RadioVn.Com – Mưa. Lúc đầu tưởng to, nhưng chưa ướt hết cái sào nứa lại tạnh. Trời vẫn xầm xì, phía Bản Tọ từng khối mây đen như khói cháy rừng đang cuộn lên, đuổi nhau về Pú Luông. Có lẽ vừa nãy là khúc dạo, tí nữa mới là thật. Trời ập tối, Hào rùng mình một cái vào phòng khoác áo. Lạnh, sao thế nhỉ? Tháng sau mới lập đông cơ mà!
– Sang đây tớ bảo cái này.
Hào ngồi im trong bóng tối. Có tiếng dội nước, tiếng cái lược quăng xuống bàn.
– Đi. Không nghe thấy à? Sang đi.
Hào vẫn ngồi im, quay lưng ra ngoài, mắt chăm chăm vào phía cửa sổ nhờ nhờ sáng tối. Lâu lắm rồi, nó không được mở. Mở ra là lớp học, học sinh, âm thanh của hai bên vào nhau. Trò, thầy có khoảng cách; hai mảnh ván dổi găng, mắt không thấy thì chắc tai cũng nhẹ đi. Một điều nữa, vô hình… Hồi mới về trường, mỗi khi đẩy hai cánh ra Hào lại có cảm giác của người cởi truồng. Cánh giáo viên có gia đình lấy phòng Hào làm chỗ cởi bỏ mô phạm. Nước chè, cười nói, tỉa nhau… Chủ đề hay bị lặp, để rồi ngặt nghẽo cười tung bụi phấn là chuyện… ấy ấy, mai thao giảng không được. Hào quê chè, pha rót như dân trà đạo; nhưng chuyện ấy thì chỉ như học sinh.
– Ơ cái ông này, ngồi đây mà điếc hả. Khiếp… như con ma ấy.
Cúc nói và tiến sát mặt Hào, rồi xoay lưng lại… Em chưa buộc dây. Buộc hộ tí nào… đi! Em chỉ biết buộc lạt, cái này chịu. Hào nói, nhưng vẫn cầm hai đầu dây, tay run run. Đầu Cúc vừa chạm cằm Hào. Tóc xấu quá, đuôi xơ, ngọn chẻ. Dưới ánh điện nó vẫn không sáng lên được. Khổ! Không chăm bón tưới thì làm sao mà xanh tốt được. Hào định ghé môi thơm vào mái tóc ấy xem sao thì… Bạc! Tóc em bạc rồi! Hào kêu lên như gặp quỉ sứ. Tiếng kêu dồn hết cả vào đôi tay bên dưới. Thít, thít thật chặt.
Từ lâu không nói
Cứ làm như bó nứa, bó củi ấy? Chưa sờ con gái bao giờ à? Cúc cười phá lên. Kiểu cười như xoà ra hết cả tim gan. Hào thở phào, bao giờ cũng vậy cứ cười như thế này là tốt lành, thoát một trận ba máu sáu cơn.
Hào nhớ hôm mang quyết định về trường, ông Thảnh phân phòng, Hào nhận xong, sang chào Cúc, kiểu như ma mới trình ma cũ. Cúc đang ngồi dạng háng tay cầm búa và cái dép cao gót. Hào chào, Cúc nhìn từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu rồi hỏi “Văn Trường hai à? Sinh bảy mấy đấy?”. “Em sinh năm bảy sáu… Chị về đây lâu chưa?”. “Ô! Bảy sáu, kém tao xa, bắt nạt được đây”. Cúc cười, ngồi phệt luôn xuống đất. Hào vẫn còn gê gê tiếng cười, đôi môi chỗ trắng, chỗ đỏ. Cảm giác ấy nhưng Hào vẫn ngồi xuống, cầm búa. Cái dép phải, đầu quai đã mục, đinh đóng vào chỉ mớm được một tí, trẹo chân là lại đi tong. “Được đấy! Có vẻ đàn ông đấy”. Cúc xỏ chân, đi mấy bước, đầu ngoái trái, ngoái phải… Giá có con mắt đằng gáy thì tốt. Cái quần côn chật, phồng hết cả những thứ không nên. Hào ngại và xin phép về phòng dọn dẹp, sắp xếp. Cúc theo sang, thấy một đống sách trên giường bảo “Hi vọng là không phải như nhà sư gối đầu”. Hào chỉ vào đống sách “Em lên đây chỉ có ngần này và…”. Hào móc túi, hai tờ 50 nghìn, một tờ 100 xòe ra. Cúc bảo cứ ăn với tao, tiếp theo thích thì nữa, không thì bếp ai khói nấy. Rồi Cúc giảng giải: Phòng chúng ta là phòng khép kín, nấu nướng, ngủ nghê, tắm táp… tất trong ngần này. Mày đàn ông chắc xuống suối thôi. Tắm suối bao giờ chưa? Dưới xuôi làm gì có… Mê đấy. Toàn con gái Thái mười tám, trắng như chuối tía bóc bẹ.
Hào ăn với Cúc được hai tuần thì kết thúc. Hào thích nấu nướng, dọn rửa chẳng nề hà. Cúc vô tư, ruột gan trắng phớ. Tại ai? Hôm qua, dọn cơm ra thì có khách. Hai người đã bưng bát lên rồi, ông khách lò dò từ chân dốc lên. Hào ý tứ về phòng. Bên vách âm thanh thông thống… Tưởng không lên nữa. Không lên để mốc ra à! Trên này nhiều nắng gió, thơm cả ngày. Thật hay phét đấy, xem nào… Tiếng thở, tiếng chụt. Ôi… có mùi da trâu, thôi có lính mới rồi đấy, không ở hẳn đây là mất. Mất thì hôm nay cho hết sạch. Ái ái ái ái… Thôi đùa tí thôi, đàn em ý mà.
Bữa ấy là bữa chia tay. Hào ăn một mình, suốt đêm một mình. Trưa hôm sau, thấy tiếng mở cửa, Hào hỏi với sang. Cúc nói tiện xe, ra thị xã đến nhà bà đồng hương gửi ít quà về quê. Hào bảo thế mà chả biết nhờ mua mấy cuốn sách, nghe đài nói Nỗi buồn chiến tranh ra rồi. Mùa quá! Ai mang lên đây, bán cho mấy ông đi nương à. Thôi được, thích thì lần này ông Bắc về tao lệnh cho.
Hào đã quen dần với việc ăn một mình. Sáng 6h dậy, đun hai phích nước; trưa 11h nổi lửa, nồi cơm xong tức là xong – Mấy con cá khô nướng mươi phút là chén liền. Bên kia, bếp Cúc xèo xèo, rồi một lúc cũng lách cách mâm bát. Rồi chuyện với sang nhau. Chuyện cái váy, đôi dép, tao để kiểu tóc này được không… Hào bảo bà đẹp nhất bản rồi còn gì. Cúc bảo chị Lụa hai con học cấp II vẫn như gái mười tám. Cúc hỏi mày có lấy vợ ở đây không. Hào đáp em chưa biết, một thời gian chuyên môn cứng cứng lên đã, mấy lại còn phải có duyên. Cúc chạy sang – Cho mày miếng giò. Hào hỏi kiếm ở đâu ra… lúc này em chỉ thèm rau thôi. Cúc bảo tối nay sang bản với tao.
Tối, Hào ăn cơm xong từ lâu mà bên phòng Cúc vẫn còn tiếng dội nước. Hào bảo người có bốn mươi cân mà tắm gì lâu thế, làm như xuống phố không bằng. Nhưng mà nhiều hủm hố… Tại mày thanh niên tình nguyện hai can nước trưa nay đấy. Mười lăm phút đợi nữa thì Cúc ra. Ngực, vai lấm tấm ướt, mái tóc mỏng dính, bóng bóng.
Sang bản, Hào đã đi mấy lần thăm học sinh nghỉ học nhưng đây là lần đầu tiên, đi đêm. Đèn pin loang loáng, thỉnh thoảng một con sóc vụt qua; khoảng rừng phía trước thăm thẳm rồi lại thăm thẳm. Cúc hỏi mày đã bao giờ dắt tay người yêu trong đêm chưa. Hào bảo chưa, nhưng một lần, năm lớp 11, lớp bị mất trộm tiền, cô giáo giữ lại điều tra. Xe bạn gái bị sang vành, em đèo. Đi được nửa đường, xe em cũng nổ lốp, thế là hai đứa bên nhau. Em đã tỏ tình lúc một con rắn trườn qua đường. Thế hai đứa có lấy nhau không? Cúc hỏi và Hào cười phá lên… Cô giáo cũng có lúc học trò lớp 1 thế này đây. Sắp đến bản, Hào nhận ra đang xuống dốc. Đường bé tẹo, người vuông góc với những mảnh đá nhô ra. Tự lúc nào Cúc đã nắm tay Hào. Hào thấy âm ấm, bồng bềnh, tưởng tượng ra cái motip trai gái ôm nhau lăn tròn, lăn tròn, xuống chân dốc thì chậm lại… Hào lấy ngón tay cái rờ rờ bàn tay Cúc. Sao xương xương thế này? Sao lại nhăn nheo nhỉ? Mọi hôm, mỗi khi nghe tiếng dội nước tắm mình thấy bờ vai, đôi tay mềm mại mát mẻ cơ mà. Bất giác Hào ngồi xuống. Cúc rủ người xuống đùi Hào. Hơi nóng đường rừng, hương con gái phe phất. Hào đưa tay vuốt má Cúc. Tay Cúc đã vít đầu Hào xuống. Khoảng cách đôi môi chỉ tính bằng chớp mắt. Em buồn lắm, hay chúng mình không xuống bản nữa, tiếng em ngoằn ngoèo trong tiếng thở xốc lên. Tỏi! Tỏi! Hào hét lên và buông tay ra. Cúc lăn tự do. Hào cuống cuống tìm đèn pin. Đèn pin rời tay từ lúc nào, chĩa sáng xuống vùng thăm thẳm.
Hai người đến bản lúc tất cả đã đi ngủ. Hào cố nhớ một câu tiếng Thái gọi cứu nhưng không tài nào bật ra được. Trên vai, Cúc bám cổ nghẹt thở, Hào không dám gỡ tay, dù chỉ một chút cho dễ chịu. Hào đánh liều gõ cửa một nhà, không có tiếng đáp. Rồi cánh cửa ào bật, Hào và Cúc mất đà ngã vào trong.
– Bị chó sói à?
– Ngã à?
Đèn pin soi, đèn dầu thắp lên. Người nâng cả hai dậy, người đốt lửa, người chạy lên rừng lấy lá thuốc.
Hào bế Cúc đặt dựa vào cột nhà. Cúc ngọeo cổ, bếp lửa đã cao ngọn, hắt ánh rần rật trên khuôn mặt méo mó. Hào chẳng biết làm gì, lấy nồi, đổ nước xong để đấy, ngồi xổm bên Cúc. Cúc mở mắt rồi lại nhắm nghiền. Nhỡ Cúc chết… ý nghĩ loé đến, tay Hào đặt lên ngực Cúc.
– Cho nó uống thuốc này.
Hào bỏ tay ra. Cảm giác một tên trộm bị bắt quả tang cùng lúc ba người mang thuốc đến. Ông già nắn chân tay, bà già vuốt mái tóc, lấy bát thuốc từ tay thằng bé. Không gãy xương đâu, may rồi, về chăm nó mấy hôm, hết đau là khỏi. Ông già nói tiếng phổ thông rất rõ ràng.
Từ lâu không nói
Sáng hôm sau, lúc Hào còn đang trong chăn thì có tiếng léo nhéo dưới sân… Gọi đi, cô Cúc ở phòng này. Cô đau làm sao mà dậy được. Hay là mang lên lớp, trưa xuống… Hào mở cửa. Một đứa má bầu bầu nói: Thầy giáo. Em cho cô Cúc trứng. Hai đứa kia cũng mở túi thổ cẩm, đứa nắm xôi, đứa mấy cây rau. Hào đưa cả hai tay nhận, lấy chân đẩy cửa phòng Cúc. Lũ trẻ ùa vào, ngồi bên Cúc, chả đứa nào nói gì.
Làm chồng được đấy! Hào giật bắn mình. Cánh giáo viên đứng chật trong phòng, tóm gọn Hào đang bón xôi cho Cúc. Nắm xôi trò vừa cho. Hào đứng lên mặt đỏ bừng. Chị Lụa ngồi xuống giường, luồn tay xuống chăn sờ nắn, Cúc rên khe khẽ. Hào chạy về phòng lấy cái phích, bộ trà.
Đêm hôm rủ nhau đi thăm trò, trời bắt ngã một cái hay thật, tiếng Thỏa. Rồi bất ngờ, tất cả đồng thanh… anh ạ… anh ạ… Trời đất, chúng nó bỏ học thì cứ bảo tôi, tôi nói với trưởng bản là xong hết. Thôi cho nghỉ hết tuần, tí nữa hội ý Ban giám hiệu điều chỉnh chủ nhiệm, giảng dạy. Tất cả im phắc nghe ông Thảnh như trong họp hội đồng.
Hào cầm ấm trà sang thì vừa lúc ông Thảnh bước qua bậu cửa. Ông Thảnh vỗ vai Hào: Này, cơm nước chăm sóc giúp Cúc nhé. Có hai cậu tập thể với nhau. Hào vâng, ông Thảnh cắp cặp đi lên dốc vừa lúc trống vào lớp.
Chăm Cúc thật khó. Khoản ăn uống, thuốc men Hào quen rồi. Hồi mẹ ung thư giai đoạn cuối, Hào như con gái… Bón cháo, vắt nước quít, tắm rửa, thay quần áo cho mẹ. Mẹ chẳng đòi hỏi gì, chỉ đôi mắt rồi thỉnh thoảng cả khuôn mặt vụt lên cười. Nhưng Cúc thì làm sao ấy. Vừa bón cháo xong, chuyện trò khoẻ khoắn, thấy mọi người đến lại rên. Hỏi muốn gì lắc đầu. Thỏa đặt tay lên chăn đã nhăn mặt… Thỏa cười đứng lên ghé tai Hào: Làm nũng đấy, au **luôn đi. Chị Lụa cũng cười cười: Thoát làm sao được, xem cái kiểu chăm người ốm khéo thế này có khi nghỉ hè dắt nhau về quê báo cáo.
Cúc mới tập tễnh đi được thì một cái ngắt đánh sập. Ông khách hồi tháng hai đến. Anh Bắc phải không nhỉ! Cúc ốm mong anh lắm, Hào vẫn nhớ cái tay buôn da trâu, thì mới hơn hai tháng trước chứ đâu xa. Mấy câu đưa Hào thoát đi ra, giả chỗ cho ông khách quí.
Hào xuống nhà Ren, thấy ông già cứ nhìn mình. Ren hỏi Hào về Cúc, rồi bảo: Chú kết nó thì anh không ngăn nhưng xem lại cái đám da trâu kia đi, dứt điểm một mối. Hào cười: Vừa phải bật ra đây. Vợ Ren về, mời Hào ở lại ăn cơm, Hào chối, chuyện mấy câu rồi chào về luôn. Ông già đứng dậy nắm tay Hào hỏi: Vợ anh khoẻ chưa? Hào tròn mắt. Ông già lại tiếp… Hôm anh cõng cô về luôn đêm, lo quá mà không đi theo… Hiểu, Hào định nói thì thấy Bắc từ trên dốc xuống, đi sau là Cúc. Vừa lúc nãy còn tập tễnh, Hào phải ôm eo dìu đi cơ mà. Cúc đang đứng trước, hình như là khóc.
Chiếc xe tải đã khuất hẳn sau dãy Pú Luông, làn khói loãng tệch cũng hết chỉ còn bụi đường chầm chậm. Hào định rẽ liều vào một nhà nhưng có tiếng như ra lệnh: Đi đâu, bạn bè định bỏ nhau lúc này à. Không thấy người, hình như là từ trong cái nhà bên đường phát ra. Hào chạy xuống như vô thức, đỡ lấy cái thân hình đang xiêu vẹo của Cúc.
Vừa tối, trời mưa lâm thâm, thấy ren rét. Hào khoá cửa phòng, cầm đèn pin ra. Cúc mặc cái váy hôm nọ ngồi ở bậu cửa. Hào nói trống không: Xuống khu gia đình chơi tí. Cúc đứng dậy: Đừng đi, tối nào cũng đi, mưa thế này ốm đấy, một người ốm là đủ rồi… Mai không có tiết ở nhà làm cái gì… Hào nói nhưng thoáng chần chừ. Cái váy, đôi mắt da diết kiểu gì là lạ như cầu cứu, như van xin. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, trời tối hẳn, Hào dọi đèn pin thẳng vào mặt Cúc. Cúc nheo mắt, che tay, mở ra rồi lại che như chống chọi. Hào hai tay nắm đèn pin đi lùi trong luồng ánh sáng yểm trợ. Chao ôi… sao giống như bộ đội cầm khẩu AK nhả đạn rút lui bảo toàn lực lượng. ý nghĩ chợt đến khiến Hào muốn quay lại đỡ cái thân hình bé nhỏ kia hoặc chí ít cũng động viên một câu. Nhưng, Hào xuống chân dốc rồi. Tắt đèn, đi như chạy. Luồng gió tự tạo táp vào mặt Hào rát rạt. ào ạt, ào ạt hình ảnh Cúc.
Trưa hôm sau, Hào mới về phòng. Phòng Cúc khoá cửa.
Sáng hôm sau, cánh giáo viên lại “phòng chờ” ở phòng Hào. Thoả hỏi Hào: Cái Cúc nó đi đâu ấy nhỉ? Chị Lụa bảo: Nó đi thị xã, xin phép ông Thảnh rồi. Ren nhìn Hào: Thế nó đi không bảo chú à? Hào im lặng, rót trà vàng sánh vào chén mọi người.
Trưa hôm sau nữa, Cúc về. Hào nghe tiếng lạch xạch mở khoá nhưng im trong chăn, ngủ không nghe thấy. Một lát sau, có tiếng chị Lụa: Mệt lắm không em. Đừng làm việc gì nặng nhé, nước bảo thằng Hào nó thồ cho… à mà này, bữa nào cũng phải ăn rau ngót đấy. Lên lớp chị sẽ mang luôn cho.
Hào dậy, ngồi rửa mặt ở hè, lờ mờ câu chuyện. Chị Lụa sang vỗ vai: Cúc nó ốm đấy. Khoản nước, chú chịu khó thồ cho nó nhé.
Hết tiết, Hào xuống mó nước, lúc về vào nhà chị Lụa. Chị đang cắt rau ngót ngoài vườn. Vườn rau nhà chị thích thật, bắp cải, xu hào… mỡ màng, Hào chầm chậm ngắm, thích thú như khách du lịch. Đến luống tỏi, Hào ngồi xuống và nói: Em nhổ mấy cây về cho Cúc nhé. ốm bao giờ Cúc cũng ăn tỏi. Chị Lụa bảo: Ừ, tỏi vừa ngon vừa nhiều kháng sinh. Hào cầm ba cây tỏi, lên xe, hai can nước nặng, tay lái chệnh choạng. Chị Lụa giữ xe, nói như nói một mình: Giá chú về trường sớm hơn… à mà còn ai nữa đâu mà chả gật. Khó thế.
Hào gò lưng đạp xe lên dốc. Đến phòng, Hào và xe ngã quay đơ dưới hè, cái nặng mệt bây giờ mới ngấm. Cúc từ trong ra, định đỡ thì Hào đã dựng xe, cởi can nước.
Buổi trưa, trường vắng tanh. Hào thoáng ngại. Bố Hào hôm cho Hào đi Pú Luông đã dặn “Con phải tỉnh táo trong mọi trường hợp”. Hào vẫn tỉnh táo, … cái tay, đôi vai, ngồi không muốn đứng lên… Tự Hào đang xoa đi những ê ẩm.
* Au: Làm (Tiếng Thái)
Điện Biên, 08/ 12/ 2009
————
Tác giả: Du An
Từ khóatruyện đêm khuya
Xem thêm đề xuất
Cafe âm nhạc 12h – Mùa hè
RadioVn.Com – “Đẹp như ánh bình minh bừng lên giữa đêm tối …Đẹp như cánh đồng …