Bài nổi bật

Thung Lũng Gió

RadioVn.Com – Tôi nằm bẹp gần một tuần trong nhà người đã cứu mình.  Nhà chỉ một gian trống tênh, bốn phía tường bao quanh bằng gỗ bìa, mái lợp cỏ lác. Nửa nhà ngoài kê chiếc máy khâu đã cũ bên cái tủ  kính không mới. Loáng thoáng sau lớp kính  mờ, lõng thõng mấy dải vải các màu. Nửa nhà trong một góc làm nơi ngủ, một góc là bếp. Khi tỉnh dạy tôi mới biết mình được nằm trên giường, chủ nhà phải kê ván nằm dưới đất. Chủ nhà, một phụ nữ mảnh mai còn khá trẻ nhưng ít nói, cứ lầm lì suốt buổi. Mỗi khi chạm phải ánh mắt to đen của chị, tôi lại như bị ngợp trong hồ nước lặng, sâu đến lạnh và buồn. Biết tôi muốn ra đi, người đàn bà trẻ mới nó
–   Tôi nào muốn giữ cậu ở lại, chỉ vì cậu còn quá yếu, trận cảm vừa rồi nó mà quật lại chỉ có nước chết. Hơn nữa tôi cũng muốn biết cậu lên Lũng Gió làm gì? Giọng người đàn bà trẻ ấm, êm như giọng nữ tu. Lúc chị nói, đôi mắt vẫn thăm thẳm.
–   Em vừa trượt đại học, lên làm thuê cho bạn của anh họ mấy tháng lấy tiền ôn thi lại. Vừa trả lời tôi vừa đưa cho chủ nhà chiếc bì thư đã nhàu, mờ gần hết  địa chỉ: “… Đội khai thác gỗ bản Lũng Gió huyện Nà Dương…” Bỗng. Đôi mắt to đen ấy càng to hơn, đôi mày dài dướn cong lên như hai vành cung khi chị nhìn tôi.
–   Cậu lên khai thác gỗ?
–  Vâng!
–  Cậu như một đứa trẻ. Gỗ khối gỗ cây, to đến mấy người ôm không xuể chứ có phải đi bẻ củi rừng đâu.
Thấy tôi tự tin, người đàn bà trẻ không nói thêm nữa, lại lầm lì, mãi hôm tiễn tôi đến gần bìa rừng chị mới  hỏi:
–  Cậu tên gì ?
–  Em tên Phúc, Còn chị ?
– Cứ gọi tôi là Gái. Ở đây tôi chẳng có ai thân thuộc, thỉnh thoảng cậu về  cho vui nhé.
Tôi đi phía sau, giọng nữ tu của chị êm êm vẳng lại. Gió mơn man lên muôn giọt sương mai trong suốt đọng trên những  cánh lá, trên những màng nhện giăng bên vệ cỏ, giăng trên các cây dại hai bên con đường mòn. Sương cứ rưng rưng trước tôi và chị. Vượt lên trước, tôi dang hai tay như barie chắn ngang.
–  Chị quay về đi, em đi một mình được rồi.
Cách quãng xa ngoảnh lại, tôi vẫn thấy người đàn bà trẻ đứng dưới chân dốc nhìn theo mình.
Theo hướng dẫn của chị, lên tới đỉnh đèo tôi rẽ vào lối mòn rộng nhất để sang bên kia rừng. Từ đây nhìn xuống, Lũng Gió chẳng khác gì lòng chảo khổng lồ giữa trời,  bốn phía rừng núi bao quanh. Mỗi đợt gió về quẩn mãi mới tan, hèn gì người yếu dễ bị ngã gió là vậy. Càng lên cao, các mái nhà dưới bản càng nhỏ lại, chúng chỉ như những hộp diêm, nhưng tôi vẫn nhận ra cây móc bên nhà người đã cứu mình.

***
Trật trèo mãi tôi mới lên tới lán trại của thợ xẻ. Bạn của anh họ dẫn tôi quanh nơi khai thác gỗ. Một bên rừng ngút ngát, một bên vực sâu thăm thẳm. Những thân gỗ đang được họ lao từ  đỉnh rú xuống. Tiếng gỗ xé gió, quăng quật, lăn lật, trôi tuồn tuột xuống dốc cộng với tiếng cây non cành gẫy tạo thành một âm thanh hỗn hợp man dại. Mùi nhựa cây, mùi lá dập cỏ nát hăng hăng ngai ngái quanh những thân gỗ trần trụi nằm ngổn ngang bên miệng vực. Lối mòn vận chuyển gỗ bị cày xới lồi lõm, đất đá xoắn vặn như dây chão nát. Biết tôi lên đây làm, tốp thợ xẻ dè bỉu tôi èo uột như dải khoai. Họ đổ về tôi những ánh mắt không mấy thiện cảm. Thấy vậy, bạn của anh họ động viên tôi cứ ở lại nhận việc  đi giao gỗ. Công việc đi giao gỗ thật đơn giản, chỉ cần giữ kín khối lượng gỗ khai thác ngoài kế hoạch. Tôi chẳng dại gì làm sai ý anh ấy.
Hôm ngồi trên xe gỗ, tôi thấy người phụ nữ cứu mình xách một túi nặng đi lệch cả người. Cái dáng mảnh mai ngập trong bụi đất đỏ. Tiếng động cơ xe át tiếng tôi gào tên chị. Ngược chiều xe, chị rẽ sang lối mòn khác. Hơn một tháng, sau ngày đi giao gỗ, tôi về thăm chị.  Bà cụ người Dao gần đấy thấy tôi đợi lâu mới nói: “ Chị Gái thường đi vắng một đôi ngày mới về, đừng chờ nữa. ” Chưa hiểu gì  về người đàn bà có giọng nói êm dịu ấy mà tôi cứ tự cho mình cái quyền âm thầm ghanh tị với ai đó được chị thăm nom thường xuyên. Dẫu thế, thỉnh thoảng về dưới Lũng tôi vẫn không hỏi chị cái điều muốn biết.
***
Con lợn lửng và cuộn dồi đang quay trên đống than hồng ngậy cả góc rừng. Chiều nay đội thợ xẻ liên hoan để mai chuyển sang cánh rừng khác. Tôi xin bạn của anh họ về xuôi để chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Thù lao bảy tháng lao động hơn cả tôi mong đợi. Quanh con lợn lửng có thêm hai người đàn ông dân tộc Dao. Họ vừa khệ nệ vác lên hai vò rượu. Một thợ xẻ nói với tôi : “  sống bên người Dao phải uống rượu bằng sải tay, mày biết không? “ Tôi lắc đầu. Người  đứng bên, chỉ hơn tôi vài tuổi, lúc nào cũng ném ánh mắt sắc nhọn về tôi. “ Không biết hả, thế thì hôm nay buộc mày phải uống ba sải cho biết.” Anh ta kéo hai cánh tay tôi dăng ngang. Giọng kẻ cả. “Từ đầu bàn tay trái sang đầu bàn tay phải của mỗi người đo được bao nhiêu chiều rộng của miệng bát thì phải uống bấy nhiêu bát rượu. Gọi là một sải rượu. Rõ chưa.”
Tôi mới uống hết một bát rượu, vẫn nhìn thấy ánh hoàng hôn đang xám dần sau ngọn núi trước mặt, còn nghe văng vẳng  tiếng hú gọi đêm của thú rừng, còn nghe ai đó phả hơi rượu vào mặt mình. “ Chúng mày cứ cho nó một trận.  Đ…Mẹ thằng học trò kiết xác,  ăn cơm mớm của chúng ông có vai có bắp, chưa làm nên tấm nên món đã tính chuồn hả.” Hình như ai đó vừa đá vào lưng, vào mông tôi vừa cười hô hố…Chân tay tôi tê bì không chống đỡ nổi. Sớm hôm sau tôi mới tỉnh hẳn, chỗ bị đá vẫn còn đau. Mọi người đã ba lô dụng cụ nai nịt gọn gàng. Ai cũng  ái ngại, khi biết số tiền công của tôi đã biến mất. Cả người thanh niên có đôi mắt nhọn sắc cũng tỏ ra xót xa cho tôi. Tôi nhìn lướt qua những khuôn mặt nửa quen nửa xa lạ chợt thấy ghê sợ. Đêm qua họ đã đánh tôi, đã lấy cắp tiền của tôi, thế mà giờ này lại  thương cảm. Bạn của anh họ chẳng nói gì về vụ tôi vừa bị đánh vừa bị mất tiền. Anh ấy đưa cho tôi chút  lộ phí với mấy lời khô lạnh. “ Nếu không thi đại học lại lên với anh.”
 
Tôi thả nỗi thất vọng vào đôi mắt đen thăm thẳm đang nhìn mình. Chị bảo.   “ Hãy tha cho họ. Đường đến lương tâm không phải ai cũng tới được đâu. Có người chỉ khẽ nhún chân đã tới, có người đi hết kiếp vẫn không vượt nổi sự tham lam độc ác. Cậu chờ mưa tạnh nước rút hãy xuôi. Nếu dưới ấy khó  tìm việc thì cứ ở lại đây vừa kiếm thực phẩm lâm sản với dân bản vừa tự ôn, đến kì thi hãy về.”          Giọng nữ tu đã vực tôi vượt lên thất vọng. Lúc này tôi mới thấy chị gầy hơn ngày tôi mới đến Lũng Gió, nhưng nét đẹp thánh thiện vẫn nguyên vẹn, nó  không lồ lộ mà  ẩn dưới đôi mắt như hồ nước lặng và ẩn sau khuôn miệng ít khi cười của chị. Mỗi lúc chị cười hai khóe miệng vếch lên, gian nhà trống lạnh ấm hẳn.
Mưa tạnh, nhưng nước vẫn từ từ dâng ngập cả  ngấn lũ mùa trước. Chị  bảo tôi ra đóng cọc quanh nhà để chị vào nấu ăn kẻo nước lên không có chỗ bắc bếp. Tôi xuýt xoa vì mâm cơm ngon quá. Ngoài đùi nai om riềng mẻ lại còn rau dớn xào thăn nai nữa. Chị cười. “ Ngon thì cậu phải ăn thật nhiều để lấy sức chạy lũ giúp chị.” Theo đội thợ xẻ, tôi đã quen với mưa rừng, nhưng tối nay thật lạ. Cây trong Lũng lặng gió. Quanh nhà, không tiếng chão chuộc kêu sau mưa. Một sự im lặng ghê người. Chị nói. “ Đây là hiện tượng hiếm thấy, có thể nước sẽ lớn hơn năm ngoái.” Chị chỉ vào cái giường duy nhất  giục tôi đi ngủ trước để chị trực nước, quá nửa đêm dậy thay cho chị.
Tiếng chị ho, tiếng mưa, tiếng nước xô vào vách gỗ óc ách,  cứ bứt rứt trong  giấc ngủ chập chờn. Bỗng tay tôi chạm phải con chuột cống ướt nhũn. Thấy động, nó vọt qua ngực tôi, nước bắn cả lên mặt. Tỉnh hẳn. Tôi lội ra ngoài mới hay chị đang lom khom leo lên nóc nhà. Giọng nữ tu khàn hơn vì những cơn ho vọng xuống. “Tôi tính gỡ xong mái mới đánh thức cậu, đã dạy rồi thì trèo lên mái nhà ngay.” Mặc chị giục, tôi vẫn quay lại rút trên đầu giường cái khăn choàng trắng để chị quấn cổ. Chắc ngấm lạnh nên từ tối đến giờ chị ho nhiều.
Khuya. Màu trời như thạch vữa. Nếu không có bóng trăng nhòe trong vành tán rộng hắt ánh sáng mờ đục xuống, thì tôi không thể biết hai chị em đang ngồi giữa mênh mông nước. Sự bình tĩnh của chị làm tôi không hoảng như lúc mới trèo lên mái nhà. Ngước nhìn khuôn mặt người phụ nữ chưa  qua hết tuổi thanh xuân sáng hơn trong đêm trên chiếc khăn màu trắng. Khuôn mặt ấy như được đắp bằng sáp, mượt mịn. Chị trấn an tôi.
-Ta chờ đến sáng chạy vẫn kịp. Ngừng một lát lời chị ấm hơn trong hơi thở.
– Em muốn biết về chị không?
Ngạc nhiên, vì chưa bao giờ chị xưng hô như vậy với tôi.  Chưa kịp phản ứng chị đã quàng tay qua vai kéo tôi sát vào mình. Toàn thân tôi bỗng nóng râm ran, rạo rực.  Vừa run vì cảm giác lạ, vừa thích vì lần đầu tiên chạm hơi ấm đàn bà, hơi ấm của sự dịu dàng. Trấn tĩnh lại, thầm nghĩ; Chả nhẽ, chị kể vào khung cảnh này ư? Cả tôi lẫn chị vẫn im lặng. Trăng  vẫn mờ khuất  sau mảng mây xám đặc. Lũng gió cũng mù mịt trong màu xám đặc ấy. Quanh Lũng vọng  tiếng hú gọi, tiếng hú trả lời, tiếng động vật rống lên hoảng loạn và những mảng đen trôi bập bềnh lúc mờ lúc tỏ. Tôi nói với người đang tỏa hơi ấm bên mình.
–  Nếu kể ra làm chị buồn hơn thì em chẳng muốn nghe đâu.  Từng lời chị như thổi vào tai tôi.
–   Chị  đâu còn khái niệm buồn nữa em.
***
“  … Chị đã dấu cả Lũng Gió  và em, tên chị là Sóng chứ không phải Gái. Cha chị là dân chài. Mẹ  bảo cha đặt tên Sóng để lớn lên không sợ con nước dữ. Chị chưa đầy ba tuổi đoàn thuyền của cha gặp bão ngoài khơi. Mấy ngày sau bộ đội Hải Quân mới tìm thấy xác. Mẹ bỏ làng chài. Bà buôn xuôi bán ngược mãi đến năm lấy cha dượng mới mua đất dựng nhà ở Vĩnh Tài. Cha dượng có khuôn mặt thót cằm, miệng hẹp nhưng hoạt khẩu. Ông ta thường nhìn chị với ánh mắt không phải  của người cha nhìn con. Chị nói với mẹ, mẹ chỉ im lặng. Có lẽ, lúc ấy mẹ tin chồng mình hơn tin vào nhận xét của đứa trẻ mười ba tuổi… Mười ba tuổi, mọi việc vặt trong nhà chị làm hết, thế mà  vẫn học giỏi nhất nhì lớp. Ngày được chọn thẳng vào cấp hai mẹ động viên. Nghỉ hè  mẹ sẽ cho ra tỉnh, thích gì mẹ cũng mua cho…Kỉ niệm thuở thơ ấu sống bên mẹ vẫn âm ỷ ấm trong  tâm hồn chị. Mỗi lần nỗi nhớ trỗi dậy, chị lại như tắc thở, tự đấm vào ngực mình mãi mới xuôi được Những ngày bị nhốt trong phòng tối ở nơi bị bắt cóc, chị suy nghĩ mãi cũng không biết  lỗi này thuộc về ai. Cha dượng hay mẹ? hay tại thân xác mình phổng phao hơn các bạn đồng lứa.
“  … Mẹ lại đi cất hàng như thường lệ, mỗi lần xa nhà ít nhất cũng hai ba ngày. Đêm ấy. Cha dượng gạ gẫm không nổi, ông ta đã túm tóc chị lôi vào nhà trong. Con chó mực sủa váng nhà. Cơn mưa đầu hạ đã dìm tiếng gào thét của hai sinh linh trong tiếng mưa rào rào và gió. Lúc buông chị ra, ông ta còn ghé vào tai chị nói:  Nếu mách mẹ mày hoặc ai đó, tao sẽ giết.  Hoảng sợ. Nửa đêm về sáng, chị cầm hết số tiền ăn của mấy ngày mẹ vắng nhà chạy ra quốc lộ bắt xe khách đi Tỉnh tìm mẹ. Lúc ra khỏi nhà cha dượng vẫn ngáy rung cả bốn bốn bức tường…”
–   Tỉnh rộng thế, biết mẹ chị ở đâu mà tìm. Tôi chen ngang lời chị.
–  Hồi ấy, chị cứ ngỡ tỉnh chỉ rộng hơn phố huyện thôi, thế nào cũng gặp mẹ.Tiếng thở dài của chị hút theo tiếng gió làm tôi thêm lạnh.
“ …Chị chạy đến bến, xe cũng vừa tới. Người đàn bà mặt tròn da trắng bợt bắt chuyện. Cháu đi đâu? Cháu đi tìm mẹ. Mẹ cháu tên gì? Mẹ cháu tên  Phượng. Thế à, mẹ cháu có nốt ruồi ở dưới cằm đúng không. Cô còn biết cả nơi mẹ cháu hay đến lấy hàng nữa đấy. Chị tin ngay. Đưa chị vào nhà, cô ta nói với chị như người ruột thịt. Cứ tắm rửa nghỉ ngơi, chờ cô tìm  mẹ cháu về đây cho nhé… Quá trưa cô ta mới về. Vừa  tròn xoe mắt nhìn chị vừa nói như reo.  Cháu như lột xác khỏi  đứa bé  nhòe nhọet, nhàu nhĩ  sớm nay.  Mẹ cháu nhờ cô đưa cháu tới nơi bà ấy đang xếp hàng. Ta đi thôi
Thung Lũng Gió – Nguyễn Thị Ngọc Hà
 
Hôm ấy nắng chói chang. Chị được chở tới ngôi nhà ba tầng trong  ngõ sâu, ngoằn nghèo . Tầng một không rộng lắm, bàn ghế tuyềnh toàng xô lệch, cũng chẳng ngồn ngộn hàng như chị tưởng tượng. Sau khi đi vào phía trong trở ra, cô ta vẫn dịu ngọt. Cháu ngồi đây chờ mẹ nhé, cô đang dở chút việc phải đi ngay… Rất lâu, vẫn không thấy mẹ. Mấy người từ sau cánh cửa đi ra. Vài người ở ngoài đi vào. Ai cũng như bị câm. Mắt ai cũng lạnh. Chẳng ai hỏi chị. Chị hỏi cũng không ai trả lời. Nhìn về phía mọi người ra vào, chỉ thấy trong ấy hun hút không có ánh sáng. Chị muốn mở cửa ngóng ra đường. Cửa đã khóa. Có tiếng quát the thé  vọng ra.  Con kia, quay vào ngay. Chị không thể nào quên cảm giác sợ hãi  lúc ấy. Chị gào khóc gọi mẹ.  Người đàn bà béo đẫy từ phía sâu hun hút bước ra. Đúng là người có gọng the thé đến chói tai đã quát lúc trước. Ở đây cấm gào khóc nghe chưa…Chị mếu máo đối diện với khuôn mặt ngắn cũn có sống mũi gẫy giữa hai con mắt một mí. Người ta bảo cháu đến đây gặp mẹ. Bà ta cười như sỏi nẩy trên mặt đường đá. Mẹ nào? Tao là mẹ mày chứ ai. Tao đã mua mày về làm con. Chăm chỉ ngoan ngoãn không phá phách, không bỏ trốn, sau mười năm tao sẽ thả, lại cho một chút tiền làm vốn. Ngược lại tao sẽ thịt như thịt con lợn, rõ chưa. Chị vòng tay trước ngực năn nỉ.  Xin bà cho cháu về, cháu đang đi học. Bà ta im lặng lúc lâu, chị đã mừng thầm. Bỗng. Tiếng quát không thương xót. Câm ngay, nói câu nữa tao cho ăn dừ đòn.
Sau hai tuần, hết ngọt nhạt lại bị răn đe hình phạt, chị buộc phải làm điếm. cái vùng giới tính thiêng liêng kín đáo nhất sau khi bị cha dượng chiếm đoạt, chị không nhớ nổi đã bị xâm hại bao nhiêu lần tiếp theo nữa.… Chưa đến hạn được tự do, bà chủ và toàn bộ nhân viên  bắt …”
***
Đêm vẫn không sáng thêm, gió lại mạnh hơn. Cây móc trước  nhà nghiêng ngả chao đảo. Bóng đen của những tàu lá  móc như ma quái, xõa xượi. tôi căng mắt cũng không nhìn thấy mực nước cao đến đâu nữa. Chẳng hiểu ớn lạnh vì ngấm nước lũ hay vì câu chuyện của chị mà tôi hà hơi vào hai lòng tay mãi cũng không thấy ấm. Hình như chị quên hẳn tôi đang ngồi bên. Chị nói cho riêng tôi nghe mà như đang diễn tả cho cả trời đất biết câu chuyện đời mình.                                                                                                                                                                                                                    “     Sóng! có người nhà đến thăm. Chị hờ hững nhìn người quản giáo. Thưa cán bộ, em không có người nhà. Chị quản giáo vừa ân cần vừa nghiêm nghị. Mẹ cô đấy. Ngần ấy năm chị thèm gặp mẹ biết bao. Thế mà lúc ấy trong lòng lại trễ nải, các khớp  rã rời, mãi chị mới đứng lên nổi, vừa tới cửa phòng khách, mẹ đã bật dậy lao tới. Mặc cho mẹ ôm lấy mình tức tưởi, chị vẫn đứng như gốc tre chôn chặt dưới đất, mắt ráo hoảnh… Chị hờ hững nhìn  mẹ nhăn dúm, hoen nhòe nước mắt …  Mẹ rầu rầu nói đứt quãng như hụt hơi:  Không thấy con về… mẹ đoán… con đã  bị hại rồi. Mẹ bỏ buôn bán đi tìm con ròng rã khắp nơi. Đến khi nhận được giấy báo này, mới biết con còn sống. Tiếng thở dài của mẹ như cơn gió lạnh xoáy vào lòng chị từng hồi. Buốt lắm. Muốn an ủi mẹ bằng những lời nhẹ nhàng nhưng miệng chị lại khô chát. Chuyện xưa rồi, có gì mới hơn mẹ kể đi. Bàn tay mẹ run run nắm tay chị lắc như lắc chuông. Chắc bà cố kéo tâm hồn con gái về với mình. Mặc cho đôi mắt chới với nhìn chị  như người sắp chết đuối. Chị rút tay mình khỏi lòng tay bà. Ráo hoảnh. Mẹ…vẫn sống với ông ta? Bà chỉ lắc đầu.  Nếu trong tay con có súng, lúc này gặp lại… Mẹ chị rùng mình, da mặt bà tái nhợt như  họng súng đang chĩa vào mình vậy.  Mẹ đi rồi, về phòng chị  ngã vật xuống giường chết lịm. Xót mẹ quá. Bây giờ chị vẫn giận về sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của mình với mẹ.”
Lặng đi rất lâu chị mới nói tiếp.
–    Ra trại, chị đón mẹ lên sống ở đây.
Tôi ngạc nhiên.
–   Sao em không gặp bà ? Giọng chị khê đặc rời rạc.
–  Mẹ chị mất mấy năm rồi. Bà chẳng đau  gì, chỉ giận đời, chỉ xót con  mà sầu cho đến chết.
Chờ chị dứt cơn ho tôi mới nửa hỏi nửa như khẳng định.
–  Thỉnh thoảng chị vẫn đi thăm ai? Giọng chị trở lại bình thường.
–  Về trại thăm chị quản giáo.
Tôi trách sự suy đoán của mình khi về bản Lũng Gió không gặp chị. Khép vạt áo mưa cho kín bờ vai chị, ngập ngừng mãi  tôi mới hỏi?
–   Chị còn trẻ, sao không lấy ai?
Gió như lồng tiếng chị thổi bập bùng vào tai tôi.
–  Lắm lúc chị thèm được yêu ai đó, Thèm được ai đó yêu mình, thèm được một lần biết rung động vì  da thịt của tình yêu chà xát  lên da thịt mình. Nhưng… chị bị nhiễm HIV rồi Phúc ạ.
Ánh chớp lóe lên, loang loáng vệt nước mắt trên khuôn mặt như đắp bằng sáp của người đàn bà hơn tôi sáu, bảy năm sinh. Hình như dòng nước mắt đang chảy từ quãng đời chị sang tôi, nó rần rần nóng trong huyết mạch làm nhịp tim tôi đập dồn dập. Cảm giác lạ ùa đến. Tôi chợt nhận  thấy thằng con trai  trong mình yêu thương chị đến xót xa. Tôi xoay hẳn người lại, gục mặt vào vòm ngực của người đàn bà đã cứu mình mà khóc.Tôi khóc bật thành tiếng, khóc như một đứa trẻ, như chính tôi đang bị oan ức trước cuộc đời vậy.
 
Vòm trời phía đông sáng hơn đôi chút. Chị bảo. “ Đấy là ngày mai, còn đêm nay vẫn đục như thạch vữa. Bốn phía Lũng Gió không còn vọng tiếng hú, tiếng gọi nhau nữa, chỉ có dòng lũ đang quằn quại, ùng ục nước cuốn cây đổ, ùng ục tiếng sặc nước của động vật sắp chết, xen lẫn tiếng đất lở bên kia bờ  suối Lủ vọng tới. Chắc thấm lạnh, chị lại cúi xuống ho rũ rượi. Bồn chồn không yên, tôi đứng bật dậy.
– Em phải  bơi sang đồi Cỏ Lác. Một số nhà đã chạy lên đấy thế nào cũng có thuyền. Chị nắm tay tôi rất chặt như chỉ sợ hơi lỏng một chút là tôi tuột mất. Giọng chị ướt nhèm van vỉ.
–  Đừng vội! chờ sáng đã.
Tôi quả quyết.
–  Nước lên nhanh lắm không chờ đến sáng được đâu.
Chị càng nắm tay tôi chặt hơn.
–  Nước dữ lắm bơi thế nào được Phúc ơi!.
Tôi bỗng  cứng cỏi trong từng lời, một nửa trấn an chị, một nửa khẳng định rất khoát cho việc mình phải làm.
– Quê em ở ngã ba sông, mỗi mùa lũ toàn bơi ra vớt củi rều. Từ đây sang đồi chưa đến trăm mét, chị yên tâm đi.  Trước khi xuống nước tôi còn kịp dặn.
– Chị  hãy  giữ ấm ngực mình, đừng lo cho em.
***
Quên cả lạnh. Vừa có thuyền tôi quay lại ngay. Trời mờ sáng, đủ nhìn thấy  mấy cành móc gầy guộc loi thoi trên mặt nước. Nóc nhà chị Sóng đã biến mất. Toàn thân tôi toát lạnh đứng không vững khi ngập vào mắt tôi chiếc khăn choàng trắng, một nửa lập lờ trong nước, một nửa vướng vào cành móc. Vừa chèo thuyền lòng vòng quanh đấy xem chị có bấu víu vào đâu hay không, tôi vừa lấy hết sức mình gọi:  Chị Sóng ơi…!  Sóng ơi..ời …Gái ơi…ời! tiếng tôi gọi chị va vào vách núi dội lại…Sóng ơi…ời!…Gái ơi …ời!  gió nhân lên thành một chuỗi âm thanh  vỡ vụn vọng về chính tôi.
Lũ rút. Lũng Gió ngổn ngang  tàn phế trong sình lầy. Tôi như kẻ mất hồn, cứ ôm chiếc khăn choàng trắng lội đến những nơi có xác người đã được vớt lên. Không có chị. Mừng quá. Tôi đến từng nhà trong bản để hỏi tin tức về người phụ nữ Kinh mở hiệu may ở Lũng Gió, nhưng vô vọng.
Tôi tin vào sức sống phồn hậu trong tâm hồn trinh trắng ấy. Nhất định đời sẽ đền bù cho chị cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhất định chị phải sống để nghe lời tỏ tình của tôi. Ý nghĩ miên man dẫn tôi về  bên suối Lủ. Dòng nước lại êm đềm như ngày chưa lũ. Chiều muộn. Nước suối  thăm thẳm như mắt người đàn bà trẻ đang nhìn tôi…Chợt có người mách. Bệnh viện huyện Nà Dương đang điều trị cho những nạn nhân của lũ. Tôi bật dậy chạy như bay xuống núi. Tia hi vọng mỏng manh lóe sáng trong tôi.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hà
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *