Bài nổi bật

Sẫm Violet – Nguyễn văn Thọ

RadioVn.Com – Chỉ còn hai ngày nữa là Tết. Trời mưa suốt. Mưa mùa đông Hà Nội vốn lạnh, năm nay lại càng lạnh hơn. Vợ chồng Anh Thụy vừa từ Nga trở về. Trong hơn chục năm xa nhà, cô tiến sĩ ngôn ngữ đã bao lần chờ đợi, mong mỏi cái Tết trở về đầu tiên sum họp với mẹ.
Sớm nay nhìn trời, thấy hai con lụt sụt áo mưa ra khỏi nhà. Con gái đã lớn, chồng con rồi mà mẹ vẫn coi Anh Thụy còn bé như ngày nào, gọi con gái quay lại, bắt quàng thêm cái khăn ấm, dặn: Cái thời tiết ở ta ghê lắm đấy. Ðừng chủ quan lại ốm! Bà còn nói với theo bóng con rể vừa phóng xe đi trong mưa: “Rõ khổ! Chưa năm nào mưa rét dai dẳng như năm nay. Chặp này, năm ngoái, rét cũng chỉ rét lộc rét đài, có lạnh, có mưa chút ít, chứ không mưa thối đất”.
– Thảo nào, chợ hoa năm nay ít hoa đẹp thế – Anh Thụy nói với mẹ- Mưa thế này mẹ ở nhà thôi. Còn vài thứ lặt vặt, chiều nay chúng con sẽ rẽ qua chợ Hôm mua nốt.
Sẫm Violet – Nguyễn văn Thọ
Sẩm tối hăm tám Tết. Thụy cùng mẹ lau dọn bàn thờ. Cô nói với mẹ: “Hoa đào cả mấy điểm chợ hoa đa phần xơ xác. Loe xoe nụ. Búp lá nhiều hơn hoa. Hồng thì đầy chợ, song rặt thứ bọc quấn giấy. “Ừ, cắm thứ ấy, chưa tàn ngày đã tàn hoa – Mẹ cô đế vào. “Chỉ có quất là được mùa. Cây nào cây ấy vàng chóe quả. Bồng to bồng nhỏ tròn vo nom rất thích mắt”. Cô dừng nói. Chút nữa cô nói ra điều bí mật dành cho mẹ đêm ba mươi. Cô cầm tấm ảnh thờ của bố lên, lau nhẹ giấy ướt lên trên tấm kính, rồi cẩn trọng đặt nhẹ nhàng sau bát hương của bố. Người ở tấm ảnh có khuôn mặt còn trẻ, đội mũ kê-pi, mặc bộ quần áo sĩ quan, ngực đeo dăm chiếc huân chương như hơi mỉm cười với cô. Cô nhìn đăm đăm vào mắt bố. Năm bố mất, mẹ cô trẻ hơn cô bây giờ, thế mà mẹ vẫn ở vậy.
– Bố ơi, năm nay chúng con về ăn Tết với mẹ đây. Bố về ăn Tết với mẹ nhé. Con chưa bao giờ quên cái Tết cuối cùng của bố với mẹ năm nào – Thụy nghĩ tới đấy, nước mắt cứ muốn túa ra. Cô quay mặt đi, sợ mẹ nhìn thấy. Phải rồi, bao nhiêu năm ở nước Nga ăn học, Thụy chưa bao giờ nguôi nhớ bố, thương mẹ. Nhớ cái nết ăn Tết của cha mẹ cô, nhất là mẹ, dù ở Hà Nội hay ở tận đâu, hoa là điều chưa khi nào thiếu trong dịp Tết của bà giáo dạy ngoại ngữ… Cô đã mơ bao lần về cái Tết này rồi. Cô sẽ cùng mẹ gói bánh. Cô sẽ trang trí thật đẹp ngôi nhà. Cả cái phòng theo phong cách Nga của vợ chồng cô và bé Xim. Bánh thì hôm nọ cả nhà cô tập trung với nhà bác ruột gói rồi, luộc rồi. Nhà cũng sửa mới, sau hai tháng, xong rồi. Ðào mẹ cũng mua cả rồi. Chỉ còn cái phòng khách là không có bình hoa tím ngăn ngắt mà khi bố còn sống, bao giờ cũng có một bình thật lớn, bố mua tặng mẹ. Cô muốn sự bất ngờ ở Tết đầu tiên trở về này. Bao nhiêu năm nay, từ ngày bố mất, mẹ ăn Tết vò võ một mình. Mẹ đẹp. Cô gái Hà Nội có mái tóc bồng, thả xuống bờ vai là những búp to hơi sóng. Và, tấm khăn San-le choàng ngang vai áo dài và nụ cười tươi làm mẹ mới đẹp làm sao. Vậy mà mẹ đã hy sinh cả đời người đàn bà đang độ chín nhất, đẹp nhất để tập trung nuôi, dạy dỗ cô khôn lớn. Mỗi khi Tết về, Thụy thấy mẹ vẫn theo nếp cũ của gia đình sống lâu đời ở Hà Nội, chuẩn bị Tết, lễ thật công phu. Mẹ nấu chè đãi đỗ trên mâm cúng Tết, không thể thứ chè nào thơm ngon bằng. Cả trà mẹ pha cho bố cũng được mẹ chế biến kỳ khu. Mẹ mua hoa sen từ tháng hè, tẻ từng hạt gạo sen, cẩn thận rắc chúng ướp từng lượt trà đã sao ấm, ủ kỹ trong cái thẩu sành nhỏ rồi gửi cho bố… Từ ngày Anh Thụy sang Nga biền biệt, bà ăn Tết đạm bạc hơn, song vẫn giữ thói quen, có thể thiếu thịt cá, song không thể thiếu hoa cho ngày Tết, như thư nào mẹ viết: “Năm nay ngoài đào cho phòng khách, huệ cho ông bà tổ tiên, mẹ chỉ mua một bình hoa cúc đại đóa vàng rực suốt cả gần chục ngày sau Tết. Mẹ không tự mua hoa vi-ô-lét. Ði qua chợ, nhìn cái mầu tím cũng nhớ bố con…”. Ký ức chưa bao giờ tàn phai trong Anh Thụy về cái Tết cuối cùng ấy, về loài hoa cứ Tết về bố tặng mẹ.
Chiếc U-oat đỗ trước cửa nhà, bố bước xuống, áo khoác mưa bộ đội ướt đẫm. Bó hoa trên tay bố cũng đầy những hạt nước trong suốt như pha-lê trên những nụ hoa vi-ô-lét tím sẫm. Thế mà gần ba mươi năm rồi. Ai có ngờ được sau ngày mồng Một Tết năm ấy, bố phải đi gấp lên biên giới và vĩnh viễn không bao giờ trở về. Bình vi-ô-lét năm ấy lâu tàn. Những cành hoa cứ tím sẫm đứng mãi trong phòng. Mẹ cũng không thay đổi vị trí của phòng khách như thể bố còn đó, cho tận khi những cánh hoa cuối cùng rụng xuống trải một vùng tím sàn nhà…
Sao cô quên được?
Ðêm. Ðã gần 12 giờ. Vẫn mưa suốt. Trong căn phòng nhỏ của hai vợ chồng Anh Thụy đèn đã tắt. Không thấy người, chỉ nghe thấy tiếng đối thoại.
– Chiều mai lại ghé qua chợ một lần nữa?
– Chịu khó chút đi! Hay thôi, để em đi Nhật Tân, anh nhớ qua Hàng Lược. Còn bao nhiêu việc cho Tết, chia nhau ra mà đi.
– Mà sao cứ phải là vi-ô-lét nhỉ? Anh thấy hồng Ðà Lạt cũng đẹp lắm. Bông to và đều chằn chặn như hoa bên châu Âu.
– Anh chả hiểu gì cả. Ðây là cái Tết sau bao nhiêu năm xa nhà. Muốn làm cho mẹ vui. Em muốn mẹ có được bó hoa vi-ô-lét như năm nào…
Căn phòng im tới tuyệt đối. Nghe rõ tiếng rí rách của nước chảy từ mái tôn nhựa gõ xuống sân nhỏ mới nới.
Lát sau căn phòng lại sáng lên chút ít. Ðấy là Anh Thụy bật máy tính. Cô viết lên tường Blog:
– Ai có biết hoa vi-ô-lét mua ở đâu không?
Chỉ chưa đầy hai giây sau có một loạt dòng chữ:
– Trời ạ, em cũng thích hoa này cho Tết mà hôm kia ra Hàng Lược chỉ có hơn chục cành họ tranh mua hết. Những 27 ngàn một cành. Không còn để mua.
– Thử lên chợ hoa Nghi Tàm xem.
Tiếng bàn phím nhè nhẹ: Mình lên cả rồi. Mai định qua lần nữa.
– Năm nay mưa, các cánh đồng hoa quanh Hà Nội hỏng hết.
– Ờ. Thôi, chả mua hoa ấy nữa AT ạ, mua hoa thập cẩm về cắm vậy. Bên này tuyết trắng xóa. Anh Thụy về Việt Nam chả còn ai khéo tay mà cắt giấy làm hoa đào, hoa hồng cho cả hội ở Mát nữa. Hu hu…
Sớm mai dậy sẽ lại bao nhiêu tin nhắn khác quanh cái vụ hoa này đây. Cô mỉm cười. Người ta có quyền hy vọng chứ! Vừa định tắt máy thì có người gọi ở cửa sổ chat. Cái nickname nhà văn, bạn vong niên của cô.
– Ciao AT! Ðã dạo khắp phố phường rồi hả?A đọc những dòng ở tường nhà em.
– Vâng. Em đi mấy lần rồi. Người ta nói hoa vi-ô-lét đắt mà ko có bán!
– Năm nay úng mà. Ngày xưa còn cậu anh, ông cũng thích hoa ấy. Nên Tết nào về anh cũng mua dăm cành trên bàn thờ cho ông.
– Ngày mai anh sẽ đi tìm nó. Nếu có, anh sẽ mua về chia cho em!
– Ôi, thế thì tốt quá. Em cám ơn anh trước…
Anh Thụy tắt máy.
Chiếc laptop trong căn phòng của người bạn vong niên tại một căn nhà bên sông Hồng cũng tắt. Nhà văn lớn tuổi bước ra cửa sổ. Mưa bụi vẫn không ngừng rơi. Từ đây nhìn xuống sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy. Ông là con người của xê dịch. Hơn 10 năm ở chiến trường, lại gần hai chục năm ở Ðức, ông hoàn toàn thấu hiểu tâm lý của cô gái, một bạn đọc mà ông quý mến. Những người đi xa Tổ quốc, có bao nhiêu điều nhớ, song cái Tết Việt thường cũng nhớ nhất và mong chờ nhất. Như cô gái trẻ này, chắc chắn sẽ mường tượng ra cái cảnh sẽ ăn Tết với mẹ cô thế nào ở cái Tết đầu sau bao năm xa cách. Thực ra, việc có hoa vi-ô-lét hay không với ông cũng không quan trọng lắm. Nhưng ông rất mến cô tiến sĩ có nụ cười đôn hậu. Tình bạn của họ cũng chỉ là thời gian qua mạng khi hai người còn ở nước ngoài. Cô tỏ ra rất thích những truyện ngắn của ông viết về chiến tranh. Có lần từ Nga, cô comment trên báo mạng Nguoibanduong: Cảm ơn nhà văn đã giúp chúng em hiểu thêm về chiến tranh! “Ðấy là một thời của thế hệ tụi anh!”. Ông nhắn vào hộp thư cô và bất ngờ biết thêm một điều về cô bạn vong niên ở Email trả lời: “Bố em cũng là một người lính và ông hy sinh khi em còn rất nhỏ!”. À ra như vậy. Thảo nào cô đã đọc tất cả những tác phẩm của ông một cách hệ thống.
Ba mươi Tết. Con đường đi vào bốn cửa ô Hà Nội người xe như mắc cửi. Mưa vẫn không ngừng rơi. Suốt hai tiếng đồng hồ, trong mưa, nhà văn già quần nát cả hai trung tâm bán hoa tại Hà Nội vẫn không nhìn thấy một cành vi-ô-lét. Mọi vùng đất quanh Hà Nội đều trũng, hay là ta đi ra miền trồng hoa ở Ðông Anh, Sóc Sơn xem sao? Ông nghĩ vậy và quyết định rời thành phố. Tới gần Thanh Tước, ông mừng rỡ thấy một chợ hoa khổng lồ kéo dài tới ba bốn cây số, dọc con đường mà hai bên là những thửa hoa mênh mông. Len lỏi giữa chợ, không mệt mỏi, dắt xe đi hết đám này tới đám khác, ông thất vọng bởi không có một nhành hoa vi-ô-lét nào.
Mưa vẫn rơi, càng về chiều càng dày hạt.
Nhà văn, người lính già vẫn kiên nhẫn đi thêm đoạn nữa ven cánh đồng hoa. Bất chợt trước ngã ba, ông sáng mắt lên khi thấy một cô gái đèo sau xe Honda một bó hoa tím với những nụ hoa cực lớn. Cô gái đang hì hụi dắt xe qua con đường lầy cố lên đường lát đá. – Ðể chú giúp. Nhà văn hạ chân chống xe bên lề đường, bước tới đẩy chiếc xe của cô gái từ con đường lầy ngang bánh xe lên tới đường lát đá sỏi. – Cháu bán hoa à? Chú muốn mua. – Gạt cái chân chống cho cô gái, ông nói.
– Không. Hoa của nhà cậu cháu trồng. Cháu từ Hà Nội về lấy.
– Cậu cháu còn ít nào không? Ông thở dài.
– Còn hơn chục cành nữa, nhưng chắc cậu cháu không bán đâu.
Nhà văn lại thở dài. Chiếc xe máy của cô gái cứ ì ra sau cú đề dài liên tiếp. Ðể chú – Nhà văn nói và nhanh nhẹn giúp cô gái nổ máy. Xe cháu đề nhiều sặc xăng. Phải đạp cho xăng thừa hết đi cháu ạ. Sau câu nói của ông, chiếc xe Honda nổ giòn giã. Cô gái cảm ơn ông, ái ngại nhìn người lạ: “Chắc chú không ở quanh đây!”. Vâng, chú ở Hà Nội. Chú chỉ muốn vài cành vi-ô-lét cho bạn. “Chú tốt thật, ba mươi rồi. Thôi thế này nhá. Chú đi vòng lên cây số nữa. Rẽ trái rồi chạy thẳng… Cháu tên là Thương. Chú hỏi nhà ông Kì, có gì chú cứ nói là quen cháu. Giá cháu không vội…”.
Mười lăm phút sau, nhà văn của chúng ta cũng tìm đúng ngôi nhà của cô gái chỉ. Cổng không đóng. Ông tắt máy, dắt xe vào nhà. Ðây rồi! Trước mắt ông, bên trái hiện ra hơn chục cây hoa vi-ô-lét mập mạp, khoe những búp hoa mỡ màng tim tím làm ông khấp khởi mừng thầm. Ông nhìn thấy một ông già, râu và tóc đều rất dài, trắng xóa, đang ngồi trên ghế trước dưới hiên cửa nhà.
– Anh hỏi ai đấy? – Chủ nhà cất tiếng.
– Thưa ông, tôi quen cháu tên Thương ở đường cái. Cháu chỉ vào đây bởi tôi đang tìm ít hoa vi-ô-lét.
“Hoa của đứa con tôi. Nó trồng một luống cho bè bạn không bán đâu! Còn ít cây này, tối có người đến cắt rồi” – ông chủ nhà lụ khụ ho. “Tiếc quá, ông nói với cậu nhà giùm cho tôi cần vài cành thôi”. “Hoa năm nay đều kém. Cả cánh đồng hoa vi-ô-lét chết hết. Nghe nói trên chợ, hôm nay bán 30 ngàn đồng một cành”. “Vâng! 30 ngàn tôi cũng xin mua!”. “Ấy là nói vậy chứ con tôi nó không bán đâu. Mà ông cần thế kia à. Làm gì? Không mua vi-ô-lét thì mua quất, mua đào, thược dược sau nhà còn khối”. “Thưa, chả giấu gì ông cả. Tôi và cô bạn nhỏ xa nhà đã lâu, chúng tôi muốn đón cái Tết như ngày nào còn ở trong nước. Bạn trẻ của tôi muốn một bình hoa vi-ô-lét cho bố cô ấy đã hy sinh trên biên giới” – Nhà văn nói chậm rãi.
Sẫm Violet – Nguyễn văn Thọ
Người chủ nhà quay lại. Bấy giờ ông mới nhìn kỹ khuôn mặt của chủ nhà, thật ra cũng tuổi trạc như ông thôi, song bộ râu tóc trắng làm ông già đi nhiều. Bác ơi! – Giọng nhà văn thật sự xúc động – Tôi không có hoa ấy cũng được. Song cô bạn tôi thì cần. Tôi đã hứa, tìm hoa cho cô ấy, con một người lính như tôi. Chủ nhà nhổm lên: “Bác cũng đi bộ đội hả. Bao năm. Chiến trường nào?”. “Mười một năm! Tôi chiến đấu cả ba mặt trận A, B, C tới năm Bảy nhăm vào Sài Gòn…”. “Có đánh ở Quảng Trị không?”. “Có chứ! Khi ấy tôi ở đơn vị 12 ly 7 bảo vệ bên kia Thạch Hãn”. “Ối trời ơi, đồng bọn cả rồi”. Chủ nhà như muốn nhao lên khỏi ghế. Cái chăn chiên cũ đắp nửa người ông ta tụt xuống. Nhà văn nhìn rõ đôi chân cụt đến tận bẹn của chủ nhà. Ông đi tới, nắm bàn tay âm ấm của gia chủ…
Mãi tới sáu giờ chiều nhà văn mới về tới nhà. Ông chia 17 cành vi-ô-lét làm hai bó. Bó có tám cành ông mang tới bàn thờ cha mình. Ðêm ba mươi đất trời đen như mực. Cầu Long Biên nhịp lành, nhịp bị thương vẫn còn đó trong cuộc chiến mà ông từng là người lính 12 ly 7 trên ô vuông thép ở đỉnh cầu, vẫn hằn rõ chớp ẩn, chớp hiện loa lóa qua ánh của đèn chiếu lade khu vực nào chiếu lên nền trời. Mưa dưới ánh đèn thành phố hắt lên vẫn lây rây bay trắng xóa và đọng trên những nụ hoa mập mạp của bó vi-ô-lét, tựa như những viên kim cương li ti. Chắc Anh Thụy sẽ vui lắm. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã tới ngôi nhà tập thể của người bạn.
– Vào đây, vào đây. Sao anh chịu khó thế, lại chả gọi điện gì cho em cả. Người chồng Anh Thụy cũng mau mắn dắt chiếc xe và mời ông vào nhà.
Anh Thụy sững người khi người bạn vong niên giở những tấm báo quấn quanh bó vi-ô-lét để lộ ra những nhành hoa mập mạp, chi chít, rực tím trong ánh điện. Mãi vài giây sau cô mới cất lên lời:
– Ôi! Cảm ơn anh. Cảm ơn anh! Sao có thể tìm được những nhành vi-ô-lét đẹp như thế kia vào ngày ba mươi này! – Anh Thụy thốt lên, cô quỳ xuống sàn đá hoa, như muốn ngắm thật gần những đọt hoa như muốn vươn mãi lên. Cô vụt ôm chầm lấy nhà văn già, mặc kệ chiếc áo mưa của ông còn sũng nước. – Chồng ơi, xuống bếp lấy cho em cái bình pha-lê hôm nọ anh mua đi. Mời mẹ lên nhà! Em sẽ cắm những bó hoa này như ngày nào bố cắm hoa cho nhà mình. Anh Thụy nói với người bạn vong niên của cô.
Giao thừa. Mẹ Anh Thụy từ trước giao thừa nửa phút, đã thắp thêm những nén nhang thơm tinh khiết, thoảng mùi trầm dâng lên tràn ngập quanh bàn thờ của những người đã khuất. Không gian bỗng thanh bạch và ấm cúng lạ thường. Người mẹ mái tóc nhuốm bạc, im lặng đứng trước bàn thờ, trước di ảnh của chồng. Bà hơi cúi đầu xuống, hai bàn tay chắp lại. Bà muốn nói rất nhiều với chồng trong thời khắc thiêng liêng này, mà không sao cất lên lời.
– Anh có linh thiêng, về đây ăn Tết cùng mẹ con em. Con đã nhờ bạn tìm được những đóa hoa vi-ô-lét cho chúng mình. – Con đã lớn khôn rồi. Bà thầm nói vậy, nghĩ vậy trong tâm khảm sâu thẳm.
Cuộc sống bao năm chiến tranh trôi qua, đã bao nhiêu hy sinh, mất mát, khó khăn và đau đớn. Con người ta, nhiều người đã và còn phải trải qua nhiều điều như vậy hay tương tự như vậy. Song đêm nay, cái Tết, lâu lắm rồi, bà có một niềm vui khôn tả. Nghĩ tới đấy, trên cặp mắt tưởng như đã khô hạn của bà ứa ra những hạt lệ già. Nước mắt đàn bà mặn mòi.
Hà Nội vẫn hoàn toàn im lặng tới vô cùng.
Rồi bất chợt, ba bốn phía bầu trời, đúng không giờ, bỗng chớp sáng, bùng ra từng chùm pháo hoa rực rỡ, muôn ngàn sắc. Năm mới bắt đầu!
Mưa vẫn im lặng như cái lạnh vẫn im lặng luồn lách chạy dọc trên các đường phố. Và, trong phòng khách nhà Anh Thụy đêm nay có bó hoa vi-ô-lét im lặng đứng. Bó hoa còn vẹn nguyên cả mùi hương của đất đồng, vẹn nguyên những hạt mưa đọng trên những đọt hoa tím sẫm, được gặp ấm áp trong ngôi nhà người đàn bà Hà Nội, cựa mình cũng đồng loạt nở tung, tạo thành một vùng sẫm tím trong gian phòng.
Mầu vi-ô-lét. Sẫm tím mầu vi-ô-lét, đối với riêng mẹ Anh Thụy, chẳng thể loài hoa nào tím hơn nó đêm nay…
Tác giả: Nguyễn Văn Thọ – Người thực hiện: Vân Anh
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *