Bài nổi bật

Nơi có giàn cây buông mành

Truyện đêm khuya  –  Khách sạn làm theo lối nhà sàn, vô vàn cây xanh bao quanh. Những căn chòi lá ẩn hiện giữa vườn cây mênh mông được nối với nhau bởi những lối đi như một khu vườn cổ tích. Căn phòng của họ nhìn ra khoảng sân rộng, ở đó có một giàn cây buông mành thâm niên vài chục năm có lẻ.
Chị chưa gặp ở đâu một giàn cây buông mành hoành tráng đến thế, rộng, to, dày sìn sịt. Chủ nhân của nó đã dày công buộc rễ thành từng búi to đùng, nặng trĩu. Những búi rễ màu nâu nhạt, càng dài càng có màu hồng tươi nõn nà. Khi anh dẫn chị lên đây, chị đã reo lên như một đứa trẻ: Ôi anh ơi, sao lại có một thứ cây rễ giống như tóc con gái thế này? Chị ào vào giữa vô vàn chùm rễ, sờ vuốt, nâng niu những cọng rễ mảnh mai, tha thướt. Còn anh lại ngây ra ngắm chị, lâu lắm, anh mới lại thấy chị hồn nhiên, tươi tắn như thế. “Cho tôi một phòng có thể ngắm trọn vẹn cả giàn rễ này”. Anh nói với cô lễ tân, hình dung ra sự khám phá thích thú của chị. Chị kéo toang rèm cửa. Tuyệt quá anh ơi! Làm sao anh tìm được chốn tuyệt diệu xa xôi này thế? Anh không trả lời. Lẳng lặng đóng rèm cửa lại, ghì chặt tấm thân ấm nóng của chị vào lòng.
 
– Chào mừng em chính thức bước vào cuộc đời anh, vợ yêu của anh – Anh lướt môi lên vành tai chị thầm thì.
Chị ôm riết lấy cổ anh, lùa tay vào mái tóc sớm có vài sợi bạc, lo lắng:
– Bọn trẻ nó có tha thứ cho chúng mình không hả anh?
Anh cười nhẹ:
– Sao em lại dùng từ tha thứ, chúng mình chưa buồn vì chúng nó là còn may!
Cả hai cùng bật cười, ừ nhỉ! Anh bế chị nhẹ bỗng trên tay, tuổi trung niên của anh mới mạnh mẽ làm sao. Người chị nhũn ra, khao khát. Họ thiếu vắng nhau đã lâu quá rồi.
Một tia nắng xuyên qua mái lá nhảy nhót trên bờ vai trần của chị, anh nằm ngửa, còn chị bình yên gối đầu lên vai anh, tia nắng vẫn hồn nhiên nhảy nhót theo nhịp thở của chị. Chị nghịch ngợm đưa ngón tay giữa miết ngang trán anh, miết theo sống mũi, dừng lại rất lâu trên môi anh, rồi ngón tay chị trượt xuống cổ, xuống ngực, chị mân mê hai đầu ti của anh. Anh rùng mình, phì cười vì nhột và thích thú. Chị bật cười khúc khích. Anh im lặng, lắng nghe cảm nhận của cơ thể mình sau từng cái miết tay của chị. Một lúc sau, chị ngừng tay, quàng tay qua ngực anh, nũng nịu: “Anh nói chuyện đi, thao thao bất tuyệt như bao lần trước đây ấy”. Rồi chị nhắm mắt, nhớ lại cảm xúc lần đầu tiên hẹn hò cùng anh, rõ ràng là anh bối rối, nhưng anh đã nói rất nhiều, về sau chị phát hiện ra mình nghiện tiếng nói của anh. Chị có thể im lặng lắng nghe, thi thoảng mỉm cười chỉ để nghe anh nói hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán. Anh cũng vậy, bình thường anh là người ít nói, thậm chí hơi khó gần, nhưng khi gần chị, chẳng hiểu chuyện ở đâu ra mà anh nói nhiều đến thế. Anh lật người, hôn chị đầy thèm muốn. “Em khiến cả người anh nóng ran lên lại còn bảo anh nói chuyện thì như đánh đố anh”. Chị ôm lấy gương mặt thân thiết của anh, thì thầm: Em không cố ý, nhưng anh phải giữ gìn sức khoẻ, mình còn cả một quãng thời gian dài phía trước chứ đâu chỉ có ngày hôm nay hả anh?
Nơi có giàn cây buông mành
Chị gặp anh tại một quầy bán rau. Trong ý niệm của chị, đàn ông ở cái xứ miền Trung này nếu phải ra chợ thì không phải vợ chết thì cũng bị vợ bỏ, nếu không nữa thì đó là một gã bủn xỉn, muốn tự mình đi chợ để quản lý tiền nong. Anh không giống loại đàn ông bủn xỉn, cũng không giống kiểu đàn ông bị vợ bỏ. Nhưng anh đi chợ thường xuyên, mua một cách tuỳ hứng, thậm chí bị bán đắt cắt cổ mà vẫn cười. Chị và anh thường xuyên chạm trán nhau vào một cung giờ nhất định là và lúc hết giờ làm việc. Sau vài lần chạm trán, họ bắt đầu mỉm cười với nhau. Vào cái giây phút nụ cười của hai người chạm vào nhau, chị phát hiện ra anh có một nụ cười rất ấm áp, còn anh nhận ra chị là một phụ nữ rất dịu dàng. Vài tháng sau nữa, chị đủ mạnh dạn để hỏi anh câu hỏi thường trực trong đầu chị từ rất lâu rằng: Người phụ nữ của anh đâu mà anh cứ phải ngày ngày đi chợ như thế? Anh cười rất buồn: Cô ấy bị tai biến, liệt nửa người hơn nửa năm nay, các cháu thì còn bé quá… Tiếng anh nhỏ dần và loãng ra trong ánh chiều lóa nhóa. Ly nước mía kêu ra không kịp uống hết, anh đã vội vã ra về. Chị luýnh quýnh đứng dậy lấy hộ tiền thừa anh không kịp lấy và ấn bừa vào tay anh vừa rầy la một cách âu yếm “Vội gì thì vội cũng phải nhớ lấy lại thứ thuộc về mình đã chứ anh”. Anh cười xòa, ngượng nghịu, ừ nhỉ! Thỉnh thoảng anh cứ hay lẩn thẩn như thế.
Vài tháng sau nữa, chị biết được chỗ làm việc của anh và tình trạng của vợ anh chẳng có tiến triển gì, thậm chí còn xấu đi nữa. Anh mỗi ngày một gầy đi, có hôm cằm đầy râu mà anh không kịp cạo. Chị nhận ra mình bắt đầu thấy xót xa trước vẻ tiều tuỵ của anh. Rồi một buổi chiều, chị chờ anh trước cổng cơ quan với một bịch đầy đủ thức ăn. “Từ nay anh cứ đưa tiền em đi chợ giúp cho, em đảm bảo không bớt một xu”. Chị đưa bịch thức ăn cho anh, cố tìm một câu hài hước nhưng nó đã được thốt ra đầy vụng về. Anh nhìn sững vào đôi mắt hoe đỏ của chị, thấy được tận cùng nỗi xúc động chân thành. “Cảm ơn em, nhưng em cũng đâu có rảnh rỗi mà còn phải bận bịu thay cho anh”. Chị cười nhẹ: “Chuyện chợ búa là bản năng của đàn bà chúng em”.
“Cô ấy từng là một người vợ đảm đang, tháo vát. Hồi cô ấy khoẻ mạnh, mấy cha con anh chẳng bao giờ biết đến chuyện chợ búa, bếp núc là gì. Thỉnh thoảng anh chỉ giúp cô ấy rửa mấy cái bát. Ngày ba bữa, lúc nào cũng cơm dẻo, canh ngọt. Từ khi cô ấy ốm, anh mới biết phải đảm đương một lúc cả việc nhà, chăm sóc con cái, việc nhà nước chẳng đơn giản chút nào. Biết thế lại càng thương cô ấy nhiều hơn”. “Có lúc nào anh thấy mệt mỏi không?”. “Có, nhưng anh thà như thế, nếu cô ấy không khoẻ mạnh trở lại thì anh vẫn mong cô ấy cứ sống mãi như thế với cha con anh, được nhìn thấy cô ấy, được nghe cô ấy thở, nghĩa là cô ấy vẫn đang tồn tại trong cuộc sống của anh”. Chị rưng rưng nhìn hút vào gương mặt hốc hác của anh, cảm nhận được tình yêu ăm ắp anh đang giành cho người vợ bất hạnh. Anh là người đàn ông tốt. Tốt đến mức chị thấy những ước mong của mình trở nên nhỏ nhoi, ích kỷ.
Cô ấy yếu đi nhiều lắm. Anh thở ra một hơi héo hắt khi anh gọi cho chị bảo rằng, hôm nay chị không phải đi chợ vì thức ăn vẫn còn nguyên, vì cả nhà chẳng ai còn tâm trạng ăn uống nữa cả. Vài ngày sau nữa, vào một đêm oi nồng, điện thoại nhà chị vang lên chói gắt. Giọng anh khản đặc: Cô ấy mất rồi. Chị cảm thấy mọi giác quan của mình như muốn rã ra. Chị khóc. Khóc cho sự mất mát của anh, khóc cho một kiếp người kết thúc một cách buồn tẻ và đau đớn. Chị đến thắp nhang cho vợ anh, người phụ nữ trong ảnh chiếu vào chị ánh nhìn hồn hậu. Bà con họ hàng nhà anh kéo đến lo hậu sự cho người quá cố rất đông. Anh mặc đồ tang trắng, gò má gồ lên như đang cố kìm nén một cơn đau khủng khiếp. Chị đau đáu nhìn anh một lúc lâu rồi lẳng lặng ra về. Chị biết, sự nấn ná của chị rất có thể khiến họ hàng anh, các con anh sẽ hiểu lầm, rằng: Lúc vợ anh đang nằm chờ chết thì anh đã kịp có người đàn bà khác. Không thể. Chị muốn hình ảnh của anh sẽ mãi mãi đẹp trong tâm trí các con của anh, mà nói một cách chính xác thì anh xứng đáng được như thế.
Chị không gặp anh kể từ ngày ấy. Chị muốn anh dành trọn vẹn sự tiếc thương cho người vợ yêu quý của mình. Chị nhớ thương anh, nỗi nhớ thương dềnh lên khắc khoải vào buổi chiều tà. Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi chị gặp anh để đưa đồ ăn cho anh mỗi ngày. Chị có gì phải vội vàng đâu. Sau hai đời chồng với những trắc trở và mất mát, chị đủ bao dung để yêu thương, đủ nhẫn nại để chờ đợi. Cứ vào buổi sáng, chị gửi cho anh một tin nhắn để chắc chắn rằng anh vẫn ổn, rồi chị yên tâm vùi mình vào công việc. Chị có niềm vui đi chợ, niềm vui được mặc cả mua bán, niềm vui được nấu những món ăn ngon, dù người thưởng thức chỉ có một mẹ già và cô con gái sắp đến tuổi vào đại học. Từ ngày quen anh, chị có thêm được niềm hạnh phúc là được đỡ đần giúp anh phần nào gánh nặng công việc gia đình. Bây giờ, chị tạm gác lại chuyện đó, phần vì chị không muốn làm anh khó xử, phần vì anh bảo đã có mẹ anh từ quê ra ở với mấy bố con.
Nơi có giàn cây buông mành
Chị nhổm dậy khỏi giường, giơ tay bới lại món tóc uốn quăn mềm mại rồi lại kéo tấm rèm cửa. Nắng chiều đã nhạt, hắt từng búi rễ buông mành thành những chiếc bóng dài. Chị có thể nhìn thấy ánh nắng xuyên qua những sợi rễ tạo thành những vệt sáng màu hồng rực. Chị tựa vai vào thành cửa sổ, mỉm cười với ý nghĩ anh đang ngắm mình từ phía sau. Rồi chị xoay người lại phía anh với đôi gò má ửng hồng:
– Đẹp như trong thế giới cổ tích vậy, cả câu chuyện của chúng mình nữa anh à.
Anh nhẹ nhàng đến bên vợ, giờ thì anh có thể gọi chị là vợ được rồi, anh ôm phía sau lưng chị, thủ thỉ:
– Hôm nay em cũng thế, anh nhìn mãi mà không biết chán.
Chị bật lên tiếng cười trong trẻo:
– Em quá tuổi để được khen đẹp rồi, anh không cần phải nịnh em thế đâu.
Anh có nịnh đâu, sự hạnh phúc và mãn nguyện khiến mắt chị long lanh, khuôn mặt chị bừng sáng, chị nói liến thoáng như một cô bé đang vào tuổi dậy thì. Anh vui ngộp thở với vẻ hân hoan của chị. Thoắt cái, chị lại trở nên tư lự:
– Mình có nên cho bọn trẻ biết chuyện này chưa anh?
– Theo anh thì… – Anh cũng trầm ngâm – Trước mắt mình cứ làm như đã bàn, tạm thời chúng mình cứ nhà ai người nấy ở, thỉnh thoảng lên đây làm vợ chồng của nhau.- Anh bụm miệng cười – Hơi tốn kém một chút nhưng mà lãng mạn em nhỉ? Anh sẽ tìm cách cho bọn trẻ nhà anh hiểu ra vấn đề. Còn con gái em thì thế nào?
Chị thở dài:
– Nó không muốn em đi bước nữa vì nó thương em, nó sợ em lại khổ, chỉ thế thôi chứ nó chẳng ích kỷ gì đâu. Dù sao thì nó trưởng thành hơn mấy đứa con anh nên phản ứng của nó vẫn chấp nhận được.

Họ đã không gặp nhau sau đám tang vợ anh hơn một năm. Trong thời gian ấy, chị tránh không gặp anh đã đành mà anh cũng chẳng bao giờ tìm gặp chị. Chị nhớ anh mà cũng giận anh kinh khủng. Người đâu mà… Chẳng lẽ anh ta cứ đắm chìm mãi trong đau khổ vậy sao? Chẳng lẽ cứ phải tỏ ra đau khổ mới thực sự tiếc thương? Chuyện sinh lão bệnh tử là chuyện không tránh khỏi với mỗi đời người. Tại sao một người như anh lại chưa thể thông suốt chuyện đó? Nhớ, và giận, rồi thương. Nhưng chị đầy kiêu hãnh thành ra chị ngưng luôn cả việc nhắn tin. Biết người ta có muốn nhận tin của mình không mà ngày nào cũng hỏi thăm, lãng nhách. Chị quyết định mặc kệ anh, quãng đời khổ nhục phía trước đủ cho chị thấy thấm thía việc cố đấm ăn xôi nó đắng đót thế nào.
Nhưng có phải vậy đâu, anh nhớ thương chị từng giờ. Sau những ngày tang khó, hết lễ 49 ngày đến lễ 100 ngày, rồi chẵn năm của vợ là những tháng ngày rỗng rễnh buồn tênh của anh. Việc nhà đã có mẹ lo toan, anh chỉ việc đưa đón con đi học và kèm cặp chúng. Đau khổ đã nguôi ngoai dần. Anh chợt nhận ra ý nghĩ muốn vợ tồn tại trong đau đớn với mình mãi thật ích kỷ, cô ấy đã được giải thoát, lẽ ra cô ấy nên được giải thoát sớm hơn nếu như anh không bằng mọi giá níu kéo sự sống cho nàng. Những đêm không ngủ, anh thường kéo ghế ngồi trước ban thờ nàng và thủ thỉ với nàng những chuyện học hành của con cái. Nhưng khủng khiếp thay, sự câm lặng của nàng khiến anh tuyệt vọng đến mức muốn tự huỷ diệt mình. Anh chấm dứt việc đó, sự rỗng rễnh khiến anh nghĩ đến người phụ nữ trước đây vẫn sẻ chia với anh những buồn vui, vất vả. Nhưng anh đã ngần ngại, sự biến mất đột ngột của chị làm anh mất tự tin hẳn. Đã vậy, gần đây những tin nhắn hiếm hoi chị thôi không nhắn nữa. Có thể người ta chỉ động lòng trắc ẩn thôi, anh buồn bã tặc lưỡi. Nhưng thật tệ, những ánh mắt, những cử chỉ đầy cảm động của chị luôn ám ảnh anh. Tận cùng sâu thẳm, anh cảm nhận người đàn bà ấy không đơn thuần giúp anh chỉ vì lòng trắc ẩn. Cuối cùng, vào một lần, lúc quá nửa đêm anh thử bấm máy gọi cho chị.
Đã mấy năm trôi qua rồi.
Nếu chỉ để sống cho riêng mình thì cả anh và chị đã đến với nhau thật dễ dàng. Các con của anh còn quá bé để có thể hiểu và cảm thông. Thằng lớn, trong một lần anh ướm thử có mẹ mới cho nó, nó đã phản ứng bằng cách bỏ học, ngồi lì bên gốc cây góc sân trường. Anh không thích sự miễn cưỡng, anh muốn mọi cái đều phải êm xuôi, lúc đấy anh mới dám yên tâm với hạnh phúc của mình. Chị gái của anh thì cương quyết, cậu có đi bước nữa thì nên chọn đối tượng gái lỡ thì, người ta đã hai đời chồng nếu không vì tật này thì cũng bởi lỗi nọ, rồi lại dang dở. Tôi không muốn nhìn cậu khổ. Anh muốn giải thích nhưng vấn đề ở chỗ chị gái anh là người cố chấp, cái gì mà chị ta đã có thành kiến thì đừng hòng thay đổi. Chị không buồn vì những trở ngại đó, hai đời chồng đều không phải lỗi tại chị. Đời chồng trước – bố của con gái chị – mất vì bệnh tật. Mấy năm sau chị chắp vá với người thứ hai. Mọi chuyện có thể vẫn êm xuôi hoặc có thể tồi tệ khủng khiếp nếu như lần ấy chị không bắt gặp cái nhìn thèm khát của gã trước cơ thể dậy thì của con gái mình. Đó là khoảnh khắc chị thấy trái đất như sắp đổ sụp. Chị kinh hoàng không dám hình dung đến cảnh con gái bị chà đạp. Chị nhất quyết ly hôn. Và sau đấy, chị không hề hối hận. Chỉ cần con gái bé bỏng của chị được bình an, chị có thể làm tất cả mọi thứ.
Nhưng anh thương chị, thương chính mình. Cuối cùng, một ngày đẹp trời anh dẫn chị đi đăng ký kết hôn.
Nơi có giàn cây buông mành
Anh chia tay chị tại ngã tư, cười mà ngậm ngùi:
– Có đôi vợ chồng nào mới kết hôn mà mỗi người mỗi nhà như chúng mình không nhỉ? Biết thế mình cứ ở trên khách sạn ấy thêm vài ngày nữa, anh chẳng muốn xa em chút nào.
Chị cũng cười, mắt ngân ngấn, nhưng chị vẫn động viên anh:
– Chỉ là tạm thời thôi mà anh, em tin các con của chúng ta không phải là những đứa ích kỷ.
Hàng ngày, buổi trưa, trừ thứ bảy, chủ nhật, hai người hẹn hò, gặp gỡ nhau như đôi tình nhân. Sáng sớm chị nấu thức ăn lèn chặt trong cặp lồng rồi xách đi làm. Con gái chị thắc mắc:
– Dạo này mẹ ăn nhiều lên hay sao mà con thấy cặp lồng lúc nào cũng nặng trĩu. Mẹ cẩn thận đấy, tuổi mẹ mà béo là không tốt cho sức khoẻ đâu.
Chị nửa đùa nửa thật với con gái:
– Mẹ bới cho bạn trai của mẹ cùng ăn con gái à.
Con bé lặng thinh, một lát nó thẽ thọt:
– Chỉ cần đó là người tốt mẹ ạ. Con chỉ muốn mẹ vui thôi.
Chị kể chuyện đó với anh, anh khấp khởi:
– Thế anh đã đủ tốt chưa em?
Chị phì cười:
– Với em thì được rồi, nhưng còn phải qua sát hạch của con gái em đã.
Thỉnh thoảng, anh đến nhà chị, chị đến nhà anh. Hai người cố tạo cơ hội để gần gũi mấy đứa trẻ. Phần con gái chị có vẻ đã ổn. Nó thường dành thời gian để chuyện trò cùng anh, hình như nó muốn qua đó để hiểu thêm về người cha dượng tương lai này. Nhưng mấy đứa trẻ nhà anh, dưới sự tuyên truyền của bà bác, bọn chúng có vẻ e dè. Tuy nhiên, chúng vẫn lễ phép và rất hào hứng với mấy món ăn mà “bạn gái” của ba nấu.
Giờ nghỉ trưa, chị cố ép anh ăn hết chỗ thức ăn chị mang đến, thở dài:
– Nó hơi nguội nhưng anh chịu khó ăn vậy, chẳng biết vợ chồng mình phải chịu cảnh cơm đùm gạo bới này đến lúc nào?
– Cứ thế đã em ạ, mẹ anh hàng ngày vẫn làm thuyết khách giúp tụi mình. Toàn là trẻ ngoan nên dễ đối phó. – Anh ôm lấy chị bông đùa – Cuối tuần này mình lại lên chỗ cũ em nhỉ?
Chị dụi đầu vào ngực anh, gật đầu. Chị nhớ anh, lúc nào chị cũng nhớ anh. Chỉ lúc nào hai người thực sự tan hòa vào nhau chị mới thấy đủ. Thậm chí, lúc chỉ có hai người, chị phải áp sát vào anh, chạm vào anh, chị mới tin là đang có anh bên mình.
Chị lại được ào vào giữa vô số sợi rễ mềm mại, mỏng manh, cái màu hồng tươi hắt lên má chị sắc hồng rực rỡ. Lâu quá, với những bận bịu, lo toan, anh chị chưa có dịp trở lại chốn này. Những đoạn rễ cũ đã ngả sang màu nâu nhạt, đoạn rễ mới lại kiêu hãnh phô phang sắc hồng. Anh lại đứng ngắm chị, tự nhủ, anh sẽ làm một cái giàn thật kiên cố, trồng tặng chị một giàn cây như thế này trong chính khu vườn của mình.
Bẵng đi.
Bọn trẻ ngỡ ngàng khi bắt đầu nhìn thấy những sợ rễ mảnh mai đầu tiên buông xuống sân nhà. Cây gì mà đẹp vậy ba? Con chưa thấy bao giờ. Là cây buông mành, anh nói và mơ màng nghĩ đến chị. Cô ấy sẽ rất thích sau một thời gian dài vắng bóng. Anh nhớ chị biết bao, sự thiếu vắng và hụt hẫng khiến anh trở nên ngơ ngẩn. Những cuộc điện thoại đường dài chẳng giúp anh khuây khỏa là bao. Chị đang đưa mẹ vào Nam chữa bệnh, và anh cảm thấy bất lực khi không thể cùng chị san sẻ gánh nặng này. Hàng ngày, anh đảo qua nhà chị xem tình trạng học hành, ăn ngủ của con gái chị như thế nào. Mọi thứ vẫn ổn, cô bé bắt đầu có biểu hiện mừng rỡ khi thấy bóng anh và làm theo tất cả những gì anh dặn dò.
Thằng lớn nhà anh lại thấy buổi trưa ba về nhà ăn cơm cùng nó và bà nội, mà dạo này nó không còn thấy cái dì đẹp đẹp, buồn buồn, hiền hiền thỉnh thoảng đến nhà nấu món ngon cho anh em nó. Tự dưng nó thấy nhơ nhớ và thiêu thiếu. Chẳng lẽ vì anh em nó mà ba và dì ấy chia tay nhau rồi sao? Rồi nó thấy lo lo, phải hỏi bà nội mới được, bà nội cái gì cũng biết…
 
Đồng Hới, tháng 3 năm 2010

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *