Bài nổi bật

Thằng chăn vịt – Đặng Ngọc Hưng

Vấn đề được đặt ra trong truyện ngắn “Thằng chăn vịt” vẫn là nỗi trăn trở về việc làm. Không phải làng Việt nào cũng có một ngành nghề truyền thống để có thể phát triển. Ở những ngôi làng thuần nông, người nông dân quanh năm phải sống với việc chăn nuôi và đồng ruộng. Cả hai việc này đều rất vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Chính vì vậy, tư tưởng phải thoát khỏi làng để đổi thay cuộc sống đã manh nha xuất hiện, đặc biệt ở lớp trẻ. Thêm nữa, khi các nhà máy, công xưởng mọc lên ở nông thôn trong cơ chế đô thị hóa nông thôn thì việc người nông dân bỏ ruộng, ô nhiễm môi trường… trở thành một vấn đề nhức nhối. Trong truyện ngắn này, tác giả đã đề cập đến, tuy mới chỉ bắt đầu nhưng rõ ràng đã có những dự báo không mấy tốt lành. Hình ảnh làng quê của Thịnh và Phúc mà theo cách nói của Phúc là như hình thù một cái bào thai không bao giờ chịu lớn là một chi tiết gợi nhiều suy nghĩ. Liệu rằng làng quê ấy có thoát khỏi sự quẩn quanh, nghèo đói khi mà nông dân bỏ ruộng lên thành phố làm ăn, thanh niên ăn chơi lêu lổng, dự án làm nhà máy chưa thực hiện nhưng đồng ruộng đã bỏ hoang..Tác giả Đặng Ngọc Hưng chia sẻ rằng “Tôi chỉ biết cuộc sống của người nông dân qua góc nhìn hạn hẹp của người đứng ngoài nhìn vào, từ xa nhìn lại. Tôi không dám phán xét mà chỉ mô tả lại những sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới và ít nhiều suy nghĩ”. Vâng, điều mà tác giả bày tỏ cũng là điều mà người đọc, người nghe đặt ra những câu hỏi về sự đổi thay này khi mà cuộc sống ở nông thôn đang chuyển mình chật vật và nhiều biến động… (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Lâu lắm Phúc mới về thăm quê ngoại. Tối đầu tiên, hí hửng đưa con trai ra đê định nằm hóng chút hương đồng gió nội như thuở thiếu thời. Nhưng hương đồng gió nội đâu chẳng thấy mà chỉ toàn thấy gió đưa mùi nồng nặc tanh hôi bốc lên từ khu trang trại lợn giữa đồng.
Thất vọng khiến Phúc buồn bực giục vội con lên xe quay về. Vừa đi được một đoạn thì có ánh đèn xe máy ngược chiều đi đến. Thấy chiếc xe kia đi chậm song chạy lượn lờ kiểu đánh võng khiến Phúc nghĩ ngay đến một đứa trẻ trâu học đòi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, Phúc vội dừng hẳn xe lại để nhường đường.
Mặc dù đã đỗ xe sát vào mép đê mà chiếc xe máy kia vẫn đâm sầm vào đầu xe của Phúc. Kẻ tội đồ thì bị ngã văng ra mặt đường còn chiếc xe máy thì trượt khỏi mặt đê trôi tuột xuống chân dốc, bánh trước cắm chúi xuống cái thùng đấu lúp xúp cỏ ống.
Kẻ tội đồ gắng gượng đứng dậy cất giọng lè nhè:
– Thằng… thằng nào… đâm vào bố mày…?
Phúc đang sẵn bực nên cự lại:
– Chính ông đâm vào tôi còn nói gì…?
– Bố đếch… biết… – Giọng lè nhè lại cất lên -Mày đền đi…
Thằng Đức ngồi sau xe sợ hãi níu chặt áo hai bên hông bố. Biết gặp phải người say, Phúc nhẫn nhịn nói:
– Ông say quá rồi! Nhà ông ở đâu…?
Kẻ say vẫn lè nhè khiến Phúc lâm vào cảnh bỏ đi cũng dở mà ở lại cũng không xong. Đang tiến thoái lưỡng nan thì có ánh đèn xe máy từ phía khu trang trại lợn giữa đồng đi đến. Chiếc xe máy đến gần chỗ tai nạn thì dừng lại, một giọng nói cất lên:
– Hai xe đâm nhau hả? Có ai làm sao không?
Phúc mừng rỡ:
– Ông này say rượu đâm vào tôi… may người không ai bị làm sao…
– Có mày đâm vào bố thì có…
Người qua đường bỗng lớn giọng:
– Ông Toàn lại đi uống ở đâu về hả…? Tôi ra kiểm tra không thấy bóng ông đâu là biết rồi…
Người qua đường bấm điện thoại gọi cho ai đó bảo ra đưa ông Toàn về rồi quay sang nhìn Phúc hỏi:
– Anh thông cảm cho ông ấy, hở ra tí là đi uống rượu. Tôi không hiểu rượu có gì ngon mà ông ấy ham hố thế không biết… Mà hình như anh là người lạ… Anh ở đâu mà đi đêm hôm thế này?
– Tôi là cháu ông Hải – Phúc đáp rồi nói thêm – Mới ở Hà Nội về chơi…
Người qua đường có vẻ vồn vã:
– Hải nào…? Hải… Hòa có phải không…?
– Phải…
Người lạ chợt đổi giọng:
– Mày là thằng Phúc lỏi có phải không?
Phúc ngớ người rồi chăm chú nhìn mặt người đứng đối diện mình. Ánh trăng mờ ảo hoặc gương mặt cố nhân thay đổi quá nhiều khiến Phúc đành chịu không nhận ra anh ta là ai.
– Anh là ai mà lại biết tôi…?
– Tao là Thịnh đây… Thịnh chăn vịt đây…
– Anh là… thằng chăn vịt sao…?
– Thằng này là thằng nào…? Con trai mày hả…? – Thịnh hỏi liền mấy câu rồi chẳng cần Phúc trả lời nó giục – Khiêng giúp tao cái xe kia lên rồi đi với tao…
– Đi đâu?
– Đến chỗ cây đa đầu làng… Mà ra đó chắc sẽ về muộn, mày cho thằng nhóc nhà mày về trước đi đã rồi hãy ra…
* * *
Quê ngoại của Phúc là một ngôi làng nhỏ có tên là làng Lường. Ba mặt bắc, đông, nam của làng cùng được ôm ấp, bao bọc gọn bởi khúc cong của con sông quanh năm xanh mát. Người khéo tưởng tượng thì nói hình dáng ngôi làng như một bào nhi đang nằm trong bụng mẹ.
Con đường nhỏ dẫn vào làng ở phía tây chính là lối đi độc đạo duy nhất để người từ trong làng đi ra ngoài. Đường được đắp cao vút giữa cánh đồng nên dân trong làng thường gọi là con đê. Mặt đê rất hẹp, ngày xưa các cụ vợt đất hai bên lên đắp thành đường chỉ đủ rộng để cho những chiếc máy cày, máy kéo về làng. Vậy nên hai chiếc ôtô con tránh nhau đã khó, nói gì đến xe tải hay xe khách.
Ba mặt cách sông, đường thì nhỏ nên làng Lường như một ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong khi các làng khác ở xung quanh phát triển ầm ầm, nhà tấm nhà hộp mọc lên như nấm, đường nhựa rộng lớn xe cộ tấp nập, ôtô đón khách đi Hà Nội, Sài Gòn về đỗ tận cổng… thì làng Lường vẫn như một cô công chúa ngủ trong rừng chưa có hoàng tử đến đánh thức. Người hay suy diễn thường nói hài nhi nằm trong bụng mẹ thì chẳng bao giờ có thể lớn…
Trước đây cũng đã có người dám bỏ tiền đầu tư bắc một chiếc cầu tạm qua sông để phục vụ người làng Lường đi chợ. Song cầu nhỏ, chỉ bán được vé cho người đi bộ, xe đạp và xe máy với giá rẻ, vì đắt thì người ta lại gọi thuyền để đi, dẫu chấp nhận phải đi chậm hơn một tí, mà thời gian thì đối với dân làng Lường đâu phải là thứ gì xa xỉ. Bỏ tiền chẵn thu về tiền lẻ, tính công ra cũng chẳng bằng gửi ngân hàng lấy lãi. Vậy nên khi cầu bị hư hỏng, xuống cấp thì chủ đầu tư cũng chẳng thèm tu sửa, nên được mấy năm thì bị sập xuống sông. Mấy nhà gần sông lại có cơ hội mang những chiếc thuyền cũ nát ra phục vụ bà con đi chợ.
Cũng như bao ngôi làng ở Bắc Bộ khác, làng Lường cũng có một cây đa cổ thụ. Nếu căn theo lối đường bộ thì cây đa lại nằm ở tít cuối làng, chỗ phần bụng của con sông. Phúc thường nghe nói “Cây đa đầu làng” nên cũng có thắc mắc thì được biết ngày xưa các cụ từ làng ra ngoài toàn phải đi đò qua sông nên chỗ cây đa đó mới chính là đầu làng.
Nơi gốc đa cổ thụ chính là một ngã tư, từ gốc đa có ba đường tỏa ra các hướng bắc, đông, nam dẫn thẳng ra đến tận bờ sông. Cạnh gốc đa có một ngôi miếu nhỏ thờ thành hoàng của làng. Các cụ ngày xưa mỗi khi đi đâu ra khỏi làng đều ghé qua miếu thắp nén hương cầu xin thành hoàng phù hộ hoặc mỗi khi đi xa về thì dẫu việc có thành hay bại thì cũng phải ghé vào dâng hương gọi là bẩm báo.
* * *
Nhà thằng Thịnh có nghề chăn vịt gia truyền. Nghe đám trẻ trong làng nói thì tính đến đời thằng Thịnh đã là đời thứ ba chuyên chăn vịt. Thằng Thịnh ngày xưa không có tên, người làng Lường đều gọi nó là thằng chăn vịt. Bố nó người ta cũng không gọi bằng tên mà gọi là ông chăn vịt. Phúc không gặp mẹ thằng chăn vịt bao giờ. Nghe người làng nói mẹ nó bỏ bố con nó đi khi nó mới lên ba tuổi. Phúc không biết lý do và cũng chưa bao giờ hỏi.
Chị em thằng chăn vịt không đi học, suốt ngày chỉ theo đuôi đàn vịt đi khắp các cánh đồng trong xã. Bố nó hay nói “Học mà làm gì…! Sin sin, cốt cốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Không biết nhà thằng chăn vịt có nhiều tiền không nhưng rõ ràng là chị em nhà nó sướng vì ngày nào cũng có trứng vịt để ăn. Mỗi đứa lại được ăn nguyên cả một quả, cắn đến ngập cả chân răng.
Nhà thằng chăn vịt bị người làng ghét lắm vì đàn vịt nhà nó hay ăn thóc lúa, phá nát hoa màu của nhà người ta. Đã thế thỉnh thoảng trong làng có nhà, có hội rủ nhau đi tát thùng đào, thùng đấu… thì lập tức có đám đông người làng rảnh rỗi ngồi chầu hẫu trên bờ chỉ chờ đến lúc tháo khoán là xông xuống hôi bắt. Cha con thằng chăn vịt đánh hơi rất thính, mỗi khi ở đâu có tát vét là lập tức lùa đàn vịt đến cho ăn quanh quẩn gần đó, đợi khi mọi người bắt đầu xắn quần để lội xuống thì cha con nó lập tức xua đàn vịt tràn xuống. Đàn vịt dàn hàng ngang đi dọc ao một lượt thì chả còn sót lại một con sin sít nào để mà hôi bắt.
Nhưng đỉnh điểm của giận dữ đến mức phải đánh cãi chửi nhau là những nhà bị mất vịt. Chả là mỗi khi lũ trẻ con được nghỉ hè thì các nhà thường mua độ chục con vịt con về cho lũ trẻ chăn nuôi, vừa cho chúng vui lại vừa có cái cải thiện mỗi khi có khách. Nuôi nấng, chăm bẵm mấy tháng, đến khi đàn vịt trưởng thành đủ lông đủ cánh chuẩn bị đẻ trứng thì đàn vịt lớn của bố con thằng chăn vịt bỗng tình cờ đi ngang qua. Mấy con vịt đàn lẻ lập tức bị cuốn ào đi theo đàn vịt lớn. Lúc đó thì chỉ có tranh cãi nhau vì chẳng biết đâu là vịt nhà mình.
Thế nên thằng chăn vịt hầu như không có bạn mà lại lắm kẻ thù. Phúc ở Hà Nội chỉ về quê chơi vào mỗi dịp nghỉ hè nên không biết mối thâm thù của người làng với cả nhà thằng chăn vịt. Ở quê quanh đi quẩn lại toàn gặp người họ hàng nên mẹ Phúc thường dặn “Về quê hễ gặp ai cũng phải chào, không người ta nói mẹ mày không biết dạy con”. Lần đầu tiên Phúc gặp thằng chăn vịt là một buổi chiều, khi đó Phúc đang một mình lang thang câu ếch ở bờ sông thì thấy một thằng bé lạ mặt, người nhỏ thó, vai đeo một chiếc túi vải lớn, một tay giữ chiếc thuổng vác trên vai đang đi theo sau một đàn vịt. Đến khi hai đứa đi ngang qua nhau thì Phúc bất giác quay sang nhìn thằng chăn vịt cười rồi cất giọng chào:
– Em chào anh…!
Thằng bé kia thoáng ngạc nhiên rồi nhìn Phúc hỏi cộc lốc:
– Mày là thằng nào?
– Em là cháu cậu Hải… em ở Hà Nội về chơi hè…
– Vậy hả… – Thằng bé kia có vẻ đã hiểu ra vấn đề, nó hạ túi trên vai xuống thò tay vào trong lấy ra hai quả trứng đưa cho Phúc nói – Tao cho mày này!
Phúc nghĩ chắc nó cũng là người trong họ nên vừa đưa tay nhận trứng vừa hỏi:
– Anh tên là gì? Con nhà bác… chú nào ạ?
– Tao là… thằng chăn vịt…
Nó ấp úng trả lời rồi chạy vụt đi theo đàn vịt để Phúc đứng ngơ ngác mất một lúc. Mang trứng về đưa cho mợ rồi hỏi thì Phúc mới biết đó là thằng chăn vịt và tại sao người làng lại ghét bỏ nhà nó.
Trước đây nhà ông nội thằng chăn vịt cũng ở trong làng. Ngôi nhà gỗ ba gian hai chái cổ kính mà vợ chồng ông bà Đàng với chín người con trai ở chính là nhà của ông nội thằng Thịnh khi xưa. Thời cải cách ruộng đất, ông nội Thịnh bị quy kết là địa chủ và bị xử bắn. Bị tịch thu nhà, lại không muốn bị hàng xóm dè bỉu… bà nội Thịnh đành gạt lệ đưa con dạt ra xóm trại dựng lán để ở. Nhà thằng Thịnh thù người làng ra mặt từ ngày đó nên thường tìm cách để phá và càng phá thì lại càng bị căm ghét thêm.
Trẻ con đứa nào chẳng thích có bạn để chơi, thằng chăn vịt từ hôm đó mỗi khi phát hiện Phúc đang chơi nghịch ở đâu thì lùa vịt đi tới. Nó chỉ có mỗi Phúc để làm bạn. Thằng Thịnh thích nghe Phúc kể chuyện, nhất là những câu chuyện về thành phố. Đổi lại, thằng Thịnh lại thường cho Phúc trứng vịt. Có lần biết Phúc chuẩn bị phải lên Hà Nội đi học, thằng Thịnh dúi cho Phúc cả con vịt, nó bảo “Mày mang về mà chia tay mọi người”.
Phúc phục nhất là tài ném đất đuổi vịt của thằng Thịnh. Mỗi khi cần phải đuổi đàn vịt đi theo một hướng nào đó, nó chỉ cần dùng lưỡi thuổng xắn lên một miếng đất rồi vung thuổng về phía sau của đàn vịt. Hòn đất bay xa rơi xuống vừa đủ gần để đàn vịt sợ hãi bỏ chạy nhưng cũng không bao giờ trúng vào đàn vịt.
* * *
Tò mò muốn biết cuộc sống của thằng Thịnh chăn vịt, kẻ bị ghét nhất làng Lường trước kia giờ sống ra sao, nên Phúc đưa thằng Đức về nhà ông cậu rồi tìm lối ra gốc cây đa đầu làng.
Ba con đường nhỏ giờ đây đã thành đường xi măng dẫn thẳng đến bờ sông. Con đường phía bắc rộng nhất vì dẫn lối đến một cây cầu bê tông bắc qua sông. Chiếc cầu tuy không lớn song xe tải, xe khách đều đã có thể vượt qua để về tận giữa làng. Phúc không biết đã có cầu bắc qua sông nên sáng nay vẫn về làng qua lối cũ.
Cây đa cổ thụ ngày nào giờ đã nằm lọt thỏm giữa những nhà hai, ba tầng xung quanh. Ngôi miếu thờ cũng nằm kẹp giữa hai ngôi nhà khang trang, một bên cho thuê cắt tóc gội đầu, một bên mở quán game đèn điện xanh đỏ nhấp nháy.
Mới cách gốc đa vài trăm mét Phúc đã nghe thấy những tiếng gào thét lè nhè giọng của người say dở đang hát karaoke. Thằng Thịnh đứng dậy gọi Phúc đến một chiếc bàn có năm người đang ngồi sát cạnh gốc đa. Phúc nhanh chóng nhận ra một vài khuôn mặt xưa cũ. Sau màn chào hỏi thì nâng chén, những câu chuyện trò liên tục bị gián đoạn câu được câu mất bởi tiếng hét rú theo giai điệu một bài hát từ bàn bên.
Bạn bè lâu ngày gặp lại mà nói chuyện cũng không được yên, lại sẵn trong người có chút men, một người tên là Hoàn bèn đứng dậy tiến đến bàn bên nói:
– Chúng tao đang nói chuyện. Chúng mày… thôi hát đi có được không…?
Thằng nhóc con tóc xanh tóc đỏ đang hát buông míc xuống vênh mặt lên hỏi:
– Tôi hát thì ảnh hưởng đếch gì đến các ông hả?
– Mẹ thằng ranh con này… Mày dám quát bố mày thế hả…?
Thằng tóc xanh tóc đỏ đứng bật dậy nói:
– Các ông thích gì…? Đây là chỗ hát nhé… Các ông thích nói chuyện thì đi tìm chỗ khác…
Mấy người bọn Phúc thấy vậy vội đứng dậy chạy sang định dàn hòa. Mấy thanh niên bàn bên thấy vậy lại tưởng mấy người lớn định sang đánh thằng đồng bọn hỗn hào của chúng nên mỗi thằng vội cầm lên một vỏ chai bia sẵn sàng chơi lại.
Phúc thấy vậy vội xua tay lia lịa nói:
– Các chú bình tĩnh đi, bọn anh chỉ sang đưa bạn về bàn thôi…
Cố gắng lắm mới đưa được Hoàn về bàn. Thịnh nhìn Phúc nói nhỏ:
– Thằng kia con nhà bà Dậu giáo viên có chồng là bộ đội đấy…! Nó bị bệnh siđa giờ về ăn bám đồng lương hưu còm của bố mẹ… Giờ nó như thằng Chí Phèo, cả làng chẳng ai dám dây…
Thằng thanh niên tóc xanh đỏ kia vừa hát hết bài thì mấy thằng bạn bên cạnh tranh nhau cướp míc để hát bài tiếp theo. Nhạc vang lên, giọng hát của thằng này còn thảm hại hơn giọng thằng trước, nó hát đến đoạn lên cao thì người nghe cảm thấy chói tai, nhức óc đến mức những búp đa non tơ ở đầu cành tưởng như vô tri, vô giác cũng phải rung lên bần bật vì phẫn uất.
Câu chuyện trở nên rời rạc dần. Mấy người kia cảm thấy nhậu nhẹt vậy cũng đã đủ nên lấy lý do phải về. Thằng Thịnh chắc muốn nói chuyện nhiều với cố nhân nên rủ:
– Thôi về nhà tao chơi đi!
Nhà Thịnh là một ngôi nhà mái ngói nhỏ xập xệ nằm ngay đầu xóm trại nên chỉ mấy bước chân đã đến.
– Sao anh lại bỏ nghề gia truyền mà không chăn vịt nữa?
Phúc hỏi khi đã ngồi gọn trên chiếc ghế trong nhà Thịnh.
– Cũng tiếc lắm nhưng phải bỏ thôi mày ạ…
– Sao vậy?
– Nước đồng ao giờ toàn bị ô nhiễm đen sì hết cả. Vịt nuôi cứ được gần một năm thì bị sưng viêm phổi chết ráo cả. Ban đầu thì tao cũng không biết, cứ chết lứa này lại gây lứa khác xong lại chết, thiệt hại mất bao nhiêu là tiền của…
Phúc nghe thấy trong giọng kể của Thịnh vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng, xót xa và tiếc của.
– Thế bỏ nghề chăn vịt thì anh làm gì?
– Nhà tao biệt lập ở xóm trại đây, bao năm chẳng làm ruộng nên chẳng biết làm gì ngoài làm nghề gá bạc…
– Xã không bắt sao?
– Bắt bớ gì… Nhưng bây giờ dân ít chơi rồi, chỉ thỉnh thoảng vào dịp lễ tết thôi nên cũng chẳng ăn thua…
– Thế giờ anh không làm gì à?
– Có chứ! Không làm lấy gì mà nhai. Tao đang đầu tư trang trại nuôi lợn rộng hai mẫu… chỗ mà lúc nãy gặp cha con mày đó…
– Anh thuê ruộng à?
– Không phải thuê… thậm chí tao còn được chủ đất ruộng trả tiền cho nữa cơ…
– Lại có chuyện đó à?
– Mấy năm nay thì ruộng bỏ không đầy. Dân không cấy lúa song không nhà nào dám trả ruộng cho xã vì toàn nghe đồn là sắp tới tỉnh sẽ lấy đất để làm khu công nghiệp, đất ruộng sẽ được bồi thường tới mấy chục triệu một sào. Nhà nào để ruộng bỏ hoang sẽ bị xã thu lại nên phải cố tìm cách mà giữ. Chừng chục năm về trước nếu nhà có ruộng để không có thể cho những nhà khác thuê lại. Nhưng giờ thì ngược lại, người có ruộng muốn giữ thì lại phải trả tiền cho người trồng cấy trên đất.
Phúc nghĩ đến mùi hôi thối của dãy trang trại lúc trước thì ấp úng hỏi:
– Thế anh nuôi vậy thì dân làng không kiện cáo gì à?
Thịnh ngớ người vì không hiểu nên hỏi lại:
– Kiện cáo gì?
– Thì mùi tanh hôi từ trang trại lợn của anh ý…
– Dào ôi…! Tanh hôi gì chứ, ngày trước các cụ toàn nuôi trâu bò, lợn gà ngay sát cạnh nhà còn chẳng ai kêu. Giờ tao nuôi hẳn ra giữa đồng không mông quạnh như vậy thì kêu nỗi gì…?
Đúng là Phúc quên béng mất điều đó. Có lẽ ở quê mùi phân chuồng đã quá quen thuộc nên chẳng ai phàn nàn cũng đúng. Nghĩ đến những thông tin giải cứu thịt lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng… xuất hiện nhan nhản trên báo chí thời gian qua khiến Phúc bất giác hỏi:
– Chăn nuôi trang trại vậy có ổn không anh?
– Cũng chẳng ăn thua… khi thì bị dịch bệnh, khi thì thừa mứa bán lỗ không ai mua… Tao đang tính phải đổi sang cách khác.
– Cách gì?
– Chờ mãi mà chẳng thấy cái dự án khu công nghiệp kia triển khai. Mấy người thạo tin nói do vị trí làng Lường không tiện đường giao thông nên chủ đầu tư đã quyết định chọn chỗ khác. Đất ruộng không những chẳng còn chút giá trị kinh tế nào mà còn tốn thêm tiền để mà thuê giữ. Vậy nên hiện nay bắt đầu lác đác có nhà làm đơn xin trả ruộng. Tao đang đợi đến khi có nhiều nhà trả ruộng thì sẽ lên xã xin thuê lại rồi đầu tư máy móc làm ăn lớn…
– Sao anh không thuê luôn của dân… đằng nào họ cũng để ruộng không mà…?
– Dại gì mà làm vậy!- Thấy Phúc tỏ vẻ không hiểu, Thịnh giải thích – Ruộng manh mún, mình mà đi hỏi thuê thì phải hỏi cả hàng chục nhà, chỉ cần một nhà không đồng ý là mình chết tắc. Chưa kể sau vài năm nếu thấy mình làm ăn được thì họ nổicơn ghen ăn tức ở mà đòi lại ruộng thì thành công cốc…
– Anh tính vậy cũng phải… Mà vợ con anh đi đâu cả rồi?
– Hai đứa con trai của tao đều đang học đại học ngoài Hà Nội, còn vợtaogiờ vẫn ở ngoài trang trại chưa về.
Phúc nhớ đến câu nói bất hủ của bố Thịnh thì trêu:
– Thế không sin sin… cốt cốt nữa hả?
– Hì hì… – Thịnh cười – Thì lúc đó ông bố tao nói cũng đúng… Học xong lớp 10 mà vẫn quanh quẩn ở làng làm ruộng thì học để làm cái quái gì, chỉ tổ tốn tiền, tốn gạo của bố mẹ. Nhưng con cháu bây giờ thì chúng nó phải đi ra ngoài làm ăn nên kiểu gì cũng phải cho chúng nó học. Tao ngày xưa thất học nên chẳng thể đi đâu, giờ chỉ biết quanh quẩn sống bám vào đất làng mà thôi.
Phúc nhìn quanh thấy đồ đạc trong nhà hầu như chẳng có gì đáng giá bèn hỏi:
– Nghe anh nói thì cũng là người có tiền… sao không sắm sửa đồ đạc phục vụ cho cuộc sống?
– Tao quen sống vậy từ bé rồi…! Từ thời bố tao còn sống, ông không cho sắm sửa cái gì cả, ông luôn nhắc “Đừng có tỏ ra là nhà mình có của ăn của để”. Khổ…! Chắc ông vẫn sợ cảnh bị bắngiống ông nội tao ngày nào…Mà tao ở đây vẫn xác định chỉ là ở tạm thôi. Giờ tao đang dành tiền để thực hiện tâm nguyện của ông cụ là phải chuộc lại mảnh đất cũ của tổ tiên… Khi đó tao sẽ cất lại một ngôi nhà gỗ thật lớn và cả một dãy nhà ngang…
Phúc thấy mắt Thịnh long lanh khi say sưa nói về ước mơ của mình.
– Người ta có bán không?
– Bà Đàngđã đồng ý bán rồi nhưng bị mấy ông con trai về phá đám…
– Nghĩa là sao?
– Thì hồi cải cách nhà ông nội tao bị thu hồi rồi chia cho nhà ông Đàng bộ đội. Ông Đàng đi bộ đội nhưng mỗi lần về phép thì bà vợ lại có bầu nên ông bà có tất cả chín người con trai. Nhà bộ đội lại đông con nên ông bà ấy mới được xã ưu tiên cho vào ở nhà ông nội tao. Cả tám người con đầu đều ông bà dựng vợ gả chồng và cho ra ở riêng hết lượt. Cái nhà cổ và mảnh đất đó đương nhiên thuộc về chú con út chưa lấy vợ. Khổ nỗi chú út kia học đại học xong lại quyết định trụ lại Hà Nội mà không chịu về quê. Từ hơn chục năm trước chú ấy đã về bàn với mẹ bán mảnh đất đó đi để lấy tiền mua một căn hộ chung cư ở trên đó. Bà Đàngvốn thương con út, lại nghĩ đất đó cũng không phải là đất tổ tiên để lại nên cũng đã đồng ý bán. Thế nhưng mấy ông con trai kia nhất quyết không cho bán, đòi phải giữ lại làm đất hương hỏa và nếu bán thì phải chia đều tiền cho cả chín anh em… Thế là cứ nhùng nhằng mãi.Nhà cũ nát đổ sập, đất vườn để hoang hóa nhìn xót quá mà không làm gì được…
– Bà Đàng giờ ở với ai?
– Nhà sập chẳng ai chịu đóng góp tiền xây sửa nên giờ mấy anh con trai họp bàn chia nhau luân phiên nuôi mẹ.
– Đất đó có sổ đỏ chưa?
– Có, sổ đỏ mang tên bà Đàng vì ông chồng chết trước khi xã làm sổ.
– Thế thì bán hay không là quyền của bà ấy chứ?
– Về lý thì là như vậy, nhưng ở làng không thể cứ lấy lý ra mà nói chuyện được… Chẳng qua cũng vì tranh giành lợi ích thôi!Trước sau gì tao cũng mua được…Nhưng giá mà mua được trước khi bà nội tao mất thì hay biết mấy…
Thấy Thịnh ngập ngừng Phúc bèn hỏi:
– Bà nội anh năm nay bao nhiêu rồi nhỉ?
– Tám mốt rồi! Mấy hôm nay đang đi chơi ở nhà bà bác, là chị gái của bố tao ở trên Phủ Lý. Đầu óc nhiều lúc đã có dấu hiệu của lú lẫn. Vậy mà chuyện cụ ông bị đấu tố quy kết là địa chủ và chịu xử bắn những năm cải cách ruộng đất vẫn không phai nhòa trong trí óc teo tóp của bà… – Thịnh nói đến đây thì giọng bỗng chùng xuống – Tao thương bà lắm! Khi ông nội tao bị xử bắn thì bà mới ngoài hai mươi tuổi và mới về làm dâu được dăm năm. Ông mất, bà phải một mình nuôi bốn chị em bố tao. Do gia đình bị quy là địa chủ nên ruộng chỉ được chia được 1 sào 8 thước trong khi các nhà bần cố nông lại được chia tới 2 sào 8 thước.Vì ruộng ít nên thiếu đói, những ngày nông nhàn, bà phải đi bộ lên tít tận Phủ Lý xin làm giúp việc cho nhà người ta để có thêm tiền đong gạo. Mỗi cuối tháng bà mới về thăm đàn con được một tối rồi sáng hôm sau lại tất tưởi đi ngay. Mà mày biết không? Già vậy nhưng hễ cứ nghe nói đến chuyện tao đang chuẩn bị tích tụ ruộng đất thì bà lại phản đối kịch liệt. Bà bảo “Làm gì thì làm nhưng chớ có ôm lắm đất vào mà làm gì… Bài học cụ nội nhà này vẫn còn sờ sờ ra đó…”.Khổ thế đấy! Hậu quả của việc có nhiều đất trong tay đã hằn sâu trong ký ức của bà đến mức cứ hễ nghe đến con cháu đứa nào có nhiều đất, nhiều ruộng… là bà sợ hãi co rúm cả người lại. Mà sợ cũng phải, nhà cụ nội tao thời trước gom góp bao đời mới có được gần chục mẫu ruộng mà đã bị như vậy, nên giờ nghe tao có dự định tích tụ ruộng đất lên tới mấy chục mẫu thì bà không hoảng lên mới là lạ…
– Đã vậy thì việc làm ăn anh đừng nói cho bà biết nữa.
– Ừ! Tao biết vậy nên giờ cũng không dám nói chuyện ấy trước mặt bà…
* * *
Sau bữa cơm trưa sớm để chia tay cậu mợ, bố con Phúc xin phép lên đường về Hà Nội. Thằng Thịnh tình nguyện lấy xe máy chở bố con Phúc ra quốc lộ bắt xe nên đã ngồi trên chiếc xe nổ máy đợi sẵn. Cậu Hải vẫn như thói quen thường lệ đã lại lỉnh ra ngoài để đứng đón ngõ. Phúc đã bao lần phải cười thầm khi thấy ông cậu cứ phải làm bộ giả vờ như vừa đi đâu đó về đến đầu ngõ thì bất chợt gặp con cháu từ trong nhà đi ra.
Chiếc xe máy đi chậm hẳn lại khi chạy ngang qua cổng nhà bà Đàng. Cả Thịnh và Phúc cùng ngoái đầu nhìnsang. Ngôi nhà gỗ năm gian cũ nát đã đổ sậpxuống từ bao giờ, dây bìm bìm leo bám chằng chịtphủ kín mít trông như một nấm mồ lớn màu xanh ngắt giữa khu vườn.
Thịnh đưa bố con Phúc theo lối qua cây đa đầu làng để qua cây cầu mới. Qua khỏi cây cầu, thằng Thịnh chợt hỏi:
– Mày biết làng mình có hình dáng giống cái gì không?
– Cái bào thai! – Phúc không cần nghĩ đáp- Bào thai nên mãi mãi không chịu lớn…
– Mày nhầm! – Thịnh ngắt lời – Bào thai thì trước sau gì cũng phải lớn… Bào thai nằm mãi trong bụng mẹ mãi không chịu chui ra thì sẽ phải phá bung ra chứ bụng mẹ nào mang mãi cho được…
– Anh nói cũng đúng…! Bào thai giờ đã thành một đứa trẻ…
– Mày biết không, bào thai thì chắc chắn là xinh xắn và ngoan ngoãn… còn khi đã là một đứa trẻ thì việc nó có ngoan ngoãn, đẹp đẽ hay trở thành hư hỏng, xấu xa… thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời được…
Phúc không nói gì mà chỉ thầm nghĩ: “Có phải thằng chăn vịt đang nói không nhỉ?”.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *