Bài nổi bật

Thiên Táng – Hân Nhiên

Thiên táng có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009, qua bản dịch của Thanh Loan. Mới đây, tháng 7/2021, Nhã Nam và NXB Hà Nội đã cho tái bản cuốn sách này. Một lần nữa, độc giả lại có dịp thổn thức cùng câu chuyện.
Theo lời Hân Nhiên, từ cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ đặc biệt, cô đã viết lại câu chuyện của bà. Vậy nên, có thể xem Thiên táng là cuốn hồi ký hoặc tự truyện được viết giùm. Câu chuyện này xảy ra vào năm 1950, thời điểm nhiều biến động của lịch sử Trung Quốc.
Thư Văn là tên của người phụ nữ đặc biệt ấy. Cô có một tình yêu đẹp với Khả Quân. Tình yêu của họ chớm nở và trưởng thành trong những năm tháng học tập tại trường y. Họ yêu xa trong hai năm khi Khả Quân được điều đi công tác. Thời gian về phép, họ cưới nhau. Sau đám cưới một trăm ngày, Khả Quân lại được lệnh điều đi Tây Tạng. Một thời gian sau, tin tức báo về cho Thư Văn là chồng cô đã chết, ngoài ra không một lời giải thích và câu chuyện nào kèm theo. “Lúc ấy, tôi là một thiếu phụ đang yêu. Tôi chỉ muốn đi tìm chồng”. Thư Văn rời xa gia đình, gia nhập quân đội, đến Tây Tạng để tìm tin tức về Khả Quân.
Tây Tạng vào thời điểm đó và cho đến bây giờ vẫn là vùng đất nhiều bí ẩn. Những cản ngăn, khuyên nhủ không làm nguôi ý chí của Thư Văn. Cô nhớ mãi lời của người lính chỉ huy đã nói với cô trước khi lên đường: “Chỉ sống được cũng đã là chiến thắng”. Con đường tìm kiếm Khả Quân vốn khó xác định ngày về nhưng ở mỗi chi tiết, mỗi giai đoạn, người đọc đều thấy rõ tình yêu và niềm tin sẽ tìm thấy người mình yêu chưa bao giờ vụt tắt. Có lẽ, tình yêu là điều đọng lại sâu sắc nhất sau khi đọc Thiên táng.
Thư Văn đã cứu mạng và kết bạn với một cô gái Tây Tạng. Đó là một cô gái có xuất thân đặc biệt, cũng đang đi tìm người yêu của mình. Hai người con gái với hai nền văn hóa khác biệt nhưng cùng chung một tình yêu mãnh liệt. Nỗi tuyệt vọng, sự cô đơn xen lẫn cùng ý chí quật cường, bản lĩnh mạnh mẽ của những người phụ nữ hiện ra một cách tự nhiên qua từng trang sách. Cho đến cuối cùng, khi tìm ra sự thật về cái chết của chồng mình, tôi nghĩ ngoài tình yêu, sự đau khổ, trong Thư Văn còn là niềm tự hào trước sự hy sinh của chồng. Không thể ngờ rằng, cuộc tìm kiếm ấy phải mất hơn ba mươi năm, biến cô gái trẻ hai mươi sáu tuổi thành một bà già Tây Tạng. Còn cô gái Tây Tạng kia, khi gặp lại người yêu cũng đã thành một bà già, người đàn ông của cô bây giờ đã là một vị lạt ma.
Không chỉ làm người đọc thổn thức bởi tình yêu bất tận và khốc liệt, cuốn sách còn đem đến cho độc giả một góc nhìn về con người và vùng đất Tây Tạng. Một cô gái con nhà dòng dõi đem lòng yêu chàng chăn ngựa, sẵn sàng từ bỏ địa vị để giữ gìn tình yêu. Một gia đình du mục sẵn lòng cưu mang, bảo vệ cho những người xa lạ. Một người Tây Tạng ốm yếu đã rong ruổi từ nơi này sang nơi khác để hát bài ca nhắc nhở về người đã cứu mạng mình. Tất cả những gì họ có ngoài bản năng sinh tồn là một trái tim nồng nhiệt và đức tin vĩnh cữu.
Thật khó để lý giải cảm xúc của tôi sau khi đọc xong Thiên táng. Đó không chỉ một sự ám ảnh đầy xúc động mà còn là một sự vị nể vô cùng. Qua Thiên táng, Tây Tạng hiện ra với vẻ mênh mông và khắc nghiệt, mùa nắng thì cháy da, mùa đông buốt giá. Những thảo nguyên bất tận, đồng cỏ trải dài và mười ba ngọn núi sừng sững, ghi lại dấu tích cho những ai muốn tìm kiếm những gì đã mất. Giữa không gian mênh mông và thời gian vô định, con người nhỏ bé nhưng kiên cường bản lĩnh. Và mấu chốt cho tựa đề cuốn sách – Thiên táng chính là một thủ tục mai táng của người Tây Tạng. Hình ảnh về “thiên táng” cũng chính là câu trả lời cho cái chết của Khả Quân.
Nhà văn Hân Nhiên đã để cái kết của cuốn sách bỏ ngỏ cùng lá thư gửi cho Thư Văn. Thời gian và những biến động khắc nghiệt của nó đã làm mọi thứ đổi thay, sau ba mươi năm, quê nhà và người thân của Thư Văn chỉ còn trong ký ức của bà. Liệu bà còn đủ sức để theo đuổi cuộc tìm kiếm thứ hai ngay trên chính quê hương mình. Chính tác giả cũng không biết điều này nên độc giả của Thiên táng càng tò mò và day dứt hơn chăng?

Một số nhận xét từ độc giả
“Thiên táng” kể câu chuyện về người phụ nữ trẻ vượt ngàn dặm đường đến một vùng đất mà văn hóa và con người nơi đó đều quá xa lạ với chị. Vượt lên sự khó khăn là tình yêu dạt dào cho người chồng mới cưới đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ ở Tây Tạng. Tôi đã tìm hiểu và đọc review của nhiều website nước ngoài trước khi mua, có lẽ vì mong đợi cao nên khi đọc được nửa cuốn, tôi có cảm giác hơi thất vọng. Văn hóa Tây Tạng hiện lên trong ngòi bút Hân Nhiên chưa thật sự chi tiết và hào hùng như những gì tôi mong đợi. Từ trang viết của Hân Nhiên, ta chỉ nhìn thấy tổng quát, một cái khái niệm chưa rõ ràng về vùng đất còn quá nhiều bí ẩn này mà thôi. Hơn nữa, mối tình của Thư Văn và Khả Quân cũng chưa thật sự quá thuyết phục với tôi. Nhưng khi tôi kết thúc trang cuối của cuốn sách này, tôi lại cảm giác bồi hồi, tiếc nuối. Thư Văn đã bỏ 30 năm và người thân để đi tìm chồng, liệu sau 30 năm và ngần ấy sự tuyệt vọng cô còn có thể tiếp tục một cuộc hành trình tìm người thân khác không? Giữa chốn thành thị đổi khác thiếu hẳn đi sự chất phác và lòng hiếu khách của dân Tây Tạng, liệu cái “bà già Tây Tạng” ấy có còn là cô gái Thư Văn nhiệt huyết năm nào bất chấp hết thảy cho tình yêu của mình? Tôi đã bắt đầu cuốn sách bắt sự hào hứng, rồi chán nản khi đến những trang giữa và đóng trang sách sau chót bằng sự băn khoăn. Cảm ơn Hân Nhiên vì đã viết ra tác phẩm này. – Nguyễn My

Sau ” Hảo nữ Trung Hoa” thì mình tiếp tục lùng thêm sách của Hân Nhiên để ngấu nghiến. Nhưng hình như ở Việt Nam chưa dịch nhiều sách của bà. Mong là sắp tới sẽ có nhiều cuốn sách được dịch ra Tiếng Việt hơn. Bản dịch của Thanh Loan rất tuyệt vời. ” Thiên táng” lại là một tác phẩm của Hân Nhiên khiến mình phải bỏ qua tất cả, đọc một lèo từ đầu đến cuối. Tuy nhiên là đọc bản PDF ạ. Tiki sớm có hàng thì tốt quá. Một câu chuyện buồn về tình yêu, lòng thủy chung, về niềm tin và về duyên phận với nhau giữa cuộc đời. Đọc ” Thiên táng” lại liên tưởng đến bao người phụ nữ Việt Nam trong những năm chiến tranh đã mòn mỏi đợi chờ chồng. Cũng có thể có rất nhiều những câu chuyện cảm động về họ, về những hành trình tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm lời giải thích thỏa đáng… nhưng có thể chưa được những cây bút có tấm lòng đồng cảm với phụ nữ và khả năng cấu tạo lại cốt truyện xuất sắc như Hân Nhiên. Bởi lẽ cô gái trẻ Thư Văn ngày nào giờ đã thấm đẫm lối sống của người Tây Tạng, thổ lộ và kể lể rất ít. Cuốn sách buồn nhưng tuyệt vời. Ngôn ngữ của mình có vẻ bất lực khi viết nhận xét. Nhưng đây thật sự là cuốn sách rất đáng để đọc. – Hoài H

Đất nước Tây Tạng luôn làm người khác tò mò về sự huyền bí nhưng cũng khiến người ta e ngại trước sự khắc nghiệt của nó. Câu chuyện về tình yêu chiến thắng số phận, trên một vùng đất tách biệt với thế giới bên ngoài của hơn 50 năm trước, tình yêu của Thư Văn khiến người ta lay động và đau đớn. Nắng gió Tây Tạng có thể thổi bay cả không gian lẫn thời gian, nhưng không thể thổi bay một tình yêu mãnh liệt trong một người phụ nữ nhỏ bé nhưng tràn đầy niềm tin và hy vọng. Cuốn sách này sẽ nâng đỡ tâm hồn con người và tiếp thêm nghị lực cho những ai biết tin vào tình yêu. – Vuong Nguyen

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *