Bài nổi bật

Tết Ở Bản Dèo – Nguyễn Hữu Nhàn

Đọc truyện đêm khuya – Ðỗ xe con ở giữa sân, Su xuống xe xách túi bánh kẹo hoa quả đi thẳng  vào bếp, nơi có bố, mẹ kế cùng anh trai, chị dâu nó ngồi sưởi ở cái bếp chất cao củi lửa đang rừng rực cháy.
– Sao mọi người không lên nhà trên bật lò sưởi điện mà xem ti-vi?
Lão Mền phẩy tay trả lời con trai:
– Chúng tao thích sưởi củi, không thích sưởi điện chớ.
Su cười, ánh mắt nó vượt qua đỉnh núi Lưỡi Hái nhìn về khoảng trời mùa đông xám xịt mầu chì. Nó gật gù nghĩ: Nhà lớn mình làm sang quá, sạch quá người nhà không muốn ở, dân làng không muốn đến mất rồi! Nó vì thương bố, thương anh trai muốn xây dựng cho họ một ngôi nhà đẹp, đủ tiện nghi vừa cho họ ở vừa tiện các ngày nghỉ đưa khách tây, khách ta từ thành phố về chơi. Cả bản Dèo này riêng nhà nó lắp máy thủy điện công suất lớn chạy được cả ti-vi Sony màn hình phẳng 24 inh, có ăng-ten chảo bắt được hơn 60 kênh truyền hình. Nhưng thiết tha mời dân làng cũng không ai thèm đến xem cho. Nó vốn trầm tính ít lời, khi đã nhìn ra lẽ phải quyết làm ngay, bèn rút trong ví ra xấp tiền chẵn đưa cho Si:
– Anh mua hai cái giường đôi kê cạnh bếp. Khiêng cái bàn để ti-vi chỗ kia cho cả nhà tiện ăn nghỉ sinh hoạt.
– Thế khách mày về xem bằng gì?
– Cộ yên tâm, tôi khắc mua cái mới.
– Mày lãng phí quá! Giữ tiền mà cưới vợ chớ!
Su cười nói:
– Một tháng lương tôi thừa cưới vợ. Nhưng tôi chưa muốn cưới vợ. Tôi chỉ muốn cộ mệ với anh chị ở nhà sống cho vui vẻ hạnh phúc thôi.
– Chúng tao hạnh phúc rồi mà. Mày có thấy cãi nhau đâu. Mày phải có vợ thì cộ mới sướng, tao mới sướng chớ.
Su lại díu mày hỏi anh trai:
– Anh Si này, tôi đầu tư vốn cho dân bản trồng cây thuốc làm giàu sao họ không muốn làm nhỉ?
– Họ không tin mà! Năm nọ bảo xuống núi trồng sơn, lúc sơn cắt nhựa bán không ai mua thế là toi công chớ.
– Nhưng trồng ra cây thuốc đã có chúng tôi mua hết kia mà.
Lão Mền nói:
– Họ vẫn không tin mày vì mày chưa được cấp sắc.
Su lại gật đầu nghĩ ngợi rồi nói với Si:
– Tôi với anh đến nhà thằng Hến chơi. Tôi phải nhờ nó nói hộ thôi.
– Không thèm đến nhà nó. Nó vẫn khinh nhà mình. Nhưng bây giờ thì nhà mình khinh nhà nó rồi.
Su không sợ người khác khinh, chỉ sợ mình làm việc xấu bị mọi người ghét. Su biết rõ ở bản Dèo này thằng Hến được dân bản kính nể hơn mình. Nó trước là con nhà giàu được làm lễ cấp sắc để trở thành người trưởng thành có địa vị với cộng đồng. Cấp sắc mới có tên âm để được làm thầy cúng và được các thầy cúng đến cúng ma khi ốm đau làm chay. Còn nhà Su nghèo, bố con không được cấp sắc nên đều bị khinh rẻ. Vì không cấp sắc nên khi mẹ chết, hồi nó bảy tuổi, dân làng không đến chôn, bố con nó phải bó chiếu tự kéo xác mẹ nó đi chôn. Vì không cấp sắc nên mẹ nó thành ma đói ma khát mất nhiều năm… Nghĩ đến cảnh nhà mình trước đây nó đau lắm. Nó đã từng hận thằng Hến nhiều. Bây giờ vì thành đạt nên mối hận ấy tự mất đi. Nhưng nó biết thằng Hến vẫn tỏ vẻ coi thường mình. Nó cậy có vợ đẹp, có bốn con trai lại đọc được chữ Nho, đọc sách cúng giỏi, đã thành thầy cúng có cỡ trên bậc các thầy nhỏ nên dân bản chỉ nghe nó không nghe mình.
Nhà thằng Hến ở giữa bản, trên lưng chừng núi. Cái bản có dăm bảy chục ngôi nhà ở cạnh những đụn đá. Nhà với đá ở cạnh nhau chen chúc cùng những cây sâng, cây sến và lau lách um tùm quấn quýt bởi dây mỏ quạ, móc diều và lá tiết dê. Su trèo lên bản, chống tay vào tảng đá đứng thở. Mùa đông nó mặc áo dạ dài, chân đi giày đen. Cổ quấn khăn len. Ðầu đội mũ lông nhìn hắn to sụ như người ngoại quốc. Khi ấy thằng Hến bế đứa con nhỏ bên sườn, châm cây đóm chưa kịp hút thuốc lào nhìn thấy Su lên, nó vứt đóm vào bếp, bảo vợ:
– Sủi à, mày mặc váy áo mới, quấn xà cạp mới, đeo hết vòng bạc vào cổ vào tay đi.
– Ðể làm gì?
Hến trả lời vợ nhưng cho mọi người ngồi sưởi quanh bếp cùng nghe:
– Không cho thằng Su khinh dân mình nghèo nàn lạc hậu mà.
Sủi, vợ Hến vừa vào buồng vừa nói lầu bầu:
– Ai còn lạ mình mà còn khoe.
Nhưng thằng Hến cần phải đem vợ con ra khoe với thằng Su. Thằng Su học cao, đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa có vợ con nên mình có uy tín với dân làng hơn nó.
Khi Su bước vào cửa, nói: “Chào mọi người”, không ai đáp. Họ chỉ nhìn Su chằm chằm. Nhìn từ đầu đến chân như xem ông tây lạ đến bản. Sủi, vợ Hến từ trong buồng bước ra với váy áo mới và vòng bạc kêu loảng xoảng. Hến nhìn Su rồi chỉ vào Sủi, khoe:
– Con vợ tao đấy. Biết chưa?
– Biết rồi, cái Sủi con ông Sông đẹp nhất bản mà. Mấy con rồi?
– Bốn thằng – Hến chỉ vào những đứa con đang nghịch đất đá trên nền nhà hố hầm rác rưởi nói: Con tao khỏe mạnh là thằng này, thằng này, thằng này nữa. Mày thấy thích không? Tao ở nhà không phải bôn ba năm châu bốn bể mệt xác như mày mà.
Su cười. Nó rút trong túi áo măng-tô ra vốc kẹo chia cho lũ trẻ con có mặt, mỗi người lớn nó đưa cho một cái kẹo sâm của Tàu to như quả táo Thiện Phiến. Một người hỏi:
– Kẹo gì đây, đắt hay rẻ?
– Hai chục nghìn một cái đấy. Mua ở khách sạn Bạch Thiên Nga, Quảng Châu, Trung Quốc về đấy.
Không ai dám bóc ra ăn. Người ta đút vào túi để thỉnh thoảng lấy ra xem và đưa lên mũi thưởng thức. Hến chỉ xuống cái ghế bằng nửa gióng bương bổ đôi ngồi lâu ngày nhẵn bóng lên nước như quét sơn quang dầu, nói châm biếm:
– Tao chỉ có ghế dân tộc thôi. Không có ghế sang trọng như nhà mày. Có ngồi thì ngồi.
Su nói:
– Tao mặc quần tây, ngồi khó. Mọi người cứ ngồi đi. Cho tao đi xem nhà mày cái. Chưa bao giờ được đến xem mà.
Mọi người ngơ ngác nhìn Su đi giày tây lộp cộp trên nền nhà lổm nhổm đất đá. Ngôi nhà gỗ năm gian rộng lòng to hơn ngôi đình Mường. Gỗ lạt, mái lá lâu ngày bắt khói đen như hun. Trong nhà nghiêm trang nhất là cái bàn thờ có dán bức tranh vẽ nhiều tầng tiên thánh. Chốc bàn thờ để chồng sách cúng bắt mồ hôi mốc đen. Mũ mãng, khăn áo thầy cúng nhét trong cái díu là cái túi lưới mầu chàm ngoắc vào đinh trên ván vách cạnh bàn thờ. Hến dắt hai đứa con nhỏ đi bên cạnh chỉ trỏ khoe với Su về cái gác bếp treo lủng lẳng những túm lúa nếp, túm ngô bắp. Nó nói:
– Con lợn, con gà nhà tao cũng được ăn cơm gạo đấy.
Rồi nó chỉ  trỏ những cái nồi đồng to đựng nước, những bịch chứa lương thực để cạnh nhà. Dưới bịch lúa là chuồng lợn, chuồng gà. Hến đắc chí nói:
– Tao chẳng phải vất vả vẫn thừa ăn đấy. Tối tối tao lại được ôm con vợ đẹp.
Su cười gật đầu nói:
– Biết rồi. Sẽ phải nhờ mày làm cho việc lớn đấy.
Hến hỏi:
– Nhờ làm gì?
– Cúng bái thôi.
– Ðược. Tao cúng còn hơn thầy cả đấy. Mày hỏi cả bản xem.
– Biết thế. Hôm nay đến thăm thôi. Hôm nào nhờ sau.
Xuống dốc chùn chân, Su phải dựa người vào cây sâng đứng nghỉ, nghĩ đến chuyện cấp sắc thật đau lòng. Anh Si nó lớn lên không lấy nổi vợ cùng dân tộc Dao vì ai cũng chê anh nó chưa được cấp sắc. Ở bản ngày ấy chỉ có hai anh em nó thui thủi với nhau. Hôm phải mang cơm để đi thông trưa học bài chiết ghép cây ăn quả, bọn thằng Hến đựng đầy cơm nếp trong ớp, trong díu rủ nhau cùng ăn chung. Riêng nhà nó nghèo có mỗi củ khoai luộc nhưng thằng Hến độc ác đã cướp đi ném xuống suối. Nếu thưa thầy sẽ bị chúng nó đông hơn khỏe hơn đánh tuốt xác nên nó chỉ dám ngồi xa nhìn chúng ăn mà chảy nước mắt. May nhờ nó thông minh được phòng Giáo dục cho học ở trường dân tộc nội trú. Rồi nó tham gia đội tuyển đi thi quốc gia được Huy chương vàng môn vật lý. Nó lại được học bổng sang Pháp học đại học. Tốt nghiệp về nó được nhận vào làm cho một tổ chức quốc tế có những dự án đầu tư giúp nông thôn miền núi Việt Nam xóa đói, giảm nghèo. Có tiền rồi nó gửi về cho bố và anh trai làm lễ cấp sắc. Nhờ đấy các thầy cúng mới đến làm ma khô cho mẹ nó. Rồi nó giục bố lấy mẹ kế, giục anh trai lấy vợ.
Bây giờ thì nó giàu nhất bản Dèo. Nó lại có tiền tham gia cổ phần với một công ty chuyên sản xuất đông nam dược. Ðầu tư cho dân bản Dèo trồng cây lá thuốc nó muốn giúp dân làng làm giàu. Nó nói với cả nhà vào lúc ăn cơm tối:
– Hăm ba Âm lịch thì tôi được về nghỉ Tết mười ngày. Cộ mệ với anh chị ở nhà nhờ người làm lễ cấp sắc cho tôi vào Tết này.
Si trố mắt nói:
– Mày lấy vợ quê đâu mà cần phải cấp sắc.
Lão Mền nói:
– Tốt thôi. Có cấp sắc thì nó mới là người bản Dèo. Ðưa tiền đây, chúng tao chuẩn bị cho.
– Tốn tiền mà. Si nói: Mày bị thằng Hến nói tức mới đòi cấp sắc à. Mày là trí thức. Nó là nông dân chấp gì.
Su lôi trong cặp số ra cục tiền đưa cho bố.
Si nói:
– Lợn gà, gạo nước các thứ cứ có tiền là có. Nhưng thịt chua đào đâu ra.
– Tao khắc vay đủ thịt chua về. Mày đừng có gàn. Mày không muốn giúp em mày à?
– Có chứ. Si nói: Nhưng tôi ghét mặt thằng Hến là cái thớ gì mà dám khinh thằng em tôi.
Trưa hăm bốn Tết nhà lão Mền rầm rập người ra vào. Người lo bếp núc củi đuốc, người gọt khoai, thái đu đủ, bổ bí mán. Các thày cúng thì lo lập đàn, dán tranh thờ, chuẩn bị các đồ cúng tế cùng áo váy mũ sừng. Dân làng đem đến trống nhị, tù và, sáo và sập sèng. Ông cậu của Su được mời làm thầy cả vì người nhà vãi mới có quyền ấy trong đám cấp sắc. Các thầy bạn thầy nhỏ cả thảy tám chín ông được mời đến giúp. Thằng Hến cũng có mặt. Nó thông thạo nghi lễ của dân tộc nên được thầy cả nhờ trông coi cắt cử người đóng dấu vào giấy bản làm tiền âm rồi viết sớ để dâng lên Ngọc Hoàng. Nó còn viết lại các lời nguyện, lời răn để giáo dưỡng thằng Su lúc ngồi thụ lễ. Làm việc này nó thấy vẻ vang lắm. Thằng Su dù đã học bằng trời vẫn phải về đây cho nó cấp sắc. Thằng Su đọc được tiếng tây tiếng tàu vẫn thua nó đọc được cả sách cúng chữ nho. Cả vợ nó, cái Sủi cũng dắt díu bế địu lũ con đến giúp việc lặt vặt. Hến muốn cho Su thấy ở nhà nó cũng có phúc đề huề ra sao. Người ta sửa lễ chay để cúng báo nội thần ngoại thánh về chứng kiến lễ lập tịnh long trọng này. Các thầy cúng đội mũ sừng, mặc áo cúng, váy cúng, người vào ngồi đọc văn, người chèo múa nghi lễ trước bàn thờ. Rồi dân làng vào múa, hát, có nhạc cụ dân tộc làm nền âm vang cả bản làng suốt đêm.
Thằng Su cũng phải mặc áo cúng đội mũ sừng có khi phải đội ba ngọn đèn trên đầu và hai vai. Rồi nó cũng phải múa trước bàn thờ. Có lúc bị dìu ra sân nghe đọc sớ dâng lên Ngọc Hoàng. Những lời răn, lời nguyện mà thầy cúng đọc trong lúc trang nghiêm này làm nó xúc động thực sự. Nó thấy phải sống tốt hơn, trách nhiệm hơn với mọi người. Hai chữ cấp sắc đã hằn sâu bao kỷ niệm đau buồn của nó. Nhờ những kỷ niệm ấy mà nó nuôi ý chí học hỏi vươn lên để tự cứu mình cứu người thân và dân bản mình ra khỏi đói nghèo lạc hậu.
Từ ngày ngôi nhà lớn này dựng lên đây là lần thứ nhất có đông dân bản đến. Họ sờ vào những mảnh ván ốp vách nhẵn bóng. Họ nhìn những ti-vi, tủ lạnh, máy giặt, những thứ xa lạ với vùng cao này. Họ cũng tự hào thấy bản Dèo có thằng Su tài giỏi làm việc cùng Tây nói chuyện với Tây sõi như nói tiếng dân tộc mình.
Ngày cuối của lễ cấp sắc được ăn thịt, người ta mới mổ lợn to làm lễ cúng Ngọc Hoàng, gia tiên. Buổi ấy cả bản từ người lớn đến trẻ con đều có mặt ở nhà lớn, bày cỗ la liệt trên sàn để cùng ăn uống mừng cho Su từ nay mới thật sự là người của cộng đồng.
Ông thầy cả cũng là ông cậu của Su quấn lại những bức tranh thờ, xếp chồng sách cúng, bó chặt thanh kiếm, cây gậy cùng túi dết đựng chật cái sỏ lợn, là phần biếu về nhà sửa lễ cúng thánh. Trước khi ra về, ông cậu vỗ tay nói to:
– Thằng cháu Su từ nay là người của cộng đồng rồi. Mọi người hãy nghe nó, làm theo nó mà giàu có lên.
Hến uống rượu đỏ mặt khề khà vỗ vào vai Su nói:
– Trước tao hơn mày. Từ giờ mày hơn tao. Hơn nhiều rồi. Mày nói đúng thì tao phải nghe mày.
Su nói:
– Ông cộ tôi với anh Si đã đi học cách trồng cây thuốc. Nhà tôi trồng cây thuốc thành công ở bản mình rồi. Tính ra lãi hơn làm ruộng nhiều. Bà con lại không phải đi đốt nương nhỡ cháy rừng phải phạt tù thì khốn đấy.
Hến nói:
– Nhưng mày phải ứng trước tiền cho chúng tao đấy. Mai kia trồng ra không ai mua thì chúng tao bắt đền mày. Bằng lòng thế chúng tao mới trồng.
Su nắm tay Hến, nói:
– Xin hứa. Ai trồng bao nhiêu diện tích thì đăng ký trước để ở nhà cộ tôi với anh Si sẽ phát tiền, cấp hạt giống cho. Cách làm thì cộ tôi sẽ bảo.
Mọi người giơ cao những chén rượu nhao nhao nói:
– Tao cũng làm!
– Tao cũng làm!
Tết của nhà Su năm nay đã trở thành cái Tết chung của cộng đồng người Dao Tiền ở bản Dèo, Phú Thọ.
Tác giả: Nguyễn Hữu Nhàn – Thực hiện: Hoàng Yến

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *