh nó thì khỏi nói, chúng đập bàn khoái chí hò reo. Thầy nghiêm mặt lại, cả lớp bỗng im bặt. Thầy mắng nó hỗn, bắt đứng lên “quạt” nó một trận rất gay gắt. Nó đứng im như thóc, mặt cúi gằm, tưởng sau trận này nó thấm thía lắm ai ngờ hôm sau khi vào lớp, chúng tôi thấy một dòng chữ rất to chạy ngang trên bảng:
“Tinh quả trang, can treo lủng lẳng”, dưới có ngoặc kép “cấm xóa”. Cái chữ kia thì không còn ai vào đây nữa, mà cũng chỉ có nó mới có gan phiên âm tên thầy cùng với câu xuyên tạc bậy bạ như vậy. Chỉ có mấy đứa thường hay a dua với nó là phởn chí, vừa đọc to vừa nhấn mạnh từng âm tiết còn phần lớn cả lớp cảm thấy ngượng với thầy. Vừa lúc thoáng thấy bóng thầy chủ nhiệm vào lớp một đứa vội chạy lên bảng xóa vội dòng chữ ấy. Có lẽ thầy Trung văn không bao giờ biết câu này. Xét cho cùng trong cái lỗi này có cả sự tòng phạm của chúng tôi.
Một chiều thứ bảy, phần lớn các lán đã về nhà để lấy gạo và thức ăn cho tuần sau. Thằng Trọng cũng về, chỉ còn tôi ở lại, đang loay hoay soạn lại bài vở thì thằngTĩnh bước vào:
– Cuối tuần vắng vẻ buồn quá, mang cờ ra đây tao với mày làm mấy ván.
Nó và tôi đều mê cờ tướng, cứ rỗi là gạ nhau đánh. Nó hay mã, cứ vào trận là rình đấu xe, dùng pháo nổ tan sĩ, tượng đối phương rồi hai mã quấn nhau sang. Một con khóa tướng một con tìm nước chiếu. Khi đã vào thế của nó thì nghĩ đến nát cả óc cũng không thoát ra được. Tôi thích dùng pháo, nhất là thế pháo đầu mã đội. Sức công phá của pháo thật mãnh liệt, công thủ biến hóa, thế đánh đa dạng, nhiều ván tôi chuyển từ pháo đầu sang pháo lăn, nó thí gần hết quân cuối cùng vẫn chịu thua. Mỗi khi ngồi vào bàn cờ, vừa xếp quân nó vừa lẩm bẩm:
– Làm “tướng” kiểu này khổ thật, chỉ quanh quanh, không được ra ngoài, hở ra là bị chộp.
Có lần thua liền mấy ván nó càu nhàu:
– Ông nào nghĩ ra bàn cờ này vô lý bỏ mẹ. Đánh nhau gì mà hai bên quân, mã ngang bằng nhau đến từng ly từng tý.
– Muốn lệch thì một bên bỏ bớt quân đi.
– Thế thì còn gì nói nữa.
Nó là thế, tính cách của nó là thế, luôn luôn muốn phá bỏ, đảo lộn những quy ước đã có. Khi tôi và nó vừa bày xong cờ, chưa kịp đi thì thầy Bùi Ngọc bước vào vẻ mặt rất giận dữ:
– Cậu Tĩnh, cả cậu Nghị nữa, lên đây.
Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì, liếc sang nó thấy mặt nó vẫn tỉnh queo. Hai đứa theo thầy về văn phòng nhà trường, đến nơi thấy có cả thầy hiệu trưởng đã ngồi ở đấy. Chưa kịp ngồi xuống thày Ngọc đã hỏi dồn:
– Trưa nay những cậu nào ra phố Vàng, cậu nào vào cửa hàng ăn uống phá phách?
Ngày ấy cả phố Vàng chỉ có một cửa hàng ăn uống mậu dịch, thông thường hay bán phở thịt lợn, phở đu đủ, bánh bao… gọi là phở nhưng thực ra giống bánh đa nấu. Hôm ấy tan học thằng Tĩnh cùng mấy đứa ở lại rủ nhau ra ăn trưa, chẳng hiểu có chuyện gì mà nó cà khịa, cãi nhau ầm ĩ với nhân viên bán hàng. Lúc quay ra thấy cái bảng dựng ngoài cửa dùng để ghi thực đơn, nó vớ cục phấn viết luôn xuống dưới dòng chữ. Hôm nay có: Phở thịt lợn toàn lông.
Khi cửa hàng phát hiện ra thì bọn nó đã về rồi nhưng họ biết ngay đây là lũ học trò cấp 3 nên vào báo nhà trường. Thầy Ngọc được cử ra giải quyết, nhìn dòng chữ trên bảng thầy biết ngay là thằng Tĩnh.
– Cậu cho là mình tài giỏi nhất phải không?
Có lẽ thầy bị kích động đến tột độ, chưa bao giờ tôi thấy thầy giận dữ đến như thế.
– Cậu khinh thường bạn bè, cậu khoe chữ đẹp bằng cách viết bậy, chửi thầy trên bảng à? Viết láo lếu cho cả huyện đọc à? Cậu có biết tại sao tài giỏi thế mà cả ba năm không năm nào được bầu làm lớp trưởng, lớp phó không?
Nó ngồi im chịu trận, tôi càng không dám ho he gì. Chắc thầy biết tôi không tham gia vào vụ này nên chỉ xoáy vào nó. Thầy hiệu trưởng lúc đầu chắc cũng định đợi nó lên để “chỉnh” nhưng thấy thầy Ngọc quyết liệt quá nên thầy thôi và cho nó về làm bản kiểm điểm.
Từ hôm ấy nó trở nên trầm lặng, không tham gia vào bất kỳ một trò tếu táo nào nữa. Nó gần như trở thành một con người khác.
Cả khối 10 bấy giờ cũng đã bị cuốn vào bài vở chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Không khí học tập đã trở nên nghiêm túc rất nhiều. Sau vụ thằng Tĩnh khoảng gần một tháng, nhà trường chọn hai đội đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Thằng Tĩnh là đội trưởng đội Toán, thầy Hải rất kỳ vọng vào nó (sau này chuyển về làm hiệu trưởng trường chuyên ở Vĩnh Tường, thầy có nói với một số bạn khi gặp lại là cho đến bây giờ, gần hết cuộc đời dạy học của thầy vẫn chưa có đứa nào giỏi toán hơn nó). Đội văn thì thầy Ngọc chọn mãi cũng chỉ được hai đứa thầy liền chuyển thằng Tĩnh sang thi văn. Thầy Hải phản đối kịch liệt nhưng không xong vì dù sao thầy Ngọc vẫn là chủ nhiệm lớp. Kết quả kỳ thi thật không ngờ, nó đạt giải đặc biệt văn toàn tỉnh. Bài thi của nó hay đến nỗi Ty giáo dục Phú Thọ ngày ấy cho in làm tài liệu để các trường trong tỉnh tham khảo.
Vào đúng ngày Lonnon ở Campuchia làm cuộc đảo chính, ngày 8-3-1970, bọn con trai lớp tôi đi khám nghĩa vụ quân sự. Không còn là những cảm nhận mơ hồ nữa, chiến tranh đã là những gì rất rõ ràng với từng đứa chúng tôi.
Những ngày cuối cùng của năm học, những ngày cuối cùng của đời học trò, thằng Tĩnh được gọi lên văn phòng hiệu trưởng. Nó được nhà trường thông báo: tỉnh xét đặc cách cho sang Liên Xô học đại học; thời gian tập trung: sau kỳ thi tốt nghiệp. Nó mừng lắm, cả lớp chúng tôi cũng mừng, coi đây như một niềm tự hào của cả trường, niềm tự hào vì trong bạn học có thằng giỏi như nó. Nó lại bắt đầu “bốc”: “Sang Liên Xô kiểu gì tao cũng phải đến thăm nơi ở của Lép Tônstôi, đặt hoa trên mộ thi hào Puskin” v.v.. và v.v.. dù biết nó đang ba hoa nhưng tôi vẫn tin ai chứ nó thì điều gì cũng có thể làm được.
Còn tuần nữa đến ngày thi thì số con trai bọn tôi đã đi khám sức khỏe được lệnh tập trung. Huyện đội về làm việc với nhà trường, hơn một chục đứa trúng tuyển bộ đội, trong số đó có thằng Tĩnh. Khi phát giấy gọi nhập ngũ cho từng người, đến nó, thầy hiệu trưởng nói:
– Riêng trường hợp của em, em có thể làm đơn đề đạt nguyện vọng, nhà trường sẽ có ý kiến để em tiếp tục đi học ở Liên Xô.
Những ngày tiếp sau nó lại thu mình như cũ, lặng lẽ không bắt chuyện với ai. Không ai biết nó đang suy nghĩ những gì. Đến cuối tuần nó lên gặp ban giám hiệu đưa lá đơn xin trả lại giấy báo đi học ở Liên Xô và tình nguyện nhập ngũ. Có lẽ đây là một quyết định vô cùng khó khăn đối với nó. Điều gì đã khiến nó chấp nhận cùng những người bạn ra trận mà bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời. Đâu rồi cái tính ngang ngạnh, một mình một lối của nó? Đâu rồi sự ngạo mạn, tự phụ luôn luôn làm người khác khó chịu? Cơn giận dữ của thầy Ngọc chăng? Hay nét mặt buồn của thầy Chương? Có thể là lâu về trước nữa câu nói xa xôi của thầy Hải khi nhìn dáng nhâng nháo của nó lúc lên bảng giải Toán? Có thể lắm, vì nó luôn là đứa thông minh nhất trong bọn tôi. Nó rất biết thế nào là đi lính và thế nào là du học ở châu Âu. Nó đã quyết định chọn cho mình cách giải của một bài toán. Nó đã trở thành một con người khác.
Cuối năm 1970, tôi rời Thanh Sơn trở về Hà Nội. Không thi đỗ đại học tôi vào làm việc trong Viện Hóa. Sang năm 1972 theo lệnh động viên cục bộ tôi lên đường nhập ngũ. Sau nhiều ngày hành quân Trung đoàn tăng cường thuộc quân khu III chúng tôi rời đường mòn Hồ Chí Minh rẽ về Lệ Thủy vượt sông Long Đại và một ngày đầu mùa mưa 72, chúng tôi tới Quảng Trị.
Ôi! Quảng Trị!
Không thể nói về Quảng Trị chỉ bằng vài nét chấm phá. Những năm cuối của cuộc chiến chống Mỹ không nơi nào khốc liệt như chiến trường này. Những trận đánh đẫm máu, những cuộc hành quân, những chiến dịch lớn của cả ta và địch. Máu xối đỏ từ thượng nguồn Ba Lòng tới Cửa Việt. Những cánh rừng tưới bom napan còn khét mùi thịt cháy. Thành quách bị san phẳng, những làng mạc bị thiêu rụi. Từng tấc đất, từng ngõ ngách được giành giật. Không ai biết chính xác có bao nhiêu chiến binh của cả hai bên đã nằm lại nơi này. Đã nhiều năm rồi mà những địa danh nóng bỏng như Thành Cổ, Đông Hà, Tà Cơn, Khe Sanh… còn mãi bồi hồi trong lòng mỗi người lính chúng tôi.
Một chiều, trên đường chuyển quân từ Hương Sơn, Hướng Hóa về phía Đông, đơn vị tôi nằm ém ở cứ điểm Khe Van đợi cắt đường 9 tiến vào Cam Lộ. Tôi thoáng thấy trong đơn vị bạn đang hối hả rút về phía Tây một bóng dáng quen quen, chợt khi thấy nó vừa đi vừa vuốt vuốt tóc thì tôi bật lên gọi:
– Chiến, Chiến!
Nó quay lại, đúng là thằng Chiến, Đinh Quyết Chiến ở Võ Miếu. Ngày ở trường chúng tôi hay trêu nó nhất vì cái kiểu vuốt tóc điệu đà ấy. Nó mang cái họ điển hình của bốn dòng họ người Mường ở Thanh Sơn: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Nó dừng lại một chút rồi nhận ra tôi, hai đứa lao vào ôm lấy nhau, mặt mũi nó lem luốc, binh phục xộc xệch còn khét mùi thuốc súng:
– Tao ở 264, vừa đánh Ái Tử.
Một loáng rất nhanh nó đẩy tôi ra rồi đi ngay. Đi được mấy bước nó quay lại nói như hét:
– Tao mới gặp thằng Tĩnh, nó ở pháo, trung đoàn Bông Lau. Không kịp trò chuyện, trong khoảnh khắc nó đã mất hút vào đoàn quân dưới chân đồi.
Từ hôm ấy, sau mỗi trận đánh, mỗi lần về nơi đóng quân mới tôi cố để ý dò hỏi về thằng Tĩnh nhưng không gặp. Lúc ấy tôi còn chưa biết rằng sẽ mãi mãi không gặp nó nữa. Nó đã ngã xuống trong một trận đấu pháo khi yểm trợ cho cánh quân đánh vào sân bay Tà Cơn. Nó đã không kịp đợi đến ngày Hiệp định Paris được ký kết, cái Hiệp định mà ngày nào nó đã dùng để “cứu”, cả lớp thoát khỏi bài kiểm tra môn Trung văn…
*
*   *
Những người lính đang lặng lẽ nằm ở nghĩa trang Trường Sơn đông bằng một sư đoàn. Tôi cảm thấy mọi bon chen, ham hố trên đời thật nhỏ nhoi, vô nghĩa. Cái quan trọng nhất của đời người không phải là thời gian tồn tại mà là dấu ấn để lại. Đã 30 năm qua, có biết bao học sinh đã học qua trường Thanh Sơn mà cũng chưa có một trò nào giỏi như Tĩnh và cũng đầy tính cách như nó. Mỗi cuộc hội trường, hội lớp, mỗi khi bạn cũ gặp nhau chuyện gì rồi cũng lại quanh về “Thằng Tĩnh”. Nó đã góp một phần trong sự nghiệp giải phóng đất nước và nó đã để lại trong lòng các thầy cô, trong mỗi bạn bè một cái tên “Tĩnh”. Tĩnh ơi! Nếu có thể tao sẵn sàng đánh đổi mọi thứ có ở trong đời để chỉ một lần thôi cùng mày ngồi lại bên bàn cờ và tao hứa sẽ không dùng pháo tấn công mày nữa.
Bóng chiều đã chập choạng, tôi lần lữa không muốn đứng lên. Xa xa Trường Sơn vẫn uy nghi hùng vĩ, đâu đây phía Nam dòng Bến Hải đang âm thầm chở trên mình những ký ức của một thời chia cắt.
Thụy Khuê, Hà Nội 11-2002
Tác giả: Hoàng Nghị – Người thực hiện: Đình Khánh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *