Bài nổi bật

Tình Yêu Và Trái Bóng Tròn & Tình Yêu Và Môn Lôgic

RadioVn.Com – Tình yêu thì muôn ngàn lối… Với hai truyện ngắn “Tình yêu và trái bóng tròn” của E.Gemazasvilly và “Tình yêu và môn lô-gic” của Max Shulman, các bạn sẽ biết đến hai lối vào đường tình: bóng đá và môn lô-gic. Còn hai lối đi đó có vững chãi, an toàn hay không, điều đó lại phụ thuộc vào sự may mắn của các bạn bởi vì tình yêu, dù sao, vẫn cứ là viên xúc xắc trong tay Thượng đế…
———————-
1 – Tình Yêu Và Trái Bóng Tròn
Cô gái có đôi mắt to màu xám. Anh chàng thì có đôi chân dài và mặc một chiếc quần ống loe.
Ông thẩm phán đã luống tuổi, trong đời mình ông đã từng chứng kiếm không ít những vụ ly hôn và giờ đây ông không hề muốn cái gia đình trẻ này bị tan vỡ.

– Vì sao anh chị lại muốn ly hôn? – ông thẩm phán hỏi.
– Bởi vì anh ta chẳng thấy gì hết ngoài bóng đá cả – cô vợ nói sau khi đưa cặp mắt phẫn nộ về phía chồng mình.
Ông thẩm phán liếc nhìn đôi vợ chồng trẻ với vẻ thông cảm.

– Anh chị lấy nhau khi nào? – ông hỏi.
– Ông cứ hỏi anh ta mà xem, ngay cả điều này chắc là anh ta cũng chẳng còn nhớ được đâu… – Trong mắt cô đã rơm rớm giọt lệ.
– Lại bắt đầu rồi đây! – anh chồng thở dài – Sao lại không nhớ chứ! Vào chính ngày hôm đó đội bóng chúng tôi đã thắng đội “Spartac” với tỷ số 1:0 đấy.

Thẩm phán chăm chú nhìn người chồng, sau đó lại quay sang cô vợ:

– Anh chị có con chứ?
– Vâng, một cháu trai… – Gương mặt cô thoáng chốc trở nên rạng rỡ – Nhưng ông cứ hỏi anh ấy mà xem. Không lẽ anh ta còn nhớ là mình lại có một đứa con trai nữa sao?
– Lại thế rồi – người chồng cau mày – Sao tôi lại không nhớ là con trai chúng tôi sinh vào tháng 11 cơ chứ! Vào ngày hôm đó chúng tôi đã chiến thắng vang dội trước đội “Dinamo” Moskva với tỷ số 11: 5. Thế mới gọi là đá bóng chứ!
– Anh chị đã cãi cọ với nhau lần đầu tiên vào khi nào?
– Bảy năm trước đây ạ. Thật là một năm khủng khiếp. Đội chúng tôi đã bị thua “Zenit” 1:2, mặc dù chúng tôi vẫn còn những cơ hội để về nhất. Thế mà bỗng nhiên đội “Dinamo” Moskva lại dẫn trước chúng tôi 2:1, cả hai bàn thắng đều do công của Trislenco, rồi sau đó chúng tôi đã thủ hòa với đội “Thợ mỏ”…
– Ông nghe thấy rồi chứ? – cô vợ nói đầy hàm ý và đưa khăn tay lên chấm mắt.
– Thế anh chị đã làm quen với nhau như thế nào? – thẩm phán hỏi.
– Cái ngày hôm ấy thật là đáng nguyền rủa – cô than vãn – Lần đấy là ở sân vận động và thế là chúng tôi đã gặp nhau…
– Đúng, đúng rồi, tại sân vận động. Ái chà, quái chiêu thật đấy, thế mới gọi là trận đấu chứ! “Dinamo” Moskva – “Dinamo” Tbilisi đấu với nhau. Tỷ số 2:1 nghiêng về “Dinamo”. Tác giả hai bàn thắng này là Metrevili và Meshi. Các bạn tôi đã chơi bóng thật chuyên nghiệp. Misa Meshi thì đánh ở khung thành trái, Beliaev nhảy lên…
Đến đây thì ông thẩm phán đấm tay xuống mặt bàn:

– Điều thứ nhất, Meshi đã đánh quả bóng này bằng đầu. Và điều thứ hai, không phải Beliaev đứng bắt gôn mà chính là Lev Yasin. Còn điều thứ ba là, tôi sẽ không giải quyết cho anh chị ly hôn đâu. Chẳng hiểu gì về bóng đá cả mà cũng đòi là người đá bóng cơ đấy! Thôi, hãy đưa vợ về nhà đi và chừng nào mà còn chưa thực sự hiểu về bóng đá thì đừng có mà xuất hiện trước mặt tôi đấy.
Anh chồng đỏ mặt lúng túng, vụng về ôm lấy vai vợ rồi họ đi ra cửa, rời xa khỏi ông thẩm phán đầy uy quyền và hiểu biết…

– Thử nói xem nào, có thật là anh biết rõ về bóng đá như thế không đấy? – tôi hỏi ông thẩm phán khi đôi trẻ đã khuất sau cánh cửa.
– Tôi có thông thạo gì về bóng đá đâu – ông trả lời.
– Thế sao anh lại biết rõ về Lev Yasin như thế được?
– Đó là một cái tên cầu thủ duy nhất mà tôi nghe thấy đấy – Ông thẩm phán mỉm cười bối rối – Đành phải diễn một vở kịch nhỏ vậy. Tôi chẳng hề muốn phải chia rẽ cái đôi uyên ương đáng yêu này một chút nào cả.

Tác giả: E.Gemazasvilly
Tình Yêu Và Môn Lôgic
 
2 – Tình Yêu Và Môn Lôgic
Tôi cần Polli. Xin cho phép tôi nhấn mạnh rằng về bản chất, ham muốn của tôi không phải là cảm tính. Tất nhiên đó là một cô gái luôn gợi lên nhiều tình cảm, nhưng tôi thuộc số những người đặt trái tim dưới sự kiểm soát của lý trí. Tôi ham muốn Polli là về mặt lý tính. Tôi là sinh viên năm thứ nhất khoa Luật. Vài năm nữa tôi sẽ hành nghề luật sư. Tôi nhận thức rõ rằng đối với sự nghiệp một luật sư, việc biết cách chọn vợ đúng đắn là hết sức quan trọng. Tôi nhận thấy các luật sư thành đạt ai cũng đều lấy những phụ nữ xinh đẹp, kiều diễm, có học vấn kha khá. Polli hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu ấy, ngoại trừ một điểm. Nàng xinh đẹp. Nàng kiều diễm. Cung cách xử sự của nàng không chê vào đâu được. Chỉ có điều trình độ học vấn của nàng không cao. Ngược lại là khác. Nhưng tôi hy vọng dưới sự hướng của tôi, nàng sẽ thông minh lên. Trong bất cứ trường hợp nào cũng nên thử xem sao. Bởi làm cho một cô gái ngốc nghếch xinh đẹp trở thành thông minh dễ hơn là làm cho một cô gái thông minh xấu xí trở thành xinh đẹp.
Cuộc hẹn hò đầu tiên của tôi với Polli thuần tuý mang tính chất thăm dò. Tôi phải xác định xem tôi cần bỏ ra bao nhiêu công sức để nâng trí tuệ nàng lên đến mức tôi đề ra. Thoạt tiên tôi mời nàng đi ăn. “Tuyệt, bữa ăn hết ý” nàng nói khi chúng tôi ra khỏi nhà hàng. Sau đó tôi dẫn nàng đi xem phim. “Tuyệt, bộ phim thật là cực kỳ”, – nàng nói khi chúng tôi ra khỏi rạp chiếu bóng. Rồi tôi đưa nàng về nhà. “Tuyệt, buổi tối hôm nay thú vị quá” – nàng kết luận. Tôi trở về phòng mình mà lòng nặng trĩu. Tôi hiểu rằng tôi đã đơn giản hoá nhiệm vụ của mình. Polli chẳng có học vấn gì cả, và tôi quyết định trước hết phải dạy nàng suy nghĩ cái đã. Nhiệm vụ lớn lao ấy khiến tôi phát hoảng, và tôi đã định nhường quách nàng cho Pity, anh chàng vẫn theo đuổi nàng, nhưng bỗng tôi lại chợt nhớ tôi vẻ đẹp mê hồn của Polli, thế là tôi bèn quyết định thử sức lần nữa. Trong việc này tôi rất có bài bản, cũng như trong tất cả những việc tôi đã từng làm. Tôi quyết định sẽ huấn luyện nàng một “cua” môn lôgic học. Thật may là tôi vừa học xong môn này, nên tất cả các ví dụ tôi đều rất sẵn.
– Polli, – tôi nói trong cuộc hẹn hò sau, – hôm nay chúng mình sẽ đến quán Noll nhé (quán này ở trong “thị trấn đại học” và là nơi hẹn hò của các cặp trai gái) để trò chuyện với nhau.
– Thế thì thích quá, – nàng đáp.
Nói gì thì nói, nhưng đúng là không có cô gái nào dễ chịu hơn nàng. Chúng tôi tới quán Noll, ngồi dưới cây sồi cổ thụ, và nàng nhìn tôi, vẻ dò hỏi:
– Chúng ta sẽ trò chuyện về điều gì?
– Về môn lôgic.
Nàng im lặng một phút, rồi nghĩ ngay rằng đề tài này rất thú vị.
– Tuyệt diệu, – nàng nói.
– Lôgic học, – tôi hắng giọng và mở đầu, – là khoa học về cách suy nghĩ. Trước khi học cách suy nghĩ cho đúng, chúng ta phải hiểu mấy lối nguỵ biện khái quát của môn lôgic. Đó chính là câu chuyện hôm nay của chúng ta.
– Hoan hô! – nàng reo lên và vỗ tay đôm đốp.
Tôi nhăn mặt lại, nhưng vẫn nói tiếp.
– Trước hết, chúng ta hãy xét lời nguỵ biện có tên là “nói đơn giản”.
– Hay quá, – nàng khích lệ.
– “Nói đơn giản” là cách lập luận dựa trên lối khái quát thiếu phẩm chất. Ví dụ: luyện tập thể dục thể thao là tốt, do đó, ai cũng phải luyện tập.
– Em đồng ý, – Polli nghiêm trang nói.
– Luyện tập củng cố sức khoẻ và đem lại nhiều cái lợi khác. Polli, – tôi âu yếm nói, – cách lập luận ấy là nguỵ biện. Luyện tập là tốt là một khái quát thiếu phẩm chất. Ví dụ, đối với người yếu tim thì luyện tập thể thao có thể là xấu chứ không phải là tốt. Nhiều người bị bác sĩ cấm luyện tập. Ta phải nâng cao phẩm chất cho lời khái quát. Ta phải nói luyện tập nói chung là tốt, hoặc: luyện tập là tốt đối với đa số. Em hiểu chưa?
– Chưa, – nàng thú thật – Nhưng nghe hay tuyệt. Anh nói nữa đi!
– Tốt nhất là em hãy để cho cái ống tay áo của anh được yên, – tôi bảo nàng và nói tiếp – Bây giờ chúng ta hãy xét lời nguỵ biện có tên gọi là khái quát vội vã. Em hãy lắng nghe nhé! Em không nói được tiếng Pháp. Do vậy, anh rút ra kết luận rằng không ai ở đâu nói được tiếng Pháp.
– Thật hả anh? – Polli ngạc nhiên.
Tôi nén cơn bực bội và nói tiếp:
– Polli, đó chính là nguỵ biện mà. Sự khái quát được thực hiện quá nhanh. Quá ít những trường hợp riêng lẻ, nên có thể kết luận như vậy.
– Anh còn có những nguỵ biện nữa chứ? – Polli hỏi, vẻ quan tâm.
– Nghe thích hơn là đi nhảy đấy. Tôi cố kiềm chế nỗi tuyệt vọng. Tôi cảm thấy tôi sẽ thất bại với cô gái này, thất bại cay đắng. Nhưng nghĩ rằng mình sẽ là kẻ hèn nếu bỏ cuộc, tôi nói tiếp:
– Bây giờ đến Post Hoc (hai từ mở đầu của châm ngôn Latin: sau đó, do vậy, do đó). Em nghe nhé: chúng ta sẽ không rủ Bill cùng đi pique-nique. Vì lần nào rủ nó đi, trời cũng mưa.
– Em biết một đứa nữa cũng như thế đấy, – nàng kêu lên. – Đó là con bé Iula. Hễ cứ rủ nó đi pique- nique…
– Polli, – tôi ngắt lời nàng. – Đó là nguỵ biện. Iula không gây ra mưa. Cô ấy không liên quan gì đến chuyện trời mưa cả. Em đã phạm vào lập luận Post Hoc, nếu em đổ tại Iula.
Buổi tối hôm sau, ngồi với nàng dưới gốc xoài, tôi nói:
– Lối nguỵ biện hôm nay của chúng ta có tên là “vì thương cảm”. Nàng có vẻ hồi hộp, thú vị.
– Em lắng nghe nhé, – tôi nói. – Một người đi xin việc. Khi ông chủ hỏi anh ta thạo nghề gì, anh ta trả lời rằng ở nhà anh ta có một cô vợ và sáu đứa con nhỏ, vợ thì tàn tật ốm yếu, lũ trẻ ăn đói, mặc rách, trong nhà không có lấy một cái giường, trong kho không còn một hòn than, mà màu đông sắp tới rồi.
Mấy giọt nước mắt lăn trên đôi má hồng của Polli.
– Ôi, thật khủng khiếp, thật tội nghiệp, – nàng bật khóc.
– Ừ, thật khủng khiếp, – tôi tán thành.
– Chỉ có điều đó không phải là lập luận. Bởi người đến xin việc không trả lời ông chủ về chuyện nghề nghiệp, mà lại cố gây lòng thương cảm ở ông ta.
– Anh có khăn mùi soa không? – Polli thỏ thẻ.
– Tiếp theo, – tôi nói bằng giọng thật nghiêm chỉnh, – chúng ta sẽ xem xét lối nguỵ biện so sánh nhầm. Ví dụ: sinh viên nên được cho phép nhìn vào sách giáo khoa trong lúc thi cử. Vì bác sĩ ngoại khoa được tia rơn-ghen hỗ trợ thêm khi tiến hành các ca mổ, luật sư được dùng các tài liệu giúp đỡ họ khi xét xử ở toà, kỹ sư có các bản vẽ giúp thêm khi họ xây nhà. Vậy tại sao sinh viên lại không được nhìn vào sách giáo khoa khi làm bài thi?
– Đúng quá, đúng quá, – nàng nói rất nhiệt tình. – Chưa bao giờ em được nghe ý tưởng nào cực kỳ đến thế.
– Polli, – tôi bực bội nói – Lập luận ấy hoàn toàn không đúng. Bác sĩ, luật sư, kỹ sư không cần phải được kiểm tra kiến thức, còn sinh viên lại cần. Các tình huống hoàn toàn khác nhau, không thể đem so sánh.
– Nhưng dù sao em vẫn cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt diệu, – Polli nói.
– Chỉ nói linh tinh, – tôi cằn nhằn rồi vội vàng tiếp tục.
– Chúng ta hãy thử tìm hiểu lối nguỵ biện giả thiết với sự thật.
– Nghe khoái cả các lỗ tai, – Polli nói.
– Em hãy nghe đây: nếu bà Curie không đặt một đoạn phim nhựa vào chiếc hộp đựng một chất có chứa Uran, thì ngày nay thế giới vẫn chưa biết gì về phóng xạ.
– Đúng vậy, đúng thế, – Polli tán thành. Anh đã xem bộ phim đang chiếu ở rạp bên cạnh nhà em chưa? Hay hết ý. Chàng diễn viên Pijin ấy quả là miễn chê. Em mê chàng ta lắm.
– Nếu em quên đi, dù chỉ một phút, cái anh chàng Pijin ấy, – tôi nói, giọng lạnh băng, – thì anh sẽ giải thích được cho em rõ rằng lời khẳng định kia là nguỵ biện. Nếu không khám phá ra chất phóng xạ lần ấy, có thể về sau bà sẽ khám phá ra. Cũng có thể một ai đó khác sẽ khám phá ra. Không được xuất phát từ một giả thiết sai, rồi rút ra những kết luận khẳng định giả thiết ấy.
– Giá mà Pijin đóng phim nhiều hơn thì tuyệt, – Polli mơ mộng nói, – lâu lắm em mới lại được xem phim Pijin đấy.
“Mình cố thử lần nữa, – tôi quyết định, – lần cuối cùng… Mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn thôi chứ”.
– Lối nguỵ biện tiếp theo có tên là đầu độc giếng nước.
– Nghe hay quá! – Nàng thì thầm.
– Hai người tranh cãi với nhau. Một trong hai người ấy đứng lên và nói: “Đối thủ của tôi là một tay dối trá có hạng. Tất cả những gì anh ta sắp nói, sẽ đều là dối trá”. Bây giờ em hãy nghĩ xem, Polli, ở đây có gì sai?
Tôi chăm chú quan sát nàng trong lúc nàng nhíu cặp lông mày tuyệt đẹp mà suy nghĩ. Bỗng tia sáng của một ý tưởng chợt loé lên trong đôi mắt nàng.
– Như thế không trung thực, – nàng nói, vẻ chững chạc.
– Không trung thực một chút nào. Người kia còn chưa kịp cất lời mà đã bị anh ta gọi là dối trá.
– Đúng lắm! – Tôi mừng rỡ kêu lên.
– Đúng một trăm phần trăm! Rõ rang như thế không trung thực. Anh ta đã “đầu độc giếng nước” trước khi một ai đó có thể uống nước giếng. Anh ta diệt luôn đối thủ trước khi đối thủ bắt đầu hành động… Polli, anh tự hào về em!
– Chứ sao nữa! – nàng lí nhí, mặt đỏ bừng vì thích thú. Được khích lệ vì thấy đầu óc Polli không đến nỗi “bã đậu” quá, tôi liền kiên trì cùng nàng ôn lại thật kỹ tất cả những gì tôi đã nói với nàng. Để làm xong việc đó, chúng tôi mất năm buổi tối cật lực, nhưng kể cũng đáng công. Tôi đã biến được Polli thành một nhà lôgic. Tôi đã dạy được cho nàng cách suy nghĩ. Công việc của tôi đã hoàn tất. Rốt cuộc thì Polli đã trở nên xứng đáng với tôi như một người vợ, người một phụ nữ đảm đang, như một người mẹ những đứa con có cuộc sống rất sung túc của tôi. Không nên nghĩ rằng tôi hoàn toàn không có tình yêu đối với nàng. Pygmalion (trong thần thoại Hy Lạp, là nhà điêu khắc phải lòng bức tượng phụ nữ do chính ông tạo nên) yêu người đàn bà mà ông ta nên như thế nào, thì tôi cũng yêu cô gái của tôi như thế. Tôi quyết định sẽ tỏ tình với nàng ngay trong cuộc hẹn sắp tới. Đã đến lúc chuyển từ quan hệ học hành sang quan hệ lãng mạn.
– Polli, – tôi nói khi hai chúng tôi lại ngồi dưới gốc xoài – Hôm nay, chúng ta sẽ không nói về các lối nguỵ biện.
– Thế thì chán nhỉ… – nàng thất vọng nói.
– Em yêu, – tôi mỉm cười và nói. – Chúng ta đã ngồi cùng nhau năm buổi tối. Chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến trong kiến thức. Bây giờ đã rõ là có thể hợp nhau.
– Một khái quát vội vã, – Polli đáp lại ngay.
– Em bảo sao? – tôi ngạc nhiên.
– Khái quát vội vã, – nàng nhắc lại.
– Làm sao anh có thể khẳng định rằng chúng ta hợp nhau, nếu chúng ta mới chỉ gặp nhau có năm lần?
Tôi khẽ cười thích thú. Cô gái đáng yêu này đã lĩnh hội rất tốt các bài học của tôi.
– Em yêu, – tôi nói, – năm cuộc hẹn hò là đủ rồi. Để biết chiếc bánh ga tô có ngon không, không nhất thiết phải ăn hết chiếc bánh.
– Anh đã so sánh nhầm, – Polli trả lời luôn.
– Em đâu phải chiếc bánh ga tô, em là một cô gái.
Tôi khẽ cười, nhưng xem chừng đã nhạt thếch. Hiển nhiên là sẽ tốt hơn nếu tôi tỏ tình với nàng một cách đơn giản hơn và ngắn gọn hơn. Tôi im lặng một phút để bộ não uyên bác của tôi tìm kiếm nhưng lời lẽ cần thiết, rồi tôi nói:
– Polli, anh yêu em. Đối với anh, em là cả thế giới, là mặt trăng, là các ngôi sao, là vũ trụ. Em yêu, em hãy nói là em sẽ luôn luôn ở bên anh đi, nếu không anh chết mất.
– Anh vừa dùng lối nguỵ biện Vì thương cảm rồi đó, – Polli nói.
Tôi nghiến răng ken két. Tôi không phải là Pygmalion. Con quỷ mà tôi tạo ra đang tóm chặt cổ họng tôi. Tôi ghìm lại được nỗi kinh hoàng. Bất kể thế nào, tôi cũng phải giữ được bình tĩnh.
– Polli, quả thật em đã nắm vững tất cả các lối nguỵ biện.
– Anh nói rất đúng, – nàng gật đầu rõ là kiên quyết và trả lời.
– Và ai là người đã dạy em điều đó, Polli?
– Anh.
– Bởi vậy, em mắc nợ anh, em yêu. Nếu không có anh, sẽ chẳng bao giờ em hiểu được các lối nguỵ biện.
– Đó là một giả thiết ngược với sự thật, – Polli đập lại.
Tôi lau mồ hôi đang toát ra trên trán.
– Polli! – Tôi kêu lên.
– Em đừng coi trọng những thứ ấy. Tất cả những gì người ta đem dạy ở trường đều chẳng hề liên quan đến cuộc sống.
– Anh đã phạm vào lối “nói đơn giản” đấy, – nàng nói và giơ một ngón tay lên doạ tôi. Tôi đã hết chịu nổi. Tôi bật dậy, giống như con bò khùng.
– Em có nhận lời yêu anh không hả?
– Không! – nàng đáp.
– Tại sao? – tôi hỏi.
-Vì hôm nay em đã nhận lời Pity rồi.
Tác giả: Max Shulman
 

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *