Bài nổi bật

Nhịp Trống Hồn Xoan – Tác giả: Đỗ Xuân Thu

Truyện đêm khuya – Với một truyện ngắn mang thông điệp về văn hóa, nếu người viết không tập trung tâm trí, dồn năng lượng và cảm xúc cho câu chữ thì sẽ khó thành công. Ý thức được điều đó, nên tác giả Đỗ Xuân Thu đã khéo giữ chân người đọc, người nghe bằng cách xây dựng lý lịch đời tư khá chi tiết cho nhân vật để tạo nên một cái nền, một bộ khung. Điểm nhấn hấp dẫn nhất ở tác phẩm là những đoạn văn miêu tả tiếng trống, nhịp trống, dáng điệu tư thế của người nghệ sỹ dân gian khi nhập hồn vào điệu hát. Người đánh trống mới là người cầm chịch, người giữ linh hồn cho điệu hát thăng hoa

Con đường chính của làng Cổ Cò dài hơn ba cây số, chạy dọc làng, bắt đầu từ quốc lộ và kết thúc tại khu rừng Cấm. Cứ theo con đường này sẽ tới nhà lão Khụng. Nhà lão ở tách biệt, mãi tít tận cuối làng, đúng chỗ “khỉ ho cò gáy”. Ngày trước, rừng rậm đường nhỏ, vào được nơi lão ở đúng là một kỳ công. Tuy nhiên, ai tinh ý cũng khá dễ tìm. Cứ theo con đường độc đạo của làng, đi cùng kiệt khắc đến. Bây giờ, đường rộng thênh thang, bê tông phẳng lỳ có nhắm mắt đi cũng tới. Nhà lão “tứ đại đồng đường” có truyền thống hát xoan, đến trẻ con cũng biết chứ nói gì đến người lớn.
Nhịp Trống Hồn Xoan – Tác giả: Đỗ Xuân Thu
Lão Khụng có dáng dong dỏng cao, hơi khác người, đặc biệt nhất là đôi tay. Cánh tay lão dài như tay vượn, buông thõng đến tận đầu gối. Mười ngón tay xương xẩu, khẳng khiu. Điều này, chắc chắn thời trai trẻ đôi bàn tay của lão đẹp phải biết. Mười búp măng thon dài, trắng trẻo, trên mỗi đầu ngón tay thêm một cái vân hoa tròn xoe nữa thì đó đúng là bàn tay nghệ sĩ. Người thường đâu được thế. Quả đúng vậy. Lão Khụng thừa hưởng gen “âm nhạc” của bố lão, nổi tiếng với ngón đàn, điệu múa và cầm trống giữ chịch hội xoan ngay từ khi còn trẻ. Đến bây giờ, dù đã ngoại sáu mươi, lão vẫn là ông trùm phường xoan làng Cổ Cò. Oách lắm. Nhìn lão vung dùi, gõ trống, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, tiếng trống “tùng tùng cắc cắc” hòa với tiếng hát “tềnh tềnh leng leng” của “đào” của “kép” thì ai cũng mê.
Mỗi lần vào hội hát là lão lại như lên đồng. Nhìn lão những lúc ấy, các cụ cao tuổi làng Cổ Cò lại nghĩ ngay tới hình ảnh mọ Khúng. Ngày trước, mọ Khúng, bố lão cũng thế. Ông là linh hồn của phường xoan, thường giữ chân hát dẫn hoặc đánh trống giữ nhịp. Ngón trống của ông Khúng có thể nói là tuyệt chiêu. Ông đánh trống cái bằng cả hai tay. Trái, phải đều như nhau. Chính xác ra, phải nói là ông múa trống mới đúng. Ông nhún nhẩy, lúc nghiêng phải, khi nghiêng trái, lúc ngửa người ra đằng sau, khi lại nhao người về phía trước. Hứng chí, ông tung dùi trống lên cao, đảo tay bắt lấy rồi vẫn vào nhịp như thường. Khua tang cắc cắc. Gõ mặt tùng tùng. Khuôn mặt hớn hở. Đôi mắt như cười. Tiếng trống của ông làm cả phường xoan thăng hoa. Lão Khụng nối nghiệp bố ngón trống nghệ sĩ ấy.
Có một chuyện đánh cướp của mọ Khúng liên quan đến cái dùi trống. Chả là một lần ông đưa phường hát đi “giao lưu” với làng bên, đêm khuya, trên đường về thì gặp cướp. Mấy tên thảo khấu thấy hai cha con ông đi lẻ loi, vai ông lại đeo cái túi nải, chúng nghĩ là có của liền lao ra chặn đường. Ông Khúng vội đứng lại xuống tấn thủ thế. Một tay ông khuỳnh khuỳnh giơ ra trước mặt sẵn sàng gạt đòn. Tay còn lại thò vào bụng rút ra cây côn. Ông chủ động vung côn như múa. “Thằng nào giỏi vào đây. Tao cho về chầu ông vải luôn”. Tiếng côn vù vù, quay trái, quay phải, quây kín người ông. Mấy thằng thấy vậy sợ quá lỉnh mất. Chờ cho chúng đi khuất, ông ung dung đút cây côn vào bụng. Khụng hoàn hồn hỏi: “Bố sắm côn từ bao giờ thế?”. Ông Khúng rút cây côn ra đưa cho Khụng. Khụng cầm lấy. Thì ra đó là hai chiếc dùi trống cái ông đã lấy dây buộc chúng lại biến thành một cặp côn. Với tài gõ trống như múa thì việc biến nó thành múa võ với ông chẳng có gì là khó cả. Khụng thầm phục bố mình. Hai cha con ông nín cười, bước vội về nhà.
Thời Pháp thuộc, nhà lão Khụng, chính xác ra là nhà mọ Khúng còn ở giữa làng, gần với ngôi đình cổ. Thế nhưng, trong một trận Tây càn, chúng đốt sạch làng Cổ Cò. Sau đó, dân làng dựng lại nhà. Riêng ông Khúng dắt díu vợ con vào lập lán trại trong khu rừng tút hút tận cuối làng. Cha con ông bới đất, lật cỏ làm lại từ đầu. Chặn suối, đắp đập, phát rẫy, làm nương, kinh tế nhà ông khá dần lên. Rồi nhà ông thành chốn đi về của cán bộ kháng chiến. Mấy lần giặc Pháp càn vào đều không làm gì được. Hễ có động là cả nhà ông cùng cán bộ theo những lối mòn rút vào rừng ẩn náu. Rừng này về sau, hợp tác xã khoanh bao lại gọi là rừng Cấm. Thời chiến tranh giặc Mỹ phá hoại, máy bay địch theo con đường cụt này vãi bom bi tọa độ vào tới tận nhà ông. Làng Cổ Cò ối nhà bị cháy song nhà ông vẫn không hề gì. Bao nhiêu quả bom thả xuống đều bị tụt xuống hồ bấy nhiêu. Rừng vẫn xanh. Nhà ông vẫn ngang nhiên thấp thoáng bên sườn núi. Thêm bốn nhà nữa sơ tán vào, thế là thành xóm Ngũ gia trang.
Làng Cổ Cò có truyền thống hát xoan. Các kép, các đào đều lấy nhà ông Khúng làm nơi luyện tập. Kể cả hồi chỉ có mỗi nhà ông trong rừng Cấm cũng vậy. Người ta kéo vào đó để hát hò. Ba tháng mùa xuân thì thôi rồi, phường xoan Cổ Cò do ông Khúng làm trùm ngày đêm trống phách tưng bừng. Không chỉ hát ở làng, ông còn dẫn phường đi hát “nước nghĩa” với các làng khác. Tận Phượng Lâu, Kim Đức. Sang cả bên kia sông Lô của huyện Lập Thạch nữa. Chín, mười tuổi đầu, Khụng được bố cho đi theo các đợt “giao lưu” ấy. Nhờ đó, Khụng hiểu được cái hay, cái đẹp trong mỗi làn điệu hát xoan.
Được cái, Khụng khéo tay lại sáng dạ. Mỗi lần bố Khụng giảng giải về hát xoan cho mọi người, Khụng thường chăm chú lắng nghe. Hát xoan là hát cửa đình, nói theo lối cổ là “khúc môn đình”. Ngay từ nhỏ Khụng đã biết thế. Đây là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát đó vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có ba hình thức hát xoan. Đó là hát thờ cúng các Vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa màng tốt tươi, cầu bình an sức khỏe; và hát lễ hội để nam nữ giao duyên. Trong hát xoan, múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau. Người ta dùng điệu múa để minh họa cho nội dung lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo một thứ tự nhất định. Mở đầu là bốn tiết mục có tính nghi lễ gồm: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang và đóng đám. Những tiết mục này mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi. Tiếp theo là phần hát cách. Có mười bốn quả cáchcả thảy. Đó là những bài thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau mô tả cảnh lao động sản xuất, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Bố Khụng tóm tắt “quy trình” hát xoan thành công thức “3- 4- 14” cho dễ thuộc, dễ nhớ. Đó là: ba hình thức, bốn mở đầu và mười bốn quả cách theo sau. Còn múa và gõ trống thì giời cho Khụng cái năng khiếu rồi. Đôi tai thẩm âm tốt, đôi tay dẻo, đôi chân điệu đàng, Khụng chỉ nhìn và nghe qua mọi người là có thể biểu diễn được ngay.
Nhịp Trống Hồn Xoan – Tác giả: Đỗ Xuân Thu
Nhạc cụ cho hát xoan chỉ có trống và phách tre. Một chiếc trống cái đứng ở vị trí trung tâm giữ nhịp còn lại là trống con. Thường thì mỗi kép, mỗi đào đeo một chiếc trống con trước ngực vừa hát vừa gõ trống. Nhìn cách gõ trống tưởng là đơn giản, vậy mà khó ra phết. Làn điệu nào có cách gõ của làn điệu ấy. Trống cái cầm chịch trầm hùng vang xa. Dàn trống con long tong hòa cùng. Tiền hô, hậu ủng rộn rã. Vui nhộn nhất là điệu trống quân mó cá. Nhịp trống thúc nhanh dần. Vũ điệu theo đó cũng tăng theo. Trai gái vừa hát múa vừa úp nơm xoay vòng làm động tác bắt cá. Họ tóm cả vào tay nhau trong nơm, cười rinh rích. Nhìn bố mình múa trống, Khụng cứ như bị hớp hồn. Tay vung vẩy trong không trung. Chân nhún nhẩy, người đong đưa rất điệu nghệ. Đặc biệt, ông Khúng còn có tài đặt lời mới cho các làn điệu hát xoan. Sau này, Khụng cũng thế. Anh sáng tác ứng khẩu thơ vận vào mỗi điệu hát. Đúng cảnh, hợp tình. Vũ điệu, lời ca, nhịp trống quyện vào nhau nhuyễn lắm. Đúng là nòi nào giống ấy.
Hôm phường xoan Cổ Cò biểu diễn cho mấy ông bà Tây về thẩm định làm hồ sơ công nhận di sản văn hóa thế giới, có một ông Tây cao nghều xin lão Khụng cho đứng thử đánh trống giữ nhịp. Ông ta lóng ngóng khua gõ rơi cả dùi mà chẳng vào nhịp phách nào cả. Cuối cùng, phải “nâu nâu”, “so ry” nhặt dùi đưa trả lại cho lão Khụng. Hôm ấy, mọ Khúng cũng chống gậy ra xem. Thấy cảnh đó, mọ cười hở lợi. Ông Tây đến chắp hai tay khom người trước mọ Khúng miệng líu lo “very díp-phi-cừn, very in-tơ-rét-ting” (rất khó, rất vui nhộn).
Ngoài tài đánh trống, múa dẻo ra, Khụng còn có tài gảy đàn bầu và thổi sáo nữa. Nhà năm anh em “trứng gà trứng vịt”, Khụng là cả. Em lớn vừa biết đi, mẹ Khụng lại tòi ra đứa em bé. Cứ thế, các em Khụng lần lượt ra đời. Khụng bế chúng rã cả cánh tay. Nhiều hôm chúng chọc ghẹo nhau quấy khóc, Khụng tức lắm. Tuy vậy, hễ rảnh lúc nào, Khụng lại thổi sáo, gảy đàn bầu. Lũ em Khụng quây tròn lại, chống tay vào má lắng nghe. Rồi  cứ thế chúng thiêm thiếp đi vào trong giấc ngủ. Có hôm, thằng út quấy khóc quá, Khụng dỗ thế nào nó cũng không nín. Bế hát, vỗ ru, đặt nôi thổi sáo, ngồi gảy đàn cho nghe, nó vẫn cứ ngằn ngặt khóc. Bực quá, Khụng dằn thằng bé xuống đất, lấy cái trống cơm gõ tưng tưng. Chẳng ngờ nó nín bặt rồi cười như nắc nẻ. Khụng nhìn nó ngạc nhiên cũng phì cười. Lũ em thấy vậy cùng cười theo. Hứng chí, Khụng khua trống cơm ròn rã. Đi làm về nhìn lũ con thế, ông Khúng cứ đứng ngây ra ở trước cửa.
Từ chân đi theo phường hát, dần dần Khụng được bố cho vào làm kép hát, rồi thử sức giữ nhịp trống cái, hát dẫn các làn điệu. Giữa những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bom đạn mù trời, vậy mà câu xoan, câu ghẹo làng Cổ Cò vẫn cứ vang lên. Tiếng hát át tiếng bom. Đêm trăng, Khụng mặc áo the, khăn xếp, quần trắng múa hát giữa sân đình khiến gái làng mê Khụng như điếu đổ. Mười sáu, mười bảy tuổi trông Khụng ra dáng lắm. Ngược lại, Khụng cũng chết mê chết mệt cô Đào ở phường xoan An Thái. Ông Khúng biết chuyện cấm tiệt Khụng. Theo “luật” của các phường xoan thì tuyệt đối các đào kép xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa, chỉ được coi nhau thân thiết như anh em. Phía bên kia, bố mẹ Đào cũng biết, họ cấm con gái léng phéng với Khụng. Hai bên chẳng ai vượt qua được rào cản đó. Mấy năm sau, đủ tuổi Khụng lên đường nhập ngũ. Đào cũng lấy chồng dưới Vĩnh Tường rồi theo chồng vào Nam năm “bảy lăm”. Từ đó hai người bặt tin nhau, yên phận với số mệnh của mình.
Trong quân ngũ, do có năng khiếu văn nghệ, Khụng được biên chế vào đội tuyên văn sư đoàn. Khi thì thổi sáo, lúc lại gảy đàn bầu. Rồi nghiệp đánh trống gắn vào đời Khụng. Bộ gõ của đội hiện đại lắm. Dàn trống mấy cái sáng choang. Chẳng đơn độc như chiếc trống cái tang mít, mặt căng da trâu của phường xoan đâu, đằng này, ngoài trống bass, trống tom ra, bộ gõ còn có cả xanh ban đơn kép, bàn đạp, mõ, chuông nữa. Tha hồ cho Khụng vung dùi biểu diễn. Chả thế mà khi ra quân về làng, Khụng cứ ngơ ngẩn nhớ dàn trống của đội tuyên văn. Giữ nhịp trống xoan mà đầu óc Khụng để ở đẩu đâu khiến cho phường hát mấy lần lỡ nhịp. Có lần, mọ Khúng bực quá giằng lấy dùi trống từ tay Khụng, trực tiếp đánh. “Muốn làm gì thì làm phải để tâm để tứ mới thành công. Nghệ thuật lại càng phải chú ý. Phải hóa thân sống chết, buồn vui với tác phẩm. Hát xoan cổ cũng vậy. Hời hợt như anh, xoan nào nó đọng được”. Mọ Khúng đã nói với Khụng như vậy. Phải mất hơn tháng, Khụng mới lấy lại được cảm giác ngày trước. Dòng máu xoan ghẹo lại tiếp tục chảy trong anh.
Mối tình đầu không thành, mấy năm đầu trong quân ngũ hình bóng Đào vẫn in đậm trong tâm trí Khụng. Quên sao được những đêm trăng suông, khi hai phường hát giao lưu, Khụng gặp Đào để được ngắm nàng mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh gụ, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa múa hát giữa sân đình. Những lúc đó nàng như công, như phượng. Miệng nàng “tềnh tềnh leng leng” khiến trái tim Khụng thình thịch xao xuyến. Nhớ vô cùng lần hát “Trống quân mó cá”, tay Khụng tay nàng khua trong nơm, chạm vào nhau. Khụng tóm chặt tay nàng, giữ nguyên như thế cho đến khi trống thúc chuyển nhịp rồi vẫn không rời. Lúc hiểu ra, hai người lúng túng lỡ nhịp cùng đuổi theo phường hát. Rồi những lần hò hẹn, những lời yêu thương trao nhau… Tất cả đêm đêm lại hiện về trong giấc mơ của Khụng.
Sau rồi công việc của đội tuyên văn cuốn hút, Khụng tìm được niềm vui mới từ tiếng đàn, lời ca và những người đồng đội. Dần dần, anh để ý đến cô y sĩ đơn vị. Quê nàng cùng huyện với Khụng. Qua hai mùa hội diễn thế là yêu nhau. Họ tổ chức lễ cưới ngay khi nàng ra quân. Cưới xong, Khụng tiếp tục quân ngũ mấy năm nữa. Vợ chồng Khụng sinh được bốn người con. Thằng Khiệng là cả. Sau nó là hai gái, một trai nữa. Ai cũng bảo vợ chồng Khụng thuộc diện “đẻ đẹp” nhất làng.
Nhịp Trống Hồn Xoan – Tác giả: Đỗ Xuân Thu
Khi bốn người con ông Khụng phương trưởng, dựng vợ gả chồng cho chúng xong thì vợ ông mất. Bà ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Tuy không phải cảnh “gà trống nuôi con” như bố ông nhưng ông Khụng buồn lắm. Chả lẽ dòng dõi nhà ông các bà toàn là người đi trước. Mẹ ông, giờ lại đến vợ ông. Mặc dù vợ ông mất ở tuổi năm mươi, so với tuổi bốn mươi của mẹ ông ngày trước thế là cũng được rồi. Tuy vậy, ông vẫn cảm thấy ông trời ăn ở bất công với bố con ông quá. Dân làng Cổ Cò không ai nói gì nhưng tự ông ông nghĩ, tự ông ông nhìn. Cảnh nhà ông toàn gà trống bốn thế hệ nó cứ làm sao ấy. Tuy nhiên, nghĩ đi lại nghĩ lại, nhất là lúc ôm thằng Khiểng, con thằng Khiệng, cháu nội ông, chắt nội của bố ông thì ông quên hết. Ối nhà dễ được như bố con ông? Họ mơ được mụn con trai để nối dõi tông đường mà nào có được. Giờ thì ông lên lão rồi. Bố ông, cả làng họ gọi là mọ kia. Con ông, cái thằng Khiệng ấy, cũng là ông chủ của mấy lò gạch. Ông với bố ông là linh hồn của phường xoan… Hỏi còn mơ gì hơn thế nữa? Giời có cho ai tất cả đâu?
Từ ngày hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp, mọ Khúng được công nhận là nghệ nhân thì phong trào hát xoan làng Cổ Cò càng tưng bừng. Mọ Khúng tuy già yếu nhưng vui lắm. Buổi tập nào của phường hát mọ cũng có mặt. Lão Khụng thì khỏi nói rồi. Vừa là ông trùm, vừa đánh trống cái, lão còn vừa là đạo diễn, biên đạo múa nữa. Có hôm, lão còn đứng cầm sách cổ làm cả nhiệm vụ hát dẫn. Đâu chỉ có truyền dạy cho kép đào của phường, lão còn được nhà trường mời đi dạy hát xoan cho lũ học trò nữa. Con lão, ông Khiệng chủ lò gạch thường xuyên tài trợ trang phục, xe cộ cho phường. Cháu lão, cái Nguyệt, em thằng Khiểng tuy đang học phổ thông cũng đã là đào chính. Cả nhà lão bốn thế hệ say sưa cùng xoan.
Tiếng là phong trào hát xoan lên như vậy nhưng nhiều lúc lão Khụng cũng rối lắm. Về chuyên môn, về sức khỏe của mình, về tinh thần của mọi người lão không lo. Lo nhất vẫn là khoản kinh phí. Mỗi lần đi dự liên hoan hát xoan của tỉnh hay tham dự lễ hội Đền Hùng, phường xoan phải bỏ công sức ra hàng tháng trời để tập luyện. Lại còn trang âm, trang phục. Lại còn đạo cụ, nhạc cụ. Lại còn son phấn, cơm nước nữa… Bao nhiêu khoản phải chi. Tâm huyết, nhiệt tình đến mấy nhiều khi cũng nản. “Có thực mới vực được đạo”, các cụ đã dạy rồi. Xã hội hóa rồi đấy, con lão tài trợ cũng nhiều rồi đấy nhưng vẫn chưa đủ và chẳng bền vững được. Cảnh “bắc nước chờ gạo người” khó lắm, nhất là làm nghệ thuật. Giá có tiền trùng tu ngôi đình, phục hồi gian thờ tự, mua kiệu ngai, võng lọng, sắm sửa các đồ tế lễ để hội làng thêm tưng bừng, đúng lối cổ thì hay biết mấy. Và để còn rước kiệu về dự lễ hội Đền Hùng như các phường xã khác nữa chứ.
Lão nhớ mùa lễ hội năm ngoái, thành phố tổ chức liên hoan hát xoan tại đình An Thái, có cả rước kiệu giữa các làng nữa. Phường xoan Cổ Cò “nước nghĩa” với nơi này cũng được mời dự. Lão nhìn người ta khăn áo, rước sách mà thèm. Phường xoan Cổ Cò do kinh phí hạn hẹp chỉ tham gia phần hát. Kiệu cống, võng lọng, cờ phướn chẳng có. May mà phần hát phường lão khá nên cũng an ủi phần nào. Nhưng may nhất với lão Khụng là được gặp lại bà Đào, người yêu đầu đời năm xưa.
Hôm ấy, lão Khụng đích thân đánh trống giữ nhịp cho phường hát. Không khí lễ hội tưng bừng. Phía dưới hàng ngàn người, xung quanh bạn diễn có cả trăm, khiến lão Khụng thăng hoa, bốc đồng. Lão múa trống phiêu diêu như hồi trai trẻ. Người đông như thế mà tất cả im phăng phắc. Đến khi lão dồn trống chốt lại bởi hai tiếng “tùng”, “cắc”, giơ cao dùi, cúi đầu chào khán giả, kết thúc tiết mục thì tất cả cùng vỡ òa bởi những tràng pháo tay không dứt.
Khi vừa từ trên sân khấu bước xuống, đang cất hai cái dùi trống vào túi thì lão Khụng nghe tiếng gọi: “Ông Khụng! Phải ông Khụng không?”. Lão giật mình quay lại. Trước mặt lão là một phụ nữ ăn diện rất đài các, khó đoán tuổi. Chưa hẳn già, cũng không còn trẻ. Khoảng giữa tuổi năm mươi, sáu mươi gì đó. Bà đeo đôi kính thời trang, vai đeo cái túi xắc khá sành điệu. Lão Khụng đứng ngây ra nhìn. Bà ta tháo kính, nhìn thẳng vào mắt lão. “Bà Đào! Phải bà Đào không?”. Lão Khụng reo lên. Người phụ nữ cười tươi: “Vậy là anh vẫn nhận ra em”. Lão Khụng luống cuống: “Em vẫn như ngày xưa. Có phần trẻ hơn tuổi nhiều đấy. Bao nhiêu năm rồi còn gì?”.
Hai người dắt nhau tách khỏi đám đông vào trong phòng của ngôi nhà phía sau đình. Họ rối rít hỏi thăm nhau. Chuyện con cháu, chuyện người thân và những điều khác nữa. “Em theo nhà em vào Sài Gòn từ năm đó- bà Đào kể- Nhờ buôn bán gặp may, nhà em ăn lên làm ra, giờ đã thành lập công ty. Công ty em chuyên đầu tư kinh doanh bất động sản trải khắp miền Nam và miền Trung. Con em làm Giám đốc. Em là Chủ tịch Hội đồng quản trị”. “Thế chồng em?”. “Nhà em mất cách đây năm năm rồi, sau một vụ tai nạn, để lại cho mẹ con em cả một sự nghiệp còn đang dang dở. Lần này về quê dự hội làng, tiện thể ra Bắc, mẹ con em tìm kiếm thêm thị trường anh ạ. Anh hỏi sao tuổi này em vẫn đảm đương chức này chứ gì? Các thành viên công ty, cả các con em nữa, họ bắt em làm đấy. Uy tín và kinh nghiệm. Với lại sức khỏe còn làm được thì cứ làm. Cũng là tiếp bước công việc của nhà em để lại mà. Làm cho vui. Cũng như anh đấy. Vẫn lên sân khấu, vẫn giữ nhịp trống cho phường xoan đó thôi”.
Nhắc đến phường xoan, bao nhiêu kỷ niệm của họ bỗng ùa về. Cả lão Khụng và bà Đào cùng nhắc nhớ. Trong câu chuyện, lão Khụng buột ra những khó khăn của phường hát, đặc biệt về nguồn kinh phí. “Cái khó bó cái khôn. Nhìn các phường xoan khác thèm lắm Đào ạ”. “Sao anh không đề xuất cấp trên xin dự án đầu tư?”. “Đề nghị nhiều rồi nhưng có được đâu. Tỉnh còn tập trung vào bốn phường xoan gốc, chưa đến lượt Cổ Cò. Thế nên, bọn anh giữ xoan chủ yếu bằng tâm huyết, yêu xoan như ngày trước chúng mình yêu đấy, Đào ạ”…
Đêm ấy, bà Đào trằn trọc mãi không ngủ được. Sáng sau, bà nói với trợ lý của mình về lập dự án đầu tư phục dựng, quảng bá, truyền dạy hát xoan làng Cổ Cò. Anh trợ lý ngạc nhiên quá. Công ty chuyên làm kinh tế giờ lại đầu tư sang lĩnh vực văn hóa này thì hiệu quả ra sao, bao giờ thu hồi được vốn để có lãi? Vả lại, đầu tư vào làng bà Đào còn khả dĩ, gọi là chuyển lửa về quê nhà, đằng này bà ấy lại đầu tư cho cái làng Cổ Cò ở xã khác cách đây cả chục cây số là sao? Đem những thắc mắc băn khoăn đó anh trình bày với bà Đào. Nghe xong, bà gạt tay, vẻ dứt khoát: “Cậu cứ làm theo ý tôi. Dự án này giao cho chú Hòa, công ty thành viên thực thi. Lỗ lãi tôi chịu trách nhiệm. Tuyệt đối không cho ai biết, rằng tôi chỉ đạo dự án này, trừ chủ tịch xã đó”.
Sau lễ hội đình làng An Thái được mấy tháng, chủ tịch xã đến nhà lão Khụng thông báo một tin cực vui. Phường xoan Cổ Cò được trên đầu tư một dự án nằm trong “City tour” du lịch của thành phố. Nội dung chính của dự án là: trùng tu đình làng, đẩy mạnh phong trào hát xoan của làng, lấy phường xoan lão Khụng làm nòng cốt, phổ biến truyền dạy hát xoan trong các trường học, xây dựng khu du lịch sinh thái tại hồ nước ven rừng Cấm. Du khách “tua” này sẽ từ thành phố về làng Cổ Cò nghe hát xoan ở đình, tham quan phong cảnh khu hồ rừng Cấm, thưởng thức ẩm thực (đặc sản bánh tai, rau sắn, chè lam, cá thính, cơm quê…) kết thúc “tua” ở xóm Ngũ Gia trang. Trước mắt, phường xoan phải xây dựng một chương trình đặc sắc toàn các tiết mục là những làn điệu xoan cổ để phục vụ khánh thành trùng tu miếu Lãi Lèn (nơi phát tích của hát xoan Phú Thọ) vào dịp lễ hội Đền Hùng năm tới. Sau đó chính chương trình này sẽ trình diễn cho khách du lịch tại làng Cổ Cò theo tua tuyến đã định. Lão Khụng vui mở cờ trong bụng. Trên quan tâm thế thì còn gì bằng. Dự án này hình như chỉ dành cho cha con nhà lão thì phải.
Được tin vậy, lão Khụng khoái quá. Đang giữa trưa, lão múa dùi khua một điệu trống rõ dài. Tiếng trống vừa dứt, chưa kịp cất dùi thì mọ Khúng ra hiệu chuyển dùi cho mọ. Mọ lại khua tiếp một điệu trống nữa. Tiếng trống mọ đánh dài và rộn rã hơn. Nó  “thùng thùng” âm vang cả khu rừng Cấm. Nó “lách cách” khua reo loang xa lăn tăn trên mặt hồ khiến cho hồ nước như cũng chòng chành nghiêng chao theo. Thấy lạ, lũ chó của cả năm nhà cùng sủa lên ăng ẳng. Bọn gà trống cũng nhảy lên cây rơm vỗ cánh thi nhau gáy. Chim chóc đang thiu thiu ngủ giấc trưa cũng giật mình bay lên loạn xạ, hót véo von. Mấy con trâu đang nằm nhai lại cũng dừng lại nghển đầu lên, nghiêng nghiêng cặp sừng ngơ ngác. Xóm Ngũ Gia trang náo động. Chủ tịch xã mỉm cười. Ông ngồi gật gật đầu, dập dập chân theo nhịp trống xoan. Chắc ở nơi xa bà Đào cũng vui lắm.
Tác giả: Đỗ Xuân Thu – Giọng đọc: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *