Bài nổi bật

Người Đẹp Thành Tuyên – Vũ Xuân Tửu

 
RadioVn.Com – Anh đừng nói thế, mà em tan nát cả cõi lòng. Em không còn gì để đến với anh được nữa. Anh cho phép, em xin làm em gái, hầu hạ anh thôi ạ. – Nàng lấy hết nghị lực, bộc bạch lòng mình…..
———-
Chiều buông, Sương ra miếu Đồng Tiền, nhìn dòng nước chảy lô xô dưới chân ghềnh, lòng càng nhớ Đình da diết. Mới sớm nay thôi, chàng xuống thuyền ngược Chiêm Hóa. Trước khi chia tay, chàng đưa cho nàng phong thư và dặn, khi nào nhớ cháy lòng, hãy mang ra đọc. Nàng lặng lẽ vấn tóc một vòng quanh cổ cho ấm, thế mà đuôi tóc vẫn còn buông chấm eo lưng. Chàng đã bao lần hái cỏ mần trầu cho nàng nấu nước gội đầu, nên mỗi khi chải đầu, vấn tóc, lòng lại nhớ…
Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên
Nhớ cháy lòng! Sao mà chàng hiểu nỗi lòng của nàng lúc này làm vậy? Nàng cảm thấy nhớ chàng đau thắt ngực. Cái cảm giác lạ lùng, từ khi bước vào tuổi dậy thì đến giờ mới thấy. Nàng ngồi bên ghềnh, rút phong thư từ túi thổ cẩm, tở ra đọc. A, thì ra một bài thơ. Chàng tài hoa lắm, nào viết, nào vẽ… Chuyện vuốt tóc mai, ôm vai gày của người con gái đẹp nhất Thành Tuyên cũng là tài hoa chứ. Chúng bạn nói vậy, nàng xao xuyến thẹn thùng. Nhưng nhà chàng nghèo, nên mẹ nàng có chiều đắn đo, sợ con gái sa chân thì khổ một đời. Nghèo ư? Nàng lại nghĩ là chàng giàu mới phải. Cả cái thị xã này, chỉ nhà chàng mới có hiệu sách, đặt tên là Lô Giang mà thôi. Chàng bảo, sách là kho tri thức của nhân loại. Chàng còn nói nhiều điều cao siêu lắm, mà đám thanh niên phố thị chỉ thích rượu chè, cờ bạc không hay biết đâu. Chàng khác người. Chàng hơn người.
Tờ giấy pơ-luya xanh, viết chữ mực tím, đằng tả:
Một nỗi niềm, hai nỗi niềm
Nàng ra đứng miếu Đồng Tiền ngẩn ngơ
Nhìn dòng Lô chảy bơ thờ
Hỏi ai có thấu ai chờ đợi ai?
Đọc đến đây, nàng giật mình, ngó quanh, chỉ thấy trên sông có cái bè đang xuôi dòng về  ghềnh đền Hạ, và phía ngoài phố, có mấy cô Mán Quần Trắng đang rảo bước qua chợ Tam Cờ. Thế mà những tưởng chàng đang thủ thỉ bên cạnh. Làm sao chàng biết, lúc này, nàng đang ở miếu Đồng Tiền và nhìn dòng nước sông Lô chảy qua ghềnh mà nhớ chàng? Thi sĩ đi guốc trong bụng người đời là đây đó ư?
Chàng xuất khẩu thành thơ, nói ra thành vần. Con gái thích khoái lỗ tai, hỏi ai mà không xiêu lòng. Nhớ những buổi chàng dạy chữ cho bọn trẻ con trong phố. Vừa hướng dẫn viết ám tả, chàng vừa vận vần vào từng con chữ, với phong cảnh hữu tình, cho dễ nhớ, dễ thuộc mặt chữ:
– Chữ Ô, gợi nhớ sông Lô
Đoàn thuyền đầy mạn hò ô ngược dòng.
– Chữ U, kìa bóng núi Dùm
Đồn binh dõi xuống một vùng xa xa.
– Chữ A, dưới bến Bình Ca
Qua miền sơn cước bóng nhà đầu non.
Chàng dạy trẻ con, mà người lớn cũng thuộc, cũng thích. Chính nàng nghe lỏm, rồi mới lân la đến học và mới biết đọc, biết viết, rồi được chàng trao phong thư này. Nàng đọc đi đọc lại, đến độ thuộc lòng mà vẫn không rời. Không phải là giấy, là chữ, mà là người, là lời.
Nhớ hôm chàng dẫn lên nhà thờ xứ, trên núi Cố. Cha xứ giảng giải, lời là khởi nguồn. Làm sao mà chàng có thể nói chuyện hàng giờ với cha xứ và cha xứ cũng để hàng giờ mà trò chuyện với kẻ ngoại đạo, như chàng? Chàng có sự hấp dẫn, cuốn hút trong lời nói.
***
 
Bước chân bâng khuâng đưa Sương về nhà. Chợt thấy bọc giấy hồng, to như cặp bánh chưng, đặt trên bàn. Vung vãi dưới nền nhà là mẩu thuốc Bát-tô và bã trầu. Nàng ngạc nhiên, chưa kịp hỏi, thì mẹ đã vội nói, như thể thanh minh:
– Ông đồn trưởng trên núi Dùm, hô lính mang quà cho con đấy!
– Con không nhận đâu!- Nàng quầy quả đáp và phụng phịu đi vào buồng.
– Nghe mẹ này, người ta giữ chân đồn trưởng, tiền lương nuôi cả nhà. Mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, chả sướng thân sao? – Mẹ nàng ngọt nhạt.
Nàng ngã vật lên giường, tấm tức khóc.
– Còn cái mối nhà anh Đình ấy mà… Văn hay chữ tốt cũng không mài ra mà ăn được đâu. – Mẹ vẫn ân cần.
– Con khổ lắm! – Nàng bật khóc rưng rức.
– Con ơi, cảnh mẹ góa con côi nhọc nhằn. Con lại có chút nhan sắc, khác gì mỡ treo miệng mèo. Không lấy ông ta, thì mẹ con mình không còn đất sống. – Mẹ nghẹn ngào, cầm quạt lá cọ phe phẩy cho nàng, mà như nói với chính mình.
Và, không phải để nàng phải khóc lâu. Ngay sáng sớm hôm sau, lính đồn đã xách gà, quẩy rượu, đội trầu cau đến nhà, rồi câu trước câu sau, tức thì đốc thẳng nàng xuống thuyền. Hàng phố xúm đến, nhưng cũng chỉ biết nhìn theo.
– Ngang với cướp cô dâu, chứ cưới xin gì.
– Một bước lên bà đồn trưởng. Con gái phố này, nằm mơ cũng không được.
Cây gạo bên sông đăm đăm đứng nhìn, những bông hoa đỏ rơi lã chã như những giọt nước mắt và đọng thành vũng, đỏ bầm bến nước.
Nàng ngất xỉu khi bước xuống thuyền, toan trẫm mình xuống vực đền Thượng cho xong, nhưng bọn lính nhanh ý, cản lại được. Cánh chân sào trên thuyền chở muối ngược ngàn và chở than đá, quặng kẽm xuôi dòng, cũng biết ái ngại nhìn theo nàng. Cùng phận con sâu, cái kiến, nghĩ mà cám cảnh…
Khúc sông Lô chảy qua Thành Tuyên, gọi là Tam Cờ, có đến ba, bốn cái ghềnh. Nàng nhớ những lần cùng Đình chống mảng vượt ghềnh, tới đâu chàng cũng nhảy xuống bắt cá trong hốc đá. Chắc chỉ mai mốt, tiếng đồn lên Chiêm Hóa, hẳn chàng sẽ bổ về. Ôi, chỉ sợ chàng liều lĩnh tỷ thí với tên đồn trưởng, thì tai họa khôn lường. Nghĩ được đến đây, thì thuyền đã vượt sang bến ghềnh Quýt mất rồi.
Đêm tân hôn, nàng chống cự quyết liệt, lập tức, xơi hai cái tát. Đôi má đỏ bồ quân hằn vết ngón tay vũ phu.
– Nhẹ không ưa, ưa nặng, hử? – Đồn trưởng gầm gừ. – Ông cưới xin hẳn hoi.
– Không! – Nàng thế thủ, một tay giữ cổ áo, một tay giữ cạp quần.
– Mày mà không chịu, hử? Tao quẳng cho bọn lính nó quần. Gái thành Tuyên, thiếu cha gì, đừng có bắc bậc làm cao.
Lập tức, hắn tuýt còi. Bọn lính lao vào như đàn chó ngao. Nàng bàng hoàng, tưởng như sụp hầm kẽm, toàn thân run như cầy sấy. Thấy nàng đã biết sợ, hắn phẩy tay đuổi bọn lính ra. Từ đó, mặc hắn vầy vò, nàng trơ như khúc gỗ và tấm tức khóc.
 
Nàng nhớ, Đình đã đưa sang Tràng Đà, thăm dân đào quặng kẽm và chứng kiến cảnh sập hầm, phu mỏ chết thảm thương, nghĩ đến lại rùng mình. Và bây giờ nàng lại tới chốn đây, tha thẩn ra ngoài đồn binh, xem trẻ chăn dê và ngắm nhìn dòng Lô trong xanh trôi xuôi. Bên kia sông, bóng phu mỏ than ra bến tắp giặt, gánh nước. Khói bếp là là trên những mái lá lụp xụp. Bỗng một đứa trẻ chăn dê đưa cho nàng cái túi thổ cẩm. Nàng vội giấu vào hốc đá, chờ cho bọn trẻ lùa dê xuống núi, đám phu đào kẽm tan ca và lính đồn í ới gọi nhau ăn cơm chiều, nàng mới lặng lẽ mở túi ra xem.
Ôi, một bức tranh. Bức tranh bột màu vẽ nàng đứng dưới chân núi, ven sông và ghi chú: “Nàng Sương, sông Gấm, núi Thần”. Đúng là tranh do Đình vẽ rồi, nhưng mình đã lên Chiêm Hóa bao giờ đâu, mà chàng “bịa” ra thế này? Nàng nhìn tranh như thể soi gương: lông mày lá liễu này, mắt lá răm này, đôi môi đỏ hồng không cần tô son này, khuôn mặt trái xoan này và nước da trắng ngần này, tóc dài bén gót này… Nàng biết mình đẹp, nhưng dín dó, e lệ, lại càng thêm hút hồn người. Khuôn mặt lúc nào cũng rạng ngời, khiến ai cũng có niềm vui khi gặp nàng. Và đây, núi Thần như tấm phông hùng vĩ, sông Gâm như dải gấm xanh bao bọc quanh nàng.
Lại có một phong thư, viết trên tờ giấy pơ-luya xanh:
Núi Dùm một dải cao cao
Bóng nàng lẫn với vì sao trên trời
Sao trên trời bay lên mà hái
Người núi Dùm tê tái niềm thương
Ví rằng chẳng chút vấn vương
Thì đâu cháy cả đêm trường nhớ mong.
– Ô hố! Bố cu Việt Minh! – Đồn trưởng chửi đểu và cười rống lên. – Mày họa địa đồ và viết báo cáo gửi bọn Việt Minh, hử?
Nàng giật bắn mình, không kịp đề phòng, nên hắn nhanh tay giật phăng lấy cả bức tranh lẫn phong thư.
– Con gái sơn cước, đẹp. – Hắn giơ lên ngắm nghía. – Thằng Đình vẽ hử? Giống thật. Ô hố, lại còn bài thơ. Hay đáo để. Thằng này có bốn thứ cầm- kỳ- thi – họa và cả mày là năm. – Hắn nhìn điểu giả, – nhưng mày vẫn trinh. Ô hố…
Hắn cười đắc thắng và xé toạc bức tranh, cùng với phong thư, tung hê lên trời.
Gió sông Lô thổi lên ào ạt, khiến đám mảnh giấy bay loạn xạ, như đàn bướm gặp cơn giông.
Đoạn, hắn túm tóc, lôi nàng xềnh xệch về đồn.
Tiếng chim kêu thét trên lưng trời.
***
 
Đã thành lệ, cứ vào sáng chủ nhật, hằng tuần, viên đội thành Tuyên lại dẫn mấy tên lính và chú chó béc-giê lên núi Dùm, cùng nhập bọn đi săn với đồn trưởng. Buổi nay, thấy Sương trên đồn, viên đội thốt lên:
– Ô là là! Chào người đẹp Thành Tuyên!
– Vợ mới cưới của tôi đấy. – Đồn trưởng mau mắn, vừa giới thiệu, vừa như để cắm mốc chủ quyền.
– Chúc mừng! – Viên đội lại reo vang, cặp mắt xanh ánh lên những tia thèm muốn. – Sao không mở sâm banh, ông đồn trưởng? – Y xòe hai tay, vẻ ngạc nhiên.
– Có chứ, tôi đã chủ ý mà. – Đồn trưởng chữa thẹn. – Nhưng có lẽ, để săn về đã. Mừng hạnh phúc và mừng chiến tích, niềm vui thành hai.
– Ô là là! Tôi sẽ bắn một con nai, mừng hạnh phúc.
Nói đoạn, viên đội với khẩu súng săn dựng bên cửa. Bọn lính hiểu ý, cùng quay ra. Tên đồn trưởng cũng lấy khẩu súng săn treo trên vách và gọi vài tên lính. Tất cả cùng đi. Chú chó béc-giê phởn chí, chạy quẩng lên.
– Hôm nay, ông bắn gì nào? – Viên đội hỏi đồn trưởng, vẻ thách thức.
– Ít ra cũng bằng ông, nếu không muốn nói là hơn. – Đồn trưởng tỏ ra không kém cạnh.
– Được, sẽ để người đẹp thành Tuyên phân xử. – Viên đội bỗ bá. – Ông cưới vợ như ăn cướp. – Y lại cười vang.
Xuống đến thung lũng, cả bọn dừng lại nghỉ chân. Bọn lính đồn bày bánh, kẹo. Bọn lính thành đãi nước giải khát và thuốc lá. Hứng chí, viên đội khiêu khích:
– Ông có dám thách đấu với tôi không? – Cặp mi dài nhướng lên, đầy vẻ giễu cợt.
– Ông biết tay súng thiện xạ, bách phát bách trúng của tôi rồi. – Đồn trưởng bị chạm lòng tự ái.
– Ô là là! Nếu tôi không bắn được con nai nào, sẽ mất cho ông khẩu súng săn này.
– Thật vậy chứ? – Đồn trưởng chồm hẳn người lên, vì bị bất ngờ.
Cả thành Tuyên ai cũng biết, viên đội có khẩu súng săn này, do bố vợ y, một viên tướng bên mẫu quốc, gửi tặng. Đó là báu vật, bất ly thân của y. Bây giờ, y mang ra thách đấu, nên tất thảy đám lính cùng ngỡ ngàng, chứ không phải chỉ đồn trưởng.
– Được, nếu tôi không bắn được con thú nào, sẽ mất một sao. – Nhớ lại ánh mắt viên đội nhìn Sương, đồn trưởng cũng lờ mờ hiểu ý đồ y muốn gì, nhưng lại nói thác đi.
Nghe vậy, bọn lính ồ cả lên, đầy vẻ ngỡ ngàng.
– Ông thách đấu thế là không công bằng. – Viên đội lý sự, – Tôi săn nai, thì ông cũng phải săn nai, đúng không? Chứ không thể là con thú chung chung nào đó. – Y giơ một ngón tay lên, như kiểu đếm. – Thứ hai, tôi mất một báu vật, mà ông lại bảo mất một sao. Ai có thể lột lon của ông không biết, nhưng tôi và đám lính này thì không thể. – Y trổ tài tiếng Việt, không thua kém dân bản địa.
– Ý ông muốn gì? – Đồn trưởng bị dồn đường cùng, tức khí vặc lại.
– Người đẹp Thành Tuyên, tên Sương đó. – Viên đội nói toạc móng heo.
– Chấp nhận thách đấu! – Đồn trưởng nổi máu yêng hùng, bắt tay viên đội.
– Ô là là! Binh lính hai bên cùng làm trọng tài, nhé! – Viên đội hồ hởi, khi dụ được tên đồn trưởng sa bẫy.
Bọn chúng chia làm hai toán, men theo bìa rừng. Không rõ lũ nai tơ có biết cuộc thách đấu vô tiền khoáng hậu hay không, mà trốn biệt đi đâu hết cả. Bọn lính lùng sục quá trưa sang chiều, chân tay mỏi rã rời, mà vẫn không thấy tăm hơi con thú nào. Con chó béc-giê cứ hỉnh mũi lên đánh hơi cũng tốn công vô ích, phải lè lưỡi ra mà thở.
Sương chiều buông xuống. Chim bay về tổ. Viên đội giật mình, bỗng nghe tiếng súng nổ đùng đoàng của  tên đồn trưởng, từ phía bên kia cánh rừng vọng lại. Thế là hắn thắng cuộc rồi. Viên đội tỏ ra thất vọng, lòng buồn rười rượi nhìn khẩu súng săn, như thể người mẹ sắp phải vĩnh biệt đứa con thơ. Bọn lính cũng bùi ngùi tiếc thay cho chủ.
Nhưng ngay lúc đó, nhờ có tiếng súng đánh động rừng bên, mà một con nai lao vọt ra. Viên đội giương súng, bóp cò. Tiếng nổ đanh gọn, như một mũi khoan xuyên vào không khí. Con béc-giê nhảy chồm lên, vồ lấy con nai. Bọn lính cũng hò nhau xông lên, trói gô lại, khiêng về.
Tên đồn trưởng nghe tiếng súng, cười khảy, nghĩ bụng, thằng công tử ấy mà cũng biết bắn à? Có mà đi tìm hươu. Nhưng nhỡ mà nó bắn được thì sao, mèo mù vớ cá rán, chẳng hạn? Ta sẽ mất con Sương. Không cần thiết lắm. Bố ta từng bị một con đàn bà đẹp hạ gục, trước khi chết trong đau đớn đã trăng trối: “Đàn bà đẹp, nước đái cũng chẳng chấm dưa mà ăn được đâu!”. Ta phải trả thù vào bọn gái đẹp xứ này. Nhưng thua cuộc, ta sẽ mất danh dự. Mẹ kiếp, đòm cho nó một phát! Không được, còn đám lính. Vả lại, nó là người Tây, không thể chơi với lửa. Mà cũng chưa chắc nó có bắn được hay không? Hay cũng như ta, chơi trò  rung cây dọa khỉ mà thôi.
Về đến địa điểm tập kết ban sáng, bọn lính thành vui mừng bao nhiêu, thì đám lính đồn tiu nghỉu bấy nhiêu. Bỗng con béc-giê hỉnh mũi lên, sủa úc ắc. Cả bọn nhìn theo. Chợt thấy một con nai, cứ bồn chồn chạy đi chạy lại, như thể tìm bạn. Con nai bị thương cũng ngỏng cổ lên. Tất cả bọn cứ đờ ra, như thể bị thôi miên. Tên đồn trưởng bừng tỉnh đầu tiên. Hắn vội nâng súng lên và bóp cò liền. Khói tan, con nai cũng phi thân vào bụi cây. Như một tín hiệu vô hình, tất cả bọn chúng bật dậy, lao vào rừng đuổi nai. Vòng vây khép chặt dần.
– Để tao! – Đồn trưởng vằn mắt, xí phần.
– Ai bắn được thì của người ấy. Con chó của tôi phát hiện đầu tiên mà. – Viên đội cự nự.
– Mày, chạy đằng trời. – Hắn gầm lên.
Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, lại bị đám lính chắn trước mặt, con nai hết đường chạy. Tên đồn trưởng ra vẻ hảo hán, liền trao súng cho tên lính, rồi rút dao găm, đâm bổ thượng. Con nai quay ngoắt lại, phi thân xuống vực. Tên đồn trưởng mất đà, lao theo. Nhưng may thay, tên lính nhanh tay quẳng súng, túm được chân hắn, nếu không, sẽ tan xác pháo theo con nai rồi.
***
 
Trong cuộc đổi trao, tên đồn trưởng nì nèo xin bằng được con chó béc-giê, mới chịu trao Sương. Viên đội cũng miễn cưỡng chấp nhận. Đổi một con chó, lấy một người đẹp, cũng chẳng phải là thiệt, dù mình là người thắng cuộc.
Ban đầu, Sương không biết cuộc thách đấu, đổi trao đó, chỉ biết tên đồn trường giao nàng cho viên đội mà thôi. Mãi khi xuống đò, nghe bọn lính kháo chuyện, nàng mới ngã ngửa người ra. Trời ơi, thế là thân mình chỉ bằng một con chó. Lập tức, nàng lao đầu xuống ghềnh Quýt. Bọn lính tá hỏa nhảy theo, khi vớt được thì nàng đã no nước và gãy một bên chân rồi.
Nằm điều trị tại nhà thương trong thành, Sương như đứng giữa hai thái cực. Đó là niềm xót thương của mẹ và sự đắc thắng của viên đội. Khi biết tin cô gái gãy chân là người đẹp Thành Tuyên và cũng chính là chiến lợi phẩm của viên đội, thì dư luận xôn xao khắp thành, cả nhà thương cũng chộn rộn hẳn lên.
Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên
Nàng cay đằng, khóc không còn nước mắt, làm người con gái bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, thì hạnh phúc, chồng ấp, con bồng; mang danh là người đẹp như hoa, lại thành món hàng bán mua đổi trác của bọn bất lương.
– Ô là là! Không phải cuộc đổi trác đâu. Anh nghĩ kế để chuộc em ra khỏi hang hùm miệng rắn mà thôi. – Viên đội ôn tồn thanh minh và tặng nàng bó hoa tươi.
– Tôi có đáng gì mà ông phải khó nhọc? – Nàng hỏi giễu.
– Em là người đẹp Thành Tuyên. Chẳng lẽ, em không hiều giá trị mỹ nhân. Mỹ nhân như danh tướng, em ạ. – Y tỷ tê, rót mật vào tai nàng. – Theo quan niệm của anh, người đẹp phải là thần tiên.
– Tôi chỉ đáng giá một con chó… – Nàng căm phẫn.
– Em đừng buồn bực mà tổn hao sức khỏe. Không phải thế. Không phải thế. Ngàn lần không phải thế. Con chó là hắn xin thêm mà thôi. Khi nào bình phục, em có thể hỏi lại đám lính trong thành và trên đồn, chứng kiến cho lòng anh. Chuyện thách đấu, không có điều khoản đó.
Nói xong, y đặt lên bàn thuốc một hộp kẹo và vỗ vỗ vai nàng an ủi, rồi chào kiểu nhà binh, khiến nàng bật cười, làm cho khuôn mặt rạng rỡ trở lại.
Cả hai cùng vui.
Với y, nụ cười của người đẹp thành Tuyên là một phần thưởng đúp, sự nhân đôi chiến lợi phẩm trong chiến lợi phẩm. Tên đồn trưởng chiếm nàng bằng vũ lực. Y chiếm nàng bằng con đường đi đến trái tim. Nàng sẽ hiến dâng cho y.
Với nàng, không biết thật giả thế nào, nhưng những lời của y vừa thẽ thọt cũng làm cho lòng nguôi ngoai. Y hào hoa, nhưng không thể phong nhã như Đình. Bỗng dưng, nàng nhớ chàng. Rằm tháng Giêng, chàng đưa đi lễ hội Giếng Tanh của người Cao Lan. Rồi cùng đi thăm phu mỏ than ở ngoại thị. Chàng đang nung nấu viết một pho sách về phu mỏ. Viết sách ư? Nàng chưa đọc thông viết thạo, nên nghĩ đến việc viết cả một quyển sách dày, thì thật là kỳ công với từng con chữ, khác nào người đan lưới cứ phải tỉ mà tỉ mẩn từng mắt lưới vậy.
 
Sương chống nạng tập đi. Viên đội dìu nàng, nom thật tình tứ. Tập trong hành lang, rồi lân la ra tận cổng Đông Môn. Y nháy mắt với tên lính gác cổng, rồi bế thốc nàng lên vọng lâu. Tên lính cầm nạng lập cập chạy theo. Nàng cảm thấy sung sướng khi được hầu hạ, nhưng lại thẹn thùng khi bị đàn ông bế giữa ban ngày ban mặt.
Ngày trước, qua thành, nàng vẫn ngước lên nhìn cổng Đông Môn. Ồi, lần đầu tiên lên vọng lâu. Dòng sông Lô hiện ra ngay trước mặt. Thuyền bè tấp nập ngược xuôi. Dãy nhà bè neo đậu xuôi về phía ghềnh Miếu Đồng Tiền. Nghĩ đến miếu Đồng Tiền, lòng nàng chạnh nhớ tới Đình. Chàng ở đâu? Có dễ, mình không dám gặp chàng nữa, tấm thân vấy bùn này, đâu còn xứng với thi nhân tao nhã. Ngước nhìn lên núi Dùm, đồn binh đập vào mắt, làm nàng lẩy bẩy, cái nạng loạng choạng. Viên đội tinh ý, ân cần kéo ghế mời nàng ngồi.
– Gió hơi mạnh một chút, xin phép em nhé. – Y hạ mành cửa phía bắc xuống.
– Vâng ạ! – Nàng ngoan ngoãn.
– Anh định khi nào em khỏi bệnh, mới nói chuyện. – Y ngập ngừng, liếc mắt thăm dò thái độ của nàng.
– Việc gì cơ ạ? – Nàng nhíu mày, vẻ cảnh giác, ngỡ y lại định giở trò chi đó.
– Số là thế này, – y chậm dãi, – thực tình là anh muốn giải thoát cho em, khỏi tay tên đồn trưởng đê tiện ấy. Nhưng buộc phải lập kế thách đấu, như đã nói với em. – Y lại ngập ngừng chờ đợi phản ứng của nàng và tung đòn mạo hiểm. – Khi nào em khỏi, có thể về nhà mẹ đẻ, thế nhé! – Y toan đứng dậy, ra về.
– Ơ… – nàng ngỡ ngàng thốt lên và bật khóc rưng rức.
– Xin lỗi, anh làm em buồn lòng. – Y tỏ ra bối rối như người có lỗi.
– Em biết đi đâu bây giờ? – Nàng thành thực. – Con gái xuất giá tòng phu. Không lẽ, lại lên đồn binh núi  Dùm? – Nàng rùng mình sợ hãi.
– Anh biết, Đình rất thương mến em mà. – Y tỏ ra sành sỏi, hiểu biết tường tận về  cuộc đời nàng.
– Nhưng tấm thân em đã thế vầy, đâu còn… – Nàng tê tái cõi lòng.
Gió sông Lô thổi ràn rạt, đẩy bung mành cửa, đồn binh núi Dùm lại hiện ra, nàng trừng trừng nhìn lên, đầy vẻ căm hờn. Trước đây, từ trên núi, nàng nhìn xuống cổng Đông Môn, bên bờ sông này. Nay, lại từ chốn này, nàng nhìn lên đó. Nàng chới với giữa hai đầu gậy, đằng nào cũng khổ nhục. Đào hoa bạc mệnh cũng là số nàng chăng?
– Nếu em không chê kẻ hèn mọn này, anh xin lấy em làm vợ. – Đột nhiên, y quỳ gối và ngước mắt van xin, như thể con chiên nhìn ảnh Chúa, trên nhà thờ vậy.
Cử chỉ bất ngờ đó của viên đội, làm nàng chết sững người. Hồi lâu, nàng hồi tỉnh và ôm lấy đầu y mà khóc nghẹn ngào. Y vỗ về an ủi, rồi hôn nàng. Lần đầu tiên trong đời, nàng được hôn, sự tê mê sung sướng, khiến nàng lả cả người. Y nhìn gương mặt rạng ngời của người đẹp thành Tuyên mà lòng lâng lâng và đầy tự hào. Phàm làm giống người, phải đa mưu túc kế. Y cười đắc thắng.
***
 
Sương nhiều lần về nhà, nhưng viên đội hay đi cùng, nên mẹ con khó bề tâm sự. Có bận, nàng lẻn về một mình. Mẹ vội khép cửa liếp, thì thào:
– Đình vào chiến khu rồi!
– Thảo nào… – Ý nàng muốn nói là, thảo nào, không thấy thư từ gì.
– Nó gửi cho con. – Mẹ xách ra một cái túi thổ cẩm. – Nó bảo, mật gấu để bóp chân. Có một phong thư nữa thì phải.
Nước mắt lại giọt vắn giọt dài, thì ra, Đình cũng đã biết nàng bị tai nạn và lại có thư nữa. Thế mà, suýt nữa trách oan người ta. Những giọt nước mắt rơi lộp bộp xuống lá thư xanh, như mưa lá cọ.
Đẩy thuyền đi ngược dòng Lô
Qua chợ Tam Cờ muốn ghé lên chơi
Cổng thành ngăn cách đôi nơi
Tường cao, hào rộng biết người chốn nao
Gặp nhau trong giấc chiêm bao
Thuyền ai vẫn cứ căm sào bến sông!
Thì ra, chàng vẫn nặng lòng, còn mình thì…
Nàng khóc tu tu, khiến những người hàng phố lếch thếch kéo sang, tưởng bà cụ mệnh hệ gì.
Viên đội thường dẫn nàng lên núi Thổ Sơn, nhìn toàn cảnh thị xã. Chỗ này, lưa thưa mấy mái ngói công sở, đồn binh. Chỗ kia là những mái lán lụp xụp của phu mỏ than, mỏ kẽm và dân bán buôn, từ tứ xứ tụ về. Đây là Thành Tuyên rêu phong cổ kính. Nàng từng nghe Đình giảng giải rằng, thành đá ong xây cách đây bốn trăm năm có lẻ, còn gạch chỉ thì mới sửa vào thời Nguyễn. Cổng thành to, voi đi lọt. Cổng nào cũng có vọng lâu cho lính quan sát bốn phương tám hướng. Nàng nhớ, Đình đã từng lội xuống hào ngoài thành, mò cua, bắt ốc, một thời.
Nàng nhận ra, viên đội hay dùng nước hoa. Cái bận ôm hôn trên vọng lâu Đông Môn, mà mùi nước hoa của y thấm sang đầu tóc, quần áo, da thịt, nhưng chính nàng không nhận ra điều đó. Đến khi, cô hộ lý khen bóng gió rằng, nước hoa quý phái, nàng mới giật mình. Bây giờ, thành vợ không cưới của y, thành me tây rồi, nàng lại ưa dùng nước hoa hơn cả y nữa, nào là thấm vào cườm tay, ve áo, dưới vành tai, rồi gối, màn, chăn, ga giường… Khiến cả căn phòng của nàng sực nức, như một vườn đầy hương hoa và nàng là một bông hoa biết đi.
Lần đầu, nghe phu mỏ và dân phố xì xào, chỉ trỏ, gọi là me tây, nàng điếng người. Nhưng lâu dần thành quen và quên luôn biệt danh Người đẹp Thành Tuyên… Nàng soi gương, giật mình thấy vết chân chim hiện lên trên đuôi mắt và lặng lẽ thở dài, ngồi thừ cả người, một thời vang bóng đã qua?
Đang mơ màng ngủ, chợt nghe tiếng nổ liên hồi kỳ trận, rộ lên ngoài thành. Binh lính nhốn nháo bổ ra các lỗ châu mai và nã súng. Viên đội vội rút súng lục, chạy ra đốc chiến. Tin tức dồn dập báo về:
– Quân Nhật chiếm nhà dây thép rồi!
– Nó đánh chợ Tam Cờ, chiếm cổng Lấp!
Viên đội giật mình, chúng đánh vu hồi, quyết đẩy bật quân Pháp ra phía bờ sông. Y chạy ra cổng Đông Môn. Tên lính gác đã bị giết chết. Tốp lính Nhật rút kiếm cùng xâu vào y, như thể xiên củ khoai lang luộc.
***
 
Viên võ quan Nhật cho áp giải tù binh về xuôi và đuổi dân ra xa thành, đề phòng phản loạn, chợt thấy một cô gái mặt hoa da phấn, liền cho lôi lại.
– Con này là con nào?
– Người đẹp Thành Tuyên!
– Làm gì trong thành?
– Vợ viên đội.
– Nó đâu?
– Chính là thằng Tây, bị đâm chết ở Đông Môn.
Viên võ quan bỏ kính trắng, ngó vào tận mặt Sương, chòm râu đen như hắc ín, nằm gọn lỏn trên nhân trung của nó, tưởng như chọc và má nàng. Đoạn, nó ngoắc tay ra sau vai, nói nhỏ: “Gái đẹp là liều thuốc an thần của chiến tranh”. Bọn lính hiểu ý, đưa nàng đi tắm giặt, thay quần áo.
Khi trở lại phòng, nàng không tin vào mắt mình nữa, tuy vẫn là căn phòng của viên đội, nhưng trên tường đã treo lá cờ trắng, giữa có hình tròn đỏ, thay cho lá cờ tam tài ba màu xanh, trắng, đỏ. Bên dưới, đặt giá kiếm, nom như cái ngà voi đen trũi, gớm giếc. Tất cả giường, đệm đã được thay mới và không còn mùi nước hoa nữa, mà thế vào đó là mùi phê-nôn thường dùng tẩy trùng nhà thương.
– Đêm nay, cô phục vụ ngài võ quan. – Tên sĩ quan hầu cận tuyên bố.
– Tôi là gái đã có chồng. Chồng tôi mới mất. Xin các quan tha cho! – Nàng quỳ thụp xuống, như thể bị một cú giáng vô hình là cho ngã gục vậy.
– Chồng cô đã đầu hàng. – Gã điềm nhiên, nói.
– Ôi! Không thể nào! Chồng tôi bị các ông sát hại ở Đông Môn. –  Nàng kiên quyết thanh minh cho chồng.
– Thằng Tây trắng ấy không phải chồng. Ai cưới cô nào?
Nghe vậy, nàng hiểu là tên đồn trưởng núi Dùm đã đầu hàng quân Nhật.
– Cô không được liên lạc với thằng Đình- Việt Minh.
Nàng há hốc miệng vì ngạc nhiên. Làm sao mới có một ngày chiếm thành, mà bọn chúng đã tỏ tường về nàng, y như người trong nhà vậy?
– Đêm nay, cô phục vụ ngài võ quan! – Gã nhắc lại như một con vẹt.
– Tôi cắn rơm cắn cỏ xin các ngài ông tha cho! – Nàng năn nỉ.
Không nói không rằng, tên sĩ quan hầu cận rút gươm ra, lia ngang một phát, làm cái giá áo bên cạnh rụng xuống nền nhà, khiến nàng xanh mặt.
– Đêm nay, cô phục vụ ngài võ quan! – Gã nhắc lại, không sai một từ và cũng vẫn âm điệu cũ.
Cú đòn cảnh cáo của gã, làm cho nàng hiểu ra thân phận mình và lặng lẽ cúi đầu. Nàng nghe tiếng gươm lách cách tra vào vỏ, cũng thở phào tội nghiệp.
Từ ngày quân Nhật chiếm đóng trong thành Tuyên Quang, Sương không được về thăm nhà nữa. Viên võ quan giữ rịt nàng bện cạnh. Nó sợ nàng làm tay trong cho Việt Minh. Hàng ngày, nó bắt nàng quỳ đợi mặt trời mọc, bắt tập đi cóm róm như đàn bà Nhật mặc Ki-mô-nô. Nó nói về thuyết Đại Đông Á. A, nàng đã từng nghe Đình giảng giải về thuyết này. Chàng còn nói về thuyết Tam dân, thuyết Mã Khắc Tư- Lý Ninh… Nhưng nàng không hiểu gì, chỉ nhớ cái tên. Cũng như đối với các hạng người, nàng chỉ biết cái tên của họ, còn tâm tính, lòng dạ thế nào, không hay biết. Nàng không hiểu Đình khen, hoặc chê thuyết nào, chỉ có cảm giác choáng ngợp trước hiệu sách, với bao nhiêu là sách, báo kim, cổ, Đông, Tây và nhất là trí tuệ trong đầu chàng.
Người đầu bếp của viên võ quan nói trong hơi thở, khi đi qua nàng: “Nhọ mặt người, ra miếu Đồng Tiền”. Nàng hỏi rằng ai, thì đầu bếp không nói. Ông ta vẫn lặng lẽ làm bếp, như không có điều vừa rồi xảy ra. Nàng không tin vào tai mình, nhưng ngó quanh, không có bóng người nào khác.
Lần đầu tiên, nàng chuốc rượu cho viên võ quan, nhưng nó không say, vẫn tỉnh như sáo què, nên đành phải quyến tình. Nó vồ vập hưởng bữa tiệc kép, độc nhất vô nhị, rồi há hốc mồm ra mà ngủ. Nàng vội luồn ra miếu Đồng Tiền, vấp lên vấp xuống, đinh ninh sẽ gặp Đình. Bởi xưa, chỉ có chàng thường hẹn gặp nơi đây. Cái ghềnh cũng lạ, ngay trong lòng thị xã, mà nghe cứ như ở tận đẩu tận đâu. Nhưng người gặp lại là mẹ, khiến nàng vừa hẫng hụt, lại vừa tủi hờn. Hai mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Hồi lâu, mẹ nói trong nước mắt:
– Đình dặn con, đếm xem có bao nhiêu lính Nhật, súng ống và “cái máy tạch tè” để ở chỗ nào. Cữ này, tuần sau, gặp Đình ở đây. Nhớ chửa?
– Nhớ rồi: lính, súng, tạch tè… – Nàng cười lỏn lẻn.
– Cha bố cô! – Mẹ mắng yêu, củng nhẹ vào đầu nàng.
Hai mẹ con cùng cười hoan hỷ.
Mấy hôm sau, từng đoàn người từ Ỷ La kéo xuống, từ Tràng Đà tướn sang. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Tiếng hô khẩu hiệu vang vang… Trong đoàn người từ chiến khi tiến về, nàng thấy Đình cưỡi ngựa hồng, hông đeo súng lục, xắc-cốt quàng vai, đầy vẻ phong trần, kiêu hãnh. Nàng sung sướng thét lên: “Anh Đình!”. Chàng ngoảnh sang, thấy nàng, vội nhảy xuống ngựa. Hai người tay run trong tay, mắt cười trong mắt.
– Sao mà cứ hẹn miếu Đồng Tiền mãi thôi? – Nàng nhướng mày, trách yêu, chỉ lấy cớ để mà nói.
– Cách mạng thành công rồi! – Bỗng chàng nhảy lên yên ngựa, bắc loa tay nói to, – Việt Minh đã cướp chính quyền! Chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng mang lại độc lập, tự do, dân chủ. Mời bà con về bãi Ta-lanh, trong Thành Tuyên, thượng cấp chủ tọa mít tính!
Tiếng hò reo trên phố như ong vỡ tổ, khiến nàng vui lây.
***
 
Buổi trưa, hai người lại hẹn nhau ra miếu Đồng Tiền.
Dạo này, Đình được cách mạng phân công làm trưởng khu phố, bận tối ngày, nhưng chàng vẫn mở lại hiệu sách Lô Giang và lớp bình dân học vụ, rồi tranh thủ hẹn gặp nàng ở chốn xưa.
– Em khổ lắm! – Nàng nói trong nước mắt.
– Anh hiểu. Tất cả do bọn thực dân, phát xít gây ra. Tình cảm của anh vẫn như xưa. – Và chàng đọc câu thơ:
Cắm sào đợi bến Lô Giang
Hỏi người thục nữa có sang cùng thuyền?
– Anh đừng nói thế, mà em tan nát cả cõi lòng. Em không còn gì để đến với anh được nữa. Anh cho phép, em xin làm em gái, hầu hạ anh thôi ạ. – Nàng lấy hết nghị lực, bộc bạch lòng mình.
– Ấy, sao lại thế? Cái quan trọng nhất trong tình yêu là sự hy sinh và đồng điệu tâm hồn, em ạ. – Chàng thuyết lý.
– Không, em đã quyết chí như vậy. Anh gánh vác xã hội, còn người ta ngó xuống, quan trên trông vào. Mong anh hiểu lòng em.
Nói xong, nàng quầy quả ra về, khiến chàng chưng hửng. Không biết chàng có hiểu cho lòng nàng không? Bởi, nếu dùng dằng nửa ở nửa về là nàng lại xiêu lòng…
Mấy hôm sau, trên giấy tư xuống, mời Đình lên đồi Công sứ cũ. Cả nhà chờ mãi, chẳng thấy chàng về, bèn nhờ Sương đánh tiếng, hỏi sự tình ra sao. Nhưng ông tư giấy cứ hẹn đi hẹn lại, năm lần bảy lượt mà vẫn không gặp được chàng. Có hôm, ông ta lưu nàng lại, úp úp mở mở rằng, Đình đã vào trong kia! Nhưng nửa đêm về sáng, lại nói mớ: “Trí thức mà đòi tự do là đồ con bò…”. Và ông ta lại cất tiếng ngáy khò khò.
Thế rồi, khi người Pháp quay trở lại Thành Tuyên, viên công sứ cho người tìm Sương, nàng lần lữa không lên, bởi thừa hiểu, các quan gặp để làm gì rồi, nhưng chống lệnh, chắc chết. Nàng toan vượt sông vào chiến khu, tìm Đình. Nhưng bao người qua sông không bao giờ trở về. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy có xác người trong bao tải trôi sông. Những cây gạo ven sông bị ma ám, nên linh hồn nhỏ máu đỏ trời.
Lòng dạ rối bời, nàng không biết đi đâu về đâu. Bước chân vô định đưa nàng đi dọc bờ sông, lại đến ghềnh Miếu Đồng Tiền. Nhìn dòng nước lô xô, nàng như nghe thấy bài thơ của chàng, đang vang lên từ ghềnh đá:
Một nỗi niềm
Hai nỗi niềm
Nàng ra đứng miếu Đồng Tiền
Ngẩn ngơ…
Kìa, có cái gì lập lờ nổi trôi dưới chân ghềnh, nom như bao tải. Nàng sợ hãi, ôm mặt kêu rú lên, rồi ngã vật xuống đầu ghềnh.
 Thành phố Tuyên Quang, 2013 – Tác giả: Vũ Xuân Tửu – Người thực hiện: Minh Nguyệt

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *