Bài nổi bật

Sương còn giăng trắng núi – Hoàng Lệ Thủy

Trong làng văn, Hoàng Lệ Thủy có lẽ còn là một cái tên khá mới mẻ. Thế nhưng qua truyện ngắn này, tác giả đã cho thấy một bút pháp vững vàng, cách kể chuyện đầy lôi cuốn với những trang văn giàu cảm xúc. Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật “tôi”, là em gái của nhân vật nữ chính trong truyện. Cả hai nhân vật nữ – hai chị em ruột cùng các nhân vật phụ vây quanh đều không có một cái tên cụ thể, họ như bị hòa vào bầu không khí bảng lảng sương khói của một miền không gian sơn cước. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện của những bi kịch chồng lên nhau. Cô chị đi lấy chồng trong tiếng gào khóc của em gái. Và rồi sau đó là những xót xa của cả gia đình khi thấy chị thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Cuối cùng cuộc hôn nhân tan vỡ, người chị trở về nhà bố mẹ đẻ với đứa con địu trên lưng, có lẽ trong lòng cũng thầm xác định một cuộc sống an phận. Rồi cô em lại đến tuổi yêu đương. Trong tình yêu có ai học hết chữ Ngờ. Vào ngày hội xuân năm ấy, hai chị em đi hội và đều chạm phải tiếng sét ái tình với một chàng trai. Ngang trái bắt đầu nảy sinh ở chỗ chàng trai thích cô chị nhưng lại cưới cô em làm vợ, có lẽ bởi bước đầu anh ta chưa vượt qua được mặc cảm kết hôn với người con gái đã từng một lần đò. Hạnh phúc lấy được người con trai mình yêu của cô em không thể bù đắp cho nỗi buồn vì không sinh được con, cứ có thai ít lâu lại hỏng. Bi kịch của cô em nhân lên gấp đôi khi một ngày phát hiện chồng mình và chị gái ân ái ngay trong chính ngôi nhà mà hai chị em lớn lên từ thuở ấu thơ. Bắt đầu từ đây, những bi kịch chồng lên bi kịch. Bản thân cô chị cũng đau xót bẽ bàng, mang mặc cảm của người mắc lỗi, làm em gái đau khổ, phá đi hạnh phúc vợ chồng của em. Cô em thì vẫn rất yêu chồng và cũng không thể chà đạp lên người chị gái ruột thịt của mình. Éo le tiếp tục đẩy cao hơn nữa khi chị gái có bầu với người chồng chính thức của cô em. Vậy là một cuộc hoán đổi âm thầm diễn ra. Cô em lặng lẽ trở về nhà bố mẹ đẻ để thưa với bố mẹ mọi chuyện. Cô chị trở thành vợ chính thức của người chồng cô em, nhưng bước chân ra đi trong buồn bã. Những nỗi đau có lẽ rồi cũng nguôi ngoai, hạnh phúc của cô em dù dang dở nhưng sự hy sinh của cô biết đâu lại mang đến hạnh phúc thực sự cho người chị của mình, cũng là cho cả người cô từng chung chăn gối. Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và một lòng bao dung. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Chị lại lấy chồng! Khác với lần trước, lần này chị về nhà chồng trong âm thầm lặng lẽ. Vào một đêm trăng nhợt nhạt, chị xách túi ra đi, mang theo cả đứa con của người chồng trước.
Chị đã đẹp, nay lại càng đẹp. Vẻ đẹp no đầy chị đã cố giấu nhưng vẫn cứ lồ lộ ra ngoài như chọc vào mắt mọi người. Vậy là những ánh mắt sắc lẹm như lá cỏ gianh cứa vào da thịt chị đau nhoi nhói mỗi lần chị đi qua. Chị biết là họ đang săm soi mình nhưng chị cố chịu, cúi đầu bước mà không dám ngẩng lên nhìn. Cũng có người chẳng cần ý tứ vòng vèo xa xôi, cứ nói chẻ hoe như phanh phui ruột gan chị ra mà xát mắm xát muối. Họ chửi chị là “đồ đàn bà hư đốn”, “đồ cướp chồng”. Khi ấy những giọt nước mắt âm thầm tràn ra khỏi bờ mi, phủ mờ đôi mắt buồn dịu dàng của chị.
Ngày chị đi lấy chồng lần đầu, tôi mới mười tuổi. Thấy người ta đưa chị đi, tôi vội chạy theo nắm váy chị kéo lại. Người lớn gỡ tay tôi ra, giữ chặt tôi bằng vòng tay cứng như thép. Tôi giãy giụa, lăn lộn dưới sàn gào khóc gọi chị. Chị ngập ngừng nhưng không dám quay đầu lại, cứ đứng nguyên một chỗ mà khóc nấc lên. Khi ấy tôi cứ ngỡ chị thương tôi, nhớ tôi mà khóc. Sau này tôi lớn lên mới hiểu, chị khóc vì nhiều nhẽ mà trẻ con như tôi khi ấy biết gì.
Những ngày sau đó, không có chị ở nhà tôi buồn thiu. Tối đến ăn cơm xong, khi đàn gà con dưới sàn nhà đang cắn nhau chí chóe, tranh được chui vào nấp trong đôi cánh của mẹ thì tôi đã đi ngủ. Nhớ chị, tôi thấy giận lây cha mẹ. Sao cha mẹ cứ bắt chị phải đi lấy chồng mà không cho chị ở nhà cùng tôi.
Nhà chồng chị ở bản bên, cách bản tôi ở một cái cầu bắc qua con suối Nậm La và những đường mòn đi quanh quanh nhiều ngọn núi. Thi thoảng chị mới về thăm nhà. Những lần đầu chị về cùng với chồng, nhưng sau đấy chị thường đi một mình. Cha mẹ tôi gạn hỏi, chị lắc đầu không nói.
Một lần chị về, trùm mặt kín mít mặc dù trời không lạnh. Vừa bước vào nhà, chị đã lao vào ôm chặt lấy mẹ mà khóc. Mẹ gỡ khăn chị ra. “Trời ơi!” Cả tôi và mẹ đều cùng kêu lên thảng thốt. Mắt chị sưng hùm hụp, chẳng thấy con ngươi đâu, chỉ thấy một mảng thịt tím ngắt như màu quả cà tím mẹ trồng trên rẫy. Mẹ rên rỉ xót thương, cha không nói gì nhưng mắt thì vằn lên những tia máu đỏ ngầu. Rồi cha tôi sầm sập bước làm sàn nhà rung lên sau mỗi bước chân. Ông đi xuống gầm sàn, dắt con trâu già đang lồng lên vì đói đi ra phía bãi…
Mẹ giục tôi đi lấy lá bưởi. Tôi lao lên vườn, thoăn thoắt trèo lên cây bưởi chọn những lá to nhất, đẹp nhất đem vào cho mẹ. Mẹ hơ những lá bưởi trên ngọn lửa đang cháy rồi áp vào má chị. Tôi chỉ biết đứng nhìn, thương chị nẫu cả ruột gan.
Những lần sau chị về, tôi đã quen với việc chị bị chồng đánh. Có lần kéo áo chị lên, loang lổ trên làn da trắng nõn là những vết cào còn rơm rớm máu. Chị bảo đó là móng tay anh rể. Trong lúc say xỉn, chồng chị đã ôm chặt chị vào lòng rồi cứ thế cào cấu vào da thịt, chỉ đến khi nào chị vùng thoát được mới thôi! “Sao anh rể ác vậy?” tôi trố mắt hỏi, chị lắc đầu, nước mắt chạy vòng bờ mi cong vút. Tôi bị ám ảnh việc đó đến nỗi trong khi ngủ tôi mơ thấy bàn tay anh rể lông lá bờm xờm với những móng tay sắc nhọn như tay quỷ đang định chộp lấy vai tôi. Tôi hét lên kinh sợ. Bàn tay ấy vẫn từ từ vươn tới. Đúng lúc nó sắp túm được tôi thì tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi. Tôi vùng dậy, người vã mồ hôi. Mẹ đang ngồi bên nhìn tôi lo sợ.
Mùa mưa năm ấy trời mưa nhiều, mưa sầm sập suốt mấy ngày liền không dứt. Dòng suối Nậm La trước nhà nước đục ngầu cuộn lên như một con rắn dữ. Tôi ngồi bên bếp lửa, nghĩ đến những ngày chị còn ở nhà, chị hay vùi sắn vào bếp. Những miếng sắn bở tơi, thơm nưng nức đã làm cho những ngày mưa đỡ buồn hơn. Có tiếng lục cục ngoài cầu thang, rồi chị hiện ra, quần áo ướt sũng bết chặt vào người, nước rỏ từng giọt xuống sàn làm loang chỗ chị đứng. Rồi chợt nhớ ra, cả tôi và mẹ cùng chạy ra phía sau chị. Trong địu, đứa bé vẫn ngủ ngon lành. Mảnh nilon nhỏ đủ che cho đứa con đang ngủ trên lưng chị không bị ướt.
Chị ở lại nhà mình, không về nhà chồng nữa. Tôi mừng quá nhưng phải giấu nhẹm trong bụng. Mẹ vừa sụt sùi khóc vừa nài nỉ chị quay trở lại nhà chồng. Mẹ rất thương chị, không muốn chị tiếp tục bị chồng hành hạ nhưng lại sợ dân bản chê cười. Sợ chị đồng ý, tôi vội luồn tay xuống váy véo vào chân chị.
Từ ngày chị về, đứa cháu nhỏ làm nhà cửa rộn rã lên nhưng cha mẹ thì thâm trầm hơn. Trên gương mặt của cha và mẹ, lúc nào cũng âm u tựa như đang có một đám mây đen bao phủ…
Gió Lào hồng hộc thổi, núi xác xơ vì nắng. Đã hơn tháng nay không có một hạt mưa nào. Trên rẫy, những cây ngô vừa cao độ ba gang tay người lớn lá xõa xượi, heo hắt. Đất phồng rộp lên bỏng rát những bàn chân chai sạn. Chẳng thể làm gì để cứu cây ngô đang dần chết vì khát nước, cha tôi suốt ngày lên rẫy ngồi lì. Chiều muộn, ông mới lê bước trở về. Hễ về đến nhà là lại ngồi rít thuốc lào sòng sọc. Hình như cha mượn cớ cầm cái điếu trong tay để không phải nói chuyện cùng ai. Mẹ thì mải miết nhồi đệm, hoa lau bay phơ phất xung quanh như có ý cản những ai muốn đến gần.
Chị cần mẫn làm việc không cho chân tay được nghỉ, như dể quên đi ngày tháng. Những vết tím trên thân thể chị cứ mờ dần, chuyển sang màu vàng vàng như nghệ rồi mất hẳn. Mọi nỗi buồn chị đều dồn vào đôi mắt. Càng buồn mắt chị càng đẹp. Vẻ đẹp thăm thẳm như muốn hút chặt những ai đã nhìn vào.
Có lần tôi bắt gặp chị ngồi thẫn thờ, chầm chậm cài những đôi bướm vào với nhau, từng đôi, từng đôi trên mấy chiếc áo cóm đủ màu sắc. Những đôi bướm chụm đầu vào nhau, mê mải tâm tình như sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa. Tôi đến đứng bên chị từ lâu mà chị chẳng hay biết gì.
Thương chị đơn côi, tôi càng ghét anh rể. Đêm đến tôi đòi ngủ chung cùng chị. Người chị mềm và ấm nóng, không biết từ tóc hay từ áo quần chị phảng phất mùi thơm của loài hoa dại không tên. Vừa nằm xuống trong chốc lát, mắt tôi đã ríu lại, chỉ một lúc sau tôi đã chìm vào giấc ngủ. Trong mơ màng tôi nghe thấy tiếng thở dài cố nén lại cùng với những tiếng gõ lộc cộc của con trâu già dưới gầm sàn đang đập sừng đuổi muỗi.
Rồi bất chợt trời mưa. Mưa vào một đêm khuya khi mọi người đang say giấc. Tiếng sấm ầm ĩ từ xa rồi nổ khùng khục ngay trên nóc nhà làm cả nhà tôi choàng dậy. “Ngô sống rồi, vậy là không chết đói nữa rồi, mưa muộn nhưng còn hơn là không.” Cha tôi mừng rơn, tiếng nói của ông lõm bõm trong tiếng mưa rơi ràn rạt. Có lẽ nhờ vào trận mưa cứu vãn mùa ngô năm ấy mà trên gương mặt cha mẹ tôi những nếp nhăn đã giãn ra.
Tôi lớn phổng lên như cây ngô đủ nước. Trong bản, các chàng trai thi nhau thiêu cháy tôi bằng những cặp mắt ngùn ngụt lửa tình. Tôi vẫn lạnh như nước khe núi đá, chưa thấy lòng mình run rẩy vì ai.
Ngày hội xuân năm ấy chị nằm ở nhà không muốn đi chơi. Tôi ngồi bệt xuống sàn, mặt nặng như đeo đá. Từ ngày còn bé đến nay tôi vẫn làm thế mỗi lần giận chị. Tôi đoán không sai, chị bỗng ngồi dậy chải tóc. Mái tóc dài óng ả xõa tràn phủ kín bờ vai tròn lẳn của chị.
Chị nhỏ nhắn trong chiếc áo cóm màu hồng có hai bờ vai bồng lên như áo của nàng công chúa trong truyện cổ tích. Theo mỗi nhịp chân chị, chiếc váy nhung đen nhưng nhức lại rùng rình uốn lượn, vuốt ve cặp mông tròn nở nang đang đung đưa như khêu gợi, gọi mời.
Mọi người bảo tôi giống chị nhưng tôi biết tôi không thể đẹp bằng chị. Ở chị toát ra màu sắc và vị ngọt của trái cây đang độ chín, còn ở tôi là trái cây vừa mới chớm ương. Mẹ nhìn chị thở dài sườn sượt. Tôi biết cha mẹ đang tự giày vò mình, lỡ ép duyên con nên cuộc đời chị phải dở dang. Chị đang đi bỗng quay lại nhìn mẹ, mắt chị ngưng chớp vài giây.
Bãi cỏ đầu bản còn ướt đẫm sương đêm vậy mà đã đông nghịt con trai con gái, váy áo sặc sỡ. Tôi ngoắc cánh tay của mình vào cánh tay của chị rồi bước vào. Nhiều cặp mắt đổ dồn về phía tôi và chị. Chị lúng túng, ngượng ngùng đỏ chín mặt. Tôi kéo chị vào giữa đám đông đang chơi ném còn. Đã bao lần tôi xem ném còn nhưng lần nào mắt tôi cũng hoa lên với những quả còn đủ sắc màu chao qua liệng lại. Bỗng chị kéo tôi ra về. Tôi ngơ ngác không hiểu có chuyện gì nhưng chân vẫn bước theo chị. Khi ngoái đầu lại, tôi bắt gặp một cặp mắt ngùn ngụt lửa ẩn dưới hàng lông mày rậm đang đắm đuối nhìn theo. Lần đầu tiên, tôi thấy người lâng lâng bừng nóng hệt như đang say rượu…
Tôi bắt đầu làm dáng. Hễ lúc nào rỗi lại đem gương ra soi rồi tập chải ngược tóc. Tóc tôi tuy không dài và dày như tóc chị nhưng nếu lấy chồng mà “tằng cẩu” thì búi tóc chắc cũng nặng trĩu cả đầu. Chị là người tinh ý, nhận thấy tôi khác lạ, chị cười trêu:
– Yêu rồi phải không?
Tôi ấp a ấp úng, chị ghé sát tai tôi thì thầm:
– Từ lúc nào mà chị không biết thế?
– Từ ngày đi chơi hội xuân – Tôi xấu hổ thú nhận.
– Ai vậy?
Tôi lắc đầu không nói, chị giận dỗi bỏ đi. Tôi vội kéo chị lại:
– Nhưng người ta mới nhìn em thôi. Thật đấy, lúc chị đùng đùng kéo em về, khi ngoái lại, em thấy người ấy đang nhìn theo em.
Chị trợn tròn mắt, mồm mấp máy như con cá ngáp lúc mắc cạn. Tôi đang trong tâm trạng mơ màng nên chẳng nhận thấy điều khác lạ này.
…Ngày cưới của tôi, chị ốm. Chị nằm vùi mặt vào gối, người nóng hầm hập như bếp lửa. Chắc tại đêm qua khuya rồi mà chị vẫn tắm nước lạnh. “Chị sẽ khỏi ngay thôi.” Chị nói cho tôi yên lòng khi thấy tôi cứ quẩn quanh không muốn xa chị.
Nhà chồng tôi ở tận cuối bản. Mỗi lần về nhà thăm cha mẹ tôi phải đi qua những đoạn đường quanh co rậm rịt cây cối, có đoạn không có nhà ở, là những bãi đất trống với những lùm cây đen ngòm bóng tối. Tôi nhút nhát không dám đi một mình trong đêm nên mỗi lần về nhà lại rủ chồng cùng đi. Hình như chồng tôi không được vui sau mỗi lần theo tôi về nhà. Vì vậy mà nhiều lần dỗi chồng tôi nằm khóc tấm tức. Chồng tôi chẳng dỗ dành mà nằm quay mặt về phía chẳng có tôi.
Rón rén, tôi bước đến từ phía sau, chồng tôi vẫn mải mê không hề nhúc nhích. Tò mò, tôi muốn biết việc gì làm anh chăm chú đến thế. Trước mặt anh, trong lòng chiếc hộp có lót vải đỏ, một chiếc cặp cài tóc có hình con bướm đang rung rinh đôi cánh bạc. Đôi cánh bướm không chịu dừng lại nghỉ ngơi. Nó cứ rập rờn, rung rung, nhè nhẹ như đang chấp chới muốn cất cánh. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Một cái gì đấy quen quen vụt trở về, tôi cố nhớ mà không nhớ nổi. Nhưng tôi biết chắc một điều, đây không phải lần lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó.
Tôi không biết sau đó chồng tôi đã giấu chiếc hộp vào đâu cũng như không hề hỏi chiếc cặp tóc đó là của ai. Nhưng mỗi lần lên nương hay xuống suối, khi nhìn thấy một con bướm đang rập rờn đôi cánh là tôi lại hình dung ra con bướm bạc trên nền vải đỏ. Có lúc tôi như người mất hồn, cứ đứng ngây ra nhìn theo mãi cánh bướm đang càng lúc càng bay xa.
Đã mấy mùa gió Lào hong xơ xác núi để mấy mùa mưa lại chăm bẵm cho cây cối hồi sinh, tôi vẫn trơ trơ như cây chuối đực mọc hoang trong rừng. Mấy lần tôi có thai nhưng chỉ được vài tháng nó không chịu ở lại, mà ồng ộc tuôn ra. Sốt ruột, vợ chồng tôi đi khám, bác sĩ khuyên tôi về uống thuốc nam. Mẹ và chị lặn lội sang tận bản Mèo bên kia vách núi cắt bằng được thuốc mang về. “Thuốc này hay lắm, nổi tiếng cả vùng,” mẹ bảo thế. Tôi nhắm mắt nuốt ừng ực từng bát thuốc đắng co lưỡi. Bã thuốc vun thành đống to dưới gốc cây xoài. Nhưng vẫn vậy, bụng tôi vẫn lép kẹp. Tôi thất vọng não nề. Làm vợ mà không đẻ được con cho chồng thì người ta sẽ gọi là gì? Gọi là đàn bà cũng không phải mà gọi là đàn ông thì cũng không xong.
Tôi gục đầu vào vai chị mà khóc tức tưởi. Chị cũng khóc vì thương tôi. Sao tôi đã có một hình hài giống chị nhưng chẳng giống chị là được làm mẹ của những đứa con. Tôi biết nếu có thể san sẻ được chị đã chẳng tiếc tôi điều gì.
Có lần tôi đã định kể với chị về chuyện con bướm bạc nhưng thấy chị buồn tôi lại thôi. Tôi nhìn đôi mắt long lanh như người lên cơn sốt và đôi gò má ửng đỏ của chị, xót xa khi biết những lúc ấy cơ thể chị muốn gì. Không kìm được, tôi rụt rè nói: “Chị đi bước nữa đi, không lẽ chị cứ thế này mãi hay sao, phí hoài cả cuộc đời…” Chị tứa nước mắt, lắc đầu. Tôi để ý những người đàn ông vẫn lẵng nhẵng bám theo chị, hình như chị chẳng ưng ai.
Hồi này chị hay giật mình thảng thốt. Có lần tôi về, thấy chị đang ngồi trước bếp lửa, mùi cá nướng bị cháy khét lẹt xộc vào mũi tôi. Tôi gọi, chị giật mình hốt hoảng. Tôi đọc được trong đôi mắt chị có điều gì đó làm chị lo sợ mà tôi không thể đoán ra.
*
*         *
Năm nay nhờ trời mưa hòa gió thuận nên ngô được mùa. Những bắp ngô to bằng bắp tay người lớn với những hạt ngô mây mẩy vàng óng nhà nào nhà ấy chất đầy gầm sàn. Trên nương xác cây ngô khô trắng núi, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là những ngọn núi sẽ bừng bừng cháy trụi. Sang thu rồi mà nắng vẫn vậy, cứ sóng sánh vàng như mật ong rừng.
Những ngày thu hoạch ngô bận rộn tôi không về thăm cha mẹ. Một buổi sáng tôi thấy sốt ruột nên tất tả đi về. Khi mặt trời chênh chếch đỉnh đầu thì tôi về đến nhà. Vắng lặng quá, mọi khi vừa về đến sân đứa cháu đã gọi dì ầm ĩ. Tôi vội vã leo lên những bậc cầu thang, liếp cửa đóng kín. Mẹ đưa cháu đi đâu vậy nhỉ? Tôi định hú gọi mẹ nhưng lại thôi. Tôi định sẽ đi lên vườn sau nhà tìm, nếu không thấy mẹ thì tôi mới hú gọi.
Bước chân tôi đã quay gót, bàn chân tôi đã chạm cầu thang thì bỗng tôi nghe thấy tiếng ai rên rỉ. Tôi dừng lại, dỏng tai nghe ngóng. Đúng là tiếng rên của chị. Hoảng hốt, tôi kéo cửa liếp lao vào. Tôi đứng khựng lại, đập vào mắt tôi là thân thể lõa lồ của một người đàn ông đang trong tư thế chiếm đoạt. Tôi lùi dần về phía cửa, nhưng không kịp nữa rồi, người đàn ông đã quay mặt về phía tôi, tôi hét lên. Chị mở choàng mắt, hất người đàn ông ra, ngồi bật dậy…
Tôi lao ra ngoài, ngã sóng soài ở chân cầu thang. Tôi lại lồm cồm bò dậy, nhằm phía ngõ lao đi. Không biết tôi đã ngã bao nhiêu lần như thế thì về đến nhà chồng. Chỉ biết sau này hai đầu gối tôi nham nhở sẹo.
Tôi nằm xõa xượi, không ăn không uống. Ngày này qua ngày khác, người tôi teo tóp lại như cây bon đem phơi nắng. Một điều rất lạ là sao tôi không cuồng lên hoặc phát điên phát rồ như khi người ta gặp điều đau đớn. Ngược lại, tôi chỉ thấy mình lả đi chân tay rời rã không buồn nhúc nhích. Nơi vùng ngực trái, hình như có vật gì đó đang đè lên làm tôi nghẹt thở, đau nhoi nhói. Tôi thở hắt ra, cười chua chát, cứ thế này tôi sẽ kiệt quệ dần và chết mà không để lại tiếng xấu cho cha mẹ. Nếu như tôi phải chết bằng những ngụm thuốc sâu hay trẫm mình xuống suối, biết đến bao giờ cha mẹ mới hết nhục với bản với làng. Rồi tôi lại lịm người đi trong những giấc ngủ triền miên, mệt mỏi với những giấc mơ kinh hãi. Khi thì thấy mình đang cùng chị lội qua thác nước. Nước chảy xiết quá cuốn băng tôi đi. Tôi chới với ngụp lặn trong nước. Bỗng váy tôi phồng lên làm tôi nổi lên lềnh bềnh trên mặt nước. Chị vừa khóc vừa chạy đến, túm lấy tay, kéo tôi vào bờ. Rồi tôi lại khó nhọc leo lên ngọn núi rất cao, leo mãi, leo mãi mà vẫn không lên đến đỉnh. Mệt quá, tôi thở hồng hộc, vừa thở vừa leo. Bỗng nhiên tôi bị trượt chân, đất đá dưới chân tôi vỡ ra từng mảng rồi rơi rào rào. Phía dưới, vực sâu hun hút đang há hốc mồm để nuốt chửng tôi. Tôi đang rơi, mỗi lúc một nhanh. Mắt tôi nhắm nghiền lại chờ đợi… Phịch, tôi choàng tỉnh, người run lẩy bẩy vì lạnh. Tôi chưa chết sao. Cạnh tôi mẹ đang cầm chiếc quạt phẩy nhẹ, mắt mẹ quầng thâm, lo lắng đến đờ đẫn.
Mẹ gầy hóp má, da nhăn nheo, già nua như đã ngàn năm nay tôi không gặp. Nhìn mẹ tội quá, tôi không nỡ lòng trút lên mẹ nỗi nhục này. Không kìm được nữa, tôi khóc òa lên. Giá như từ hôm ấy đến nay, tôi khóc được thế này chắc lòng tôi đã nhẹ đi chút ít.
Tôi ngoãn ngoãn nuốt từng thìa cháo từ tay mẹ. Nhờ những thìa cháo mẹ bón, cơ thể tôi đã hồi tỉnh lại. Cuộc sống lại nhảy nhót trong đầu tôi. Nỗi đau lại ùa về hành hạ. Tôi nghiến răng với chính mình. Tôi phải sống. Nếu tôi chết, chị cũng sẽ chết theo. Vậy thì cha mẹ sống sao nổi khi không còn tôi và chị.
Tôi không thể ngủ được dù chỉ là chốc lát. Những ngày trước tôi đã ngủ quá nhiều để bây giờ tôi lại trân trân thức. Mắt tôi lõm xuống, thâm lại như miệng hai con ốc chết khô.
Chồng tôi mấy lần đến định nói điều gì. Tôi quay mặt, không nhìn, không nói, bịt chặt hai tai để nghe tiếng ù ù như tiếng của gió đại ngàn vọng về.
Tôi lăn lộn trong sự tĩnh mịch của đêm, để cho suy nghĩ lùng sục hết mọi đường ngang ngõ tắt. Đúng rồi, tôi ngồi bật dậy nhìn vào bóng tối. Chiếc cặp tóc có hình con bướm với đôi cánh bạc rập rờn trên nền vải đỏ là của chị. Thời gian không thể xóa đi hình ảnh ấy. Nó đã khắc họa vào trong óc tôi nhưng nay mới tìm lại được. Ngày ấy, tuy còn bé nhưng tôi vẫn biết chiếc cặp cài tóc của chị rất đẹp. Nó như một con bướm sống động, đang điệu đà làm duyên làm dáng trên mái tóc chị. Tôi đòi bắt con bướm ấy, chị lắc đầu quầy quậy: “Không được, của người yêu chị tặng chị.” Tôi giận nhưng chị vẫn cương quyết không cho tôi đụng vào. Về sau không biết chị đã giấu con bướm đi đâu, không thấy chị cài nó lên tóc nữa. Ít lâu sau, chị đi lấy chồng. Có lẽ chồng chị biết được mối tình của chị nên đã phát ghen mà có kiểu đánh vợ lạ đời. Những vết cào từ móng tay chồng chị, thời gian đã xóa đi không còn vết tích, da chị nay lại mịn màng, nõn nà như xưa. Nhưng vết cào vô hình trong đầu tôi thì mãi mãi không bao giờ mất.
Tôi đã tự ngồi dậy được, tay bê bát cháo đã đỡ run. Mẹ về sau khi dặn tôi rất nhiều mà tôi không nhớ.
Vẫn không nhìn vào mặt chồng nhưng tôi đã nhận bát cháo từ tay chồng tôi mang đến. Tôi trộm nhìn đôi cánh tay của người đàn ông đã là chồng của tôi mấy năm qua. Những đường máu chảy nổi phồng trên những bắp thịt cuộn lên từng múi dưới lớp da rám nắng vẫn thế mà sao tôi thấy là lạ. Một đôi cánh tay mạnh mẽ nhưng chưa bao giờ xiết chặt tôi vào lòng kể cả những khi tôi được anh ôm ấp. Vậy mà sáng ấy, tôi đã nhìn thấy anh gồng người lên để ghì chặt chị vào lòng thế nào! Hóa ra, những khi anh gần gũi tôi chỉ là để thực hiện một công việc cho xong nghĩa vụ, chứ đâu phải vì yêu tôi! Có phải chỉ vì tôi có hình hài giống chị mà anh đã lấy tôi làm vợ? Có phải vì quá si mê đôi mắt có lửa của anh mà tôi đã lầm tưởng anh nhìn theo tôi ngày hội xuân năm ấy? Nước mắt tôi cứ rơi lã chã xuống bát cháo đang bốc khói nghi ngút trên tay.
Tôi tự xỉ vả, tự tát vào mặt nhưng tôi không thể tự lừa dối mình. Tôi vẫn còn yêu anh vẫn còn ham muốn anh, ham muốn dữ dội. Cơ thể tôi vẫn nóng bừng lên mỗi khi anh vô tình chạm vào người tôi. Tôi nhớ đến cháy lòng từng tiếng thở, nhớ đến mụ người mùi mồ hôi nồng nồng bám trên áo của chồng, thèm thuồng được áp sát cơ thể vào vòm ngực đang vồng lên kia, để cuống quýt hưởng thụ sự khuất phục của kẻ làm vợ. Tôi vẫn còn yêu chồng đến thế sao? Nhưng cái chuyện đau lòng kia thì liệu tôi có quên được? Tôi tự hỏi rồi tự trả lời. Không có ai chia sẻ chuyện này cùng tôi, dù người ấy là cha là mẹ.
*
*        *
Bước đi hãy còn chếnh choáng như người say nắng nhưng tôi vẫn sửa soạn để về nhà. Tôi phải gặp chị. Tôi phải tự mình phá tan cái núi đá đang đè nặng trên đầu chúng tôi, dù tôi đâu phải là người gây ra tội lỗi.
Cha mẹ đón tôi bằng nụ cười mừng rỡ. Vậy là cha mẹ chưa biết chuyện. Tôi thở phào, một mình tôi sẽ gánh chịu nỗi đau này. Ngoài ba người chúng tôi, sẽ không có ai được biết.
Tôi ngồi quay lưng lại phía sàn, nơi chồng tôi và chị đã từng quên tôi để làm chuyện đó. Tôi không thể nhìn vào đó, cũng như sẽ không bao giờ chạm chân vào chỗ ấy, như thế vết thương trong tim tôi sẽ đỡ đau hơn. Cũng như thân thể chị, thời gian đã làm cho những vết cào xước mất đi thì thời gian cũng sẽ giúp tôi chữa lành vết thương lòng. Tất cả sẽ trở lại như xưa, chị vẫn dịu dàng đến tội nghiệp, chồng tôi vẫn là em rể chị, là người chồng tốt mà mọi cô gái trong bản đều phải khát thèm. Rồi tôi sẽ có con. Tôi đã cầu trời cao như thế. Tôi tin một ngày nào đó những lời cầu xin của tôi sẽ thấu đến trời. Nếu nghe được chắc chắn ông trời sẽ rủ lòng thương! Chồng tôi sẽ được thỏa nguyện, sẽ yêu thương mẹ con tôi và quên dần hình bóng chị, sẽ nhớ rõ bổn phận của mình mà không còn lạc lối lầm đường. Nhưng nếu tôi vẫn thế, những đứa con của tôi vẫn bỏ tôi ra đi từ khi đang là một hòn máu chưa rõ hình hài trong bụng mẹ vậy thì tôi biết phải làm sao đây. Thôi thì tôi đành phải dứt ra, không thể giam hãm cuộc đời anh mãi được. Nhưng người con gái thay tôi đẻ con cho chồng tôi khi ấy phải là một người nào đó chứ không thể là chị của tôi…
Chị tránh mặt tôi, chiều muộn vẫn không về nhà. Vạt nắng cuối ngày còn sót lại xiên chéo trên nóc nhà sàn màu nhàn nhạt. Tôi quyết đợi chị về bằng được.
Cuối cùng chị cũng về, bước đi mỏi mệt không còn nhún nhảy uyển chuyển như xưa. Tôi xuống tận chân cầu thang đón chị. Chị ngước nhìn tôi sợ sệt rồi cúi gằm mặt chờ đợi.
Mới hơn một tháng mà chị gầy đi nhiều. Da chị tai tái như người vừa ốm dậy. Nỗi sợ sệt làm hai vai chị thõng xuống. Nhìn chị giống như một đứa ăn trộm bị bắt quả tang. Tôi thấy giận chị thì ít mà thương chị thì nhiều. Giữa tôi và chị biết là ai khổ hơn ai.
Chờ cho hơi thở chị đỡ dồn dập, tôi nói nhỏ gần như gằn giọng:
– Chị đừng để cha mẹ biết chuyện.
Không thấy chị nói gì, tôi nhìn thẳng vào mặt chị, ánh mắt tôi dừng lại ở chiếc cổ cao trắng nõn. Sao thế kia, ngay giữa cổ chị, tại chỗ lõm, da chị cứ phồng lên rồi lại xẹp xuống liên hồi. Nhìn xuống thấp hơn, dưới làn vải mỏng, ngực chị căng cứng, vểnh lên ngạo nghễ làm áo chị mặc trở nên quá chật. Tôi há hốc mồm nhìn chị, chị cúi đầu thấp hơn. Ruột tôi như có ai đang cầm dao cắt ra từng khúc, ngực trái tôi đau nhói như có ngàn mũi kim đang xuyên qua. Đất trời chòng chành nghiêng ngả, tôi ngã khụy xuống, chị luống cuống đỡ tôi, tôi dựa vào chị đang run bần bật như người lên cơn sốt rét.
Đêm hôm ấy trời không mưa nhưng gió ghê lắm. Gió rin rít trên nóc nhà nghe như tiếng tru của lũ chó sói từ trong rừng thẳm vọng về. Tôi vật vã cùng gió suốt đêm. Cũng như trời, tôi không khóc, tự thiêu mình bằng những nỗi đau.
Tôi mong đêm hãy dài ra. Tôi mong trời đừng vội sáng. Mỗi khi lũ gà lục cục, tôi lại giật mình thảng thốt, ngỡ chúng sắp cất tiếng gáy gọi ngày về. Đêm nay, đêm còn lại của hơn ngàn đêm làm vợ, tôi được ngủ gần chồng, được nghe tiếng thở dài và tiếng trở mình quen thuộc, để ngày mai, tôi sẽ không còn là vợ của chồng tôi.
Ngày mai, tôi không thể không làm gì. Tôi phải cho cha mẹ biết sự thật. Con của chồng tôi trong bụng chị đang ngày một lớn. Cháu ngoại của cha mẹ tôi sẽ đến ngày phải chào đời, nhưng không phải ở trong ngôi nhà cha mẹ đã sinh ra tôi và chị. Con của chồng tôi phải được sinh ra ở đây, ở chính ngôi nhà mà tôi và chồng tôi đang nằm ngủ.
Ngày mai vẫn cứ đến. Một con gà rừng nào đó đã nhanh nhẩu hơn gà nhà, gáy the thé gọi trời cất đêm đi. Chồng tôi vẫn ngủ, vẻ mặt mệt mỏi, hai tay khoanh trước ngực, vòng tay rỗng tuếch như đang chờ đợi ai… Khẽ khàng, tôi đặt tờ giấy có những dòng chữ ngắn ngủi của tôi bên cạnh chồng. Nghẹn ngào dâng lên cuống họng, tôi rướn cổ nuốt xuống!
Sương hãy còn giăng trắng núi. Gió se se lạnh thổi những hạt sương bay lơ lửng quanh tôi. Quay nhìn ngôi nhà lập lờ trong màn sương ban mai lần cuối, tôi lặng lẽ bước đi. Tôi đang mang giông tố về nhà cha mẹ. Mỗi bước chân tôi đi, giông tố cũng cuồn cuộn đi theo. Dọc đường tôi đi, những cành cây bị gió quật gãy tối qua nhựa vẫn còn tứa ra rơi rớt…
H.L.T

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *