Bài nổi bật

Người Giữ Cồn – Nguyễn Thế Hùng

Truyện đêm khuya – Tôi vội vã sắp xếp công việc ra cồn thăm ông. Chắc có chuyện gì gấp lắm ông mới nhắn tôi ra. Có thể đây là lần cuối cùng tôi và ông nhâm nhi ly đế với mấy con khô kèo trải trên mặt thiên ngôi mộ xây ở cồn Thương.
Sở dĩ tôi nghĩ lần cuối vì xem đài, báo thấy dự án cầu Cầm Thi sẽ chạy qua cồn Thương – cái tên ông đặt vậy chứ sự thực nó là cái cồn gì tôi cũng không biết. Cồn Thương nhỏ như trái bưởi nổi bồng bềnh giữa dòng sông Hậu. Và một mố cầu thế kỷ sẽ đáp lên trái bưởi đó. Cồn thì nhỏ, cầu thì to, ông phải dời vô bờ là cái chắc.
Ghe chạy chưa đầy nửa tiếng đã ghé cồn. Mới bước lên bờ, đập vào mắt tôi vẫn là ngôi mộ và dáng ngồi muôn thuở của ông. Phía trên chạc cây mận, ngọn đèn bốn mặt vẫn liu riu cháy giữa ban ngày. Ông già như không thể già hơn được nữa. Đã mười lăm năm kể từ lần đầu tôi gặp ông, ông đã già như thế.
Nhắn tôi ra, vậy mà khi giáp mặt ông không hề đổi tư thế ngồi. Vẫn đôi mắt lim dim vô tư lự, nhìn mà như không nhìn của các bậc đế vương, vẫn khuôn mặt vuông với những đường nét tạc vội của nhà điêu khắc tài hoa nhưng có tính phóng khoáng, vẫn cái lưng rù rù lên nước bóng loáng. Và vẫn dáng ngồi chồm chồm chân co chân duỗi, một tay gác lên thành mộ xây, một tay hờ hững cầm ly rượu. Cầm để mà cầm, cầm mà hồn như đang hướng về một nơi nào xa lắm.
Tôi lặng lẽ như những lần lặng lẽ trước kéo cái ghế làm bằng gộc cây ngồi sát bên mộ, nơi đối diện với ông. Ông nhìn tôi không buồn, không vui, cũng không biết ông có thấy tôi ngồi trước mặt không nữa. Phải một lúc rất lâu sau, ông mới với tay lấy cái bình, chiết rượu vô ly rồi vẫn với cái nhìn đó, ông trao cho tôi ly rượu đế và nói:
– Uống với qua ly. Ừ! Rồi rượu hết thì bình khô cạn, qua cũng cạn khô quắt khô queo, rồi đèn này nữa, nó cũng sắp tắt. Cái cồn Thương này…
– Một mố cầu sẽ đáp xuống đây, cầu thế kỷ, cầu vĩnh cửu… Có bêtông cốt thép cồn sẽ không còn trôi, ông cũng đỡ phải kè, phải đắp…
– Qua biết, kè đắp mãi sao được, sức người có hạn… nhưng mấy bữa rày qua xin hoài mà cổ chưa chịu, cổ muốn nằm ngoài này mát hơn.
Ông nhìn tôi rồi lại nhìn ngôi mộ, ngôi mộ trông cũng già như ông. Hai chúng tôi lại chìm vào yên lặng. Vì tôi biết giờ này có muốn hỏi gì ông cũng không nói nữa. Tôi ngồi bên ông, một già một trẻ, cảm xúc của mỗi người chỉ có một mình mình biết, một mình mình hay. Tôi không biết ông đang nghĩ gì nhưng tôi đoán suy nghĩ của ông không vượt ra chuyện ngôi mộ. Dưới mộ là người vợ chưa cưới của ông. Bà trẻ mãi tuổi đôi mươi.
Những chuyện này tôi cũng cóp nhặt mà biết chứ không phải nghe từ miệng ông kể. Mười lăm năm biết ông, năm dăm ba lần gặp nhưng nói với nhau thì chắc không đầy tiếng đồng hồ. Tôi thích ngắm ông trầm tư như pho tượng cổ giữa cái bao la sông nước, thích được đọc những nét đổi thay trên gương mặt của ông để tha hồ mà đoán ý, tha hồ mà tưởng tượng theo ý mình, đúng sai cũng không biết bởi có bao giờ tôi dám hỏi ông đâu. Ông không cản ngăn việc tôi đến gặp và ngắm ông.
Nhất là ngày tôi và Thy chia tay nhau. Buồn, tôi lại càng hay đến với ông. Có thể nói cuộc chia tay của chúng tôi có sự góp mặt của ông. Hay nói đúng hơn, ông là cái cớ để dẫn đến cuộc chia tay. Số là hôm đó hai đứa đang ngồi tự tình trong quán Gió. Quán nằm ngay mé sông, mặt quay về hướng cồn Thương. Ánh mặt trời cuối ngày đang cố quét một lần nữa trên sông Hậu cho xong phận sự của mình rồi lui về ngủ vùi trong đêm. Lúc này, ngọn đèn cồn Thương như sáng hơn để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Buột miệng, tôi nói:
– Cả cái thành phố này chắc ông già Tám là người chung tình nhất!
Thy đốp lại ngay như phải bỏng:
– Chung gì mà chung, tình gì mà tình. Khùng thì có. Mấy mươi năm ôm nấm mộ khô, một mình thắp đèn giữa cồn… Khùng!
– Anh lại không nghĩ vậy, thực sự già Tám ở lại giữ cồn không phải chỉ vì ngôi mộ. Mà kể ra chung tình vậy thì đáng khen chớ, sao em kêu người ta là khùng… Em không biết à? Đất nước mình hàng ngàn năm giặc giã nên đã mọc lên bao đá vọng phu, chẳng lẽ sự chung tình của những nàng Tô Thị cũng đáng trách sao?!
– Anh không được so sánh khập khiễng như vậy. Đá vọng phu chỉ là huyền thoại, là truyền thuyết, em không tin có một nàng Tô Thị giữa đời thường… Còn ông già Tám biết chắc cô Thương đã chết, chính tay ông già Tám chôn cất vậy mà ngày đêm vẫn thắp đèn… Không khùng là gì…
– Thật lòng em nghĩ vậy sao Thy? Vẫn biết đó là huyền thoại nhưng chẳng lẽ em nghi ngờ nốt những nàng Tô Thị giữa đời thường? Chẳng lẽ việc ông già Tám ngày đêm thắp đèn giữa cồn cho mọi người nhìn thấy mà nhớ về một thời oanh liệt, một thời máu trộn phù sa sông Hậu, em cũng nghi ngờ sao…?
– Chiến công đã có tượng đài, liệt sĩ đã có những nghĩa trang…
– Im! Im ngay! Cô… cô… tôi… tôi…
Tôi thật sự kinh ngạc và đã vung tay lên nhưng kịp kiềm chế. Không lẽ tôi lại hạ một cái tát vào chính cái miệng mới lúc nãy đây thôi đã thề thốt yêu thương, vung cái tát vào cặp má bầu bầu có hai lúm đồng tiền làm bao đêm tôi mất ngủ, vung cái tát làm rối mái tóc dài đen tôi thường trốn mặt vào trong đó. Tôi kinh ngạc nhìn Thy sao thấy lạ hoắc huơ. Chẳng lẽ đây lại là Thy, chẳng lẽ những ý nghĩ đó đã nằm trong đầu Thy, những lời nói đó vừa từ miệng Thi đi ra?
Chẳng lẽ đây là người không lâu nữa tôi và em sẽ thành chồng vợ, sẽ chung sức chung lòng, sẽ nhìn về một hướng và đi tới một đích? Và cuối cùng không thể nói được gì, tôi trả tiền nước và lặng lẽ ra xe. Thy không khóc cho việc tôi ra đi. Em không khóc, em không giữ tôi vì em không tin trên cuộc đời này có tình yêu, sự hi sinh, lòng thủy chung và cả những tấm lòng cao cả. Em không tin có một người đàn ông duy nhất để yêu, em không tin vào cuộc sống.
* * *
-…Qua kêu chú ra đây là có chút việc muốn nhờ – trầm ngâm cả tiếng đồng hồ rồi ông bắt đầu nói – Cồn này vốn người ta kêu là cồn Tàu Chìm. Nghe nói trước ở đây không có cồn lục chi hết, ngày ta đánh Tây, cả tàu ta, tàu Tây chìm. Xác tàu, xác người cản nước, tụ cát lâu thành cồn. Nhưng cứ mỗi mùa nước, cồn lại lở mạn trên và trôi về xuôi một ít, trông cồn cứ như giọt lệ xanh giữa sông bạc. Cồn trôi, vì vậy chỗ tàu chìm chắc không còn là ở đây. Ngày qua còn nhỏ, cồn vốn không có người ở. Rồi đến một ngày…
Buổi sáng bọn qua mới vô học tiết đầu thì cả trường được thông báo nghỉ và có tàu chở ra cồn coi Tây bắn người. Hóa ra các ông các bà đã ở đây từ rất lâu mà không ai biết. Hôm đó mấy đứa con gái bịt mắt không dám nhìn, con trai có đứa đái ra quần. Còn qua, qua nhớ mãi cái buổi sáng hôm đó, mười lăm người, trong đó có hai chị đang mang bầu, bị Tây trói quặt cánh khuỷu vào mười lăm chiếc cọc, mặt hướng vô cồn, lưng hướng ra sông. Bọn qua cũng hàng ngũ chỉnh tề đứng đối diện.
Trong mười lăm người đó qua nhận ra một người quen, chú Mười Dung chạy xe kéo. Chẳng lẽ chú Mười lại là những kẻ phá hoại?! Chú Mười nói giọng miền ngoài, hiền khô, thỉnh thoảng về xóm chú còn cho mấy đứa nhỏ kẹo mút, tò he. Qua đang ngẩn người nhìn chú Mười thì bỗng chú lên tiếng: “Hỡi đồng bào, đồng bào hãy nhìn cho rõ, nhớ cho kỹ ngày hôm nay, súng bắn vào chúng tôi là súng Tây, chỉ huy người bắn chúng tôi là người Tây… Hỡi các em học sinh hãy nhớ lấy mà tìm đường đi cho đúng… Súng Tây không đủ nhiều để bắn hết dân Nam đâu… Các em hãy tiếp… bước…”. Chú Mười nói nhanh như sợ không kịp.
Mà đúng là không kịp, hình như chú đang muốn nói thêm nữa nhưng đạn đã nổ, tiếng trẻ con rú lên, rồi chúng bỏ chạy tán loạn, hình như miệng chú Mười vẫn đang nhép nhép, nhưng tiếng náo loạn nên không ai còn nghe được gì. Không nghe được cả tiếng rú của người mẹ trẻ trong cơn đau sinh nở, cơn đau mất chồng. Tiếng khóc oa oa chào đời cũng là tiếng khóc cha của một sinh linh mới chào đời. Khi tạm thời dẹp được trật tự thì mười bốn cái đầu đã gục xuống. Lạ! Chỉ có chú Mười là ngửa ật cổ ra sau, đầu dựa vào cột, mắt vẫn mở trừng trừng, trong phút cuối liệu chú có kịp nghe tiếng con khóc…?
Già Tám ngừng kể, nét mặt ông không thay đổi là mấy, nhưng tôi biết trong hồn ông đang xao động. Và chắc giây phút cuối cùng, chú Mười Dung đã là người thầy hướng cho ông, cho bạn bè ông một con đường. Con đường mà ông và những người đồng chí đã đi đến trọn cuộc đời. Tôi biết sau cái ngày ở cồn về, trong các trường học đã có những hạt giống đỏ. Những hạt giống làm nên mùa vàng tranh đấu của học sinh, sinh viên. Những dòng máu nóng của con Lạc cháu Hồng ra đi vì nước, cực kỳ cam go nhưng vô cùng lãng mạn. Họ sống đẹp như những bông sen trải khắp đồng bằng châu thổ.
-…Đừng trách qua dài dòng, chuyện này qua nghe nói họ có ghi vô trong sách sử. Sách thì cần đó, nhưng không phải ai cũng đọc được sách, có người biết, có người không biết, có người đọc được chữ, cũng có người không… Mười lăm người thành mười bảy, hai người đang mang bầu mà. Tây nó cắt dây, đạp xuống sông Hậu, máu loang đỏ cả một vùng, lúc sau, máu trộn với phù sa chảy xuôi…
Ở cồn về, lớp qua có mười đứa được giác ngộ, trong đó có qua và Thương. Cổ con nhà đài các lắm, cứ nghĩ khó mà hoạt động, vậy mà cổ làm việc gì cũng khá… Sau một vài lần bị bắt lên bót, tụi qua bị đuổi học hết, riêng Thương nhờ con nhà gia thế nên vẫn được học. Chiều nào cũng vậy, qua đón Thương nơi cổng trường, trong cặp sách, sau tà áo dài trắng của Thương khi thì lựu đạn, khi thì thuốc nổ.
Cứ vậy hai đứa chở nhau nhàn tản đi bát phố, khi thì quẳng vũ khí vô thùng rác bên đường, khi thì quẳng lên xích lô của một người không quen biết. Nhưng qua biết, tất cả đều đến đích. Vì cứ thỉnh thoảng lại có tin một tên ác ôn bị giết khi đang du hí. Năm bữa, nửa tháng, đêm người thành phố lại bị dựng dậy bởi những tiếng nổ lớn… Hai đứa qua được kết nạp Đoàn ngay tại cồn Thương này. Và nếu… đáng lẽ đám cưới cũng diễn ra ở đây…
Lần này già Tám trầm ngâm lâu hơn, tôi chỉ sợ già không kể nữa, bởi từ ngày biết ông đến giờ, đây là lần đầu tiên ông kể về mình, về cô Thương và về những hoạt động của họ. Và tôi biết việc ông kêu tôi ra đây là để nhờ, để gửi gắm một chuyện gì đó. Tôi chưa biết là chuyện gì nhưng chắc là thiêng liêng, to lớn lắm, chuyện hệ trọng đến cả cuộc đời ông ông mới dốc lòng, mới dẫn giải với tôi nhiều như vậy.
Rồi tự dưng tôi cảm thấy lo, không biết mình có đảm đương được việc ông nhờ? Tự trong thâm tâm, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước ông, trước những chiến công của ông, của những lớp người đi trước. Không ít lần tôi soi vào họ mà cảm thấy hoang mang, liệu lớp trẻ như tôi, trẻ hơn tôi, họ đang nghĩ gì, đang làm gì để xứng đáng với những người như già Tám, như bao người đã ngã xuống trên mảnh đất hình tia chớp này? Nghĩ vậy tôi lại buồn cho tôi, cho Thy. Đã lâu tôi không gặp Thi và nhiều lần tôi muốn lý giải tại sao Thy lại như vậy.
Nhưng càng muốn lý giải lại càng cảm thấy mù mờ. Vừa rồi nghe tin kỳ thi đại học năm nay điểm trung bình của môn sử là… hai. Và tôi không còn muốn tìm đến ngọn nguồn nữa khi nghe tin Thy chuẩn bị xuất ngoại theo chồng, người chồng chỉ quen biết qua mối mai.
Già Tám vẫn ngồi im lìm, sóng sông Hậu vỗ vào bờ óc ách, thỉnh thoảng một vài vai đất lở xuống sông ùm ùm. Tôi biết từ ngày già Tám tuyên chiến với dòng sông, cồn không còn trôi nữa. Tôi biết cuộc chiến đấu không cân sức nhưng cuối cùng già Tám đã chiến thắng. Bước xâm thực của sông phải dừng trước mộ cô Thương cả chục mét. Ngày trước nghe nói mộ cô ở phía cuối cồn…
-…Ừ! Đi riết với nhau rồi thương nhau hồi nào không hay – già Tám như nói một mình – Giờ già rồi kể chuyện tình yêu nó kỳ. Thú thật ban đầu qua không nghĩ là cổ thương qua đâu, con gái họ kín lắm. Chỉ đến khi tổ của qua đánh đồn Tạ, trận đánh đã hết biết, gần như xóa sổ hoàn toàn bọn ác ôn. Nhưng trên đường rút bọn qua bị chặn. Qua với cổ chạy một hướng, chúng rượt rát quá, qua bắn cầm chân cho cổ chạy, cuối cùng qua bị bắt. Qua bị nhốt gần ba năm, tháng nào cổ cũng vô thăm nuôi, khi đó qua mới biết cổ thương qua lâu rồi – già Tám kéo chân phải lên cho tôi xem rồi kể tiếp – Ngày qua được thả, cái chân này đi lết, nó đánh phạm quá mà.
Biết vậy nhưng cổ vẫn thương. Qua không còn ở tổ diệt ác được nữa. Loay hoay ký ức xưa hiện về, cồn Tàu Chìm hiện về. Và hình như chú Mười Dung luôn đi theo chỉ đường cho qua vậy. Qua bàn với tổ chức và tổ chức đồng ý. Qua ra cồn sống một mình. Ngày cũng như đêm thắp lên ngọn đèn bốn mặt này. Hễ qua báo yên là giác gần sáng, tổ diệt ác lội ra ngủ bù. Đó – già Tám chỉ tay về phía mấy cái lu đại sắp bên chái lều – mười mấy cái lu đó xưa qua làm hầm, khi có động anh em rút tạm xuống ngồi trong lu, hết động lại trải nóp xuống đất mà nằm, qua ngồi canh.
Cũng có khi ngày qua chèo xuồng qua lại bờ mấy lượt, tiện thể giăng câu thả lưới, được mớ cá mớ tép lên chợ bán lấy tiền mua gạo mua mắm, cái chính là thu thập tin tức. Anh em ngủ kỹ, ăn no, chờ tối lại vô bờ đến với những mục tiêu đã định trước. Những ngày như thế, qua với Út Thương không mấy khi rời nhau. Qua bảo cổ ngủ lấy sức tối mà đi, cổ đâu chịu, cứ lắc xắc làm việc với qua hoài, nhiều khi qua sợ tụi nó phát hiện có người lưu cồn, qua vặc cổ mới chịu ngồi một chô. Cũng có nhiều đêm, tụi nó đi tuần căng, qua phải quay mặt đèn đỏ báo động. Tay quay mặt đỏ mà bụng không muốn chút nào.
Qua muốn anh em ra, muốn Út ra. Dạo đó Út đã thoát ly hẳn gia đình. Tổ chức cũng biết chuyện qua với Út, ai cũng thương và muốn tác thành, chi bộ Đảng cũng đã đồng ý. Hai đứa chọn đêm cuối tháng sẽ làm đám cưới trên cồn. Nhưng đám cưới mãi… không đến… Cổ chưa được làm vợ ngày nào đã phải ra đi…
Già Tám nhìn về hun hút bên kia sông. Nước vẫn hiền hòa chảy và con phà vẫn cần mẫn đạp nước đưa khách qua hai bờ. Phía xa nữa, những cần cẩu, sà lan và giàn búa máy đang đóng những chiếc cọc đầu tiên xuống lòng sông. Không bao lâu nữa, cầu Cầm Thi sẽ vươn đến cồn Thương, vươn qua cồn Thương để nối liền hai bờ thương nhớ. Tiếng phà đạp nước đêm đêm sẽ đi vào miền cổ tích. Và cồn Thương sẽ không còn là cồn Thương khi già Tám đưa mộ cô Thương vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
Rồi già Tám nữa, già cũng sẽ vô bờ, sẽ nhận một ngôi nhà tình nghĩa nào đó. Và biết ai còn nhớ đây xưa là cồn Tàu Chìm, cồn Thương?! Chắc nó sẽ có tên mới, cồn Mố Cầu chẳng hạn! Nhưng sao tôi vẫn muốn người đời giữ mãi tên cồn Thương, nghe nó thương lắm, yêu lắm. Già Tám vẫn trầm ngâm ngồi, đến bây giờ già vẫn chưa nói với tôi việc cần nhờ. Rượu đã cạn tới đáy, khuôn mặt già Tám trông khi lạ khi quen, nhiều nét giống người trong cổ tích, trông già gần gũi lắm mà cũng xa cách lắm.
-… Qua chuẩn bị bánh trái nhiều lắm, có cả bộ quần áo nhung cho cổ mặc trong lễ vu qui nữa đó… Trăm lần qua báo đều trúng, anh em đều vượt sông an toàn. Vậy mà đêm đó… tụi nó rải người nhái… Qua không phát hiện ra… Anh em thấy qua báo yên… Rồi súng nổ… Anh em mình chủ yếu là súng ngắn, lựu đạn lại bất ngờ…
Giọng già Tám như nghẹn lại. Phải chăng nước mắt khóc đồng đội, khóc Út Thương mấy mươi năm chảy vào trong đã vón thành cục đằm sâu nơi tâm tưởng già Tám, nên mỗi khi xúc động, giọng già lại nghèn nghẹn như có nước. Già ngồi đó, đầu gục xuống, lưng còng như muốn ôm lấy ngôi mộ xây vào lòng. Và ngọn đèn bốn mặt vẫn sáng từ bấy cho đến nay. Ngọn đèn đã bao lần báo yên cho những đoàn quân vào ra thành phố. Ngọn đèn sau hòa bình vẫn sáng nhắc cho bao người, đã có một thời, những người con trung kiên đã sống, chiến đấu và hi sinh ở đây, ngọn đèn nhắc cho ai đã lầm lỗi, đang lầm lỗi và sắp sửa lầm lỗi xem lại mình và tự hỏi mình đã làm được gì cho Tổ quốc hôm nay.
-…Sáng hôm sau, qua đem trái cây, hương hoa chuẩn bị cho đám cưới thả xuống dòng sông. Qua bơi xuồng như người mộng du ngang dọc theo sông nhưng tuyệt nhiên không thấy xác một ai… Sáng ngày thứ ba, qua không thể tin vào mắt mình, một mình xác cổ nổi dạt vô mé dưới của cồn. Ba ngày dưới nước vậy mà cổ vẫn đẹp, vẫn trắng, môi mọng như thoa son… Qua không nỡ chôn cổ xuống đất. Đến khi có người trong thành ra, họ mới giúp qua làm việc đó… Qua dài dòng quá phải không?!
Đây chắc là lần đầu mà cũng là lần cuối qua kể mà. Ráng ngồi nghe, chiều người già chút nhé. Còn việc qua muốn nhờ chú. Qua đã đắn đo kỹ, chỉ có chú mới làm được, chú là người cũng hay hoài cổ lắm. Người như vậy khổ nhưng cũng thú vị lắm chú ạ. Chứ sướng mà rỗng, nhạt thì chán lắm. Qua coi dự án rồi, coi cả thiết kế cầu nữa. Một mố sẽ đáp xuống đây, thế là vĩnh viễn cồn Thương không còn trôi nữa, trước tới giờ qua đang lo, khi qua chết… giờ được vậy qua mừng. Còn việc này, chú đừng từ chối nhé, tất cả qua ghi trong này, chú có thể thêm bớt cho nó thẩm mỹ, còn đại ý là vầy, chú đọc coi được không?
Tôi mở tờ giấy già Tám đưa, trong đó chỉ có duy nhất một dòng chữ viết nắn nót: “Nhắn những ai đi trên cây cầu này hãy nhớ, dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống!”. Tôi không biết có làm được việc già nhờ không, nhưng nhìn vào đôi mắt già, nghe già kể chuyện, tôi không nỡ từ chối. Già muốn khi cây cầu khánh thành, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, tôi xin các cơ quan chức năng cho in hàng chữ này lên thành cầu, phía trên cồn Thương.
Già Tám nhìn tôi tin tưởng. Mặt xanh của ngọn đèn bốn mặt quay về phía tôi báo hiệu bình yên…
Tác giả: Nguyễn Thế Hùng – Sản Xuất & Biên Tập: VOV

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *