Bài nổi bật

Tứ Hổ – Nguyễn Thái Sơn

Truyện đêm khuya – Bà Nhàn yên tâm, khi nghe thấy tiếng cánh cổng sắt nhà Vang sập đánh r…ầ…m…, và tiếng con vợ Vang í éo thơi thơi:
– Hôm nay rượu nhiều thế, mà lại biết lối về cơ à?
Không có tiếng trả lời. Bà cố ý nghe ngóng, nhưng chỉ thấy tiếng đàn gà túc túc bới rác dưới chân đống rơm. Thế là đứa nào đã về nhà đứa ấy. Bà thở phào, cầm chiếc ghế nhựa ra ngoài sân giếng cùng Hạ cô con gái út, rửa đống bát đĩa, dao thớt, soong nồi, nhớt nhát để lại sau buổi liên hoan…
Đã thành cái lệ, năm nào nhà bà Nhàn ngày thanh minh con cái cũng tề tựu, về tảo mộ cúng ông bà tổ tiên rồi liên hoan. Những năm đầu đầm ấm, vui vẻ, bởi bốn anh con trai: Chiến, Thắng, Vẻ, Vang, chưa bị sự hối thúc của cơm áo. Khi con bồng con bế, “đồng tiền gắn liền khúc ruột”, thì ngày thanh minh không được như trước nữa. Nó là ngọn núi lửa ngầm sôi, sãn sàng phun trào bất cứ lúc nào. Trong bữa ăn, rượu vào không ai chịu ai, vì nỗi ấm ức cả năm bị kìm nén, bấy giờ mới được dịp bung ra. Các anh, cứ nhè vào phần nhân cách thiếu hụt của nhau mà bóng gió, bới móc. Làm cho vợ chồng bà Nhàn luôn phấp phỏng đứng ngồi không yên, sợ ẩu đả xảy ra.
Chiến, con trai cả người thành đạt nhất, chánh văn phòng sở. Anh trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, rất nhậy bén với thời cuộc. Anh thường là người đầu tiên mang thông tin về làng, (chẳng biết đúng hay sai):
– Bây giờ chạy vào trường X phải chín mươi triệu, trường N phải trên trăm triệu. Tôi có thằng bạn chạy chức phó phòng, cái phòng chẳng mầu mè gì cũng mất mười lăm vé.
Ba cây lộc vừng mọc ở bờ ao, nổi u, nổi cục, thân uốn lượn như những con rồng trên mái đình làng, có từ đời nào không ai biết, đều được anh bấng đi. Cây thứ nhất, Chiến bảo với ông Trác:
– Xếp nhị vào nhà mới thằng nào cũng phong bì, con phải làm khác. Bố cho con xin cây lộc vừng để con biếu.
Cây lộc vừng thứ hai, Chiến vò đầu bứt tai:
– Xếp nhất cứ khen nhà xếp nhị có cây lộc vừng đẹp, làm con khó xử, bố cho con cây nữa nhé.
Cây lộc vừng thứ ba, Chiến đặt vấn đề:
– Làm nhà con không xin bố mẹ cái gì, con chỉ xin mỗi cây lộc vừng.
Thế là ba cây lộc vừng đều lên thành phố, để lại ba cái hố. Mùa khô đen ngòm hun hút, như ba cái hố đào vàng, mùa mưa réo rít đầy vập nước, như ba cái giếng khơi. Một chiều mùa thu, nhà hàng xóm bán cây lộc vừng được hơn chục triệu, tin ấy loang nhanh. Cả nhà nhìn ra, không thấy những dây hoa đỏ rủ xuống mặt ao, không thấy những chú cá cuộn mình đớp cánh hoa rơi, ai cũng tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Hạ vô tình nhẩm tính:
– Nhà bà Mùi bán cây lộc vừng ấy, mà được hơn mười triệu, ba cây nhà mình còn, thì phải được năm mươi triệu.
Vợ chồng ông Trác thở dài. Vang nghiến răng:
– Làm anh mà tham như mõ, chủi cùn rế rách cái gì cũng vơ.
Chiến thăng quan tiến chức rất nhanh, vì năm nay ông Trác lại khoe, (dân làng bảo ông nói khoác):
– Thằng Chiến nhà tôi mới lên chức nữa. Tết rồi, cấp dưới đến mừng được ba chục triệu. Tài sản của nó bây giờ đủ mua nửa làng mình.
Vang chẳng ý tứ gì chen ngang:
– Giầu thế để làm gì? bố mẹ đã được anh ấy thí cho đồng nào bao giờ chưa? Năm ngoái, anh Vẻ làm nhà lên vay tiền, chỉ thiếu quỳ xuống lậy, mà anh chị ấy không cho vay lấy một cắc.
Như con mương được khơi thông dòng chảy. Bà Nhàn cay đắng:
– Nói gì đến các anh tôi đây này, năm ngoái nằm viện bạn bè của anh Chiến đến thăm, người cho năm chục, người một trăm. Tất cả cũng được mấy triệu, nhưng vợ nó lấy lại hết chỉ cho tôi ba trăm.  Chị ấy bảo số tiền ấy để anh Chiến thăm lại khi cha mẹ, vợ con, họ ốm đau.
Thắng, con trai thứ hai là viên chức về hưu. Đen đủi râu quai nón, lại gù trông như con gấu. Ngày còn trong miền trung anh coi trại tù, mỗi lần về phép khuân theo bao lớn, bao nhỏ, gạo nếp, đậu xanh, và cả những chiếc điếu cầy trạm khắc rồng phượng, gái khỏa thân nhìn như thật. Trai làng thích rỏ dãi. Anh bảo: bọn phạm nó làm. Thắng vui vẻ phóng khoáng uống rượu như bọn lục lâm thảo khấu, uống bằng bát, bằng tô. Uống xong rút súng ngắn, bắn đoàng đoàng lên ngọn cau già. Cách đây dăm năm, Thắng sơ ý để phạm nhân trốn trại, anh bị kỷ luật xuống quân hàm, điều về quản giáo ở một trại tù miền bắc, rồi nghỉ hưu sớm. Từ đó Thắng như con sâu nằm trong cái kén. Ít nói nhưng cục cằn. Chuyện trong nhà Thắng định hướng:
– Ông Chiến là con trưởng, cứ theo gương ông ấy mà làm. Mọi việc “cưa đứt đục suốt”, để khỏi hệ lụy cái tình.
Thắng như bờ thành cổ, như lõi gỗ già không cảm nắng mưa. Lần bà Nhàn ốm nặng, phải đi viện. Thắng bảo:
– Sống là ở niềm khổ ải, chết là về nơi cực lạc. Có nhất thiết phải cho mẹ đi viện để phiền toái thế này không?
Dân làng vây quanh chiếc cáng bà Nhàn, nhìn anh ngỡ ngàng, như vừa nhìn thấy cái hồn, đang thoát khỏi cái sác của một con người. Bởi chưa ai biết gì về nơi cực lạc, họ chỉ hiểu giản đơn: nói thế nghĩa là mong cho mẹ chết.
Vẻ, con trai thứ ba, nhang nhác giống anh cả, nhưng trắng trẻo hơn. Anh làm đủ nghề: thợ mộc, thợ nề, rồi thợ sửa chữa điện tử, không nghề nào giữ được anh lâu. Bởi anh mong giầu nhanh mà những nghề ấy, không có nghề nào làm cho anh giầu nhanh được. Bù lại tính Vẻ tằn tiện, chắt bóp, ngoa ngoắt như gái điếm về già, nên khinh tế có phần dư dật. Nhà nuôi con chó bỗng mất tăm, Vẻ đi dọc làng chửi, mớ đời, vạn đời thằng trộm chó, nhưng sau thấy nó chết nổi ở bờ ao, đã chương phình, vì ăn phải bả chuột. Anh vớt lên cạo lông, moi ruột, thui vàng, mang ra quán “Thịt chó bốn mùa” phố huyện, vẫn bán được chín chục ngàn. (Từ bữa ấy cả làng, không ai giám ra hàng thịt chó). Chuyện bố mẹ, anh em, Vẻ dễ dãi “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, nhưng gật xong Vẻ chẳng làm gì. Anh nói với vợ:
– Để cho hai quan bác lo chuyện đại gia đình, mình chưa đến lượt, lớ sớ hai bác lại chửi cho.
Đúng là Vẻ không lớ sớ. Anh như người dưng, có ăn thì đến, bố mẹ hở ra cái gì thì nhặt, họp bàn chuyện đóng góp Vẻ cáo ốm, cho vợ đi thay. Trong nhà bà Nhàn ác cảm với Vẻ nhất. Lần hàng xóm nói riêng với bà, bằng chứng Vẻ ăn trộm gà. Bà xấu hổ rít lên cay nghiệt:
– Biết nó thế này, khi đẻ ra thà bóp chết cho xong.
Vang, con trai thứ tư, chẳng giống ai, dân lao động cơ bắp mà tóc để ngang vai, râu ria rậm rạp như người rừng. Vợ chồng cấy một mẫu hai sào ruộng tạm đủ ăn, có dạo hùn vốn cùng ông chú họ mở lò gạch. Bán được vài vạn thì gặp mưa triền miên, lò đổ xụp thành đống bùn nhão, ông chú đòi lại mười lăm triệu tiền góp vốn. Vang đập cái khuôn gạch gẫy đôi:
– Góp đếch đâu mà đòi.
Chú bảo có, cháu nói không, cãi chửi nhau chém chuối mà thề. Không ai đứng ra giải quyết, thế là chú cháu từ nhau. (Mười lăm triệu đủ để chia lìa tình chú cháu). Vang thích ăn nhậu, không con chó, con lợn nào người trong làng thịt, mà Vang không đụng một phần. Rượu không uống được nhiều, nhưng anh lại uống suốt ngày, vào một chén ra một chén. Để cổ vũ cho thói ăn nhậu của mình, Vang bảo:
– Biết sống đến mai? Mà dành củ khoai đến sáng!
Ông Trác xếp loại:
– Trong bốn quý tử: ở thằng Vang, phần người nhiều hơn cả. Bởi một năm nó còn giúp được bố mẹ vài buổi cầy bừa. Lúc ăn nhậu nhớ đến bố mẹ, cũng biếu tô canh, đĩa thịt.
Hạ, cô con gái út hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp trung cấp y, xinh sắn khỏe mạnh, nhưng gõ cửa khắp nơi đều không xin được việc. Cậy nhờ anh cả, Chiến cười trước sự ấu trĩ của cô em:
– Cả xã hội đâu đâu cũng đại học hóa, cô chỉ có cái bằng trung cấp y đang thừa nhan nhản, mà lại không có tiền, thì xin đâu được việc bây giờ? Tốt nhất cô xuống ủy ban đặt vấn đề, xem y tế xã có việc gì thì tham gia, mà ăn thóc theo mùa vụ.
Bà Nhàn thấy không hy vọng lắc đầu:
– Thôi khó khăn thế thì ở nhà làm ruộng, rồi lấy chồng con ạ, làng này đã có mấy đứa con gái, thoát khỏi chân lấm tay bùn?
Hạ bực tức căn vặn:
– Thế bố mẹ cho con đi học làm gì?
– Cái sự học là không cùng, đôi khi cái sự học chẳng để làm gì con ạ.
Ông Trác vừa nói vừa nhìn con trai cả. Ông nhớ lại những đêm vợ chồng gánh đất đổ lấn đầm sen hợp tác, để cho đủ sau này mỗi thằng con trai một mảnh đất. Ông nhớ đến cái đêm nào mưa rét cõng Chiến, chạy mười cây số lên bệnh viện huyện cấp cứu, khi Chiến lên cơn hen cấp tính. Ông thầm cười mình, một thời cứ úp mặt vào mà hôn cái mẩu thừa, tự hào có bốn thằng con trai, nhiều đinh nhất họ. Hạ nước mắt ráo hoảnh:
– Chẳng phải học ở đâu xa, chỉ học ở nhà ta cũng quá đủ.
…Mẹ con bà Nhàn đã rửa xong đống bát đĩa đang úp vào rổ. Vẻ sồng sộc chạy sang đẩy cửa nhà trên, bật điện sáng trưng, anh chui vào gầm giường cầm chổi khua khoắng. Bà Nhàn thấy lạ hỏi :
– Làm  gì mà ầm ĩ lên thế, để yên cho thằng Chiến ngủ, chiều nó về.
– Yên gì mà yên, rõ ràng lúc sang đây con đút túi hai triệu tiền bán lợn, mà bây giờ về không thấy đâu nữa, nó chỉ rơi ở bên này.
Thấy sự việc có phần nghiêm trọng, ruột gan bà Nhàn nóng bừng, hai mẹ con vội đứng lên. Họ vào nhà săm soi tìm kiếm cùng Vẻ. Mồ hôi ướt đầm lưng áo ba người. Không thấy. Chỉ thấy rặt những mẩu thuốc, và vỏ bánh kẹo trong gầm giường, gầm tủ. Vẻ khẳng định:
– Thế thì ai đó nhặt được rồi?
Vẻ gọi bố và anh cả dậy. Nghe Vẻ tường trình, ông Trác khó chịu, nhăn nhó bảo Hạ:
– Con đi gọi tất cả người lớn trẻ con, trưa nay ai có mặt ở nhà ta thì đến ngay. Khổ thân tôi không có năm nào thanh minh yên ổn cả!
Hạ đi, không đầy mười lăm phút sau, mọi người đã có mặt đầy đủ. Nghe ông Trác nói vắn tắt sự việc, tất cả nháo lên, ai cũng muốn tự thanh minh cho mình. Thắng đứng trước đám nghi can, đúng chuyên môn của mình, anh nói to:
– Bố cứ để con.
Thắng hắng giọng, kêu gọi mọi hãy người thành thật, tự giác, gạt bỏ lòng tham, rồi anh như vị chỉ huy đứng trước hàng quân:
– Trước hết tôi hỏi các ông. Có ai nhặt được gói tiền ấy không?
Những người đàn ông lắc đầu. Thắng nhìn quanh một vòng:
– Không có ai. Tôi hỏi các bà, có ai nhặt được gói tiền ấy không?
Những người đàn bà lắc đầu. Thắng phẩy tay:
– Không có ai. Các ông các bà đi chỗ khác, bọn trẻ con lại đây.
Bọn trẻ con xô lại, nhao nhao thanh minh:
– Không phải cháu, không phải cháu.
Thắng quát:
– Im, tao hỏi từng đứa một, thằng kia vào đây.
Đứa đầu tiên con nhà Vẻ, nó câng câng. Thắng véo tai, nó kêu oai oái:
– Bác ngu thế, cháu nhặt được thì cháu đưa cho bố cháu chứ.
Thắng thoáng bối rối đẩy nó ra, gọi đứa khác. Cứ lần lượt anh xoắn tai tứng đứa nâng bổng lên, kể cả con anh. Bọn trẻ con đau đớn mặt đỏ phừng phừng, nước mắt nước mũi giàn giụa, gào khóc như bị xé thịt. Mọi người quay mặt đi không giám nhìn lũ trẻ. Ai cũng sót sa nhưng vì muốn chứng minh con mình vô can, đành nghiến răng cam chịu. Tra hỏi từng đứa xong, không tìm được thủ phạm, Thắng bảo:
– Chú xem lại đi có đúng rơi ở đây không, hay rơi ở chỗ khác?
Vẻ lắc đầu:
– Chỉ ở đây thôi, vì em không đi đâu, ngoài từ nhà sang đây.
Hạ nước mắt dòng dòng vì thương lũ trẻ, cô ấm ức:
– Xem kỹ lại đi, biết đâu rơi ở trên đường đến đây thì sao?
Vang từ đầu chẳng nói năng gì, đến cái lắc đầu cũng không, bây giờ anh mới lên tiếng:
– Ông chỉ có nhặt của người khác, chứ làm đếch gì có ai nhặt được của ông bao giờ?
Như bình xăng được châm lửa. Vẻ giận dữ lao đến túm cổ áo Vang:
– Mày bảo ai hở thằng ăn quỵt?
Vang gạt tay Vẻ ra thách thức:
– Tôi nói ông chứ con nói ai. May mà tôi không nhặt được, chứ nhặt được, thằng này để uống rượu chứ đừng hòng trả.
Không khí từ đầu đã căng như sợi dây đàn, bây giờ tất cả như đang trong chảo lửa. Tiếng khóc của bọn trẻ con chìm nghỉm, trong tiếng cãi vã của người lớn. Chiến ôm Vẻ, Thắng ôm Vang. Chiến nói như quát:
– Thôi tôi can hai chú, hai triệu bạc không đủ tiền chơi đĩ một đêm, có gì mà ầm cả lên, để dân làng họ cười cho.
Vẻ hất tóc về sau:
– Cười hở mười cái răng, ông đếch đủ tư cách can tôi. Tiền này là mồ hôi nước mắt chứ đ… phải như ông vơ được tiền chùa. Hôm nay tôi phải nói cho dân làng biết, đứa nào là đồ đạo đức giả.
Chiến rơ tay, Vẻ không kịp đỡ, cái tát làm anh hoa mắt. Như điên dại, Vẻ đẩy Chiến ngã nhào, anh lao vào bếp cầm con dao lăm lăm trên tay. Mọi người tái mặt dạt vào góc nhà. Bà Nhàn lao đến ôm lấy chân Vẻ. Vang bật khỏi tay Thắng, tìm được chiếc đòn gánh, hùng hổ xông vào. Ông Trác cúi người chắp tay vái lia lịa:
– Bố lạy các con, bố lậy các con.
Không khí chưa có chiều hướng hạ nhiệt. Mùi rượu, mùi mồ hôi, tiếng chủi bới, như trong đám đánh ghen. Những bà vợ đua nhau thề thốt, chủi mười đời, thằng nào, con nào nhặt được mà không trả. Những ông chồng chồm lên phân tích, lý giải. Nhưng tất cả đều không dấu được nét mặt đang run rẩy muốn tránh xa con dao trên tay Vẻ. Hạ cuống cuồng không biết sử lý ra sao, chợt trong đầu lóe lên ý nghĩ. Cô chạy vào buồng, mở rương lấy hai triệu đồng, trong số tiền mà người yêu mới đưa chiều qua, để chuẩn bị sắm đồ cưới. Hạ lao ra sân, cô hét to:
– Tất cả mọi người hãy dừng lại. Tôi nhặt được số tiền ấy đây, xin trả lại anh Vẻ. Tôi có lỗi, xin mọi người tha lỗi cho tôi. Ngày trước vì mười lăm triệu mà mất tình chú cháu, bây giờ không lẽ vì hai triệu, mà mất nốt tình anh em. Tôi xin mọi người, tôi xin mọi người.
Hạ khóc, tóc tai rũ rượi. Những đôi mắt ngơ ngẩn nhìn nhau, ngạc nhiên, lặng phắc. Vẻ bĩu môi khinh khỉnh, giật nắm tiền trên tay Hạ:
– Tưởng ai, hóa ra là bà cô.
Vợ Vẻ nhìn Hạ nguýt dài, chị giật mạnh tay chồng:
– Thôi đi về.
Đám đông lặng lẽ giải tán. Có một người lùi lại phía sau, đưa tay vào cạp quần, nắm chặt gói tiền nhặt được, nhếch mép như cười.
Nguyễn Thái Sơn

Xem thêm đề xuất

Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè

RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *