Bài nổi bật

Trà Nguội & Sữa Lạnh – Nguyễn Mỹ Nữ

Radio Online – Ông: tài xế xích lô không chuyên nghiệp nên có vô vàn cái thú. Thích thì dắt xe đi mà không, cứ việc ở nhà không quên rủ ông bạn già hàng xóm sang đánh cờ làm dăm bình trà, vài ba cốc rượu. Đạp xe theo cách của ông ấy mà! Bảo là để kiếm tiền cũng phải mà bảo rằng để rong ruỗi, tiêu hao cho nhanh qua tháng, qua ngày cũng chả sai. Xe có khách thì vòng xe quay, quay nhanh. Không khách thì vòng xe quay, quay thư thả. Mà không á! Dừng ngay dưới những tàng cây rộng trên phố đọc báo, chuyện trò rôm rả với đồng nghiệp,cũng vui. Cánh xích lô, xe ôm ở thành phố này khoảng dăm năm nay đã quá quen với ông. Với những sinh hoạt như thế của ông. Không khen chẳng chê. Không đến nỗi ơ thờ chia sẻ mà cũng không tha thiết chuyện thấu hiểu, cảm thông. Ông là ông mà họ là họ. Ông: chạy chơi và họ, chạy thật.Chiều nay, chẳng có nổi một mống khách nhưng thấy người đang sung sức ông vẫn cứ đạp lui đạp tới, đạp loanh quanh. Mắt dõi theo nhà cửa, phố phường lòng nghe ra cũng rộn vui nhưng đi nhiều, đôi chân của ông có mỏi. Sẫm tối, đang tính quay về thì gặp được bà khách này. Cũng già rồi. Chắc khoảng trên bảy mươi.
Trà Nguội & Sữa Lạnh – Nguyễn Mỹ Nữ
Sau khi lẳng lặng leo lên xe, cụ bảo: “Đi. Đây bảo ngừng đâu thì ngừng đấy, nhé!”, ông vâng và hỏi: “Thế mạn trên hay mạn dưới hả chị?”. Bà khách chỉ tay về phía trước mặt và ông yên tâm đạp xe đi. Nhưng cứ đạp mãi chẳng biết đi đâu. Mỗi khi đến một con đường mới, ông lại hỏi: “Đã đến nơi chưa ạ!?”. Lúc nào cụ đây cũng lắc đầu, đã vậy còn dấm dẳng: “Đã bảo chưa còn hỏi mãi”. Ông thở ra: “Nhưng bà chị cũng phải cho tôi biết là phải ngừng ở đâu chứ?”. “Tới, khắc biết”, cụ gắt gỏng. Cứ lòng vòng như vậy mãi, không chịu được, ông bảo thôi cụ xuống dùm cho nhưng bà khách vẫn ngồi lì trên xe, cao giọng: “Chưa tới, sao xuống được?”, rồi còn lý sự: “Cứ đến nơi đã, làm gì mà cuống lên thế”. Ông nổi cáu: “Nơi nào? Có muốn chết thì tôi chở vào nghĩa địa, đây không thèm tính công”. Nghe thế, bà cụ cười, nom tức anh ách: “Tôi chưa đến lúc vào nghĩa địa đâu ông ơi! Ối giời, được như thế thì đã phước!”. Ông gầm lên: “Thế thì đi đâu nào?”. Bà khách vẫn điềm nhiên: “Cứ đi. Tới nơi thì người ta bảo. Biết chửa?”. Không làm sao bình tĩnh nổi, ông chở cụ thẳng đến công an thành phố và la toáng lên: “Cứ ngồi đấy. Tôi vào mời người ra giải quyết, nhé!”. Nhưng đến cửa phòng thường trực nghĩ sao ông lại quay ra, rồi nghĩ sao lại quay vào. Vào, vì nghĩ: đáng đời, phải làm cho ra nhẽ. Ra, vì nghĩ: tội nghiệp! Chắc là phải có cái sự gì oái ăm lắm đây. Mất đến mấy lần vào, ra như thế thì ông quyết trở về với cái xích lô quen thuộc của mình. Hậm hực, ông nhìn bà khách lì lợm đang ngồi choáng chỗ trên cái nệm xe và chống nạnh, gằn lên từng tiếng một:
– Tôi hỏi thật nhé, bà làm sao thế?
– Chả làm sao cả!
– Thế bà đang ngồi ở đâu đấy?
– Ngồi trong xe xích lô.
– Này, bà đừng có mà ngoa ngắt quá như thế nhé! Bà làm như xích lô của nhà bà không bằng…
– Cái ông này. Tôi mà thèm đi giành cái xích lô rách tươm này của nhà ông đấy phỏng?
– Thế sao bà không xuống? Bà ngồi mãi thế?
– Ơ hay! Xuống thế nào được mà xuống? Chưa đến nơi mà?
– Bà là quá quắt lắm đấy! Nơi nào? Nơi gì? Nơi cái củ…
Cũng may vì ông chưa kịp buộc mồm văng tục thì một anh công an ở trong cơ quan bước ra. Thấy lạ nên dừng lại, hỏi chuyện và đồng chí ấy mới khéo nói làm sao. Hết nhỏ to lại đến ngọt bùi nhưng nói thế nào thì nói, bà cụ đố có mà hở môi bảo hộ cho cái địa chỉ. Sau anh công an khuyên can bà khách nên ra khỏi xe để cho ông còn về. Đến nước này không đừng được, bà cụ phải xuống nhưng khóc quá thể. Nhìn cảnh ấy, ông và đồng chí công an không sao đành lòng. Thế là bà cụ được mời vào phòng thường trực của cơ quan. Ông quay xe đi nhưng đạp được một đoạn, lòng dạ cứ bồn chồn. Lại phải quay về. Vừa lúc anh công an cầm cặp lồng đi ra, cười:
– Sao bác…? Khéo có bác lại hay đấy! Thôi cháu đi mua thức ăn cho cả bác nữa nhé?
– Vâng, cám ơn anh.
Được một chốc, đồng chí ấy mang về một cặp lồng đầy cháo. Anh múc ra hai tô, lễ phép mời hai cụ dùng rồi bỏ đi đâu mất. Ông lấy muỗng khoắng lên rồi thở dài: ra là cháo gà. Ông làm một nhoáng hết ngay bát cháo của mình. Bà chỉ mới múc có một tị đã buông muỗng, dáng vẻ ơ thờ. Ông ngạc nhiên:
– Bà không đói à?
– Chả thấy đói.
– Bà có phải chở đâu mà đói!
– Ừ nhỉ! Thế ông đói lắm à?
– Chuyện! Bà tai quái bảo tôi chở đi hằng bao nhiêu là con đường. Đã đói mà còn phải húp cháo. Thật chẳng ra làm sao… Tôi thì chỉ cần một bát cơm rõ to cho nó chắc bụng.
– Thế à? Hay là ông ăn thêm bát cháo của tôi.
– Bà không ăn à?
– Đã bảo không đói mà lại. Ông ăn đi ông nhé! Tôi chỉ mới đụng muỗng vào, chẳng phải là của thừa đâu.
Ông cười và nhiệt tình chén hết ngay bát cháo thứ hai. Sẵn bình trà đấy, uống cạn và nghe ra cũng có vẻ no no. Đêm ấy, ở ngay tại phòng trực của công an thành phố, ông đã ngồi nghe chuyện của bà cụ với câu mở đầu khiến ông có hơi bất ngờ: “Bằng tôi đi trốn đấy ông ạ! Bỏ nhà ra đi mà không nói với chúng nó lời nào thì có khác gì đi trốn hả ông? Thật đời tôi chả bao giờ làm một việc gì khuất tất, thế mà… Tôi đã sắp sanh cho việc này từ rất lâu, sau khi ông nhà tôi mất. Ông ấy ốm nặng lắm! Liệt nằm một chỗ hằng bao năm trời mới đi. Nuôi ông nhà tôi cũng khổ nhưng còn ông ấy là còn cái níu lại, cột vào với cửa nhà, cháu con. Ông nhà tôi thế mà khôn. Đi trước để khỏi phải thấy những cái sự bẽ bàng… ”. Cụ kể rê ra, câu chuyện phải đứt đoạn nhiều lần. Do xúc động cũng có mà do mệt người cũng có. Ông phải chạy ra cái quán phía trước cổng cơ quan mua cho cụ mấy hộp sữa lạnh. Cụ khẽ run người khi hút mấy hơi đầu, thấy ông chăm chú nhìn đầy vẻ ái ngại, vội nói đỡ: “Răng cỏ lung lay cả rồi nên cũng có hơi buốt một tị, ông ạ! Nhưng chẳng sao! Được thế này đã là tốt chán” rồi lại tiếp tục câu chuyện nhiều dở dang của mình rồi lại dừng, hút sữa rồi lại kể lại dừng… Ông chỉ ngồi nghe cũng thấy cổ họng mình khô rát dù nhấp liên tục những ngụm trà nguội ngắt, nguội ngơ. Chắp nối, chắp nối mãi rồi câu chuyện của bà khách cũng phải đến lúc hết. Ông nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Đã quá nửa đêm. Cố nén nhưng tiếng thở dài vẫn buông ra khỏi mồm. Ông vẫn thường thế mỗi khi gặp việc bất nhẫn, đắng lòng.
Câu chuyện bà khách đây kể, dẫu có gần hết đêm vẫn là rất ngắn mà cả một quãng đời cay nghiệt cụ đã phải sống qua sao lại quá dài? Ấy là điều ông cảm được chứ còn những sự việc như thế đã chẳng có gì là trái khoáy giữa thời buổi bây giờ. Ông chỉ thấy đau chứ không hề thấy lạ. Bởi ngày nào chả nghe, chả hay, chả rõ. Có gì mới đâu nào? Thì tranh giành nhà cửa, đất cát rồi tệ bạc với bố mẹ, anh em. Rồi tiền bạc rồi nghĩa tình rồi… Sao mà lắm lẽ đời? Sao mà nhiều nông nổi? Ông chỉ nghe ngậm ngùi cho một người lại cũng lâm vào hoàn cảnh như ông, hồi ấy. Và xót xa cho một người lại cũng đang vướng vào cái tâm trạng bẽ bàng, tức tưởi… như ông, trước kia. Và thấm thía…
Trà Nguội & Sữa Lạnh – Nguyễn Mỹ Nữ
Ông đã không phải trốn chạy như bà nhưng cũng đã phải quay lưng lại ngôi nhà đó. Đã bỏ hẳn cái vùng đất ấy để ra đi, mong hòng phủi sạch những hận thù mưu toan của những đứa con, đứa cháu. Và ông đã được một mình. Đã bình yên. Nhưng ông đã rất buồn dẫu lòng thôi trĩu nặng nhiều lo toan, đối phó. Ông hãy còn tiền gửi ở ngân hàng ăn chơi cả đời chắc là vẫn đủ. Ăn cái kiểu căn bản của ông và chơi cái lối chừng mực, lành mạnh như ông ấy mà! Ông ở nhà thuê và mua cái xích lô, chính thức làm tài xế không chuyên. Để được rong ruỗi và ngóng nghe, thấm tháp những nỗi đời nỗi người nhiều thương đau, trắc ẩn. Để có được một bà khách rất đặc biệt như bà khách đây và một đêm… Biết nói như thế nào đây nhỉ? Như đêm này.
Hình như cả ông và bà có chợp mắt được độ một tiếng đồng hồ. Thức. Lại im lặng trầm ngâm hút sữa và uống những tách trà nguội ngắt với nhau. Ông tự hỏi không biết các chú công an làm việc ở cái cơ quan này có hay là họ có đến hai cái phích nước, tại phòng trực, đều rất… vô tích sự không nhỉ? Bà nhấp trà: cười rồi hút sữa: cười. Cười mãi. Cười bắt rũ cả người. Cười đến chảy cả nước mắt sống. Rồi ngưng. Ngưng thật lâu mới nhỏ nhẹ: “Trà nguội, sữa lạnh mới đúng là cảnh của chúng ta, ông nhỉ?”. Câu bà nói khiến ông có hơi chựng người, ớn lạnh sống lưng nhưng phớt lờ bằng cách rủ bà đi bộ một chốc cho giãn xương xo gân cốt. Bà “ừ” ngay. Ông nắm tay bà dẫn xuống những bậc tam cấp và phải bước rất chậm để được cùng song song với nhau. Chú công an ngồi ở ngay cổng có ngoái cổ nhìn theo và nheo mắt cười chào. Các chú ở đây mới rõ lạ!
Đi được mấy vòng ở khoảnh sân phía trước, bà bảo nhọc và họ ngồi nghĩ ngay dưới chân cột cờ. Ông đã định sẽ hỏi bà câu này trước khi mặt trời mọc, trước khi một ngày mới bắt đầu. Nhưng ông đã phải đắn đo rất lâu mới có thể mở lời:
– Giờ bà định thế nào?
– …
– Bà sẽ trở lại với chúng nó chứ!
– Ông bảo gì?
– Thì… Nếu bà không đi đâu tôi đành chở bà về nhà chúng nó. Chứ không lẽ lại…
– Đánh đu với cái xích lô cà khổ của ông chắc?
– Bà…Thì lúc ấy đã muộn mà tôi lại đang muốn về nhà mà tôi lại đang rất cáu…
– Mà tôi cũng… bẳn tính, cục súc và dở hơi đến thế cơ mà. Mới làm tội thân ông. Ông bảo tôi về với chúng nó à! Có rõ mà điên. Về là về thế nào. Tôi đã rắp tâm tính toán cả rồi. Chỉ chờ cơ hội.
– …
– Cũng may là chiều nay chúng nó đánh chửi nhau quá thể rồi còn vác dao ra đòi đâm, đòi giết. Thế là công an mời hết lên đồn, gặp lúc lũ cháu tôi đứa đi học, đứa đi làm thế là tôi lỉnh ngay, kẻo không kịp.
– Thế ra tôi mắc lỡm bà.
Bà cụ cười. Tiếng không to không nhỏ nhưng trong trẻo, nhẹ nhõm.
Mới qua một đêm mà ông có cảm giác bà đã như thể rất khác. Ấy! Khi người ta vứt đi được cái gánh oan nghiệt thì nó thế! Bà thì thào với ông những dự định của mình. Ối giời! Té ra bà cụ đây cũng đáo để ra phết. Bà ấy bảo còn cái nhà ở quê. Vẫn còn tự cơm nước, tự lo liệu cho mình được thì ở thế, mà bằng không lại tính nữa. Nhưng tính gì thì tính, cứ một mực là không thèm ở với bất cứ đứa con đứa cháu nào. Dứt ra được đã là may quá rồi, ông nhỉ?
Ông chở bà cụ chầm chậm qua biển rồi ra bến. Trời hãy còn rất sớm, phố thật vắng vẻ và thoáng đãng, lác đác vài ba người đi tập thể dục, mấy cái xe gắn máy… Trên đường,ngang qua quán phở bắc cả ông lẫn bà không sao cưỡng nổi hương gây gây của xương bò ninh nhừ rồi mùi đinh hương, gừng nướng… Nói chung là mùi phở thế là rủ nhau vào chén một bữa cho ra trò. Bù lại bữa ăn sơ sài tối qua. Khiếp! Cả đời khéo ông chưa bao giờ được ăn một lần nào ngon như là lần đấy! Ông chén liền hai bát tái gầu nạm hẳn hoi. Cụ cũng suýt xoa là mình ăn rất ngon miệng nhưng chỉ mỗi một bát tái bỏ thêm quả trứng gà. Cả hai chỉ còn biết phì cười khi cửa tiệm chỉ có trà lạnh. Ông định nói cái số của tôi với bà nó thế! Ông nhắc bà khoác thêm cái áo, trùm cái khăn len trước khi lên xích lô, đi tiếp.
Xe khách sắp lăn bánh, ông mới chợt nhớ và vùng chạy ra quán mua cho bà mấy hộp sữa. Còn bà? Như đã chuẩn bị sẵn, từ tốn đưa cho ông một mảnh giấy ngay lúc tạm biệt nhau. Không quên nhắc khẽ với nụ cười rất tươi: “Đấy là địa chỉ. Có việc ra bắc. Nhớ ghé lại tôi, ông nhé! Nhà vẫn rất sẵn nước đun sôi. Lúc nào cũng có” .
Tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ – Thực hiện: Vân Anh

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *