Bài nổi bật

Trái Tim Điên Điển – Nguyễn Thị KimTuyến

Truyện đêm khuya – Ông trời ổng tào lao dễ sợ. Đang lúc người ta uống rượu ổng lại mưa. Đang lúc buồn rát cái bao tử, mà mưa không chịu lớn, cứ rỉ rả rỉ rả, đủ làm cho cái mình trần trục, mốc thít trở nên lốp láp, nhầy nhụa. Mà rỉ rả thì rỉ rả cho đã đi, tự dưng rơi vãi thêm vài hột nữa, rồi ngưng cái một. Rượu cũng thấm rồi, mà mưa chưa thấm, làm sao trúng gió chết cho được hả trời! Ủa, bộ mình tính chết sao ta? Năm Đợi giựt mình, nhướng nhướng con mắt, ợ nghe cái ực. Mùi hăng nồng chạy ngược tới óc o. Ở đây là cái xó nào vậy, chắc không phải cái xó nhà trên cụm dân cư. Cái xó nhà đó tiếng con dế kêu nghe thấy đơn độc thấy mồ tổ, làm gì có cả dàn đồng ca ếch nhái ễnh ương như vầy. Ai đang hòa tấu bản nhạc ruộng đồng nghe đã thiệt.
– Cha ơi, mần cái gì ở trển cha?
Thằng Điền lia cái đèn pin dọc ngang cánh đồng, qua gò điên điển, rồi lia lên tán còng. Rọi trúng con mắt đang nhướng nhướng của Năm Đợi. Con mắt chổng ngược, cái đầu cũng chổng ngược, lơ lửng như sắp rớt ra. Còn cái mình trần trục của cha nó đang vắt ngang cái chảng hai cây còng già, chỗ có cái nhánh lớn cong oằn xuống như đang giăng võng.
– Cha ơi, cha mần cái gì vậy, con kiếm cha nãy giờ. Xuống đi cha!
Nghe cái giọng hốt hoảng của thằng Điền, Năm Đợi ráng gượng đầu dậy. Ừ, đỡ nè. Không phải đỡ cha mà là đỡ cái chai cha nó vừa liệng xuống. Còn giọt nào đâu. Chỉ có một chai nhưng thằng Điền biết đó là chai cuối cùng. Thường cha nó uống đâu với ai đã đời rồi, ổng sẽ xách một chai đi kiếm chỗ nào có thể ngồi mình ổng, uống tiếp. Mà Năm Đợi ngồi toàn chỗ ngặt. Khi thì chui vào gốc tre, bụi chuối làm mồi cho muỗi, lúc leo lên mái nhà sợ té mắc dịch, lúc lại ra ngồi mé sông chờ hà bá. Cả cái cụm dân cư mấy chục hộ gia đình đã quen với cảnh anh em thằng Điền, con Thanh xách đèn rối rả đi kiếm cha. Hồi đầu, mọi người còn đi kiếm tiếp, riết thành quen, ai hơi sức đâu mà lo cho cái thằng cha già ham nhậu. Không ai kiếm rồi cũng tự lết về. Người ta nghĩ vậy nhưng thằng Điền thì không. Nó biết, không phải ngày nào cha cũng uống nhưng mỗi lần uống phải uống cho rát ruột, uống cho thấm xương, uống tới khi con mắt nhắm híp, đóng ghèn, ráng mở ra, lại uống, rồi nhắm tiếp. Uống mà không ai kiếm về thì ngồi chỗ nào ngủ luôn chỗ đó. Ai nói rượu vào lời ra, riêng Năm Đợi càng uống càng ngậm miệng. Có lúc trợn tròn con mắt, ực xong một ngụm, ông nghiến răng trèo trẹo, bàn tay ô dề nắm chặt như thể bóp nát được cái chai. Thường khi say chỉ nghe Năm Đợi hát, mà cũng chỉ hát hoài một câu tưởng đâu chẳng ăn nhập gì tới cuộc đời ăn nhậu của ổng: “Bao năm chiến chinh cảnh mưa bom trên đồng ruộng, nay đã hoà bình sao còn nặng đau thương, nay đã hòa bình sao còn nặng đau thương…”. Nghe đâu đó là bài hát binh vận ngày xưa, nhờ nó, biết bao kẻ lầm đường lạc lối buông súng trở về. Thằng Điền hiểu không hết nhưng nghe cái giọng ông hát sao mà buồn xác buồn xơ. Nhất là bây giờ, khi cha nó đang treo tòn teng trên cái võng còng. Dòm ra phía ngoài, trăng non, đủ thấy cánh đồng loang loáng nước, vạt điên điển om om hơi rạp mình xuống. Có con đom đóm vụt ra từ cái gò mả, đang dáo dác tìm chỗ trốn tiếp.
Thằng Điền thấy hơi sợ. Không phải sợ ma, chỗ này ngay cả cái gò mả cũng quá quen thuộc với nó. Mà nó sợ cái bộ dạng của cha nó. Bữa nay ổng thiệt kỳ. Ngồi đâu không ngồi, lại ngồi ngay cái chỗ đó. Cái chỗ có nhánh còng bự chảng lại cong oằn như đang giăng võng. Cái chỗ mà đâu lâu lắm rồi, cũng mùa nước như vầy, nước lớn hơn, liếm ngang thân còng. Có người đàn ông mảnh khảnh ráng hết sức kéo cái hòm mục, trong đó có chứa thân xác một người đàn bà, treo lên chỗ cái nhánh còng giăng võng đó, chờ nước giựt tìm chỗ mà chôn. Người đàn bà xấu số đó đâu có dính dáng gì tới ông, nhưng dính dáng tới thằng Điền. Bả là má nó. Thì tin vậy đi, người ta đồn mà. Nghe nói, trước khi Năm Đợi tìm được xác má nó, ông đã vớt được cái thau giặt đồ, có thằng nhỏ không mặc quần hay là không có quần để mặc, nằm gọn lỏn ở trỏng. Cái thau giặt đồ sợ sóng đánh len lỏi trốn vào giữa rừng điên điển. Đêm đó trời mưa, có giông nữa, nên sáng ra những vạt điên điển ngợp mình trong nước, mắt lá mỏng manh trầy trụa, từng nhánh bông vàng xơ rải dập dềnh mặt sóng. Lạ thiệt, trong cái thau giặt đồ không có miếng nước. Dường như những cành điên điển yếu ớt này đã bấu vào lưng nhau chở che cho cái thằng nhỏ không mặc quần, chờ ông tới.
– Cha mần sao vậy cha?
Cuối cùng, thằng Điền cũng đỡ được ông Năm Đợi xuống gốc cây. Còn thở khì khì, ông nhướng con mắt, tay đập mạnh lên vai nó:
– Thằng Điền mày có giận cha không hả thằng Điền?
– Cha mần chi con giận?
Nó định ghé vai đỡ ông về, ông gạt:
– Mày dắt cha qua gò mả đi, ngủ cho mát!
Cái gò mả biết khôn nhú lên khỏi mặt nước còn dư chỗ cho má thằng Điền nằm. Xung quanh điên điển rợp mình như ôm lấy nấm mồ, làm nó bớt trơ trụi, quạnh quẽ.
– Lạnh gần chết, ngủ gì cha?
Ông Năm Đợi tựa lưng vô người đàn bà xấu số. Hai cái lạnh ngắt gặp nhau, tê tái rồi không lạnh nổi nữa. Má thằng Điền ơi, bà ở đâu tự dưng thảy vô cuộc đời tui một cục đỏ hỏn không có mặc quần. Bả đâu có dính dáng gì tới ông. Mà phải chi bả có dính dáng như người ta đồn có khi ông còn thấy an ủi. Thiên hạ mồm miệng thiệt độc ác. Người ta đồn ông gạt má thằng Điền rằng ông chưa có vợ, lịu tịu với người ta. Tới có con rồi bả mới biết, bả nhục quá nên tự vận, trước khi chết còn nhắn với người ta dặn ông ra gò điên điển vớt con về.
Bả là vợ của thằng khốn nạn nào, phải chi bả là vợ ông thiệt thì đã yên thân rồi. Bả không phải nằm đây, nghe lời ông, đợi một ngày cái thằng khốn nạn đó tới khóc hu hu nhận mình là chồng. Ông đã nói với thằng Điền để má con nằm đó đi, chờ coi. Thằng nhỏ luôn biết nghe lời ông, ngoan ngoãn gật đầu. Nó mơ hồ nghĩ, vạt điên điển này ngày xưa che chở cho nó, giờ chắc cũng đủ sức chở che cho má nó.
***
Khi má thằng Điền đến, chỉ là cái xác lạnh ngắt. Cục máu không mặc quần thì nóng hổi, ngọ ngọe trong tay ông. Rồi ngay cái ngày cục máu đó ngọ ngọe trong nhà, vợ ông đã bỏ ông mà đi.
Vợ ông đi, mới đầu ôm con Thanh đi, không hiểu đầu cua tai nheo gì, mấy ngày sau bà bánh bò tạt ngang nhà ông nhắn: “Tui gặp chị Năm, chỉ dặn chiều nay anh nhớ ra gò điên điển bồng con Thanh dìa…”.
Bữa đó, ông ẵm con Thanh về mà chân cẳng ba xí ba tú như đang say rượu. Thằng Điền – lúc đó chưa có tên đâu, nằm cạnh, nghe tiếng con Thanh khóc, nó cũng thét lên. Hai đứa nhỏ xíu mà lớn họng. Tiếng thét con nít quặn vào trong bụng, vò nát ruột gan người lớn.
– Thằng Điền có giận cha không mậy?
– Mần chi cha hỏi hoài?
Thằng Điền có giận ông không, chuyện ông bắt nó bỏ ngang lớp nghề để đi kiếm người ta cố đất để làm ruộng tiếp. Có giận gì cha đâu. Cái cụm công nghiệp nằm chình ình trên bản quy hoạch đó, biết chừng nào mới làm. Thằng Điền không giận cha, chỉ sợ con út Thanh giận. Cái bữa con Thanh về kêu cha còn khỏe, cha học nghề luôn đi, mơi mốt vô xưởng làm, lương cao lắm. Ông Năm chửi nó: Tao quen mần ruộng cả đời rồi, giờ bắt tao bỏ ruộng. Tao chưa chết nổi, từng tuổi này còn biểu tao học nghề học nghiết thà tao cắn lưỡi còn hơn! Thấy cha cự, con em chuyển sang dụ thằng anh, thì nó len lén cha, gật đầu.
Thằng Điền nói để nó đi mần nuôi cha, mơi mốt có tiền bồi thường nhà nước trả, kêu cha nó để đó dưỡng già. Ông Năm cần gì mấy đồng tiền đó. Ông nhớ ruộng! Cả đời ông vùi mặt vô đất. Cứ tới mùa thì trồng lúa, hết mùa ông sạ điên điển cho đất đỡ cằn. Ông giận con gái, nó giống hệt mẹ nó, hở ra là chê ông. Rằng ông không biết mần ăn theo kiểu mới này nọ. Nó làm cán bộ ở xã được mấy bữa đã kêu cha bảo thủ làm mất uy tín nó rồi. Chỉ khác là nó chưa bỏ ông mà đi. Ông giận nó dẫn trai về dụ ông bỏ đất. Cái thằng trai kỹ sư gì đó, bận áo lúc nào cũng bỏ trong quần, làm bộ vo vo ống cẳng lủm chủm quanh cánh đồng một lát rồi tuyên bố chỗ này có thể làm cụm công nghiệp được. Đất có địa thế gì không biết, chỉ biết đang mần ruộng lúa tốt bời bời, mắc gì làm công nghiệp. Không hiểu nổi, ông thấy xót ruộng lắm. Nhưng ông không nỡ mích lòng con gái mới chết chớ. Cái bữa người ta thông qua quy hoạch gì đó, thấy mấy cái đường vẽ loằng ngoằng rối như mạng nhện, cộng thêm cái điệu thao thao của thằng kỹ sư hay bỏ áo trong quần, ông không hiểu gì ráo trọi nhưng nhìn nét mặt khẩn cầu của con gái, khi người ta giơ tay cái rào, ông cũng giơ theo.
Vậy không phải con gái ông dẫn trai về dụ ông lấy ruộng là gì. Nó lợi dụng cái yếu đuối đơn độc trong lòng ông. Ông sợ một câu nói nặng của mình lỡ làm nó giận, nó đi như mẹ nó.
Lỡ một vụ rồi, ông nhớ ruộng hết biết. Mỗi lần nhớ ruộng không chịu nổi, ông ra nằm ngoài mả má thằng Điền, để nghe tiếng côn trùng kêu cho nó đã. Kệ, dù gì cụm công nghiệp chưa làm, má thằng Điền còn cơ hội chờ đây thêm ít bữa.
– Thằng Điền nè, mày với con Thanh đâu phải anh em!
Cái này cha nói hoài, ai hổng biết. Hai đứa con nít đó từ bữa cùng nhau gào lên um sùm bất nhã thì biết thân biết phận mà lớn lên bên nhau. Thằng Điền càng lớn càng tầm thước, rắn rỏi nhưng thiệt thà hết chỗ nói. Người ta biểu nó là con ông cũng đúng, bởi nó giống ông cái tính lầm lỳ, cam chịu, không ưa phản kháng. Con Thanh trổ giò, phổng phao lanh lợi hơn người. Thằng Điền thương em thấy sợ. Con Thanh nhõng nhẽo đòi anh cõng trên lưng lội lổn xổn quanh cánh đồng, nó cũng làm, đạp miểng ốc chảy máu giò cũng không chịu bỏ xuống. Bao giờ con Thanh khóc, thằng Điền cũng múc nước rửa mặt cho em. Bữa đi móc cua về, thằng anh để tay dơ mà rửa mặt em, con nhỏ kêu tay anh nó thơm…sình!
Khi thằng Điền biết len lén dòm cái mặt con em tròn trĩnh duyên duyên, thấy cái nước da ngăm ngăm, ngon như da bánh ít trộn đường vừa phải, thoa mỡ vừa đủ bóng, lại được nhào nặn qua một bàn tay khéo léo, thì nghe con nhỏ rủ rỉ lỗ tai anh, xúi: Anh đi chợ mua kem dìa cho em xức, nghen !
Ở cái miệt này, con gái mới dậy thì, đứa nào đứa nấy đều khoái xức kem, nhưng không phải chỉ để làm mình trắng hơn mà chúng muốn chứng minh mình thành con gái rồi, cũng còn để lên mặt với nhỏ hàng xóm đen thùi lùi không có kem mà xức! Đẹp đâu không thấy, chỉ thấy da ra da, kem ra kem. Cha đi ruộng về, ngó lom lom cái mặt con Thanh một hồi rồi định hỏi nó trét vôi lên mặt hay gì vậy nhưng kịp dừng, ông thôi, nghĩ nó lớn rồi. Đã hơn một lần ông thấy thằng Điền len lén nhìn con Thanh, mặt nó ngây ngây thấy thương dễ sợ. Những lúc đó, ông day mặt đi chổ khác, thầm mong cái ngày thật gần…
Cái ngày đó đâu chưa thấy, chỉ biết má ông đặt cho ông cái tên Đợi quả thiệt chẳng uổng công. Ngày còn trẻ, vợ Năm Đợi đi miết, nghe nói đi mần ăn gì trên thị xã, thỉnh thoảng về. Không biết vì bà phải sống triền miên trong nỗi nhớ chồng hay vì căm ghét ổng mà bà nặn ra một đứa con gái giống cha như đúc. Thì nghe nói khi người ta thương hay ghét ai thiệt nhiều sẽ sinh con giống hệt kẻ đó. Người ta khen: Con út Thanh đẹp. Cái đẹp thôn dã của loài điên điển chỉ nở rộ vào mùa nước lên. Người ta lại nói: Cha nó xấu. Không kỳ đâu. Đúng là nó giống cha. Cũng mái tóc suôn đuột, nước da ngăm, khuôn mặt tròn, cái dáng cao cao thanh mảnh. Nhưng hết thảy mấy thứ đó khi ráp lại thành con thì mặn mòi duyên dáng, còn ráp lại thành cha thì mọi cái trở nên lỏng thỏng, thô thốc, pha lẫn nét bồn bột, ngô nghê.
Năm Đợi bình thường hiền như đất, nhưng cục đất liệng trúng khéo u đầu. Hiền mà cộc. Nhưng ai biết ý thì moi ruột mà ăn. Khi vợ ông chưa lớn lắm, bà ngoại con Thanh bắt gả cho ông. Đêm lạy xuất giá, thấy con gái cứ sụt sịt, bà ngoại dỗ dành: Thôi con, thằng Đợi nó hơi thiệt thà, không lanh lợi bằng anh bằng em nhưng nó chăm chỉ chịu khó mần ăn, nó chịu được cái tính ương bướng của mày…Thôi, củi mục dễ un, chồng khùng dễ khiến…
Củi mục, củi mục…Câu nói vậy mà lỳ lợm đeo riết trong suy nghĩ cô con gái xinh đẹp chân ướt chân ráo theo chồng. Nói cho đúng là Năm Đợi theo vợ, ở rể. Ngón chân quắm xuống đất, cái mặt cũng quắm vào đất. Ông không lực điền, nhìn hơi lịu xịu, yếu ớt nhưng dẻo dai, đủ sức chỉn chu làm thằng rể thảo. Ai biểu gì cũng làm, ngả nghiêng sao cũng được, lặng lẽ… Ruộng cần bàn tay bền bỉ của ông nhưng vợ ông không cần. Bà không chịu nổi cái cảnh người ta phất lên như diều gặp gió còn ông cứ ngày ngày vùi mặt vào miếng ruộng đã từng là tâm huyết của đời cha bà và đang là tâm huyết của đời chồng bà.
Lại nghe đồn nhà Năm Đợi ngày xưa cũng giàu lắm, ruộng thẳng cánh cò bay. Nhưng giàu mà rít, chẳng đoái hoài tới ai, cũng chẳng dám ăn một đồng, cứ giấu, giấu hoài. Rồi người nói có kẻ trộm đào, kẻ lại phán: Vàng chôn trong đất lâu ngày tự khắc nó đi! Vậy rồi không biết làm sao đến một ngày đất về tay người khác hết. Ông đi làm mướn trên ruộng của mình… Vùi vào đất, xới tung cánh đồng như muốn tìm vàng đã giấu ngày xưa… Ông làm mướn suốt thời trai trẻ, đến nửa đời người, chỉ đủ nắm cơm bỏ miệng, có khi còn bị người ta giằng lấy. Bà ngoại con Thanh chắc lưỡi: Năm Đợi thiệt thà. Vợ ông thẳng thừng: Đần thì có. Bà không thấy chột dạ cả khi nhìn thấy ánh mắt đang nhẫn nhịn của chồng.
Ngày nào cũng như ngày nấy, đi ruộng về là ông nghe vợ lằn nhằn. Chỉ cần mở miệng đáp lại một câu, bà dẩu môi lác chác, thêm câu nữa thì nhà sẽ có người nổi cơn, trợn mắt, sa sả. Chỉ một lần thôi, người đàn ông vung tay lên, rồi lại buông xuống. Từ đó ông không nói đi nói lại một lời, lầm lũi vác cuốc đi, lầm lũi vác cuốc về. Mà về, bao giờ cũng vác theo một bó điên điển… Vợ ông càng tức, càng thấy ông là một khúc củi mục… Củi mục, củi mục…
Chuyện về gia đình con Thanh giống như miếng vải rách vá chằng vá đụp bởi người này người khác, nhất là từ cái miệng bà ba bánh bò nhiều chuyện nhất cụm dân cư. Mẹ con Thanh đâu? Cha nó nói: Chết rồi, chết đâu đó như má thằng Điền. Con mẹ bánh bò trề môi: Mèn ơi, chết đâu, theo thằng cha chủ nhà máy lau bóng gạo rồi! Con Thanh có lúc cũng nhíu mày nghĩ ngợi, nhưng rồi thì thôi. Trong mắt nó, chỉ có người cha cưng chiều con hết mực, thằng anh khỏe mạnh nhưng hơi khờ cũng thương em hết mực – cái thằng anh mượn đỡ của nó đó. Nói vậy, bởi từ lúc biết biết rồi, hai đứa đã nghe cha lặp tới lặp lui: Hai đứa mầy không phải anh em đâu nghe!
Nói chi vậy trời. Cha già này ác nhơn thất đức. Làm ơn thì làm ơn cho trót, nhắc thằng nhỏ nhớ làm chi tội nghiệp nó. Chắc ông muốn thằng nhỏ chịu ơn mình suốt đời vì ông vớt nó từ lùm điên điển, vì nó mà mẹ con Thanh bỏ đi, hay là ông chỉ muốn thanh minh thanh nga với miệng đời rằng ông với người đàn bà xấu số kia chẳng dính dáng gì với nhau hết. Bà bánh bò chỉ nghĩ được có tới đó thôi.
Mà thằng Điền lầm lũi lớn lên bên cạnh ông, nghe lời cha răm rắp. Cái nước da trời đánh mắc rọi đèn pin và cái nết lầm lì cam chịu, đố ai không tin nó là con ông.
Thằng Điền mày không phải con tao, mày đừng giống tao như vậy! Con Thanh có khùng không cứ xúi cha mày lấy vợ hoài. Con mẹ bánh bò à, con mẻ hay mặc áo sát nách, cái tướng xồ xề nhìn đã muốn ói, nuốt sao nổi bánh bò, huống chi… Nó nói lấy ai cũng được miễn có người đi kiếm cha nó về mỗi khi ông trốn đi nhậu mình ên. Mày chỉ nhìn nó len lén như vầy là nó biết mày thương nó như thương một đứa con gái không phải em mình hay sao. Mày đừng giống tao, con Thanh giống má nó lắm, nó sẽ không ưng mày đâu. Rồi nó bỏ cha con mình đi nữa, Điền ơi…
Trong mắt con nhỏ, thằng Điền quả thật chỉ là một thằng anh khờ khịu. Khờ tới mức khi con nhỏ kể cho anh nó nghe cái chuyện động trời đó mà thằng anh cứ lặng thinh không trả lời trả vốn gì hết trọi. Cái chuyện thằng kỹ sư hay bỏ áo trong quần khen con Thanh đẹp, đẹp rỡ ràng nhưng thôn dã, thuần khiết như bông điên điển dưới nắng mặt trời. Thằng đó đã nâng niu nó như thế nào, đã chiều chuộng nó ra sao. Đã đưa nó vào nhà nghỉ. Đã mở được cái nút áo đầu tiên của nó. Lần lần xuống tới cái nút thứ hai thì thằng đó tự động dừng lại, chỉ nhìn nó đắm đuối không làm gì nữa hết. Hành động đó được cho là cao thượng và con Thanh còn thiếu điều đội thằng đó lên đầu. Nó nghĩ mình đẹp và đáng được nâng niu giữ gìn như thằng đó nói. Và con nhỏ đã yêu thằng kia đến chết sống. Yêu tới nước vợ thằng kia tới nhà gặp cha nó rồi, nó vẫn yêu.
Vợ thằng kỹ sư cũng đẹp lắm, cái đẹp dịu dàng thanh thoát như một đóa sen. Chắc trước khi cưới, chồng cô ta cũng đã khen cô ta như vậy. Con Thanh tự dưng ghen với vẻ đẹp đó. Điên điển và sen là hai loài khác nhau nhưng đang cùng đung đưa, lung linh trên mặt nước. Và điên điển là thứ hoang dã nhưng chẳng phải chỉ để người ta ngắm nhìn đâu mà còn có thể ngấu nghiến được nữa.
Đêm đó, giữa nơi nhìn nhau của trời, đất, nước và điên điển, con nhỏ tự tay cởi lần lượt đến cái nút áo cuối cùng. Một vùng điên điển rạp mình oằn oại như vừa qua một trận giông, những cánh bông vàng rơi rớt tàn tạ không hé nỗi con mắt đón giọt nắng đầu ngày…
***
Ông đã mong mỏi cái ngày đó biết bao – cái ngày con Thanh theo chồng.
Bây giờ nó đã theo chồng nhưng ngặt nỗi là chồng người ta. Thần phật ơi, mười mấy năm rồi ông đâu có khóc. Bữa nay ông khóc, khóc trước mặt thằng con mượn đỡ. Mà ngay cả nước mắt cũng hà tiện. Cái lỗi lớn nhất của đời ông là cam chịu với cả bản thân mình. Ông mong cái ngày nó lấy chồng càng sớm càng tốt, không phải vì muốn rảnh tay đi thêm bước nữa như con mẹ bánh bò vô duyên hay “đâm xuồng bể”. Ông nghĩ, và đợi, ngày đó chắc chắn mẹ con Thanh về.
Bả về, dù bả có tàn tạ đến đâu cũng được, bả không cần khóc trước mặt ông, ông cũng hiểu hết, ông sẽ nói với bà cái câu đó…
Ai đồn bả bị đánh ghen lột quần sởn tóc, lê lết đi kiếm ăn trên thị xã. Ông nghe vừa xót xa đau đớn vừa khấp khởi mừng trong bụng. Bà sẽ về với ông thôi, ngày nào không về chứ cái ngày con Thanh lấy chồng nhất định bà về. Ông chờ bà để nói cái câu đó.
Nhưng bả nào có bị ai đánh ghen đâu, mà con Thanh nó bị đánh. Cũng con mẹ bánh bò hớt hải báo tin.
Rồi đó, bữa nay mẹ con Thanh về thiệt, mà đâu có tàn tạ như ông nghĩ. Bả vẫn mặc áo bà ba, nhưng cái áo lạ huơ lạ hoắc, mỏng dờn, bên trong là cái áo lót đen lồ lộ càng làm cho nó mỏng. Bả đeo vòng vàng đầy mình.
Đêm đó có người đàn bà lâu lắm mới gặp, tru tréo bên cái mả má thằng Điền.
– Trời ơi, bà nằm đây làm gì hả? Bà trả thù kẻ cướp chồng bà như vậy sao? Quả báo để cho tui lãnh, sao đổ lên đầu con gái tui vậy trời! Ông Năm Đợi ơi, sao ông không chết đi, ông để con gái tui ra nông nỗi như vầy…Trời ơi là trời!
Có cây điên điển già nua trơ trọi muốn đổ gục trên mặt nước, mặc cho nước cuốn đi đâu thì đi.
Nhưng sóng nào cuốn được. Cái loài điên điển này rễ treo hờ hững trong đất, cây nọ níu vào cây kia thành dề dập dềnh trên nước, không trôi.
Thằng Điền ôm chặt cha nó vào lòng. Ông đau còn hơn khi biết rằng chuyện thằng nhỏ chỉ là cái cớ mà vợ ông vịn vào. Ông nhớ nhiều lần vợ ông chửi chồng là củi mục, ông cúi đầu… Phải chi ông lên tiếng, giọt nước đã tràn ly lâu rồi đâu đợi đến ngày đổ tội cho thằng Điền khi nó còn đỏ hỏn.
***
– Cha à, con nghe lời cha mà, mùa tới mình đi cố đất mần nghe cha!
Cái thằng Điền này, nên nói mày thiệt thà hay cứ thẳng thừng là mày ngu quá đỗi.
– Con sẽ lên trên huyện coi người ta chỉ làm cơ giới hóa theo kiểu quy mô lớn ra làm sao. Chứ mần vầy hoài hổng thất bát thì không bán được. Em Thanh cũng hổng vui cha à.
Nó bỏ mày đi rồi mày còn nghĩ tới nó…
– Cha, để con đi kiếm út Thanh về cho cha nghe!
– Biết ở đâu mà kiếm.
– Con biết mà.
Cái bữa em Thanh đi với thằng kỹ sư ra gò điên điển, con cũng biết sao không…
Bà ơi, má thằng Điền ơi. Sao bà chết được ngon lành vậy? Bà chết để khỏi đợi chờ ai, để bắt thằng Điền chịu ơn cha con tui cho đến giờ nó cũng chưa biết là cha con tui phải chịu ơn nó.
Nước mắt hà tiện rớt thêm một giọt nữa.
***
– Sáng chưa con?
– Rồi, cha.
– Đi kiếm con Thanh dìa giùm cha, chết sống cũng phải kiếm.
– Cha dìa nhà nghe!
– Ừ, chút cha dìa.
Cái gò mả vẫn lạnh ngắt y chang cái gò mả. Thằng Điền đi rồi. Ông Năm Đợi cũng nhấc mình đứng dậy, vẹt đám điên điển ra, thất thểu đi về phía tán còng có cái chảng cây giăng võng…
***
– Điền, Điền ơi. Lẹ lên coi! Ông già mày…tính…treo cổ ngoài gò điên điển hay gì đó!
Trời đất sụp xuống. Không đứa nào bước nổi nữa khi vừa chạy tới gò mả. Mấy người đi ruộng đang túm tụm lại chỗ Năm Đợi.
Con Thanh nói trong hơi gió: Cha ơi, con đây nè, con có đi đâu bỏ cha đâu mà…Rồi khuỵu xuống. Anh Điền ơi, em làm khổ cha, khổ anh rồi…
Thằng Điền ôm xiết con Thanh vào ngực mình, lần đầu tiên nhìn nước mắt em chảy mà nó không thèm lau. Khi con nhỏ bớt bớt thổn thức, nó hổn hển :
– Anh biết mà, em còn khổ hơn anh trăm lần, em ơi!
Ai nói câu đó vậy cà? Câu đó là của Năm Đợi, đợi người đàn bà của ổng mười mấy năm rồi chỉ mong nói câu đó mà không nói được. Vậy mà cái thằng Điền khờ khịu thường ngày câm như hến, bữa nay biết nói câu đó thay ông, với em gái nó, mà không, với con đàn bà của nó thì đúng hơn. Đừng khóc, tui biết bà còn khổ tâm hơn, khổ tâm hơn…Bà ơi, Điền Thanh ơi…
Ông trời kỳ cục quá. Người ta muốn chết ổng chưa cho thì đừng hòng. Thằng cha Năm Đợi mở mắt rồi kìa.
Hai đứa nhỏ buông nhau ra. Con Thanh nhào vô người Năm Đợi khóc như mưa máng xối. Thằng Điền bật dậy. Bất ngờ, nó thét lên một tiếng “…A…a…a!” vang vọng đồng nước. Cuộc đời nó lần này là lần thứ hai nó biết thét lên như vậy. Rồi nó chụp cái tầm bứt ai để cạnh đó, chạy nhào đầu trở ra.
Người ta hết hồn hết vía la hoảng: Cái gì vậy, thằng Điền, coi chừng thằng Điền! Bộ cả nhà cha Năm này ai cũng muốn tự vận chết hả trời!
Thằng Điền cắm đầu chặt, tới tấp, túi bụi. Điền ơi, Điền. Đừng làm cha sợ con ơi. Cả bờ điên điển ngổn ngang, tơi tả, từng khúc, từng khúc một. Đã đời, nó ngưng tay, xách tầm bứt lội trở vô, cái giọng thiệt thà khờ khịu y mọi ngày:
– Cha ơi, mình cắm lại điên điển nghe cha, mùa sau đất tốt, chưa làm công nghiệp, mình xin người ta mần lúa lại được hông cha?
Ông trời ổng tào lao dễ sợ. Tự dưng đẻ đâu ra cho Năm Đợi thằng con mượn đỡ khùng hết chỗ nói!
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Tuyến – Thực hiện: NSUT. HÀ Phương

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *