Bài nổi bật

Nối dây – Chu Thị Minh Huệ

Có thể so với một số cây bút tiêu biểu về đề tài miền núi như Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ bớt ngồn ngộn chi tiết và tiết chế sự dữ dội hơn. Bù lại, tác giả rất biết cách để những trang văn của mình không trở thành minh họa thuần túy cho tập tục của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Những câu văn ngắn, dễ hiểu, vừa phải, cô đọng kể cho chúng ta về câu chuyện về thân phận người Mông ở Yên Minh, ở Đồng Văn thông qua những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc từ nghìn xưa. Nhà văn có thói quen đặt ra các câu hỏi, các giả thiết rồi lại tự lý giải để làm sáng lên những thắc mắc, làm mạch nối cho các diễn biến tiếp theo. “Nối dây” ở đây không đi theo mô – típ thông thường là lên án một tập tục lâu đời đã thành lạc hậu. “Nối dây” là để nối lại đường đi của tình yêu, số phận con người tuân theo lẽ tự nhiên lúc ban đầu. Vì thế, dù câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Vảng và Pà, hai người yêu nhau mà không cưới được nhau nhưng lại không hoàn toàn buồn thảm, bi kịch. Ở đó, ta vẫn thấy được ánh sáng của một đời sống mới, tiếp nối mới – Những người ở lại – Dua và Phủ, không còn phó mặc cho số phận mà biết đấu tranh và giữ lấy hạnh phúc. Thêm một điểm cộng cho nhà văn Chu Thị Minh Huệ khi chị viết về điều ấy với một ngòi bút khá tự nhiên và thấm đẫm tình người (Lời bình của BTV Võ Hà)

Mùa cưới năm nay tràn đến thung lũng Sà Phìn bằng đám cưới cái Pà. Chưa bao giờ nó nói cho tôi biết sẽ lấy chồng, vì nó cũng chưa hề nghĩ đến điều đó. Từ khi học xong cấp ba đến giờ hai đứa chưa biết làm gì nên chỉ ở nhà làm nương với mẹ, với các em. Từ hôm nó về bên Yên Minh đến giờ chưa có dịp gặp lại. Chắc đến Tết hai vợ chồng về nhà ngoại thì hai đứa sẽ được gặp nhau.
Thế mà mùa cưới bò luôn đến ngưỡng cửa nhà tôi một cách bất ngờ. Hai người đàn ông vác cái ô sũng nước bước vào cổng. Con chó sủa ầm ĩ, hai người gọi với vào xin được mở cổng. Bố cầm ô chạy ra cũng không biết là ai. Chẳng ai đến vào giờ này cả, nếu không phải là việc cấp bách. Người tiếng rất lạ nên chẳng ai trong nhà nhận ra. Hai người vác cái ô hoa, ô vằn vào cổng. Cứ xoè ô sũng nước thế đứng hát những lời hay lời đẹp. Bố đã nhận ra họ đến vì việc gì. Bình thường vào nhà thì cụp ô rồi dựng vách, đằng này hai người cứ giương ô đứng hát đến khi nào chủ nhà cho phép. Bố nghĩ chưa biết họ là mối nhà nào nhưng giữa trời mưa gió và tối thế này cứ để đứng hát thì cũng tội nên mời vào nhà.
Được phép, hai ông mối xách luôn hai con gà và hai chai rượu đặt ngay phía trong ngưỡng cửa, trước bàn thờ rồi mới khom lưng đứng thưa chuyện:
– Thưa anh trai, thưa chị gái! Chúng tôi đến xin được nói một câu chuyện quan trọng, được nhà Sùng Chứ Lầu nhờ cậy.
– Ờ, ờ…. mời hai bác ngồi đã.
Bố đã nhanh chóng lấy cái ghế dài đặt đằng sau hai người. Ấy là giờ nghĩ thoáng hơn mới thế, chứ ngày xưa thì ông mối cứ đứng đấy đã. Khi nào ngã ngũ thì mới được mời ngồi. Nhưng hai người cũng không dám ngồi.
– Thưa anh trai! Chúng tôi xin phép đi mời hai bác trai về nhà ta nói chuyện đã ạ! Mong anh trai chờ chúng tôi nhé!
Hai ông mối lại quay người, lấy ô giương lên rồi đi. Chẳng mưa nữa, nhưng vẫn cứ giương ô lên, việc của ông mối là phải thế. Bây giờ chúng tôi mới nghe thấy tiếng xe máy đi ra. Hai người ấy đi xe máy thế mà lúc nãy đến cả nhà tôi chẳng ai nghe thấy.
– Bố! Hai người ấy đi mời bác Chứ và bác Sinh á?
– Ừ!
– Là về hỏi con á?
– Chắc là thế rồi!
– Nhưng họ là ai chứ?
– Hai ông mối nhà Sùng Chứ Lầu đấy thôi.
– Nhưng là ở tận Thài Phìn Tủng cơ mà? Là cho thằng nào chứ?
– Không biết cụ thể. Cho đứa cả hay đứa hai nhỉ?
Chính bố cũng không biết là cho đứa nào. Phải đợi hai ông mối đi mời được hai bác của tôi về đây nói chuyện thì mới biết họ định hỏi tôi cho đứa nào nhà ấy. Trong khi chờ thì bố sang nhà ông nội nói chuyện. Thực ra nói chỉ để mà nói cho khỏi sốt ruột thôi, chứ ông cũng không phải là người quyết định có gả tôi cho nhà ấy hay không. Quyền ấy là của hai bác tôi, rằng là “con lớn anh quyết, con em em quyết” mà. Rồi đến khi cái Súa lấy chồng thì quyền quyết định gả cho nhà nào lại là của chú và cậu tôi.
– Mẹ, sao người ta đến đây đột ngột thế?
– Con biết hai thằng nhà đấy chứ?
– Vâng! Thằng anh tên là Vảng. Thằng em tên là Phủ.
– Đi chơi với nhau rồi à?
– Vài lần gặp ở chợ rồi.
– Chúng nó có đi học không?
– Cũng học hết cấp ba rồi, nhưng vẫn ở nhà thôi.
– Thế cũng được, khác biết làm biết ăn thôi.
Mẹ chẳng quan tâm gì đến tâm trạng con gái, cứ mải mê với chảo cám. Gần mười giờ tối rồi nên mẹ phải nấu cho xong còn ngủ. Nhưng chắc chắn đêm nay nhà tôi sẽ không được ngủ, ít ra là chờ hai ông mối đi mời hai bác. Nếu mời được sẽ về đây nói chuyện. Nếu không mời được sẽ về nói lại. Từ giờ đến lúc mời được hay không thì cả nhà tôi cứ phải đợi đã.
Thực sự thì tôi chưa phải yêu. Mấy lần gặp nhau ở chợ, hai anh em nhà ấy hay đi với nhau, vì chỉ hơn nhau một tuổi nên chẳng khác nhau là mấy. Nhưng nói về thích thì có lẽ tôi thích thằng anh hơn. Vì nó trông có vẻ chững chạc, lại biết thổi khèn, thổi sáo nữa. Người biết thổi khèn là người hiểu lý lối hơn, là người biết nhìn trước nhìn sau hơn. Tôi đã thấy thằng Vảng thổi khèn vài lần. Nhất là lúc nó ngà ngà rượu. Nó thổi hay lắm, say mê nữa. Tôi thích cái dáng nó xoay xoay cùng khèn. Nó đang tập thổi nhiều bài khèn để có thể trở thành thầy khèn cả trong các đám tang. Những người trở thành thầy khèn đều làm chúng tôi khâm phục. Cái khèn của nó đã được buộc mấy dải vải lanh trắng. Tức là nó đã đi thổi cho vài đám ma nên được tang chủ buộc vải cảm ơn khèn. Mà khèn của nó được buộc toàn dải lanh trắng là nó rất tốt đấy, chỉ đi thổi giúp thôi, không lấy công.
Nhưng thằng em thì lại có vẻ đẹp trai hơn và thích tôi hơn vì nói chuyện với tôi nhiều hơn. Nó lại biết nói lời hay lời đẹp, lại biết hát nữa. Ngày còn học cấp ba nó ở trong đội văn nghệ của trường. Lúc hát nó hay nhìn tôi. Những lúc ở chợ cũng cứ đi theo để làm con chim khướu sau lưng tôi.
Ài, nghĩ ngợi lâu thế này rồi mà hai ông mối vẫn chưa về. Hay là hai bác không đồng ý nhỉ, hay là phải đi xa quá, trời lại tối và mưa lâm thâm nên lâu nhỉ? Cả bố nữa, cũng chưa về để tôi hỏi xem có muốn gả đứa con gái này đi không.
Hai con gà trống trong lồng kia cũng cứ chịu nằm im bên cạnh hai chai rượu. Cái sính lễ ấy, lại là hai con gà trống mới lạ chứ. Cứ như là thằng Vảng và thằng Phủ, kỳ lạ, sao cứ phải là hai con gà trống nhỉ. Hai thằng này bị nhốt vào đây để cho tôi chọn thì tốt nhỉ. Hiềm cái là tôi không được bén mảng đến gần chỗ đang đặt chúng. Đi qua đi lại ngó nghiêng nhiều thì sợ mẹ mắng, nên nằm buồng mà nghĩ mãi thì đau đầu quá.
Có tiếng xe máy rồi, cả tiếng bố nữa. Mấy người đang kéo nhau về. Hai ông mối lại xoè ô đứng hát. Hai ông bác cũng đến, thế là cũng đã được đồng ý một tí rồi. Bác lấy chén, lấy rượu ra mời, cứ nói cứ uống hết hai chai rượu ấy là coi như chuyện kết thúc được. Tôi cũng chẳng có cơ hội nghĩ và nói gì. Nhưng có một điều rõ ràng thì tôi cũng không biết là tốt hay không tốt, tôi được gả cho thằng Vảng.
***
Từ ngày sống ở nhà chồng, tôi không có điều gì phàn nàn cả. Vợ chồng như đôi chim gù chim gáy, đi đâu cũng sóng đôi đi cùng. Vảng còn nói: “Anh với em như đôi chim gù chim gáy. Cả đời này anh sẽ cho em đi trước, không bao giờ em phải đi sau đâu.” Chỉ những lúc Vảng đi làm đám là chúng tôi xa nhau. Thế cho nên tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Chỉ có một điều hơi sợ, là ánh mắt Phủ làm tôi không muốn chạm mặt tí nào. Hình như sự thân thiện vơi đi nhiều, hằn lên sự hậm hực, ấm ức nào đó. Là em chồng, chị dâu nên không nói chuyện với nhau được nhiều lắm. Mà chẳng lẽ tôi lại hỏi chú có chuyện gì hay ấm ức cái gì à? Hỏi thế không được rồi.
Đứa con trai tôi ra đời trong niềm hân hoan của cả nhà. ánh mắt Phủ lại càng đỏ dần lên, tôi không thể giải thích được. Nhưng hình như cả nhà mang máng biết điều ấm ức trong lòng Phủ, chỉ mình tôi không biết.
Hôm nay, nhà làm lễ đổi tên đệm cho chồng tôi cũng là lễ đặt tên cho con trai, lễ tạ ơn bố mẹ tôi nữa. Lễ này, người đàn ông, đàn bà nào cũng mong đợi. Từ khi sinh ra đến khi có con đầu lòng thì một thằng con trai vẫn cứ là thằng con trai thôi. Chỉ khi làm được lễ đặt tên cho con và đổi tên trưởng thành cho bố thì mới chính thức là thằng đàn ông. Vảng đã nuôi con gà trống từ khi tôi sắp sinh con. Con gà ấy sẽ là gà cúng trong lễ đặt tên này, bộ lòng gà sẽ là lễ vật cảm ơn mẹ tôi. Phủ hôm nay lại hân hoan lạ, em xăm xắm làm mọi việc.
Bố mẹ tôi đã được lên ông bà ngoại. Manh địu mới mẹ đã tự tay thêu từ khi biết tôi mang thai, hôm nay mới là dịp để tặng cho cháu ngoại. Ông bà ngoại rất tự hào vì đứa con gái mình sinh ra, lớn lên, sang nhà họ Sùng làm dâu, ngay lần đầu tiên đã đẻ được đứa con trai nên mang sang manh địu mới, mấy con gà và ít rượu để mừng. Mâm cơm đã dọn ra, niềm vui hân hoan khắp cả nhà. Nhưng có một điều làm cả nhà bất ngờ. Phủ lại gắp bộ lòng gà cho mẹ tôi mà nói:
– Đây là tấm lòng biết ơn của con rể dành cho mẹ, đáp đền công lao sinh thành và nuôi Dua để hôm nay sinh được đứa cháu trai cho dòng họ Sùng nhà tôi.
Mẹ tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Vảng. Đáng lẽ hành động này, câu nói này phải là của con rể bà chứ không phải của đứa em chú như Phủ. Phủ thì tảng lờ như không có sự bất thường ấy, lại rót rượu vào chén của bố tôi để mời và cảm ơn vì đã gả tôi vào nhà họ Sùng. Ai nấy đều ngạc nhiên, nhưng không biết làm thế nào, cứ nhìn nhau và chắc mẩm Phủ say rượu và vui quá nên nhầm lẫn vậy thôi. Và rượu vẫn cứ uống, chuyện vẫn vui để chúc mừng con tôi có tên để gọi và chồng tôi có tên đàn ông, để khi về với tổ tiên còn có tên để gọi.
Vảng của tôi dần dần cứ gầy mòn, hao hụt người đi. Khám các bệnh viện đều không có bệnh gì, ai cũng bảo chắc làm việc nhiều quá nên người ốm yếu hoặc đi đám nhiều quá bị lạnh người hoặc tại ca bài ca chỉ đường cho người chết nhiều quá vía bị yếu đi. Nhưng có một điều tôi rất lo sợ, Vảng của tôi càng giỏi làm thầy thì tôi càng không thích, vì nhà ai có đám cứ đến mời anh đi. Mỗi đám vài ba ngày mới về. Điều tôi không thích nhất là Vảng hay làm thầy cả để ca những bài tang ca. Bài khó nhất là bài ca chỉ đường cho hồn ma đi gặp tổ tiên. Người đảm nhiệm bài này phải đi trước phát đường, dẫn lối cho hồn đi đến gặp đúng tổ tiên. Nếu chẳng may đám nào người chết nặng vía hơn thầy thì hay bị giữ ở lại cùng. Có phải Vảng đã gặp phải đám như thế không mà sao người cứ mỗi ngày một gầy mòn. Tôi đành phải bảo đừng đi làm đám nữa.
– Không được đâu vợ ạ! Mình đã làm thầy, đã lập bàn thờ khèn rồi, không đi thần khèn sẽ buồn, sẽ không phù hộ cho mình nữa.
– Nhưng mà tôi lo lắm, hay là mình đi làm thì đừng nhận làm thầy cả nữa để đỡ vất vả.
– Tôi hiểu ý vợ là thế nào. Nhưng tôi không làm thì vài ba xã quanh đây có thầy nào hơn tôi đâu. Vào đám, nhóm thợ phân công như thế thì tôi chối làm sao?
– Thì cứ bảo sức không được khoẻ, để anh Sính hay anh Sử làm cũng được.
– Nhưng gia chủ lại không đồng ý, vì họ sợ hồn người chết không gặp được đúng tổ tiên mà quay về quấy nhiễu gia đình thì không được.
Tôi không có lý nào nói được với Vảng cả. Anh cứ đam mê thứ âm thanh diệu vợi mà khèn phát ra nên không thể dứt bỏ cây khèn và những bài tang ca. Và điều lo lắng của tôi thành sự thật không lâu sau. Vảng của tôi cứ ốm dần ốm mòn và đi gặp tổ tiên khi con tôi mới tròn một tuổi. Hồn tôi cũng theo Vảng mà đi rồi. Đời một đứa đàn bà đứt gánh từ đây, sao sống nổi nữa.
***
Một năm sau khi làm đám ma khô cho Vảng thì hai bác tôi mang lễ sang xin tôi về. Năm mươi rượu, năm mươi thịt, năm mươi đồng nhà tôi xin trả đủ cho người nhà họ Sùng.
– Thưa ông bà thông gia, chúng tôi xin phép thưa một câu chuyện ạ!
Bố chồng tôi, rầu rĩ khi biết hai bác nói đến chuyện gì.
– Vâng, thưa hai ông nhà ngoại, chúng tôi rất đau lòng khi con trai không ở với con dâu đến hết cuộc đời. Nhưng xin ông bà cho chúng tôi suy nghĩ và hỏi ý kiến họ tộc đã.
– Vâng, điều ấy là đúng rồi. Nhưng chúng tôi cũng xin được thưa trước chuyện là chúng tôi chỉ xin cháu dâu về thôi, còn cháu trai nhà họ Sùng thì xin được ở lại ạ!
Bố mẹ chồng không nói thêm ý kiến gì nên hai bác đành ra về với lời hứa khi nào có quyết định sẽ nhờ người sang nói lại. Tôi thì không quyết định được mình có về nhà đẻ hay vẫn ở lại đây. Nhưng dù bố mẹ chồng có quyết định thế nào thì tôi cũng muốn mang con theo chứ không muốn hai mẹ con mỗi người mỗi họ thì sau này sẽ thành người xa lạ. Nếu tôi về nhà mẹ đẻ và mang con theo thì bố mẹ tôi sẽ phải mất thêm nhiều của để mua đứa con tôi. Như thế bố mẹ sẽ không đủ lực để vừa trả sính lễ cưới, lễ chuộc ma tôi ra khỏi ma nhà họ Sùng vừa trả lễ mua con trai tôi về làm người, làm ma nhà họ Ly nữa.
Cả họ Sùng họp bàn chuyện có trả tôi về cho họ Ly không. Bố chồng tôi hỏi ý kiến các bác, các chú trong họ. Bác cả nói:
– Tôi nghĩ nên trả. Số nó không tốt, hại chết chồng thì không nên giữ nữa.
Bố tôi lại hỏi:
– Thế còn thằng Tủa thì có cho đi theo nó không?
– Người ta đã nói là chỉ xin con gái về thôi chứ có xin đứa cháu về đâu mà ta phải bàn điều này.
Ai cũng đồng ý trả tôi về nhưng không cho con theo. Tôi chỉ được phép ở trong buồng không được tham dự cuộc bàn bạc, nhưng nghe được thế đã lao ra xin được cho con về cùng.
– Con xin bố mẹ, các chú, các bác cho con mang con về theo với!
Bố tôi lạnh lùng nói:
– Người bên đấy không nhận chứ không phải bên này không cho. Mà cháu nhà này thì nhà này nuôi để chị còn dễ đi lấy chồng khác. Với lại nhà bên kia chắc không muốn bỏ tiền để mua người đâu.
– Xin bố mẹ nói giá ít thôi để con được mang cháu theo.
– Một thằng con trai mà ít sao? Mai sau nó còn trở thành một người đàn ông, rồi còn lấy vợ về là có thêm một người làm nữa, thế nó được tính là hai người đấy, không phải ít đâu. Mua nó, còn phải mua ma nó nữa chứ. Vì đã đặt tên và nhập ma rồi. Chắc nhà chị không đủ tiền và cũng không muốn nó về bên ấy đâu.
– Hay là bố mẹ cho xin trả lễ cưới trước. Còn lễ chuộc ma hai mẹ con thì khi nào có con sẽ chuộc ạ.
– Thế tôi hỏi chị, nhỡ chẳng may khi chị đi gặp tổ tiên mà chưa chuộc được ma ra thì họ Sùng này lại phải làm ma cho chị à? Tục lệ đã như vậy, chị chuộc người thì chuộc luôn ma để chúng tôi còn lấy vợ cho thằng Phủ nữa.
Tôi chỉ còn biết quỳ giữa nhà ôm con mà khóc cho sự thất vọng của đời mình. Cuộc họp bàn đang được thống nhất thì Phủ từ gian bên đi ra:
– Chị không phải khóc nữa, chị sẽ được ở với con.
Các bác, các chú và bố mẹ tôi tròn mắt ngạc nhiên, mọi người đang nghĩ chắc Phủ lại nói năng lung tung như lúc tạ ơn mẹ tôi bằng bộ lòng gà nên bố tôi quát:
– Thằng này lại nói lung tung đấy, ra ngoài kia đi.
– Mọi người quyết định sai rồi. Tôi không muốn để chị Dua ra khỏi nhà này.
– Mày giữ nó lại làm gì, để ăn hại nhà này à?
– Tôi muốn chị ấy làm vợ!
– Hả?
Tất cả mọi người đều quá ngạc nhiên trước câu nói của Phủ. Tôi không hề nghĩ đến tình huống này nên dừng khóc ngay lập tức. Thế là thế nào nhỉ? Vì Phủ thương tôi không được mang con theo nên giữ lại bằng cách này à? Hay vì lý do gì nữa? Bác Lử, hỏi ngay:
– Mày dựa vào cái gì mà nói thế?
– Dựa vào tục nối dây của dân tộc ta.
– Mày điên à? Tục ấy lâu lắm rồi, quên rồi.
– Quên là vì không có nhà nào rơi vào trường hợp ấy. Còn nhà ta sẽ thế. Chị dâu phải nối dây với em chồng, thì nhà ta mới không mất đứa cháu trai này.
– Nhưng mày có thích nó không? Nó làm vợ hại chết anh trai mày đấy.
– Nó không hại chết anh Vảng. Là số anh ấy thế, không liên quan gì đến nó.
– Mày điên rồi. Không được đâu. Mày muốn lấy vợ thì sẽ tìm đứa khác tốt số hơn.
– Nhưng tôi thích Dua. Nhà này ai cũng biết. Chỉ là không chịu chấp nhận cho tôi cưới trước mà thôi.
Bố chồng tôi lao lên bịt mồm Phủ không cho nói nữa:
– Mọi người về đi, thằng này lại nói lung tung đấy. Về đi, cứ quyết như lúc nãy.
Phủ giật tay bố tôi ra, gào lên:
– Không cho tôi lấy Dua thì tôi cũng sẽ chết như anh Vảng.
Tất cả đều không thể về được nữa. Bác Lử lấy quyền anh cả bắt mọi người ngồi lại, bắt bố tôi ngồi yên để nói rõ mọi chuyện.
– Thằng Phủ, mày nói rõ từ đầu đi. Ý mày là thế nào?
Phủ ngồi phịch xuống đất như cất được gánh nặng phải gánh bao lâu nay. Tay với lấy chai rượu, tu ừng ực hết nửa chai rồi lăn chai vào chân cột nhà, rượu còn lại chảy ròng ròng thành vệt rồi loang rộng trên nền nhà đất, ngấm xuống thành một mảng đen rộng từ chỗ Phủ ngồi đến chân cột cái của nhà.
– Tôi sẽ nói hết. Hôm nay phải nói, giữ trong lòng hơn hai năm nay ấm ức lắm, giữ nữa tôi sẽ bục ruột mà chết.
– Nói đi. Tu hết nửa chai rượu rồi, đủ sức nói rồi.
– Là tại bố. Tất cả tại bố hết. Chuyện đến hôm nay cũng tại bố quyết sai chứ không phải tại tôi. Là tôi thích Dua chứ không phải anh Vảng. Tôi bảo bố mẹ cưới cho tôi. Bố lại bảo không có tiền nhiều nên để anh Vảng lấy vợ trước. Anh đã bảo thích cái Pà hơn, nhưng nó lại lấy chồng tận Yên Minh mất rồi. Ngày nào tôi cũng nhìn thấy Dua, ăn cùng Dua, sống cùng Dua mà không được ngủ cùng thì làm sao chịu được. Anh Vảng cũng biết điều đấy, anh cũng thương tôi nên mới ham khèn đến vậy. Anh bảo mỗi lần đi làm đám là anh vẫn canh cánh chuyện này trong lòng nên đã nhiều lần ca nhầm bài ca chỉ đường, nhầm một lần, nhầm hai lần, càng nhầm càng hối lỗi. Nhưng đến đám cái Pà thì anh vẫn nhận để được làm việc cuối cùng cho người anh thích. Cô ta đã bắt vía anh và giao kèo ngâm người trong phân bò mười ba ngày để lột vía thì sẽ kéo vía anh theo. Nhưng mọi người biết là thầy khèn kiêng bẩn thì làm sao mà ngâm mình trong phân để lột vía được. Nếu mọi người biết thầy khèn ngâm phân thì sẽ không bao giờ mời anh đi khèn nữa. Anh không khèn thì khác nào người chết rồi. Anh đã chọn cách đi theo Pà, dù sao cũng là người anh yêu và anh để Dua lại cho tôi.
Mẹ chồng tôi gào lên: “Không phải! Không phải thế, mày bịa à? Đấy chỉ là truyện cổ thôi, giờ không có thật.”
– Thế mẹ có thấy trước lúc chết anh cứ quanh quẩn ở chuồng bò không? Anh cũng không tin truyện cổ, nhưng điều gì đúng vẫn đúng mà.
Tôi gào lên: “Sao anh ấy không nói với tôi mà lại là với chú?”
– Nói với chị liệu chị có tin không?
Tôi lại càng gào to: “Không tin thì tôi cũng sẽ cứu anh ấy chứ. Trời ơi….!
Mẹ chồng lao đến ôm ghì lấy tôi. Và bà cũng khóc, khóc vì thương tôi, vì bất ngờ hay vì giận Phủ cũng không biết nữa. Và tôi chợt hiểu ra rằng, dù tôi có thế nào, Vảng có thế nào thì bà vẫn phải thương lấy đứa con còn lại. Còn tất cả những người đàn ông trong họ đang không biết nói gì nên đều ngồi im mà nghe hai mẹ con tôi khóc. Mãi lâu sau mẹ chồng tôi mới mở lời được:
– Tôi xin mọi người đồng ý đi. Đồng ý để con Dua nối dây với thằng Phủ đi mà. Nếu không tôi sẽ mất hai đứa con trai đấy, rồi con Dua sẽ về nhà nó, thì nhà này tan nát. Đồng ý đi mà…
– Nếu cả nhà không đồng ý tôi sẽ theo bước anh Vảng học khèn đấy.
Chẳng ai nói được gì nữa, như thế cuộc đời tôi ngay từ đầu đã nằm trong lòng bàn tay Phủ, giờ chỉ là trở về đúng vị trí của nó mà thôi.
CHU THỊ MINH HUỆ

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *