Bài nổi bật

Sương vẫn neo triền đá

Truyện đêm khuya – Giọt sương neo vào triền đá. Tôi phát hiện ra điều giản dị mà kỳ diệu này bắt đầu từ chuyến đi từ Nam ra Bắc, ngược lên trạm biên phòng mỏm cực Bắc tổ quốc viết bài. Yêu nghề, đi lắm, viết nhiều, thân con gái không sợ dặm trường đến mức ngổ ngáo hơn cánh mày râu. Những vùng đất mới lạ, những bài phóng sự ly kỳ, sinh động, hấp dẫn tôi hơn ở Sài Gòn chỉ để chạy rông họp báo, lấy mấy cái tin vặt.
Đường đất Hà Giang lỗ chỗ ổ gà, ổ voi. Ngồi trên chiếc xe mô-tô, vượt qua mấy trăm cây số từ Hà Nội lên Đồng Văn, người tôi đầy bụi đường. Qúa trưa, phố núi hiu hắt buồn. Chợ vừa tan. Bóng người, bóng ngựa nhỏ nhoi, mờ dần trên các nẻo đường quanh co ngược núi. Đồng Văn đang mùa thiếu nước, Lũng Cú sẽ càng ngặt hơn. Trước lúc tiếp tục hành trình lên mỏm cực Bắc, tôi tìm một hiệu uốn tóc để gội đầu.
“Mời chị hai, em xong rồi. Chúc mọi người vui vẻ nghen”. Một cô gái nói giọng Nam bộ đặc sệt. Hai tiếng”vui vẻ” biến âm thành”dzui zẻ” và tiếng”nghen” dịu dàng thật dễ thương. Cô gái vừa sấy tóc xong, đứng dậy, rời khỏi cái ghế xoay, nhường chỗ cho tôi.
Khi tôi chưa kịp hỏi thăm người có giọng cùng xứ sở phương Nam, cô gái trả tiền nhanh và vội vã bước ra khỏi cửa. Người cao thanh mảnh, da trắng, mặt trái xoan, vầng trán cao, thoáng, tóc lượn sóng, có những lọn xoăn như tóc hoàng hậu Ba Tư, nhưng cô lại diện bộ trang phục rực rỡ sắc trắng vàng và gam màu đỏ áp đảo của người Lô Lô.
Chị chủ hiệu làm đầu kể:”Con bé ấy tên là Sương, người Sài Gòn lấy chồng ở Lũng Cú đấy mà. Tháng nào Sương cũng xuống núi. Lần nào tan chợ phiên, nó cũng tìm đến hiệu uốn tóc gội đầu của chị. Con bé Sương thích xoăn lệch, nó rất chịu làm đẹp”.
“Em thấy kiểu tóc ấy chỉ có thể điệu đàng cùng chiếc mũ rộng vành quý tộc thành phố thôi”, tôi phụ họa.
“Ừ, kiểu tóc ấy thuộc giới đài các cao sang, chứ ở góc rừng xó núi, cái đẹp ấy đâu có hợp với người dân quê chân mộc. Kiểu đầu tóc của Sương xa lạ và không thuận mắt. Trẻ con cứ trố mắt nhìn. Ông già bà lão nhìn càng lạ. Hôm nay con bé chỉ sửa lại chút ít mái tóc. Em nhìn bộ quần áo Lô Lô rực màu đỏ có thấy lạ mắt không?”.
“Em thấy cũng lạ thật”. Tôi nằm ở ghế gội đầu trong tiếng trong tiếng nước xối ào ào và liếc mắt nhìn ra ngoài dốc đất đỏ nâu. Cái bóng cô gái mặc áo người Lô Lô đang cắm cúi bước trên lưng dốc.
Sau khi sấy tóc xong, tính tò mò và bản chất ưa khám phá thúc giục tôi lên đường, cố đuổi theo cái bóng áo màu sặc sỡ ban nãy. Tôi dừng chiếc xe ngay trên đỉnh một con dốc cao:”Chị lên Lũng Cú, em đi cùng không?”.
“Dạ, may qúa. Em cảm ơn nghen”.
“Sao đi một mình vậy?”.
Gió bắt đầu thổi mạnh dần bên tai. Tôi cố tình nhấn nhá tiếng”vậy” thành”zậy”.
“Chồng em đi đón trễ qúa. Đành đi bộ, gặp chồng ở chỗ nào thời lên xe chỗ đó. Chị ngồi trước thấy anh bộ đội biên phòng nào phóng xe đi ngược chiều là chồng em đó”.
Chúng tôi quen nhau như thế. Đêm ấy, tôi không ngủ ở trạm biên phòng mà nghỉ ở nhà vợ chồng Sương.
Lũng Cú cũng nằm trong quần thể cao nguyên đá Đồng Văn. Người Mông, người Lô Lô ở trong những ngôi nhà bằng đất. Ở đây bạt ngàn đá, đá làm móng nhà, đá xếp tường rào, đá núi, đá ruộng. Ngửa mặt thấy trời, nhìn ngang thấy đá, cúi đầu thấy đá. Đêm miền rừng Lũng Cú càng hoang vu, bí ẩn.
Tôi nhận ra không phải ai cũng đủ bản lĩnh để sống ở nơi này. Tối nằm ngủ, Sương đã kể tôi nghe về chuyện tình với anh chồng người Lô Lô.
“Em đã từng rời bỏ miền đất này. Nhiều khi đêm về, lúc ngồi một mình cứ nghĩ đến Sài Gòn là nước mắt em ứa ra. Em ở nhà chồng mà xa lạ qúa. Cái Tết đầu tiên, từ hai ba tháng Chạp, mẹ chồng em đã dán những mảnh giấy màu vàng lên tất cả cây cối và dụng cụ nhà nông: cày, bừa, cuốc, xiên, thuổng…Hóa ra, người Lô Lô ăn Tết cũng cho cây cối và dụng cụ nghỉ ngơi, ăn Tết. Em đâu có biết”.
Sương vẫn neo triền đá
“Chiều hai tám Tết, em lấy cái thuổng ra vườn đào mấy củ riềng định trổ tài làm món thịt heo nướng. Mẹ chồng giận. Muốn phân trần mà em không biết tiếng Lô Lô. Thấy em rơm rớm nước mắt, mẹ chồng thương rồi mặt mũi tươi tỉnh lại. Có ai đi làm dâu như em không nhỉ?”.
“Nhà chồng em lợp ngói máng âm dương, tường trình đất, lúc nào cũng tối om om. Tường rào toàn bằng đá xếp chắn gió, ngăn súc vật. Páo xin cho em làm cô giáo cắm bản ở phân trường gần nhất nhưng cũng xa chục cây số. Hôm đầu tiên đứng lớp, em mặc quần bò, áo thun màu đỏ, bọn học trò nhìn em như là người từ hành tinh khác đến. Hôm sau, phải bận bộ quần áo Lô Lô rực màu đỏ, màu vàng mới gần gũi được bọn trẻ”.
“Còn ở nhà, nhiều đêm nằm một mình, cái giường trống trải, nhớ chồng, vật vã không ngủ, nên em nhạt sắc nhanh chóng. Anh Páo cứ thường xuyên vắng nhà, họa hoằn mới được nghỉ trực cuối tuần về ngủ với vợ”.
“Em mới nghĩ, mình đã bỏ cả Sài Gòn, bỏ giàu sang, tiện nghi theo người mình yêu ra đây mà vẫn chưa trọn. Có phải thời chiến tranh đâu, đến cái mơ ước nhỏ nhoi là đêm đêm ôm chồng ngủ mà cũng dăm thì mười họa. Nản quá. Tủi thân qúa. Về! Về Sài Gòn thôi. Cởi cái đồng hồ Omega ra khỏi tay, em mở hòm quần áo. Ra đi, chỉ một bộ quần áo trên người, em để cả hòm quần áo của em lại. Coi như một kỷ vật để lại cho người mình yêu thương, để có cái lắng sâu vào ký ức”.
“Páo là người sống nặng về tình cảm và giàu lòng trắc ẩn. Còn em sẽ mang cái vòng bạc Páo tặng về Sài Gòn. Dứt chốn ở, nhưng không dứt tình bởi một ngày nên ngãi. Em có một thời gian vừa hạnh phúc vừa đau khổ nên tình, nên nghĩa với Páo ở mảnh đất địa đầu khắc nghiệt này, chẳng có lý dì xóa sạch mọi ký ức trong lòng nhau”.
“Ừ nhỉ. Thật không dễ dàng. Là chị, chị cũng không làm nổi”, tôi xen vào.
“Vâng! Thật không dễ dàng gì. Em bỏ về Sài Gòn thân quen mà hóa xa lạ. Em cảm thấy mình như người khách trong nhà. Má không nói gì, nhưng em đoán được cái bụng má đang nghĩ: Lại có chuyện gì phải không? Má đã biểu mà, rồi cũng có ngày bỏ nhau. Má nghĩ, trước sau rồi chúng bay cũng chia tay, không ngờ anh lại đi đàng anh, ả đi đàng ả sớm thế”.
“Má nghĩ, có đời nhà ai, mình con nhà phố xá năm đời, ăn trắng mặc trơn, tiểu thơ đài các mà lại sống chung với thằng người Lô Lô ở rừng sâu núi thẳm. Chúng bay cứ quyết chí lấy nhau thời ba má đành chịu thôi. Bây giờ bỏ nhau đã trắng mắt ra chưa?”.
“Sau đó, má lại nói chuyện Tư Mập. Gọi là Tư Mập vì anh ta nhiều mỡ phì ra, cánh tay nung núc mỡ. Bụng bự đến nỗi không thắt được dây lưng phải mặc quần dải treo lên hai vai. Má nói, Tư Mập biểu: Con chờ Sương nghĩ lại. Thế nào cô ấy cũng bỏ cái đất khỉ ho cò gáy ấy về Sài Gòn”.
“Nghe đến đó, tự nhiên máu bốc lên mặt nóng bừng bừng, em không kìm giữ được vì lòng tự trọng bị tổn thương. Em nói má rằng anh Tư Mập nói thế là không biết mình, đang hả hê với nỗi khổ của người khác.Cũng loại người đố kị”.
“Má bảo: Ủa. Thế bay đọc được ý nghĩ của má à? Thì thằng Tư Mập nói sẽ chờ con. Thím Hai thương thì cho con cưới em Sương làm vợ. Cái thằng tốt thiệt đó con à”.
“Em phản đối: Con không cần lòng tốt của người ta mà. Em khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Má không hiểu em. Ba không hiểu em. Con em gái cũng không hiểu em. Anh Tư Mập đeo đẳng em mấy năm trời không hiểu em. Cả Sài Gòn cũng không ai hiểu em nữa”.
Đêm yên tĩnh. Tôi lắng nghe câu chuyện của Sương và rất tò mò về cái anh Tư Mập. Sương say sưa kể lần trở về Sài Gòn:”Anh Tư Mập đánh con xe New Carens mới coóng đến đón em đi chợ hoa. Em ngồi trong xe mà như người mất hồn. Chợ Bến Thành, đường hoa Nguyễn Huệ, sở thú,…đâu đâu em cũng thấy lẻ loi một mình. Chẳng có cảm xúc gì. Anh Tư Mập bảo: Mỗi bữa anh ăn hết nửa ký giò nạc. Phải trữ vài chục ký ăn dần trong ngày Tết cưng ạ”.
“Nửa ký giò nạc mỗi bữa. Sao lại có người thô giản, tham ăn thế nhỉ? Thảo nào chu vi bụng Tư Mập tới 120cm to như vận động viên sumo. Tình thương còn sót lại cho một anh giàu có, bền bì theo đuổi yêu năm năm mất hết trong em. Chán ngán!”.
“Tư Mập thả em xuống chợ hoa Nguyễn Huệ, rồi đánh xe đi mua giò nạc ở hiệu quen. Chợ hoa ngày Tết đông, vui và nhốn nháo. Các loại hoa ngày Tết tươi mới, mỹ lệ với mỗi người, nhưng em cứ dửng dưng, thờ ơ”.
“Cội mai già vững chắc, cánh mỏng manh vàng tươi, điểm một vài lá già còn lại các lộc biếc cũng chẳng khơi gợi nổi trong lòng em sự thích thú. Chẳng hiểu sao lúc đó em lại nhớ cái Tết đầu tiên về làm dâu bản Lô Lô Chải. Mẹ chồng bắc nồi bánh chưng. Em và Páo canh nồi bánh đến tận giao thừa vẫn chưa vớt ra”.
“Nghe đài, em biết đã sang năm mới nhưng cả bản Lô Lô Chải vẫn bình thản, yên ắng. Gần sáng, bỗng có tiếng gà eo óc gáy ở cuối bản. Cả nhà bừng dậy, cả bản xốn xang. Hóa ra, người Lô Lô đón năm mới bằng tiếng gà gáy. Chỉ khi gà gáy thì giao thừa mới đến và năm mới bắt đầu”.
“Mang tiếng chở em đi chợ hoa nhưng lúc về, xe của anh Tư Mập chẳng có bông hoa nào. Cốp xe để đầy ngắc giò nạc heo và được xếp gọn gàng. Em chỉ muốn nhanh nhanh chong chóng về nhà”.
Sương vẫn neo triền đá
“Trên đường đi, em gặp lại cái cổng gác doanh trại bộ đội quen thuộc. Một cái bót nhỏ trên vỉa hè. Một chàng lính trẻ đội mũ kê-pi, tay cầm súng gác, đeo quân hàm binh nhất lóng lánh ánh bạc trên nền nỉ đỏ.”Páo! Anh Páo!” Em thảng thốt gọi. Anh lính trẻ quay đầu lại nhưng không phải Páo của em. Páo không còn đứng ở cái cổng gác định mệnh ấy nữa”.
“Lại nhớ bao nhiêu hình ảnh trong ký ức ào ạt ùa về. Páo tóc xoăn. Páo mắt một mí. Páo mặt vuông chữ điền. Páo vâm váp, hơi đen, chắc khỏe như con gấu. Mũ kê-pi ngay ngắn trên đầu, quân hàm binh nhì một sao lấp lánh ánh bạc đậu trên ve áo. Tay Páo cầm khẩu súng CKC tuốt trần lê, đứng im phắc trong bót gác. Quân lệnh như sơn, lúc chưa đổi phiên gác và không có người ra vào doanh trại khó mà nghe được một lời nói hay bắt gặp một nụ cười trên gương mặt Páo”.
“Ngày nào, tụi nữ sinh bọn em tan trường đi qua cổng gác nhà binh cũng cố tình í ới trêu đùa thì về ăn cơm mới ngon được. Nào là””Ê, chúng mày ơi! Chú bộ đội đẹp trai đứng im như tượng nè”;”Chú bộ đội ơi! Có con voi đậu ở mép kìa”;”Tao đố tụi bây làm cho chú bộ đội cười được, tao mất luôn một chầu ô mai Thái”;”Chú bộ đội ơi! Cười đi, cười đi. Cháu thèm ô mai lắm rồi!”.
“Cho đến một lần, gặp Páo ngay trong nhà mình thì lòng em vỡ oà. Là Páo, là”chú bộ đội” đẹp trai đứng im như tượng trong bót gác! Không thể tưởng tượng được Páo lại làm gia sư cho con Út và bạn gái nó ôn thi vào đại học. Con Út nhà em học rất dốt ba môn toán, lý,hóa. Con bạn nó cũng rối mù bởi những sin, cos, tang, cotang…,với vi phân tích phân”.
“Em bảo đứa em gái: Thầy giáo mày đàn ông chắc nịch. Coi chừng suốt ngày ngắm thầy rồi lớ xớ không vào nổi đại học đừng trách tao không bảo trước”.
“Thầy Páo cùng đơn vị với anh trai con bạn em đó”.
“Thì ai chả biết thằng bạn trai mày nịnh người yêu nên rước thầy về phụ đạo cho mày. Thằng ấy cũng khờ,”tin bạn mất bồ” cho mà xem”.
“Chị ghen à? Bạn trai em đang có ý định ghép thầy Páo đẹp trai ngầu chất đàn ông cho chị đó. Cưng em đi, không là em phá đó”.
“Hứ, thằng bạn trai mày kỳ cục thấy mồ. Bọn đàn ông Sài Gòn giỏi toán chết hết rồi hay sao thằng bồ mày mà phải rước một chàng cù lần ở rừng rú biên giới phía Bắc về làm thầy giáo dạy người yêu mình?”.
“Em chả biết, cứ dạy em hiểu bài, em làm hết bài tập là em học”.
Anh Tư Mập đến nhà chơi. Tư Mập là chủ lò mổ bò. Dạo ấy, anh ta vẫn còn đi con xe Mercedes bóng lộn, đậu chình ình trong sân như cố tình phơi ra sự giàu có, sành điệu. Cái ô-tô đỗ xịch, choán hết mặt ngõ. Tư Mập ngồi nói chuyện với em nhưng thỉnh thoảng tai dỏng nghe Páo giảng bài cho hai con bé trong nhà. Em khó chịu bảo:”Anh đến chơi nhà tui hay nghe thầy Páo dạy học?”.
Tư Mập cười bẽn lẽn. Nụ cười của kẻ vô duyên, ít học vừa mặc cảm vừa kiêu ngạo:”Sương làm ơn giùm biểu thằng gai sư nói nho nhỏ. Cứ ông ổng sin với cốt, tang với cô tang làm tôi hổng tâm tình được với Sương”.
“Ghét. Ai muốn tâm sự mà tâm tình. Đến nhà người ta tán tỉnh mà còn dở bộ sai khiến. Em nói xã giao: Cái xe ô-tô anh Tư Mập đẹp ghê nhỉ?”.
“Tư Mập vênh mặt tự hào: Con Mẹc tui mới mua gần hai tỷ đồng đó. Sương ngồi lên đó mới xứng. Nè, Sương nói giùm tui đi. Anh gia sư giảng bài to qúa. Gõ đầu trẻ mà cái bụng lép thế kia thì được mấy hơi chữ?”.
“Vô tình Páo nghe được. Đặt nhẹ nhàng quyển lượng giác xuống bàn, Páo đi ra, bảo: Anh bụng bự, chắc đựng được nhiều chữ qúa ha. Anh dạy mấy cô gái này giùm tôi đi”.
“Con em gái em bênh gia sư, nói vống ra: Anh Tư Mập mới biết đọc biết viết, giảng sin, cos, tang cho em sao nổi. Thầy giỡn hoài”.
“Tư Mập tẽn tò: Tui học nhiều hay ít thì mắc mớ chi đến các người. Thôi…thôi, tui rút lẹ đây. Hôm nay Sương không đi chơi được với tui thì mai mốt tui đánh con Mẹc đến đón đi được không?”.
“Trọc phú, khoe của, xúc phạm và làm tổn thương gia sư thì đâu có tôn trọng em. Không có cuộc đi chơi nào hết. Em tức giận đến mức nghẹn cổ họng không nói nổi. Lúc đó, nhỏ em cười ha hả”.
“Trong khi con bé học trò hớn hở đắc thắng thì thầy Páo ngồi im lặng. Gương mặt buồn đầy nghĩ ngợi. Em đoán Páo đang nghĩ đến điều gì đó thật lớn lao và tự nhiên thấy anh ta gần gũi, thân quen. Một tình thương trào lên trong lòng em. Rồi tình yêu đến với bọn em lúc nào không biết, em chỉ thấy không thể thiếu nhau. Lúc em gái vô đại học thì Páo cũng nhận được giấy nhập học viện Biên phòng”.
“Lại nhớ hôm đi chợ hoa với Tư Mập, em cũng cố đi chơi với người ta xem có vớt vát được chút tình cảm nào không. Hóa ra, mỗi người là một thế giới, chẳng thể gần”.
“Tư Mập hỏi em: Sương nghĩ gì thế? Nhưng em vẫn im lặng. Chả lẽ lại bảo: Em đang nhớ về những tháng ngày đã qua với anh Páo!”.
“Bất chợt, xe dừng đột ngột trước cổng nhà em. Anh Tư Mập mở cửa, nhảy vội ra và đứng khoanh tay ngay trước mũi con xe, cứ như anh Tư Mập đang định chờ đợi, thách đấu với ai đó từ trong nhà em”.
“Tư Mập! Lại là anh à?”. Em nghe thấy tiếng ai đó hỏi quen thuộc qúa. Rồi lại nghe tiếng Tư Mập: Là tui thì mắc mớ gì đến anh” Sao anh cứ chẹn ngang tranh giành Sương với tui hoài thế?”.
“Anh không đủ đẳng cấp để tôi tranh giành. Tôi nhảy tàu vào Sài Gòn chỉ để đón vợ tôi về Lũng Cú ăn Tết thôi”.
“Nghe tiếng Páo, em mừng hơn bắt được vàng, rời khỏi xe. Páo mặc quân phục xanh màu lá cây. Quân hàm thượng uý, lấp lánh sao bạc. Anh đứng đó thật kiêu hãnh, gương mặt hơi đen bởi nắng gió đại ngàn, rắn rỏi, cương nghị và có đôi mắt sáng ấm áp”.
Sương vẫn neo triền đá
“Em lao đến với chồng. Chúng em ôm chầm lấy nhau và vẫn kịp nghe tiếng Tư Mập gầm lên:”Chết tiệt”. Rồi tiếng ô-tô ga phụt khói mù mịt rồi tan hẳn, chỉ còn mùi mồ hôi quen thuộc của Páo”.
Một chuyện tình lãng mạn và gian nan. Tôi không cắt nghĩa được vì sao cô bé Sương lại mê mẩn, đắm say chàng trai người Lô Lô đến mức bỏ đi rồi lại về. Chịu. Tình yêu có lý lẽ riêng của nó.
Tôi thấy mình thật kém cỏi. Cứ nghĩ gần ba mươi tuổi chưa chàng trai nào lọt qua mắt mình. Tôi là một phụ nữ mạnh mẽ, đi xe phân khối lớn, ngang dọc đó đây để viết những bài phóng sự nóng hổi làm chấn động giới báo chí. Vậy mà, sự phiêu lưu, lãng mạn trong tình yêu đất và người của tôi thua xa một cô gái tên Sương bé bỏng.
Sáng hôm sau, tôi gặp Páo vừa đi tuần tra ở đường biên về và được nghỉ ngày cuối tuần. Páo và Sương xuống hồ Mắt Rồng gùi nước. Đôi mắt Sương ngời ngời hạnh phúc. Người Lô Lô tích củi và nước không chỉ để chống lại cái giá rét khắc nghiệt mà còn mang biểu tượng no đủ, tràn đầy. Tôi còn nhớ trong đêm, Sương có nói rằng:”Em nhớ mùi mồ hôi của anh Páo vật vã cả đêm không ngủ được. Chả lẽ cái mùi đàn ông của Páo là cô ấy khốn khổ.
Tôi bảo:”Hình như anh có bùa mê thuốc lú làm con gái Sài Gòn chúng tôi thương yêu đến quên mình và đeo bám theo khốn khổ, muốn dứt bỏ mà không dứt bỏ được?”
Sương cười. Páo cũng cười hiền lành, bảo:”Tôi là đá mà. Sương là sương. Là giọt sương ấy. Chị nhà báo à, ở quê tôi, giọt sương neo trên triền đá. Chị nhìn kìa”.
Tôi nhìn theo tay Páo chỉ và không kìm được cảm xúc, thốt lên:”Đẹp quá!”.
Những giọt sương long lanh treo trên các cành cây sa mộc khẳng khiu, gầy guộc mà rắn chắc trên các triền núi vùng cao nguyên đá. Niềm vui ngỡ ngàng lúc ban mai trong trẻo. Thật hạnh phúc. Và tôi còn thấy những giọt sương neo vào các mỏm đá ở các triền núi Đồng Văn. Neo chứ không phải treo, bởi những giọt sương lung linh buổi sớm đón bình minh ấy không chịu rơi, cứ âm thầm bám chặt và nếu có rơi thì cũng tan vào đá, ngấm vào đá.
Tác giả: Sương Nguyệt Minh – Người thực hiện: NSƯT Hà Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *