Truyện đêm khuya – Con sông Nhiêu gắn bó với làng quê, với tuổi thơ, với mọi buồn vui sướng khổ của người dân xứ này nay đã chết. Chết vì lòng tham và sự hủy hoại tàn nhẫn của con người. Sông chết trơ dòng và lòng người cũng trở nên cạn kiệt, cỗi cằn, độc ác. Hãy trả lại sự sống cho dòng sông, hãy thức tỉnh nhân cách con người khi chưa quá muộn. Truyện chạm vào trái tim chúng ta bằng những hồi chuông đang gióng lên ráo riết, chạm đến những vấn đề còn day dứt khôn nguôi.
Từ khi đập thủy điện chặn dòng trên thượng nguồn, hạ lưu con sông Nhiêu bắt đầu chết đứng, và cả những vùng dân cư trù mật hai bên bờ sông cũng dần dần chết đứng. Những khu vườn xanh um do được nước sông mỗi ngày thấm vào đất nuôi dưỡng cây, thì bây giờ phải dần chết rụi do nước sông cạn đáy. Sông còn khô huống chi là cây. Sông còn khô huống chi là người. Người lớn có vẻ không nhận ra điều đó nhanh như con nít. Hôm trước tôi trèo lên tới tận ngọn cây dừa cao nhất làng, nhìn ra xung quanh, thấy cả hai vệt cây vàng lá lộ ra chạy dọc theo sông, như hai cái đuôi con diều. Trước đâu có vậy, cả vùng xanh ngăn ngắt. Tôi tụt xuống đất dắt tay thằng Mừng nói “Đi với tau”. Thằng Mừng hỏi “Có chuyện chi rứa?”. Tôi nói “Đi coi sông chết tới mô rồi”. Thằng Mừng vừa chạy lúc thúc theo tôi vừa ỉ ôi làm răng mà sông chết, sông chết là răng? Tôi vào nhà lấy chiếc xe đạp, chở thằng Mừng phóng như bay lên đầu nguồn.
Từ nhà tôi đến chỗ khe Trẹm đầu nguồn khoảng bảy cây số, đường mòn đất phù sa quanh co khúc khuỷu, được cái đường mòn đúng vệt đất phù sa, người ta đi lâu nên đằm. Người dân làng Nhiêu tất tần tật lên núi đi củi, đi tranh, đi chổi, đi lá nón… đều theo con đường này. Khe Trẹm là con dốc dựng đầu tiên của nguồn sông Nhiêu. Khe Trẹm từ ngày xưa đến nay bao giờ cũng đầy nước, từ xa vài cây số vẫn nghe nước đổ bời bời. Khe Trẹm là nơi chứa bao huyền thoại về tôm cá dòng sông. Có người nói từng bắt ở đây con chình hoa nặng đến nửa tạ. Có người nói vào cuối thu, cá mòi từ ngoài biển cũng ngược dòng đến đây để đẻ, có lần thấy cả bầy gấu ngựa đứng bắt cá mòi ở lưng chừng tảng đá dựng nơi khe Trẹm. Lại có người nói cá đối ở đây là thiên hạ không địch thủ, có con to bằng cả chiếc ghe câu… Lời đồn đại của người lớn làm tụi con nít như tôi tò mò, nhưng bao nhiêu lần ngồi câu ở đây, chả thấy sủi tăm bóng dáng một con cá lớn nào. Nhưng có một lần sau cơn mưa dông, tôi đạp xe lên đây câu cá, chợt thấy hai con rùa, một con to bằng cái rổ, một con to bằng quyển vở bò lúc thúc ngay bụi tre dưới sông. Tôi nín thở đứng nhìn như thể thở mạnh một chút là rùa sẽ bỏ chạy. Mạ tôi dặn, có đi câu đi kéo thì gặp rùa đừng bắt nghe con. Rùa có công chở thầy trò Đường tăng và kinh sách qua sông, nhà mình theo Phật, không hại đến những con vật có nghĩa có tình ấy. Tôi kể chuyện thấy rùa cho chú Sung nghe. Chú nghe xong nói răng mi không bắt, một con rùa bây giờ bán cả triệu bạc. Tôi nói mạ tôi dặn không được. Chú Sung nói thì mi cứ dạ, nhưng cũng cứ bắt rùa đi bán, đừng mét lại ai, có tiền tha hồ chơi game, đi hát karaoke có em út cho biết mùi đời… Năm đó tôi mười bốn tuổi, học lớp tám trường làng, tôi nghe mạ tôi dặn, lại nghe chú Sung nói, lòng hoang mang. Nghe nói người lớn đi hát karaoke có con gái ngồi bên, ngực nần nẫn, đùi múp máp, nghĩ tới đó mà người tôi nóng ran. Thỉnh thoảng trong làng lại có đôi vợ chồng gây nhau vì ông chồng bán lúa lên thị trấn tìm con gái hát karraoke đó thôi. Tự nhiên tôi nhớ Mỵ nhà ở bên tê sông. Mỵ của đêm trăng ấy trên bến sông Nhiêu, mơn mởn và nõn nà một màu trăng dịu vợi.
Tôi và thằng Mừng lên thấu khe Trẹm lúc trời vừa đổ nắng xiên khoai. Quả nhiên khe Trẹm nước không còn nhiều như trước. Ngày xưa ở đây nước rớt ầm ầm từ trên xuống, bây giờ chỉ còn thưa thớt chảy như cái máng xối trước nhà ngày mưa. Ngày xưa khúc sông này, nước đầy mênh mông, bây giờ nước tụt xuống cạn đáy, phơi cả rong rêu thảo bì bám hai bên sông giữa nắng đến cả bảy tám mét. Cây cối hai bên bờ trước đây xanh ngắt, giờ lá chuyển sang vàng vọt, có lẽ vì do thiếu nước. Con sông Nhiêu xanh um, nước chảy yên bình và hiền hòa của tôi sao bỗng dưng biến đổi thế này? Khúc sông trù mật đầy hy vọng của bao người sông Nhiêu sao lại trở nên xấu xí thế này? Nắng xiên khoai xiên cả đầu óc tôi choáng váng. Tôi tự nhiên đứng khóc. Tôi nhìn sang, thấy thằng Mừng cũng khóc trong nắng xiên khoai. Hai đứa con nít cứ đứng thế mà khóc.
Đêm về tôi mơ thấy những con rùa bò lóp ngóp lạy tứ phương cầu xin sự sống, nhưng sợ nhất là mơ thấy những con cá chết giơ lưng nổi lềnh bềnh, những đôi mắt cá ngơ ngác hoang dại mở to tròn không hiểu vì sao mình lại chết, những đôi mắt cá ấy trắng dã, chợt sinh sôi rất nhiều, nảy nở tràn đầy bể cạn trước sân rồi cả tỷ tỷ con mắt ấy chợt ùa chảy vào giường tôi đang nằm, khiến tôi hét lên…
Tối cả xóm xem ti vi. Truyền hình đưa tin Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường vừa tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của các công trình hồ thủy điện, thủy lợi đến tài nguyên và môi trường”. Các nhà khoa học cho biết hiện các đập thủy điện đã tích trữ hàng chục tỷ mét khối nước, khai thác được hàng ngàn MW điện, nhưng hiệu quả cắt giảm lũ của các công trình này là rất thấp hoặc không rõ. Việc đánh giá tác động môi trường hầu như chỉ làm lấy lệ. Nhiều thủy điện được xây dựng trên các lưu vực sông khiến các dòng sông bị chặt nát, làm mất rừng đầu nguồn khiến đa dạng sinh học bị giảm và gia tăng lũ quét. Việc xây dựng thủy điện với tích nước đầu nguồn gây nên hạn hán nghiêm trọng, lúc có mưa lớn ở đầu nguồn lại xả lũ vô tội vạ nên nhiều nơi lũ lụt xuất hiện ngay lúc ruộng lúa và hoa màu đang sắp thu hoạch khiến người nông dân không kịp trở tay. ở các hạ lưu sông, vốn đa số các cửa sông đều là cửa sông kiểu liman – khuyết áo, bình thường thoát lũ đã khó, nay việc nuôi trồng hải sản khiến các bãi triều cửa sông được quây đắp tối đa làm khả năng thoát lũ càng giảm. Thêm vào đó, các lồng cá chiếm ngự các con sông và người dân vô ý thức xả bừa bãi các túi ni lông, xác súc vật xuống khiến các dòng sông đã ô nhiễm bởi không chảy được lại càng ô nhiễm hơn đến mức báo động… Và các nhà khoa học ưu tư: Chúng ta sẽ làm gì để hạn chế tác hại? Không thể bênh vực rằng thủy điện không gây ra vấn đề gì trong tai họa lũ lụt vừa qua. Chúng ta đang làm kinh tế theo kiểu đánh đổi bởi chúng ta không thể lấy không từ thiên nhiên một cái gì…
Mọi người nhao nhao lên: Thì chuyện ở sông Nhiêu có khác chi mô.
Chú Hoài nói, như thế là tội ác. Con sông là nguồn sống của cộng đồng dân cư. Giờ chặn dòng làm thủy điện, bo bo tích giữ lấy nước rồi xả nước vô tội vạ vì lợi ích cá nhân của một nhóm người mà hại đến muôn người. Chặn dòng cây cối chết. Chặn dòng ruộng nương chết. Chặn dòng bao câu hát cũng chết. Rồi chú hát:
Dòng nước mát của tôi, người ta lấy mất
Hy vọng hoa trái của tôi, người ta lấy mất
Nụ cười trên sông em gái tôi mỗi sáng,
người ta lấy mất
Dòng sông cuộc sống của tôi đã chết rồi,
em biết không?
*
Chú Hoài nói với mọi người, “Tôi sẽ đi giết đứa nào giết sông”. Mạ tôi nghe chú Hoài nói, run lẩy bẩy, lật đật chạy từ nhà dưới lên can, “Chú đừng làm chi mà nên tội, họ ác nhân thì ắt sẽ ác báo, chú đừng nhá. Hoài nhá”. Mạ tôi biết tính chú Hoài nói là làm. Chú Hoài nghe mạ tôi can, hậm hực “Chị nói rứa thôi chứ tôi tức ruột gan lộn hết lên đầu rồi đây”.
Chú Huỳnh chủ tịch xã nói, không ai được manh động, xã sẽ làm công văn đề nghị xả nước thường xuyên cho dân làm ruộng, làm màu, chứ cứ chặn dòng nước như thế này, thượng điền tích thủy hạ điền khan thì nguy. Công văn chủ tịch xã Huỳnh gửi đi, nghe nói không ai trả lời xã; cũng nghe nói huyện có trả lời, đại khái để chờ cuộc họp giữa chủ đầu tư với ban quản lý; cũng nghe nói huyện thông báo đề nghị của xã với ban quản lý, nhưng ban quản lý lấy lý do cần tích nước để đảm bảo điện cho mùa hè, phục vụ sản xuất công nghiệp, mà tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế thì cao hơn nông nghiệp nhiều, con em trong xã vào làm trong các nhà máy cũng nhiều, nên xã chịu khó vậy. Chú Dinh là cán bộ văn xã nói, chắc bà con làm đơn tập thể thì họa may ra. Chú Sung bàn ra, làm đơn chi cho mệt, mấy ông trên quyết hết rồi. Lời chú Sung lập tức bị hàng trăm người cự nự. Họ quyết rồi thì mình phải có đơn cho họ biết là mình đang khổ sở trăm bề chớ. Chú Nghĩa đứng ra thảo đơn, câu chữ cực kỳ thống thiết. Làng nói từ xưa đến nay, chưa có lá đơn nào hay và thống thiết như lá đơn xin cứu sông này. Làng có hai trăm hộ, vậy mà lại gom được trên cả ba trăm chữ ký, vì có nhà ông chồng ký xong bà vợ cũng đòi ký. Đơn gửi đi, cả làng ngồi chờ, rồi cũng không tăm hơi.
Chú Hoài dò hỏi một thời gian thì biết ông chủ thầu cái đập thủy điện sông Nhiêu tên là Sỹ. Chú Hoài tìm gặp ông Sỹ trong văn phòng của công trường. Chú Hoài chỉ mặt, “Này ông kia sao ông dám giết sông?”. Ông Sỹ cười khẩy, “Đây là công trình nhà nước, có đánh giá tác động môi trường hẳn hoi, đừng có mà hồ đồ”. “Biết là của nhà nước, nhưng các ông đấu thầu lại, làm ăn vô lương tâm, chặn dòng không chịu xả nước như cam kết làm chết cả nương vườn của dân. Ông biết ông giết sông tức là ông giết cả vùng dân cư không?”. Ông Sỹ chẳng vừa, vừa nhấn nút báo động, ông vừa khiêu khích “Ông đây thích vậy thì làm vậy đó, thằng nào làm đếch gì được ông?”. Chú Hoài nghe ông Sỹ nói tức khí dâng lên, vừa lao tới đánh ông Sỹ vừa gầm lên “Vậy thì tao giết cái thằng giết sông cho thiên hạ biết”.
Chú Hoài lao tới định tóm cổ ông Sỹ để nện một trận cho đã nư, nhưng ông Sỹ lúc ấy đứng sau cái bàn làm việc nên thoát được. Ngay lúc đó bảo vệ của công trường ập đến, chú Hoài thân cô thế cô nên bị toán bảo vệ đông đến bảy tám người trói gô lại như người ta trói lợn. Ông Sỹ tiện thể lấy từ hộc bàn ra cây dao Thái nói với toán bảo vệ, “Ông Hoài định lấy con dao này đâm chết tôi đấy. Đề nghị lập biên bản ông Hoài cố sát tôi với con dao này làm bằng chứng”. Rồi ông Sỹ quay qua nhổ nước bọt vào mặt chú Hoài, “Mày rồi đi tù mọt gông con ạ”. Chú Hoài nhổ ngay lại bãi nước miếng vào ông Sỹ, “Mi đê tiện đến mức đó hở thằng kia, tao cần chi giết mi bằng dao, sao lại gắp lửa bỏ tay người kiểu hèn hạ rứa? Mi để coi rồi cũng chết sớm thôi con ơi!”. Chú Hoài sau đó bị đi tù vì tội cố sát, ông Sỹ bị trách cứ qua loa rút kinh nghiệm rồi thôi. Nước sông Nhiêu có được nhà máy thủy điện xả nhiều hơn một chút trong một thời gian để trấn an dư luận, sau đó rồi vẫn như cũ, sông vẫn bị chặn dòng, thượng điền tích thủy hạ điền khan…
Nhưng rồi chính ông Sỹ cũng không sống lâu. Nhân kỷ niệm ba năm thành lập thủy điện sông Nhiêu, một hôm ông Sỹ mời mấy vị khách đi câu trên hồ Nhiêu. Thuyền câu lợp mái thong dong trôi trên hồ Nhiêu mênh mông, trên thuyền có các em xinh đẹp mặc váy ngắn rót bia cho khách. Hôm đó ông Sỹ câu được con cá trắm to lắm, sai nhà bếp làm cá nấu cháo. Không hiểu sao cả bảy vị khách ăn cháo thì bảy người sau đó nhập viện. Bác sỹ nói do ngộ độc mật cá trắm, nhà bếp làm cá trắm mà không biết tách mật ra khỏi cá, cứ thế mà nấu. Riêng ông Sỹ ăn nhiều bị dị ứng nặng, lại có tiền sử bệnh thận, nên sau mấy ngày nhập viện, ông tắt thở. Người ta bảo đó là quả báo, hại nhân thì thiên hại. Quả nhiên trời có mắt. Có người nói cụ thể hơn, rằng đáy hồ Nhiêu bây giờ, xưa có hài cốt nhiều người. Ông Sỹ biết mà không chịu di dời, cứ để vậy rồi xả nước vào, nên bị hồn cốt giết. Ông Sỹ chết, nhưng con sông Nhiêu cũng không sống lại được.
*
Tôi lấy ghe chống đi dọc sông Nhiêu, chống lên đến khe Trẹm rồi lại xuôi về, thấy cây cối hai bên bờ sông vàng úa quá nửa. Những vạt lau ngày xưa mọc rậm rịt bên sông, giờ nước xuống nên chúng bị treo cao lên lưng chừng biền bãi, như những thằng ngố rách rưới, tóc tai xác xơ. Có những khúc sông cây sào chống ghe chỉ mất một lóng tre đã thấy đáy. Sông cạn như lạch như hồ, nhìn mà đau xót.
Ngày xưa nước sông Nhiêu trong xanh và sạch sẽ vô cùng. Mỗi sáng sương sớm như làn khói tỏa giăng đầy mặt sông và dòng nước chảy lặng lờ giữa không gian tĩnh mịch khiến tôi có cảm giác không có gì sạch sẽ và bình yên hơn con sông Nhiêu. Từ sáng sớm đến chín giờ là giờ dành cho việc gánh nước dùng ăn uống, nên làng cấm ngặt không cho tắm giặt. Nhưng sau chín giờ, các bến sông rộn rã người lớn giặt chiếu, con nít tắm sông ơi ới… Nay thì sông bẩn quá, chiếc ghe tôi chống đi như trôi qua bãi rác bềnh bồng trên nước. Ngày trước người dân thả cái chi xuống sông, sau một đêm nước cuốn trôi ra biển hết. Nay sông không có nước để chảy nên rác không trôi. Sông hóa thành hồ rác không tắm rửa chi được, rửa chân nơi bến sông người ta cũng ngại. May có nước máy về tận mỗi nhà, nhà nhà giờ đều dùng nước máy. Nhưng có lúc nhà máy thủy điện súc rửa máy móc khiến mangan trong nước máy tăng cao, đục và hôi tanh. Tội nghiệp nhất là đám trẻ con ở làng bây giờ sống bên sông mà chả biết bơi bởi chúng không dám ra sông tắm. Không như ngày xưa, bọn con nít như tôi bốn tuổi đã nhảy sông ùm ùm.
Sông sống bên làng, chảy qua làng mà hồn sông đã cạn, sông chết rồi hở làng, hay làng đã quên sông? Ai làm chi nên nỗi?…Tự nhiên tôi ứa nước mắt.
Tôi khóc cho dòng sông của tôi.
Tôi từng có diễm phúc được sống bình yên
trên dòng sông xanh
Sông chảy qua làng tôi làm nên những bạt ngàn
cây cối mùa màng trù mật
Mẹ thiên nhiên cho tôi dòng sông như bầu sữa
Tôi ngụp lặn ước mơ mình từ sông, tôi lớn lên từ sông
Nhưng bây giờ tôi phải khóc vì dòng sông của tôi
đang chết,
bầu sữa của tôi đã khô, mùa màng của tôi đã
thất bát
Nước mắt của tôi không thể đổ đầy thay thế
nước sông
Nhưng nước mắt của tôi cay đắng và có thật
Như cái chết tức tưởi của dòng sông kia là có thật…
Tôi chống ghe về đến làng. Thấy Mỵ đang phụ giúp ba của Mỵ là chú Sào đưa cái bồn tắm vào nhà. Gớm, mới năm trước Mỵ còn rủ tôi đi tắm nơi bến sông này nhảy ùm ùm, giờ bày đặt lắp bồn tắm để xả nước tắm trong nhà như trong phim. Mỵ là bạn học cùng lớp với tôi. Trên bến sông Nhiêu, tôi có kỷ niệm khó quên với Mỵ. Đêm đó trăng sáng vằng vặc song trời nóng lắm, tôi đi tắm sông. Tôi bơi qua bên tê sông thì gặp Mỵ cũng vừa xuống tắm. Gương mặt Mỵ, giọng nói Mỵ, thân hình Mỵ đẹp như sương khói mơ hồ lóng lánh dưới sông trăng khiến tôi hồi hộp. Hai đứa nói chuyện trên trời dưới đất một hồi thì tôi đứng sát vào Mỵ lúc nào không biết. Chợt Mỵ kêu, “Mỵ bị chuột rút Đằng ơi”. Tôi ôm chặt lấy Mỵ đưa Mỵ vào bờ. Mỵ không còn là sương khói mơ hồ nữa, Mỵ đang ở trong vòng tay tôi. Tóc Mỵ theo nước lùa chảy trên mặt tôi. Da thịt Mỵ thơm tho theo nước sông chảy vào tôi. Chợt Mỵ cũng đưa tay ôm choàng lấy tôi, người tôi căng tràn vạm vỡ, người Mỵ mát rượi và mềm mại trong tay tôi. Tôi ôm Mỵ đưa vào bờ mà như lướt đi trên mây, bềnh bồng, ngây ngất. Vào đến bờ, tôi nắn chân cho Mỵ. Chân Mỵ dưới trăng thon dài và trắng như củ sắn vừa mới lột vỏ. Cứ đê mê như thế, Mỵ cám ơn tôi rồi bất chợt, Mỵ hôn lên má tôi một cái rồi bỏ chạy lên nhà.
Tôi đứng sững. Xung quanh không có ai. Bến sông Nhiêu sáng rời rợi xôn xao ánh trăng. Nụ hôn của Mỵ còn nóng bỏng trên má. Hơn mười bốn tuổi, tôi nhận nụ hôn đầu đời, có bến sông Nhiêu làm chứng. Tôi bơi qua sông về nhà, nước êm ái như chưa bao giờ êm ái thế…
Vậy mà sông Nhiêu giờ đã khác đi, Mỵ bây giờ cũng khác. Em xa lánh tôi dần, tôi cũng biết nguyên nhân vì sao rồi. Thằng Vy trên thị xã học dốt phải đúp lớp học lại lớp chín, trôi vào lớp tôi. Nó đang tìm mọi cách bủa vây chài tán Mỵ. Thằng Mừng nói, “Đằng nè, khi mô chơi hội đồng đánh cho thằng Vy một trận cho nó biết mặt”. Tôi quắc mắc “Tao không thèm mấy trò hèn mạt đó”.
*
Mạ nói tôi đi nhổ đậu phụng. Tháng ba, đậu phụng trên bãi biền ven sông vừa tới củ. Cây đậu phụng vẫn xanh, lá vẫn tốt và dưới đất, củ đậu đã đeo trĩu từng chùm, nhổ rất sướng tay sướng mắt. Nhà tôi trỉa sớm nên nhổ sớm, để chậm quá lứa, chỉ cần một trận mưa ướt đất là hạt đâm mầm. Tôi vừa nhổ vừa hát. Tôi nhổ đậu gần xong thì thấy nước sông Nhiêu đổ ào ạt từ thượng nguồn về. Nước dâng lên rất nhanh. Từ dưới sông lên đến mặt vồng đậu phụng nhà tôi cũng phải một mét. Vậy mà chẳng mấy chốc, nước đã ùa vào các luống đất, rồi lên đầu gối. Đậu phụng tôi nhổ tấp đống bắt đầu trôi. Tôi phải rất nhanh tay mới dần bó kịp được. Tôi đưa đậu phụng lên một ngôi mả cao nằm bên trong bãi biền, leo lên đó ngồi thở. Trời nắng như thiêu như đốt mà nước dưới sông lại dâng lụt tràn khắp nơi.
Bấy giờ dân làng bắt đầu í ới đổ xuống bãi biền. Làng có bãi biền đất ven sông Nhiêu nổi tiếng trồng hoa màu hàng trăm năm nay. Cả biền sắn, khoai, ớt, đậu, mè… không kịp thu hoạch mà lụt bất thình lình như ri là chết hết. Thường khoai sắn người ta thu hoạch dần, bắt đầu sắt lát phơi khô, thu hoạch trong ba tuần là xong. ớt và các thứ đậu đen, đậu huyết, đậu xanh thì phải thu hoạch thêm vài lứa nữa mới hết năng suất. Vậy mà bây giờ lụt, sắn phải nhổ một lần kẻo hư, mà sắt lát không kịp thì bị sâm nồng, hắc và nghẹn. ớt, đậu coi như mất trắng mùa màng. Chú Năm nửa người ngập trong nước vừa lần nhổ sắn vừa ngữa mặt lên không hỏi răng mà lụt giữa tháng ba kỳ lạ rứa hở trời? Trời ơi là trời! Cả làng tôi ngày đó ra đứng bên bờ sông ngó xuống. Nước sông trong vắt cuồn cuộn chảy mà bốc mùi tanh lạ lắm. Sao sông không chết quách đi sông ơi!…
*
Tối tôi đang ở trần ngồi học bài thì mạ chạy về, hớt ha hớt hãi. Thấy tôi mạ mừng quýnh reo lên, “Ôi may mà thằng Đằng hắn ở nhà”. Tôi chưa kịp hỏi có chuyện chi, mạ đã kể nghe thằng Mừng nó mới đâm thằng Vy chết bên chợ. Tôi vớ cái áo chạy qua cầu, ngay đầu cầu trước chợ làng đã có đám đông xúm đen xúm đỏ. Mừng đang bị còng tay. Dưới đất là thằng Vy đang nằm, không biết sống chết. Tôi đến sát bên Mừng hỏi, chi rứa? Mừng không nói cũng không nhìn tôi. Mặt lạnh như tiền.
Hôm sau tôi xin phép mạ lên trại tạm giam thăm Mừng, báo tin cho Mừng là thằng Vy không chết, bệnh viện cấp cứu kịp. Tôi nói “Tau đã nói là không chấp mà răng mi cứ đâm hắn?”. Mừng nhìn tôi, “Tau tức thái độ đểu cáng, hách dịch của thằng Vy lắm. Mà tau cũng yêu Mỵ chớ có phải chỉ mình mi yêu Mỵ mô?”.
Tôi giật mình, ừ hè, đâu chỉ mình tôi yêu Mỵ, và đâu chỉ mình tôi yêu sông Nhiêu!
Tôi đạp xe về theo con đường dọc sông Nhiêu, hình như từ khi sông cạn, lòng người trở nên hung hãn. Người ta nói có chuyện liên quan giữa thủy triều với tâm tính con người. Nước đầy thì tâm tính người ta vui vẻ, nước cạn thì tâm tính người ta thô lỗ, cộc cằn. Sông Nhiêu chừ chết rồi, còn chi đâu mà vui vẻ với cộc cằn, lòng người bất an từ bao giờ chẳng rõ…
Tôi nói với mạ “Tui không học nữa, tui sẽ đi vào Nam làm ăn, giàu có tui ra mua lại cái nhà máy thủy điện ni rồi xả đập cho bà con làm ăn, cứu con sông Nhiêu sống lại, trả lại cho làng cảnh thanh bình như xưa”. Mạ tui nói, “Muốn làm giàu thì phải học đã con ạ, mới mười lăm tuổi học lớp chín, làm chi được”.
Tôi úp mặt vào sách mà khóc, mười lăm tuổi bảo trốn vào sách vở làm sao tôi trốn được. Và nước mắt tôi cũng đâu có chảy thành sông được…
Tác giả: Hồ Đăng Thanh Ngọc – Thực hiện: Minh Nguyệt