Nghe đọc truyện đêm khuya – Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Anh Béc-na Sô kể về chuyện tình tay ba của nhà viết kịch Côlone, chàng trai Pochaléttơ và nàng Linđa xinh đẹp. Biết nàng Linđa yêu thích bản nhạc “Serenade”, Côlone đã học thổi đàn Co để biểu diễn cho nàng nghe. Nhưng dù Côlone cố gắng tập luyện thì bản nhạc “Serenade” mà ông bí mật biểu diễn cho Linđa nghe vẫn là một thảm họa. May mắn là một sự hiểu nhầm thú vị đã cứu vãn danh dự và tình yêu của Côlone. Một câu chuyện tình nhẹ nhàng, lãng mạn và không thiếu những chi tiết thú vị, bất ngờ…
Kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 40, tôi tổ chức một buổi diễn kịch, là truyền thống vốn có tiếng từ lâu tại nhà riêng của tôi ở Beckenham. Như lệ thường, kịch bản do tôi tự viết, đó là một câu chuyện cổ tích, gồm ba màn, ý xuyên suốt là tiếng tù và thần diệu của một chàng hoàng tử Ba Tư. Các vở diễn của tôi vốn có tiếng nên cũng không cần phải mô tả tỉ mỉ các diễn biến của truyện. Tôi chỉ thấy cần phải lưu ý một chi tiết quan trọng ở màn hai, đó là khi ngày hội bị cắt ngang bởi tiếng tù và của chàng hoàng tử thổi vọng lên từ giữa lòng núi nam châm, nơi chàng bị mụ phù thủy gian ác cầm tù. Tôi đã mượn một nhạc công thổi kèn coócnê từ dàn nhạc của tôi đến thổi kèn co thay cho tiếng tù và. Anh ta sẽ được ngồi không phải ở trước sân khấu mà là bên dưới nhà, trong gian đại sảnh, nhằm tạo ra ấn tượng về một khoảng cách xa xăm.
Cuộc vui bắt đầu khá suôn sẻ. Có thoáng vẻ thất vọng hiển nhiên khi mọi người được biết tôi sẽ không sắm vai trong vở diễn. Nhưng khách khứa cũng vui vẻ thể tất khi nghe tôi trình bày nghĩa vụ hai mang của mình, vừa là chủ nhà lại vừa là đạo diễn. Chỗ ngồi tốt nhất trong phòng diễn dành cho nàng Linda Fitznightinggale kiều diễm. Ghế cạnh đó tôi định để cho mình đã bị chàng Porcharlester êm thấm chiếm mất. Đó là một người đàn ông trẻ nhã nhặn, có chút khiếu của một giọng nam trung yếu nhưng lại không đủ chuyển sang giọng nam trầm.
Bởi thẩm mỹ âm nhạc của nàng Linda rất cực đoan nên trong mắt nàng, thành tích ít ỏi của chàng Porcharlester khiến anh ta chiếm được chút ưu thế so với những người đàn ông tử tế và già giặn khác. Tôi quyết định cắt ngang cuộc chuyện trò của họ khi vừa được rảnh rang ít phút. Đã thành lệ là tôi luôn tự mình trông nom quá trình buổi diễn, cho đến khi nào mọi cái đã đâu vào đấy. Đến nỗi cuối cùng cô Waterloo, sắm vai nữ của vở diễn phải cất tiếng phàn nàn rằng sự lo lắng của tôi khiến cô ta cũng thấy bồn chồn lây và van nài tôi hãy lui ra ngoài nghỉ ngơi chút ít. Tôi hăng hái tuân lệnh rồi vội vã sải bước về phía nàng Linda. Thấy tôi lại gần Porcharlester đứng dậy nói: “Tôi vào ngó qua phía trong nhé, biết đâu còn gì chưa…”.
“Ồ hẳn rồi”, tôi nói, sung sướng đã tống được anh ta đi. “Nhưng xin chớ can thiệp vào đấy nhé. Chỉ một sơ sẩy nhỏ là…”
“Thôi được”, anh ta cắt ngang. “Tôi vẫn biết ông hay cả lo mà. Tôi chỉ một mực đút tay túi quần được chưa”.
“Ông Colonel Green, lẽ ra ông đừng để ông ta nhúng quá sâu vào”. Linda lên tiếng khi chàng kia đã đi khuất. “Tôi chắc thế nào ông ta cũng sẽ bày đủ trò tai quái trong ấy”.
“Thôi kệ cho anh ta vui đùa”, tôi đáp. “Cung cách anh ta thật giống y như tướng Johnston, cái ông lão già khụ ấy. Thế việc học nhạc của cô đến đâu rồi?”
“Hiện nay tôi đang ngập đầu với Schubert. Ôi, ông Colonel Green, ông có biết bản Serenade của Schubert không?”.
“A! Một bản nhạc mê hồn! Tôi nghĩ đại loại là thế này: Đi lê đi đăm, đii đi lê đi đăm, đi đăm, đi le đai – đây”.
“Phải, cũng có thế thật. Ngài Porcharlester có hát nó không ạ?”
“Ông ta cũng thử đấy. Nhưng ông ta chỉ có ưu thế hát những loại gì đó tầm thường, không đòi hỏi diễn tả những tình cảm nghiêm túc, chiều sâu của cảm xúc, sự cảm thông trọn vẹn, đại để như là…”
“Vâng, vâng. Tôi biết ông vẫn cho ông Porcharlester là khiếm nhã. Ông có thích bản Serenade không ạ?”
“Hừm! Nhưng mà, cái chính là – cô có thích nó không?”.
“Tôi mê mẩn vì nó. Tôi ao ước về nó. Ba ngày gần đây, tràn đầy trong tôi là bản Serenade ấy”.
“Tôi xin thú nhận rằng nó luôn gây ấn tượng trong tôi là một khúc nhạc kỳ diệu. Tôi hi vọng giọng hát tuyệt vời của cô sẽ chứng minh điều đó ngay sau khi vở diễn của chúng ta kết thúc”.
“Tôi hát nó ư! Ôi, tôi đâu dám. A, ngài Porcharlester đây rồi. Tôi sẽ bắt ông ta phải hứa sẽ hát nó cho chúng ta nghe”.
“Green”, Porcharlester cất giọng hài hước xỏ lá. “Tôi không muốn bỗng dưng đến quấy rầy ông; nhưng anh chàng phải thổi điệu tù và thần tiên vẫn chưa đến”.
“Trời hỡi!” Tôi kêu lên. “Tôi lệnh cho anh ta phải có mặt vào đúng bảy rưỡi cơ mà. Nếu anh ta không tới, vở diễn sẽ đi tong mất”.
Tôi xin lỗi Linda và nhảy vội xuống đại sảnh. Chiếc kèn co đã ở đó, nằm trên mặt bàn. Vậy là Porcharlester đã dùng mánh khóe đê tiện này để đẩy tôi đi. Tôi toan quay lên làm cho ra nhẽ thì chợt nhận ra rằng, hóa ra chàng nhạc công để nhạc cụ lại từ buổi diễn tập lúc sáng, còn anh ta có lẽ chưa đến. Nhưng một gã hầu do tôi gọi lại báo với tôi rằng anh ta đã đến đúng vào lúc bảy rưỡi, đã vào phòng ăn thông với gian đại sảnh theo đúng lệnh của tôi, và đã rời khỏi đó với một cốc vang và một cái bánh sandwich.
Vậy là Porcharlester đã lừa tôi. Người hầu trở ra làm tiếp công việc, bỏ lại tôi một mình, đầy tức giận trong gian đại sảnh, sự chú ý của tôi bỗng hiếu kỳ dừng lại ở cái vật thể cong màu đồng thau nhạt nằm trên bàn. Giữa đống đồ vật vô tri vô giác bao quanh, chiếc kèn nằm tách hẳn ra, câm lặng và bất động, nhưng dường như căng phồng lên bởi những âm thanh khủng khiếp, đang ý thức chờ dịp để trình diễn. Tôi lén đến bên bàn, lấy ngón tay trỏ thận trọng chạm vào cái van chiếc kèn. Rồi tôi liều ấn xuống một cái. Nó kêu lên lách cách. Vẻ biết lỗi, tôi lùi lại khi nghe thấy tiếng động bên phía phòng ăn. Rồi tiếng chuông báo hiệu kêu leng keng, báo cho người thổi kèn co bắt đầu phần diễn của mình. Tôi chờ gã nhạc công xuất hiện với đôi chút bẽn lẽn, hi vọng anh ta sẽ không nhận thấy tôi đã nghịch trộm nhạc cụ của anh ta như một đứa trẻ. Nhưng chẳng thấy anh ta đâu. Nỗi lo vọt tăng. Tôi xô vào phòng ăn. Ở đó, ngay đầu bàn, một gã lính đang ngồi ngủ say như chết. Trước mặt gã la liệt năm cái bình rượu rỗng. Tôi túm cổ áo gã lắc mạnh. Gã làu bàu, ngất ngưởng giơ quả đấm lên huơ huơ, rồi lại gục xuống bất động.
Tức điên lên, vừa thề sẽ bắn bỏ gã bởi sự quấy phá này tôi vừa chạy trở lại gian đại sảnh. Tiếng chuông lại vang lên. Hồi chuông thứ hai đòi tiếng tù và. Cả sàn diễn chờ đợi. Cùng quẫn, tôi không nghĩ ra cách gì để cứu vở diễn. Tôi vồ lấy cây kèn co đặt cái đầu nhỏ của nó lên miệng và thổi phù một cái thật mạnh. Phí cả hơi! Chẳng có âm thanh nào phát ra. Tôi rũ ra vì gắng sức và chiếc kèn đồng tuột khỏi bàn tay ẩm ướt. Tiếng chuông lại vang lên khẩn cấp, phá tan bầu im lặng hủy diệt. Thế là tôi chộp lấy cây kèn như cái mỏ cặp, căng phồng ngực lên, giúi cái miệng kèn lên môi, lấy răng cắn chặt như muốn nghiến đứt ra tôi hung hăng khạc mạnh một cái. Kết quả phát ra một tiếng vang khủng khiếp, chói tai, bóng đèn quay vù vù, mũ của khách ngóc lên khỏi giá treo; tôi bịt chặt hai thái dương vừa lúc gã lính bổ ra, tái mét, như thể tiếng kèn đã dựng gã dậy, lôi gã ra đối mặt với một đám đông các khách mời sửng sốt ùa cả ra cầu thang.
Ba tháng sau đó, tôi mời một ông thầy lão luyện về để học thổi kèn co. Tôi thấy bất ổn trước bộ dạng trung lưu lớp dưới cùng với cái mánh vặt chán ngắt của ông khi cứ nhắc đi nhắc lại rằng kèn co (như cách gọi của ông ta) có lẽ gần với tiếng người nhất trong tất cả các loại nhạc cụ. Nhưng ông thạo nghề và tận tâm, khiến tôi có đủ kiên nhẫn để chịu đựng, bất chấp một vài phản đối từ phía các vị láng giềng.
Cuối cùng, một hôm tôi đánh liều hỏi ông thầy, liệu ông có cho rằng tôi đã đủ khả năng biểu diễn solo cho riêng một người nghe chưa.
“Ồ ngài Colonel”, ông ta nói, “Nói thật nhé, ngài không có khiếu ấy đâu, ít ra là chưa phải lúc này. Sau nữa, ngài thổi dữ dội quá lắm. Tin tôi đi, thưa ngài, không cần phải vận hết cơ bắp vào đó, nó sẽ làm hỏng giọng mất. Ngài định chơi bản nhạc gì cho bạn ngài vậy?”
“Ông phải dạy tôi cái đó. Bản Serenade của Schubert”.
Ông ta chòng chọc nhìn tôi và lắc đầu: “Bản ấy không viết cho loại nhạc cụ này thưa ngài”, ông nói, “Ngài không chơi nổi đâu”.
“Lần đầu tôi chơi nó không mắc lỗi, ông sẽ được thêm 5 guinea, ngoài tiền công”.
Điều này đã đánh át sự do dự của ông ta. Dù tập tành cần mẫn tôi vẫn thấy bản Serenade thật không ổn và khó chơi. Nhưng cuối cùng tôi cũng thổi được tàm tạm.
“Thưa ngài Colonel, nếu tôi ở địa vị ngài”, ông thầy bảo tôi lúc đút đồng 5 guinea vào túi, “Tôi sẽ giữ bản nhạc này lại cho mình và sẽ chơi một bản nào khác đơn giản hơn, cho bạn bè. Sau nửa giờ tập ngài có thể chơi kha khá ở đây thật đấy; nhưng khi không có tôi bên cạnh, ngài sẽ thấy chẳng có gì chắc chắn đâu!”.
Tôi phớt lờ những lời ám chỉ của ông ta, mà về sau mới thấy thật thấm thía. Nhưng khi đó tôi đang một mực ấp ủ ý định chơi khúc Serenade tặng nàng Linda. Nhà nàng nằm ngay cuối phía bắc công viên Park Lane thật lý tưởng cho ý định trên. Và tôi đã mua được một gã hầu để gã cho tôi vào một chỗ khá dễ chịu, nằm giữa ngôi nhà của nàng và con đường. Cuối tháng sáu, một tối tôi được tin Linda quyết định ở nhà nghỉ sau cơn mệt mỏi nơi giao tiếp. Đó là cơ hội của tôi. Chín giờ tối, tôi đút cây kèn co vào túi du lịch, lên đường đến Marble Arch, đến nơi tôi xuống xe, đi bộ đến chỗ chủ định. Tôi sững lại bởi tiếng gọi của Porcharlester: “Chào ngài, ngài Colonel!”. Không muốn bị cật vấn nên tốt nhất là tôi chặn trước bằng cách hỏi anh ta đi đâu.
“Tôi đến cô Linda,” anh ta đáp. “Nàng có nhã ý cho tôi hay tối nay nàng sẽ ở nhà một mình. Tôi không có ý giấu ông chuyện này, thưa ngài Colonel, vì ông là người trọng danh dự và ông thừa biết nàng tuyệt vời như thế nào. Tôi ngưỡng mộ nàng. Nếu tôi biết chắc rằng bản thân tôi chứ không phải đơn thuần là giọng hát của tôi khiến nàng thích thì tôi sẽ là người đàn ông hạnh phúc nhất nước Anh đấy”.
“Tôi tin chắc rằng không phải là giọng hát của ông đâu”, tôi nói.
“Cám ơn”. Anh ta kêu lên và tóm chặt tay tôi. “Ông thật tốt khi nói như vậy. Nhưng tôi chẳng dám tự phỉnh mình cho là ông nói đúng đâu nhé. Tôi hầu như nghẹt thở mỗi khi nhìn nàng. Ông có biết không tôi đã không tài nào có đủ gan hát bản Serenade của Schubert từ khi nàng ngỏ ý đó là bản nhạc yêu thích của nàng”.
“Sao vậy nhỉ? Nàng không thích ông hát nó sao?”
“Tôi xin nói với ông, tôi không bao giờ dám hát nó trước nàng, mặc dù nàng luôn yêu cầu tôi. Tôi phát ghen lên với cái giai điệu chết tiệt ấy. Nhưng tôi nguyện làm tất cả để nàng vừa lòng và tôi định làm nàng bất ngờ vào ngày mai, tại phòng khách của bà Locksly. Tôi đã học và tập tành cật lực như trâu bò để hát được bản Serenade với phong cách hạng nhất. Nếu có gặp nàng, ông chớ hé môi một lời nào đấy nhé. Đó phải là một điều bất ngờ”.
“Tôi tin chắc ông sẽ làm nàng kinh ngạc.” Tôi nói, hớn hở bởi ý nghĩ rằng anh ta sẽ chậm chân hẳn một ngày. Tôi biết nếu đem so sánh, thì với nét rười rượi ngọt ngào, với sự ngăn đe thẳm tối, với sức mạnh tiềm ẩn sâu xa, thứ nhạc cụ tôi đang mang đây sẽ hơn đứt giọng anh ta và sẽ hứa hẹn là một diễn viên tài ba. Chúng tôi chia tay; tôi thấy anh ta đi vào nhà Linda.
Vài phút sau tôi đã ở trong vườn, quan sát họ từ chỗ của tôi, lúc này đã chìm vào bóng tối. Họ ngồi ngay bên cánh cửa sổ mở toang. Câu chuyện của họ không vọng được đến tai tôi: Tôi cho là anh chàng kia sẽ chẳng bao giờ ra về. Đêm se lạnh; chỗ tôi đứng lại ẩm ướt. Mười giờ – mười giờ 15 phút – mười rưỡi. Tôi đã định bỏ ra về. Nếu không có Linda chơi vài bản nhạc làm giảm bớt sự đơn điệu có lẽ tôi đã hết chịu nổi. Cuối cùng họ cũng đứng lên, và lúc này tôi đã có thể nghe rõ tiếng họ.
“Vâng,” nàng nói, “Đã đến lúc ông phải về rồi”. Tôi hết sức đồng ý với nàng! “Nhưng lẽ ra ông phải hát khúc Serenade mới phải. Tôi đã chơi ba bản nhạc hầu ông còn gì”.
“Tôi đang bị cảm ghê quá,” anh chàng nói. “Quả thực là tôi không thể. Chúc cô ngủ ngon nhé”.
“Thật vớ vẩn! Ông chẳng hề có triệu chứng bị cảm. Thôi không sao! Tôi sẽ chẳng bao giờ yêu cầu ông nữa đâu. Chúc ngủ ngon, ngài Porcharlester!”.
“Đừng ác với tôi thế,” anh ta nói. “Có lẽ cô sẽ được nghe tôi hát chóng hơn là cô nghĩ đấy”.
“A, ông nói đầy ngụ ý. Chóng hơn là tôi nghĩ! Nếu ông muốn làm tôi ngạc nhiên thì tôi sẽ tha thứ cho ông đấy! Tôi mong sẽ gặp lại ông tại phòng khách nhà bà Locksly ngày mai nhé!”.
Anh ta tán thành, rồi vội vã bỏ đi, tôi cho rằng vì anh ta sợ sẽ buột mồm tiết lộ kế hoạch của mình. Khi anh ta đi khuất nàng tiến về phía cửa sổ và ngước nhìn lên những vì sao. Chằm chặp ngắm nàng, tôi quên mất cả lòng kiên nhẫn: hai hàm răng bỗng run lập cập. Tôi nhấc cây kèn co khỏi túi xách. Nàng thở dài; đến sát bên cửa sổ; và buông bức rèm trắng. Chỉ có bóng cánh tay nàng vươn ra như thể nàng làm vậy là để thúc giục tôi thể hiện mau những nỗ lực trước đó của mình. Nàng ngồi xuống để tôi nhìn thấy bóng ngồi nghiêng của nàng. Giờ của tôi đã điểm. Cả công viên Park Lane tĩnh lặng như tờ. Những chuyển động từ phố Oxford Street dường như cũng trở nên xa xăm không làm ai rối trí.
Tôi bắt đầu. Vừa nốt đầu tiên tôi thấy nàng đứng dậy và lắng nghe. Khi đoạn nhạc dài đủ khiến nàng nhận ra tôi đang chơi bản nhạc nào, nàng đặt cuốn sách xuống. Miệng cây kèn co giống như băng giá. Đôi môi tôi buốt lạnh vụng về, đến mức dù chuyên chú hết sức vẫn hơn một lần tôi bị quấy rối bởi những âm thanh ùng ục vụng về mà những nhạc công lão luyện nhất cũng ít khi tránh được. Tuy nhiên, cho rằng mình bị rét và căng thẳng, tôi trấn tĩnh lại được chút ít. Tiếp tục một cách tự tin hơn, tôi đã phần nào chuộc lại được sự chệch choạc ban đầu bằng cách chơi những nhịp cuối một cách trịnh trọng, uy nghi, và thậm chí đã đạt được độ rung kha khá ở nốt áp chót.
Khi tôi kết thúc trên đường phố vang lên tiếng cổ vũ, cho tôi thấy một đám đông đã tụ tập ở đó, và việc rút chạy tức thì là đương nhiên rồi. Tôi nhét cây kèn co trở lại túi du lịch và định chuồn khi đám đông vẫn túm tụm. Khi tôi chăm chăm tìm bóng Linda trên bức rèm che thì thấy nàng đang viết. Tôi nghĩ, có thể nàng viết cho tôi chăng? Nàng đứng lên; và bóng tối trùm lên cửa sổ khiến tôi không thể nhìn rõ cử động của nàng. Tôi nghe thấy tiếng chuông reo. Một phút sau cửa nhà bật mở. Tôi lùi vào sau chậu cây lô hội, nhưng nhận ra gã hầu tay trong, tôi khẽ huýt sáo gọi gã. Gã đi về phía tôi, tay cầm một phong thư. Trống ngực tôi đập mạnh khi nhìn thấy nó.
“Thôi được, thưa ngài,” gã nói, “Cô Linda sai tôi đưa ngài cái này, nhưng xin ngài hãy mở khi đã về đến nhà”.
“Vậy cô ấy biết tôi là ai sao?” Tôi khao khát hỏi.
“Tôi cho là như vậy, thưa ngài. Khi nghe thấy tiếng chuông cô ấy gọi, tự tôi phải lên ngay đấy. Rồi cô ấy bảo: Anh sẽ thấy một quý ông ở đâu đó trong vườn. Đưa cho ông ta tờ giấy này; và xin ông ta ra về ngay cho. Ông ta không được đọc thư ở đây”.
“Có đám đông nào ngoài kia không?”
“Đi cả rồi ạ, thưa ngài. Chúc ngài ngủ ngon”. Tôi chạy về con đường Quảng trường Hamilton, gọi một chiếc xe ngựa. Mười phút sau tôi đã ở trong phòng làm việc của mình. Tay run rẩy tôi mở lá thư. Nó không nằm trong phong bì mà chỉ được gập làm ba và gấp góc lại. Tôi mở ra đọc.
Park Lane, 714, thứ sáu.
“Ngài Porcharlester thân mến!” Tôi ngừng đọc. Nàng cho rằng buổi trình diễn vừa xong là của anh ta ư? Ngay lập tức, một câu hỏi quan trọng hơn lóe lên, là tôi có quyền đọc lá thư không phải gửi cho mình không. Sự tò mò và tình yêu đã thắng thế. Lá thư tiếp tục như sau:
“Tôi thật tiếc rằng ông đã không thấy gì trong trí tưởng tượng của tôi về bản Serenade của Schubert ngoài duyên cớ để nhạo báng. Có thể trí tưởng tượng ấy là thái quá. Nhưng tôi đã không thổ lộ nó với ông nếu như không tin rằng ông có đủ khả năng hiểu nó. Liệu ông có thấy chút gì hài lòng không khi biết rằng ông đã cứu tôi hoàn toàn thoát khỏi cái bản Serenade ấy, xin hãy tin rằng, tôi sẽ không bao giờ nghe lại bản nhạc ấy với một cảm giác pha trộn kỳ quái giữa nỗi đau và sự bỡn cợt như thế này nữa. Tôi không biết rằng giọng người thường lại có thể phát ra được thứ âm thanh như vậy; tôi thiển nghĩ khi ông hứa hẹn sẽ cho tôi nghe giọng hát của ông chóng hơn là tôi mong đợi, có nghĩa là ông ngụ ý đến cuộc trình diễn này đây. Tôi chỉ còn biết thốt lên một lời này mà thôi: Adieu! Tôi cũng không còn hân hạnh gặp lại ông vào ngày mai tại phòng khách của bà Locksly bởi lễ đính hôn của tôi không cho phép tôi có mặt tại đó. Cũng chính vì lý do này tôi cũng chẳng còn cơ hội nào tiếp kiến ông trong mùa diễn này. Người bạn chân thành của ông.
Linda Fitznightingale”
Tôi cho rằng nếu chuyển lá thư này cho Porcharlester chỉ càng làm cho anh ta thêm đau khổ một cách vô ích. Tôi cũng cảm nhận rằng ông thầy kèn co của tôi thật có lý, tôi không có chút khiếu nào trong cái khoản kèn co Pháp này. Thế là tôi bỏ luôn.
Linda giờ đây đã là vợ tôi. Thỉnh thoảng tôi có gạn hỏi nàng, vì sao cứ một mực cắt đứt quan hệ với chàng Porcharlester đến vậy, dù anh ta cam đoan lời thề danh dự của một sĩ quan, một gentleman, rằng không mảy may có ý làm phiền lòng nàng. Linda luôn từ chối thỏa mãn tính hiếu kỳ của tôi.
Tác giả: George Bernard Shaw – Thực hiện: NSUT. Việt Hùng