RadioVn.Com – Tác phẩm đã dựng nên chân dung người quản giáo già tốt bụng và nhân hậu, để lại suy ngẫm về quy luật gieo gặt “nhân – quả” ở đời. Với truyện ngắn này, người đọc, người nghe đã có được những khoảnh khắc sống trong không khí ấm cúng của văn chương viết về một đề tài mà báo chí chỉ thường phản ánh ở khía cạnh nêu gương…
Nghỉ hưu được hơn năm rồi mà lắm đêm đang nằm ngủ, ông Khôi vẫn giật mình bật dậy, tung màn bước ra ngoài, cho đến khi đứng sững ngơ ngác trước cánh cửa nhà mình ông mới chợt tỉnh.
Hóa ra không phải đang nằm trong phòng trực trại giam, mỗi khi có chuyện phạm đánh nhau, hay đang đêm có phạm cần cấp cứu, hay báo động vì có tin tù trốn trại. Tất cả những lần giật mình đó đã trở thành thói quen như phản xạ có điều kiện. Giờ đây khi đã ở hẳn nhà, nằm trong căn phòng kín đáo yên tĩnh trên chiếc giường ấm cúng chăn đệm thơm tho, ông lại cứ trằn trọc khó ngủ, và lôi nó cả vào trong giấc mơ để đêm đêm ông lại cứ giật mình bật dậy.
Gần 40 năm phục vụ trong ngành Công an thì đã có hơn 30 năm ông làm quản giáo trong trại tạm giam của tỉnh, 30 năm có nhiều người cùng thời với ông đã lên tướng, hoặc ít ra cũng đã làm chức nọ chức kia, chậm ra thì cũng trưởng phòng. Vậy mà ông lúc nhận quyết định nghỉ hưu vẫn chỉ là anh quản giáo với cấp hàm trung tá.
Trung tá Nguyễn Xuân Khôi là lính cựu của trại tạm giam, qua đến 5 đời giám thị, mà giám thị nào mới về cũng e dè hỏi han ông đủ điều về những vấn đề còn nổi cộm trong trại, hoặc những kinh nghiệm cần thiết để có biện pháp xử lý. Thế rồi giám thị nào cũng ra đi để lên một vị trí cao hơn, giám thị nào cũng quên không xóa đi cho ông những bản kiểm điểm về sự vi phạm nguyên tắc của người quản giáo. Vậy nên ông vẫn cứ giẫm chân tại chỗ, cứ mãi là ông quản giáo, mà dân phạm truyền tai nhau là “ông già Nôen”.
Song, mấy hôm nay ông không ngủ được không phải vì ông giật mình bởi những tiếng động từ thời còn trực đêm trong trại, mà ông không ngủ được vì quá vui mừng. Thằng Thành con nuôi của ông đã trúng tuyển vào một cơ quan nhà nước. Như thế là nó đã hoàn thành được ước mơ của ông. Nó sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ rắn rỏi hơn vì nó đã có mấy năm làm nghĩa vụ Công an, chắc chắn nó sẽ tiến xa hơn ông nhiều. Ông thầm mỉm cười trong đêm, mỉm cười mà tự dưng nước mắt cứ ứa ra. Ông phải quay mặt đi kẻo bà vợ lại nhìn thấy rồi nghĩ ngợi lung tung.
Thực ra ông khóc vì thương vợ. Rồi đây sức khỏe của ông sẽ sa sút, lại đổ gánh nặng lên vai bà. Ông thật có lỗi với bà, ông đã giấu bà một việc động trời với từng ấy năm. Tại sao ông lại làm thế, mà không hỏi ý kiến bà. Tại sao ông lại coi rẻ bản thân mình khi nó chính là tài sản của bà. Đến bao giờ ông mới thú nhận với bà đây. Và nữa, cả thằng Thành cũng vậy, có nên nói cho nó biết không nhỉ?
Sao tự dưng hôm nay ông lại cứ nghĩ luẩn quẩn như người sắp đi xa thế này. Ông vẫn còn khỏe mà, thỉnh thoảng ông vẫn đi khám sức khỏe theo tiêu chuẩn bảo hiểm của ngành Công an và được bác sĩ tư vấn đầy đủ về cách bảo vệ sức khỏe nên ông vẫn yên tâm. Chỉ có bà là nhận ra, bà cứ nhìn mặt ông rồi cứ lấy cái nước da ra mà suy xét bệnh tật. “Dạo này nước da ông xấu lắm, ông đi khám thử xem sao”. “Tháng nào mà chả đi kiểm tra định kỳ, đâu có bệnh gì. Bệnh viện trong ngành, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe tốt lắm, mình đừng lo”.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi.
Bà có thể hết lo, nhưng ông lại càng lo. Đã bao nhiêu năm rồi ông lo đủ thứ. Lo cho bản thân, lo bà biết sẽ không chịu đựng nổi, lo thằng Thành liệu có là quả đắng không? Nhưng bây giờ ông có thể mỉm cười được rồi. Thành không hề là quả đắng, thậm chí nó còn là quả ngọt. Bây giờ ông mới dám cảm ơn trời vì đã cho ông một quyết định đúng đắn.
Nhìn thằng Thành với gương mặt sáng bừng hạnh phúc trong vòng tay chúc tụng của bạn bè, cả cô người yêu khi liên hoan để lên đường nhập học, ông chợt nhớ đến gương mặt hốc hác tiều tụy của nó cách đây 15 năm. Khi đó ông đang là một quản giáo với cấp hàm trung úy, phụ trách đội lao động của phạm. Lao động ngoài trời trong trại tạm giam cũng không có gì nặng nhọc, chỉ là việc cuốc đất trồng rau, đào ao tát cá, hoặc một số công việc xây dựng lặt vặt trong trại. Số phạm nhân được lao động như vậy cũng phải là những phạm có án nhẹ, hoặc có xu hướng cải tạo tốt mới được đi lao động.
Phần lớn phạm rất phấn khởi, lao động cũng tùy khả năng, lại được thảnh thơi tiếp xúc với thiên nhiên, nên hầu hết phạm đều cố gắng để được ra ngoài lao động. Trung tá Khôi rất lạ khi chú ý đến một phạm nhân bé nhỏ gầy gò với gương mặt lạnh lùng sầu não, lúc nào cũng cúi gằm xuống đất. Ông gọi tay đội trưởng đội lao động tự giác đến hỏi: “Này thằng bé kia, sao trông nó lúc nào cũng ủ rũ thế, nó có bị làm việc quá sức không đấy”. “Dạ không, thưa cán bộ, cháu thấy nó yếu nên toàn giao việc nhẹ thôi ạ, nhưng hình như nó có bệnh hay sao mà làm việc gì cũng uể oải, nó hay xỉu đi trong khi làm việc”. “Được rồi, ngày mai cho nó nghỉ, bảo lên tôi gặp nhé”. “Dạ thưa, vâng ạ”.
Ông Khôi giật mình khi thằng bé phạm nhân khai đã 16 tuổi, trông nó chỉ như đứa trẻ 13 tuổi, với tội danh là ăn cắp chiếc xe đạp, bị bắt ngay tại trận vì không thể lên xe đạp để đi được mà chỉ dắt bộ chạy. Sau một hồi hỏi han gia cảnh, nó buồn bã bảo, nó chỉ có một người mẹ đang ốm ở nhà. Nó là lao động chính, nên phải làm mọi việc để kiếm tiền nuôi mẹ. Trông nó yếu như cái lá sắp rụng thế kia thì không hiểu làm được gì để lấy tiền nuôi mẹ. Ông Khôi chợt thở dài, rồi như không hề nghĩ nó đang là một phạm nhân, ông hạ giọng hỏi một cách thân tình:
– Cháu lao động ngoài trời vậy có mệt lắm không?
– Dạ dạ cũng… cũng không sao ạ.
– Thôi, từ mai lên phòng bác làm vệ sinh vậy.
Mắt nó sáng lên, rồi không hiểu sao nó ngồi thụp xuống chắp hai tay lại, miệng lẩm bẩm: “Cháu cảm ơn ông ạ”.
Ông Khôi phì cười: “Mày làm gì thế, đứng lên”.
Cái chân vệ sinh phòng thực ra rất nhàn, chỉ là quét dọn phòng trực của quản giáo vào mỗi buổi sáng, sau đó là nấu một phích nước, pha một ấm trà. Chân này chỉ dành cho những phạm nhân được quản giáo yêu quý, nói chung là ngoan ngoãn, cải tạo tốt. Nếu xét bề mặt thằng Thành chưa đủ điểm để ông Khôi cất nhắc như vậy. Nhưng đám phạm chẳng cần ngạc nhiên, vì chắc chắn ông Khôi lại động lòng trắc ẩn bởi cái thân thể èo uột còm nhom của thằng Thành rồi.
Ông Khôi tìm hiểu mới biết từ hôm thằng Thành vào trại đến nay cũng hơn tháng mà chưa hề một lần nào nhận được đồ tiếp tế của người thân. Thậm chí không cả một bộ quần áo để thay đổi, mấy người phạm cùng phòng bảo rằng họ phải nhường quần áo cho nó mặc khi nó phải thay giặt, chứ không thì hôi không thể ngủ được, còn ăn thì thoải mái hơn, nó có thể ăn thêm suất ăn của phạm khác khi họ có đồ tiếp tế.
Từ xưa đến nay ông Khôi vẫn luôn động lòng trắc ẩn như thế chứ chẳng riêng gì thằng Thành. Phạm nhân ở trong trại tạm giam này vẫn truyền tai nhau từ đời giám thị này đến đời giám thị khác rằng quản giáo Khôi rất dễ tính. Cũng vì lòng thương người, tính dễ dãi mà ông Khôi đã mang vạ vào thân vì hay giúp đỡ phạm nhân những việc lặt vặt như nhắc người nhà tiếp tế, mua đồ ăn giúp phạm. Tuy ông cũng kín đáo nhưng không thể bịt được những tiếng rì rầm truyền tai nhau như vòi nước bị han gỉ. Tất nhiên lúc đầu ông chỉ bị đơn vị khiển trách, nhưng cũng có lần ông bị cảnh cáo rồi bị kỷ luật, kéo dài thời gian nâng cấp. Ông buồn, phạm cũng buồn. Nhưng cái tính thương người của ông vẫn không thay đổi được.
Thực ra không phải là ông không hiểu nguyên tắc nghề nghiệp, nhưng ông tự biện minh cho những thứ ông giúp đem vào cho phạm nhân không gây nên những hậu quả nghiêm trọng mà chỉ giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống. Sự gần gũi, yêu thương phạm nhân đã giúp cho ông Khôi rất nhiều trong công tác nghiệp vụ. Chính ông Khôi đã cung cấp khá nhiều bằng chứng bí ẩn cho phòng cảnh sát điều tra khi họ hoàn tất hồ sơ trước khi đưa ra xét xử. Nhưng nguyên tắc của người cảnh sát nhân dân thì vẫn cứ là nguyên tắc, ông không thể chối cãi được. Có điều ông vẫn cứ trằn trọc khi một người phạm chỉ cần nhờ ông lại nhà thăm người mẹ già đang ốm nặng, hay mua hộ món quà tặng sinh nhật con gái.
Sao lại không được chứ, khi họ cũng cần có những nhu cầu tình cảm đời thường. Nhiều khi có những phạm nhân chỉ vì một phút nông nổi mà phạm sai lầm hoặc có khi chỉ là một oan trái, chưa được làm rõ. Ở trại tạm giam là thế, tạm giam có nghĩa là đang trong giai đoạn điều tra, có phạm bị tạm giam nhiều tháng trời, đến khi bước ra khỏi trại lại hoàn toàn trắng án. Nếu trong lúc tạm giam mà mình đối xử với họ khắt khe nguyên tắc và lạnh lùng quá, ông Khôi không đành lòng.
Ông Khôi gói hai cái bánh mì nóng hổi kẹp rất nhiều pa tê vào tờ báo rồi dắt xe đi làm. Vợ ông không hề ngạc nhiên hay thắc mắc vì biết ông lại mang vào trại giam cho phạm rồi, đúng là đánh chết cái nết vẫn không chừa, bao nhiêu lần bị kiểm điểm vì điều này rồi mà ông vẫn cứ lặp lại. Bà chỉ còn biết thở dài, biết tính ông là như vậy.
Có lần bà bảo: “Ông chọn nhầm nghề rồi, Công an gì mà cứ dễ mềm lòng với phạm như vậy thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ được cơ chứ”. Rồi lắm khi thấy ông về nhà mà cứ thở ngắn than dài bà lại thấy sốt ruột. Chắc lại một phạm nào đó có hoàn cảnh éo le, hay ông đang bị đơn vị phê bình kiểm điểm. Nhiều lần trong đêm bà thủ thỉ khuyên: “Hay ông chuyển nghề đi, tìm một công việc khác phù hợp hơn, khỏi phải day dứt”.
Ông thì ông cho rằng, tù nhân cũng có dăm bảy loại, có thể họ không hoàn toàn là người xấu như trong tội trạng. Trong con người ta, ai cũng có cái phần con và phần người. Cái phần con là cái chất thú còn rơi rớt lại trong con người. Cái chất thú đó nếu không biết kiềm chế thì nó sẽ trỗi dậy khi có cơ hội và gây nên tội ác. Phần người chính là sự hiểu biết, là lý trí để suy xét mọi việc đúng sai một cách kịp thời nhất.
Bất cứ một người nào sau khi đã phạm tội, họ cũng đều ý thức được việc làm sai trái của mình. Có điều họ có dám nhận sự sai lầm để sửa chữa hay không thôi. Chính nhà tù là để giáo dục họ trở về với cái phần người nhiều hơn, chứ không phải là nơi để trừng phạt họ. Bà nghe ông thuyết giảng về điều này không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào bà cũng không cần hiểu vì bà chỉ hiểu một điều. Ông là người quá nhân hậu, quá hiền lành, thế mà ông lại đi làm cái nghề mà người đời vẫn luôn cho rằng: nghề này phải có một bản lĩnh sắt đá, một cái đầu lạnh. Đó là làm quản giáo trông coi phạm nhân.
Khi lấy ông, gia đình bà đã không ai đồng ý vì nghe đâu mẹ bà đi bói, ông thầy ác miệng phán rằng: cái nghiệp chướng của ông sẽ hãm bà đường con cái. Hồi đó bà cười khẩy vì cái chuyện mê tín dị đoan, nhưng đến nay vợ chồng bà vẫn chưa có một mụn con nào. Chả lẽ lời ông thầy lại đúng, ông làm cái nghề dễ bị nhân gian quở là kém phúc. Nhưng bà lại thấy chính ông mới là người đang làm những việc phúc đức rất dày trong cuộc sống. Vậy nên những việc làm của ông, dù biết nó ảnh hưởng đến danh nghiệp của ông nhưng bà vẫn âm thầm ủng hộ. Ừ thì phạm cũng là con người, cũng cần những điều thiết yếu trong cuộc sống.
Có lần vào những ngày nóng nực giữa trưa hè tháng sáu, ngồi ăn cơm trưa, ông trầm ngâm bảo: “Mình ở nhà thoáng rộng thế này, quạt trên quạt dưới mà vẫn nóng chảy mỡ ra, huống hồ trong phòng giam trần xi măng chỉ hở có mỗi cái lỗ thông hơi, mỗi lần mở cửa hơi nóng phả ra như một lò bánh mì”. Thế là bà vội giục: “Thôi ông ăn xong rồi thì vào cơ quan mở cửa sớm cho người ta ra ngoài hưởng gió trời một chút”. “Tôi biết rồi, nhưng mình đi sớm quá cũng không được, giờ này tất cả các phòng giam đều phải đóng cửa vì đây là giờ nghỉ trưa của đơn vị”.
Rồi lắm đêm mùa đông, ông lại thở dài, bà hiểu ý biết trời đang lạnh có mười mấy độ, mà cái sàn xi măng với tấm chiếu mỏng manh thế… Bà lại bàn: “Nhà còn mấy tấm mền cũ, hay ông đem vào, cho đứa nào còn thiếu thốn, chứ rét thế này, dễ bị sưng phổi lắm”.
Chờ thằng Thành nấu xong ấm nước rót vào phích rồi mang trà ra pha, ông mới giở gói báo lấy hai cái bánh mì ra để lên bàn rồi gọi nó lại: “Ăn đi, tao mua ăn sáng nhưng gặp người bạn lại mời đi ăn phở nên còn ế đây”. Nó run run cầm cái bánh mì, rồi ăn vội ăn vàng như sợ ai nhìn thấy. Ông Khôi lén nhìn nó ăn mà thấy lòng se lại.
Tối hôm đó nghỉ trực, ông cải trang tìm vào khu Bến Than, một khu của dân lao động chuyên làm nghề bốc vác ở bến sông. Gọi là bến than vì trước đây chỉ có các thuyền chở than củi từ phía thượng nguồn vào cập bến. Cũng không khó khăn lắm để hỏi thăm, ông Khôi nhanh chóng tìm được nhà thằng Thành. Nhà không có ai, mặc dù cửa không khóa. Một bà hàng xóm chạy sang tưởng ông là người nhà nên tong tả kể: “Chị ấy đang nằm ở bệnh viện đấy. Khổ, cả xóm phải đưa đi cấp cứu may mà kịp chứ không thì… Chị ấy đi mà chả có một đồng xu nào. Chị em chúng tôi phải bảo nhau quyên góp mỗi người một ít, nhưng cũng chỉ đủ tiền nhập viện thôi. Bị bệnh tim mà, chẳng biết sống chết lúc nào, có thằng con lại bị đi tù, từ ngày nó đi chị ấy cứ nằm liệt giường, chúng tôi cũng chỉ biết rau cháo qua bữa”.
Ông Khôi lại sấp ngửa đi vào bệnh viện cứ như người thân nhà chị ta không bằng. Đến nơi gặp bác sĩ, ông mới biết chị bị suy tim giai đoạn cuối, mặt đã phù nặng. Ông cũng được nghe sơ qua về gia cảnh bệnh nhân do những người hàng xóm kể: Chị ấy là dân ngụ cư của xóm Bến Than, cũng không ai rõ quê đâu. Chỉ thấy có một mẹ một con. Lúc còn khỏe, chị vẫn thường xuống bến làm việc kiếm tiền nuôi con. Nhưng từ ngày đổ bệnh, đứa con trai phải bỏ học đi làm thay mẹ. Đến bây giờ cũng chẳng rõ người thân của chị là ai để báo. Hồ sơ bệnh án vẫn chưa hoàn tất, mà bệnh tình của chị ấy đang có chiều hướng xấu đi. Vị bác sĩ nhìn ông như chờ đợi một quyết định sau khi hội chẩn.
Ông Khôi lại rơi vào một tình thế khó xử. Thôi đành vậy, ông tự nhận mình là một người họ hàng xa, và ông bỏ tiền đóng các khoản viện phí, với một thỉnh cầu mong các bác sĩ cứu giúp bệnh nhân bằng mọi giá. Về phía trại giam ông tìm mọi cách lo cho Thành được tại ngoại để về chăm mẹ. Mọi việc cứ tưởng yên ổn cả, ai ngờ Thành về được mấy hôm cũng chỉ là để gặp mẹ lần cuối. Mẹ Thành ra đi trong thanh thản và mãn nguyện vì có con trai bên cạnh. Nhưng với ông Khôi, sự việc lại trở nên rắc rối, ông lại bị đơn vị khiển trách vì tự ý can thiệp sâu vào gia đình phạm nhân.
Lo xong xuôi cho mẹ Thành mồ yên mả đẹp, ông định tìm việc cho Thành thì nó bỗng khăn gói trở lại trại giam, xin tiếp tục thụ án. Ông ngăn nó, nhưng Thành lại năn nỉ: “Ông cho cháu vào đây, vì bây giờ cháu chẳng biết đi đâu, nhà cháu người ta cũng lấy lại rồi, cháu vào đây còn được ăn, được ngủ, cháu vẫn sướng hơn ở ngoài”. Thế là hết cách, ông Khôi đành miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng hình như ông trời vẫn chưa ngừng thử thách ông thì phải.
Thành ở trại, nhưng được làm ở đội nhà bếp, công việc cũng nhẹ nhàng, lại có điều kiện để ăn uống đầy đủ hơn những phạm khác, song Thành hay kêu đau đầu, chóng mặt buồn nôn, sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm sút, cho đến một hôm Thành ngã ra đất ngất xỉu và được đưa vào trạm xá của trại, nhưng lập tức y xá chuyển ngay đi bệnh viện tỉnh. Ông Khôi tức tốc vào bệnh viện thăm Thành thì được biết Thành bị viêm đường tiết niệu lâu ngày và bây giờ đã dẫn đến suy thận. Việc chữa trị sẽ phải rất tốn kém và lâu dài, mà kết quả cũng không khả quan lắm.
“Vậy thì phải làm sao mới có thể cứu chữa được?”, vị bác sĩ rầu rĩ nói: “Trừ phi phải thay cả quả thận thì mới sống yên ổn được”. Ông Khôi ngửa đầu lên trời như muốn kêu: Sao trời lại có thể nghiệt ngã với một đứa trẻ như Thành vậy.
Ông Khôi ngồi gần như bất động bên cạnh giường thằng Thành. Nó đã tỉnh, nhưng giờ chỉ còn là làm sao để chữa khỏi và để sống ra sao? Nó chưa hiểu được mức độ của sự bất hạnh, nên vẫn hồn nhiên dặn ông: “Ông cứ về đi, kẻo lại bị phê bình, cháu khỏe rồi, chắc mai sẽ được ra viện thôi”.
Ông Khôi vừa quay đi, bỗng thằng Thành gọi giật: “Ông ơi…”, rồi cái miệng nó méo mó, nói không thành tiếng: “Ông cho cháu gọi ông là bố được không, chỉ lúc này thôi”. Nó nói mà nhìn ông chằm chằm như cầu khẩn. Ông ừ hữ, gật đầu rồi vội quay mặt đi như kiểu cho qua chuyện, nhưng nó làm sao hiểu được nỗi lòng ông, một tiếng bố đối với ông thiêng liêng biết chừng nào, ông đã mong tiếng gọi đó gần như cả đời rồi.
“Bố ơi, con… con yêu bố lắm, bố ơi, con nhớ mẹ con lắm”, rồi nó bỗng khóc tu tu, khóc như từ hồi mẹ mất tới giờ nó chưa được khóc. Không hiểu lúc đó trong ông, có một tiếng gọi gì thúc giục như tiếng gọi của tình phụ tử, khiến ông lặng lẽ đi đến gặp người bác sĩ trưởng khoa và đề đạt nguyện vọng hiến cho Thành quả thận của mình. Ông ký vào biên bản nhận Thành là con nuôi, mọi chi phí ông sẽ lo hoàn tất, chỉ yêu cầu với bác sĩ một điều duy nhất là được giữ kín suốt đời.
Ông Khôi về nhà chỉ kịp dặn vợ là phải đi công tác đột xuất, xin cơ quan nghỉ phép, rồi rút hết tiền tiết kiệm, số tiền cả hai vợ chồng ông tích cóp từ hồi lấy nhau để dành lo cho việc có một đứa con và làm lại ngôi nhà cấp bốn. Rồi cả hai bố con cấp tốc lên đường ra Hà Nội. Thành không hiểu chuyện gì, ông chỉ bảo nó phải đi chữa bệnh tiếp vì bệnh nặng, thế thôi.
Như được trời phù hộ, thận của ông hoàn toàn phù hợp với việc cấy ghép thận của Thành, mọi xét nghiệm cũng đều đạt ở chỉ số cho phép. Ca ghép thận thành công ngoài mong đợi. Ông mừng gần như phát khóc khi biết Thành sẽ được sống khỏe mạnh, còn ông, ông vốn là người khỏe mạnh, nên không có gì phải lo lắng. Vả lại ông có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Ông và thằng Thành trở về nhà đều đã được bình phục. Đơn vị biết ông đi chữa bệnh cho Thành cũng góp tiền để ủng hộ.
Lúc này cũng khá nhiều anh em trong đơn vị đã hiểu và nhìn ông bằng con mắt khác. Ông cũng nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để chính thức nhận Thành làm con nuôi. Vợ ông rất mừng, cả hai vợ chồng bắt tay vào việc dạy học cho Thành để đuổi kịp những tháng năm đã mất. Cũng may là vợ ông lại là một giáo viên dạy giỏi bậc trung học cơ sở. Tuy vất vả nhưng Thành cũng sáng dạ, nên chẳng mấy chốc cậu đã tốt nghiệp được trung học cơ sở và vào trung học phổ thông, rồi ra trường và giờ là có công ăn việc làm ổn định.
Bí mật của ông vẫn nằm vẹn nguyên trong người Thành, ông mỉm cười mãn nguyện. Vậy là ông vẫn có thể yên tâm về người nối dõi được rồi vì một phần thân thể ông sẽ được tồn tại trong cõi đời và tiếp nối một cách tốt đẹp. Con ông sẽ là một người cảnh sát nhân dân gương mẫu, tận tụy và đầy lòng nhân ái như ông. Rồi những đứa cháu của ông nữa, nó sẽ mang dòng máu của ông mà lan tỏa, mà gieo mầm đến khắp mọi miền đất nước.
Tác giả: Nguyễn Cẩm Hương