Bài nổi bật

Trăng soi đáy nước

RadioVn.Com – Một hôm, Kyoko bỗng nảy ra ý nghĩ: sao mình không dùng một chiếc gương tay nhỏ để giúp người chồng đau yếu đang nằm liệt giường trên gác nhìn ảnh phản chiếu của mảnh vườn rau bé bỏng trước nhà? Việc chắc hẳn sẽ mở ra trước mắt chồng cả một quãng đời mới lạ. Nhưng rồi bao chuyện khác nữa cũng đã xảy đến với chiếc gương tay bé nhỏ kia.
Chiếc gương ấy là gương nào? Hóa ra đó chính là cái gương tay nhỏ vẫn nằm trong ngăn kéo chiếc bàn trang điểm mà nàng mang theo khi về nhà chồng. Một món hồi môn của nàng. Cả chiếc bàn trang điểm ấy lẫn cái vành gương đều được làm bằng gỗ dâu. Hồi mới cưới nhau, Kyoko thường dùng chiếc gương con ấy mỗi lần nàng muốn ngắm cái lọn tóc sau gáy xem đã vấn gọn ghẽ chưa. Ống tay áo kimono vẫn hay trượt lên cao, để lộ cánh tay đến tận khuỷu, và Kyoko còn nhớ rõ nàng đã đỏ mặt ngượng nghịu ra sao mỗi lần nàng soi gương để sửa lại mái tóc trên đầu. Chiếc gương mà Kyoko trao cho chồng để anh được ngắm mảnh vườn nhà chính là chiếc gương tay nhỏ này…
Hồi trước, mỗi lần Kyoko soi gương trang điểm sau lúc tắm, chồng nàng thường bảo: “Em vụng quá, nào đưa gương đây – anh giữ giúp cho”. Anh giật lấy chiếc gương trên tay, rồi rọi giúp từ nhiều hướng khác nhau, để nàng nhìn rõ hơn lọn tóc ở sau gáy phản chiếu vào chiếc gương to gắn trên bàn trang điểm kia; còn chính anh thì ngây người sung sướng đứng ở sau lưng nàng. Thực ra không phải Kyoko vụng về gì. Chẳng qua nàng chỉ hơi lóng ngóng, vì thấy chồng cứ đứng ở sau lưng và chăm chú nhìn mình.
Từ đó đến nay, thời gian tuy chưa xa cách là bao, cái khung bằng gỗ dâu chưa kịp long ra, nhưng chiến tranh, rồi tản cư, và căn bệnh hiểm nghèo của chồng đã dồn dập ập đến, nên khi Kyoko lần đầu tiên nghĩ đến việc giúp chồng ngắm mảnh vườn rau nhỏ, thì mặt gương đã mờ, còn chung quanh vành gương thì đã ố đen vì bụi bặm và loang lổ đầy bụi phấn mịn. Chuyện đó chẳng làm nàng lo lắng mấy, thậm chí nàng cũng chẳng để ý đến nữa. Nhưng chồng nàng, kể từ ngày cầm được chiếc gương trong tay thì anh không lúc nào rời nó ra, mà cứ giữ khư khư bên gối, và chắc vì bất đắc dĩ phải lâm vào cảnh ở dưng hoặc vì cái thói dễ cáu bẳn vốn có của người đau ốm, nên anh đã lau sạch bụi bặm bám trên khung và đánh cho mặt gương bóng lộn lên. Nhưng ít lâu sau, Kyoko thường thấy chồng hay hà hơi lên gương và cẩn thận lau chùi. Nàng thường bắt gặp mình có ý nghĩ: nếu anh ấy hay hà hơi thế, thì những thớ gỗ trên đó chắc phải dính đầy những vi trùng lao phổi vô hình… Lần nào chải tóc cho chồng, Kyoko cũng bôi lên một ít dầu hải đường rất thơm. Nhưng khi Kyoko chưa kịp chải xong, anh đã miết tay lên tóc, rồi bôi ngay lên chiếc khung gỗ, nên chiếc khung mỗi ngày một bóng lên hơn như thể đánh véc-ni, trong khi đó thì gỗ chiếc bàn phấn trang điểm nằm bên xó cửa vẫn xỉn màu như cũ.
Khi Kyoko đi bước nữa, nàng cũng đã mang chiếc bàn trang điểm theo, như một món hồi môn. – Nhưng chiếc gương nhỏ cầm tay thì nàng đã cho hỏa thiêu cùng với thi thể của người chồng cũ. Nàng không kể lại chuyện ấy với người chồng sau này. Nên bây giờ trên bàn trang điểm nàng lại có một chiếc gương tay khác, lồng trong chiếc khung gỗ bóng, chạm trổ theo lối trang trí Kamakura 1.
Thi hài người chồng quá cố, lúc khâm liệm, được đặt vào áo quan với hai bàn tay buộc chặt vào nhau theo phong tục xưa nay, nằm bắt chéo ở trước ngực. Bởi thế không thể nghĩ đến chuyện trao chiếc gương con ấy vào tay chồng: thế là Kyoko đành đặt nhẹ nó lên ngực, cạnh tim chồng.
Lát sau, nàng chuyển nó xuống thấp hơn, miệng thì thầm khe khẽ:
– Ngực anh đã đau đớn mãi, đặt chiếc gương lên chắc càng nặng thêm ra.
Lúc đầu, sở dĩ Kyoko đặt nó lên ngực, bên cạnh tim chồng, vì chiếc gương đã giữ vai trò quan trọng trong cuộc chung sống giữa hai người. Nàng không muốn họ hàng bên chồng nhận thấy chiếc gương, nên đặt một bó hoa cúc trắng đè lên trên. Ngọn lửa hỏa thiêu đã làm thủy tinh chảy ra, đông cứng thành một khúc ống sần sùi, chỗ vàng, chỗ sạm đen, vì dính phải than tro trong lúc thiêu xác.
Một người bà con bên chồng ngạc nhiên cất tiếng hỏi:
– Gì mà trông như thủy tinh thế này! Gì thế nhỉ?
Thực ra, bên trên cái gương tay ấy, Kyoko còn để thêm một chiếc nữa – cái gương bé tí, gắn trên nắp chiếc xắc nhỏ xách tay. Đó là chiếc gương soi được cả hai mặt, hình tanzaku 2. Kyoko ước ao sẽ được dùng nó trong chuyến đi du lịch tân hôn, nhưng chiến tranh ập đến, và hai vợ chồng đành phải gác lại mọi dự định. Hồi người chồng trước còn sống, nàng chưa hề đem chiếc gương con ra dùng.
Đến khi tái giá, Kyoko mới được hưởng chuyến đi du lịch tân hôn. Cái xắc của nàng đã sờn cả đi, thậm chí lắm chỗ bắt đầu lên mốc; vì thế, nàng phải sắm một cái mới. Cái xắc , dĩ nhiên, cũng có gắn một chiếc gương con trang điểm ở bên trong.
Trong ngày đầu tiên của chuyến đi, người chồng mới vừa ôm Kyoko vào lòng, vừa thủ thỉ với nàng:
– Trông em vẫn hệt như một thiếu nữ. Rõ thật tội nghiệp thân em!
Giọng anh không pha vẻ châm chọc, thậm chí còn phảng phất một niềm sung sướng bất ngờ. Có lẽ trong thâm tâm, anh cảm thấy sung sướng thực tình, bởi lẽ Kyoko trông như thể chưa bao giờ lấy chồng. Nhưng câu nói ấy lại khiến nàng buồn vô hạn. Nàng khóc nấc lên, co rúm người vào. Nhưng người chồng mới thì coi cử chỉ đó chỉ là vẻ e lệ trinh nữ của nàng.
Nàng không hiểu mình bật khóc là vì tủi thân hay vì thương người chồng cũ ngày nào. Nàng không thể tách bạch hai thứ. Nhưng ngay lúc đó nàng bỗng cảm thấy thế là quá bất công với người chồng mới và phải tỏ ra âu yếm với anh hơn, nên nàng đã nói, vẻ bông đùa:
– Thật ư? Anh thấy thế thật sao? – Nhưng chưa dứt lời Kyoko đã hiểu ngay là mình ăn nói vụng quá, nên nàng ngượng chín mặt.
Anh chồng mới, trái lại, lại rạng rỡ vì vui thích.
– Chắc chỉ vì chưa có con, – anh nói tiếp, và câu nói đó lại khiến lòng Kyoko tan nát.
Hễ gặp phải một sức mạnh đàn ông, khác với sức mạnh của người chồng cũ, Kyoko bao giờ cũng thấy mình bị hạ nhục tuồng như họ chỉ coi nàng là một món đồ chơi để giải khuây trong chốc lát cho vui.
– Nhưng em đã bận bịu khác nào như nuôi con mọn, – Kyoko cãi lại rồi im bặt.
Ngay cả sau khi chôn cất chồng cũ, nàng vẫn coi người chồng ốm nặng như là một đứa bé mà nàng phải cưu mang trong bụng.
“Sao mình lại tránh gần gũi, vì lo cho sức khỏe anh ấy, nếu như mình thừa biết sớm muộn gì rồi anh ấy cũng sẽ qua đời?” – Kyoko nghĩ bụng.
– Mori 3 thì anh chỉ được nhìn thấy loáng thoáng qua cửa toa, – ôm chặt Kyoko trong lòng, người chồng mới nhắc đến quê nàng. – Đó chắc hẳn là nột thành phố đáng yêu lắm và có rừng cây bao bọc chung quanh. Chẳng phải vô cớ mà người ta lại gọi nó bằng cái tên ấy. Em sống ở đó đến năm lên mấy?
– Đến năm tốt nghiệp trung học. Còn nghĩa vụ lao động thời chiến thì em hoàn thành tại nhà máy quân khí Sanzyo.
– Nghĩa là em sinh trưởng ở gần Sanzyo? Ồ, thảo nào em đẹp như tiên. Chẳng phải vô cớ mà thiên hạ vẫn thường bảo: muốn kén gái đẹp thì tìm đến Sanzyo, thuộc tỉnh Etigo.
– Xinh đẹp gì cái thứ em, – Kyoko đưa tay lên che ngực.
– Tay em đẹp, chân em đẹp. Thế thì những thứ khác của em làm thế nào xấu xí được?
– Không, chẳng phải vậy đâu! Kyoko cảm thấy cánh tay làm nàng vướng, nên nàng bỏ tay xuống.
– Dù em có con chăng nữa, anh cũng nhất quyết lấy em, – anh thì thầm vào tai nàng, – và nhận đứa bé ấy làm con, yêu thương nó như con đẻ. Nếu được là con gái, thì cố nhiên tốt nhất.
Chắc vì anh ấy đã có một đứa con trai, Kyoko nghĩ bụng. Nhưng thậm chí dù đó là những lời yêu đương chăng nữa nàng vẫn cảm thấy bây giờ chưa phải là lúc nên nói ra. Rất có thể anh đã tổ chức chuyến đi du lịch tân hôn với những người hôm nay là để cố trì hoãn cuộc gặp giữa nàng và đứa con trai.
Người chồng mới hiện đang dùng một cái xắc du lịch hảo hạng bằng da thật. Cái xắc của Kyoko rõ ràng là thua kém đủ đường. Nó vừa to, lại vừa bền, tuy rằng chẳng còn mới mẻ gì. Chồng nàng thường phải đi đây đi đó luôn, nhưng rõ ràng là anh hết sức giữ gìn cái xắc kia, nên lớp da bọc ngoài mới lên nước, trông thích mắt đến thế, mà chỉ những đồ vật hảo hạng dùng lâu mới có thể có được.
Kyoko vụt nhớ tới cái xắc cũ của nàng – mốc meo lỗ chỗ, mặc dù nàng chưa dùng đến bao giờ. Chỉ có chiếc gương con gắn trong ấy là nàng đã gỡ ra, trao cho chồng và gửi nó sang thế giới bên kia cùng với người chồng xấu số. Chiếc gương ấy chính là chiếc nàng đã đặt vào quan tài, bên trên chiếc gương tay… Cả hai đã chảy ra, quyện chặt vào nhau trong ngọn lửa hỏa thiêu, không ai đoán được trong cái xù xì ấy có đến những hai chiếc gương nhỏ. Cũng chẳng ai nảy ra ý nghĩ: cái khối thủy tinh vón cục dị hợm ấy trước vốn là gương soi.
Về phần mình, Kyoko không hề hé răng với ai về chuyện này.
Nàng có cảm giác như thể nhiều thế giới khác nhau từng in bóng trong hai chiếc gương con ấy cũng đã bị ngọn lửa phũ phàng thiêu cháy mất đi. Nàng không thấy có gì khác nhau giữa sự mất mát ấy với việc thi thể chồng nàng đã biến thành một dúm tro. Hồi đầu khi muốn giúp chồng mình thấy mảnh vườn, nàng chỉ trao cho anh có chiếc gương nhỏ cầm tay, và chồng nàng không rời nó ra nữa; nhưng rồi ít lâu sau, chiếc gương tay ấy nếu cầm lâu đã trở nên quá nặng đối với đôi tay yếu ớt của người đang ốm dài ngày, nên đã bao lần Kyoko cứ phải xoa bóp mãi hai cánh tay và đôi vai cho chồng. Bởi thế, nàng đã quyết định đưa thêm cho anh một chiếc gương nữa – bé hơn và nhẹ hơn.
Hồi còn sống, nhờ hai cái gương ấy, chồng nàng có thể nhìn thấy không chỉ mảnh vườn rau bé bỏng trước nhà. Trong gương, anh còn được ngắm cả bầu trời cùng những áng mây, cả cảnh tuyết rơi, và cả những rặng núi xa xa cùng dải rừng thưa gần đó. Được nhìn thấy cả vầng trăng, những đóa hoa hồng và những đàn chim di trú qua ngang trời. Trong gương còn phản chiếu cả khách bộ hành đi lại trên đường cùng bầy trẻ nô đùa trước sân.
Chính Kyoko cũng đâm ra sửng sốt với cái thế giới bao la và trù phú mà chiếc gương con ấy đã mở ra. Gương soi – đó chẳng qua chỉ là thứ đồ vật giúp người ta chăm sóc nhan sắc; hơn nữa, đấy chẳng phải là gương lớn mà chỉ là một chiếc gương tay nhỏ, chuyên dùng để phản chiếu lên tấm gương cái gáy của mình . . . Nhưng với một người đang ốm thì chiếc gương kia lại mở ra trước mắt anh ta một cách mới mẻ cả thiên nhiên lẫn con người! Nhiều hôm, Kyoko ngồi xuống bên đầu giường, cùng chồng nhìn vào gương và ngẫm nghĩ về những hình ảnh họ cùng trông thấy trong gương. Dần dần nàng không phân biệt được thế giới phản chiếu trong gương. Đối với nàng, cả hai đều trở thành những thế giới tồn tại độc lập, hơn nữa, cái thế giới mới, thế giới nhìn thấy trong gương, thậm chí nàng còn cảm thấy thực hơn là cái thế giới thực.
– Trong gương, bầu trời ánh lên sắc bạc – Nàng nói, rồi ngước nhìn qua cửa sổ và thêm: – Còn bầu trời ngoài cửa sổ thì xám ngoét như chì.
Bầu trời trong gương không gợi lên cảm giác nặng nề. Bầu trời ấy quả thực rất sáng sủa.
– Hay là vì anh thường chịu khó đánh bóng mặt gương?
Chồng nàng khẽ quay đầu lại để ngước nhìn bầu trời chắc gì đã như nhau trong mắt người và mắt muông thú, như chó hoặc chim sẻ, chẳng hạn? Cho nên, đã ai dám nói chắc màu sắc thật của bầu trời là màu gì?
– Thế sắc trời trong gương là màu sắc mà đôi mắt của gương nhìn thấy hay sao?… – Kyoko muốn nói: “Là màu sắc của hai người yêu nhau thắm thiết nhìn thấy hay sao”. Sắc cây in bóng trong gương cũng xanh tươi hơn, so với màu thực có.
– Đây là dấu ngón tay cái em đấy. Ngón cái của bàn tay mặt – Chồng nàng chỉ vào mép gương.
Tim Kyoko chẳng hiểu sao bỗng thắt lại. Nàng hà hơi vào chỗ ấy và vội vã chùi đi cái dấu tay.
– Đừng chùi. Em không biết, chứ hôm đầu tiên em giúp anh nhìn thấy mảnh vườn, trên mép gương cũng có một dấu tay em.
– Thế mà em chẳng để ý.
– Em thì dĩ nhiên em không để ý rồi, nhưng bây giờ thậm chí anh còn biết đích xác dấu tay của ngón cái với ngón trỏ của em khác nhau ra sao.
Có lẽ chỉ những ai ốm liệt giường dài ngày mới có thể ghi nhớ từng dấu tay của vợ.
Chồng nàng gần như đã ốm suốt từ dạo họ mới cưới nhau. Thậm chí anh đã vắng mặt trong suốt cuộc chiến tranh.
Nhà họ bị bom thiêu trụi, nên hai vợ chồng đã phải thuê tạm một căn phòng của một đôi vợ chồng mà Kyoko quen. Hồi ấy, người chồng đang còn ở trong quân ngũ. Già một tháng sống dưới mái nhà của chính mình và hai tháng ngụ trong căn phòng thuê tạm – đó là toàn bộ khoảng thời gian mà chồng nàng còn khỏe mạnh bên nàng.
Khi chiến tranh sắp chấm dứt, anh mới bị gọi vào quân đội.
Nhưng anh chỉ phải đào hầm đào hố đâu vài hôm trong một phi trường, rồi ngã ốm ngay và trở về nhà. Đúng hôm đó thì chiến tranh cũng chấm dứt luôn. Anh không tự đi lại được, nên Kyoko phải đưa ngay anh về nếp làng mà cha mẹ nàng đã tản cư lên.
Nàng đã chuyển hầu hết đồ đạc, cả của mình lẫn của chồng, về trên ấy từ trước.
Chồng nàng thuê một ngôi nhà nhỏ nằm trên một vùng đồi núi để chữa bệnh. Ngoài hai vợ chồng trong nhà còn có một gia đình tản cư, nhưng chiến tranh vừa chấm dứt, thì họ đã đưa nhau về lại dưới Tokyo. Họ để lại cho Kyoko một vườn rau nhỏ – vuông mỗi bề chừng sáu mét, đã lên luống sẵn.
Sống ở đây giữa chốn thôn quê, hai vợ chồng có thể thừa sức mua đủ rau ăn của bà con dân quê quanh đây; nhưng thời buổi này mà bỏ hoang một mảnh vườn như thế thì phí phạm quá, nên Kyoko giờ đây ngày ngày vẫn cuốc xới dưới vườn và thích thú đứng ngắm những luống rau nàng trồng nảy nở tươi tốt, đơm hoa, kết trái.
Nàng mê mải với mảnh vườn chẳng phải vì muốn thỉnh thoảng được thoát khỏi cái giường mà người chồng ốm đang nằm mà chỉ vì khâu vá và đan lát dễ khiến nàng buồn. Hơn nữa, việc chăm sóc mảnh vườn còn gieo vào lòng nàng những niềm hi vọng trong trẻo khả năng chồng nàng sẽ bình phục. Đó cũng là một cách kín đáo đế lộ tình yêu của nàng đối với người chồng phận hẩm. Ngoài ra, nàng đã phải quanh quẩn bên chồng quá nhiều thì giờ rồi – những lúc ngồi đọc sách cho anh nghe. Thêm một lẽ nữa; chắc hẳn vì quá mệt mỏi với việc chăm sóc người ốm, nên Kyoko bắt đầu có cảm giác là mọi thứ tuồng như đều đang ra đi mà chẳng bao giờ trở lại bởi vì, nàng hi vọng rằng việc chăm sóc mảnh vườn sẽ trả lại cho lòng nàng sự thư thái.
Họ đưa nhau về đây hồi giữa tháng chín. Khi những người dân thủ đô trốn lên đây tránh nắng rồi bỏ vùng này để về lại dưới đồng bằng thì những trận mưa dầm lạnh lẽo thường có vào buổi đầu thu bắt đầu dồn dập kéo về. Nhưng một hôm, trước lúc hoàng hôn, chim chóc bỗng vui vẻ hót vang và bầu trời cao không gợn một bóng mây, Kyoko bèn xuống thăm mảnh vườn rực sáng ánh nắng chiều và ngắm những luống rau mướt xanh như ngọc. Rồi nàng ngước mắt lên, nhìn theo những đám mây hồng đang thong thả trôi xuôi trên những đỉnh núi xa xa. Mải ngắm những bóng mây trôi, nàng không nghe thấy tiếng gọi gắt gỏng của chồng từ trên lầu vọng xuống. Đến khi nghe thấy, nàng vội vàng chạy lên, thậm chí còn chưa kịp phủi sạch đất cát bám trên tay.
– Tôi gào đến khản cả tiếng. Thế mà cô không nghe thấy à?
– Anh thứ lỗi, em đang mải nghĩ.
– Vất quách cái mảnh vườn ấy đi! Kẻo không có ngày tôi đến phải tắt thở vì gọi cô. Rồi mai mốt tôi không còn biết là cô đang ở đâu và đang làm gì nữa.
– Em chỉ quanh quẩn dưới vườn, chứ có đi đâu đâu. Nhưng nếu anh muốn, em sẽ không xuống dưới ấy nữa.
Chồng nàng đã bình tâm lại.
– Em có nghe tả tiếng chim sơn tước vừa hót không?
Anh gọi nàng chẳng qua chỉ là để hỏi chuyện đó. Giữa lúc vợ chồng đang trò chuyện thì trong cánh rừng thưa cạnh nhà, chú sơn tước nọ lại cất tiếng hót lanh lảnh. Dải rừng lúc này đang cắt hình rõ nét trên nền trời chiều trong vắt. Kyoko vẫn còn nhớ như in tiếng hót của chú chim sơn tước này.
– Ta sẽ sắm một cái chuông con, – để anh dễ gọi em hơn. Tạm thời em sẽ để bên đầu giường anh một món đồ gì đó. Khi nào cần đến em, anh cứ ném nó qua cửa sổ.
– Em định bảo anh vứt hết cốc chén từ trên gác này xuống chứ gì? Nói dễ nghe nhỉ?
Chồng nàng dẫu sao cũng không cấm nàng chăm bón mảnh vườn nhà. Mãi đến lúc mùa đông khắc nghiệt và dài lê thê của vùng rẻo cao qua đi và mùa xuân bắt đầu sang, Kyoko mới nghĩ ra cách giúp chồng nhìn thấy mảnh vườn rau bằng chiếc gương tay nhỏ.
Chao ôi, nàng sung sướng biết bao khi chiếc gương con bình dị đã làm sống lại trước mắt người chồng đau yếu cả một thế giới cây cối tươi non mơn mởn trong dịp đầu xuân. Giờ đây, chồng nàng thậm chí còn nhìn thấy cả việc Kyoko lần bắt từng con sâu hại lá cho mỗi cọng rau. Nhưng dáng dấp của những con sâu ấy ra sao thì anh không nhìn rõ được, nên Kyoko thường phải mang lên tận trên gác để chỉ cho chồng xem. Về sau, anh còn được dịp ngắm vợ cuốc lật đất vườn.
Trong gương, anh thấy rõ cả lũ giun, lúc em cuốc lật đất lên. – Anh đã nói thế với Kyoko khi nàng lên gác. Thường thường, khi bóng nắng đã đổ dài trên mặt đất, thình lình nàng bỗng cảm thấy có một luồng ánh sáng rực rỡ rọi thẳng vào mặt mình. Nàng ngước nhìn lên thì thấy anh đang nằm trên gác, đặt chếch mặt chiếc gương lên để phản chiếu vầng mặt trời ngả bóng, rồi rọi thẳng xuống chỗ nàng. Anh bắt nàng may một chiếc quần rộng ống bằng một mảnh vải thô còn giữ lại được từ những năm đang theo học ở đại học. Anh rất thích thú được ngắm nàng diện chiếc quần rộng ống màu xanh lơ điểm lấm tấm những nốt tròn trắng muốt ấy, để cuốc đất dưới vườn.
Kyoko biết anh đang ngắm nàng trong gương, nhưng vì mải làm, nên lắm lúc nàng đã quên bẵng đi. “Mình đã thay đổi quá nhiều kể từ độ mới cưới nhau, hồi ấy, thậm chí mình còn ngượng ngập mỗi lần phô ra hai cánh tay để trần đến tận khuỷu”. – Kyoko hồi tưởng lại và tim nàng ấm áp hẳn lên.
Kể từ khi nước Nhật bắt đầu nếm mùi chiến bại, nàng không còn ngó ngàng gì đến son phấn bao giờ. Tiếp đó, nàng đâm ngượng mỗi lần ngồi vào bàn trang điểm vì chồng đang ốm đau, nên mãi sau ngày đi bước nữa, nàng mới thực sự bắt đầu mó đến phấn sáp, lược gương. Nàng nhận thấy son phấn đã làm nhan sắc nàng hoàn toàn đổi khác. Nàng thực sự trở thành một giai nhân khi vừa trang điểm xong. Cho nên nàng bắt đầu tin rằng người chồng mới đã thực lòng thán phục nhan sắc nàng vào ngày đầu tiên, khi chỉ còn lại một mình hai vợ chồng.
Giờ đây, Kyoko không còn e thẹn khi mỗi lần ngồi ngắm gương mặt mình trong gương sau lúc tắm gội. Nàng thấy mình xinh đẹp. Nhưng người chồng xấu số đã dạy cho nàng một cách Cảm nhận về nhan sắc được phản chiếu trong gương, vốn khác hẳn với cách cảm nhận thường có của nhiều người, và nàng vẫn gìn giữ nó cho đến tận bây giờ. Giờ đây, chẳng phải nàng ngờ vực gì vẻ đẹp mà mình nhìn thây trong gương. Nhưng dẫu sao nàng vẫn tin chắc cái được phản chiếu trong gương kia là một thế giới hoàn toàn khác.
Tuy thế, khi nhìn mình, rồi sau đó ngắm kĩ bóng mình phản chiếu trong gương, dẫu sao nàng vẫn không nhận từ có một sự khác biệt nào, tương tự như sự khác biệt giữa bầu trời xám ngoét bên kia của sổ với bầu trời lấp lánh sắc bạc trong gương. Có lẽ, không thể cắt nghĩa điều đó đơn thuần bằng sự khác nhau về khoảng cách. Mà còn phải lưu ý đến một nhân tố rất hệ trọng nữa: niềm ham mê cháy bỏng và tâm trạng ngao ngán của chồng nàng vốn bị bệnh tật giữ chịt trên giường. Chắc hẳn anh đã cảm thấy nàng xinh đẹp biết dường nào khi ngắm nàng trong chiếc gương con, lúc nàng làm lụng dưới vườn? Giờ đây, Kyoko không còn cách nào để biết đích xác chuyện ấy nữa. Nhưng hồi chồng nàng còn sống, nàng vẫn chưa hiểu ra điều đó.
Cả hình ảnh của chính nàng mà người chồng đau ốm từng nhìn từ trong gương, cả sắc xanh của những đóa thủy tiên, cả màu trắng mát của những bông huệ nước, cả bầy trẻ thôn quê nô đùa bên rìa ruộng, cả vầng mặt trời buổi sáng nhô lên trên những rặng núi tuyết xa xa… Hết thảy những thứ , Kyoko không những cố làm sống lại trong kí ức, mà còn nhớ nhung tha thiết đến nó, một thế giới khác hẳn, mà xưa kia vốn là của riêng nàng và người chồng xấu số của nàng. Nàng cố nén cái tình cảm ấy trong lòng, một tình cảm mà bất cứ lúc nào cũng chực bùng lên thành một nỗi khát khao mãnh liệt, vì không muốn người chồng hiện nay lo lắng thêm. Cho nên, nàng thường buộc mình phải nghĩ đến tình cảm như một cái gì rất đỗi xa xăm và chỉ chuyên dành cho một cho một thế giới khác, không phải là cái thế giới đang hiện hữu.
Vào một sáng tháng năm, Kyoko bỗng được nghe trên máy thu thanh những tiếng hát của chim chóc sống trong rừng. Đó là một buổi truyền thanh trực tiếp từ một vùng rẻo cao, kế bên ngôi làng trong đó người chồng trước của nàng giã từ cuộc đời. Tiễn chồng đi làm xong, nàng liền lôi ngay trong ngăn kéo chiếc bàn trang điểm cái gương tay và bắt đầu ngắm bầu trời quang đãng trong gương. Rồi nàng ngắm cả gương mặt mình in hình trong ấy. Và thình lình nàng bỗng phát hiện ra một điều kì lạ – thì ra ai cũng chỉ có thể nhìn thấy mặt mũi của chính mình bằng cách ngắm nó trong gương; ngoài cách ấyra, không còn một cách nào nữa hết. Từ đó trở đi, ngày nào Kyoko cũng phải ngắm nghía và sờ nắn trong gương gương mặt của chính mình, để biết đích xác gương mặt in bóng trong gương kia cũng chính là gương mặt nàng nhìn từ ngày ngày, không cần đến một chiếc gương nào. Nhưng vì lẽ gì mà con người do trời sinh ra lại bị tước đoạt mất cái bản năng thiết cốt là tự nhìn thấy được gương mặt của chính mình?
“Nếu có được bản năng ấy, con người chắc sẽ hoàn toàn bối rối hoặc hoàn toàn mất trí chăng?” – Nàng tự hỏi.
Không, chắc hẳn ngay từ buổi sơ khai, con người đã không được trời đất ban cho cái diễm phúc được nhìn thấy gương mặt chính mình. Thế nhưng cái diễm phúc ấy có lẽ chuồn chuồn và bọ vái 4 lại có được. Chẳng lẽ con người cần có gương mặt chỉ để cho người khác ngắm nghía hay sao? Rõ ràng là ở đây có một cái gì đó na ná như là những nguồn khêu gợi yêu đương…
Nàng gạt chiếc gương tay nhỏ ấy ra xa và bỗng bất thần nhận thấy rằng màu sắc của chiếc bàn trang điểm bằng gỗ dâu chẳng hòa hợp tí nào với những đường nét chạm trổ theo kiểu Kamakura của chiếc gương tay nhỏ. Chiếc gương ngày trước, chiếc đã bị thiêu cháy cùng với thi thể của chồng nàng, và cái bàn trang điểm này như thể hóa thành một quả phụ. Khi trao chiếc gương tay và chiếc gương con gắn trong cái xắc cho chồng, nàng đã mang đến chẳng những điều lành, mà cả điều dữ nữa. Vì ngày ngày anh cũng đã nhìn thấy trong hai chiếc gương ấy cả sắc mặt chính mình và nhận ra hết triệu chứng này đến triệu chứng khác của căn bệnh đang tiến triển hiện rõ trên khuôn mặt, và những dấu hiệu của cái chết đang đến gần. Nếu có một kiểu mưu sát bằng tâm lí nhờ sử dụng gương soi, thì cái chết của anh ấy phải chăng là do chính nàng đã gây nên? Trước đó khá lâu nàng đã nghĩ đến cái điều dữ ẩn giấu trong chiếc gương và thậm chí nàng đã toan đem cất nó đi, nhưng chồng nàng cứ khăng khăng cự tuyệt.
– Em định tước đoạt của anh niềm vui được nhìn ngắm mọi thứ chung quanh, – chồng nàng bảo, – nhưng anh thì chừng nào còn sống, anh còn muốn được hưởng cái thú vui thưởng ngoạn hết thảy những gì mắt mình có quyền được nhìn thấy. Anh đã hi sinh đời mình để đem lại sự sống cho cái thế giới hiện hữu trong gương. Anh đã mê mải ngắm trong gương bóng vầng trăng in hình trong vũng nước mưa đọng lại dưới sân. Và kỉ niệm về vầng trăng soi bóng dưới đáy nước – phải chăng đó chỉ là hình bóng phản chiếu trong gương? – Kyoko vẫn còn giữ mãi trong lòng cho đến tận bây giờ.
Chỉ những ai khỏe mạnh mới có được một tình yêu lành mạnh, – người chồng sau của nàng thường bảo vậy, và lần nào nghe nói thế, Kyoko cũng ngượng nghịu gật đầu, nhưng ở đâu đó trong đáy lòng mình, nàng hoàn toàn không chấp nhận điều này. Lúc đầu, nàng tự trách mình: sao lại dại dột đi chối bỏ những dịp gần gũi với người chồng đau yếu? Vì dẫu có làm thế chăng nữa cũng đâu cứu sống được anh ? Nhưng những ý nghĩ dần dà đã biến thành những hoài niệm về một mối tình sầu muộn, nên về sau nàng mới nghĩ rằng: khi mà nó trở thành hoài niệm, thì lòng nàng vẫn dào dạt yêu đương như xưa, và nàng không còn tự quở trách mình.
Còn về người chồng mới?… Có phải vì quá nông nổi, nên anh khó lòng thấu hiểu tình cảm yêu đương của người phụ nữ chăng?!
– Tại sao một người đầy nhân đức như anh mà lại nỡ bỏ rơi người vợ cũ? – Có lần Kyoko đã ướm hỏi anh ta vậy. Anh ta nín thinh. Kyoko sở dĩ lấy anh ta chẳng qua chỉ vì nàng đã nghe theo lời khuyên ân cần của anh trai người chồng cũ. Trước ngày cưới, nàng và người anh trai đã thường xuyên gặp gỡ nhau trong suốt bốn tháng ròng. Chồng mới của nàng hơn nàng những mười lăm tuổi.
Khi Kyoko bắt đầu biết mình sắp có con, nàng đã hết sức hoảng sợ. “Em sợ lắm, em sợ lắm”, – nàng vừa nhắc đi nhắc lại câu , vừa ôm ghì lấy cổ chồng. Khổ sở do những cơn buồn nôn của thời kì thai nghén hành hạ, đầu óc nàng như mụ hẳn đi.
Nàng thường chạy chân trần ra sân, vơ lấy một nắm lá thông, rồi cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Khi sắp xếp cho cậu con chồng đi học, nhiều hôm nàng đã cho vào cặp nó những hai hộp đồ ăn điểm tâm, mà chẳng hiểu sao trong cả hai hộp đều chỉ toàn cơm… Có lúc nàng bỗng nhìn chằm chằm vào cái ngăn kéo của chiếc bàn trang điểm, và nàng bất thần có cảm giác mặt bàn trở nên trong suốt, đến nỗi nàng có thể nhìn rõ được cả chiếc gương tay với cái khung chạm trổ theo lối Kamakura nằm bên trong. Có lần, đang nửa đêm nàng bỗng thức giấc, và ngồi dậy, nhìn chòng chọc hồi lâu vào khuôn mặt người chồng đang ngủ cạnh nàng. Kinh hoàng với cái kiếp phù sinh của con người, nàng cởi dải thắt lưng chiếc kimono mặc ngủ ra: có lẽ nàng định thít chặt cổ người chồng đang ngủ. Và bất thần nàng bỗng trào nước mắt. Người chồng tỉnh giấc, âu yếm dỗ dành nàng rồi buộc giúp lại dải thắt lưng. Kyoko run bắn người lên vì cảm thấy lạnh, tuy rằng đang là giữa hè và đêm, thậm chí trời vẫn còn oi bức như đang lúc giữa trưa.
– Phải nghĩ đến đứa con trong bụng chứ, Kyoko, người chồng vừa lay vai vàng, vừa dỗ dành âu yếm.
Thầy thuốc khuyên nên đưa ngay nàng vào bệnh viện. Kyoko từ chối, nhưng rồi cuối cùng người ta cũng đã thuyết phục được nàng.
– Được, em sẽ vào, nhưng trước lúc vào, hãy để cho em về thăm lại thầy mẹ em vài hôm, – nàng bảo chồng.
Người chồng đích thân đưa nàng đi.
Hôm sau, nàng đã một mình lên ngay cái nơi mà nàng và người chồng cũ đã từng chung sống trước đây. Đang là đầu tháng chín – hồi vợ chồng đưa nhau lên đây, họ cũng bị trễ mất khoảng mươi hôm. Lúc ngồi lên tàu, nàng lại bị những cơn buồn nôn tai ác và những cơn nhức đầu như búa bổ làm tình làm tội.
Thậm chí nàng lo sợ sẽ phải bỏ dở giữa chừng cuộc hành trình nàng từng ao ước này. Nhưng rốt cục nàng cũng đã đến nơi, và trước khi bước xuống sân ga, hít thở một hơi dài đầy lồng ngực làn không khí tươi mát ở đây, nàng vụt cảm thấy dễ chịu. Nàng bừng tỉnh lại – như thể cái bóng ma vẫn ám ảnh nàng lâu nay phút chốc đã tan biến hoàn toàn. Kyoko dừng lại và ngước nhìn những ngọn núi chung quanh, lòng dào dạt một cảm xúc khác lạ.
Những rặng núi xanh thẫm cắt hình rõ rệt trên nền trời. Kyoko cảm thấy như được sống lại giữa một thế giới sinh động. Lau khô những giọt nước mắt nóng bỏng ràn rụa trên đôi mắt mình, nàng thong thả tiến về phía ngôi nhà hai vợ chồng từng chung sống bên nhau. Từ dải rừng thưa đã thẫm bóng trong bầu trời đỏ rực buổi chiều hôm, tiếng chim sơn tước ríu rít lại vọng đến tai nàng y như ngày chồng nàng còn sống.
Ngôi nhà đã có người khác ở: trong khung cửa sổ trên gác đang bay phơ phất một tấm rèm bằng đăng ten trắng. Không dám đến gần, Kyoko chỉ ngước nhìn lên và bất thần buột ra một câu nói khẽ, mà hẳn chồng nàng cũng phải ngạc nhiên:
Ta sẽ làm gì hả anh, nếu đứa bé em đang mang trong bụng giống anh?
Và lòng thanh thản, Kyoko quay gót trở lại nhà ga.
(NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch
(Lấy từ Tập truyện nước ngoài chọn lọc,
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1998)
Tác giả: Yasunari Kawabata – Thực hiện: BTV. Thu Viễn
——————————–
1
Một kiểu chạm trổ kết hợp với lối đánh bóng bằng sơn then.
2
Hình một loại giấy dài, khổ hẹp, dùng để chép những bài thơ kiểu tanka.
3
Tiếng Nhật Bản có nghĩa là “rừng thưa”.
4
Bọ vái: Một loài sâu bọ sống ở các vùng phía Nam, thường hay đứng ở tư thế gục đầu, hai chân trước khoanh lại như người đang quỳ lạy trong lúc cầu nguyện.

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *