RadioVn.Com – Dễ chừng hai mươi lăm năm đã trôi qua. Cuộc chiến tranh, nói như nhiều người, đã lui vào dĩ vãng. Có hẳn như vậy không, vậy thì phải giải thích thế nào với những giấc mơ có súng đạn bùn máu và những cơn buồn như áp từ phía sau khiến ta phải ngoảnh lại luôn. Hay tâm hồn con người là thứ khó cắt nghĩa nhất, nó quá nhiều ngóc ngách để một khoảnh khắc nào đó, nó bất chợt rung lên một hình ảnh một kỷ niệm một chi tiết bởi cái mạng nhện tưởng là mong manh của ký ức?
Hai mươi lăm năm, tôi, người đàn bà từng có tuổi đôi mươi bỗng thấy cộm lên trong mớ ký ức bắt đầu lộn xộn của mình một hình ảnh ban đầu thoáng qua như bức ảnh mờ, sau nó trở đi trở lại ngày một dày hơn kèm theo sự thúc bách câm lặng nhưng da diết như có sự xui khiến nào. Có lẽ vì nhiều năm qua lý trí tôi đã cố tình nhận chìm nó không công bằng với nó, thậm chí không dám gọi nó lên để nhìn thẳng vào nó? Vậy thì đã đến lúc tôi phải đặt nó vào vị trí tự nhiên vốn là của nó trong cuộc đời tôi, một cuộc đời đã nướng phần đẹp nhất trong lò lửa chiến cuộc với những quãng xôi đậu cả trong tình cảm không phải lúc nào cũng bằng khái niệm cơ học là tách bạch được.
Truyện đêm khuya – Nhìn từ phía khác
Hình ảnh loé lên đầu tiên là đôi kính cận gọng phớt vàng, phải, đôi tròng kính chứ không phải cái chân gỗ của Thuận, mặc dù cái chân tật nguyền ấy có ý nghĩa với tôi hơn. Hình ảnh đôi tròng kính, tôi không nhớ cô xẹc-via với cái tên Thảo trong thẻ căn cước giả để ý đôi mắt cận đó vào lúc nào ở nhà hàng Vĩnh Thịnh, nơi tôi được cắm vào để khai thác thông tin và có thể sẽ đánh một mẻ lưới nếu tình thế cho phép, chỉ nhớ rằng giữa đám thực khách xô bồ và mùi rượu thịt chớt nhả, nó, đôi kính mà tôi đang nhắc tới đã loé sáng một cách kỳ ngộ với tôi và nó lấp lánh, cho tới tận bây giờ.
Vào những buổi tối chủ nhật, sở dĩ tôi, cô hầu bàn với cái tên Thảo có thể nhớ dạo đó là những tối chủ nhật vì bọn họ, Thuận-cận, thầy giáo Nhiều và những ông bạn nào đó nữa thường dùng chiếc bàn bên tán ngọc lan trong sân Restaurant Vĩnh Thịnh làm câu lạc bộ cuối tuần. Khi tôi để ý đến họ, câu lạc bộ ấy chỉ còn hai người, dấu hiệu tan tác đã xuất hiện, theo lời họ nói, chiến trận đã điểm danh những người bạn của họ, vì vậy, câu lạc bộ hai mống tồn tại keo sơn như thể lập dị. Thường họ đến trên chiếc đam Nhật của Thuận, lúc đó, phương tiện ấy là cái mác của tầng lớp trung lưu mà ít nhất, cũng dân thầy chú thì mới dám ra vào với Vĩnh Thịnh. Dù bị cận nhưng cao ráo hào hoa cởi mở, bao giờ Thuận cũng cầm lái và phía sau anh, thầy giáo Nhiều nhu nhã từ tốn như một phụ nữ nhà lành. Lúc đầu tôi hay khó chịu vì Thuận luôn lao xe vào khu vực tôi phục vụ, xả mùi xăng vào bàn người khác trước khi sà vào chiếc bàn bên tán ngọc lan nhưng cái chân gỗ của anh đã biện hộ đủ cho anh.
Cái chân gỗ, như nhiều người đàn ông kiêu hãnh, Thuận rất ý tứ với vẻ tật nguyền của mìn. Sống áo, cravat và giày vớ, cùng với cung cách trông anh bao giờ cũng tươm tất lành lặn nhưng không phải thế, khi nhìn sâu vào đôi tròng kính mới thấy ở đó luôn có một nỗi buồn, nỗi buồn không cứu vãn được. ấy là sau nầy, khi tôi và anh không còn xa lạ chứ hồi đầu, anh chỉ là thực khách ruột của nhà hàng được lượn xe vào trong sân và được quyền nói vào mặt tôi: “Nầy cô em, mới toanh hả, đừng có cười diễn như mấy cô kia thì cô em ăn khách hơn. Nếu được, anh chỉ yêu cầu mỗi tối chủ nhật dành sẵn cho anh với thầy Nhiều đây đúng cái bàn nầy và không cần cười máy móc như vậy. Các anh không cần cười vuốt, nhớ chưa?”
Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ một sự kiện. Nó, cái sự kiện ấy, cũng thật thường tình đối với mọi quán rượu, chỉ không thường tình với tôi, một nữ Việt Cộng gan góc kiêu hãnh không nghĩ là có lúc phải chịu đựng hằng ngày những thứ mà mình không thể khoan nhượng dù là chịu đựng vì cái gì đi nữa. Nhưng nó đã xảy ra như là khúc dạo đầu của sự hy sinh mà tôi không được trang bị trước và, với Thuận, như lời anh sau nầy, nó là phép thử để tôi hiện lên chính cái con người mà anh cảm thấy chính tôI là phần thưởng cho cuộc đời không toàn vẹn của anh.
Tôi nhớ rất rõ khung cảnh của Vĩnh Thịnh đêm hôm ấy, khung cảnh của quán nhậu trước lúc nửa đêm, sau một ngày bơ phờ vì rượu và thịt cho thiên hạ. Trong bếp, dao đã nằm yên trên thớt, bếp trưởng là ông chủ dềnh dàng mạng mỡ như mọi ông đầu bếp lúc nào cũng xộc ra mùi mồ hôi dầu đang tự thưởng mình một cốc bia có sức chứa nguyên chai BGI cỡ bự, bếp phụ là một phụ nữ xách mé có khả năng làm sạch một con gà trong chớp mắt đang vần một đống khăn ăn và theo thói quen đang kiếm chuyện cảu nhảu bọn xẹc-via chỉ vì bọn nầy được chia nhau tiền boa hằng đêm. Trên sân thượng, bà chủ đang vào giờ cầu nguyện, khu do Thuý trông coi đã tan khách và cô nàng liêu trai nhất nhóm đang ôm mớ khăn bàn đi xuống cầu thang. Gian ngoài, Long, con trai lớn của chủ quán đã vặn nhỏ volume chiếc máy cối đặt trên mặt quầy và Ninh, cô xẹc-via kỳ cựu đang che miệng ngáp trước một đám khách dân sự Đại Hàn khinh khỉnh trong sống áo phòng nhà lúc nào cũng ngồi lâu mà uống ít. Khu sân cảnh thuộc trách nhiệm của tôi chỉ còn khách ở hai bàn, một đám gồm bốn lão bợm giàu phất bằng nghề đi đêm với cánh tuồn hàng quân tiếp vụ luôn thay nhau vác cái bụng trống ra vào toa-let và bàn kia là Thuận với Nhiều, chả là ngọc lan với nết toả hương rất đằm đang quyến rũ đêm mùa hè phương nam hãy dịu dàng như nó. Tôi đã thuyết phục được Qui, gã con trai út của nhà chủ trong lúc canh xe cho khách hãy trông coi nốt hai bàn kia để tôi thu dọn chuồng nhốt gà, nhiệm vụ hằng đêm của tôi trước khi ngồi ăn khuya với mọi người. Quán rộng mà người ít, từ khi quán đóng cửa cho tới hai giờ sáng, hầu như bọn người làm chúng tôi chân không bén đất để sau đó, khi chỉ còn ba đứa xẹc-via trên nền gạch tầng dưới, chỉ kịp nhét mớ tiền boa đủ hạng vào gối nằm là chúng tôi ngã lăn ra như những cái xác.
Qui chạy xẹt vào dúi cho tôi chiếc dĩa đựng tờ hoá đơn: “Ra đi mẹ! Mấy cha già lè nhè biểu cô em tóc dài mới cứng kia ra mấy chả mới chịu tính tiền”. Linh cảm đàn bà con gái khiến tôi thấy sợ nhưng ông chủ đã đứng áng ở cửa hông và Long cũng đã đến từ phía sau ra hiệu cho tôi hãy làm phận sự. Tôi không có con đường thứ hai. Tôi đi chầm chậm, muốn được nguyền rủa nhưng thật ra cũng không biết nguyền rủa ai, tôi trinh nguyên tôi thơm lành, tôi vào đây không phải vì đồng tiền, hẳn thế, sao tôi phải chịu đựng vô điều kiện cái bọn rững cuồng nầy?
Tôi đặt dĩa đựng từ hoá đơn xuống bàn bằng hai tay như nội qui, nhớ rằng không được dùng dằng không được ụ mặt không được cứng nhắc mà phải là một con lươn mềm mại, đó là những lời dặn của bà chủ hôm tôi xin việc và tôi đã cam kết bằng nhiều cái gật đầu mà phía sau tôi là nhân dân và cuộc chiến đấu đang cần cố gắng của từng người, ấy là lời căn dặn của Tổ chức mà tôi phải nằm lòng. Bốn lão già từ bốn phía đưa mắt háy nhau rồi cùng chằm bặp nhìn tôi và cùng ngã bật ra cười hô hố. Tôi cúi đầu chịu đựng, tôI bấu mười cái vuốt vào lòng tay để trấn áp mình, nầy, hai vỏ chai rượu đều trong tầm tay tôi đấy, tôi gào thầm trong bụng. Nhưng tôi mới lọt được vào đây, tôi không có quyền làm hư bột hư đường, bom đạn và đồn bót đã đẩy bật cánh phụ nữ ở cứ ra thành, tôi không có chỗ lùi và chúng tôi phải dàn sẵn mạng lưới bí mật trong lòng đối phương, tôi còn là con của một liệt sĩ! Lão già có hai túi mắt rất kỳ dị ngồi ở bên trái tôi cho tay vào túi như thể đang kẹp tiền rồi vụt, lão chồm tới ôm ghì lấy tôi dí mặt tôi xuống để ịn những cái ịn nhớp mỡ. Hình như tôi đã đấm túi bụi vào lão khiến lão cụt hứng, trong tiếng cười chế nhạo của đồng bợm, lão xô mạnh tôi ra. Tôi chạy thoát vào nhà.
Long bước ra, có học và nhiều tuổi mà vẫn độc thân, trong nhà chủ, anh là người theo sát và mềm mỏng với bọn người làm hơn cả. Giải thích xin lỗi nằn nì, nhà hàng nào cũng phải hạ giọng như thế để giữ khách nhưng Long lắc đầu và trở vào tay không. Qui đang vời bà chủ từ trên lầu xuống rồi họ, ông bà chủ và hai gã con trai từ tứ phía nhìn chiếu vào tôi đủ thứ ánh mắt thất vọng và bực bội. “Chưa quen rồi sẽ quen em ạ – giọng Bảy Bếp xốc óc – boa nhiều thì chụp giựt cũng nhiều mà em!” Nói xong, kèm thêm một cáI liếc cạnh khoé cho Thuý nữa. Thuý hất rèm tóc được chăm chút mỗi ngày lên nghênh chiến: “Được, để con nầy ra thay, thử coi có mang được tiền vô không!” Ninh cũng rời bàn khách Đại Hàn đi vào với bộ dạng và vẻ mặt nước đôi khôn ngoan rõ rệt. Bà chủ đã ngồi vào chiếc ghế dựa như cái ngai ở lối đi giữa bếp mím miệng chờ xem. Giọng Thuý liến thoắng vọng vào, tôi hình dung cô nàng đang ra sức đong đưa và bàn tay điệu bộ đang múa may một cách kiên nhẫn, sằn sàng cười ré lên khi khách cho tay vào nách nhưng cô chưa từng ra khỏi nhà hàng với ai, tôi biết rõ điều đó như tôi biết tôi vậy. Thuý quay vào ỉu xìu như cái bánh tráng nhúng, đi thẳng tới chỗ Bảy Bếp thả nắm tiền lẻ của đám khách đùa dai lên mặt thớt: “Nhờ chị kháy mới có mớ tiền lẻ nầy, tui thí cho đó!” “Được thôi!”, Bảy Bếp độp lại với sự trơ trẽn xứng đáng rồi lật áo nhét gọn mớ tiền vào lưng quần. “Long kèm con Thảo ra!” – mái tóc quăn cước của bà chủ dựng đứng lên khi bà hạ cái lệnh làm hai đầu gối tôi bủn rủn. Bàn tay thằng Qui thô bạo đập vào lưng xô dúi tôi, tôi chỉ còn nước bước riu ríu theo Long như là bị dẫn độ.
“Giới thiệu với quí khách đây là em Thảo – giọng Long nao núng đưa đẩy – Em ở dưới quê mới vô làm còn vụng về, có gì sơ suất xin khách bỏ qua cho”. Sao tôi căm hận đồng tiền và những gì xum xoe quanh nó đến thế! Các lão bợm tranh nhau đứng lên ngồi xuống khua khoắng mùi rượu và hành và chân và tay rằng đừng tưởng Vĩnh Thịnh là chó chi hả, rằng họ đã làm gì, hả, họ đã làm gì để bị nhà hàng treo ngược ở đây, hả, rằng hầu bàn đã coi thường đã bỏ lì khách ngồi chơi với muỗi giờ họ có quyền không trả tiền cũng không ra về nếu không có lời xin lỗi của người cao nhất! Thật là một màn ăn trây nói trúa thành thạo rồi lão bợm ở góc phải bỗng tóm chặt lấy tôi ấn tôi ngồi xuống đùi lão. Người tôi phừng phừng như lửa thêm dầu mà phải nghiến răng chịu đựng bộ ria nhờm nhụa vờn quanh mặt mũi nhưng, khi đôi tay quỷ sứ ấy bất thần vò mạnh hai trái ngực tôi thì tôi tát một cái tát có thể làm bỏng nhừ bản mặt lão và chạy tốc vào bếp khóc như một đứa trẻ.
Tình thế nghiêm trọng, đã vô cùng nghiêm trọng. Đám khách Đại Hàn dai nhách nghe ồn cũng tản ra sân chỉ trỏ xì xồ. Trong nhà bếp người ta gầm gừ dồn đuổi tôi đủ điều, cay cú nhất vẫn là bà chủ vì tôi không biết mở mồm mở miệng không làm mát lòng mát dạ khách không lựa thế lựa chiều và đã gây ra nguy cơ ế ẩm cho nhà hàng, nếu không biết điều thì… Tôi khóc không cầm được, hồi cha chết tôi chưa biết gì nên không khóc nhiều, bây giờ tôi khóc vì sự cô độc chưa từng có và lần đầu tiên tôi nghe được mùi vị bùn lầy cái thân con ở. Có tiếng giày đi vào rồi dừng lại bên tôi, tôi đang sẵn sàng hai nắm tay và cả hai hàm răng, tôi sẽ rời khỏi quán nầy tôi đinh ninh thế, nếu Tổ chức vẫn muốn giữ tôi trong thành tôi sẵn sàng làm thợ phụ tiệm uốn tóc còn như họ có ý để tôi trở thành tấm guơng liệt nữ với một tiếng nổ bất tử thì tôi sẽ xin chân rữa bát ở một nhà hàng hoặc hotel nào đó. Một bàn tay đàn ông dịu dàng quàng lấy vai tôI, ngước lên tôi nhìn thấy đôi tròng kính lấp lánh bất ngờ. “Thảo, đi ra với anh! – Thuận ân cần – Không việc gì đâu, đừng sợ! Long, anh có gan để mất đám khách chuyên đục nước béo cò đó không?” Ông bà chủ làm thinh, thâm tâm họ đang làm cái việc chọn lựa giữa vị khách hàng tuần thanh lịch nầy với đám già thất thường nhưng xài đậm ngoài kia. Tôi đi bên cánh tay Thuận như phải dìu, Long, Qui và cả Thuý cũng ra theo bằng đường cửa chính rồi nhập với Ninh đứng xa xa đóng vai khán giả. Giáo Nhiều cũng thả chân sang với chúng tôi, tay vòng rế trước ngực trông anh thong dong tự tại như con nước nhửng.
Cho hai tay vào hai bên quần, Thuận rút ra hai nạm tiền đặt chồng lên tờ hoá đơn, cao giọng: “Nếu các vị hết tiền thì đây, đừng sĩ diện!” Tôi thấy Nhiều bụm miệng để khỏi bật cười, không khí và nhân vật anh chị nầy quả có hơi hướm điện ảnh Hollyood. Các lão bợm lặng đi một chút, lão ria xồm e hèm: “Chơi trội hay dạy đời đây, con?”, lão mắt túi thịt nói tạt: “Ngữ chú em còn hoi sữa lắm!” và một lão nữa hét tướng với Long: “Ê ,chủ trẻ, tay đang gồng máu gái lên là ai đây hả?” Ngoảnh nhìn đám khách ngoại quốc đang dàn bộ mặt khủng khỉnh gần đó, Thuận thu lại chỗ tiền, lấy giọng chán phè: “Nhưng mà các chú các bác đừng để cái đám kia coi người mình là dân cỏ rác!” Hai lão rững mỡ nhất ngó xuôi, chỉ mình lão vừa đòi tra lai lịch Thuận gầm ghè: “Thì chú mầy cứ danh tánh ra để các ông xem là cỏ hay rác!” Thuận nhìn sang Nhiều, hai người trao đổi tín hiệu gì đó, tôi thấy Thuận như đang phải gồng lên với cái vai hết sức bất đắc dĩ nầy. “Xin thưa các chú bác, tôi Thái Thuận thư ký toà hành chính tỉnh, được chưa?” Lão thứ tư trông bị thịt nhất phẫy bàn tay bún: “Tưởng gì, ở toà nào thì cũng máu thầy ký thầy đề tranh ăn mỗi cái hến!” Thuận nghiêm mặt không nói không rằng bước trở về phía bàn mình, những chuỗi cười đắc thắng đuỗi theo anh. Nhưng họ đã im bặt khi thấy anh quay lại với cái ghế, vì chiếc ghế nên bước đi của anh trông vất vả, bấy giờ tôi mới để ý thấy chân trái của anh là chân gỗ. Tôi không nghĩ anh giở quẻ cùn ra với bọn già thúi thân mất nết kia mặc dù họ đang nghĩ thế và đã đặt sẵn tay vào ghế chờ, nhưng thật sự tôi cũng không hiểu anh sắp giở trò gì. Anh đặt ghế ngay ngắn rồi ngồi xuống từ từ tháo một bên giày, xong, nhanh như một nhà ảo thuật, anh đặt lên giữa bàn đoạn chân cứng đờ hồng hồng kinh khiếp. Bọn họ xô ghế nhảy giạt ra, miếng đòn nầy ngoạn mục thật, một tay anh cầm cái bàn chân gỗ, tay kia thủ trong túi quần như sắp giơ lên trái lựu đạn thường đi liền với hình ảnh ngổ ngáo của đám thương phế binh, hướng vào lũ bợm giọng anh giận dữ: “Sĩ quan cộng hoà thương phế binh tại trận, khúc chân nầy đủ tư cách nói chuyện với các người chưa?” Lão ria xồm nhanh trí nhóng tới thả nắm tiền xuống mép bàn rồi đi thụt lùi khuỳnh khoang ra phía cổng, ba lão kia xanh mặt xanh mày nhón nhén bước theo sau, đám khách nước ngoài xồ lên cười rồi cũng tản bộ về chỗ khách sạn gần đó. Thằng Qui nhảy bổ tới: “Bộ anh Thuận có lựu đạn trong túi quần thiệt hả, hoan hô, hồi hộp giống phim Mỹ quá!”. Long bước sãi đến thở phào rối rít bắt tay Thuận để cảm ơn, Thuý nghiêng nghiêng đi lướt lên cầm ngay mớ tiền và tờ hoá đơn, ẻo lả: “Xin phép sếp Long, chỗ nầy nếu thiếu nhà hàng chịu còn nếu dư thì cho nhỏ Thảo hết, tối nay nhỏ bị một vố kinh hoàng, ai bảo da em trắng tóc em dài anh Thuận há ?”. Tôi đứng nép vào gốc cây như chịu phạt thấy Thuận cứ lắc đầu im lặng cười trừ, anh khập khiểng đi qua chỗ tôi đứng và một bàn tay phớt lên đầu tôi như một người anh: “Nín dứt, tối nay ngủ ngon đi, cô bé!”
Thư viết cho người lãnh đạo giấu mặt tôi báo cáo rõ về Thuận, hứa dù tồi tệ thế nào cũng sẽ cố gắng nằm yên ở Vĩnh Thịnh. Lệnh xuống cho tôi: “Nghiên cứu bám sát khai thác tiến tới giác ngộ đối tượng có lai lịch tâm trạng và sở làm thích hợp với điều kiện chúng ta cần”.
Như thường lệ, Thuận đến cùng với Nhiều trên chiếc đam và nết phóng xe vào tận bàn đã hết sức quen thuộc với tôi. Long chạy ra tay bắt mặt mừng, sau đó đích thân anh mang ra cho khách hai cốc Rémi Martin, kiểu uống trước nay của câu lạc bộ độc nhất vô nhị nầy. Tôi bước ra không mang tờ thực đơn cũng không cười nụ cười không phải của tôi, tôi biết Thuận không cần cả hai thứ đó và hình như có luồng điện khác thường khi chúng tôi nhìn thấy nhau, cái nhìn không phải của một cái lệnh một cái đinh một con ốc trong cái guồng đang điều khiển sự tồn tại của tôi mà của một trái tim lần đầu với một người có tên chung là đàn ông. Trông anh thật thâm trầm, cảm động. “Cho bọn anh bò lúc lắc với khoai tây chiên – Thuận nói với vẻ buồn buồn cố hữu – Thật ra không lúc lắc thì bọn anh cũng không biết làm gì cho hết cái thời nầy!” Quả là một tâm trạng đáng được Tổ chức của tôi vồ vập săn đón nhưng tôi đang lắng nghe nó bằng tấm lòng trắc ẩn đàn bà. Khi tôi bưng các thứ ra, Thuận nhờ Nhiều sang bàn bên nhắc thêm chiếc ghế bảo tôi ngồi, tôi cứ phá lệ rồi anh sẽ xin phép Long cho nhưng tôi lại không cho phép mình, tôi không muốn là cái gai trong nhà chủ. Mỗi khi tôi có việc đi lướt qua bàn anh, tôi đều nhận được cái nhìn thông cảm khích lệ, anh là một người anh một người bạn ghé qua chỗ tôi làm để nhìn thấy tôi chia sẻ với tôi những điều khó nhọc bằng sự im lặng nhẫn nại ân cần. Trước khi ra về, nếu thực hiện nếp ga-lăng như mọi người và như trước nay là để lại tiền trên dĩa cho xẹc-via chắc cả tôi và anh đều thấy không ổn nên anh vẫy tôi đến: “Đây – anh cầm lấy tay tôi thả tiền vào và ấp tay anh vào đó – Đây không phải chỗ thừa cũng không phải dúi cho để em chưng diện mà để bỏ ống về phụ giúp gia đình”, chả là tôi kể sở dĩ tôi phải làm ở quán rượu vì nhà nghèo mà em út đông. Nói theo công việc thì chừng như tôi đã tiến được một bước khả quan nhưng thật tình tôi không vui mừng, tôi không đủ vờ vịt để đánh bạn bằng trái tim công vụ, tôi linh cảm mối quan hệ nầy sẽ đi vào ngõ cụt và chỉ chuốc lấy nỗi buồn.
Những tối chủ nhật chập chờn mong manh dịu ngọt. Trên nền gạch của nhà chủ sau hai giờ sáng Ninh và Thuý bắt đầu cãi nhau về tương lai của chúng tôi, một tương lai có bù trừ giữa cái chân gỗ nhưng cuộc sống ổn định của Thuận và cái nết na nhà lành nhưng nghèo khó của tôi. Ông bà chủ và Long im lặng một cách miễn cưỡng, Qui hay lè lưỡi và sà tới cặp tay tôi rồi đi khập khiễng để giả làm Thuận trong cái đám cưới buồn cười với tôi, Bảy Bếp thì như hăng hái hơn trong trò cạnh khoé, bởi thị không hiểu sao bỗng dưng tôi được boa nhiều mà còn sắp được cả người. Tổ chức thì giục tôi phải báo cáo dần những hiểu biết của tôi về “đối tượng”.
Tuần đó Thuận không đến. Tôi đứng ngồi không yên ăn ngủ cũng không yên. Tôi biết Thuận không còn là người anh người bạn như tôi cố tình đánh lừa tình cảm bấp bênh của mình. Rồi anh đến không như lệ thường và cũng không có Nhiều ngồi phía sau, như lệ thường. Chuyện gì đã xảy ra? Chưa bao giờ tôi thấy anh thiểu nảo và mất tự tin đến thế. Mắt anh ngơ ngác thất thần sau tròng kính: “Bình Hưng, em có biết Bình Hưng là nơi trời đánh thánh vật nào không? Anh có việc phải về Phong Điền với ba má mấy ngày, trở lên thì thằng Nhiều đã bị gọi đi làm sĩ quan đặc cách văn hoá ở chi khu Bình Hưng. Chẳng gì nó cũng đi trừ bị Thủ Đức rồi, thì chạy chọt quá nhiều rồi, vợ nó cũng hết hơi rồi, ừ, nếu anh có là thư lại toà hành chính tỉnh thì nước non gì với quân lực của Vùng Bốn, đúng không?” Tôi biết khá rõ về Bình Hưng, đó không chỉ là nơi nước mặn muỗi bầy ở mạn Cà Mau mà còn là cái túi toàn bọn khát máu và vô học nhất nổi tiếng với trò mổ sống moi gan những ai là kẻ thù không may rơi vào lưới chúng, đó là địa danh ác mộng của dân kháng chiến miền Tây. Chắc Thuận không thử thần kinh tôi, không lẽ nào, tôi thấy anh thật sự kinh hoàng và bơ vơ trước biến hoá thời cuộc, anh ngồi đó một mình một bàn với chiếc ghế trống đối diện, mỗi khi tôi rảnh rỗi để dừng lại thì anh bật lên rằng thế là xong một cuộc chơi xong một cuộc đời anh linh cảm thế đó, ôi những thằng bạn những thằng người tốt nhất trần đời đã bị tỉa dần rồi sẽ là những kẻ chân rươĩ để suốt đời bị thương hại hay là sẽ không có cả cái may chân rưỡi mà cà nhắc trở về? Rồi xẹp dí trên ghế như quả bóng hết hơi không uống không động đũa anh ngồi bó tay nhìn dán theo bước chân tôi như là bị bỏ rơi trong xó tối.
Từ đó tối nào Thuận cũng phóng xe đến để nhìn tôi xem tôi đi lại bưng bê phục vụ khách và chờ tới khi tôi được ngồi ăn với anh cái gì đó trước khi quán đóng cửa. Rồi cái sự kiện cả anh và tôi hằng lo nghĩ cầu mong nó đừng đến đã ập đến, bất ngờ chóng vánh tàn nhẫn như mọi thứ từ súng đạn, đó là tin giáo Nhiều bị tử nạn trong trận pháo kích của đối phương vào Bình Hưng. Tôi đã từng thấy vợ khóc chồng, đó là má tôi khóc ba tôi, từng thấy con khóc cha, đó là nước mắt của chị em chúng tôi, từng thấy cha mẹ khóc con trẻ, đó là lá vàng khóc tiếc lá xanh, từng thấy đàn bà khóc đàn bà, đó là cánh phụ nữ ở cứ chúng tôi khóc bè bạn của mình và bây giờ, tôi thấy một người đàn ông khóc một người đàn ông, giữa ánh điện tiếng nhạc trời đêm hương cognac và thuốc thơm, tiếng khóc, đúng hơn, những giọt nước mắt nghẹn ngào sau vẻ yếu đuối của đôi tròng kính như nước luồn trong đập, lặng lẽ thầm vụng chân thành nhưng lạc lõng. Chúng tôi ngồi bên nhau tối đó và không biết bao nhiêu là tối nữa, ngẩn ngơ bế tắc với sự ẩn hiện ma quái của chiến tranh, chiến tranh luôn có mặt bên chiếc ghế cái cốc và cái chén đôi đũa chúng tôi dành cho Nhiều, chiến tranh trong tiếng pháo và đàn bò và những sinh linh trong ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đêm đêm vọng ra từ chiếc máy cối, chiến tranh trong chiếc chân gỗ làm thành vẻ mặc cảm triền miên của Thuận và chiến tranh trong cái nhìn trong câu hỏi không thể trả lời :Thực chất em là ai và em từ đâu đến từ đâu ra hở Thảo?
Tôi là ai? Quả tình không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng nhớ ra tôi là ai. Quả tình nhiều lúc tôi chỉ muốn gào to lên rằng tôi không Thảo không hầu bàn không thù riêng không nợ nước, tôi là thân phận trôi giạt và đang trôi cùng tôi là một thân phận khác, chúng tôi luôn có nỗi buồn và những giọt nước mắt giống nhau, chúng tôi nhỏ nhoi thường tình yếu đuối như mọi người đàn ông đàn bà trên đời.
Một buổi trưa, lúc đó thường nhà hàng chưa mở cửa, một cô gái cứng tuổi hơn tôi và nền nã như mọi cô gái miệt vườn đi xích lô đến Vĩnh Thịnh tìm tôi. Lại tin chẳng lành: Thuận bị té xe phải vào viện và người đưa tin chính là Hoà em gái anh. Chúng tôi cùng đến chỗ Thuận, sách báo và hoạ phẩm vung vãi trên giường, không đeo kính trông anh chẳng còn chút sinh khí nào, một chiếc gạt nằm chéo dưới cằm và anh nhăn mặt khi cúi nhìn cái chân gỗ nằm lăn lóc trên nền gạch. Tôi ngồi xuống bên anh, anh co chân phải trong mền và ấp tay tôi lên đó: “Vết thương xoàng nhưng tổn thương thêm đầu gối què. Anh không muốn em nhìn thấy cái chân anh trong tình trạng thê thảm nầy. Hy vọng hồi phục được bánh chè để rồi còn đèo em dung dăng đây đó – Anh nhìn ngước lên cô em gái – Chị Thảo có đúng với hình dung của em không Hoà, em có thấy thật là uổng phí khi chị Thảo suốt ngày bưng bê cho người ta bêu ghẹo không? Nhưng chị là người độc lập mà có hiếu, biết làm sao bây giờ, hả Hoà?”
Trong khi anh em nhà họ cố tạo không khí tự nhiên để Thuận khoả lấp mặc cảm thường trực vì cái chân gỗ thì tôi chiến đấu với tâm trạng của tôi: tình yêu giả để nhiệm vụ thật hay là tôi phải thú nhận với Tổ chức và tháo chạy khi tôi còn chưa là gì với gia đình ấy? Sao tôi thương bản thân tôi thương anh thương nửa cái chân tàn dại dưới tấm mền và muốn được vòng tay ôm hết thảy mọi người? Em gái anh ý tứ bước ra, không gian trắng khoảng cách trắng hai con người giữa không khí yêu thương yếu mềm và giọng anh thố lộ cầu xin vẽ vời về một tương lai bồng bột, rồi lần đầu tiên anh kể lể về cái trận cái nơi anh thiếu uý đại đội trưởng mới bóc tem từ trường võ bị đã phải đền ngay một khúc chân trong một cuộc càn có nhà cháy và trẻ con chết, ạnh bảo anh không thể quên dư âm thừa mứa của súng đạn và tiếng cưa xiết vào xương anh, tiếng đoạn chân vô dụng bị ném vào cái xô, tiếng nước mắt anh nuốt vào lòng đêm đêm để má anh tưởng chỉ có mình bà mới đau khổ dai dẳng nhất. Tôi nhắm mắt lại, âm thanh và mùi vị chiến tranh tôi nào có lạ nhưng trước nỗi đau của một người như con người nầy, có cần tồn tại giữa chúng tôi đường biên khắc nghiệt nào không? ấy là tôi đang nghĩ bằng trái tim ừ thì nhi nữ thường tình, bằng không, tôi sẽ phải đóng kịch thế nào và bao lâu để lôi kéo được anh nhảy sang cùng phía với tôi nếu tôi làm được việc đó? Tôi thương anh vô cùng, và tha thiết muốn anh được đứng bên lề, anh cứ việc đứng bên lề với cái chân ruỡi ấy, dù gì anh cũng đã đưa đầu vào cuộc, nói theo cách nói của Tổ chức thì anh đã phải trả giá cho tội nợ của mình.
Những ngày sau, trưa nào tôi cũng đến bệnh viện với anh, tôi dìu anh ra sân để ngắm các cô y tá đánh giày cao gót và áo blu kiểu váy đầm, nghe anh kể về gia đình, mảnh vườn thời sinh viên luật niềm kỳ vọng của ba má rồi quân trường, tâm trạng lông bông vô định trước khi chưa gặp được tôi và, trong những giây phút không ranh giới ấy tôi còn được biết thế nào là tóc là vai của người đàn ông trên ghế đá. Nhưng anh không hề biết rằng tôi đã được lệnh về cứ nằm chờ “nếu như Vĩnh Thịnh không thuận lợi và không tiến thêm được bước khai thác hay tuyên truyền gây dựng gì ở đối tượng”. Chắc có những đôi mắt khác đã bí mật kiểm tra tôi.
Tôi báo cho nhà chủ trước có một ngày, làm như tôi chỉ vì mỗi lý do là chạy khỏi tình yêu không môn đăng hộ đối với Thuận. Ông bà chủ tỏ ý thương hại, Long khuyên tôi hãy suy nghĩ, theo anh nhà Thuận có ăn có để và anh là con cưng thật nhưng con trai họ phải vào lính chắc họ chẳng thần thế ghê gớm gì, hay tôi sợ cái nạng gỗ trong nhà ? Thằng Qui quen thói trững giỡn cứ bám lấy nhìn áp vào mặt tôi khua chân múa tay và sờ trán để xem tôi có ấm đầu không mà đi dứt bỏ một người như Thuận. Trong đám người làm Ninh giữ thái độ nước đôi quen thuộc, Thuý te tát mắng tôi ngu dại coi chừng cô nàng nhảy xổ vào thế chân thì đừng tiếc và Bảy Bếp được dịp nhúng trề: “Đũa mốc mâm son, sao không ăn đại một miếng cho biết mùi rồi hẳng chạy, cô em?”
Tôi ra bến xe trên chiếc vespa Long tình nguyện đưa giúp. Đường về cứ trùng với hướng huyện nhà mà cũng là đường về quê cô Thảo trong căn cước giả nên tôi không phải quanh co với Long. Từ sáng sớm, thống lĩnh bầu trời và đường phố thủ phủ đầu não Vùng chiến thuật Bốn trước hiệp định Paris là cường độ chiến tranh trong tiếng máy bay đủ loại xuống lên sân bay Trà Nóc và xe pháo cùng các loại động cơ phục vụ cuộc ăn thua. Tôi lên chiếc xe đò năm mươi hai chỗ, kín đáo đưa mắt chia tay với tất cả, cuộc chiến dài như nghẹt thở mà tôi thì quyết không trở lại đây cho dù Tổ chức có yêu cầu, đơn giản vì Cần Thơ quá bé mà tôi thì không trốn được Thuận và không trốn được chính tôi. Xe còn trống, Long dặn tôi chờ để chạy đi mua gì đó bảo là quà, là món quà bất ngờ của riêng anh dành cho tôi. Và bất ngờ thật, anh đã phóng vào bệnh viện, sau anh là Thuận với vết thương còn chưa đi chân giả vào được. Tốt, được nhìn thấy nhau hoá ra vẫn đàng hoàng hơn. Thuận đứng bên hông xe với chiếc nạng gỗ, như cái cây bị nhốm khỏi đất, xanh rũ và sẵn sàng nguy cơ ngã xoài ra, anh cúi đầu chịu đựng sự thua thiệt rằng thế mà anh đã quyết chỉn chu lại bằng nghề luật, anh xin lỗi tôi vì anh chẳng thầy ký thầy đề ở toà nào, chả là anh mượn danh của thằng em song sinh để doạ các lão già và đánh liều vì tôi chứ cái thân tàn của anh thì công nào sở nào chịu nhận, rằng dù tôi có tàn nhẫn với số phận của anh bằng cách bỏ lửng anh như vầy nhưng anh xin, xin được một ngày nào đó tìm đến nhà tôi qua địa chỉ mà Long đã ghi được từ thẻ căn cước.. .Anh nắm tay tôi qua cửa sáo, ánh mắt tuyệt vọng sau tròng kính, im lặng đau đớn trong vẻ uất hận chắc là ghê gớm lắm.
*
ít lâu sau ngày tiếp quản thành phố, một lần tôi lén chồng tạt vào ngôi biệt thự từng có tán ngọc lan ngậm ngùi của riêng tôi. Vật đổi sao dời nhanh như mọi cuộc biển dâu, Restaurant Vĩnh Thịnh đã biến mất, giờ nó là nhà riêng của một vị lãnh đạo cấp cao, chỗ đặt chuồng nhốt gà để làm hàng, dãy sân và những chậu cảnh còn đó nhưng người đứng sau cổng rào cao ngất là cô gái quê áng là cháu chút thật hay người làm đóng vai cháu chút. Cô nàng hệch hạc bảo cải tạo tư thương rồi, nhà nầy trưng dụng rồi, chủ cũ đi đâu ai biết! Toà hành chính tỉnh cũ cũng đã biến trành trụ sở Uỷ ban nhân dân, những người từng làm trong đó không được may mắn lưu dung, em trai Thuận ở đâu trong cơn lốc ghê gớm vừa rồi ? Thế là không sao lần ra dấu vết của hạt bụi ấy, một hạt bụi đã từng rơi vào mắt tôi cam phận trong bóng tối và thỉnh thoảng làm tôi đau xốn mà không dứt ra được. Một hạt bụi, phải, gió máy và năm tháng, một hạt bụi sứt sẹo như thế thì chống chọi thế nào và đã bị cuốn tận đẩu đâu, làm sao biết được lần ra được mà tìm!
Kim Giang tháng Tư 1997
Tác giả: Dạ Ngân
Từ khóaDạ Ngân Nhìn từ phía khác truyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …