Bài nổi bật

Nợ Cầm Ca – Hồng Sa

RadioVn.Com – Đối với những người được coi là nghệ sĩ sân khấu hay những nhạc sĩ, ca sĩ, cả đời gắn bó với phông màn, đờn, sáo, trống cái, trống con… thì chữ “nợ” để chỉ nghiệp cầm ca kể ra cũng không quá đáng. Chấp nhận kiếp con tằm phải trả nợ dâu, người nghệ sĩ chấp nhận và vui lòng trả nợ, món nợ của chính mình.
Nhưng không phải là nghệ sĩ, thật là oan cho chúng tôi khi phải lãnh món “nợ” ấy. Chúng tôi nào phải là một thứ “nghệ” gì đâu, chỉ biết lẳng tẳng mấy câu dân ca và đờn chưa hết bài vọng cổ. Chúng tôi có “tơ” đâu mà nhả. Ấy vậy mà là nợ đấy. Chúng tôi cũng rất tự giác “thanh toán” món nợ này.
* * *
Món nợ của chúng tôi xuất phát từ bài vọng cổ. Bác Sáu Cao Văn Lầu là nghệ sĩ, chúng tôi là lính, hai thế hệ khác nhau, hai lĩnh vực hoạt động khác nhau. Vậy mà tiếng lòng của bác Sáu gởi gắm trong bài “Dạ cổ hoài lang” đã đi vào lòng chúng tôi càng sâu, ăn vào từng đường gân, thớ thịt. Nhưng sự đam mê của chúng tôi như vậy vẫn còn là sơ đẳng. “Cụ” Thái – đại đội trưởng của chúng tôi trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, mới là bậc “siêu”: có thể nói đây là một điển hình trong những con “nợ” đối với cái thú vui đờn ca tài tử. Chính vì vậy mà Thái mới bị nhiều phen vất vả…
Trước hết, Thái mắc một cái bệnh gọi là “giật gân”. Hễ nghe ai đờn ca vọng cổ là chân tự nhiên bị giật theo từng nhịp của từng câu. Nó nhịp hồi nào, dường như “cụ” cũng không hay. Khi tiếng song loan kêu cái bốp thì chân “cụ” giật mạnh một cái, có khi làm đổ cả đồ đạt trên bàn. Nếu chân nhịp đúng với tiếng song loan thì “cụ” khoái chí lắm. Nhưng nếu nó nhịp sai, “cụ” hừ một tiếng rồi kéo nó lên, gõ cho một cái. Nó ngừng một lúc, rồi lại nhịp hồi nào “cụ” cũng không hay. Thái không thể làm việc gì được nữa, chạy ngay đến đám đờn ca như bị một sức hút vô hình. “Cụ” nhào vô cuộc chơi một cách hết mình, sẵn sàng đi nấu nước, pha trà, bưng ly mời ca sĩ khi họ xuống một chữ “xề” mê ly, ngọt lịm! Nhiều lúc, “cụ” sợ người ta chê già, hoặc ngán cái “chức” của “cụ” mà ngại xáp vô. Vì vậy, “cụ” thường động viên: “Chơi mút mùa, đừng ai bỏ cuộc! Vọng cổ không phân biệt giàu nghèo, không chê tuổi tác. Cứ xáp vô, xáp vô!”.
Thực tế, Thái đã già đâu! Anh chỉ mới ba mươi tuổi nhưng lao tù Côn Đảo đã làm anh bị “lão hóa” sớm và anh em hay gọi bằng “cụ”. “Cụ” vẫn còn ngon lành lắm đó. Nhứt là khi chiến đấu, có đứa nào xông xáo bằng… Nhưng cái chữ “cụ” được anh em tôn vinh đã làm Thái bị sụt thế trong các cuộc chơi. Nhưng không sao! Cái tính cởi mở của “cụ” rất mau hòa hợp với bọn trẻ nên lần nào cũng vậy, “cụ” ở chơi tới mãn cuộc, trừ khi có nhiệm vụ cấp bách. Khi tan cuộc, Thái thường nài nĩ:
– Tụi bây thêm cho tao “mấy giọt nước mắm hòn”…
Đó là lời ca trong bài “Viếng mồ bạn”do nghệ sĩ Bảy Cao ca và được thu vô đĩa Asia mà “cụ” Thái rất thích. Bài ca mở đầu bằng câu “mấy giọt nước mắt hồng” mà cụ chế biến thành “nước mắm”. Hết “Viếng mồ bạn”, “cụ” lại yêu cầu “Chưa cạn dòng sầu”… Phải trì kéo thêm năm ba mươi phút, cuộc chơi mới kết thúc. “Cụ” ra về, ngâm nga một câu Kiều: “Nghề chơi cũng lắm công phu”… Nhiều khi Thái đi ra bãi tập luôn mà không cần nghỉ ngơi gì cả. Dường như vọng cổ đã làm cho cơ thể “cụ” được thêm nhiều ca-lo lắm!
Nợ Cầm Ca – Hồng Sa
Những lúc rảnh việc, Thái thường kể chuyện Côn Đảo cho chúng tôi nghe và dĩ nhiên trong đó lại có chuyện ca vọng cổ. Thái nói:
– Bây giờ có nhiều ca sĩ quá nên tao bị lép vế phải xuống hàng “điếu đóm”. Chớ hồi ở trong tù, tao là danh ca “số dách” chớ phải chơi đâu. Đêm nào yên ổn, không bị bọn cai ngục đánh đập, các bạn tù trò chuyện, tâm tình, học tập chính trị rồi văn nghệ, mặc dù chân vẫn trong cùm. Thôi thì “trăm hoa đua nở”, ai biết gì biểu diễn cái ấy. Bài vọng cổ của “Thái tao” luôn luôn được khán giả yêu cầu hát lại. Họ hô “bis, bis” như ở bên Tây vậy. Anh em yêu cầu có lời ca mới, có ý nghĩa cách mạng. Lấy đâu ra? Đành phải tự biên… Nhưng cái trình độ tự học văn chương chỉ cho phép tao làm ra những câu ca muốn trẹo họng. Tao cũng sáng tác vọng cổ hài nữa chớ! Bữa nọ, nghe tin xe của thằng chúa đảo đụng vô cầu, tao liền làm mấy câu: “Than ôi, xe đụng vô cầu, xốp-phơ lổ đầu, thằng Tây gãy cẳng… ơ…. ơ…”. Đêm đó, tao biểu diễn được hoan hô nhiệt liệt! Niềm vui vọng cổ đã tạo nên những tràng cười, đó là những liều thuốc bổ hiếm hoi trong tù!
“Cụ” Thái còn được làm thầy vọng cổ trong tù nữa chớ. Thái kể: trong các bạn tù, có người muốn “thọ giáo” về ca vọng cổ, anh nhận lời làm sự phụ. “Đệ tử” lúc đó có hai người: một người quê miền Bắc, người kia là anh bạn gốc Khmer. Anh miền Bắc ca vọng cổ theo giọng Bắc, không hợp với những cái lỗ tai Nam kỳ. Anh Khmer thì cứ phát âm giọng lên, xuống “xề” không được… Vậy thì vọng cổ cái nổi gì? “Sư phụ” đành chịu thua, trở lại với vai trò “đệ nhất danh ca” và là danh ca duy nhất trong trại.
Nhưng những bài vọng cổ của Thái lại có kết quả bất ngờ. Một cai ngục lại rất thích nghe ca vọng cổ, nhất là bài “Từ là từ phu tướng…”. Đêm đêm, anh ta cứ thập thò trước cửa trại. Lúc đầu, ai cũng tưởng anh ta đi theo dõi tù nhân, mãi sau mới biết là anh ta muốn nghe vọng cổ. Có những đêm anh ta nhận đi kiểm tra tù thay cho một tên cai khác. Anh ta cũng hò hét, đập cây ma-trắc ầm ầm vào các cánh cửa, làm như đang đánh đập tù nhân. Anh bảo mọi người la ầm lên như đang bị hành hạ. Xong màn kịch là tới màn… vọng cổ. Cái trò này kéo dài được mấy tháng thì bị một tên cai ngục khác phát hiện. Anh ta bị đưa đi đâu không rõ, không biết với tội danh gì – có khi là tội “mê vọng cổ” cũng nên! Anh em trong trại cũng đỡ bị nếm mùi ma-trắc trong một thời gian và được anh ta đem tặng một số thuốc men mà anh em gọi vui là “vọng cổ chi lộc”.
* * *
Nghiện cái gì, đam mê cái gì, đúng là mắc nợ với cái ấy. Nhiều khi còn khổ sở vì nó nữa. “Cụ” Thái của chúng tôi rất thấm thía về điều này.
Một hôm, Thái tháo tung khẩu súng lục ra từng bộ phận để lau chùi vì súng bị ướt sau khi đi nghiên cứu mục tiêu. Bỗng có tiếng đờn ca đâu đó. “Cụ” vội bỏ tất cả tại chỗ, đi tìm nơi đã phát ra những âm thanh ngọt ngào ấy. Anh em nghe tiếng “cụ” hô lớn: “Nó đây rồi!”. Mọi người tưởng “cụ” đã ráp lại xong khẩu súng. Ai ngờ khi “cụ” đã thỏa mãn “cơn nghiện”, ra về thì tại nơi cụ lau súng, con khỉ của chủ nhà đang “dọn dẹp” các thứ giùm cho “cụ”: Nó giơ lên, đặt xuống từng bộ phận, nhìn vào nòng… lập lại các động tác mà nó đã thấy cụ làm trước đó. Khi nó thấy có người thì vội phóng lên cây bưởi trước nhà, ngồi gãy bụng… “Cụ” Thái nhà ta hoài nghi cái anh chàng láu cá kia, vội đến ráp lại khẩu súng. Mọi thứ vẫn bình thường, chỉ có cái lò so là biến mất! Thôi rồi. Mọi người đi tìm con khỉ coi nó giấu ở đâu nhưng không thấy. Nhìn vào hai tay nó chẳng thấy nó cầm gì. Đuổi nó thì sợ nó chạy mất. Cuối cùng phải tốn mấy trái chuối chín mới dụ nó xuống. Nhưng khám xét toàn thân nó cũng không phát hiện được gì. Đêm hôm đó, dù có cô Năm Cần Thơ, cô Ba Bến Tre hay một nghệ sĩ tài danh nào khác đến ca vọng cổ thì “cụ” Thái chúng tôi cũng không còn lòng dạ nào mà đi nghe. Thái hết ngồi lại đứng, lâu lâu lại phát ra một tiếng thở dài, kèm theo hai chữ “dại quá”. Khẩu súng bị hư là bị kỷ luật chứ phải chơi đâu! Sáng hôm sau, Thái định châm một bình trà, nghe có tiếng kêu rột rẹt. Anh giở nắp bình ra và hô lớn: “Nó đây rồi!”. “Cụ” cười hà hà, thật là một phen mất vía.
Một lần, các tay tài tử có tiếng trong vùng gặp nhau tại nơi chúng tôi đóng quân. Họ muốn gầy một cuộc đờn ca, mà đờn lại thiếu. Phải đi trên hai cây số mới có thể mượn được mấy cây. Nhưng trời tối, đường đi trơn trợt nên ai cũng ngại. Vậy là “cụ” Thái chúng tôi xung phong. “Cụ” gọi tôi cùng đi vì biết tôi cũng là một tay ghiền. Thái cười hà hà, động viên tôi: “Muốn ăn phải lăn vô bếp! Mình ham vui mà…”.
Để tranh thủ thời gian, Thái bàn với tôi nên đi tắt đường ruộng. Trên đường, anh động viên tôi bằng một câu chuyện, cũng là chuyện vọng cổ.
 
Nợ Cầm Ca – Hồng Sa
… Hồi cái thời ta còn cấm vọng cổ vì sợ nó ủy mị, làm yếu tinh thần kháng chiến. Thái nhiều lần tham gia vào các đoàn nghệ sĩ hát “chui” ở nông thôn. Một đêm, đoàn của Thái đang chui ở một chòi vịt giữa đồng, vừa mới so dây, rao vài câu lấy hứng thì từ mé vườn có tiếng người bì bõm lội ra. Vậy là cả bọn kéo nhau chạy. Bên kia cũng chạy. Hai bên đều có tiếng phụ nữ la oái oái. Thì ra đó cũng là một đoàn vọng cổ “chui”! Toàn là người đồng hội, đồng thuyền, đồng ghiền vọng cổ, hai bên nhập lại làm một, ca hát quá đã. Hôm sau, chính Thái đi tìm ông chủ của cái chòi đưa tiền nhờ sửa chữa và mở rộng, nâng cao để lần sau lại đến. Người chủ chòi vịt không nhận tiền, nhưng hứa sẽ làm lại cái chòi với một yêu cầu là mỗi lần có “ca chui” thì báo nhỏ cho anh ta biết để cùng “chui”.
Mượn được cây đờn, Thái và tôi vội vã trở về theo đường cũ. Thái kể một chuyện khác:
…Một hôm, Thái cùng một chú liên lạc chèo xuồng lên báo cáo tình hình với cấp trên. Tới phiên Thái chèo. Tới một khúc sông nọ bỗng thấy trên bờ có một nhà nọ đèn đốt sáng choang. Từ xa đã nghe “mùi” vọng cổ, kèm theo mùi thịt cá chiên xào. Tai muốn nghe, bụng thấy đói nhưng chưa tìm ra một cái cớ gì để ghé lại cái đám giỗ hay đám cưới gì đây mà khỏi bị mang tiếng “khách không mời mà đến”. Thái định đi luôn. Nhưng “đệ tử” cũng rất nhạy cảm với những cái mùi bốc ra từ trên bờ, mà sao lại thấy “sư phụ” thờ ơ, liền trỗi dậy, giành lấy mái chèo, đẩy mạnh cho xuồng lướt tới. Khi vừa tới nhà sáng ánh đèn, cậu ta té xuống sông cái đùng. Trên nhà, mọi người xôn xao. Mấy anh thanh niên nhào xuống sông… cứu nạn. Họ nhao nhao: “Bộ đội chìm xuồng!”.
Chú liên lạc ướt loi ngoi, vừa leo lên xuồng, vừa nói lớn: “Không sao, không sao! Quai chèo bị đứt, té xuống sông cho mát! Cảm ơn các anh, xin phép đi luôn!”.
Các mẹ, các chị xôn xao, gặp bộ đội đâu ai cho phép đi luôn! Các anh trai tráng kéo xuồng vô bờ. “Cụ” Thái lấy quần áo cho “đệ tử” thay. Một mâm cơm đã bày sẵn. Chẳng đợi phải mời lâu, hai thầy trò mỗi người làm một bụng rồi xáp vào đám đờn ca… Ở lâu quá cũng hơi khó coi, đành phải từ giã. Lại thêm một gói thực phẩm “xơ cua” của các mẹ cho ngày mai. Khi xuồng đã đi xa, “cụ” Thái điều tra mới biết đó là “khổ nhục kế” của chú liên lạc, không phải để “chịu đấm ăn xôi” mà để “chịu lạnh ăn đám cưới và nghe vọng cổ”!
Thái cười hà hà kết luận: “Cái thằng nhóc nó ma-le hơn tao một bậc”. Đang cười ngon lành, bỗng “cụ” la “ới” một tiếng rồi quỵ xuống, tay vẫn ôm chặt cây đờn. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi thấy bóng một con rắn lượn trên cỏ. Đúng nó là thủ phạm đã quặp vào chân “cụ”. Tôi vội lấy cái khăn rằn trên cổ cột chặt trên bắp chân “cụ” rồi dìu Thái đi. May mà đã gần tới nhà. Mấy bà con thạo nghề sơ bộ cấp cứu để đưa “cụ” xuống xuồng đi tới ông thầy thuốc rắn. Trong cổ Thái đã nghe có tiếng khò khè vậy mà “cụ” còn yêu cầu được nghe một bài vọng cổ. Nhưng chẳng có ai chiều theo ý “cụ” bởi trong lúc này, “cụ” bị “nghẹt cổ” rồi…
* * *
Thái còn nhiều phen gian nan vì đam mê vọng cổ. Cái nợ cầm ca chắc còn đeo đẳng “cụ” cho hết đời này và cả đời sau – nếu có. Có lần Thái nói:
Chừng nào tao chết, tụi mày nhớ chôn theo tao vài tập bài ca vọng cổ. Khi lên trời, tao sẽ tổ chức đờn ca tài tử chơi cho vui. Chắc là Ngọc Hoàng cũng tham gia. Hằng Nga cũng phải: “Từ là từ phu tướng…”.
* * *
Bác Sáu ơi! Bác có biết chăng bài “Dạ cổ hoài lang” của bác đã làm cho nhiều người mắc nợ như vậy. Từ nhịp 4 nó phát triển thành nhịp 8 rồi nhịp 16, nhịp 32. Mỗi lần tăng nhịp gấp đôi, bài vọng cổ càng thêm mùi mẫn, mê ly. Nếu cứ tăng nhịp gấp đôi thêm vài ba lần nữa, chắc là ca sĩ đều… hết thở! Nên dừng lại ở nhịp 32, nhưng phải cải tiến nghệ thuật biểu diễn, nâng cao nội dung, gọt giũa ca từ, làm cho bài vọng cổ ngày càng hay, luôn theo kịp trào lưu văn nghệ của cuộc sống.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *