Bài nổi bật

Tìm thấy Thành Hoàng – Trịnh Thanh Phong

 

Đọc truyện đêm khuya – Tắt mặt trời, Phục vội nai nịt cái bao da vào thắt lưng, đẩy viên đạn không có đầu vào ổ khẩu CKC, chụp cái mũ le lên đầu rồi nhẹ lẻn đi. Phục hạ quyết tâm phải tóm được tay tàu cuốc lôi nó về nộp cho ông trưởng thôn. Một phần để dẹp hẳn cái nạn đào bới cát làm sạt lở bờ sông mất ruộng, mất xoi bãi của thôn xã trong đó có nhà Phục. 

Mặt khác từ ngày được bà con làng Thông và chính quyền địa phương tin tưởng bầu vào chức danh công an viên Phục vẫn chưa làm được công trạng gì để đáp lại lòng mong muốn của làng xã. Đêm đêm vẫn xảy ra chuyện cắp vặt con gà con qué, chuyện thanh niên làng trên, làng dưới ẩu đả lẫn nhau vì những việc ghen tuông giai gái lằng nhằng… dẹp những chuyện này ai cũng biết là khó bởi người gây ra không phải quân hằn quân thù ở đâu đến mà toàn dây mơ rễ má người nhà cả. Ai cũng biết vậy nhưng người ta cứ nói, cứ cho là năng lực công an viên thế là kém, thế là chưa biết cách làm… Lại bây giờ đám tàu cuốc cát sỏi cứ đêm đêm vục vào bờ xúc cát đi bán làm lở lói bao nhiêu ruộng đất của làng xã mà chả làm gì được. Cái tàu nó to chứ có phải cái kim đâu mà không nhìn thấy. Tay Phục chắc cũng dẫm vào dấu chân của các bậc đi trước nhận tiền của nó rồi làm ngơ… Phục nghe tức mà phải bỏ ngoài tai. Không bỏ ngoài tai cũng không được. Xóa sự dèm pha này chỉ một cách duy nhất là dẹp được một vụ thật to thì mới bịt được mồm miệng những đám nhàn việc ngồi quán buôn dưa lê và như thế dân chúng, chính quyền cũng mới thật sự nhìn thấy năng lực và bản chất của mình. Nghĩ vậy Phục càng phải quyết tâm. Phục rẽ đám lau sậy qua chỗ nghĩa địa gò Mít lần xuống vụng ghềnh Vại rồi tuột xuôi cái mỏm đá nhô ra chỗ bến Đình. Phục chui vào gốc cây ngái đại thụ thò khẩu CKC ra mặt sông chờ mục tiêu.
 
Tìm thấy Thành Hoàng – Trịnh Thanh Phong
Bảy giờ, tám giờ, rồi mười, mười một giờ mặt sông vẫn phẳng ngắt không động tĩnh. Hay là lộ, hoặc trong làng có tay trong thông đồng với đám tàu cuốc lúc mình khoác súng ra đi nó báo cho nhau biết rồi? Không thể. Bọn tàu cuốc này cũng ma cô lắm, đi ăn trộm nhưng nó không theo quy luật nào. Kiên trì một tý, các cụ bảo làm việc gì cũng phải kiên trì thì mới có kết quả nhất là cái việc làm công an lại càng phải kiên trì, kiên nhẫn, không những chỉ kiên nhẫn kiên trì mà còn phải nhanh nhạy, dũng cảm mưu mẹo nữa chứ. Mình chưa qua trường lớp nghiệp vụ công an nhưng trước khi nhận chức cũng được đi luyện tập huấn nghiệp vụ hàng tháng giời. Phải kiên nhẫn nhất định sẽ lập công. Phục lại vạch đám lá ngái nhìn ra dòng sông. Dòng sông về khuya như giấc mơ chảy qua tâm trí Phục. Đắm mình vào dòng sông Phục như nhìn thấy tuổi thơ mình bồng bềnh trên mặt nước những chiều nồm cánh buồm trắng đầy gió chạy ngược ngân khắp mặt sông tiếng rào rạt của gió, của nắng làm dịu đi những nhọc nhằn của con người dọc đôi bờ quanh năm làm lụng tạo ra màu xanh bất diệt đời đời của quê nhà. Dòng sông mềm mại như bàn tay người mẹ bao đời ôm bế ru hát cho đôi bờ thế mà bây giờ nó cứ lở lói hầm hố bao nhiêu lỗ, bao nhiêu hố cứ khoét sâu dần vào da thịt của làng xã. Tất cả cũng chỉ tại đồng tiền, tại miếng mỡ nổi mà người ta xâu xé để cái đẹp muôn thuở của dòng sông mỗi ngày tự biến mất. Kẻ gây thảm họa, thương tích cho dòng sông lại là con người, bọn tàu cuốc buôn cát sỏi. Phải chặn đứng bàn tay của chúng, phải giữ lấy vẻ đẹp đôi bờ của dòng sông!… Phục nghĩ vậy và đôi mắt lại dõi ra nhìn thấu đêm. Kia rồi, một chiếc, hai chiếc, ba chiếc tàu cuốc đang từ dòng nước hai lù lù húc mõm vào bến Đình. Chiếc đi trước bắt đầu húc mõm vào bờ, tiếng máy ục ục mạnh dần, sóng nước cuộn ra phía sau nó ào ào. Bắn một phát cảnh cáo hay kệ nó? Phục chau mày, ngón tay từ từ bám vào cò súng nhưng tự nhiên như có người ra lệnh, ngón tay Phục lại mềm ra. Cứ để xem đã. Chiếc tàu bắt đầu vục cát lên đổ vào khoang. Một cuốc rồi hai cuốc, đến cuốc thứ ba thì tự nhiên nó khựng lại, một tay phụ lái nhào lên bờ chiếu đèn vào cái hố chỗ đầu cuốc rồi nhao ngay lên boong hai tay cứ ra hiệu cho thằng ngồi trong buồng lái và những chiếc tàu khác cài số lùi. Có chuyện gì hay là bọn chúng phát hiện ra Phục? Phục nén người như dán vào cây ngái, đầu nhao ra dòng sông quan sát. Tay đứng ở boong giọng vẫn hổn hển:
– Mẹ kiếp, không biết mõm quả bom hay là hài cốt các bố ạ. Toi mấy triệu bạc với lão Hạn chủ tịch rồi.
– Toi thế đ… nào, không lấy được cát thì bắt lão nôn ra chứ…
– Nôn cái con b… vả còn phải găng tê với lão ta nhiều chứ, cái bờ sông dài chứ đâu chỉ đoạn này.
– Hay là cứ múc, sợ đ… gì hài cốt, sợ đ… gì bom, mà bom thì cũng chỉ là bom câm,  ngâm nước từ thời chiến tranh đánh Mỹ còn gì…
– Đ… vào, tao lùi đây, đụng vào đấy không đùa được. Là bom thì nó nổ, là hài cốt cũng chẳng đùa, đụng vào cõi âm vớ vẩn bỏ mạng trên sông có ngày… – thế là cả đám lùi dần ra dòng nước hai rồi trôi xuôi.
 
Phục ngồi lặng, những ý nghĩ trong đầu cộm lên: Tại sao bọn chúng lại bảo mất toi mấy triệu bạc với lão Hạn? Lão Hạn là chủ tịch xã này tại sao ông ta lại ăn dơ lấy tiền để cho chúng múc cát phá ruộng, phá xoi của làng xã? Vô lý. Hay là mình nghe nhầm? Lão Hạn hay là lão Hưng? Hưng hay Hạn cũng đều là người có chức sắc trong làng xã cả. Khó hiểu thật. Phục bần thần không tự lý giải được mà cũng không thể nói chuyện này với ai. Biết thế đã. Phục tuột xuống khỏi cây ngái, tay vẫn khư khư khẩu súng từng bước thận trọng tiến lại cái hố sâu hoáy mà cái tàu cuốc vừa lùi ra. Phục chiếu đèn pin nhìn khắp lượt. Có thấy gì đâu mà bọn chúng bảo có bom câm hay hài cốt… đúng là bọn ăn trộm nhìn gà hóa cuốc rồi. Mẹ kiếp thế là sổng mất một vụ to. Phục chống báng súng xuống đất thở dài bỗng lại thấy tiếng lõm bõm cát xô xuống nước. Phục bấm đèn pin nhìn lại cái hố một lần nữa. Cái gì chỗ cát vừa lở kia? Phục nhích lại gần, đề phòng là quả bom, Phục bẻ cái que khẽ khời khời. Cát rơi ra, một cái hình như cái sọ dừa đen óng như màu cây tre bắt bồ hóng để trên gác bếp. Trăm phần trăm không phải là quả bom. Phục bật cái lê trên đầu khẩu CKC khẽ cời vào chỗ đỉnh tròn xoe như quả bưởi. Thấy bật lên những sợi lòng thòng như tóc. Phục giật mình nhưng nhờ cái gan to lại từng quen với việc bốc mả nên Phục bình tĩnh lại ngay. Phục vẫn dùng cái lê khời khời. Cát cứ trôi xuôi xuống nước. Cái vật lạ lộ nguyên hình một người tượng ngồi khom lưng nhìn ra dòng sông. Phục khẽ  cào móng tay vào chỗ bả vai lại thấy nhấp nhoe màu vàng. Vật thiêng thật rồi! Một là tượng vàng hoặc đồng đen chứ chả đùa. Giời cho thật nhưng là công an viên ai lại lấy gọn của giời vả có lấy bê về nhà mình thì cũng phải làm ván xôi con gà nhang khói xin giời đất chứ không nó bóp lè cổ. Phục tần ngần chưa tính ra cách hợp lý thì tự nhiên bên tai nghe như có tiếng thầm thì. Không biết tiếng dòng sông hay tiếng người nhưng một vùng ký ức trong đầu cứ ánh lên, Phục nhớ câu chuyện bà nội kể chỗ này ngày xưa là nơi làng hội tụ hàng năm rất đông đúc. Trên cái bến có ngôi đình to và đền thành hoàng làng. Đền thành hoàng làng là thờ ông cụ Đội Bờ. Truyện dài dài nhưng đại loại là thế này. Thời làng còn trong trứng nước, hàng năm nạn Sơn Tinh, Thủy Tinh nước sông Lô ngập gây cảnh đồng điền chiêm khê mùa úng quanh năm. Ông cụ Bờ (Lê Đội Bờ) gọi dân khơi con ngòi Châm cho nước thoát ra sông Lô và đắp con đập to chạy từ núi Vai ra gò Hồn ngăn giữa chằm Đầu và chằm Xao để mùa ngập nước không tràn lên ngược và khi nước cạn chằm Đầu và chằm Xao vẫn không bị kiệt nước. Đảm bảo cho dân hai làng cày cấy quanh năm thuận lợi. Làm xong công trình này do nhiều năm tháng ở trần, đội đất đắp bờ ông cụ lâm bệnh chết. Nhớ công ơn cụ dân hai làng lập ngôi đền đón thợ tạc tượng ông để con cháu muôn đời nhớ mãi. Pho tượng đang nằm đây liệu có phải? Nhưng chắc là không bởi cái thời chống mê tín dị đoan người ta giỡ đình chùa miếu mạo đến cái kèo cái cột còn đốt bỏ huống hồ ai còn dám vùi cái tượng ông cụ Đội bờ giấu xuống đây! Chắc chắn là không phải. Nhưng nó là cái gì? Cái gì thì cũng là của giời của đất. Đã là của giời của đất thì không được đụng vào nhất là mình lại giữ chức công an viên của làng. Thôi được, cứ để cụ ngồi đây. Phục bẻ mấy cành lá che kín pho tượng rồi xách khẩu CKC đi thẳng về nhà ông Dận trưởng thôn.
Tìm thấy Thành Hoàng – Trịnh Thanh Phong
Nửa đêm nghe tiếng gọi lại là tiếng thằng Phục công an viên, ông Dận vội nhoàng dậy, mắt nhắm mắt mở đẩy cửa. Nhìn thấy Phục lù lù đứng ở chỗ cái cột hành tay vẫn khư khư khẩu súng. Giọng ông cập rập:
– Bắt được kẻ gian hả?
– Đâu có.
– Thế nửa đêm lay người ta dậy làm gì?
– Có việc quan trọng còn hơn là bắt được kẻ gian.
– Việc gì?
– Dạ, dạ báo cáo…
– Cáo với cầy gì, nói nhanh …
– Em phát hiện chỗ bến Đình có… vừa nói Phục vừa kéo tay ông Dận đi như chạy. Đến chỗ gốc cây ngái Phục dựa khẩu CKC rồi đi từng bước chậm đến chỗ đất lở bọn tàu cuốc vừa vục vào. Phục kéo mấy cành lá, bấm đèn pin khời đất. Cái đầu pho tượng trọc hếu hở dần ra. Phục bảo: – Em đang ngồi phục đám tàu cuốc chỗ gốc ngái kia, thấy đất lở từng mảng, em lén lại xem thì thấy cụ ngồi đây, sợ quá vội chạy báo anh. – Trưởng thôn Dận khẽ thò tay di di vào đỉnh đầu pho tượng một lúc rồi ông nói như chả hề có chuyện gì quan trọng.
– Tưởng gì, đây chắc là tượng ông phật ở chùa Thông, hồi phá đình chùa miếu mạo chắc nó lăn xuống đây lâu ngày cát nó vùi lấp… cứ để đấy mai giải quyết.
– Nhưng…
– Có chó gì mà nhưng với nhá, cậu cứ phủ mấy cành cây lại về ngủ, sáng mai ra tớ gọi mấy thằng khoe khỏe khiêng cụ lên rồi giao cho mấy vãi ở chùa Châm là xong chuyện.
– Vâng, thế anh nhề. – Nói rồi Phục lại kéo mấy cành lá đậy pho tượng như cũ rồi lủi thủi theo Dận ngược bến. Đến cổng nhà, Dận vỗ vai Phục :
– Về ngủ, mai khoảng sáu, bẩy giờ ra tớ, nhớ gọi mấy thằng khỏe khỏe nhá.
– Vâng. Phục cắm dầu đi. Dận lủi vào ngõ đứng tựa gốc mít ngửa mặt nhìn giời, lòng Dận như có cờ bay. Hắn tâm đắc: Nếu không phải đồng đen cũng là vàng hoặc ít ra cũng là đồ cổ quý hiếm. Phen này không nhà lầu cũng xe hơi bận quái gì phải vườn ao chuồng mãi cho nó khổ. Hà, hà… lão cuời một mình rồi tút cái điện thoại gọi cho Phục:
– Về đến nhà chưa?
– Đến rồi ạ.
– Nhớ sáng dậy sớm …
– Vâng, vâng trưởng thôn khỏi lo.
– Tốt. Hắn tắt máy rồi đẩy cửa dựng hai thằng con giai dậy. Hai thằng còn mắt nhắm mắt mở hắn đã lôi cái chạc thiếu và cái đòn càn dúi vào tay: -Đi theo bố. Hai thằng con chả hiểu gì nhưng vốn sợ bố nó lóp ngóp bước theo. Đến chỗ bến đình hắn mới ghé vào tai hai thằng:
– Bố đi tuần, phát hiện ra pho tượng quí. Phen này nhà ta sẽ phất to. Mau chân lên các con. Hắn giục rồi ba cha con cùng thận trọng lần đến chỗ đất lở. Hắn kéo mấy cành cây thằng Phục vừa lấp vào rồi bảo hai thằng con: xúm tay vào nhanh lên. Thế, thế. Luồn cái chạc thiếu vào háng ông ta, thít chặt , lùa đòn vào. Thế, được rồi. Ghé vai vào. Hai thằng con lên gân, pho tượng bộc lên. Hắn ghé vai vào chỗ giữa cái đòn. Cứ thế một mạch vượt dốc. Đến nhà cha con hắn lẹ đặt pho tượng vào góc sân, bây giờ vấn đề nan giải mới bày ra. Cất vào chỗ nào để giữ được bí mật kín đáo? Hắn tần ngần, hai thằng con bảo:
– Đặt cụ xuống cái giếng cạn rồi đùn cái cây rơm đặt lên trên có mà thánh biết…
– Phải, phải hai thằng này thế mà sáng dạ. Nào mó tay vào. – Ba cha con hắn hỳ hục một lúc việc đã đâu vào đấy. Ngồi vào cái tràng kỷ, hắn cười rồi bê cái bình rượu rót đầy ba cốc. Bố con cùng cạch rất đắc ý. Đặt cái cốc xuống bàn hắn bảo: – Ngủ thôi các con, đừng để mẹ mày biết. Hắn tắt đèn rồi chui vào bo đít vợ nhưng hắn nín thở nằm lặng.
Mờ sáng Phục đã gọi cổng. Hắn đẩy cửa chạy ra: – Chờ tý, tớ vuốt qua cái mặt. Nói rồi hắn lật đật ra giếng kéo nước. Phục và mấy thanh niên ngồi bệt lên mấy cái rễ mít ngáp dài. Lau mặt xong, hắn giục:
– Đi nhề. Phục và mấy thanh niên bước theo. Đến nơi, thấy mấy cành lá vật vờ ngoài dòng nước hai. Phục vội lao đến chỗ bãi cát lở, hai tay cào cào đống cát một hồi, Phục tròn mắt kêu lên: Cụ biến rồi bác Dận ạ!…
– Biến đi đâu, thần thánh gì mà biến. Nói đoạn hắn cũng lao đến hai tay cùng Phục xục vào cát. Không thấy thật. Hay là cát xô cụ lăn xuống vụng?
– Để cháu lặn xuống xem sao. Vừa nói mấy thanh niên vừa tuột quần áo dài nhảy tùm xuống sông. Lặn ngụp một hồi chúng nhao lên cùng lắc đầu. Hắn bảo:
– Chắc là thánh thần thật! Tượng phật nó thiêng thế! Thôi coi chuyện này là không có gì nhá. Lộ ra người ta bảo mình nói phét và tuyên truyền mê tín dị đoan là mất chức đấy.
– Vâng, vâng Phục và mấy thanh niên cùng đồng thanh. Hắn bảo :
– Về thôi, vào nhà tớ làm cốc rượu cho nó xóa đi việc này. Nói rồi hắn cắm đầu đi trước. Nốc hết bình rượu ngâm thuốc, Phục và mấy thanh niên rút. Hắn ngồi một mình, lòng dạ phơi phới như có cờ bay.
Tìm thấy Thành Hoàng – Trịnh Thanh Phong
Công việc làng quê thời hội nhập, Phục cũng quên bẵng chuyện này nhưng một thời gian đêm đêm Phục đi tuần lại thấy thấp thoáng những người lạ qua lại nhà ông trưởng thôn. Có bận thấy mấy người cổ cồn cà vạt rất sang trọng hỏi nhà, được cớ Phục dẫn họ đến vừa chọn bổn phận người làng vừa để thám thính xem họ gặp ông Dận có việc gì. Thấy mấy người đi cùng Phục, Dận reo toáng từ đầu ngõ rồi cứ mồm năm miệng mười: Mấy anh bạn thời bộ đội giờ đang công cán dưới Bãi Bằng rồi lại kéo vào cái tràng kỷ say bí tỷ. Thấy vậy Phục hết ngờ. Hắn cũng không lăn tăn gì đến việc Phục để ý hắn. Nhưng chuyện lại toạc ra vào một buổi lúc chiều tà. Tự nhiên thấy khói lửa đùn lên từ chỗ cây rơm nhà hắn. Mọi người tri hô: – Nhà trưởng thôn Dận cháy, cháy bà con ơi!… – Dân làng bốn phía ùa đến, người thùng, người chậu, người cành cây cùng  xô vào nhưng ngọn lửa đã ngoàm hết đống rơm và bắt đầu leo sang mái bếp. Mọi người phải dốc cật hàng giờ mới dập được ngọn lửa không cho nó leo sang mái nhà lớn của Dận. Khi chỉ còn bơ thờ vài vệt khói, mọi người cùng đồng thanh: Hú vía nhưng còn phúc to… Rồi họ cùng dọn dẹp cây gậy. Một bà ngó xuống cái giếng cạn rồi kêu lên thất thanh: – Người, ngưòi … Dân làng xô đến bấu quanh cái miệng giếng cạn, ai cũng nhìn thấy cái hình người đỏ rực. Phục vội bê thùng nước đổ ào xuống. Khói mù lên rồi loãng dần ra như sương tan. Pho tượng trở lại đen nhánh lồ lộ dưới lòng giếng. Phục còn ngơ ngác thì hắn sốt sắng:
– Đúng, đúng là thánh thật chú Phục ạ… Phục nhìn hắn cười nửa miệng nhưng không nói gì. Bà con mỗi người một câu: – Có khi tượng Thích Ca hồi phá đình chùa các bố lẳng xuống đây? – Thích Ca cái tượng chỉ to hơn cổ chân tôi chứ làm gì… Nhưng mà là của đền chùa đấy, đừng đụng vào. Chú Phục là công an cứ báo văn hóa xã để họ liệu…
– Phải, phải đấy, cứ để cụ đấy, chú Phục đi báo cho văn hóa xã đi. Phục đang loay hoay thì bà cụ Quản lọ mọ chống gậy đến. Cụ ngó vào từng người rồi móm mém hỏi:
– Cái gì mà ầm ỹ làng xóm thế?
– Cháy cây rơm, lửa bén vào bếp nhà bác Dận tý nữa thì vèo cả nhà…
– Phúc đức, phúc đức quá.
– Cụ ơi!…
– Gọi lão cái gì?
– Cái cây rơm nhà bác Dận làm trên miệng cái giếng hoang, khi bị cháy lại hở ra pho tượng đen xì, cụ có biết là tượng gì không?
– Thì phải nom thấy mới hay chứ.
– Cụ theo cháu – vừa nói Phục vừa dắt tay cụ đến cái miệng giếng. Ngó đi ngó lại, bà cụ bảo:
– Các anh có sức bê cụ lên ta xem. Phục ngần ngại. Bà cụ ân cần: Thấy thánh thần lâm nạn ta đỡ lên thì được phù hộ sợ cái gì. Nghe cụ nói vậy Phục và mấy thanh niên tuột xuống giếng. Chỉ vài phút họ đã bê được pho tượng để lên mặt đất. Bà cụ Quản rờ chân, rờ tay pho tượng rồi khẽ kéo vạt áo lau mắt rồi lẩm bẩm một mình nhưng mọi người ngồi vây quanh cái giếng lại nghe được tất cả những điều cụ nói với pho tượng: “Mười lạy, trăm lạy Thành Hoàng làng! Từ ngày người ta khuân dỡ bỏ đền chùa! Thành Hoàng nằm ở đâu mà hôm nay mới hiện về! Gần kề miệng lỗ rồi con lại được nhìn thấy Thành Hoàng! Lớp người tuổi con đi hết rồi! Cả những người phá dỡ đền cũng đi hết rồi. Nhìn thấy Thành Hoàng con lại nhớ cái thời con gái mỗi ngày ra quét đền, quét xong ngồi ngắm Thành Hoàng thấy lòng mát mẻ yên tĩnh lạ thường. Con lại thấy những ngày Thành Hoàng cùng dân xã đội đất đắp đập, con đập to lên hai làng Châm,Thông no đủ. Thành Hoàng về tiên! Dân làng Thông tạc tượng lập ngôi đền này để nhớ công đức người có công khai thiên lập địa làng xã. Hàng năm cứ ngày mồng bẩy tháng giêng người người lại đội gạo trắng lên đền tế lễ và kể cho con cháu nghe về công đức của Người và nhờ được Thành Hoàng luôn phù hộ nên làng xã bình ổn, con cháu ăn nên làm ra, sống có kỷ cương phép tắc từ trong nhà ra đến ngoài ngõ!… Từ ngày người ta bắt dỡ bỏ đền, Thành Hoàng biến mất nên cái làng cứ mỗi ngày tiêu điều rồi đói khát. Nhà nhà lục đục xoay vần quanh miếng ăn, cấu xé lẫn nhau mất hết kỷ cương phép tắc! Gió bốn phương ùa vào kéo chúng sinh đi tứ phía. Kẻ lạc đến bãi vàng rồi nghiện ngập đâm chém lẫn nhau chịu tù chịu tội, kẻ tha hương ra phố phường đánh đĩ kiếm ăn, người có quyền hành thì chỉ tính chuyện vơ vào bọc mình!… Nhìn thấy mà vẫn phải chắp tay vái họ! Bây giờ Thành Hoàng hiện về con cũng kề miệng lỗ rồi nhưng vẫn một lòng thành kính! Con ngửa tay cúi đầu nam mô mười lạy, trăm lạy mong Thành Hoàng tỏa phép cứu đỗi dân làng!…” – Bà cụ cứ cúi đầu vái. Trong lời khấn vái của cụ có nhiều đoạn trùng hợp với câu chuyện truyền miệng Phục đã lõm bõm được nghe. Phục đáo mắt nhìn quanh, không thấy trưởng thôn Dận đâu nữa. Phục kính cẩn nói với bà cụ Quản:
– May mà còn cụ, chúng con mới tỏ làng mình xưa cũng có Thành Hoàng, cụ về nhớ lại để chúng con mời văn hóa xã đến ghi chép tỷ mỷ rồi xin phép nhà nước xây lại cái đền rồi rước Thành Hoàng về để con cháu tôn vinh.
– Anh có lòng thế là già mừng, nay mai có ra chỗ gò Mít kia nằm cũng mát ruột nhưng chỉ sợ mấy ông xã lại không nghe…
– Dạ, dạ sao chúng con chả nghe – Ông đứng đầu xã và anh cán bộ văn hóa cũng đến đây từ lúc nào. Chắc tỏ câu chuyện họ cùng ngồi thụp cạnh bà cụ đang quỳ dưới chân Thành Hoàng làng cứ thế nam mô vái theo. Bà cụ bảo:
– Bây giờ các ông bảo dân làng tắm rửa cho Thành Hoàng sạch sẽ đi rồi rước tạm về cái nhà văn hóa để. Sau này xây cái đền ngay cạnh đấy, cái chỗ gốc cây si kia kìa, chính chỗ đó là cái sân đền ngày xưa đấy. Phía tả cây si là lối ra bến đình, phía hữu là ngôi đình to nơi dân làng hội họp đấy. Khi xây xong đền thì rước cụ lên đó. Nhớ hương khói cẩn thận. Việc phải thật thành kính thì mới được phù. Sau đó nhớ ghi lại câu chuyện ta kể rồi lập danh sách những anh hùng liệt sĩ của làng đã ra đi trong thời loạn thằng Pháp, thằng Mỹ đưa vào đền để ngay dưới tượng Thành Hoàng rồi tiếp đến những người có công liêm khiết trong làng xã dù họ ở đâu cũng phải ghi đủ tên tuổi và cả những người học hành đỗ đạt cao nữa cũng đều chạm tên tuổi, họ hàng đưa vào đền để ngày sau con cháu nó có niềm tự hào noi theo và dân tứ phương đến đây họ cũng mới tỏ cái danh làng mình. Xong việc này nếu ta còn sống cũng trẻ ra thêm đấy!…
– Cụ phải sống, sống để chứng kiến việc phục hồi lại đền Thành Hoàng làng ta chứ – Ông Dận từ đâu bổ về cũng ngồi thụp xuống chỗ bà cụ mồm miệng cứ như tôm tép những lời như vậy. Phục đảo mắt nhìn hắn rồi thỏ thẻ nói:
– Thế những tay có tội với dân làng có đưa tên tuổi vào đây không cụ?
– Có chứ! Cũng phải ghi tên tuổi chỉ đích danh tội tình của chúng và gạch mực đen lên mặt, đặt vào chỗ xó đền để dân chúng thấy và như thế kỷ cương của dân làng mới được giữ gìn. Khi đó ai ai đến đây cũng phải tự soi lại mình, họ sẽ tự sợ những điều tội lỗi! Có phải thế không hả ông xã?
– Bẩm cụ dạy rất phải ạ.
– Phải thì các ông phải làm theo đấy, đừng nói lấy lòng già mà chạm chỗ linh thiêng của thần thánh!… – Nói rồi cụ lại quỳ vái thêm ba lễ rồi lọ mọ chống gậy đi về. Trời cũng bắt đầu tối nhưng ở phía bến Đình mọi người đều nhìn thấy những ngôi sao nhấp nháy dưới đáy sông ánh lên cùng gió trời rào rạt.
 
(Nguồn: Văn nghệ số 13/2014)

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *