Bài nổi bật

Ơn đất, tình người

RadioVn.Com – Đoàn xe chúng tôi xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột, qua các vùng giải phóng về phía Nam. Khi đến ngã ba Đồng Xoài thì mặt trời sắp lặn. Anh Hiền rủ tôi và anh Lễ vào nhà dân xin nước.
************
Khu vực Đồng Xoài vừa mới giải phóng hơn một tháng đã có một không khí bình yên, thật êm ả! Những ngôi nhà mái tôn, tường xi măng xinh xắn nằm trong những khu vườn rộng trồng khoai mì hoặc dâu tằm trông rất mát mắt. Anh Lễ nói với tôi: “Thi muốn ăn rau ngon không? Để anh hái một mớ đọt mì về cải thiện nhé! “Anh Hiền gạt ngay: “Đừng lấy của dân khi chưa được sự ưng thuận của họ!”. Thế là anh Lễ im re. Chúng tôi vào một ngôi nhà chỉ khép hờ cổng, khi anh Hiền thấy cái giếng xi măng. Anh cất tiếng: “Có ai ở nhà không?”. Một cô gái từ trong bếp chạy ra: “Anh hỏi gì ạ?”. “Chào chị! Chúng tôi tạm nghỉ dưới ngã tư, muốn xin gia đình thùng nước về nấu nước trà vì nước dưới ấy xấu quá, mong chị “nhất trí” cho !”. “Vâng, các anh cứ lấy đi !” . Cô gái chạy ào vào nhà mang ra cho chúng tôi một cái thùng nhỏ bằng tôn làm gầu múc nước. Nước giếng thật trong và mát! Khi lấy đầy hai thùng nhựa vốn là bao bì đựng súng CKC cắt đôi, anh Lễ tranh thủ gội đầu và rửa mặt, còn anh Hiền tranh thủ làm công tác dân vận! “Bộ đội vất vả thế mà cũng biết uống trà ạ ?” – cô gái thắc mắc hỏi. Anh Hiền, dân đại học văn Hà Nội, có dịp bốc: “Uống trà là nghệ thuật, là thú vui tao nhã của dân Việt mình, chị quên rồi sao? Bộ đội chúng tôi là người Việt như bà con mình chứ đâu ai xa lạ. Chúng tôi đi đánh giặc là đi với tinh thần Việt ấy chứ! Tại sao lại quên chuyện uống trà?”. Cô gái hình như ngạc nhiên khi nghe anh Hiền nói, lại hỏi: “Các anh nghiện trà à? Vậy là khi nào cũng phải uống trà như ba tôi thì mất công nhỉ?”. Anh Hiền phân bua: “Đơn vị tôi có vài chiến sĩ già, chúng tôi xem như huynh trưởng. Hôm nay, thấy các cụ hành quân vất vả nên đám nhỏ này quan tâm tí chút, chứ còn cánh trẻ chúng tôi thì chẳng cần…”. Cô gái nhanh nhảu hẳn: “Vậy các anh cần bao nhiêu cứ lấy, giếng nhà này được cái nước rất ngon. Tối nay, sáng mai các anh cứ đến lấy nước mà dùng nhé, có mất mát gì đâu!”. Có lúc không nghe hai người nói chuyện, tôi ngoái lại nhìn, thấy họ đang lặng yên, nhìn nhau…
Tôi đang dội nước lên đầu anh Lễ, bỗng có tiếng gọi: “Liên! Ai bảo mày cho người lạ vào nhà lấy nước, hả?”. Cô gái hướng vào bếp trả lời: “Mấy anh bộ đội xin vài gầu nước mà anh khó khăn thế?”. Một người đàn ông cao to,trạc ba mươi, nét mặt hầm hầm chạy đến chỗ tôi, giật lấy chiếc gầu mang vào nhà! Cô gái nói như hét: “Có chút nước mà anh làm gì dữ vậy, người gì mà…”. Trong nhà vọng ra: “Tao không cho ai hết!”. Cô gái tức giận, ngượng ngập: “Em xin lỗi các anh! Anh ấy vừa đi trình diện về…”. Anh Hiền mím môi, đột ngột dốc hai thùng nước đổ ngược xuống giếng làm tôi và anh Lễ không kịp ngăn. “Xin lỗi đã làm phiền chị, không lấy nước của gia đình nhưng chúng tôi cám ơn chị vì chị là người có lòng giúp đỡ”. Anh Hiền nói xong, kéo chúng tôi quay đi. Khi tôi ngoảnh lại, cô gái vẫn còn đứng cạnh giếng trông theo, rồi cúi xuống, tay nâng vạt áo…
Trên đường về, anh Hiền lặng thinh, anh Lễ chưa hết bực: “Anh để em lia một băng đạn cho đi đời cái thằng khốn kiếp!”. Anh Hiền ôn tồn: “Mặc người ta! Chúng ta cần họ giúp mà họ không bằng lòng thì thôi, cậu hơi đâu mà bực mình”. Anh Lễ vẫn chưa nguôi: “Cái thứ ấy mà anh gọi là người ta à? Có là thú vật mới đối xử như vậy!”. Anh Hiền nhẹ nhàng: “Về nhà, hai đứa cấm nói ai biết chuyện này nhé! Không khéo người ta lại cười ba anh em mình thối mũi”.
Lúc chờ phà ở Bến Súc, dưới ánh trăng, anh Hiền trở nên mơ mộng, anh hỏi tôi: “Thi thấy cô Liên thế nào?”. Tôi ngạc nhiên: “Cô Liên nào anh?”. “Thì cô Liên Đồng Xoài, chỗ ba anh em ta xin nước chiều hôm ấy, nhớ không?”. “À, em nhớ rồi, anh mà không nhắc có khi em quên mất”. “Cô ấy xinh và dễ thương chứ nhỉ?”. “Dạ, chị ấy đẹp thật anh ạ! Giá chiều nào cũng nhìn thấy một người như vậy thì cánh ta đỡ buồn tẻ anh nhỉ? Mà anh Hiền này! Anh nói cái gì mà chị ấy cứ nhìn anh khiếp thế?”. Anh đánh trống lảng: “Chuyện người lớn, cậu biết gì!”…
Hòa bình đã ba mươi năm.
Một hôm, sau khi thăm đứa con trai lớn đang học đại học ở TPHCM, tôi quay về Buôn Ma Thuột. Đến Ngã Tư Sở, xe dừng lại vá lốp, tôi vội nhảy xuống làm một chuyến tham quan nho nhỏ.
Ngã Tư Sở đã trở thành khu dân cư đông đúc, có lẽ vì vị trí của nó là giao điểm của đường 13 và đường 14. Nhiều nhà bê tông, thậm chí có nhiều nhà xây rất hoành tráng. Những bảng hiệu đầy màu sắc, những gian hàng khang trang, đầy hàng hóa, không khác gì thành phố. Tôi vào một quán nước gần chỗ xe đỗ. Quán thoáng mát và sạch sẽ, thật lý tưởng để ngồi chờ xe chạy. Phục vụ quán là một người đàn bà duyên dáng, trắng trẻo với cái mũi thanh tú, đôi mắt sáng trên khuôn mặt đẹp, mặc dầu không còn trẻ nữa.
 
Trong khi tôi chúi mũi vào trang báo, bỗng người đàn bà chạy ra trước nhà, gọi to: “Anh! Anh Hiền, anh Hiền ơ… ơ…i!”. Ngoài đường, một người đàn ông trạc năm mươi, thắng xe, rồi vòng lại vào quán, gắt bằng giọng Bắc: “Cái gì mà gọi giật ngược thế?”. Người đàn bà trả lời bằng giọng Nam Bộ: “Đi ngang nhà không tạt vào một chút, vội gì đến nỗi mà không kịp nhìn vợ con, hả? Có lấy được tiền cho em không?”. “Có đây! Anh lấy giúp cho mấy người trên kia, tính chạy ào lên đưa cho họ rồi mới về nhà”. Người đàn bà nắm tay chồng: “Đưa tiền đây cho em! Mẹ Tư hạt điều mới điện thoại nhắc nợ đấy!”. Người chồng càu nhàu: “Ừ, muốn lấy liền thì tôi đưa luôn cho bà, giữ trong túi không an toàn lắm…”. Người chồng móc túi lấy ra một nắm bao giấy: “Bà Thân, bà Hòa, bà Nguyện… Đây! Bà Liên của bà đây. Của nhà, của người gì tôi cũng ghi chú đàng hoàng, bà thấy chưa?”. Tim tôi đập mạnh, tôi có cảm giác hồi hộp như sắp bắt được của. Cái gì? “Anh Hiền”, rồi “Bà Liên”? Có phải những người quen cũ của tôi không? Tôi nhìn kỹ người đàn ông. Khuôn mặt sạm nắng, hơi già nhưng đường nét thì không khác gì cả, lại thêm cái nốt ruồi bên phải miệng nữa chứ. Tôi bật hét lên: “Anh Hiền!”. Anh ngước nhìn tôi chưa đến ba giây, rồi cũng la to: “Thằng Thi!”. Anh ôm chầm lấy tôi một hồi, lúc buông ra thì hai anh em đã ràn rụa nước mắt…
Tôi bỏ chuyến xe Buôn Ma Thuột “ở lại Bình Phước” theo lệnh anh Hiền, để “bù khú” với nhau. Chị Liên đóng cửa quán, ba chúng tôi chất lên chiếc mô tô anh Hiền, về Đồng Xoài.
Lúc dừng xe trên cầu Sông Bé, anh Hiền quơ tay một vòng, nói như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: “Một phần tỉnh Sông Bé cũ, từ Phú Giáo lên Chơn Thành, Lộc Ninh, đến tận biên giới Campuchia, phía này giáp ranh Đắk Nông, bây giờ là tỉnh Bình Phước. Ngày bắt đầu hòa bình, Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân mọi nơi về vùng đất thênh thang này xây dựng kinh tế. Gần mười năm thành lập tỉnh, địa phương này mới thật sự đi vào chiều sâu của sự xây dựng và phát triển, không còn cái cảnh đèo heo hút gió nữa. Từng qua đất này như chúng ta, nhìn lại mới thấy đã, Thi ạ! Cái làng Bom Bo trong Tiếng chày trên sóc Bom Bo, mình đã từng đi qua ngày ấy, bây giờ là xã văn hóa, điện, đường, trường, trạm đường hoàng đấy nhé…”.
Tôi nhìn ngược, xuôi dòng sông, rồi hỏi anh Hiền về cái ngầm, nơi tôi đã một lần vượt sông ban đêm. Hôm ấy, trước ngày Sài Gòn được giải phóng khoảng mười ngày, chúng tôi đi từ Đồng Xoài sang Chơn Thành bằng ngầm qua sông Bé vừa làm xong. Đoàn xe chỉ bật đèn gầm, xe sau bám đít xe trước, từ từ bò qua sông theo tiếng chỉ dẫn và tín hiệu của các anh chị thanh niên xung phong đang ngâm mình dưới dòng nước chảy xiết. Khi chiếc bánh xích móc cáp, kéo xe chúng tôi lên khỏi gờ đất trơn như mỡ ở bờ sông thì tôi thở phào, người đẫm mồ hôi! “Chỗ ấy là chiếc cầu sắt, ta đánh sập khi bắt đầu chiến dịch, trước khi giải phóng Phước Long. Hôm ta đi vòng lên thượng nguồn sông Bé, đó chỉ là một cây cầu thô sơ, sau ngày 20-4 anh em ta chở hàng mới có ngầm qua sông. Bây giờ, nơi ấy là cầu Tân Thành mới xây sau này bằng bê tông kiên cố đẹp lắm, nó nằm phía trên cầu này một đoạn, nối Đồng Xoài với Lộc Ninh, mai anh sẽ đưa Thi đi tham quan”…
Thị xã Đồng Xoài là thủ phủ của tỉnh Bình Phước. Đoạn đường 14 chạy qua phố, đại lộ Hùng Vương… tám làn xe, lưu thông hai chiều. Đèn cao áp sáng rực, cùng với ánh sáng điện tử của các biển quảng cáo lấp lánh trên những hàng cây vừa khép tán, thật đẹp! Khu công sở, hầu hết là những dãy nhà bê tông ba tầng, uy nghi vẫn còn đẹp như mới! Những dãy phố khang trang, đầy đủ các dịch vụ của một thị xã đang phát triển. Tôi còn nhìn thấy những cửa hàng điện thoại di động, những điểm Internet dập dìu khách ra vào, đúng là không thiếu thứ gì! Rồi tiếng nhạc xập xình từ các quán cà phê, cửa hàng ăn uống cùng với tiếng ô tô, xe máy ì xèo làm cho không khí thị tứ nhộn nhịp hẳn lên. Tôi không thể nhìn ra được cái ngã ba Đồng Xoài “tối mù đèn dầu”, lèo tèo của một làng quê vùng sâu ngày ấy. Anh Hiền còn bảo: “Đã có quy hoạch thị xã, sẽ có đầu tư từ bên ngoài vào các khu công nghiệp quanh đây. Mai mốt thì “ai sao tui dzậy”, ngon lành!”.
Nhà vợ chồng anh Hiền sát ngay nhà ba mẹ chị Liên. Đó là một ngôi nhà ngói kiểu chữ A dạng biệt thự một lầu thoáng mát trong một khu vườn cây ăn trái, sân trước là hoa và cây cảnh tươi tốt, nhìn qua là biết chủ nhà sung túc. Anh Hiền phân bua: “Từ khoai mì sang trồng cà phê, hai vụ cà phê anh làm ngôi nhà này. Tàm tạm, mai mốt hai đứa nhỏ lớn rồi tính”. Anh Hiền đưa tôi vào phòng để hành lý: “Tối nay, hai anh em ta ngủ trên giường này”. Chị Liên phản đối: “Nhà còn phòng khách, sao lại bắt nằm chung, tội nghiệp chú!” Anh Hiền trợn mắt, trả lời một câu rất hay: “Ngày ấy, anh em tôi ôm nhau ngủ trong ca bin xe tải còn được nữa là…”.
Tôi gợi ý: “Anh Hiền cho em ra giếng nước đi”. Anh vui hẳn lên: “Cái thằng nhớ dai nhỉ! Cái giếng nước mà anh em ta múc nước lên rồi đổ xuống chứ gì?”. Trong tôi bỗng hiện lên bao nhiêu chuyện cũ: “Em còn nhớ cả lúc anh tranh thủ tán chị Liên, rồi tỏ tình bằng mắt nữa cơ!”. Anh Hiền vỗ vai tôi, cười hóm hỉnh: “Ông biết lém từ bao giờ thế!”.
Sau đợt học tập chính trị ở Bà Điểm vào giữa tháng 5-1975, tôi chia tay anh Hiền, anh Lễ và mọi người trong tổ ô tô, về nhà. Anh Hiền dự lớp bồi dưỡng tay lái, công tác lái xe ba năm thì về Bắc và ra quân. Anh ở nhà được mấy tháng rồi vào Nam. Được những người quen từ hồi chiến đấu giúp, anh làm thợ cơ khí cho Công ty Cao su Chơn Thành, rồi trở lại Đồng Xoài để “cám ơn đôi thùng nước vào một chiều hành quân trước”. Năm 1980, anh Hiền đón mẹ vào, cưới chị Liên và trụ lại mảnh đất miền Đông này cho đến nay. Anh tâm sự: “Đúng là hay không bằng hên chú ạ! Cái lần đi xin nước không được mà tôi lại được cái khác giá trị gấp tỉ lần là chị Liên của chú. Chuyện đi dọc đường 14 lần đó, tưởng sau chiến tranh là hết, đâu ngờ bây giờ có một hộ cựu chiến binh Nguyễn Hiền hoành tráng, có một nông trại Mai Liên dọc đường 14…”. Tôi thắc mắc: “Mấy hécta nông trại là Nhà nước cấp hay anh mua?”. “Chuyện lập gia đình, lập nghiệp đều tự tôi tạo dựng đấy chứ! Chú nhớ hồi hành quân qua vùng này không? Bao nhiêu là đất hoang đến bạt ngàn, chỉ cần đặt nhẹ lưỡi cuốc xuống là đất vỡ tưa ra. Trồng cây gì chả được!”…
Ba mươi năm, anh Hiền bám trụ, xanh cây tốt rễ ngay mảnh đất miền Đông này. Công tác tại công ty mấy năm, anh Hiền trở về làm rẫy với vợ khi đã có hai con. Ăn độn, mặc rách khai hoang, cùng sự giúp đỡ của gia đình chị Liên và nhất là anh Trung, người cựu binh cộng hòa “dữ dằn” mà tôi đã gặp trong chiều đi xin nước. Mấy năm trời, anh gây dựng được mấy hécta khoai mì, rồi thu hoạch khá, có đồng vốn để xoay xở trong thời kỳ đổi mới. Anh chuyển đổi vườn mì thành nông trại trồng một ít cây ăn trái và cà phê. Anh tâm sự: “Cây ăn trái ở đây không khá, chỉ được cà phê, anh nhờ cà phê mới đỡ vất vả đó!”. Hiện anh còn có hơn năm chục mẫu cao su đang thu hoạch mà anh đã “mua” và phát triển từ nông trường quốc doanh. Căn nhà ở Ngã Tư Sở là chỗ buôn bán, nơi vợ chồng anh Hiền thu mua tiêu, điều, cà phê trong vùng để xuất về Sài Gòn. Mai mốt đứa con gái của anh học xong đại học, anh có thể giao căn nhà ở ngã tư cho nó kinh doanh hay làm một dịch vụ gì đó. Xong, vợ chồng anh rút về vườn dưỡng già với thằng con đang học đại học nông nghiệp. Hai người em trai của anh đã rời quê hương vào xây dựng kinh tế nông trại, đang giúp anh quản lý vườn cà phê, và khai thác cao su của anh ngay khu vực đường 14 này… Anh thực sự mãn nguyện với những gì mình đã làm nên từ đất. “Lễ nó vào sau anh ba năm, ở với nhau một thời gian, nó nhảy đi Lộc Ninh, bây giờ trong tay cũng có năm, bảy mẫu điều rồi. Có dịp anh hẹn nó ra đây, lên Đắk Lắk chơi với chú hoặc chú xuống đây, anh em ta kéo nhau đi Lộc Ninh, ăn chơi cho hết Bình Phước luôn!”. Anh Hiền huyên thuyên khi tôi nhắc đến anh Lễ.
Tôi ở chơi với anh Hiền hai ngày mới về. Trong hai ngày với nhau, anh Hiền cho tôi đi thăm hết cơ ngơi của anh, từ vườn cà phê đang ra hoa đến vườn cao su vừa thay lá, bạt ngàn. Ba chị Liên đã mất, mẹ chị và anh Trung vẫn ở trong căn nhà có cái giếng nước. Tôi đến chào bà cụ và còn uống rượu với Trung, một nông dân dễ thương, chứ không phải anh chàng từng bị anh Lễ đòi “lia” một băng AK. Tất cả đều vui vẻ, chan hòa!
Chia tay anh Hiền, tôi còn nhớ mãi tiếng cười hạnh phúc của anh: “Liên chỉ là tiếng gọi cho tớ đến đây, còn giữ tớ lại, làm cho tớ sống chính là đất Bình Phước này!”. Tôi tin anh Hiền nói thật, vì anh vốn là người rạch ròi, kể cả những vấn đề trừu tượng như tình người, ơn đất!
Tác giả: Đào Hữu Thức

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *