Bài nổi bật

Quà Tặng – Văn Tất Thắng

RadioVn.Com – Tôi đặt chân lên đất Đức sát Noel, mùa đông tuyết phủ dầy. Đêm đêm đứng trên tầng nhà cao nhìn xuống hàng phố kết hoa đăng, nhìn ra xa nhiều ô cửa sổ treo đèn mầu nhấp nháy. Cây thông Noel đứng góc chợ cao cao, cũng đầy đèn treo lung linh. Không gian cả thành phố, nơi nơi chuẩn bị Lễ Noel huyền ảo, nhưng lòng tôi hời hợt. Tôi nhớ nhà.
Buổi tối Noel, một người đàn ông Đức cao to, mái tóc hung hung cắt ngắn gương mặt nhẹ nhàng, sống mũi gồ cao trắng hồng, trên tay cầm quyển sách “Guten Tag Kollegen – Chào bạn đồng nghiệp” của nhà máy phát cho chúng tôi để học tiếng Đức. Anh tên là Dieter, hơn tôi bốn tuổi, có vợ và hai con. Dieter biết cách nói chuyện với người có vốn tiếng Đức ít ỏi, đôi mắt cương trực, lúc vui cười lóe lên một chút tinh ranh. Dieter đề nghị: “Đêm nay mày về nhà tao đón Giáng Sinh“. Tôi đồng ý và theo anh ra xe.
Gia đình nhà Dieter sống ở căn hộ khép kín bốn phòng trong khu chung cư cao tầng. Phòng khách được trang hoàng ấm áp, cây thông Noel treo bóng thủy tinh đổi mầu lấp lánh, dưới gốc thông là những gói quà.
Dieter mời tôi bước qua phòng nhỏ để khách treo áo khoác rồi vào phòng khách. Căn phòng tắt điện, những ngọn nến trên bàn tỏa sáng. Vợ Dieter ăn mặc rất đẹp ra đón khách. Đêm nay, cô lộng lẫy trong bộ lễ hội, áo hồng và chiếc váy sậm hơn dài tha thướt. Cô cười rất tươi và lúc lắc mái tóc khi nhận gói giấy có chiếc vòng vỏ ốc tôi mang từ Việt Nam sang. Tóc xoã, lộ ra đôi bông tai vàng đính hai viên đá quí lấp lánh.
Chúng tôi, đúng hơn là hai gã đàn ông, ngồi ở đó trong ngôi nhà gia đình Dieter chuyện phiếm bên những cốc bia sủi bọt.
Tiếng chuông nhà thờ ngân từng hồi vọng lại, như một thời khắc làm cho bốn con người phấn khích, họ ôm chầm lấy nhau chúc tụng rồi chia những gói quà… Họ tíu tít mở quà, họ ô a mừng rỡ về món quà như ước muốn, họ ôm nhau thì thào lời cảm ơn, lời chúc. Dieter cầm gói quà nhỏ đưa cho tôi “Đây là quà của mày!” Tôi đón gói quà.
Văn hóa châu Âu khác ta, tôi làm theo họ, mở gói quà ra. Yên lặng một chút, Dieter nhìn tôi: “Ở Đức, Weihnacht – Noel là ngày của gia đình, chỉ dành riêng cho người thân ruột thịt. Tao biết ngày này mày xa nhà chắc rất buồn nên mời mày đến đây cho khuây khỏa”.
Thực ra tôi chả hề buồn, nhưng nhìn bộ mặt xúc động của anh ta tôi cũng mủi lòng. Hai đứa con Dieter, thằng con trai tên Mario 10 tuổi, đứa con gái là Nicol lên 7, chúng diện quần áo đẹp, tóc ánh kim, da dẻ trắng hồng, cặp mắt xanh lơ trong veo. Hai đứa đứng hai bên cười tươi rói háo hức chờ tôi mở gói quà. Gói quà bật mở, bàn tay nhỏ xíu của chúng áp lên tập khăn mùi xoa trắng tinh in hoa văn thơm phức. Gói quà này là do vợ Dieter mới chuẩn bị thêm, cô tên Gusti, người dỏng, mảnh, gương mặt dịu dàng, đôi mắt xanh lông mi dầy cong vút bên sống mũi nhỏ gọn, mái tóc vàng óng vấn cao làm khuôn mặt thanh thoát hơn.
Những ngày sau, vào Chủ Nhật tôi thường đến nhà Dieter chơi và cùng gia đình ăn bữa tối. Khi ra về Gusti ân cần lấy giúp tôi áo khoác, bắt tay chào tạm biệt cô nói: “Mày là thành viên thứ năm trong gia đình tao, đừng ngại ngần gì.“
Sang đầu năm sau, Dieter lên đường nhập ngũ, thời hạn hai năm. Luật nghĩa vụ quân sự của Cộng hòa Dân chủ Đức áp dụng cho tất cả đàn ông Đức và bắt buộc phải thực hiện ở lứa tuổi đã được qui định. Buổi sáng Chủ Nhật trước ngày lên đường, Dieter rủ tôi vào rừng hái nấm.
Hết mùa đông là đến mùa xuân cây cối bừng bừng nhưng rừng rất ẩm vì tuyết trước phủ kín rừng nay tan chảy, trơ ra dưới nền đất một lớp mùn xốp, cỏ úa, lá khô của nhiều mùa thu đông để lại. Rừng bạch dương cả mùa đông trụi lá, nay lác đác đâm chồi, thân cây thay vỏ phô dần mầu trắng mịn, như bắp đùi thon của cô gái đẹp thập thò trong tà váy xẻ.
Dieter quàng chiếc giỏ đan bằng sợi mây vào thắt lưng tôi, cười bảo: “Phải thế này mới ra dáng người đi hái nấm. Ở đây, mùa xuân là mùa hái nấm rừng. Mày nhìn kìa, nấm đấy”. Theo hướng tay Dieter chỉ tôi len chân đến. Trên đám lá mục ẩm có vài cây nấm bụ bẫm đội chiếc mũ mầu ngà thân trắng lốp nhô lên, tôi bứng chúng cho vào giỏ. Đi tiếp. Gặp một cái cành cây to gẫy đen mốc một phần đã bị cỏ mọc trùm lên, quanh đó có nhiều loại nấm mang hình thù mầu sắc khác lạ. Dieter kéo tay tôi. Mày phải biết phân biệt đâu là loại nấm ăn được và đâu là nấm độc. Cầm mấy cây nấm trên tay, có cây đội xùm xụp cái mũ mầu nâu lấm tấm hạt như bánh đa vừng, cây thì thân cong trắng mỡ cái mũ xòe như thể tiểu thư, có loại như bông hoa cẩm chướng vàng khè, Dieter giảng giải: Trong rừng này chỉ có tám loại nấm ăn được, mày phải nhớ thật rõ hình thù của chúng, ngoài ra là nấm độc, rất nguy hiểm khi ăn phải nó. Và còn một điều nữa người anh em ạ – giọng Dieter bỗng nhiên chùng xuống: Đi hái nấm ngoài việc kiếm tìm ra còn là dịp vãn cảnh của… lứa đôi.
Rừng xuân, vạn vật cựa mình, con người thấy nhỏ bé với rừng, tán cây và vòm trời, một cảm giác rất lạ, khi người ta được chợt trở về với ẩn chứa bản năng. Dieter nheo đuôi mắt: “Mày yêu cô nào nên rủ nó vào rừng mà hái nấm. Đấy, cuộc đời mày xem đáng yêu không, đáng sống không?” Tôi cười.
Gusti nấu súp nấm tuyệt ngon trong bữa chia tay. Họ sắp chia tay rồi mà tôi thấy Dieter không buồn trong khi Gusti buồn rười rượi. Cuối buổi, Gusti mở máy hát. Gusti xuất hiện với bộ váy trắng hồng và chuỗi hạt kim cương lấp lánh. Nom cô thật quyến rũ. Một điệu van nhẹ vang lên trong căn phòng mở toang cửa sổ sực nức mùi hương của thảo mộc tràn vào nhà. Dieter ôm Gusti lướt đi. Tôi nghe rõ tiếng anh bạn tôi thầm thì, cười lên em yêu…, anh sẽ về nhanh mà…
Noel năm sau Dieter nhập ngũ chưa về. Gusti đến mời tôi lên nhà đón Noel nhưng tôi từ chối: “Bao giờ chồng mày về tao sẽ đến” Gusti nhìn tôi với ánh mắt buồn thiu, mím đôi môi gật gật.
*
Bức tường Berlin sụp đổ. Tình hình chính trị các nước Đông Âu vô cùng phức tạp. Nhiều nhà máy đóng cửa, thất nghiệp tràn lan. Đội tôi hầu hết nhận tiền đền bù của chính phủ Đức, tự nguyện hồi hương, chỉ một số rất ít xin ở lại.
Tôi thất nghiệp, thuê một căn phòng nhỏ. Hôm đi ra phố, một thằng tây đi vượt qua tôi, nó nhìn tôi chằm chằm. Tôi reo nhỏ: Jens! Hallo Kollege! Nó cười mỉa: Tao không phải bạn đồng nghiệp của mày! Rồi nó hất hàm: Mày còn luẩn quẩn ở đây làm gì nữa? Tôi ngỡ ngàng nhìn Jens. Nỗi đau dâng lên muốn bật khóc hay ứa máu. Jens đi cùng ca với tôi, phân xưởng của hai thằng tầng trên, tầng dưới, nếu không biến động lịch sử này thì chỉ khoảng nửa năm nữa tôi và nó sẽ được nhà máy cho đi học tại chức, đào tạo kỹ sư thực hành, tạo nguồn thợ cả.
Những ngày tiếp theo, tôi lăn ở chợ dựng quầy buôn bán, tự nhủ ở hay về đâu cũng phải cần tiền. Tôi cố kiếm tiền cật lực, dậy từ nửa đêm phóng xe đến các nhà ga của thành phố lớn, đón tầu, mua hàng len, vải, từ đám người nhốn nháo đủ sắc tộc hiện ra trong các chuyến tầu liên vận, từ mấy nước có biên giới sát Đức, lèn chặt xe hàng thì trời đã sáng, vội vã quay về cho kịp chợ phiên . Bữa ăn nhanh kèm với lúc vào trạm mua xăng, có lần ăn vội, tôi cắn vào lưỡi giật thót người. Cái đau lộng lên tận óc, máu rỉ ra hai bên mép. Cô bán hàng giật vội tờ giấy lau miệng dúi vào tay tôi, rồi ôm mặt quay đi.
Chợ phiên, là một kiểu buôn bán mới chỉ xuất hiện ở nửa Đông Đức từ khi nước Đức thống nhất. Khởi điểm ở những thành phố nhỏ lẻ là một số người mang những thứ hàng mình cần bán ra khu trung tâm thành phố kê cao hộp cát tông hoặc dùng tấm ni lông dải xuống nền đất, nhiều khi chiếm dụng ghế ngồi nghỉ công cộng bày hàng ra bán. Chợ thường họp ở khoảng đất trống gần trung tâm hoặc khu đông dân cư. Hàng hóa thực sự phong phú, mặt hàng chủ yếu là quần áo may sẵn, hàng dệt kim, hàng len, hàng vải, mẫu mã thời trang, mầu sắc bắt mắt. Còn các mặt hàng khác như hàng điện tử, quà tặng, băng đĩa nhạc, vv… đều nhập lậu thuế từ nước ngoài vào nên giá rất rẻ.
Người dân Đông Đức đã bao năm sống trong bao cấp hàng hóa khan hiếm, hơn nữa, ai cũng có trong sổ tiết kiệm một lượng tiền Óst – Mark tích cóp nay được chính phủ đổi sang tiền West Mark -D.M giá trị gấp nhiều lần so với tiền cũ với giá ưu ái, nên tâm lý rất thỏa mái trong mua sắm. Đây là thời kỳ buôn bán của người Việt được ví như “cơn mưa vàng”.
Năm nào cũng thế, gần đến Noel, tôi lăn như bông bống ngoài chợ từ sáng tinh mơ đến tối mò, dưới trời âm có khi 20 độ. Tiền thu về từng cuộn chằng nịt cao su bọc giấy báo ném vào tủ đá.
Gặp lại nhiều bạn đồng nghiệp cũ đang thất nghiệp đến quầy mua sắm, tôi thường bán cho họ giá gốc không tính lãi. Một lần tôi nhìn thấy Jens, vẫy nó bắt tay, nó ngại, tôi bảo nó: Tao với mày chẳng bao giờ có oán có thù.
Một ngày, bỗng Dieter tìm tôi ngoài chợ. Nó ôm tôi, không hiểu sao bấy giờ nước mắt của tôi không sao dừng lại được, tôi khóc như đứa trẻ bị đòn oan khi có người đến bên an ủi. Nó rút túi đưa cho tôi chiếc khăn tay mùi xoa nhầu nhĩ, tôi nhớ đến món quà đêm Weihnacht đầu tiên.
Dieter kéo tôi ra khu quầy đồ ăn, khói than tỏa ra từ vài cái lò nướng thơm mù mịt. Mua hai cốc Gluehwein và hai chiếc Wurst nướng xém vỏ căng mọng đặt lên chiếc bàn gỗ ngoài trời mời tôi rồi gật gù: Quầy này là ngon nhất.
Gluehwein ở châu Âu là loại đồ uống được chế biến từ rượu vang đỏ hay vang trắng uống dịp lễ hội Noel. Riêng ở Đức Gluehwein được pha chế từ vang đỏ, được qui định 7% nồng độ rượu, thêm hương vị của quế, hồi, vỏ chanh khô, đinh hương, uống nó, trong cái băng giá, lạnh cứng của mùa đông, người ta ấm hẳn lên…
Thì ra Dieter đã hết thời gian quân ngũ, anh trở về thì khu nhà máy cũ đã lạnh tanh hoang phế. Cái thị trấn gần khu chung cư, trước kia chỉ có mấy cửa hàng mậu dịch, nay cửa hiệu nối nhau san sát, gắn biển quảng cáo mầu mè, hàng hóa chất ngất, chào mời niềm nở. Cuối con phố chính là bãi cỏ hoang bây giờ là nơi bán xe cũ. Ô tô xếp hàng ngang hàng dọc của nhiều hãng xe hơi nổi tiếng, được lau chùi bóng lộn bày bán khắp nơi, khách đến xem tấp nập.
Gần nửa năm thất nghiệp, Dieter gửi đơn xin việc đến nhiều công ty quanh khu vực ở đều không được, anh ta quyết định làm cái công việc rất ít người Đức có gia đình muốn làm, lái xe thuộc công ty vận tải đường dài bên Tây Đức. Gusti rất buồn khi chồng quyết định làm công việc này. Cô nói với tôi: Nghề này ngày đêm lang thang trên đường, sinh hoạt bừa bãi và nhiều rủi ro.
Bẵng đi hơn nửa năm. Sẩm tối, tôi đang dọn hàng ở chợ thì Dieter lại xuất hiện.
Mới có nửa năm mà nom gã khác đi nhiều lắm. Cái vai giờ xệ xuống, chân khập khiễng. Sợ Dieter tổn thương tôi không dám nhìn cái bộ dạng thất thểu của bạn mình! Nhưng rồi vẫn không kìm được, tôi buột miệng: Chân mày sao thế?
Sao hả? Dieter hơi cười như méo miệng. Tao bị một kiện hàng đổ vào chân hiểu chưa? Khốn nạn! Tụi Westsi coi lũ Ostsi là lũ ăn bám… không phải là người Đức! – Dieter mặt hằm hằm trong cơn tức giận. Nói rồi gã vẫy tay ra hiệu cho tôi ra bãi đỗ, lật cốp xe, gã lôi ra cái túi da đưa cho tôi, ngập ngừng:
– Tao muốn bán cái này…
Tôi nhận ra ngay cái cái túi mầu đen quen thuộc, tôi đã khoác nó nhiều lần cùng Dieter len lỏi trong rừng chụp hết cả túi phim, đây là chiếc máy ảnh khá xịn của thời bấy giờ kèm theo nhiều loại ống kính.
– Sao lại bán nó?
– Tao không cần nữa! Mày có tiền… mua giúp tao… rẻ thôi mà! – Anh khẩn khoản.
Dieter cầm tiền đi vội, tôi ôm ghì túi máy ảnh, nhìn theo cái bóng gã khòng khòng chui vào xe. Điều gì bất ổn ở anh? – Tôi nghĩ!
*
Những lần sinh nhật trước đây của Dieter và của tôi, Gusti thường đặt bàn ở quán quen, cô mời thêm cả thằng Jens trong sinh nhật chồng, và lần nào Jens cũng đến. Đêm muộn, mọi người trong quán lục tục về dần, Jens cũng bỏ về, sau chỉ còn tôi và Dieter ngất ngưởng uống, Gusti ngồi sát cạnh hai kẻ say mèm.
Lần này thì khác. Sinh nhật Dieter, gã gọi điện hẹn tôi.
Chập tối, như đã hẹn Dieter đánh xe đậu trước của nhà tôi ở bấm chuông. Mở cửa xe mùi mồ hôi phả ra chua loét, tôi hỏi:
– Mày chưa về nhà?
– Đêm nay chỉ có tao với mày. Vào xe đi! – Dieter ngoắc tay.
Vào xe hắn nhìn tôi khẩn thiết: Mày còn là anh em với tao chứ? Hắn hỏi.
– Tại sao lại hỏi thế?
– Tao cần tiền.
– Bao nhiêu?
– Không, tao không xin. Mày mua cho tao? Hắn lục túi ngực rút ra một bọc vải nhỏ màu đỏ. Hắn mở ra.
Trời ơi chuỗi hạt kim cương của vợ hắn. Trong ánh đèn trần ô tô, chuỗi hạt lấp lánh. Tự nhiên tôi nhớ ngày đầu tiên tôi nom thấy Gusti đeo chuỗi hạt, rồi ngày hắn lên đường nhập ngũ xa vợ hai năm, chuỗi hạt lấp lánh trên cái cổ cao trắng ngần của cô.
– Sao, sao thế?
– Tao van mày. Đừng hỏi. Mày hãy mua nó và đừng hỏi. Ba ngàn nhé. Mày có tiền mà. Chuỗi hạt này xưa tao mua cho Gusti mười hai ngàn đấy.
Tôi im lặng. Có gì đắng và cứng chèn ngang họng tôi. Nếu không mua, nó sẽ bán cho tiệm đồ cũ thôi. Tôi nhìn hắn. Phải im lặng tới vài phút. Tôi lục túi tiền luôn thắt quanh bụng lấy ra ba ngàn trao cho gã. Rồi không nói một lời, tôi chui ra khỏi xe hắn, quay sang xe mình.
Hình như gã nhìn theo tôi. Tôi cảm thấy vậy và vào ngồi trong xe mình im lặng. Cũng như im lặng nhìn vào kính hậu quan sát xe hắn rồi bám theo xe khi xe Dieter lao vút đi.
*
Điểm đến của thằng anh em với tôi là khu nhà nằm gần nhà ga tầu hỏa, mặt tiền quét vôi hồng treo cái biển hiệu to đùng “Spiebank“ gắn đèn mầu nhấp nháy. Tôi ngồi bên ngoài đắn đo một lúc lâu rồi quyết định đẩy cửa bước vào tiệm chơi bạc này. Bước qua quầy Bar đã sặc mùi thuốc lá. Các loại máy đánh bạc tự động kê theo từng khu, sàn nhà rải thảm đỏ, trước mỗi chiếc máy đặt chiếc ghế xoay bọc da. Kẻ đứng người ngồi mắt đăm đăm vào từng vòng quay những chiếc máy đã nạp tiền chơi. Tiếng nhạc mỗi máy phát ra mỗi kiểu, khói thuốc mù mịt. Tiếng đấm thình tay vào mặt máy kèm tiếng chửi thề của ai đó vừa bấm trượt cú ăn to.
Tầng một hết chỗ, tôi tìm thấy Dieter trên tầng hai. Mặt mũi hằm hè, anh ta giơ cú đấm sầm sầm vào mặt máy. Chắc đang thua rồi. Đã quá nửa đêm, điệu bộ như thế tức là anh đã thua đậm. Hơn hai tiếng đứng sau, lặng lẽ quan sát, tôi nhìn hai chiếc máy hết tiền phát ra tiếng nhạc du dương ngần ngừ. Dieter chỉ vào cái đèn sáng rực trên mặt máy nhấp nháy chữ “Độc đắc“ anh ta gằn tiếng: Sắp ăn to rồi!
Có tiếng chân rầm rập của tụi bảo vệ chạy tới. Rồi, Dieter của tôi mặt mũi đầy máu ngã lả vào vòng tay của tôi.
*
Cuối tuần tôi phóng xe đến thăm Dieter. Anh không có nhà. Gusti tiếp tôi trong bếp:
– Anh lạ gì tính anh ấy, Thua là cay cú lắm. Hết sạch cả tiền bạc và bao nhiêu thứ trong nhà. Chân anh ấy như thế ai mà nhận được. Đến cả cái tiệm giặt là cũng không muốn nhận anh ấy thì nhà máy nào cần. Ban đầu là la cà nơi đầu siêu thị, chơi với vài cái máy ở đó. Thắng có đáng là bao đâu, nhưng con người ta khi nhàn rỗi nhất đều muốn tìm vận may ở những việc chả bao giờ có thể có. Gusti buồn rầu. Hay hai vợ chồng tự hành nghề gì đi, anh sẽ giúp một phần – tôi bảo cô. Gusti mắt sáng bừng, cô nói ra ý định mở quán cafe.
Ba tuần sau, tôi lại quay lại nhà tìm Gusti, chúng tôi quyết định mở một quán cafe, tôi cho cô vay vốn ban đầu. Ở ngay gần nhà cô có một gian nhà bán báo xưa đang để trống sẽ được chuyển thành một quán cafe. Gusti thực hăng hái, cô cũng có vài người bạn tốt kiếm cho cô những bộ bàn ghế cũ và họ sơn sửa lại nom cũng như mới. Mấy bạn đồng nghiệp ở nhà máy cũ cũng chung tay giúp vợ chồng cô. Hai tuần sau, chúng tôi khai trương cửa hàng và Dieter vô cùng bất ngờ. Từ nay anh là thợ chạy bàn làm việc dưới sự chỉ huy của vợ.
*
Rồi tôi cũng chuyển sang kinh doanh lớn hơn. Tôi quyết định bỏ hẳn bán lẻ chuyển sang bán buôn và đánh hàng từ Ba Lan và Tiệp những đồ da xuất khẩu. Công việc cũng túi bụi. Rồi hơn năm sau Dieter gọi điện cho tôi, anh báo tin vui, với bàn tay bếp núc khéo léo của vợ, quán mỗi ngày mỗi khá, hai vợ chồng đã tích cóp được vốn hẹn trả tôi tiền. Bất chợt đầu dây bên kia im lặng. Giọng bạn tôi nghèn nghẹt: Văn, tao cảm ơn mày… với người Đức kể cả với người thân cận không ai cho nhau vay mà không có gì thế chấp bằng văn bản cả… Văn! Mày có coi tao là kẻ xấu không… Nước Đức thống nhất với tao như một cú ngã sấp mặt. Nhiều thanh niên Đức khi không có công ăn việc làm trong đó có tao nhàn rỗi, thiếu thốn, đã sa đà vào đánh bạc, và bây giờ tao đã hiểu chúng nó đã hút máu mình. Có ai thắng máy bao giờ, tụi vua buôn tiền đã đặt sẵn những chương trình để không một ai vượt qua được nó, cũng như tụi chủ nhà băng kia biết rất rõ con người ta tham lam như thế nào và cay cú ra sao… lũ chó chết!… Văn! Tao ân hận lắm… mày đã thương tao…
*
Tôi quay lại nơi ở cũ lại đúng vào dịp Noel. Tôi báo trước cho Dieter và Gusti. Gusti mừng lắm, cô nói như chim trong máy và nhất quyết mời tôi đón Noel tại nhà cô. Tôi đã mua vài thứ lặt vặt ở Ba Lan làm món quà và mang theo một hộp nhỏ mà bấy nay tôi giấu kín, cất kĩ. Tôi muốn gây bất ngờ lớn cho vợ chồng anh.
Đây rồi, rừng thông, cây cầu, cột ống khói của nhà máy cũ, chúng như vẫy hỏi, như có điều gì muốn kể cùng tôi. Tôi bồi hồi đứng trước ngôi nhà mà ngày xưa đội tôi đã ở, vẳng đâu đây tiếng nói tiếng cười của bao gương mặt thân quen. Trở lại đây tôi cứ ngỡ mình về quê cũ… bao nhiêu hình ảnh của những năm đã qua chập chờn trong tuyết trắng bay dọc phố cứ hiện lên. Rõ ràng thay vì gia đình của tôi ở Việt Nam, khi tôi thân cô thế cô nơi đất khách giữa những biến động mà đôi khi con người cứ tưởng lạc vào ngõ cụt, thì sự gắn kết của gia đình Dieter, một gia đình Đức nòi với tôi đã an ủi tôi biết bao nhiêu và vô hình chung cũng trở thành máu thịt của cá nhân tôi. Tôi nhớ lại những ngày đầu thời Đông Đức cùng chung một nhà máy, tôi nhớ lại ngày Noel đầu tiên mà cả nhà anh đã dành cho tôi nguồn vui lớn xua tan tất cả sự cô đơn của một con người đa cảm như tôi. Cũng nhớ lại trong cơn tuyết trắng miên man kia, cả những ngày cùng nhau trong nhà máy mà anh đã giúp tôi bao nhiêu cũng như bênh vực tôi trước vài kẻ kì thị người nước ngoài… Có đi xa thật xa mới biết quí giá từng điều nhỏ trong sự thất cơ lỡ vận mà tôi gom góp dành dụm y như tôi và anh cùng vợ anh hái những cây nấm trắng trên thảm rừng làm nên nồi súp ngọt ngào…
Cửa mở. Gusti tươi cười chỉ chỉ ngón tay ra phía ban công. Đang ngả người trên chiếc ghế võng chờ đợi chừng đã lâu, nhác thấy tôi Dieter lao tới. Một cây thông rõ lớn chi chít đèn hoa như năm nào tôi lần đầu tiên tới Đức đứng giữa phòng khách. Chúng tôi ôm lấy nhau sau bao hạnh ngộ.
Khi tiếng chuông nhà thờ ngân nga vọng lại, tôi trao cho Gusti hộp quà mà tôi mang tới.
– Để xem nào, xem Noel năm nay chúng ta có quà gì của Văn nào? Cô thận trọng gỡ lớp băng dính kín.
– Chúa ơi! – Gusti gần như suýt đánh rơi gói quà trong tay. Cô run bắn và bỗng hét lên: – Dieter xem này… Chúa ơi quà Noel của chúng ta Văn đã mang lại… Khuôn mặt cô rạng rỡ làm sao và cô nhẩy tung lên rồi bá chặt lấy cổ tôi, một tay giơ cao lên chuỗi hạt. Chuỗi hạt kim cương mà tôi lần đầu tiên trông thấy cô đeo trên cổ, chuỗi hạt hôm nào, tiễn chồng đi, cô choàng lên để ôm chặt lấy Dieter trong điệu nhạc dìu dặt…
Vâng, có những hạnh phúc không thể ngờ được. Bởi cả khi cho cũng là một hạnh phúc vô bờ của con người ta. Dieter lao tới và ôm choàng nhấc bổng cả hai chúng tôi lên, cả chiếc máy ảnh của anh, cái máy ảnh mà tôi cũng thích nó vô cùng.
Nguồn Văn nghệ số 26/2015

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *