Bài nổi bật

Quan chánh án – Tagore – [ Nobel 1913 ]

RadioVn.Com – Sau nhiều chuyện gian díu, Khiroda tuy không còn trẻ lắm song vẫn kiếm đựơc một bạn trai mới để cưu mang mình. Nhưng rồi chẳng bao lâu người này cũng bỏ rơi chị như người ta vẫn vứt một tấm áo cũ. Chị cảm thấy ê chề, nhục nhã. Và một lần nữa chị lại phải đi tìm một chốn nương thân khác để có miếng ăn hàng ngày.
Cũng như mùa thu, đọan cuối tuổi thanh xuân đến với ta như một thời kỳ êm đềm, đầy quyến rũ, ở đó quả cây cuộc đời như hạt thóc đang chín vàng trong một bầu không khí êm ả, thanh thản. Những náo động của tuổi trẻ không còn thích hợp với thời kỳ này nữa. Nền tảng của cuộc đời ta đã ít nhiều được xây dựng vững chắc, nhân cách của ta đã đựơc phát triển qua những khổ đau và sung sướng, trong một thế giới mà cái ác cũng như cái thiện đã hình thành nên tính cách ta. Đến lúc đó, ta đã trút bỏ các ước vọng của ta ra khỏi cái vương quốc kỳ ảo ở ngoài tầm tay và đặt chúng vào trong ranh giới của những sự việc có thể thành hiện thực. Ta không còn khả năng thu hút những ánh mắt chóang ngợp của một người tình trẻ, nhưng ta trở nên thân thiết hơn đối với những người quen biết cũ. Trong khi vẻ rực rỡ của tuổi trẻ chầm chậm tàn phai thì nội tâm, vốn không biết đến tuổi già, biểu lộ trên nét mặt và trong ánh mắt, bởi đã từng trú ngụ lại những nơi đó lâu dài.
Nụ cười ánh mắt và tiếng nói, tất cả đều hòa hợp với nhau ở con người và nội tâm con người.
Ta từ bỏ hy vọng về tất cả những gì đã không đạt đựơc, và không còn thương khóc nữa những ai đã rời xa ta.
Ta tha thứ cho những kẻ đã làm ta thất vọng, nhưng còn có những người khác ở gần ta hơn, yêu mến ta thì ta gắn bó với họ. Những người còn ở lại với ta sau cơn bão táp, những tang tóc, những chia ly, ta kéo họ lại và cùng nhau xây dựng những tổ ấm vững chãi, giữa tình yêu thương của các bạn bè cũng tin cẩn, chắc chắn; chính ở đó, mọi nỗ lực của ta dừng lại và các ước vọng của ta được thực hiện.
Quan chánh án – Tagore – [ Nobel 1913 ]Trong buổi chiều êm ái đó của tuổi trẻ, khi đến thời gian dành cho những niềm vui yên tĩnh, không gì bi đát cho bằng lại phải bắt đầu tạo lập những mối quan hệ mới , tìm những người quen biết mới, lao vào những cố gắng phù phiếm để gây dựng những mối liên hệ mới, dốc sức vào công việc tìm kiếm mỏi mệt và không biết đến đâu là cùng để có một cái gì thật vững chắc.
Thật đáng buồn cho số phận của ai đó ngay đến thời kỳ này vẫn không có một chiếc giường để ngả lưng, một ngọn đèn thắp sáng đóng mình lúc bước chân về nhà ban tối.
Khiroda nay đã đến đoạn cuối của thời thanh xuân. Một buổi sáng chị thức dậy để nhận ra người tình đã bỏ trốn hồi đêm, cuỗm theo tất cả tiền bạc và các đồ trang sức của mình. Chị không còn chút gì để trả tiền thuê nhà,và cả để mua sữa cho đứa con trai mới lên ba.
Chị bỗng hiểu ra rằng trong súôt ba mươi tám năm của cuộc đời, chị đã không gây tạo được mình một người bạn thân nào, không có lấy một nếp nhà riêng nào để sống và để chết. và một lần nữa, hôm nay chị lại phải gạt nước mắt, tô hai hàng mi, quệt son lên môi, đánh phấn hồng lên má che giấu tuổi xuân tàn dưới một dáng dấp giả tạo, và kiên nhẫn bền bỉ đi bẫy những trái tim mới bằng những nụ cười.
Khi nghĩ đến tất cả những chuỵên đó, chị không sao chịu nổi. Chị đóng cửa lại và lăn ra nhà, đập đầu xuống đất mãi không thôi. Suốt một ngày, chị cứ nằm sóng soài như thế, không ăn uống, như người chết dở. Tối đến căn buồng không ánh sáng mỗi lúc một tối đen. Ngay lúc ấy, như đã từng xảy ra, một người tình cũ đến gõ cửa gọi “ Khiro! Khiro!”, Khiroda lao ra ngoài cửa, tay cầm một cán chổi, gầm lên như một con hổ cái. Người bạn tình trẻ tuổi kia vội lủi mất.
Đứa con chị khóc mãi vì đói đã chui vào gầm giường ngủ thiếp đi. Tiếng động làm nó tình dậy và lại khóc, gọi mẹ trong bóng tối” Mẹ ơi! Mẹ! “
Khiroda bế thốc đứa con đang khóc lên, ghì chặt vào ngực, chạy nhanh về phía cái giếng gần nhà, gieo mình xuống giếng.
Nghe tiếng rơi hàng xóm láng giềng cầm đèn chạy đến xúm quanh miệng giếng.
Không để mất thời gian, họ lôi lên đựơc hai mẹ con. Khiroda mê man bất tình, còn đứa trẻ thì đã chết.Chị đựơc đưa vào bệnh viện và ít lâu sau bình phục, chị bị quan tòa khép vào tội giết người.
Quan chánh án – Tagore – [ Nobel 1913 ]Mohit mohandut là một quan tòa nghiêm khắc. Ông đòi xử thật nặng và khép chị vào tội treo cổ. Các thầy cãi bàn luận về tình huống xảy ra hành động của người đàn bà tội nghiệp, cố tìm cách cứu lấy mạng chị nhưng không đựơc. Quan chánh án dứt khóat coi chị không đáng đựơc hưởng một sự khoan hồng nào.
Có một lý do khiến ông không thể khoan hồng.
Trước hết, ông coi tất cả phụ nữ Ấn là một nữ thần. Nhưng mặt khác, ông không tin một chút nào ở họ. Theo cách suy nghĩ của ông, phụ nữ có quá nhiều xu hướng phá vỡ các sợi dây gắn bó với gia đình, và chỉ cần hơi lỏng kỷ luật một chút là chẳng bao lâu sẽ không còn một người phụ nữ gia giáo nào trong cái lồng xã hội.
Còn một lý do khác khiến ông đi đén quyết định trên. Để bạn đọc được biết lý do này, chúng tôi thấy cần phải kể lại một phần tiểu sử của Mohit Mohan hồi trẻ.
Khi Mohit học năm thứ hai ở bậc trung học, ông hoàn tòan khác bây giờ, cả ở con người lẫn cách sống. Bây giờ, Mohit có thể khoe cái đầu hói điểm một vài sợi tóc phất phơđằng sau đỉnh đầu và bộ mặt râu mày nhẵn nhụi. Xưa kia, với cặp kính trắng gọng vàng, bộ râu và hàng ria mép, mái tóc húi theo kiểu Anh, ông là hình ảnh của vị thần. Các tích, vị thần hào hoa sang trọng của người Ấn, theo thời trang thế kỷ XIX.
Anh chàng Mohit thời trẻ chăm chút từng ly từng tí đến cách ăn mặc, không nề hà thịt rượu, và ngoài ra còn có một hai tật xấu khác đại loại như vậy.
Gần nhà Mohit là nhà một ông đã đứng tuổi, nguồn thu nhập ít ỏi. Ông ở với một trong mấy cô con gái, cô góa chồng trẻ tuổi, tên là Hemsasi. Cô còn trẻ lắm vì tuổi mới xấp xỉ mười lăm.
Bờ sông xa xa với lùm cây xanh nhạt trông đẹp lung linh như tranh vẽ nhưng khi đặt chân tới nơi thì nó không còn gì mê hồn quyến rũ hơn nữa.
Trong cảnh cô đơn góa bụa ở mảnh đất heo hút này, các quan hệ người với người diễn ra ở nơi xa như một khi vườn bí hiểm đầy lạc thú đối với Hemsasi. Cô biết đâu rằng họat động của thế giới này thật phức tạp và tàn nhẫn, và cũng đâu có biết rằng trong cái thế giới lẫn lộn chằng chịt những đau buồn, mệt mỏi, vui sướng, giàu sang, cũng như những mối ngờ vực, những nỗi hiểm nguy, những niềm ân hận và những khó khăn khôn cùng. Cô thấy cuộc sống ấy trôi đi nhẹ nhàng như một con suối trong trẻo, rì rầm. Cô những tưởng mọi con đường của thế giới trước mặt cô đều rộng rãi, thẳng tắp và huy hoàng. Cô nghĩ tất cả hạnh phúc đợi chờ ngay ngoài cửa sổ nhà mình. Chỉ có trong trái tim khốn khổ xốn xang của cô các ham muốn không đựơc thỏa mãn mới tìm thấy chất nuôi dưỡng chúng. Ngọn gió xuân nhè nhẹ thồi vào từng thớ thịt con người cô , trái đất mênh mông được bao bọc trong một làn hơi ấm áp. Hemsasi có cảm tưởng bầu trời xanh rờn run rẩy theo mỗi rung động của trái tim cô và xung quanh hạt nhân thơm ngát này cả vũ trụ đã xòe mở các nhành hoa của nó.
Ở nhà cô chỉ có bố mẹ và hai đứa em trai. Ăn sáng xong hai đứa em đi học, trưa về ăn cơm rồi lại đi học thêm ở một trường buổi tối gần nhà. Ông bố không kiếm đủ tiền thuê riêng một thầy giáo đến nhà dạy tư.
Những lúc ngơi tay công việc nội trợ, Hemsasi thường ngồi trong gian buồng cô quạnh của mình đôi mắt buồn mơ màng nhìn người qua lại trên đường cái. Cô nghe thấy những tiếng kêu than the thé của bọn phu khuân vác đi qua. Cô tưởng như mọi khách qua đường đều vui vẻ, ngay cả những người hành khất cũng được tự do và những người bán hàng rong không phải đang vất vả , nhọc nhằn kiếm miếng ăn hàng ngày mà là những diễn viên vui sướng trong một vở kịch diễn trên dân khấu di động của cuộc đời.
Hết sáng đến chiều, lại tối, cô thấy anh chàng Mohit Mohan sang trọng ngạo nghễ đi lại với vẻ kiêu kỳ. Đối với cô, anh là hình ảng của tái thiện tận mỹ của thánh thần, được Thượng Đế phú cho mọi tài năng của một người đàn ông có thể mong ước. Ăn diện và điển trai, anh chàng có mọi thứ trên đời và đáng đựơc ban phát mọi thứ. Cũng như con búp bê trở thành hiện thực đối với em bé chơi búp bê, người góa phụ trẻ phủ lên Mohit một vành hào quang tưởng tượng như thế và đùa giỡn với một vị thầng mà cô ta tự tạo ra.
Thình thoảng vào ban tối, cô thấy nhà Mohit rực rỡ ánh đèn, nghe tiếng lanh tanh nhè nhẹ của những chiếc chuông nhỏ xinh móc ở các vòng chân các vũ nữ vọng đến cùng với tiếng hát của họ. Thế là Hemsasi ngồi suốt đêm, đôi mắt nhìn thèm khát dõi theo những hình bóng chuyển động trên mặt đất. Trái tim cô bị tổn thương và đập mạnh trong ngực như con chim bị giam giữ trong lồng.
Cô không chê bai và cũng không trách móc vị thần cô đã tự tạo ra về những trò chơi phóng đãng của anh ta. Như ánh lửa thu hút các con thiêu thân, như một ảnh ảo của các vì sao, ngôi nhà của Mohit tràn ngập ánh sáng và không khí vui vẻ, vô ưu đã hút lấy cô như thôi miên. Lời ca tiếng nhạc tạo ra một ảo ảnh thần tiên. Những ánh đèn cũng những hình bóng, những bài ca từ sân nhà bên ấy vượt sang hòa lẫn với những ước mơ và mong muốn của cô. Cứ thế cô xây lên trong óc tưởng tượng một lâu đài kỳ ảo,và trong cảnh cô đơn giữa đêm khuya, cô đặt thần tượng tôn sùng của mình vào trong đó. Cô say sưa, ngay ngất chiêm ngưỡng nó, và như nén hương đốt trên bàn thờ, cô đem đốt trước hình ảnh đó tất cả tuổi thanh xuân của mình, những giờ phút vui buồn, cuộc sống ở thế giới này và thế giớ bên kia, trong ngọn lửa của một khát vọng không sao cưỡng nổi.
Quan chánh án – Tagore – [ Nobel 1913 ]Không bao giờ cô có thể tưởng tượng được rằng bên trong gian buồng kia, đằng sau tấm màn che của những đam mê âm ỉ có biết bao nhiêu cặn bã của mệt nhọc, hổ nhục, xấu xa và một cơn đói ghê gớm đang bốc cháy trong một làn hơi nóng bỏng tàn phá linh hồn. Từ xa, người đàn bà góa trẻ không biết rằng, đằng sau ánh đèn rực rỡ của những đêm không ngủ có một sự tàn bạo nhẫn tâm với con mắt ác độc đang đứng rình mồi.
Hemsasi sẽ sống như thế suốt đời, chìm đắm trong những mơ mộng về một thiên đường giả cùng với vị thần hàng mã của cô nếu như không có chuyện bất hạnh cho cô là vị thần kia quay mặt lại, thiên đường lúc đó chạm đất, bầu trời tan ra thành những mảnh vụn và kẻ đã từ bao nhiêu lâu một mình xây nên thiên đưòng này bây giờ ngã gục, nằm sóng soài trong cát bụi.
Một hôm, cặp mắt dâm đãng của Mohit nhìn vào người thiếu phụ choáng ngợp ngồi bên cửa sổ. Sau khi đã gửi cho cô nhiều lá thư dưới cái tên giả “Binot Chandra”, anh ta cuối cùng cũng đã nhận đựơc một bức thư trả lời run rầy, ngập ngừng, đầy những lỗi chính tả và một tình cảm sâu nặng. Ngày tháng trôi qua đầy dông tố, khi thì say sưa hoặc lo lắng, khi thì chồng chất ngờ vực hoặc hy vọng hão huyền. Trong tâm trí u mê và choáng váng của ngưòi gái góa non trẻ, thế giới cứ quay mãi mà không ngừng cho đến khi nó chỉ còn là một cái bóng và biến mất.
Cuối cùng, con nguời khốn khổ tội nghiệp kia bỗng bị văng mạnh ra khỏi cái thế giới xoay tròn tít mù của giới đàn ông và bắn ra tít xa. Chúng tôi thấy không cần phải đi vào chi tiết.
Một tối, vào lúc khá khuya, Hemsasi trốn bố, trốn mẹ, trốn các em, cùng với Mohỉt Moham dưới cái tên giả Binot Chadrat lên một toa tầu. Thần tượng bậy giờ ở ngay cạnh, với tất cả cái chất thô, những sợi rơm, cùng những vật trang trí vàng son. Ngay tức thì cô gần như phát ốm vì hổ thẹn, hối hận, và những muốn chui ngay xuống đất vì tủi nhục.
Sau cùng, khi tàu bắt đầu chuyển bánh, cô phủ phục bên chân Mohit khóc lóc,vam xin anh ta đưa về nhà, Mohit vừa lo vừa bực, lấy tay bịt miện cô. Bấy giờ con tàu đang lao nhanh trên đường.
Những biến cố trong đời hiện lên dồn dập trong óc kẻ sắp chết đuối, toàn bộ quá khứ đựơc nhớ lại vào giây phút khủng khiếp đó. Ở đây cũng vậy, trong ngăn buồng tối om, kín mít trên tàu, Hemsasi trải qua những giờ phút tương tự. Cô thấy lại tất cả những người thân, người cha khi nào ngồi vào bàn ăn cũng có cô ngồi bên, thằng em út thích được cô dọn cơm cho ăn khi đi học về. Hemsasi nhớ lại những lúc mẹ và cô têm trầu buổi sáng, tối đến mẹ chải đầu cho cô. Mỗi góc nhà, mỗi việc nhỏ trong các công việc hàng ngày hiện lên trong óc cô. Lúc này, Hemsasi thấy cuộc sống cô đơn và ngôi nhà bé nhỏ của mình thực sự là thiên đường, tâm trầu, tết tóc, quạt cho bố ngồi ăn , nhổ tóc bạc cho bố những hôm bố nghỉ, chơi đùa với hai thằng em trai, tất cả những điều đó hiện ra với cô như một niềm hạnh phúc hiếm có, đắm chìm trong một bầu không khí êm đềm, yên tĩnh. Cô tự hỏi: Tại sao với chừng ấy báu vật trong cuộc đời, người ta vẫn còn có thể cần đến một thứ hạnh phúc khác?
Hemsasi nghĩ giờ này tất cả những người con gái đoan chính đang ngủ tại nhà học. Trứơc kia, cô chưa bao giờ hiểu đựơc rằng giấc ngủ như vậy là tuyệt diệu, ngủ say khỏe khóăn, trong chính gian buồng của mình, trên chiếc giường của mình trong đêm yên tĩnh. Sáng hôm sau, những người con gái ấy thức dậy tại ngôi nhà của họ, bắt tay ngay vào công việc hàng ngày không chút ngập ngừng. Hemsasi giờ đây không còn nhà, cô không bíêt sau đêm không ngủ này, sáng mai sẽ thức dậy ở đâu. Và ngày mai, trong buổi sáng khốn khổ ấy, cô sẽ phải nếm trải nỗi khổ nhục nào, và bao nhiêu sự lăng nhục, bao nhiêu nỗi ân hận sẽ chồng chất lên cô. Ánh nắng quen thuộc sẽ rọi chiếu xuống một ngôi nhà rất xa, ở một ngách phố nhỏ hẹp, Hemsasi òa khóc trong nỗi khắc khoải của một trái tim tan nát, và kêu van, lặp đi lặp lại “ Trời còn tối, mẹ và các em tôi chưa dâyh đâu, xin anh hãy đưa tôi về nhà” Nhưng thần tượng của cô không thèm nghe. Nó đưa cô đi trên một toa tàu hạng hai đến một cái thiên đàng mà cô đã từng mong ước từ bao nhiêu lâu.
Ít lâu sau thần tượng đó rời bỏ con tàu này lên một toa tàu hạng hai khác cũng tồi tàn như con tàu trước và trốn đi. Người đàn bà bị bỏ rơi chìm ngập trong tủi nhục.
Đó là một trong nhiều sự việc đã diễn ra trong quá khứ của Mohit. Thêm nhiều ví dụ khác sẽ làm cho câu chuyện tẻ nhạt,.
Sự việc mà ông ta là nhân vật chính dưới cái tên Binot Chandra có lẽ không còn ai nhớ nữa.
Mohit bây giờ là một người sống thanh khíêt, tuân theo mọi lễ nghi cuả Đạo Ấn một cách đều đặn, khắc khổ và dành phần lớn thời gian của mình vào việc luận bàn kinh thánh. Ông dạy dỗ con cái theo chế độ Yoga. Phụ nữ trong nhà ông bị đối xử nghiêm khắc, và để được che chở khỏi những cái xấu xa, họ bị giữ chịt trong khuê phòng, nơi mặt trời, mặt trăng và không khí thoáng đãng không đựơc phép len vào. Vì những sai trái của mình đối với khá nhiều phụ nữ, giờ đây Mohit trừng phạt thật nặng bất kỳ người đàn bà nào phạm phải một lỗi lầm xã hội, dù là bé nhỏ.
Sau buổi tối kể án tử hình Khiroda đựơc hai hôm, Mohit vốn thích ăn rau tươi, vào vườn rau nhà tù tự tay hái những thứ rau mà ông thích. Sực nghĩ tới vụ án Khiroda, tò mò muốn xem ngưòi phụ nữ ấy nay có hối hận hay không khi nhớ lại những tội lỗi trong quá khứ xấu xa của mình, ông rẽ vào khu nữ tù.
Từ xa Mohit đã nghe thấy tiếng cãi cọ. Bước vào phòng giam ông thấy Khiroda đang cãi nhau với ngưòi giám thị” Đúng là bản tính đàn bà”, ông cười thầm, “ cái chết kề cổ mà vẫn không thôi cãi nhau, có lẽ xuông địa ngục học vẫn còn cãi nhau với sứ giả của Thần Chết”.
Mohit nghĩ bụng cần lập tức bảo cho chị ta biết điều hay lẽ phải và phải quở mắng thật nghiêm khắc để chị ta hối cải. Ông bước về phía Khiroda với ý định đạo đức đó, nhưng vừa nhìn thấy quan tòa Khiroda đã ca thán “ Bẩm quan chánh án, con lạy quan, con xin quan bảo hắn trả lại cho con chiếc nhẫn”.
Hỏi ra ông đựơc bíêt Khiroda đã giấu trong tóc một chiếc nhẫn, tên giám thị tình cờ nhìn thấy đã giữ lấy.
Mohit lại cười, nghĩ thầm trong bụng “ Một hôm nữa thôi là bị treo cổ, thế mà chị ta còn bận tâm đến chiếc nhẫn. Đúng là đồ trang sức chiếm một chỗ lớn trong đời sống phụ nữ.”
Theo lệnh Mohit, người giám thị trao lại chiếc nhẫn đó cho ông.
Lậy đi lật lại chiếc nhẫn trong tay, ông giật bắn người như đụng phải cục than hồng. Một mặt nhẫn có khảm một bức tiểu họa, chân dung một chàng trai trẻ vẽ trên ngà, và mặt kia có dòng chữ “ Binot Chandra” khắc bằng vàng.
Mohit thôi ngắm chiếc nhẫn và nhìn vào khuôn mặt Khiroda. Một gương mặt khác hiện lân trong dĩ vãng, xa xăm, hai mươi bốn năm về trước, một gương mặt đẫm lệ, chan chứa yêu thương, rụt rè nhút nhát. Hai gương mặt có những nét giống nhau dễ nhận ra.
Ông lại nhìn chíêc nhẫn vàng và khi ngước mắt nhìn lên, người đàn bà tội lỗi, người đàn bà sa đọa được bọc trong một vầng hào quang. Chiếc nhẫn nhỏ bé đã biến chị thành hình ảnh sáng ngời của một nữ thần.
Tác giả: Rabindranath Tagore – Người thực hiện: Hùng Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *